Sunday, August 16, 2020

Ốm Đau Giữa Mùa Dịch

Thảo Lan

Giữa mùa dịch COVID-19 này mà bị đau ốm thì không còn gì xui xẻo hơn. Tất nhiên đã đau ốm là đồng nghĩa với xui xẻo nhưng lại nhằm ngay giữa lúc mọi người phải đối phó với con coronavirus thì cái xui xẻo tăng lên gấp bội. Và thật xui cho tôi là cái xui xẻo gấp bội đó đã xảy đến với bản thân tôi cách đây không lâu.

Ngày đầu tiên (15 tháng Sáu, 2020) buổi sáng thức dậy đi làm tôi bắt đầu cảm thấy uể oải nhưng chỉ đơn giản nghĩ là do đêm trước bị mất ngủ. Chiều tối về nhà bắt đầu thấy mệt hơn nhưng tôi không ho và không sốt nên cũng đỡ lo. Dù sao để chắc ăn sáng hôm sau tôi gọi vào hãng để báo nghỉ. Suốt ngày thứ hai tình trạng cũng không khá lên nhưng cũng không xấu đi. Đến chiều cảm thấy có đỡ một chút nhưng để chắc ăn tôi đã text cho xếp báo xin nghỉ thêm một ngày nữa.

Ngày thứ ba. Tôi bắt đầu sốt cùng với triệu chứng các bắp thịt và vùng bụng đau ê ẩm. Buổi sáng tôi quyết định đi đến Urgent Care center khám. Tại đây họ cũng cho tôi làm test coronavirus luôn. Cô PA (Physician Assistant) ở đây sau khi nghe tôi khai có đau bụng và tiêu chảy nên nói tôi phải đi đến phòng cấp cứu (emergency) ngay. Cô ta còn hỏi tôi có muốn họ gọi 911 để xe cứu thương đến chở đi không. Khi tôi cho biết mình đi lấy được thì cô ta đưa cho tờ giấy để ký xác nhận là mình từ chối nên Urgent Care center này không chịu trách nhiệm nếu có chuyện gì xảy ra trên đường đến đó. Ngày xưa phòng đợi của khu emergency luôn đông đúc nhưng vào mùa dịch thì vắng teo. Tôi là người duy nhất đến đó. Sau khi qua thủ tục đo nhiệt độ, khai lý do đến khám tôi được đưa vào trong. Tại đây các y tá đã cho tôi uống một liều Tylenol. Lúc này nhiệt độ của tôi trên 38°C (100.6°F). Tôi được lấy mấy ống máu để thử rồi đưa đi chụp X Ray phổi. Kết quả thì phổi tốt không có gì nhưng kết quả máu thì men gan cao nên họ quyết định đưa tôi đi siêu âm. Kết quả siêu âm thì gan bình thường nhưng có dấu hiệu sỏi mật là nguyên nhân gây nên men gan bất thường. Tôi đến phòng emergency khoảng hơn 11g30 sáng thì hơn 4 giờ chiều được ra về. Theo giấy xuất viện thì họ yêu cầu tôi liên lạc ngay với bác sĩ chuyên môn về tiêu hóa (gastroenterology) trong vòng 24 tiếng để theo dõi về vấn đề gan mật.

Ngày thứ tư. Kể từ sau khi đi về từ emergency room tôi bắt đầu thực hiện cách ly với vợ con để phòng xa. Sáng ra việc đầu tiên là tôi gọi cho bác sĩ chuyên khoa mà họ cho trên giấy tờ xuất viện. Không hiểu bệnh viện này làm ăn kiểu gì mà số điện thoại họ cho tôi là số của bộ phận phụ trách tiền bill của khách hàng. Tại đây không ai biết tên người bác sĩ mà họ in trên giấy xuất viện cho tôi. Vào Google kiếm thì tôi chỉ thấy một bác sĩ đúng tên đó ở cách nơi tôi ở đến cả trăm miles. Tôi gọi lại phòng emergency thì trong lúc đang chờ máy thì có cú gọi từ văn phòng bác sĩ gia đình của tôi. Vì cùng trong một hệ thống y tế nên tất cả hồ sơ và kết quả xét nghiệm của tôi ở emergency room đều được chuyển đến văn phòng bác sĩ gia đình. Nhân viên ở văn phòng nhắn với tôi là bác sĩ muốn thu xếp lấy hẹn với tôi để theo dõi. Sau khi biết tôi đang chờ kết quả test Covid họ đã tạm thời thu xếp để tôi gặp bác sĩ online vài ngày sau. Sau khi nói chuyện với người của văn phòng bác sĩ gia đình, cộng thêm tình trạng đau bụng không nghiêm trọng, tôi quyết định không tìm cách lấy hẹn với người bác sĩ tiêu hóa như phòng cấp cứu đã đề nghị. Nhiệt độ của tôi ngày hôm nay là 39.2°C (102.5°F).

