Biết Bao Nước Chảy Qua Cầu…Chuyện tháng tư của Thu Lê
30/04/2021
Thu Lê
George.(hình tác giả cung cấp)
Hồi trước cứ mỗi lần Tết đến là tôi đều chọn một ngày đầu năm để “ngày xuân khai bút”, viết xuống tâm tư suy nghĩ của mình. Làm như lúc này là lúc tôi để ý đến thời gian, tuổi tác, chuyện xưa và những kỷ niệm, những dự định tương lai…hơn bao giờ hết. Sau biến cố 75 và di cư sang Mỹ thì những ngày đầu năm âm lịch không còn là cái mốc để tôi “ôn cố tri tân” nữa. Tháng 4, đúng ra là ngày 30 tháng 4 mới là ngày tôi dừng lại, ngược dòng thời gian về qúa khứ hay nghĩ đến những ngày trước mặt…
Thế là tôi đã ở đất nước này được 46 năm. Thật không ngờ thời gian đã đi nhanh thế. Rời Việt nam vội vã trong lúc dầu sôi lửa bỏng, chúng tôi được máy bay quân sự chở hàng của Mỹ bốc đi từ phi trường Tân Sơn Nhất, dừng lại 2,3 đảo trên Thái Bình Dương, qua Guam và cuối cùng tới một trại lính ở Ft. Chaffee, Arkansas để chờ đợi và được bảo lãnh về California. 130.000 ngàn người Việt lúc đó được điều động, di chuyển, đón tiếp, và được các hội nhà thờ giúp đỡ trong việc định cư, hội nhập một xã hội được tiếng là tạo thành bởi những người di dân, người tị nạn từ tứ xứ…Tôi còn giữ làm kỷ niệm tờ phát cho các con chiên của nhà thờ bảo trợ chúng tôi trong buổi giới thiệu gia đình tôi tại Ventura…
In the Gospel of Mathew the scripture says, “When the Son of Man comes in his glory, and all the angels with him, he will sit on his throne in heavenly glory….Then the King will say…”For I was hungry and you gave me something to eat, I was thirsty and you gave me something to drink, I was a stranger and you invited me in”. Jesus will commend those who treated his brothers in this manner when he comes again….
Tôi cảm nhận được và phải cảm kích tấm lòng rộng mở của người dân Mỹ đối với người tỵ nạn và mặc dù sống ở đây sau bao nhiêu năm, đã an cư lạc nghiệp, đã nhận nơi này làm quê hương thứ hai, tôi chẳng quên mình đã là di dân, hay đã dửng dưng không thông cảm hay đồng điệu với những người tứ xứ đến sau mình…
&&&
Tháng 4 năm 1975, Saigon như một nồi “súp de” đang sôi sục. Mọi người như trong cơn mê hoảng, chạy ráo rác, ngược xuôi. Không ai nói với ai nhưng trong lòng như lửa đốt, như muốn tìm một cái gì, chờ đợi một cái gì xẩy ra, hoặc không biết mình sẽ đi đâu. Tôi hoàn toàn không có một ý niệm về tình hình sẽ ra sao, hay không thể tưởng tượng được sẽ có một cuộc di cư vĩ đại nào như lần di chuyển từ Bắc xuống Nam bằng tầu Mỹ 21 năm trước. Nhưng tôi biết rõ một điều là nếu CS vào chiếm miền nam thì những người bắc di cư như chúng tôi năm 54 khi VN chia đôi chắc là khó sống! Rồi những năm sau này ở miền nam, tôi có làm việc ở 1 nơi gọi là Staff Development Center (SDC) của cơ quan USAID, chuyên dạy tiếng Anh cho các viên chức VN được gửi đi du học hay công vụ ngắn hạn tại Hoa kỳ. Cũng như những người đã làm sở Mỹ, có cái gì dình dáng đến Mỹ đều làm cho mọi người lo sợ.
