Thursday, August 13, 2020


Lucy 

Nguyễn Thị Thêm
Con chó Lucy đã yếu lắm rồi. Bước chân nó không còn đi vững chắc và nhanh nhẹn như trước. Những mụt thật to nổi lên ở bụng nay đã đổi màu và tiết ra mùi hôi. Bác Sĩ bảo nó không thể chịu đựng được giải phẩu vì nó quá già. Bà nói khi nào phân nó đổi màu đen thì ung thư đã phát tán vào trong ruột, nên cho nó nghỉ ngơi đừng để nó chịu đau đớn.

Sáng nay và liên tiếp mấy ngày trước tôi đã thấy như vậy. Tôi rơi nước mắt. khi nghĩ đến một ngày thật gần phải quyết định để nó ra đi. Buổi sáng, tôi đem thức ăn kêu mãi nó mới dậy nỗi. Nó lê những bước chân nặng nề ra khỏi cái Ilgoo của nó. Tôi cho nó cái bánh Biscuit. Nó không nhận liền mà ngửi ngửi bàn tay của tôi như hôn lên đó. Mãi một lúc nó mới nhận lấy, đi liêu xiêu đem ra sau vườn từ từ ăn. Tôi đứng yên nhìn nó. “Có phải con đau đớn lắm không? Con ơi! Ta có nên cho con nghỉ ngơi không? Làm sao ta đành để con rời xa ta, nhưng giữ con ở lại thêm một ngày là con đau đớn thêm một ngày.”

Đương nhiên con Lucy không thể hiểu tôi đang nghĩ gì, nó ăn xong mệt nhọc, khập khiễng đi đến bên tôi và từ từ nằm xuống. Một phần đầu nó nằm gác lên chân tôi như làm nũng. Nó không còn nằm ngửa phơi bụng đưa cả bốn chân ra một cách vô duyên như ngày xưa. Nó khó khăn thay đổi thế nằm và lúc nào cũng vậy, một phần thân thể nó lại gác vào chân tôi. Như đón nhận hơi ấm hay tình thương của tôi chuyền qua nó. Tôi ngồi xuống bên nó và lần này tôi đã khóc thật sự.

Tôi vuốt đầu, xoa bộ lông đã ngã màu, bóp hai chân trước của nó, nói với nó như nói với một con người:

-Cám ơn con! Lucy.

Cám ơn con đã về đây ở với gia đình ta. 16 năm con đã bầu bạn với ta, chăm nom nhà cửa, vườn sau, chu toàn bổn phận. Con chưa hề làm điều gì có lỗi với cả gia đình. Con là con chó Pitbull có tiếng trung thành và nguy hiểm, nhưng con hiền lành chăm chỉ chưa làm tổn hại một ai. Bây giờ con đang bệnh, con đau đớn lắm Ta thương con nên không thể thấy con như thế này. Nếu ta cho con ngủ yên con có trách ta không?

Những giọt nước mắt của tôi rơi trên mình nó. Nó ngước mắt nhìn tôi, đôi mắt buồn đỏ như khóc. Nó có hiểu tôi nói gì không? Tôi nghĩ nó hiểu hết nhưng không nói được. Tội nghiệp kiếp chó như con, tội nghiệp những nghiệp mạng con phải gánh lấy.

Nó lại liếm vết thương ở bụng vì mấy con ruồi vo ve phá rối. Tôi không làm gì được với vết thương này. Vì nó là chó, lông nó không thể cho tôi băng bó. Làm cách nào nó cũng tìm mọi cách để liếm vết thương. Bác Sĩ có cho thuốc uống, thuốc xức. Nhưng xức vừa xong là nó lại liếm. Nhiều khi tôi đã ngồi với nó cả buổi chỉ để không cho nó liếm vết thương này.

Lucy đến nhà tôi 15 năm về trước. Lúc ấy mẹ chồng tôi vừa mất, tôi hoàn tất xong 7 tuần cúng thất đau buồn. Một ngày con gái tôi bồng con đến nhà thăm mẹ, thấy có con chó lạ đứng trước cửa. Con gái bấm chuông, tôi ra mở cửa và cũng bất ngờ phát hiện nó.