Ngày thứ năm. Bắt đầu chuỗi ngày tôi sốt liên tục ở mức độ cao hơn trước. Nhiệt độ cao nhất đo được hôm nay là trên 39.8°C (103.7°F). Tôi bắt đầu có những triệu chứng giống như sốt rét. Bắt đầu là ớn lạnh, sau đó là sốt, và cuối cùng là đổ mồ hôi đầm đìa. Đặc biệt là có những cơn nhức đầu dữ dội. Sở dĩ tôi biết những triệu chứng này là do đã từng bị sốt rét ở Việt Nam phải nằm bệnh viện Chợ Quán một tuần lễ vào năm 1981.

Ngày thứ sáu. Tôi bắt đầu húng hắng ho. Nhiệt độ cao nhất lên đến 40.3°C (104.5°F)

Ngày thứ bảy. Tôi bắt đầu dùng máy phun ẩm humidifier để xông với vài giọt dầu trắng. Buổi sáng dậy sốt có thấp hơn hôm trước nhưng tình hình nói chung không khá lên chút nào. Gọi cho Urgent Care center nhắn lại để hỏi kết quả Covid nhưng không thấy ai gọi lại. Mặc dù trước đó tôi có đọc được ở đâu đó lời khuyên rằng nếu bị dính Covid thì không nên uống Ibuprofen nhưng khổ nỗi tôi sốt liên tục một thời gian dài mà lần thử máu trước cho kết quả men gan cao nên tôi không dám xài Tylenol liên tục. Để chặn cơn sốt tôi uống luân phiên xen kẽ giữa Tylenol và Ibuprofen mỗi 6 tiếng. Trước khi đi ngủ (11 giờ) tôi uống một liều Ibuprofen nhưng đến 12 giờ đêm phải bừng dậy vì người nóng như lửa đốt. Trằn trọc mở iPad lướt Facebook xem cho quên cơn sốt được một lát thì mắt díu lại. Đến 4 giờ sáng thì lại bừng tỉnh lần nay thì do người ướt đẫm mồ hôi.

Ngày thứ tám. Hôm nay là ngày thứ Hai, 22 tháng Sáu năm 2020. Việc đầu tiên làm khi thức giấc là lại gọi để message cho Urgent Care center lần nữa để hỏi về kết quả Covid. Buổi chiều có hẹn Facetime với bác sĩ gia đình. Căn cứ theo những triệu chứng tôi khai, bác sĩ không nghĩ sỏi mật là nguyên nhân gây nên cơn bệnh này. Cháu gái tôi từ Cali đã lo lắng và order trên Amazon cho tôi cái máy đo lượng oxygen (Oximeter) để tôi theo dõi. Đêm ngủ đến 1 giờ thì tôi bắt đầu sốt cao nhưng vì chưa đến giờ uống thuốc nên tôi ráng chườm đá lên đầu, lau người cho mát để cầm cự đến 2 giờ sáng thì mới ăn một chút bánh để uống thuốc cho đỡ cào bao tử. Thời gian này mỗi tối vợ tôi luôn xếp cho tôi một cooler bên trong có túi đá chườm và ly nước chanh. Trong phòng thì có đủ bánh trái để tôi có thể ăn bất cứ lúc nào cần. Tôi ráng hạn chế tối đa việc tiếp xúc với vợ con nên cơm nước chỉ đưa cho tôi lúc cả hai bên đều đeo mask và đứng cách xa nhau một khoảng cách an toàn. Ăn xong tôi lau chùi tất cả thật cẩn thận bằng giấy sát trùng trước khi đặt trả lại trước cửa phòng. Ngay cả khe cửa của phòng, tôi cũng dùng khăn chặn lại để hạn chế không khí trong phòng tôi theo hơi máy lạnh thổi ra ngoài.

