TIN TỨC – 15/8/2020
CẬP NHẬT THỐNG KÊ DỊCH CORONA
Ø Dịch vẫn tiếp tục hoành hành, tuy nhiên đã có khuynh hướng giảm dần, so với đầu tháng 7 khi số người nhiễm tăng mạnh sau khi cả triệu người đã xuống đường biểu tình, cùng lúc với kinh tế bắt đầu mở cửa lại tại nhiều tiểu bang.
Ø Tỷ lệ gia tăng số tử vong không thuyên giảm, mà vẫn lừng chừng ở mức trên 4% từ cả 2 tháng qua.
Ø Cali là tiểu bang đầu tiên có số nhiễm trên 600.000 người.
Ø Texas leo lên hạng nhì với hơn 540.000 người, phần lớn là dân gốc Mễ sống dọc theo biên giới tại các tỉnh El Paso, Laredo, Del Rio, Brownsville,…
Ø Về số lượng người bị nhiễm, một vấn đề mới nổi lên.
Thống đốc Ohio thử nghiệm thường xuyên vì công việc của ông đòi hỏi ông chung đụng với nhiều người thường xuyên. Bất ngờ ông thử nghiệm và kết quả là ông bị nhiễm, theo thống kê, lại thêm một người bị nhiễm. Ngày hôm sau, ông thử nghiệm, khám phá ra ông không bị, theo thống kê, thêm một người khỏi.
Nhìn vào đó thì thấy coi thống kê hàng tuần để biết đại khái chứ không chính xác lắm.
Ø Bác sĩ Fauci tuyên bố tháng 11 tới, không có lý do gì thiên hạ không thể đi bầu bán như thường lệ, chỉ cần giữ khoảng cách cần thiết thôi, không nguy hiểm hơn đi siêu thị mua thực phẩm hàng ngày. Tuyên bố này là một gáo nước lạnh xối lên đầu khối DC đang hù dọa đi bầu rất nguy, chỉ có cách ngồi nhà bầu qua bưu điện.
Ø Trong khi đó, Sở Bưu Điện USPS đã chính thức gửi thư đến 46 thống đốc, cho biết Sở Bưu Điện không thể bảo đảm các phiếu bầu qua bưu điện có thể được gửi tới các cử tri, và nhận lại kịp thời hạn bầu cử vì không đủ nhân sự và phương tiện. Lại một gáo nước lạnh khác.
BERKELEY CHỈ TRÍCH JERRY BROWN
Đại học cấp tiến Berkeley của Cali đã công bố kết quả điều tra về việc Cali bị COVID đánh nặng.
Theo Berkeley, dưới thời thống đốc CH Schwarzenegger, ông đã chi ra cả trăm triệu để tích trữ khẩu trang, máy thở và nhiều dụng cụ y tế để phòng ngừa đại dịch sau nạn dịch cúm năm 2006. Nhưng sau đó, thống đốc DC Jerry Brown cắt ngân sách y tế, để cho kho dụng cụ hư hao, hết hạn, mà không bù đắp lại, khiến Cali thiếu hụt trầm trọng khi bị COVID đánh.
Theo Berkeley, với kho tồn trữ của TĐ Schwarzenegger nếu được bảo trì và bồi đắp đầy đủ, có thể 15.800 nhân viên y tế của Cali đã không bị nhiễm, và tiểu bang cũng đã tiết kiệm được gần 100 triệu đô.
CỤ BIDEN CÔNG BỐ ỨNG CỬ VIÊN PHÓ
Cuối cùng thì cụ Biden cũng bị bắt buộc phải lấy quyết định sau khi lưỡng lự, cân nhắc gần nửa năm trời. Cụ lo cân nhắc lợi hại từng người, thêm bao nhiêu phiếu, mất bao nhiêu. Đó là cách lấy quyết định của chính trị gia Mỹ.
Kết quả xổ số: bà Kamala Harris. Vừa là phụ nữ, vừa lai da mầu. Đúng tiêu chuẩn hợp thời trang. Ai cũng biết cụ Biden không có lựa chọn nào khác một bà đen, chỉ là không biết chắc bà nào thôi.
