Sunday, January 17, 2010

NHỮNG ĐIỀU ƯỚC

*Bút ky' của Ái Hoa

Người ta bảo khi còn trẻ thường nghĩ về tương lai, khi về già thì hay hoài niệm. Chẳng lẻ tôi già rồi hay sao mà lâu nay hay nghĩ về quá khứ thật nhiều!
Ngồi trên ghế dựa ở ngoài bao lơn buổi chiều nhìn xa xa, những đám mây trắng lững lờ bay trên đỉnh núi. Quanh vườn thì ong bướm nhởn nhơ vờn lượn trên những bông hoa đầy sắc màu quyến rủ. Gió mùa xuân lùa vào trên tóc trên da, mát mẻ thoải mái vô cùng. Cái fountain kiểu Roman cao lớn có đôi nhân tình âu yếm bên nhau che dù cho nhau vẫn phun ra những tia nước, tiếng róc rách đều đều. Tôi đã bị mất ngủ hai đêm liền, bây giờ ngồi đây trong khung cảnh hữu tình như thế này tôi thấy như mỏi mệt biến mất hết. Lại lơ tơ mơ nghĩ về chuyện qua! Tiềm thức như cuốn phim quay lại từ từ, từ từ…

Tôi lấy chồng lúc 20 tuổi, có được 3 con, 2 gái một trai. Chúng tôi qua Mỹ khi con gái lớn 15 tuổi, con gái út 5 tuổi, và con trai giữa được 8 tuổi. (Những ngày tháng trong câu chuyện này hình như là những năm sau khi tôi định cư ở Mỹ được năm bảy năm, lúc con lớn tôi trên 20, con trai tôi chừng 16 tuổi và con út 13 tuổi.) Chồng tôi hơn tôi hai tuổi, ra đường ai cũng mến và khen là đẹp trai, hoạt bát. Đâu có ai biết khi về nhà thì ổng tính nóng như lửa và mỗi lần nói chuyện với vợ con thường lên giọng như vua đang ban lệnh cho thần dân. Cũng không có gì phải lấy làm lạ: ông ấy dù gì cũng là đàn ông “người mình.” (Mà người mình thì từ trên xuống dưới đã từng học theo ông Khổng) Dĩ nhiên không phải ông Mít nào cũng thế, nhưng qua những từng trải của bản thân và những kể lể của quá nhiều người vợ quen cũng như không quen, chẳng biết từ bao giờ tôi đã có thành kiến rằng các đức ông chồng Mít đều thuộc loại "chồng chúa vợ tôi.” Trong trường hợp của tôi, Chẳng biết có phải vì sự hiện diện của bà mẹ chồng tôi ở trong nhà mà ổng muốn làm le như thế hay không!

Cuộc sống của tôi từ khi đặt chân trên miền đất tự do này ngày nào cũng như ngày nấy, tự do bận rộn, làm việc chết bỏ! Lúc nào cũng cảm thấy như mình cần có thêm một cái đầu, với ít nhất là bốn tay, bốn chân. Những năm đầu vì muốn có một ít chữ nghĩa để kiếm việc làm tốt hơn nên tôi đi học thêm. Vì vụng về tay chân tôi đã không dám "lên neo xuống tóc" (nail, hairdresser), vì không muốn làm "ly" (assembly) ngại ít tiền thu nhập hơn nên tôi ghi tên vào lớp "Ach tach" (Electronics technician). Chương trình quá nặng, mỗi ngày có đến hơn 100 đề toán về đìện tử để giải, không có thì giờ phục thị nhà vua và các công chúa cùng hoàng tử, bị nhà vua dọa bắt đày vào lãnh cung nên tôi đành phải bỏ lớp. Nhờ thế mà thời khóa biểu của tôi được "thu hẹp" lại như thế này:

Ngày = 24 giờ
8 giờ làm việc ở sở,
1/2 giờ, nghỉ trưa
1 tiếng lái xe đi, về (Thỉnh thoảng vẫn phải ghé chợ mua đồ linh tinh, mất ít lắm 1/2 giờ nữa.)
3 tiếng nấu ăn sáng, tối. (Tôi nấu ăn rất chậm.)
1 tiếng lau chùi, dọn dẹp, rữa chén bát.
1 tiếng lo tưới cây, săn sóc vườn tược.
2 tiếng lo giặt ủi áo quần.
......Làm việc phụ trội ban đêm...