Nó là con chó Pitbull, loài chó nguy hiểm nhất trong hơn 400 loài chó. Nhìn cái miệng và hình dáng của nó tôi đã sợ. Nó lúc ấy chắc độ chừng vài tháng tuổi nhưng trông khá to con. Tôi không dám làm gì nó chỉ đuổi đi.Tò mò nhìn ra cũng thấy nó trở vào nằm ngay trước cửa. Con gái bàn:” Hay cho nó ăn đi má! Trông nó có vẻ đói bụng” Tôi trả lời:’ Không! Cho nó ăn nó sẽ không đi, cứ để nó ở đó một hồi nó sẽ đi nhà khác” Mãi tới khi con gái tôi đã bồng con đi về, nó vẫn nằm yên trước cửa trước như chờ đợi.

Thằng út tôi đi học về thấy con chó la toáng lên:’ Má ơi! Chó ai ở trước nhà mình vậy má. Chó đẹp quá.”

Tôi trả lời cho con biết là nó đã ở đó từ sáng tới giờ. Thế là Đạt vào nhà lấy cơm, chan tí nước thịt đem ra cho nó. Nó mừng quá ăn lấy ăn để. Tôi bảo Đạt chở nó ra ngoài Park thả nó đi, ba con không thích nuôi chó, nhất là loại chó dữ Pitbull này. Đạt nghe lời bồng nó bỏ vào xe và chạy ra ngoài park lớn thả nó xuống rồi về nhà.

Hôm sau, tôi lại thấy nó đứng trước cửa nhà như trước. Hôm đó ngày cuối tuần thằng con nghỉ học, nó cứ ra vô với con chó đi lạc trước nhà. Nó muốn nuôi nhưng chồng tôi dứt khoát không chịu. Ông nói:

-Nhà mình nghèo, không đủ tiêu chuẩn nuôi chó. Phải đem nó đi chích ngừa, làm thủ tục khám sức khỏe, phải dẫn nó đi dạo, đi bộ. Nó mà bệnh một phát, tiền tốn cho nó cả 500 đến 1.000 đồng. gia đình mình có sẵn tiền không? Loại chó dữ này mà cắn người ta một cái là có nước đền sặc máu. Tôi đã nhát gan, ông lại diễn thuyết toàn những trường hợp khủng khiếp. Dẫu nhẹ lòng thương nó, tôi cũng không dám cho vào nhà.

Hôm sau, ngày chủ nhật, một thằng bạn của con tôi tới nhà chơi! Nhà nó ở thật xa nên tôi bàn với Đạt nhờ nó chở thả đi nơi xa chắc con chó sẽ không trở lại. Thằng con tôi muốn nuôi con chó lắm mà cũng phải bóp bụng nhờ bạn chở đi.

Vậy là yên! Tôi nhủ thầm trong bụng. Thấy nó cũng thương, mà sao sợ quá. Ông chồng tôi nói có lý. Rất nhiều con chó loại Pitbull này đã cắn ngay chủ nhân hay con cái họ. Nó là giống chó đáng sợ nhất. Nếu là loại chó khác, chắc tôi sẽ nuôi vì “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang” mà.

Hai ngày sau một buổi chiều, tôi mở cửa trước. Con chó nhỏ hôm nào đang rất tội nghiệp đói meo đứng trước thềm. Tôi không thể tin được ở mắt mình. Không thể nhìn nó đói, tôi vào nhà lấy cho nó một chén cơm chan tí nước xào. Lần đầu tiên tôi bồng nó trên tay. Nó dường như đói lả và mệt. Nó ăn hết chén cơm vẫn còn thèm thuồng. Thêm một chén nữa, uống nước xong nó tỉnh táo hẳn ra. Đạt đi học về, thấy lại con chó, nó mừng rỡ lẫn xúc động. Nó ôm con chó vào nhà, vai vẫn còn mang balô và nói tuyên bố: “Nó là con của con, con sẽ chịu trách nhiệm về nó”

Con chó được vào nhà qua cửa trước nhưng chỉ được ở patio sau nhà, nơi để dụng cụ tập thể thao. Ông xã tôi nhượng bộ thằng con, nhưng cương quyết ra lệnh: “Nó không được ở trong nhà, phải dán thông báo “Chó thất lạc” để chủ nó đến đem về.