Bà Harris ngay từ khi mới ra tranh cử tổng thống đầu năm 2019 đã là thần tượng số một của TTDC, trong những ngày tới, ta sẽ nghe TTDC tung hô bà lên 29 tầng mây. Báo Washington Post lạ lùng thay, đã phán ngay đây là cuộc tranh cử giữa TT Trump và bà Kamala Harris, coi cụ Biden như pha. TTDC đã công khai trở thành cơ quan ngôn luận của phe cấp tiến trong đảng DC. TT Trump sẽ phải tranh cử chống đảng DC và chống luôn cả khối TTDC luôn.
Trong hai bà vào chung kết, bà Susan Rice kinh nghiệm nhiều hơn nhưng bị coi như tay chân quá thân cận của TT Obama nên rớt đài vì cụ Biden sợ chọn bà Rice sẽ mang tiếng tổng thống Biden chỉ là con múa rối của hoàng đế sau rèm Obama. Bà Harris chỉ có kinh nghiệm tư pháp, tuyệt đối không biết gì về kinh tế, giáo dục, năng lượng, an ninh quốc gia, quốc phòng, hay ngoại giao.
Dù sao thì bà Harris cũng đã có hai đặc tính quan trọng nhất để làm tổng thống: phụ nữ và da đen, chứ ba cái chuyện kinh nghiệm, khả năng, thiên tả thiên hữu,… là đồ bỏ, đâu ai cần biết. Không tin đi hỏi cụ Giao Chỉ xem cụ bầu bán theo tiêu chuẩn nào.
Những sai lầm, thói hư tất xấu của bà đang bị giấu nhẹm. Wikipedia đã có tới hơn 400 chỉnh sửa, xóa bỏ rất nhiều chuyện không hay trong khi thêm mắm thêm muối vào những chuyện tốt. Wikipedia là một thứ ‘tự điển’ mở rộng cho tất cả thế giới, trên nguyên tắc ai muốn vào viết, sửa, thêm bớt gì cũng được; chỉ có một nhóm ‘chuyên gia’ có trách nhiệm kiểm duyệt những chỉnh sửa đó, hợp nhãn họ thì được chấp nhận. Mà nhóm chuyên gia đó, khỏi nói thì ai cũng biết, là một nhóm trẻ cấp tiến nặng, nên Wikipedia càng ngày càng rẽ qua phiá tả.
Bà Harris được đánh giá có khả năng chính trị xuất sắc gấp bội cụ Biden. Nhiều người lo ngại cụ sẽ bị lu mờ bởi bà phó nhiều tham vọng. Đáng lo hơn nữa là việc bà Harris được tổ chức GocTrack đánh giá là thượng nghị sĩ thiên tả nhất thượng viện, hơn cả cụ xã nghĩa Bernie Sanders, cho dù New York Times và Washington Post mô tả bà như có quan điểm ôn hòa -moderate!
Khi tranh cử, bà Harris đã đưa ra cả tấn chương trình, khác khá xa các chương trình của cụ Biden. Chưa biết nếu hai vị này đắc cử, họ sẽ tính sao, áp dụng chính sách nào? Đánh tù tì để lấy quyết định? Hay là sẽ lấy các chương trình của bà Harris vì cụ Biden ‘quên’ mất ông đã đề nghị cái gì rồi?
Chuyện này, tương lai sẽ trả lời nếu cụ Biden thắng. Chỉ biết là ngay bây giờ, bà Harris đã đóng trọn vai trò của bà. Theo truyền thống chính trị Mỹ, trong mùa tranh cử, ứng cử viên phó luôn luôn là cái mà Mỹ gọi là ‘attack dog’, có trách nhiệm tấn công phe đối lập. Ngay trong bài diễn văn ra mắt, bà Harris đã lớn tiếng sỉ vả TT Trump ngay, và TTDC phủ phục xuống tung hô đây là bài diễn văn hay nhất lịch sử từ ngày con người biết mở miệng ra nói tiếng người.
