MỘT KỶ NIỆM NHỎ ĐỂ TƯỞNG NHỚ VỊ KHOA TRƯỞNG ĐẦU TIÊN CỦA ĐẠI HỌC Y KHOA HUẾ
Phùng Hữu Chí
Việc thành lập Viện Đại Học Huế (3/1957) là do sáng kiến của tổng thống Ngô Đình Diệm với lý do chính trị và văn hóa. Đến cuối năm 1958, linh mục Cao Văn Luận, viện trưởng Viện ĐH Huế, bắt đầu nghĩ đến việc mở ĐH Y khoa Huế vì LM nhận thấy số bác sĩ phục vụ cho bệnh nhân còn quá ít (theo thống kê vào lúc đó ở Việt Nam, cứ 30.000 người dân mới có một bác sĩ) và một số lớn học sinh Huế đậu tú tài, vì lý do kinh tế, muốn học Y khoa mà không thể vào Saigon để học được.
Sau bao nhiêu khó khăn trở ngại, sắc lệnh thành lập ĐHYK Huế được ban hành. Nắm được sắc lệnh trong tay, LM Cao Văn Luận với tánh kiên nhẫn, tài ngoại giao lại là người có tâm huyết, đã đi “gõ cửa” các tòa Đại sứ tại Saigon: Mỹ, Pháp, Tây Đức, Gia Nã Đại để xin hỗ trợ.
Đại học Y khoa Freiburg tại Tây Đức, sau khi cứu xét phúc trình của giáo-sư Krainick (đã điều nghiên 2 tháng thực tế tại Huế), đã đồng ý bảo trợ cho Y khoa Huế. Từ nay giấc mơ của các em học sinh nghèo ở cố đô với lòng hiếu học, tánh cần-cù chịu đựng muốn khoác “áo trắng” đã thành sự thực, khỏi vào Saigon với bao nhiêu tốn kém.
Một vấn đề lớn đặt ra: Ai sẽ là vị Khoa-trưởng đầu tiên để lèo lái chiếc tàu ĐHYK Huế ? Tại cố đô có một vị bác sĩ rất nổi tiếng – Lê Khắc Quyến. Về chuyên môn tay nghề và lòng nhân ái, bs Quyến rất được dân chúng kính trọng và quý mến.Tuy nhiên bs Quyến không có tước vị giảng dạy đại học y khoa. Do đó phải tìm một giáo sư Việt nam khác. Các vị giáo sư tại Saigon chắc hẳn không ai “muốn”, cũng không ai “dám” đảm nhiệm chức vụ khó khăn này.
Bs Giáo sư Lê Tấn Vĩnh,
LM Cao văn Luận và bs. Quyến xuất ngoại sang Tây Đức để vận động thêm ở các đại học cùng các tiểu bang, sau đó sang Paris với mục tiêu tìm một vị giáo sư Việt nam nổi tiếng mời về làm Khoa trưởng. Không hiểu vì “cơ duyên” nào, LM và Bs. đã tiếp xúc với Bs Lê Tấn Vĩnh, giáo sư thạc sĩ y khoa đang làm việc tại Phòng Nghiên cứu của Giáo sư Lelong tại ĐHYK
Paris. Gs Vĩnh không thể thường trực ở Huế được, vì công việc nghiên cứu không bỏ dở dang được, nên chỉ đảm trách Khoa trưởng YK Huế 6 tháng mỗi năm.
Gs Vĩnh về VN đảm nhiệm Khoa trưởng ĐHYK Huế. Nhưng sau một thời gian, Gs Vĩnh vì lý do bệnh tật về Pháp và báo cho LM Luận xin từ chức. Theo LM Cao Văn Luận, sự việc còn có nhiều uẩn khúc (bạn đọc muốn tìm hiểu thêm xin xem quyển Hồi ký bên dòng lịch sử của LM Cao Văn Luận).
Về bệnh tật, tác giả bài nầy có một kỷ niệm nhỏ với Gs Vĩnh: Vào cuối năm 1962, tôi đang làm y sĩ trung úy tại Bệnh viện 2 Dã chiến (nói là bệnh viện chớ thực ra chỉ là vài căn nhà lá trên một bãi đất trống) ở một khu rừng ngoại ô Kontum, thì nhận đựơc tin có nghị định của bộ Giáo dục mở cuộc thi tuyển giảng nghiệm viên cho ĐHYK Huế. Nếu trúng tuyển, các bác sĩ hiện đang phục vụ trong quân đội sẽ được giải ngũ. Tôi vội làm đơn xin dự thi, một mặt tìm cách cho thân nhân ở Saigon chuyển sách vở lên Kontum để “tụng” bài thi.