Bảng dán cả tuần cũng không thấy ai đến nhận về. Ông xã tôi phải để Đạt nuôi. Cú chót ông tuyên bố:

-Nó không được sủa bậy, không được cắn phá, không được vào nhà. Đạt phải chăm sóc và chi phí kiểm tra sức khỏe, chích ngừa Đạt phải trả.

Không ngờ Đạt chấp nhận mọi điều kiện và hỏi tôi để đặt tên. Nó là chó cái, tôi thích phim “I Love Lucy” nên tôi đặt cho nó tên “Lucy” và nó ở với chúng tôi từ ngày ấy.

Lucy là con chó đầm tính không hề sủa. Điều đó phù hợp với điều kiện của ông chủ nhà này. Riêng tôi lại sợ “Chó sủa chó không cắn” Nó không sủa chắc nguy hiểm lắm đây. Hay nó bị câm? Thế là tôi bắt Đạt đem Lucy đi Bác Sĩ thú y. Sau khi khám ông nói nó bình thường, sức khỏe tốt, không sủa vì nó không muốn sủa mà thôi.

Chỗ nó ăn ngủ là patio sau nhà. Chỉ cách một tấm cửa kiếng ra vào là phòng khách và phòng ăn. Thế nhưng nó chỉ dừng lại ở đó, chưa bao giờ bước qua. Đôi khi ra vô quên đóng cửa, nó cũng nằm ở bên này lằn ranh. Đó là lý do ông xã tôi chấp nhận nó thật lòng. Ông không còn lý do nào làm khó dễ với nó, với Đạt và với tôi. 

Đạt mua một sợi dây xích chó và một vòng cổ có tên nó và địa chỉ nhà. Sau giờ học, về nhà Đạt thường dẫn Lucy chạy bộ. Nó mau lớn, thông minh và rất mạnh. Những đồ chơi bằng nhựa thông thường nó ngoạm vài lần là nát bét. Đạt tìm đâu được một trái banh rất dày và cứng. Chiều chiều Đạt tập cho nó chụp banh rồi mang trả lại. Dạy nó nằm, đi hay đứng lại. Có lẽ nhờ nó mà thằng con trai ở tuổi mới lớn về nhà đúng giờ, ngoan ngoãn và không đàn đúm bạn bè.

Một ngày, gia đình đi cắm trại, thấy chó dễ thương tụi con nít Mỹ ùa vào ôm hôn, sờ mó và làm nhiều cử chỉ yêu thương. Tôi đứng tại đó sợ muốn đứng tim. Nếu lỡ nó giận táp một cú chắc tôi ở tù vì bộ răng nó thấy sợ lắm. Vậy mà nó rất ngoan nằm im và liếm tay bọn trẻ rất dễ thương.

Ra tới xe để đi về. Tôi đang đứng bên dưới để đưa ông xã ngồi vào ghế trước. Bỗng con Lucy lồng lên, kéo muốn đứt dây, sủa dữ dội như muốn cắn ai đó. Cả nhà hết hồn chạy tới. Thì ra chiếc xe đậu kế bên có một con chó và nó đang đưa đầu ra hướng tôi đứng. Lucy sủa thị uy để bảo vệ chủ, đó là tiếng sủa đầu tiên kể từ ngày nó gia nhập rất lâu vào gia đình tôi. Cám ơn Lucy.

Khi Lucy lớn trổ mã thành con gái, mấy ông hàng xóm có chó đực theo năn nỉ Đạt cho chó họ phối giống. Họ hứa sẽ trả tiền và sẽ mua chó con. Dù rất thân thiết và kính trọng nhưng Đạt thẳng thừng từ chối. “Con không muốn Lucy mang nặng đẻ đau, vú móm lòng thòng. Xấu lắm!” Thế là nó bỏ tiền túi để đem chó đi thiến. Tôi đưa tiền nó không nhận, Đạt cương quyết nhịn tiêu vặt để lo cho con Lucy như lời nó hứa với cha.