Tin giờ chót: tạp chí Newsweek lạ lùng thay, đăng một bài viết đặt vấn đề không chắc bà Kamala Harris đủ điều kiện 'công dân' để làm phó tổng thống hay không. Tuy bà sanh tại Mỹ, nhưng cả bố và mẹ khi đó chỉ là tạm trú vì chồng đi làm theo hợp đồng và vợ đi học. Được hỏi về chuyện này, TT Trump trả lời "Tôi không biết gì về chuyện này". TTDC mau mắn xúm lại bôi bác ngay, tố TT Trump không phủ nhận mà 'có vẻ' -seems- phụ họa thuyết này. Thuyết này nghe có vẻ vớ vẩn, nhưng câu hỏi là tại sao một tạp chí lớn như Newsweek lại nêu lên? Có khi nào Newsweek phịa chuyện để có dịp công kích TT Trump không?
TT TRUMP KÝ SẮC LỆNH CỨU TRỢ
Sau hơn hai tuần điều đình thất bại với đảng DC, TT Trump đã độc tấu, ký sắc lệnh cứu trợ tài chánh cho dân bị dịch cúm Vũ Hán đánh.
Gói cứu trợ mới đại khái có vài điểm chính:
- Cho mỗi người thất nghiệp được lãnh 400 đô một tuần kể từ đầu tháng 9 tới cuối tháng Chạp; liên bang trả 75% và tiểu bang trả 25%, tuy nhiên các tiểu bang có quyền làm đơn xin miễn phần của họ để TT Trump cứu xét (các tiểu bang DC đang muốn phát khùng phải ‘làm đơn xin’ TT Trump nếu muốn dân của họ có được thêm 100 đô! Không xin, mà không có tiền để trả, sẽ bị dân chửi).
- Với những người đi làm lãnh lương dưới 100.000 đô một năm, sẽ tạm miễn đóng thuế ‘payroll tax’ là tiền đóng góp của mỗi người vào qũy tiền hưu, gọi là ‘tiền già’ SSA. Theo bộ trưởng Tài Chánh Mnuchin, số tiền thuế được giảm sẽ tương đương với khoảng 1.200 đô một tháng. Tức là đi làm có lương bình thường, được khấu trừ 1.200 đô một tháng. Đây chỉ là tạm giảm cho tới cuối năm thôi.
- TT Trump cũng hứa hẹn nếu ông đắc cử, qua năm tới sẽ cứu xét việc giảm thuế này vĩnh viễn, hay hủy bỏ thuế này luôn, và quỹ tiền già sẽ được thu từ thuế lợi tức chung. Hiển nhiên, chưa có gì cụ thể và chắc chắn.
- Cấm các chủ nhà không được đuổi người thuê nhà không có tiền trả thuê nhà, nếu chủ nhà mua nhà thiếu nợ qua các chương trình vay mượn của liên bang (ban evictions and foreclosures on all federally insured single-family-mortgages); chương trình này đã được chính quyền Trump ban hành từ tháng Sáu, sẽ được tiếp tục.
- Miễn tính tiền lãi trên nợ của sinh viên và cho phép sinh viên hoãn trả nợ mỗi tháng cho đến cuối năm.
- Nên ghi nhận không có 1.200 đô cho mỗi người như lần trước, tuy TT Trump để cửa ngỏ, có thể điều đình trong một gói cứu trợ nữa. Tuy nhiên chuyện này sẽ phải chờ vì quốc hội đã 'nghỉ giải lao' tới giữa tháng Chín. Tin giờ chót, TT Trump cho biết ông đã ra lệnh cho bộ Tài Chánh chuẩn bị tiền cho gói cứu trợ mới nếu phe DC không làm gì trong những ngày tới.
Hành động này của TT Trump dồn đảng DC vào chân tường, bối rối không biết phải đối phó ra sao. Việc TT Trump đơn phương ký sắc lệnh dĩ nhiên sẽ được cả nước biết tới như đây là biện pháp của Trump, tiền của Trump, khiến phe DC khó ủng hộ. Mà họ muốn chống đối cũng không biết phải làm gì. Chẳng lẽ hô hào chống việc cứu trợ này? Hay kiện ra tòa vì TT Trump lạm quyền, qua mặt quốc hội? Kiện khẩn cấp và tòa ra lệnh đình chỉ thì sẽ trì hoãn việc cho dân tiền, và nếu cuối cùng phe DC thắng, dân sẽ không được tiền; nếu tòa không quyết định chặn ngay thì tiền đã vào tay dân rồi, đảng DC muốn dân trả lại sao? Cả hai trường hợp sẽ bị phe CH tố ầm ĩ lên, biết đường nào mà đỡ ngày bầu cử tới?