Đường phố Saigon lúc đó đông đúc, hỗn độn, và kẹt xe kinh khủng vì người các nơi miền trung đổ về. Mọi người chạy đôn đáo, tìm mối manh, nghe tin tức. Văn phòng của USAID nơi tôi đang dậy cũng âm thầm gói ghém, thu gọn. Anh trưởng phòng nhân viên nói nhỏ cho biết cũng có thể là Usaid có phương tiện giúp cho nhân viên và các giáo sư cùng gia đình di tản, nhưng nên chọn ở địa chỉ nào dễ kiếm vì xe đến đón chẳng biết giờ nào ngày hay đêm và cũng chẳng biết sẽ đi đâu. Bọn tôi nghe mừng quá, vội khăn gói thu xếp vài túi quần áo và giấy tờ cần thiết rủ nhau về nhà bố mẹ chồng tôi ở ngay khu cư xá Kiến Thiết gần cầu Công Lý, đối diện với chùa Vĩnh Nghiêm, cũng gần với cả nhà bố mẹ tôi ở khu Phú Nhuận bên kia cầu.
Mới về nhà các cụ tối hôm trước, sáng hôm sau tôi lại đến trường Anh văn USAID để thăm thú tình hình. Đến trưa vừa về tới cổng nhà bố mẹ chồng tôi thì một anh Mỹ trẻ cũng vừa bước tới. Anh giới thiệu anh tên George và đưa ra một mảnh giấy nhỏ có chữ viết của người em ruột nhà tôi: “ Con gặp ông Mỹ này ở phi trường Tân Sơn Nhất đang giúp đưa người đi. Cậu mợ cứ theo ông ấy, chắc không mất nhiều tiền gì đâu. Con đang ở ngoài phi trường đang chờ lên máy bay với một gia đình khác.” Chú em viết thế vì mấy hôm trước cũng có ráo rác chuyện tìm xem có người nào làm sở Mỹ ở Sài gòn có thể lo giấy tờ đưa đi di tản và thấy đều phải mất khá nhiều tiền. Thật là một điều may mắn anh George này đến đúng lúc tôi có mặt ở nhà vì lúc đó tôi là người duy nhất trong nhà nói được tiếng Anh …. tạm gọi là thông thạo!
Cầm tờ giấy chú em viết, tôi hỏi thử George:
“Ngoài hai ông bà già còn 2 vợ chồng tôi và 2 đứa nhỏ. Gần ngay đây có gia đình anh chị tôi nữa. Vậy có đi được cả không? “
Anh chàng Mỹ trông hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ này gật đầu một cách dễ dàng, cũng chẳng hỏi là có bao nhiêu người. Thật không thể ngờ được, cứ như người trúng số độc đắc, tôi mừng húm mời anh ta lên nhà trên ngồi chờ trong khi báo cho bố mẹ chồng con và gia đình anh chị. Bà chị dâu lúc đó đang làm việc ở Ngân hàng Quốc Gia, vội vã bỏ sở đi về, tập trung gia đình vợ chồng và 5 đứa con nhỏ chạy về nhà chúng tôi, nhanh lắm cũng phải mất 1 giờ đồng hồ trong khi tôi ngồi nhấp nhổm lo tiếp chuyện với người khách quí chỉ sợ anh ta không chịu chờ.
Cũng trong lúc chờ đợi đó tôi gọi điện thoại cho bố mẹ tôi ở Phú Nhuận, và được biết cả nhà đã có hứa hẹn và thu xếp sẽ đi với một nhóm người theo một tầu Hải quân tối hôm đó. Thế là tôi yên tâm theo George với chiếc xe station wagon khá lớn chất cả 13 mạng lớn nhỏ lên xe! Hồi hộp khi đi đến 1 check point gần phi trường, tim đập thùm thụp, người nào người nấy im khe. Ông anh rể là một thẩm phán trung tá Quân pháp ngồi ghế đằng sau tự động cúi thấp người xuống né tránh cái nhìn của người lính gác đang xem giấy tờ của George đưa ra. Cả bọn thở phào khi xe được đi qua trót lọt, nghĩ bụng chắc vì người chủ xe là Mỹ, chứ cả bọn này thì chẳng có giấy tờ gì để ra phi trường cả. Trên đường đi thấy bao nhiêu xe cộ bỏ lại ngổn ngang bên lề đường.