Đạt tốt nghiệp High School và lên Đại học. Con chó được nó và bạn bè mang đi mỗi khi đi biển, cắm trại ngắn hoặc dài ngày. Lucy là người bạn thân nhất của con trai tôi. Khi con trai tôi quyết định gia nhập Quân Đội nó không đành lòng xa nhất là Lucy. Nó gửi gấm Lucy lại cho mẹ chăm sóc dùm. Mỗi lần về phép hai cha con mừng rỡ ôm nhau cảm động vô cùng. Nó thủ thỉ với Lucy:” Ở nhà với bà nội ngoan nha. Bảo vệ và săn sóc bà nội cho ba” Nó coi Lucy như là người dù nó biết tôi phải chăm sóc hàng ngày cho con gái Lucy của nó.

Lucy là một con chó rất ngoan và trung thành. Nó thích im lặng, nếu nó sủa là phải có ai đến nhà hoặc có việc gì bất thường xảy ra. Tiếng sủa của nó rất mạnh, rõ và đầy uy lực. Nó biết vâng lời. Nếu bảo im, nó sẽ không sủa và lặng lẽ vào nằm. Nhưng khi truy bắt chuột hay con vật gì thì nó bất chấp, thú tính nổi lên nó sẽ cào, đào đất, sục sạo tìm cho ra hung thủ quật cho tới chết mới thôi. Sự trung thành, mạnh mẽ, hung dữ và chạy nhanh không thể tưởng là ưu điểm của nó. Nhưng đó cũng là sự nguy hiểm cho những bất ngờ chết người do giống chó này gây ra. 

Khi các con tôi đã có cuộc sống riêng tư, căn nhà chỉ còn lại hai vợ chồng già. Tôi phải một mình làm tất cả mọi việc. Tôi không kham nổi với sân trước sân sau phải cắt cỏ, quét lá, chăm sóc vườn tược. Tôi vất vả cả ngày với cơm nước và săn sóc cho chồng. Với bộ dạng hung dữ và sức mạnh bẩm sinh của giống chó Pitbull, tôi luôn luôn lo lắng: “Nếu nó chạy ra đường, tôi làm sao đủ sức kéo nó về nhà và hậu quả ra sao?” Một ông chồng tâm thần không ổn định phải chăm sóc 24/24 hay bỏ nhà đi không biết đường về. Một con chó Pitbull to đùng, mặt mày hung dữ. Tôi lúc nào cũng trong tâm trạng bất an lo cho người lẫn vật. Cuối cùng, tôi phải thu xếp để về ở chung với gia đình con gái. 

Đạt lập gia đình, có con, có nhà riêng, nó nhiều lần muốn đem Lucy đi theo mà không được. Căn nhà không có chỗ an toàn để Lucy ở. Đạt ở trong quân đội lại là lính hải quân vắng nhà thường xuyên. Mỗi khi tàu ra khơi kéo dài 6, 7 tháng, ai lo cho vợ con nó, ai lo cho Lucy. Và thế Lucy mang tiếng là của Đạt mà lúc nào cũng ở bên cạnh tôi.

Lucy là một phần trong đời sống của tôi. Mỗi sáng tôi ra sân tập thể dục, nó loanh quanh bên chân. Khi ngồi ghế nghỉ mệt, nó nằm gác đầu lên chân tôi. Khi tôi tưới cây, nó chạy tung tăng sủa vang và đưa miệng uống nước đùa vui. Tôi quăng một vật, nó chạy lại ngoạm lấy và đem trả. Tôi đem nó đi tắm, cột nó vào một cây cột sắt. Nó đứng yên cho tôi tắm, chải lông hay ngoáy lỗ tai. Buổi tối, nó ngoan ngoãn chui vào trong cái chuồng Ilgoo to đùng Đạt mua và chở về đây. Nửa đêm khi các chó khác sủa vang xóm, nó cũng lên tiếng tham gia. Tiếng sủa của nó rất đặc biệt nghe là biết. Tôi mở cửa kiếng la “Lucy! Im! Vào ngủ” Tôi nói tiếng Việt vậy mà nó nghe lời tiu nghỉu vào nằm. Trời quá nóng vì hè hay quá lạnh vì mưa, tôi cho nó vào garage, chỉ che sơ sơ cho biết phạm vi nó nằm. Vậy mà nó ngoan ngoan nằm im, không hề tung ra để chạy ra ngoài khi garage mở cửa. Nó không đi vệ sinh bậy bạ, chỉ đi nơi tôi đã quy định chứ không bừa bãi làm vất vả cho tôi. Từ ngày Đạt đi lính, không người nào dẫn nó đi dạo hay đi chơi. Nó to con, rất khỏe ai có thể kiềm chế được nó nếu nó chống cự, giật dây. Nó là niềm vui và cũng là nỗi lo của tôi trong mười mấy năm nay.