Cuộc điều đình giữa hai bên đã thất bại vì khoảng cách quá lớn:
- DC muốn chi tới hơn 3.400 tỷ sau khi vừa chi 2.000 tỷ xong, khiến khối bảo thủ lo sợ không biết lấy tiền đâu ra, nhất là sau khi công nợ đã leo lên tới gần 27.000 tỷ rồi.
- DC không muốn đụng tới payroll tax, mà muốn đưa tiền mặt cho mọi người, mỗi người 1.200 đô một lần như kỳ trước, cộng thêm mỗi tuần 600 đô hay 2.400 đô một tháng tiền thất nghiệp, cộng thêm khoảng 1.000 đô tiền thất nghiệp mỗi tháng từ các tiểu bang.
- Theo kế hoạch của DC, đi làm không được lợi gì, trong khi theo kế hoạch của TT Trump, đi làm được bớt thuế payroll tax, có thể tương đương với 1.200 đô một tháng. Hiển nhiên mục đích là để khuyến khích mọi người đi làm, vừa được nhiều tiền hơn lại còn được giảm thuế.
- DC cũng muốn cho 1.200 đô và 600 đô một tuần cho di dân lậu luôn, là việc CH thấy tuyệt đối vô lý, không có lý do gì bắt người dân hợp pháp đi làm đóng thuế mệt nghĩ để cho di dân lậu không đóng xu thuế nào, được tiền khơi khơi như vậy.
- DC muốn liên bang trợ giúp các tiểu bang và thành phố tới 1.000 tỷ đô, đặc biệt là bồi thường các tổn thất gây ra bởi những bạo động của nhóm Bờ Lờ Mờ, và nhất là bù đắp thất thu thuế địa phương vì kinh tế đóng cửa theo lệnh các thống đốc.
- Ngoài ra, DC cũng đòi trả tiền để cải tổ bầu cử, giúp tất cả các tiểu bang có thể thiết lập ngay hệ thống bầu cử bằng thư qua bưu điện, là chuyện TT Trump cực lực chống lại.
Phe DC và TTDC đang hô hoán ầm ĩ TT Trump cắt payroll tax tức là cắt tiền già và tiền Medicare. Vài cụ tỵ nạn nhanh hơn thỏ vội vã làm vẹt ngay, gửi email tứ tung báo động đỏ. Khiếp quá! Có điều cái đám này có trí nhớ hơi kém, nên kẻ này xin nhắc lại: Tháng 2/2012, Đấng Tiên Tri Obama ký sắc lệnh cắt giảm payroll tax đấy, có ai nghe đảng DC và TTDC khi đó hô hoán Obama cắt tiền già và cắt Medicare không vậy? Chính trị giả dối là vậy.
Phe DC và TTDC hô hoán sắc lệnh của TT Trump hoàn toàn vi phạm Hiến Pháp. Vậy còn chờ gì nữa mà không kiện ra tòa liền đi? Hay mở thủ tục đàn hặc ngay đi?
Trong canh bạc này, phe DC đã đại bại. Các chuyên gia coi như đây là một tuyệt chiêu -master stroke- chính trị của TT Trump. Tuy nhiên, TT Trump vẫn cố để cửa ngỏ để DC có tiếng nói khi bộ trưởng Tài Chánh Mnuchin tuyên bố ông sẵn sàng chờ điện thoại của bà Pelosi. TT Trump cũng nói bà Pelosi và ông Schumer có số điện thoại của ông đấy.
‘PAYROLL TAX’
Giảm ‘payroll tax’ là yếu tố cột trụ thứ hai trong gói cứu trợ TT Trump mới ký. Vì payroll tax đã bị xuyên tạc quá nhiều, DĐTC xin đăng lại bài viết cách đây hai tuần (với vài chỉnh sửa nhỏ) để cộng đồng hiểu rõ hơn:
Thay vì đưa tiền mặt khiến thiên hạ chỉ muốn nằm nhà, TT Trump muốn giảm thuế ‘payroll tax’. Phe DC hô hoán ngay đây là cách cắt tiền già và tiền Medicare. Đọc được chữ ‘giảm payroll tax’, các cụ tỵ nạn mù mờ la toáng ngay Trump chỉ lo ‘cắt thuế’ cho dân giàu vì các cụ chẳng hiểu tý gì về cái payroll tax này.