Cuộc thi tuyển chia làm 2 ngành: Nội khoa và Ngoại khoa. Về thi viết, thí sinh thi Nội khoa sẽ thi bài Sinh lý học, thí sinh Ngoại khoa sẽ thi bài Cơ thể học. Thêm vào đó cả 2 sẽ thi viết cho một đề tài.
Nội ngoại khoa (Bs Tự vừa đã nhắc cho tôi nhớ lại đề thi lúc đó: Diagnostic et Traitement des Grandes Hematemeses superieures/Chẩn đoán và Điều trị Xuất huyết Tiêu hóa trên, nặng). Các đề thi đều bằng tiếng Pháp (thí sinh có thể viết tiếng Pháp hay Anh).
Sau khi đậu thi viết, thí sinh sẽ vào vấn đáp: bốc thăm chọn đề thi, vào phòng cách ly để chuẩn bị đề tài trong 30 phút, sau đó ra trình bày trước ban giám khảo và trả lời các câu hỏi.
Thành phần ban giám khảo, tôi không nhớ rõ hết, lúc đó gồm có Gs Lê Tấn Vĩnh, đại tá quân Bs Vương Quang Trường, cục trưởng cục Quân y, Bs Đinh Văn Tùng (Đà Nẵng) làm tổng thơ ký, các Gs người Đức: Krainick, Discher, khoa trưởng người Pháp của ĐHYK Phnom Penh và một G Pháp thuộc bệnh viện Grall Saigon. (Theo tôi đựơc biết kỳ thi tuyển nầy là lần thứ nhứt cũng là lần cuối cùng có ban giám khảo quốc tế “nặng ký” như vậy, về sau các cuộc thi tuyển đều là “cây nhà lá vườn”).
Đến lựơt tôi vào phòng thi để bốc thăm, thì thình lình Gs Vĩnh ngã xuống bất tỉnh. Các Gs chạy quanh Gs Vĩnh, hồi sức nhân tạo, đo huyết áp, nghe tim phổi, lấy máu v.v… Sau đó Gs Discher chích thuốc vào tĩnh mạch Gs Vĩnh. Đang chích thì Gs Vĩnh từ từ tỉnh dậy, mặt mày còn xanh, áo thấm mồ hôi. Lúc nầy tôi nhìn nhận thấy dáng ông trung bình, có vẻ hơi nặng ký (overweight). Sau khoảng hơn nửa giờ, trông thấy ông khỏe dần, sắc diện sáng hơn… Do đó ban giám khảo do ông chủ tọa cho tiếp tục cuộc thi (!).
Tôi bốc thăm ra đề tài: “Diagnostic des comas” (Chẩn đoán dương tính, phân biệt, nguyên nhân và điều trị các hôn mê).
Thực là một sự trùng hợp kỳ lạ và lý thú.
Khi trình bầy đến đoạn nguyên nhân do tiểu đường, nếu không có phương tiện để chẩn đoán đường cao hay thấp (thời điểm 1963 chưa có fingerstick) thì cứ chích tĩnh mạch đường nồng độ cao, nếu bệnh nhân bị hạ đường huyết sẽ được cứu sống ngay. Các giám khảo nghe đến đây đều mỉm cười…
Các Bs trúng tuyển kỳ đó gồm có:
Về Ngoại khoa:
Bs Lê Bá Vận, hiện định cư ở Gia nã đại
Bs Nguyễn Văn Tự, hiện hành nghề ở Boston.
Bs Vũ Công Thưởng, hiện định cư ở Gia nã đại.
Bs Trần Trọng Hà, hiện định cư ở Gia nã đại.
Về Nội khoa:
Bs Phùng Hữu Chí, hiện hành nghề ở quận Cam.
Bs Nguyễn Khoa Mân, hiện hành nghề ở Paris.
Bs Nguyễn Bá Khôi, hiện hành nghề ở Gia nã đại.
Về làm giảng nghiệm viên tại ĐHYK Huế đến năm 1964 tôi đi tu nghiệp ở Tây Đức. Năm 1967 trên đường về nước tôi có ghé Paris cố tìm đến thăm Gs Vĩnh, nhưng rất tiếc không được gặp.
Phùng Hữu Chí
Nguồn : Y khoa Huế hải ngoại
No comments:
Post a Comment