Ngày thứ chín. Việc đầu tiên của buổi sáng vẫn là gọi để lại để message cho Urgent Care center lần nữa để hỏi về kết quả. Cần phải nói thêm là khi rời Urgent Care center, cô PA có nói rõ ràng là cho dù negative hay positive họ cũng sẽ gọi cho mình. Còn không mình cũng có thể theo số họ cho để gọi đến “call center”, là nơi chuyên trả lời các câu hỏi về test Covid. Cái “call center” này không bao giờ có người canh máy mà luôn nói mình nhắn lại. Hôm nay lượng oxygen của tôi vẫn tốt dao động từ 96 đến 98% nên cũng yên tâm. Tôi bắt đầu ho nhiều hơn. Đến chiều không còn kiên nhẫn nữa nên tôi không gọi “call center” mà gọi cho Urgent Care center để nói chuyện với receptionist. Sau một lúc tìm kiếm trong hồ sơ, receptionist cho biết kết quả của tôi là negative (âm tính).

Ngày thứ mười. Lúc chập tối tôi cảm thấy khỏe khoắn hơn. Đã quá 6 tiếng từ khi uống thuốc giảm sốt mà người vẫn mát. Tuy nhiên đến nửa đêm tôi lại bị sốt cao, ho nhiều và đau vùng bụng.

Ngày thứ 11. Thứ Năm 25 tháng Sáu, 2020. Nói chung cả ngày khỏe không sốt nhưng vẫn bị nhức đầu nên tôi vẫn phải uống thuốc. Buổi chiều tôi có hẹn gặp bác sĩ gia đình online để tiếp tục theo dõi bệnh tình. Tuy biết kết quả Covid là âm tính nhưng bác sĩ gia đình cũng nhấn mạnh rằng độ chính xác của Covid test (tên chính thức trên giấy xét nghiệm là SARS-CoV-2) chỉ ở mức 70%. Nghĩa là trong số 100 người mắc bệnh thì test chỉ tìm ra được 70 người. Vì lý do đó, bác sĩ vẫn yêu cầu tôi tự cách ly cho đúng 14 ngày để đến thứ Hai tuần sau ghé văn phòng để thử máu và làm thêm một test Covid nữa cho chắc ăn.

Ngày thứ 12. Đêm trước tôi ngủ ngon nhưng đến sáng lại sốt trở lại. Nhiệt độ đo được là khoảng 38.2°C (100.7°F). Lúc này cơn nhức đầu có vẻ dữ dội hơn trước nhiều. Khoảng 6 giờ chiều nhiệt độ đo được là khoảng 38.3°C (101°F). Ngoài ra các chỉ số khác đều khá tốt. Huyết áp 115/66. Nhịp tim 87. Mức oxygen trung bình là 95.

Ngày thứ 13. Không biết có phải do con số 13 xui hay không mà ngày hôm nay tôi sốt liên tục mỗi 6 tiếng mà nhiệt độ cao nhất là trên 40°C (104.1°F). Mức oxygen xuống còn 94. Tôi chườm đá liên tục chỉ giúp dễ chịu đỡ nhức đầu nhưng không hạ sốt. Tôi thử xông nhưng đặc biệt khác với mọi khi là tôi đã không đổ mồ hôi nên cũng không hạ sốt được. Chỉ có một điều khả quan là sau khi xông tôi hít thở sâu mà không bị lên cơn ho như trước khi xông. Ở đây cũng cần nói thêm là trong thời gian bị bệnh tôi đã vào internet kiếm các bài bấm huyệt trị nhức đầu và ho để tập. Nhưng thú thật tất cả các bài tập đó nếu có tác dụng thì chỉ kéo dài được chừng hai ba phút là cùng. Thường thì hoàn toàn không có tác dụng gì.