Làm xong bấy nhiêu việc thì đã phờ người, thì giờ ăn uống còn chưa có lấy đâu ra giờ nữa để mà tính chuyện học với hành! Cũng may nhờ có những ngày thứ bảy và chủ nhật để lo vệ sinh nhà cửa và đi chợ mua thực phẩm và đồ dùng cho cả tuần. Mà thật ra thì cũng chẳng có được một ngày cuối tuần nào được yên vì nếu không đưa mẹ chồng tôi đi bác sĩ (buổi sáng thứ bảy) và đi chơi quanh quẩn để cho cụ vui thì ở nhà cũng có bạn bè tới thăm dài dài. Lại phải làm đồ nhậu nhẹt chết bỏ! Chồng tôi ngoại giao rộng rãi lắm nên không trách gì ông ấy có nhiều bạn để cho tôi đãi đằng! Và khi bạn bè tới viếng, nếu ông không bận tiếp chuyện thì cũng bận trong việc đánh cờ, binh xập xám hoặc cá độ foot ball, nên tôi bị sai vặt đủ thứ chuyện. Hoặc "Em ơi! Lấy thêm bia cho anh L. đi em!", hoặc "Lấy cho anh T. thêm nước đá", hoặc "Có trà uống không?" v. v.. và .v.v.. Không phải chỉ những lúc có bạn bè đến viếng mà thường ngày chồng tôi cũng cho tôi thêm job như thế. Ngoài những ngày giờ bắt buộc phải đi làm, về nhà chỉ biết đi rong chơi hoặc ngồi xem TV và...sai vặt. Như thế nên thì giờ tôi dành cho quyền sai vặt của nhà tôi cũng nên được thêm vào trong thời khoá biểu của tôi nữa. Mọi người chắc chắn sẽ thắc mắc tại sao tôi lại cưng chồng quá đỗi như vậy và tại sao tôi lại không sai biểu các con làm phụ? Xin thưa, các con tôi đứa thì bận làm nhiều jobs, đứa thì bận học nên tôi không đành sai tụi nó làm gì. Còn về đức ông chồng thì tôi biết làm sao hơn? Lỡ làm người vợ của một người đàn ông người mình trong thời đại chồng chúa vợ tôi, nếu yêu chồng thì đành phải chấp nhận. Hơn nữa, tôi nghĩ chẳng phải chỉ có tôi, mà phần đông các bà người mình trong thế hệ của mình cũng đều thế cả. Nhiều khi tôi đã ước phải chi tôi được làm đàn ông!

Nếu cuộc sống cứ đều đều, dù bận rộn mà yên ổn như thế thì cũng không sao... Nhưng trời có khi mưa khi nắng thì đời người cũng có lúc thăng lúc trầm lúc buồn lúc vui... Thời gian này là thời gian tôi đã gặp những không may liên tiếp. Nói là hoạ vô đơn chí cũng không sai!

Chuyện về con gái lớn của tôi:
Một ngày kia, con gái tôi ôm bụng bầu 2 tháng về khóc kể rằng nó không thể sống chung với chồng nó nữa, sau 1 năm chung sống. Hai đứa đã từ Washington đem nhau về đây nhờ tôi lo tổ chức đám cưới và đám cưới được tổ chức rất long trọng chỉ mới 1 năm trước đây thôi. Hai đứa đã quen nhau và tìm hiểu đến 4 năm rồi mới quyết định lấy nhau mà. Tại sao? Chẳng lẽ trong bốn năm tìm hiểu, đứa nào cũng mang mặt nạ quá đẹp, đóng kịch quá tuyệt đến nổi đứa kia không ngờ? Đợi một năm sau, chung sống với nhau rồi không thể che đậy dấu giếm nữa mới lộ mặt thật ra hay sao? Con gái tôi cũng đâu phải xấu, nó rất xinh đẹp là đàng khác. Nó lại có bằng cấp học thức cao, chỉ có tính nóng như bố, chỉ hơi hơi giống Trương Phi thôi. Còn con rể tôi, người cao ráo thanh nhã và theo như lời con gái tôi trước kia, là một người điềm đạm, có tư tưởng như một triết nhân. Tại sao bây giờ, cũng theo lời nó, con rể tôi lại trở thành một kẻ lười biếng, rượu chè bài bạc, ăn nói như một tên khùng? Khi con rễ từ Washington DC dọn nhà theo về San Diego với vợ, tôi thấy nó rất bình thường. Nó đã đi xin việc làm, đi làm đàng hoàng, giúp tôi việc nhà. Con gái tôi sau đó ôm bụng bầu đi xin việc làm. Cũng may nhu cầu đối với ngành y tế ở thị trường nghề nghiệp lúc nào cũng rất cao nên nó kiếm việc chẳng khó khăn gì. Tuy vậy, làm nghề này phải làm theo những giờ giấc thay đổi, sáng tối bất định nên rất vất vả cho những bà có thai. Ái ngại lo lắng cho con nên tôi phải chăm sóc miếng ăn miếng uống cho một người “rưỡi” đó rất kỹ lưỡng cho đến ngày nó sinh. Hàng ngày tôi vẫn đi làm 8 tiếng, đến chiều tối về, tưởng rằng mọi chuyện đều êm đẹp. Cho đến một ngày, khi thằng bé vừa 3 tháng... Vừa đậu xe trước cửa thì tôi đã nghe tiếng la hét inh ỏi trong nhà vang lớn bên tai. Nghe tiếng được tiếng mất nhưng “mày, tao” là rõ ràng nhất. Hoảng hốt tôi chạy nhanh vào nhà. Hai vợ chồng đang thi nhau la hét. Ai đời cả thằng bé con mới sinh 3 tháng nằm trong nôi nghe ồn ào hình như không chịu nổi, phải lên tiếng phản đối. Bé cũng lớn tiếng xi lô xi la liền miệng. Nhìn thấy mà đau lòng quá đổi! Con gái tôi lúc đó mới kể rằng chồng nó khùng, đã làm ngược hết những gì bác sĩ của thằng bé dặn. Vì thằng bé sinh thiếu 2 tháng, trong cơ thể bé nhỏ có quá nhiều khuyết điểm, có một lổ hở nơi tâm thất cần phải quan tâm. Đừng cho nó uống sữa homogenized nhiều chất béo. Lâu nay chồng nó lén cho thằng bé bú toàn sữa béo. Nó bắt gặp nhiều lần, đã giải thích rất nhiều lần nhưng cứ bị thằng chồng cãi lý, rằng bé con ốm yếu cần sữa có nhiều chất béo mới được. Con tôi còn kể bao nhiêu điều khó-chịu-nổi khác của thằng chồng, nó bảo nó nhất định phải ly dị. Cố gắng khuyên răn mấy sau cùng tôi cũng phải nhận ra rằng vì an toàn của đứa bé, hai đứa nên ly thân là phải. Sau đó, dù đã mỗi đứa một nơi nhưng hai đứa vẫn còn gọi điện thoại để gây gỗ, để cãi nhau ỏm tỏi rất thường. Thấy con hàng ngày buồn khóc đến đỏ cả mắt, tôi ráng khuyên lơn an ủi con mong rằng nó sẽ sớm quên đi nỗi bất hạnh. Ðàn bà thuộc thời đại của tôi quan niệm theo lối xưa rằng hễ lấy chồng là cứ đeo dính chồng:

Ði đâu thiếp cũng đi cùng
Ðói no ráng chịu lạnh lùng cứ theo.
Cứ theo chẳng quản suối đèo,
Ðui, què, mẻ, sứt vẫn theo như thường.

Nhưng đến thế hệ của con gái tôi, nhất là ở xứ được mệnh danh là tự do nhất của các nước tự do, bọn nhỏ hễ thích nhau là cứ hẹn hò với nhau, lên giường với nhau, ở với nhau không cần cưới hỏi. Con gái tôi có cưới hỏi đàng hoàng cũng có khác gì đâu! Tôi đâu thể khuyên con làm theo ý nghĩ "hủ lậu" của các bà thuộc thế hệ của tôi. Tôi đâu thể nuôi chồng nó giùm cho nó! Thôi thì đành để nó làm theo kiểu của thế hệ nó; không thích, không hợp nữa thì bỏ. Chấm dứt. Thế nhưng vợ chồng tôi lại cãi nhau, gây nhau, và thậm chí muốn đánh nhau, đổ thừa cho nhau tại vì người này mà con khổ, tại vì người kia mà con hư. Tôi thật là khổ tâm! Nếu khôn ngoan và kinh nghiệm như bây giờ à; chồng chưa kịp gây chắc tôi đã chạy xa hằng mấy trăm chứ không chỉ là mấy cây số rồi!