Gọi là ‘payroll tax’ nhưng thật sự không phải là thuế, do đó khi giảm thì không thể gọi là “cắt thuế” cho nhà giàu hay nhà nghèo gì hết. Đó là tiền mọi người bị bắt buộc phải để dành -forced savings- khi còn đi làm, để mai mốt khi về hưu thì lấy lại dưới hình thức tiền SSA và tiền đóng vào bảo hiểm y tế người già Medicare.
Payroll tax được tính trên 14% số tiền lương mỗi tháng, trong đó mỗi người đi làm đóng một nửa, công ty đóng một nửa. Trong số 14% này, có 11% sẽ đi vào quỹ tiền già Social Security, được trả lại cho mỗi người khi đến tuổi 65 qua hình thức gọi là tiền già mỗi tháng, và 3% được xung vào quỹ Medicare là quỹ bảo hiểm y tế cho người từ 65 tuổi trở lên.
Có nhiều chi tiết cần phải biết:
- Đúng là bây giờ đóng ít thì về già nhận được ít hơn. Đó là nguyên nhân tại sao phe DC hù dọa TT Trump cắt tiền già và tiền Medicare. Đóng ít đóng nhiều vẫn là tiền của quý cụ. Đóng ít thì mai mốt nhận ít, đóng nhiều mai mốt nhận nhiều hơn, có vậy thôi. Đây là lựa chọn giữa đáp ứng nhu cầu cấp bách hiện tại hay đáp ứng nhu cầu của mấy chục năm nữa.
- Trên căn bản, người nghèo đóng payroll tax nặng hơn người giàu khá nhiều. Payroll tax chỉ thu tới mức lợi tức tối đa là 132.900 đô một năm thôi, nghĩa là thu nhập trên mức đó không đóng một xu thuế này. Đây là tiền tiết kiệm cưỡng ép lên đầu những người có lợi tức tương đối thấp để bảo đảm sau khi về hưu có chút tiền sống. Dân nhà giàu đóng rất ít vì họ giàu rồi, không có nhu cầu để dành tiền cho ngày về hưu. Lấy ví dụ cho dễ hiểu:
· anh trung lưu thấp lãnh lương 50.000 đô một năm, đóng 7% trên 50.000 = 3.500 đô, dĩ nhiên tương đương với 7% lương;
· anh triệu phú có thu nhập 1.000.000 đô một năm, đóng 7% trên 132.900 = 9.300 đô, tương đương với 0,9% lợi tức.
Cắt giảm payroll tax có lợi lớn cho dân lợi tức thấp nhưng chẳng nghĩa lý gì cho anh nhà giàu. Nói cắt payroll là giúp nhà giàu là chẳng hiểu gì hết mà nói bừa.
- Quỹ tiền già do mỗi người đóng, được đầu tư dài hạn vào công khố phiếu Mỹ, sinh lãi cỡ 4% hiện nay, sau khi khấu trừ lạm phát khoảng 2,5% thì lãi suất thực tế chỉ là khoảng 1,5%, trong khi nợ ngân hàng đòi lãi suất từ 8% (nợ kinh doanh) tới 18% (nợ tiêu thụ); nghĩa là quỹ tiền già là quỹ đầu tư tệ nhất mà hậu quả là… mất tiền to cho quý vị.
- Khi đến tuổi hưu, người ta nhận một số tiền hưu được tính trên số tiền đã đóng, dựa trên sác xuất sống lâu của dân, trung bình là 90 tuổi. Thực tế là số người sống tới 90 tuổi chưa tới 1% dân Mỹ, nghĩa là 99% chết trước tuổi 90, mà chết trước tức là Nhà Nước đã lấy một phần tiền của quý vị rồi.