Ông xã tôi cũng rất thương Lucy. Ông hay cho nó xương hay bánh và ngồi nhìn nó lặng lẽ. Đôi khi nó quấn quýt bên chân ông, tôi lại sợ Lucy làm ông té. Từ ngày chồng tôi mất, Lucy trở nên thân thiết với tôi hơn. Mỗi khi con gái tổ chức đi du lịch cả nhà, tôi từ chối để ở nhà với Lucy. Tôi sợ nó đói và cũng không muốn nó cô đơn một mình.

Rất may suốt 15 năm qua nó chưa chạy ra đường để đi hoang một ngày nào, chưa từng gây thương tích cho ai. Nó chưa một lần được yêu, được lấy chồng, sinh con. Nó vẫn giữ được nét thon gọn xinh đẹp của mình. Nó vẫn còn trinh trắng cho tới già tới chết.

Ngày Lucy tới nhà, con gái bồng cháu ngoại mới 4 tháng tuổi vể nhà thăm mẹ. Bây giờ cháu đã là một thiếu nữ, cháu sẽ vào lớp 11 niên khóa tới. Cháu đang học để thi bằng lái xe. Còn Lucy, tính theo tuổi chó bằng 6 hay 7 năm tuổi người thì nó đã gần 90 tuổi. Có lẽ nó được như vầy vì không sinh đẻ và được chăm sóc tốt. Đạt thường mua online gửi về loại thức ăn chó tốt nhất. Tôi cũng rất cẩn thận không cho ăn thịt cá hay thức ăn thừa. Nhưng dù muốn dù không đời người hay chó đều có giới hạn. Nó đã già, sức tàn lực kiệt lại bệnh ung thư, đã đến lúc phải cho nó ra đi nhẹ nhàng, đừng để những ngày cuối đời của nó lăn lộn, dằn vặt trong đau đớn.
…….
Tôi gọi phone cho con trai, kể tất cả và quyết định của mình. Đầu dây bên kia nghe con khóc. Tôi tắt máy và facetime để con nhìn rõ Lucy. Đạt nói chuyện với Lucy trong nước mắt và quyết định sẽ về ngày cuối tuần. Book vé máy bay, tìm bác sĩ và lấy hẹn ngày giờ để bác sĩ tới nhà làm việc, Đạt đều lo chu toàn cho mẹ. Đồng thời để mẹ khỏi buồn khi vắng Lucy, Đạt mua vé máy bay cho tôi để cùng về nhà nó ở Oregon nghỉ ngơi và trốn cái nóng Cali. 

Một giờ sáng thứ sáu 12/6/2020 Đạt về tới nhà. Buổi sáng thứ bảy, chúng tôi đã cho Lucy ăn một bữa no nê gần nửa con gà quay. Nó dường như đoán ra mọi việc, mắt nó rất buồn, ửng đỏ trong khóe mắt. Nó ăn uống chậm rãi và không vào chuồng nằm mà lẩn quẩn bên chân Đạt.

Đạt lấy tấm nệm của nó để ở patio và kêu nó lại nằm. Nó ngoan ngoãn bước vào và nằm yên, hướng mắt nhìn mọi người. Chúng tôi xúm lại ngồi bên nó. Tôi, con gái, con rể, Đạt và hai đứa cháu ngoại. Ai cũng khóc, nói chuyện, cầu nguyện và chúc lành cho nó. 11 giờ BS tới, bà khám tổng quát cho Lucy, khen chúng tôi chăm sóc tốt, quyết định rất đúng và kịp thời. Bà ngồi xuống bên cạnh Lucy làm các thủ tục giấy tờ với Đạt.