Chuyện con trai tôi:
Những khó khăn của tôi như thế có lẽ chỉ mới bắt đầu, nay có vẻ đang tiếp tục với những rắc rối do con trai tôi mang lại. Tuổi 16-18 là tuổi khủng hoảng, con trai tôi đang ở vào cái "thời kỳ nổi loạn" đó. Nó bỏ học thường xuyên để đi theo chúng bạn làm toàn những chuyện quỷ quái. Người ta nói nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò, là để chỉ rằng học trò tinh ma quỷ quái trong việc phá phách chọc ghẹo thiên hạ. Thà là như thế cũng còn đỡ, vì chỉ là nghịch ngợm. Ðàng này con tôi lại đi theo tà giáo, làm tôi phải chạy lui chạy tới xấc bấc xang bang. Có người sẽ thắc mắc không biết thằng nhỏ đã làm gì mà tôi lại bảo là tà giáo. Xin thưa là cháu nó làm "tiểu hiệp", nhưng thay vì đi cứu khốn phò nguy cho những kẻ bị cường hào ác bá áp bức thì cháu lại đi trợ trụ vi ngược. Cháu chơi với bạn mà không phân biệt được bạn tốt bạn xấu. Đã theo giúp những đứa bạn xấu từng đi theo băng đảng đánh lộn và ăn cắp vặt. Khi cảnh sát lại thì bạn chạy mất, dặn nó nếu có bị bắt đừng khai bạn ra. Nó nghe lời ngơ ngáo đứng lại để lãnh tội. Thằng nhỏ bị câu lưu, tôi phải đi lãnh ra. Rồi sau đó phải đi hầu Tòa Án Vị Thành Niên, phải trả tiền cho luật sư biện hộ cũng như tiền hành chánh cho Tòa. Trở lại trường đi học, nó ham ngủ, đi học trễ nên cứ đậu xe ẩu ở những chổ cấm để rồi lãnh ticket, lãnh ticket rồi không có tiền để trả, để giá tiền tăng lên gấp ba bốn lần. Ðến khi tôi biết được thì số tiền phạt đã lên tới con số khổng lồ, khi trả tôi đau thắt cả ruột gan. Những rắc rối do thằng con này gây ra rất nhiều, nhưng lần nặng nề nhất là lần nó lái trộm chiếc xe Honda 4 cửa mới mua mà bố nó khai "non-operational" vẫn cất trong garage (sau một tai nạn nhỏ do nó gây ra) để đi học traffic school. Cu cậu ham ngủ đi trễ, chắc lúc đó cũng còn ngái ngủ nên đâm sầm vào con lươn chỗ đường Kearny Village Dr. dẫn vào Freeway 163 South. Xe nát cả 1/2 phần đầu, nó được đưa vào bệnh viện cấp cứu, trong lúc tôi đang đi chợ ngày cuối tuần như thường lệ. Cảnh sát gọi đến báo tin lúc 3 giờ chiều, khi bố nó vừa đi làm thêm về. Ông ấy không hỏi cảnh sát xem con đang ở đâu mà chỉ gọi ngay cho tôi, vừa báo tin vừa chửi vang. Lạy chúa tôi! Tôi muốn xỉu đi khi nghe tin dữ, và muốn điên lên khi nghe giọng hét hung dữ trong điện thoại, nhưng đã cố gắng bình tĩnh để tìm xem con tôi đang ở đâu. Trong đầu tôi lúc đó là hình ảnh của một tai nạn ghê sợ, con tôi có lẻ gãy tay gãy chân, bể sọ hoặc có thể máu me đầy mình đang hấp hối. Tôi vừa lo sợ vừa ân hận: "Phải chi tôi ở nhà để dặn dò con tôi cẩn thận khi lái xe!" Tôi tự bảo. Nhưng có ân hận thì cũng đã muộn, tôi phải tìm con tôi ở đâu trước đã. Tai nạn xãy ra ở vùng Kearny Mesa thì chắc là họ đã đưa con tôi vào Emergency của Sharp Hospital ở Kearny Mesa. Tôi vội gọi vào đó, sẳn sàng để chạy đến với con. Nhưng vừa nghe tôi khai tên thằng nhỏ thì họ cho hay liền là cháu đã được phép xuất viện sau khi được giữ lại đó hai tiếng đồng hồ để khám nghiệm, theo dõi và thấy là cháu không sao. Tôi chưa kịp mừng, chưa kịp cảm tạ trời đất thì đã bị ngay một tai họa khác. Chồng tôi ở ngay bên cạnh, đổ thừa, la hét, chửi bới tôi một trận nên thân. Ông ấy hạch sách tại sao tôi nhè lúc đó mà đi chợ, không chịu ở nhà để coi chừng thằng con, tại sao để nó lấy xe lái đi, tại sao để nó bị ticket, đi traffic school, sao không thức nó dậy sớm. Tại sao và tại sao? Làm như tôi là thủ phạm của bất cứ tai ương nào xảy ra cho gia đình, như thể thằng nhỏ là con riêng của ông ấy chứ không phải con tôi, và chỉ có ông xót ruột còn tôi thì không đau lòng một tí tì ti nào hết vậy. Khi đọc phần đầu trên kia, thế nào mà chả có người đã trách tôi tại sao không để cho bố nó lo... Chỉ có một chuyện đã như thế rồi, nếu ông ấy biết thằng con còn gây ra bao nhiêu chuyện kia nữa thì sẽ ra sao? Có lẽ hai mẹ con phải trốn đi thật xa. Nếu để ông bắt gặp thì ông có thể đánh cho thằng nhỏ hộc máu mồm, rồi hành hung tôi, rồi thì chuyện bé xe ra to. Việc chửi vợ đánh con là tội hình sự, ông ấy không thể nào tránh khỏi bị bắt, bị giam, bị đưa ra toà. Như thế có phải là bất lợi cho cả gia đình hay không? Tôi cứ lo ngay ngáy rằng nếu mà các con tôi lỡ gặp chuyện gì bất hạnh chắc số phận tôi sẽ thê thảm vô cùng. Tôi thương con đến có thể chết vì con, nhưng có lẽ khi tôi chưa kịp chứng tỏ lòng mẹ với con cái thì đã chết vì khổ tâm gây ra bởi ông chồng. Ước gì chồng tôi hiền lành hơn và biết thông cảm cho vợ con hơn!