Khi vào đến phía trong phi trường chúng tôi mới choáng người thấy biết bao nhiêu người đã đi trước mình, đang tụ tập chờ đợi ở 1 khu của Mỹ gọi là DAO (Defense Attache’ Office). Chúng tôi được đưa vào khu bowling alley cũng đầy nhóc những người, nhập bọn với một gia đình khác quen George làm thành 1 tờ danh sách 20 người gọi là Affidavit mà George đứng đơn. Tôi vẫn là người đi theo George cầm tờ Affidavit này qua một khu khác xếp hàng xin kiểm soát tên và đóng dấu trong khi cả nhà ngồi chờ ở khu bowling. Đang lo lắng phờ phạc cũng phải bật cười vì thấy George liệt kê 20 tên trong danh sách cùng xác định liên hệ gia đình thân tộc với George thế nào cho hợp lý vì có khá nhiều HỌ khác nhau! Họ Nguyễn họ Lê nhiều hơn cả, nhưng còn họ Lâm, họ Mã v.v. tùm lum. Bố mẹ chồng tôi già nhất được làm cha mẹ, chọn 1 cô trẻ trẻ làm vợ George, còn tất cả hoặc là con cái, anh em, chị dâu anh rể, thậm chí cả anh em cùng cha khác mẹ (stepbrother)! Mình cũng biết là làm đại kháí cho có vẻ hợp lý thôi chứ không ai vạch vòi làm khó dễ gì.
Được tờ giấy đóng dấu xong thì trời đã tối xầm, tôi xếp hàng dài dằng dặc trước một cái máy điện thoại công cộng, mong gọi được điện thoại về gia đình tôi xem sự thể thế nào, đã đi hay chưa? Điện thoại reo hoài không thấy ai trả lời, muốn thử gọi lại lần nữa, nhưng nhìn lại thấy bao nhiêu con mắt đứng đàng sau mình chờ đợi đến lượt dùng điện thoại tôi đành thôi, nhưng cũng yên trí là cả nhà đi rồi như đã nói hồi trưa.
Khi George và tôi chia tay, anh nói anh còn ở lại giúp đưa thêm vài người nữa và hỏi tôi có cần giúp ai không thì đưa cho anh địa chỉ. Tôi đã làm một điều ngu xuẩn nhất trong đời, làm cho tôi ân hận mãi là đã không nghĩ đến việc đưa địa chỉ gia đình tôi cho George vì yên trí là cả nhà đã đi rồi. Sau này mới rõ gia đình chỉ tạm lánh đi chỗ khác vì sợ VC pháo kích vào khu phi trường gần nhà và chuyến dự định đi với tầu hải quân sau này cũng không thành và cả nhà bị kẹt lại.
Tôi lúng túng hỏi George về số tiền tôi phải trả cho anh, nhưng George lắc đầu, nói một câu ngắn gọn mà tôi còn nhớ mãi,” No, nothing. You can’t buy us Americans.” Đó là lần gặp George đầu tiên và cũng là lần cuối. Chúng tôi không biết gì thêm về George và cũng không biết mấy ngày sau USAID có đón được ai của trường Anh Văn Staff Development Center không?
& & &
Chúng tôi chờ ở phi trường TSN đến trưa ngày hôm sau thì được máy bay quân sự chở hàng của Hoa Kỳ C-130 bốc đi. Bên trong máy bay đã được rỡ bỏ các hàng ghế để có chỗ cho nhiều người ngồi cả xuống sàn máy bay. Tôi phải lách luồn 2,3 hàng người ngồi mới đưa được chai nước cho bố mẹ chồng.
Điểm dừng đầu tiên là Grande Islands ở Subic Bay là một căn cứ của Mỹ ở Phi luật tân. Ở đó 2 ngày rồi bay tiếp qua mấy điểm khác như đảo Wake, Clark, và sau tới Guam trên Thái Bình Dương. Buổi sáng mồng 1 tháng 5, tôi không ngủ được, dậy sớm ra chỗ máy nước công cộng gần khu tạm cư để rửa tay thì nghe tin đã mất Saigon. Chẳng thể nào diễn tả được tâm trạng tôi ( và có lẽ cả bao nhiêu người khác?) lúc bấy giờ…. Mất Saigon rồi ư? Mình đang ở đâu đây? Có phải mình là kẻ vô gia cư, đang mất quê hương và tổ quốc? Rồi mình sẽ ra sao.?? Đầu óc lộn xộn đi như người mất hồn hay đang trong cơn mộng du. Nghĩ đến và dường như thấm hiểu 2 chữ ‘tha hương’ hay ‘tha phương’. Lòng tôi chùng xuống và nước mắt rưng rưng…..