Nôm na ra, quỹ tiền già ở Mỹ là một hình thức Nhà Nước ăn chặn tiền của quý vị, bằng hai cách,
1) lấy tiền của quý vị đầu tư vào công khố phiếu tức là bắt quý vị phải cho Nhà Nước vay với lãi suất rất thấp, và
2) nếu quý vị chết trước 90 tuổi, Nhà Nước giữ lại tiền quý vị chưa kịp nhận chứ không cho con cháu nhận đâu, quý vị chết càng sớm, Nhà Nước càng lời to.
- TT Trump chủ trương giảm payroll tax là để khuyến khích mọi người đi làm, vì chỉ có đi làm mới phải đóng và được giảm thuế này. Phe DC chủ trương cho tiền thẳng cho tất cả mọi người là hình thức cổ võ thiên hạ lạm dụng nằm nhà không đi làm vẫn có tiền. Mà không đi làm thì kinh tế không phục hồi được, đó chính là ước mơ của đảng DC trước bầu cử.
DÂN VIỆT ỦNG HỘ TT TRUMP
Cả trăm dân Mỹ gốc Việt đã biểu tình tuần hành trong ôn hòa để ủng hộ TT Trump tại Boca Raton. Cuộc biểu tình mang tính cực kỳ quan trọng.
Florida có thể nói là tiểu bang quan trọng nhất trong các cuộc bầu tổng thống Mỹ. Tiểu bang này không theo CH cũng chẳng theo DC, mà là vùng ‘chiếm đất dành dân’ của cả hai chính đảng, không thắng được Florida coi như rất khó vào được Tòa Bạch Ốc. Năm xưa thống đốc Bush con thắng cử nhờ thắng Florida với hơn 500 phiếu. TT Obama đắc cử hai lần đều chiến thắng tại Florida. TT Trump đắc cử một phần cũng nhờ thắng tại Florida.
Vì tính ‘xôi đậu’ đó, Florida cũng là một trong số rất ít tiểu bang mà tiếng nói của cộng đồng (hơn 60.000 dân) tỵ nạn ta có ảnh hưởng lớn.
Một phái đoàn dân tỵ nạn đang lái xe xuyên bang từ San Jose, bắc Cali, qua tới thủ đô Washington để bày tỏ hậu thuẫn với TT Trump.
Năm bầu cử này có lẽ là năm đầu tiên cộng đồng Việt tỵ nạn tích cực tham gia, lên tiếng trong một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, với sự ra đời của nhiều tổ chức người Mỹ gốc Việt ủng hộ TT Trump tại Mỹ và nhiều tiểu bang như Florida, Cali, Maryland, Virginia, Oregon,... Một tổ chức có tầm vóc lớn đang tích cực hoạt động là TAPA, Trump As President Again (liên lạc: lienlactapa@emaildodo.com, hay trang facebook https://www.facebook.com/Trump-As-President-Again-103843261397239/?modal=admin_todo_tour.)
Đặc biệt là khác với các cuộc bầu tổng thống trước đây, bây giờ trong giới truyền thông tỵ nạn, đã xuất hiện rất nhiều tiếng nói ủng hộ TT Trump trên các diễn đàn, radio, YouTube, với những tiếng nói ‘trái chiều’ với truyền thông thông ngôn của vài tờ báo và đài TV Việt tại Bolsa.
Kẻ này gần đây đã có dịp nghe khá nhiều, hầu hết đều nghiêm chỉnh và rất giá trị, không phải loại nói lung tung lang tang những chuyện vớ vẩn, mà đều thuộc loại ‘nói có sách mách có chứng’ với đầy đủ bằng chứng thuyết phục. Điểm đáng ghi nhận là đã có những tiếng nói rất mạnh ngay từ trong giới trẻ như anh Trần Maicô và cô Cheyrea Hà Nguyễn, hai người tuổi nhỏ tài lớn.
SEARAC NÓI LÁO
Tổ chức SEARAC (Southeast Asia Resource Action Center) là tổ chức có mục đích bảo vệ và giúp đỡ dân tỵ nạn Đông Nam Á, nhất là dân tỵ nạn Việt, vừa lên tiếng phản đối việc Mỹ trục xuất 30 người Việt đang ở Mỹ về VN, và nhận định “thật là tàn nhẫn và sai lầm”.