Chuyện con gái út của tôi:
Khi việc con trai hơi tạm yên thì lại đến phiên những phiền toái từ đứa con gái út ập đến. Nhà tôi vẫn cưng nhứt đứa con gái này. Có lẽ vì hợp tuổi hoặc hợp tính nhau. Chúng tôi rất hãnh diện vì cháu học rất giỏi và rất ngoan. Từ lớp mẫu giáo lên trung học cháu luôn ở trong chương trình GATE (Gifted And Talented Education.) Cháu đã làm trưởng lớp, làm president của Key Club của nhà trường, đi đây đi đó làm community services, cung cấp thực phẩm, áo quần cho những người nghèo, những kẻ không nhà. Cháu cũng đi cả những tiểu bang xa xôi như những nhà truyền giáo để giúp đỡ những học sinh cần trao đổi hiểu biết về sinh ngữ hoặc văn hoá. Cháu, người Việt, dù đã rời Việt Nam từ hồi mới 5 tuổi, nhưng nhờ khi ở bên nhà đã có đi học sớm nên đã đọc và viết tiếng Việt được. Qua đây, sau 8 năm nhờ trong nhà vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ nên cháu vẫn còn có thể nói và viết khá nhiều tiếng Việt “kiểu Mỹ”. Khi gặp một vi linh mục nào, cháu biết lễ phép vòng tay chào "Thưa Ba!" và mỗi lần đi đâu xa, cháu biết nói "Mẹ ơi! Mẹ làm ơn "bồng" cái suitcase đó ra xe cho con với!"

Con bé phải nói là xinh xắn, duyên dáng, và thông minh, nhưng lại cứng đầu và "chì" không ai bằng. Từ khi chưa đi học thì bản chất này đã lộ rõ. Có những lúc cháu làm tôi kinh ngạc khi thấy cả đám con nít lớn hơn cháu cả mười tuổi đã ngồi quanh để nghe cháu kể chuyện, mà chính tôi cũng không biết được cháu lấy những chuyện ấy từ đâu ra. Khi bắt đầu vào lớp kindergarten, cháu bắt chước cô giáo y đúc... Sau khi cô giáo vừa cho các bé ra khỏi lớp thì các bé đã ngoan ngoãn tham dự ngay vào lớp của cháu dạy. Không biết cô giáo thật có dùng thước kẻ trong lớp hay không mà cô giáo giả lại có cây roi (thân trúc nhỏ trồng sau nhà) để nhịp nhịp khi giảng bài cho học trò. Các cô cậu bé xíu này lại sợ cô giáo nhỏ đến nổi khi về nhà đã mét bố mẹ, làm bố mẹ thắc mắc phải gọi nhà trường để hỏi thăm.

Một ngày kia, sau một lúc lý sự với anh về vấn đề mưa, chắc chắn vì cháu làm anh thua lý nên anh nổi sùng đánh cho mấy bạt tai. Nghe đâu thằng anh bảo là không cần khí lạnh hơi nước vẫn có thể tụ lại để thành mưa, còn con bé thì chắc chắn rằng hơi nước ở biển, ở sông hồ bốc lên trên không, phải có hơi lạnh mới tụ lại thành nước để mưa xuống. Chẳng biết mỗi đứa dựa vào căn bản khoa học nào để cãi lý với nhau, để rồi thằng anh tức đến nổi đánh em còn con em thì tức vì bị đánh "oan". Con bé tức tối khóc bù lu bù loa chạy ra mét bố, bố bận xem TV nên chỉ hỏi qua loa: "B.! Tại sao mầy đánh em?" Con bé tức mình nín khóc chạy vào phòng, miệng lầm bầm dọa tự tử. Thằng anh sau một lúc không nghe tiếng động nào trong phòng con em, nhớ đến lời hăm dọa vừa rồi, chay đến gõ cửa phòng. Gõ mấy lần không nghe tiếng thưa, thằng anh hoảng quá vội gọi bố mẹ. Bố mẹ chạy vào gõ cửa, trong lòng vẫn không tin là có chuyện như thế xảy ra, nhưng khi không nghe tiếng trả lời thì bắt đầu thấy sợ. Bố vội phá cửa ra để xem thực hư. Trời ơi! Lọ và những thuốc gì đó đang nằm lăn lóc trên giường, dưới đất. Con bé quả thật đã uống không biết bao nhiêu thuốc ngủ, nhưng cũng may là vẫn còn tỉnh táo. Mẹ vội cho con bé uống thật nhiều nước và gọi ngay xe cấp cứu trong lúc bố chỉ lo chửi mắng và đánh đập thằng anh vì tội đã làm cho con bé suýt chết. Sau khi rửa ruột xong thì social services worker can thiệp, lập hồ sơ và yêu cầu tôi đem con bé đến bác sĩ tâm thần chữa bệnh cho các bệnh nhân vị thành niên. Kết quả con trai tôi và chồng tôi đều phải đi tư vấn, và dĩ nhiên là sau đó phải trả tiền tư vấn. Nhờ có bảo hiểm nên chúng tôi chỉ trả khoảng 20% những chi phí đó. Mỗi giờ làm việc của quý vị bác sĩ này trung bình là $200, nếu phải móc tiền túi ra để trả trong suốt thời gian con bé của tôi ở lại trong bệnh viện tâm thần đó để được theo dõi và trị liệu thì chắc chúng tôi đã phải bán nhà từ lâu rồi. Trong suốt thời gian này hai vợ chồng tôi cứ gấu ó nhau mãi không thôi. Sợ rằng những chuyện tương tự sẽ tái diễn, tôi muốn dạy dỗ khuyên nhủ con tôi nhưng vô phương. Hể mỗi lần nghe tôi dạy con là ông ấy la: "Bà đừng có nói nhiều, trải qua lần này, nó đã hiểu rồi, không cần bà nói nữa đâu!"