Con rể đem máy tụng kinh xuống để Lucy nghe kinh. Tôi đã khóc thật nhiều khi BS chích mũi thuốc ngủ cho nó. Giờ phút ly biệt đã điểm, sau mũi tiêm, nó rất nhanh đi vào giấc ngủ. Bác sĩ nói chích thuốc ngủ trước để khi chích thuốc kia nó ra đi không bị đau đớn. Bác Sĩ làm hai mẫu thạch cao in chân Lucy với tên của nó, đồng thời bà cạo lấy những mẫu lông đặc trưng của Lucy bỏ vào túi nilon giao cho Đạt để làm kỷ niệm. Bà khám lại lần nữa trước khi chích mũi thuốc cho nó ra đi. Bà tìm mạch máu ở chân Lucy và chích thật nhẹ nhàng. Bà theo dõi mạch tim Lucy cho đến khi tim ngừng đập. Tôi chắp tay niệm Phật, cầu nguyện và tụng kinh cho Lucy. Cầu nguyện cho hương linh Lucy ra đi nhẹ nhàng. Cầu nguyện cho kiếp sau Lucy thoát kiếp cầm thú được tái sanh làm người đầy đủ phước báo, nhân duyên. Cám ơn Lucy đã đến với gia đình tôi và sống trọn vẹn tình nghĩa của một con chó trung thành và ngoan hiền. Bà bác sĩ nói với chúng tôi Lucy đã yên nghỉ. Bà rất trân trọng giờ phút thiêng liêng tiễn biệt người thân của gia đình chúng tôi.

Sau khi làm xong nhiệm vụ, bà thu xếp đồ nghề và ngồi lặng yên cùng chúng tôi truy niệm linh hồn Lucy. Độ chừng 20 phút những bệ thịt ở miệng Lucy đã trở lạnh, da nó bắt đầu đổi màu, chúng tôi đứng dậy để bà BS làm nhiệm vụ đưa nó về nơi hỏa táng. Bà đặt nó lên một băng ca nhỏ và dùng mền ấm bọc nó cẩn thận như một con người. Bà cột dây an toàn và chúng tôi khiêng Lucy ra xe.

Theo yêu cầu của Đạt, hủ tro Lucy sẽ được gửi về Đạt ở Oregon. Đạt sẽ cho Lucy ở đó một thời gian trước khi dẫn nó đi chơi trên núi và trong rừng. Nơi nào đẹp và yên tĩnh nhất, Đạt sẽ rải tro Lucy ở đó. Nó nói ngày xưa Lucy rất thích đi cắm trại với con. Giờ con sẽ cho nó về với rừng thông, phong cảnh hữu tình mát mẻ ở Oregon này.

Vâng! Con chó Lucy của gia đình tôi đã trả xong kiếp chó. Chúng tôi đã tranh luận khi nó đến nhà. Đã cười vang khi đùa vui chạy nhảy với nó. Chúng tôi đã khóc thật nhiều để tiễn nó ra đi. Lucy đã hiện diện trên đời để sống với gia đình tôi. Không ai trong đại gia đình tôi không yêu quý nó. Nó đã hoàn thành nhiệm vụ và duyên nợ với chúng tôi.

Lucy đã từ giã chúng tôi để trở về nơi nó bắt đầu. Mạng sống của sanh linh đều đến rồi đi. Tôi rồi cũng sẽ ra đi như nó.Tôi không biết nó từ đâu đến, nhưng nó đã chấm dứt cuộc đời ở tại nơi này, trong tình thương của đại gia đình chúng tôi. Tôi chấp tay lại cầu nguyện cho nó.

Cầu nguyện cho Lucy được thoát kiếp chó, tái sanh làm kiếp con người.
Lucy ơi! ta thương con nhiều lắm. 

Nguyễn thị Thêm.

No comments:

Blog Archive