SEARAC ra thông cáo có vài đoạn đáng lưu ý:
- “Cảnh Sát Di Trú Hoa Kỳ (ICE) trục xuất 30 người gốc Việt từ Mỹ về Việt Nam, bao gồm cả những người được bảo vệ theo một thỏa thuận song phương năm 2008”.
- “Việc trục xuất những người Mỹ gốc Đông Nam Á là thoái thác cam kết của Hoa Kỳ đối với những người chịu hậu quả chiến tranh Việt Nam.
- “Họ ly tán các gia đình của chúng ta và đẩy cộng đồng chúng ta vào cảnh nghèo khó và vào tình trạng gia cư bất an giữa lúc xảy ra khủng hoảng kinh tế, sức khỏe, và nhà ở”
SEARAC đã vặn óc để viết những câu nổ hơn đại bác, đọc có vẻ rất thấm thía, chỉ tiếc là toàn phịa.
Trước hết, phải nói đi nói lại -chắc phải nói cả vạn lần nữa?- việc nêu lên thỏa ước song phương 2008 vẫn chỉ là một nỗ lực lừa thiên hạ, cố ý hay vì thiếu hiểu biết. Thỏa ước ghi rất rõ hai quy định và đã được giải thích cho rõ ràng hơn nữa bởi chính quyền VC, và DĐTC này đã viết không biết bao nhiêu lần:
1. Những ‘công dân Việt’ qua Mỹ sau ngày 12/7/1995 nếu phạm tội khi ở Mỹ, không được phép lưu trú tại Mỹ và không được vào quốc tịch Mỹ, sẽ bị trục xuất về VN và chính quyền VC sẽ nhận họ.
2. Những người qua Mỹ trước ngày đó KHÔNG bị chi phối bởi quy định trên, có nghĩa là những người qua Mỹ trước ngày đó, có phạm tội gì cũng không thể bị trục xuất về VN được vì VN sẽ không nhận họ.
Hiểu cho kỹ thỏa ước 2008 này thì có nghĩa là 30 người bị trục xuất đó bắt buộc chỉ có thể là những người qua Mỹ SAU năm 1995, nghĩa là KHÔNG có ai là dân tỵ nạn, mà là những di dân, khách du lịch hay sinh viên VN qua Mỹ với tư cách là công dân CHXHCNVN. Với những người này, đại đa số là quan chức hay bà con họ hàng của quan chức chế độ, nước Mỹ tuyệt đối KHÔNG có cam kết gì với họ hết. Cộng đồng tỵ nạn Việt KHÔNG có công dân CHXHCNVN.
Biện giải chống việc trục xuất họ bằng lập luận “đẩy cộng đồng vào tình trạng bất an” là chéo cẳng ngỗng vì những người này là những người đã phạm tội nào đó, chính là những thành phần đã tạo bất an trong cộng đồng, chứ không phải trục xuất họ sẽ tạo bất an.
Việc trục xuất này chỉ là thi hành luật đã có từ không biết bao nhiêu đời tổng thống, không phải là luật TT Trump mới chế ra. Thi hành luật là thi hành luật, không liên quan gì đến những chuyện ngoài lề như dịch đang tấn công. Không phải vì có dịch là tất cả luật lệ đều ngưng thi hành, vi phạm là được miễn truy tố. Mà nghĩ cho cùng, gửi họ về VN biết đâu lại là cách giúp họ khi VN có rất ít người bị nhiễm mà lại chẳng có tới một người nào chết hết, theo như khoe khoang của VC.
Chúng ta sẵn sàng hoan nghênh những người mới qua này, cho dù họ là công dân CHXHCNVN, vì không phải tất cả công dân VN đều là cán bộ CS hết. Tuy nhiên, nhập gia tùy tục, họ muốn đến nước Mỹ và sống ở Mỹ, cần phải hiểu và tôn trọng luật Mỹ: phạm tội là không được vào quốc tịch và phải bị trục xuất về VN.
Khi chính phủ Mỹ thi hành luật thì KHÔNG có gì là “tàn nhẫn và sai lầm” hết. Nếu quả là có “tàn nhẫn và sai lầm” thì cái tàn nhẫn và sai lầm đó bắt nguồn ngay từ cái luật, và việc phải làm là vận động đổi luật chứ không phải công kích người thi hành luật.