Chuyện mẹ chồng tôi:
Bà cụ đã bị góa chồng từ lúc mới 34 tuổi, đã ở vậy buôn bán tảo tần nuôi 5 người con nay đều đã nên người có địa vị. Bà đã vượt Bến Hải để mang các con từ Bắc vào Nam trong biến cố 1954. Tôi rất kính trọng bà và từng có ý tưởng rằng nếu bà sinh nhằm thời đại vua quan xưa kia chắc bà rất xứng đáng được vua phong làm "Tiết Hạnh Khả Phong". Chẳng những giỏi mua bán và chịu đựng cảnh bà goá nuôi con, bà còn từng chịu khổ vì có một người con bệnh hoạn tật nguyền. Trong suốt thời gian người con này còn sống, bà đã phải bưng cứt đổ đái, phục dịch suốt ngày đêm không hở. Nói chung, tôi rất thương mẹ chồng tôi và tôi nghĩ bà cụ rất hiểu lòng tôi đối với chồng con và nhất là với bà. Chưa bao giờ chồng tôi chở bà đi bác sĩ. Ði đâu cũng chỉ có tôi đưa bà đi mà thôi. Nhưng dù tôi không là loại người nỡ nói lên câu phũ phàng "thương chồng thì khóc hu hu, chớ tui với mụ có bà con chi!", như người đàn bà có mẹ chồng chết kia khóc kể, thì mẹ chồng tôi cũng chẳng bao giờ thương tôi hơn con trai của bà được. Ðó là cái chắc. Bởi vậy, mỗi khi chồng tôi la mắng, chửi rủa, thậm chí có hành hạ tôi đi nữa thì bà cũng cứ tỉnh queo mà khuyên tôi: "Mày nhịn nó đi con, rồi chuyện đâu sẽ vào đấy!" Tôi nể bà, nghe lời khuyên của bà nên cứ hết lần này đến lần khác phải ngậm đắng nuốt cay âm thầm đau khổ.

Chuyện chồng tôi:
Ngoài chuyện đi làm, xem TV, đi đánh cờ tướng, ông nhà tôi dùng thì giờ rảnh rỗi để gọi điện thoại nói chuyện với thiên hạ. Con cái tôi đã nhiều lần hỏi tại sao tôi "không bắt ba làm việc gì cả mà cứ để ba nói chuyện với mấy bà hoài thế?" Khi nào tôi nhờ làm bất cứ cái gì thì ông ấy đều bảo: "Ðể đó đã!", nếu tôi than tôi có quá nhiều việc làm không hết thì ông mắng: "Ai bảo bà kiếm chuyện cho nhiều để làm thì ráng mà chịu." Có một lần, vòi nước ở phòng tắm bên ngoài bị nước chảy ri rỉ tôi nhờ: "Ông làm ơn coi xem có thể sửa được không! Nếu được may ra đỡ mất tiền." Sợ tốn tiền nên ông lấy kềm lấy búa ra vặn vặn. Vặn sao không biết, nước đã ào ra như vòi chữa lửa, tràn ra cả ngoài nhà, phải cấp tốc kêu thợ sửa ống nước không kịp. Kết quả là phải trả tiền thật đắt cho thợ, sau đó phải thay thảm và vách tường ngăn giữa phòng ăn và buồng tắm. Thấy thế mẹ chồng tôi cười: "Từ hồi nào đến giờ nó có bao giờ làm gì cực khổ đâu, chỉ biết ăn rồi đi học, đi học về lại đi chơi. Ngay cả đi học cũng có bà vú cõng đi nữa mà." Tôi thật hết ý kiến. Thôi thì đành với số phận không may, vì đã lỡ làm vợ người lai, làm dâu người Tàu! Ông nhạc tôi là người Trung quốc chính hiệu, nhạc mẫu tôi là Tàu Việt, nên "lão gia" nhà tôi có đến 75% máu Tàu, chỉ có 25% máu Việt. (Xin cho tôi dùng chữ "lão gia" cho giống Tàu một chút nhé!) Tôi từng nghĩ: "Người Tàu mà, chẳng những họ cho chuyện chồng lấn áp vợ là thường mà đàn ông có năm thê bảy thiếp cũng chẳng lạ gì trong thế hệ của nhạc mẫu tôi, thế nên cũng chẳng nên thấy lạ khi bà cụ có vẻ vui vẻ khi thấy ông con trai nói chuyện điện thoại nhiều với đàn bà. Có lẽ bà còn mong ông ấy dẫn về nhà giới thiệu thêm ít lắm vài ba cô con dâu nữa đấy...Thế nhưng, thật là bất ngờ khi có một ngày tôi phát giác ra rằng bà cụ đã âm thầm theo dõi sự đi đứng của chồng tôi để bắt ghen giùm cho tôi, làm ông ấy sau đó xấu hổ không dám về nhà nữa. Tôi giận chồng bao nhiêu thì lại cảm kích bà cụ bấy nhiêu. Thì ra dù không nói nhưng bà quả thật đã đối xử với tôi tốt còn hơn đối với con đẻ nữa. Giận chồng dù nhiều nhưng so ra thì nỗi khổ tâm càng lớn hơn nhiều. Tôi đã hết lòng hết dạ với ông ấy như thế mà vẫn bị ông ấy phụ bạc thế sao? Sự tin tưởng đột ngột bị phá vỡ và thay vào đó là nhận thức một sự phản bội trắng trợn phũ phàng. Thới gian này tôi đau khổ đến muốn chết cho xong! Tôi ước phải chi tôi đừng bao giờ lấy và yêu chồng!