& & &
36 năm sau….
Chú em nhà tôi (sang Úc từ sau chuyến gặp gỡ gia đình ngắn ngủi ở phi trường năm 75) vừa thư cho biết, qua một người bạn Úc làm cùng sở với George ở VN ngày trước, tình cờ mới được người này cho biết George hiện đang sống ở VN. Thật là một điều kỳ diệu không thể tưởng tượng được. Chúng tôi thư cho George ngay và nhận được thư trả lời:
Tháng 8, 2011:
Dear friends,
It’s amazing we have crossed each other’s path again…!
Tôi đến VN lần đầu đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất tháng 11 năm 1968. Tôi còn nhớ rõ như chuyện ngày hôm qua. Lúc máy bay hạ cánh thì trời đang lúc giữa trưa và máy bay đậu rất xa cửa ra phi trường. Chúng tôi phải lên xe bus đi vào. Mặt trời hắt vào mặt và trên trời không có lấy một cụm mây. Thật cứ như là bước vào lò lửa. Nhưng chẳng hiểu sao cái mùi không khí VN vẫn còn như in trong trí nhớ của tôi ngày hôm nay. Nó rất là dễ chịu, hơn cả những thứ hoa mà tôi biết. Sau này mỗi khi tôi bay về TSN, tôi thích thú nhất là lúc xuống máy bay, hít thở thật mạnh cứ nghĩ như là mình đã ‘tới nhà’! Thật là một cảm tưởng ấm cúng. Những năm sau này thì khi ra khỏi máy bay là đã bước vào cửa đã đóng kín lại có máy lạnh nên mùi không khí không còn nhiều nữa nhưng tôi vẫn nhận ra mùi như vậy, chẳng hiểu tại sao. Làm sao mà một chàng trai từ nông trại Wisconsin lại có chỗ ấm cúng trong tim mình cho VN nhỉ? Tôi thật chẳng bao giờ biết, nhưng tôi biết là tôi đang và chỉ muốn tận hưởng điều đó thôi…
Really it is a small world that we live in. Much water has indeed gone under the bridge!
Thật là điều kỳ diệu chúng ta đã có thể gặp lại nhau sau 36 năm.
Tôi đến VN năm 1968, làm được 5 năm cho hảng thầu RMK, một công ty cầu đường của Hoa kỳ ở VN rồi trở về Mỹ. Tôi nhớ thời gian hỗn loạn năm 1975 chứ. Lúc đó tôi từ Mỹ trở lại VN với ý định đem 1 người bạn Việt rất thân ra khỏi nước. Tôi đã đưa bạn tôi đến Mỹ nhưng lại không về ngay và loanh quanh Saigon với ý định giúp thêm người quen ra khỏi nước. và tôi gặp người em của các bạn, và tôi lo giấy tờ cho các bạn như đã biết.
Sau đó cũng chẳng nghĩ gì đến chuyện có thể trở về VN, tôi về Mỹ làm cho SRI International ở Menlo Park được 5 năm. Nơi này, bạn biết đấy, rất là đẹp. Nhưng tâm hồn tôi luôn luôn lãng đãng nghĩ về VN. Rồi tôi chuyển sang làm cho CA Express nhiều năm chuyên lo gửi hàng qua Singapore và Việt Nam. Đây là 1 công ty chuyên gửi đồ cho những người VN ở Mỹ có thân nhân và bạn bè còn trong nước. Tôi tiếp tục làm cho hãng này nhiều năm, cứ đáp máy bay đi lại từ San Francisco đến Singapore và đi nhiều chuyến bay từ Singapore đến Tân Sơn Nhất. Rất bận rộn nhưng vui công việc này lắm. Thường cố dành chỗ cạnh cửa sổ máy bay để có thể nhìn xuống và thấy VN lúc máy bay gần đáp xuống. Thật là vui và háo hức khi nhìn thấy bờ biển VN. …
Rồi mọi sự dẫn đến điều tốt đẹp nhất. Lần đến VN năm 1995, tôi quyết định ở lại cho đến bây giờ đã được 16 năm rồi. I feel so much at home, much more than I ever was back in the US! Quả là một tình cảm đặc biệt, khó mà tôi giải thích được.