Ngày thứ 14. Sau một ngày hôm trước sốt cao liên tục đến đêm thì tôi không bị sốt cao lắm. Buổi sáng cũng tương đối đỡ hơn (cỡ 38.2°C – 100.7°F). Cả ngày hôm đó tôi tương đối khỏe nhưng đến đêm lại sốt. Trước khi đi ngủ (10 giờ tối) tôi đã uống một liều Tylenol vậy mà đến 12 giờ đêm tôi đã bị cơn sốt đánh thức dậy. Nhiệt độ lúc này là 38.6°C (101.5°F). Vì chưa đến giờ uống thuốc nên tôi chỉ còn biết chườm đá cầm cự do đó suốt đêm đó tôi ngủ rất ít.

Ngày thứ 15. Thứ Hai, 29 tháng Sáu, 2020. Buổi sáng sau khi uống một liều Ibuprofen tôi lái xe đến văn phòng bác sĩ để làm test và thử máu. Thú thật sau một thời gian dài giam mình trong phòng để cách ly, mặc dù cũng có mở cửa sổ nhưng tôi cũng có cảm giác bị chói lóa mắt khi lái xe ra ngoài. Thật sự thì người không được khỏe mà lái xe như thế cũng nguy hiểm nhưng được cái là từ nhà đến phòng mạch cũng không xa, đường vắng xe và không cần ra xa lộ. Vì cố gắng hạn chế không muốn lây cho ai nên chỉ có tự mình lái xe đi là tốt nhất. Đến nơi mới biết bác sĩ vẫn còn e ngại nên không cho tôi thử máu vội mà chỉ làm thêm một lần test Covid nữa.

Ngày thứ 16. Nhiệt độ cao nhất của ngày hôm nay là 38.8°C (101.8°F). Xế chiều bác sĩ báo cho biết kết quả test Covid lần hai vẫn âm tính. Thế là yên tâm được bác sĩ lấy hẹn để thử máu và làm các test khác để truy tìm nguyên nhân căn bệnh.

Ngày thứ 17. Buổi sáng đến trung tâm y tế của hệ thống y khoa của bác sĩ gia đình để thử máu. Đi đến đâu cũng bị lấy nhiệt độ trước. Cũng may trước khi đi tôi đã uống một liều Tylenol nên nhiệt độ khi ấy bình thường không làm các nhân viên ở đó thắc mắc. Nhiệt độ cao nhất của hôm nay khi về nhà là 38.6°C (101.4°F).

Ngày thứ 18. Vẫn những triệu chứng căn bản của căn bệnh kỳ này là ớn lạnh, sốt, ho, đổ mồ hôi, và nhức đầu. Ngày hôm nay tôi có hẹn khám sức khỏe định kỳ với bác sĩ gia đình. Bác sĩ cũng gãi đầu không hiểu rõ nguyên nhân gây ra bệnh của tôi. Kết quả thử máu ngày hôm trước khác với lần ở phòng cấp cứu. Những chỉ số xấu của lần trước thì kỳ này lại tốt nhưng lại có một ít chỉ số khác lại xấu đi. Tất cả vẫn liên quan đến gan, mật. Bác sĩ gia đình đã yêu cầu tôi đi gặp bác sĩ tiêu hóa để theo dõi thêm. Bác sĩ tiêu hóa này là bác sĩ đã soi ruột cho tôi trước đây chứ không phải người lạ hoàn toàn như ở phòng cấp cứu giới thiệu.

Ngày thứ 19. Nhiệt độ cao nhất là 38.2°C (100.8°F)

Ngày thứ 20. Tôi lại tiếp tục đón ngày lễ Độc Lập July Fourth trong phòng cách ly. Nhiệt độ cao nhất ghi được là 38.5°C (101.3°F). Tôi vẫn phải tiếp tục luân phiên uống giữa Tylenol và Ibuprofen để kềm cơn sốt.

Ngày thứ 21. Ngày hôm nay không mệt lắm, sốt không cao nhưng tôi vẫn bị nhức đầu dữ dội nên vẫn phải phụ thuộc nhiều vào thuốc men.

Ngày thứ 22. Thức giấc lúc 4 giờ sáng do sốt nên tôi phải dậy uống một liều Ibuprofen. Cả ngày hôm đó tôi không mệt lắm nhưng suốt ngày ra mồ hôi nhiều hơn bình thuờng.