Chuyện của riêng tôi:
Tôi nghĩ tôi cũng như bao nhiêu người đàn bà khác đều sống nhờ tình cảm và vì tình cảm. Nhờ tình cảm mà vui cũng vì tình cảm mà buồn. Nhưng dù sao, sống như một cái máy không hồn vẫn còn hơn là một người mà tình cảm bị tổn thương. Vì buồn bã thất vọng nên tôi cứ ngẩn ngơ như kẻ mất hồn. Ðến sở thì làm việc nọ xọ ra việc kia, gây ra bao nhiêu lầm lẫn. Một trong những việc của tôi lúc đó liên hệ đến hồ sơ của những khách hàng hưởng tiền trợ cấp công cộng, hàng ngày phải tìm những ai có điều kiện tham dự vào các chương trình kiếm việc làm, rồi gửi thư thông báo mời họ đến để được hướng dẫn. Tôi đã gửi thư cho người này đến nhà người kia rồi để số hồ sơ này lộn với hồ sơ nọ. Tại những buổi họp hướng dẫn, khi có càng nhiều người đến với những trường hợp rắc rối, chẳng hạn như bệnh hay có lý do nào đó làm họ không tham dự vào chương trình được thì tôi lại càng nhức đầu khi ráng để giúp đỡ những người đó cho họ khỏi bị báo cáo là Không Hợp Tác. Rắc rối của mình đã quá nặng lại phải gánh thêm rắc rối của kẻ khác thì làm sao mà chịu cho nổi! Kết quả là tôi càng bị khủng hoảng hơn vì bị khách hàng gọi để than phiền và supervisor của tôi gọi tôi để cảnh cáo. Họa vô đơn chí mà!

Với nỗi khổ tâm thâm trầm và niềm thất vọng không cùng, tôi thờ thẫn lái xe đi lang thang sau khi rời khỏi sở, nghĩ rằng nếu chết được có lẽ sẽ sướng hơn... "Ùm", chiếc xe tôi đột ngột lọt vào một con nước xoáy khổng lồ trông giống như nước lũ Katrina ở New Orleans hay Rita ở Houston vậy... Nhờ thế tôi đã tìm thấy tôi thật; tâm thần vẫn còn đang bàng hoàng hoảng hốt vì tai họa kinh khủng và tâm hồn vẫn còn tràn ngập những đau khổ tuyệt vọng vì bị phụ tình. Chưa bao giờ tôi có ước mong mãnh liệt như vậy! “Nếu mà mình thoát chết trong cơn lũ lụt để lo cho con cái. Dù ông chồng có phụ tình đi nữa thì mình cũng cam lòng.”