Không đồng ý với TT Trump và các chính sách hay hành động của ông thì ai cũng có quyền, và có quyền lên tiếng, nhưng lên tiếng và công kích dựa trên dữ kiện phịa hay lập luận méo mó sẽ mất hết ý nghĩa và mất luôn cả chính nghĩa nếu có, chỉ là tự mình hại mình.
BẠO LOẠN VẪN TIẾP TỤC
Tuần qua, ba thành phố lớn của Mỹ tiếp tục bị bạo loạn lớn: Portland, Chicago và Detroit.
Thanh niên da đen tràn vào khu thương mại của trung tâm thành phố, đập cửa kính các cửa tiệm lớn, vào cướp hàng ào ạt. Cảnh sát tại cả ba nơi đã bắt buộc phải ra tay đàn áp. Các thị trưởng cũng đành lên tiếng tố cáo đây không còn là chuyện tranh đấu chống kỳ thị da đen gì nữa, mà là cướp của trắng trợn cần phải trừng trị.
Riêng tại Chicago, 13 cảnh sát đã bị thương trong khi 100 dân cướp cạn đã bị bắt trong một buổi tối bạo loạn. Các cuộc cướp phá trong đêm đó được ước tính gây tổn thất tới khoảng 60 triệu, và đây chính là số tiền nằm trong cái ngân sách 1.000 tỷ bồi hoàn cho các tiểu bang và thành phố mà đảng DC đang đòi nhét vào trong gói cứu trợ 3.400 tỷ của họ.
Tại Portland, bạo động đã kéo dài tới gần 80 ngày mà chính quyền địa phương vẫn rét, không dám nhúc nhích.
Cả ba thành phố đều có cảnh sát trưởng da đen, thị trưởng DC và thống đốc DC.
Seattle đặc biệt ‘chưa thấy quan tài chưa đổ lệ’: hội đồng thành phố Seattle đã biểu quyết cắt giảm mạnh ngân sách cảnh sát và sa thải cả trăm cảnh sát viên. Cảnh sát trưởng Seattle, bà Carmen Best ngay sau đó đã từ chức để phản đối.
Một chủ kinh doanh nhỏ tại đây cho biết các vụ bạo động này tai hại gấp vạn lần dịch COVID vì thiên hạ sợ hãi, không ai dám ra đường nữa, kinh doanh chết ngắc hết. Chuyện đặc biệt đáng nói là trước những biến động lớn này, đám lãnh đạo đảng DC im re, không có một người nào lên án hay lên tiếng phản đối bạo loạn. Chỉ vì không một ai có can đảm động đến chân lông đám dân da đen, trong khi âm thầm cầu mong kinh tế sẽ không phục hồi nổi trước bầu cử.
Các nhóm Bờ Lờ Mờ biện giải các cửa tiệm đó đều có bảo hiểm, họ chẳng thiệt hòi gì, và cướp bóc như vậy chỉ là lấy lại những gì dân da trắng đã cướp từ dân da đen cho công bằng. Đây là những lập quá siêu sẽ giúp cho vài cụ tỵ nạn viết bài bào chữa cho đám cướp này.
DÂN GỐC ẤN THỐNG TRỊ MỸ?
Với việc bà Kamala Harris, một nửa gốc Ấn, Ấn Độ đã trở thành một đại cường thứ thiệt trong Đại Cường Cờ Hoa. Một số lớn các tổng giám đốc điều hành -CEO- các đại tập đoàn Mỹ là dân gốc Ấn, nhất là các công ty điện toán hi-tech. Một vài người quan trọng nhất:
1. Sundar Pichai - Google
2. Satya Nadella - Microsoft
3. Shantanu Narayen - Adobe Systems.
4. Arvind Khrisna - IBM
5. Rajeev Suri - Nokia
6. Sanjay Jha - Motorola
7. Anshuman Jain - Deutsche Bank
8. Indra Nooyi - Pepsi Co
9. Ajaypal Singh Banga - Mastercard
10. Ivan Manuel Menezes - Diageo (Burger King)
Vũ Linh
No comments:
Post a Comment