Ngày thứ 23. Thứ Ba, ngày 7 tháng Bảy, 2020. Suốt ngày hôm nay nhiệt độ tôi ở mức bình thường. Cả ngày tôi chỉ cần uống một liều Tylenol vì nhức đầu chứ không phải do sốt.

Ngày thứ 24. Đây là ngày thứ hai tôi không bị sốt. Như vậy lần này tôi đã lập một kỷ lục của riêng mình (và không mong sẽ tự mình hay có ai đó phá cái kỷ lục này) đó là sốt liên tục trong vòng 21 ngày. Hơn nữa cơn nhức đầu đã bớt đi nhiều. Tôi hy vọng mình đang trên đà bình phục chỉ còn thắc mắc muốn trị dứt nguyên nhân gây bệnh thôi. Còn hai ngày nữa mới đến hẹn gặp bác sĩ tiêu hóa.

Ngày thứ 25. Đây là ngày thứ ba liên tiếp tôi không sốt. Mức oxygen trong máu là 97. Nhức đầu cũng không còn, giờ tôi chỉ còn thỉnh thoảng ho.

Ngày thứ 26. Thứ Sáu, ngày 10 tháng Bảy, 2020. Hôm nay tôi đi gặp bác sĩ tiêu hóa (gastroenterology). Bác sĩ đã cho tôi thêm một lần thử máu nữa và giới thiệu đi làm MRI để xác định xem có phải sỏi mật là nguyên nhân gây ra các cơn sốt đó không.

Ngày thứ 27. Bắt đầu từ đây tôi sẽ ngưng không đếm từng ngày nữa. Về căn bản thì tôi có thể tuyên bố đã chiến thắng căn bệnh nhưng thực chất thì vẫn còn phải truy tìm nguyên nhân. Nếu không truy đuổi tận gốc thì có khả năng nó sẽ quật lại mình lúc nào không hay.

Đoạn kết:

Kết quả thử máu và MRI đều chỉ ra là mọi bộ phận bên trong của tôi nếu không bình thường thì cũng không có gì nghiêm trọng. Cả bác sĩ gia đình lẫn bác sĩ tiêu hóa đều bó tay không giải thích được vì sao tôi bị ốm kéo dài lần này và các kết quả thử máu lại có những chỉ số thay đổi như thế. Tôi còn nhớ câu trả lời của vị bác sĩ tiêu hóa khi được tôi hỏi là liệu căn bệnh này có dễ lây không. “Maybe you’ve got some kind of unknown virus. We don’t know yet”. Vì lý do này cũng có nhiều người tin rằng tôi đã bị Covid nhưng do kết quả test không chính xác và cũng may do sức đề kháng cơ thể mạnh nên triệu chứng không nặng lắm. Cũng cần phải nói thêm là tôi không hề bị mất vị giác và khứu giác. Ăn uống vẫn ngon miệng trong suốt thời gian bệnh. Đó cũng là nguyên nhân của một việc hơi ngược đời đó là trong thời gian bệnh, tôi đã lên được gần 5lbs. Điều này cũng dễ hiểu vì hàng ngày tôi vẫn cố gắng tẩm bổ để tăng cường sức đề kháng nhưng bù lại thì vận động ít hẳn đi. Không còn những buổi tập thể thao hay đi bộ hàng mấy miles như trước kia.

Dù cho căn bệnh của tôi là gì đi nữa thì vẫn phải công nhận rằng bị đau ốm giữa mùa dịch này quả là một điều xui xẻo. Bệnh tình càng để lâu càng nguy hiểm nhưng chính vì con virus quái ác nó khiến cho ta phải chờ đợi kết quả test cũng như phải chờ cho qua thời gian cách ly 14 ngày. Hy vọng rằng nền y khoa tân tiến của Hoa Kỳ và thế giới sẽ mau chóng kiếm ra vaccine để ngăn ngừa cũng như tìm ra được phương pháp điều trị hữu hiệu. Trước mắt tôi chỉ mong rằng các phòng thí nghiệm hãy cho ra đời các bộ xét nghiệm coronavirus nhanh chóng và chính xác hơn thời điểm hiện tại để rút ngắn thời gian chờ đợi cho mọi người.

Thảo Lan
8/2020

No comments:

Blog Archive