Tôi mừng biết bao nhiêu khi tỉnh hẳn để nhận ra sự thực rằng những khổ sở chết người tôi vừa trải qua chỉ là trong cơn mê, một cơn mộng mị ban ngày! Tôi đã không bị sỉa vào cơn nước lũ ở New Orleans, không là nạn nhân của bất cứ một bão lụt nào, vì tôi đang ở San Diego, nơi được mệnh danh là finest city của tiểu bang Cali và của cả nước Mỹ, và rằng thời đau khổ của tôi đã qua quá lâu rồi. Chồng tôi đã mất mấy năm trước và các con tôi hiện nay đều đã lớn, đều đã thành đạt, có phương tiện tự túc thong thả. Đến giờ tôi đang thoải mái biết bao vì được ở nhà cao cửa rộng, nằm trong chăn ấm nệm êm, tự do tự tại, không còn phải thức những lúc vẫn còn muốn ngủ và khi muốn ăn lại không thể ăn. Nay dù tôi có cô đơn đôi chút, có lớn tuổi đôi chút nhưng lại có đủ điều kiện để hưởng một cuộc sống an nhàn, không phải bôn ba vì sinh kế, không còn ưu tư sầu não vì bao nhiêu rắc rối mà những người trẻ tuổi hàng ngày phải đương đầu. Những gì tôi nằm mơ chỉ mới là một đoạn ngắn (có lẽ chỉ trong một năm) của cuộc đời thường, có nghĩa chỉ là 1/100 của cả cuộc đời. Nếu kể đến 99 năm còn lại thì không cần nói cũng biết là còn bao nhiêu biến cố khác xảy ra! Ngược dòng thời gian trở về trước thì có thời thơ ấu với những bão lụt triền miên ở Huế, thời con gái phải vất vả đi học với những hoang mang sợ hãi của tuổi dậy thì (khi không có ai bảo cho biết những biến đổi của cơ thể), thời phải di tản, chạy loạn (khi nồi da xáo thịt liên miên), những mất mát đau thương của thân nhân cũng như tài sản, những năm tháng tù đầy dưới chế độ cộng sản, và còn trăm cay ngàn đắng khốn khó tử sinh trong những lần vượt biển tìm tự do. Vạn nỗi khó khăn đã trải qua trong buổi đầu khi mình đã tìm được chỗ tạm dung nơi xứ người...

Chẳng phải dễ dàng gì để còn sống sót nguyên vẹn đến giờ này! Lại may mắn được hưởng những tiện nghi mà ít ai có được. Bây giờ điều tôi cần làm là giữ gìn sức khoẻ, tập Dịch Cân Kinh, Càn Khôn Thập Linh. Hễ có cơ hội thì đi chơi, đi du lịch. Khi rảnh thì lên internet chơi games, vào các mạng (websites) như nhanmonquan.com, thuvienvn.com, vnthuquan.net, hay vietkiem.com để đọc truyện kiếm hiệp, truyện Tàu, hoặc truyện dài truyện ngắn, thơ, nhạc tiếng Việt. Các mạng khác như vietfun.com, viettime.com,.vv. có rất nhiều đề mục để giải trí. Để luyện cho não bộ linh hoạt thì tôi hỏi con cháu về những mạng có các tiết mục khác nhau như văn chương, thi ca, nghiên cứu, khoa học, giáo dục.vv., rất bổ ích. Nếu muốn, tôi cũng có thể tìm bạn ở trong các chương trình tìm bạn. Còn biết bao nhiêu websites của Mỹ có thể giúp mình tìm bạn và đọc những chuyện tiếu lâm. Một trong những websites vui cười đó là onedayajoke.com. Muốn sinh hoạt bên ngoài thì tham gia vào hội người già, câu lạc bộ khiêu vũ, hay theo những bạn bè cùng tuổi đi du lịch theo tour. TV và radio cũng có các chương trình tiếng Việt rất vui.

Những giấc mơ đưa ta vượt thời gian và không gian, đi vào những nơi cùng thẳm của tiềm thức để tao ngộ những chuyện mà nhiều khi mình thấy chẳng có ý nghĩa hay liên quan gì với hiện tại. Chỉ bằng một lần mê ngủ không quá một vài tiếng đồng hồ mà tôi đã thấy và trải qua biết bao biến cố khổ ải tuyệt cùng trần gian. Chính tôi còn không biết được đâu là mộng đâu là thật...

Ai cũng bảo "càng già là càng đến gần cái chết". Ai mà khỏi già khỏi bệnh khỏi chết? Con ruồi chỉ sống có một ngày. Ðời bướm cũng rất giới hạn, nhưng ruồi vẫn bay vo ve tìm ăn và bướm vẫn bay lượn khoe khoang sắc màu cùng với muôn hoa. Nếu sống được một ngày hưởng được một phút vui thì cũng đủ đáng sống lắm rồi. Xuân Diệu chẳng đã viết:

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt,
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.

Huống chi ta còn có bao nhiêu ngày dài tháng rộng nữa với cuộc sống an nhàn!

Ái Hoa

(Nội dung dù có phản ảnh lại thực trạng “nam trọng nữ khinh”, sản phẩm của nền văn hóa Khổng học Nho giáo từng gây đau khổ cho bao phụ nữ trong đời sống gia đình, nhưng những truyện kể phần nhiều là hư cấu trong tinh thần thông cảm, chia sẻ cùng các bà mẹ đã từng đau khổ vì chồng con. Để tránh ngộ nhận nơi quý vị nào tìm thấy mình cùng chung cảnh ngộ, người viết xin dùng ngôi thứ nhất “Tôi”, như nhân vật chính của câu chuyện này.)

No comments:

Blog Archive