Bạn hỏi tôi có ý định trở về Mỹ không, dù là chỉ thăm thôi? Thiệt tôi không nghĩ đến, thấy đó là 1 hành trình quá dài với tôi, bây giờ đã già rồi, 70 tuổi rồi. Cũng có thể lắm chứ, nhưng hiện giờ thì chẳng có chương trình gì. Có điều ở VN quen rồi, lại thấy khí hậu ở Mỹ lạnh quá!!!
Ý chừng tôi đã mãn nguyện ở nơi này và vì đã từng đi đây đi đó nhiều rồi nên cứ ở đây thì tốt hơn. Tôi xa Mỹ lâu quá nên tôi không có bằng lái xe ở Cali nữa. Vì vậy nếu có trở lại chắc phải trông vào phương tiện di chuyển công cộng hay bạn bè đưa đi thôi. Tôi xưa nay vẫn là sống độc lập vì vậy không có bằng lái xe quả là một thay đổi lớn….
& & &
Và thế là George và chúng tôi thư từ điện thoại qua lại. George đã gặp gia đình con gái tôi trong 2 chuyến các cháu về thăm VN. George sống rất gần gũi với một gia đình VN có mấy anh chị em ở gần nhà George. Chúng tôi gửi tiền “lì xì” cho George vào dịp tết hay giáng sinh (mặc dù anh không cần), anh tổ chức party cho trẻ con lối xóm rất vui, hoặc rủ bà con đi ăn tiệm, có lần cùng bạn bè đi thăm cô nhi viện. Ngoài ngôi nhà đang ở tại Gò Vấp, George còn có một ngôi nhà nghỉ ở Củ Chi để thỉnh thoảng ra khỏi khu Saigon về vùng quê yên tĩnh. George cũng có gặp vài học trò cũ của tôi ở VN mà tôi nhờ đến thăm và đã có lần đi dự tiệc của nữ sinh Lê Văn Duyệt mời…
Năm 2016, vào dịp Giáng Sinh, George trở qua CA ăn cưới con gái của 1 gia đình Việt ở San Jose, người mà anh đã giúp rời VN năm 75 (như đã giúp gia đình tôi). Hai vợ chồng tôi bay lên San Jose để gặp George được vài ngày, rất tiếc không đưa George đi chơi được vì quả nhiên anh không quen cái lạnh ở Mỹ nên bị cảm lạnh khá nặng khi đến Cali. Chúng tôi đi ăn tiệm Mỹ được 2 lần vì George muốn và nhớ đồ ăn Mỹ chứ không xa lạ gì với đồ ăn VN sau bao nhiêu năm ở trên đất Việt.
Một năm sau khi từ Cali về VN, George vẫn tiếp tục liên lạc và kể chuyện đi chơi khu du lịch Đà nẵng Bà nà. Thư cuối cùng anh kể chuyện ra cửa hàng quần áo của gia đình Việt của anh vào buổi tối vui chơi và ăn mực nướng ngon quá!…Anh chấm dứt điện thư bằng một câu: “ Life is good!”
Rồi bẵng đi nửa năm sau không nghe tin tức gì. Tôi gọi điện vào dịp Giáng sinh, rồi dịp tết VN, rồi điện thư đều không thấy trả lời. Cuối cùng mới liên lạc được với gia đình người bạn Việt và mới biết một hôm George thấy mệt và đột quị trong khi người nhà đang chở đi nhà thương. Gia đình người bạn Việt của George đã làm ma chay cho George như là một người Việt trên đất Việt.
Thế là người ân nhân của chúng tôi mất đã được 4 năm rồi. George đến và đi nhanh như một vì sao vụt tắt. Chúng tôi không khỏi ngậm ngùi vì lời hứa hẹn là sẽ gặp nhau nữa tại VN chưa thực hiện được nhưng cũng an ủi mình đã gặp lại nhau tại San Jose sau 40 năm với bao nhiêu nước chảy qua cầu….
Thu Lê ( 21 tháng 4, 2021)
No comments:
Post a Comment