Văn hoá cằn nhằn...
1. Có lần mình bay với 1 ông khách Thuỵ Điển, thủ tục xong thì nghe thông báo máy bay chậm 4 tiếng. Hầu hết hành khách lo lắng bồn chồn, chạy tới quầy hỏi, rồi thở dài, bắt đầu to tiếng. Mình cũng không ngoại lệ, 4 tiếng đồng hồ ngồi chờ đó, lòng cứ khó chịu, chê ông giám đốc hãng hàng không tham lam, mắng nhân viên mặt đất vô trách nhiệm và nhắn tin với mọi người và đăng lên FB đại loại "khộ quá khộ, lại delay, lần sau không đi hãng này nữa". Quay nhìn thì thấy ông Thuỵ Điển vẫn bình thản đọc sách, thậm chí không nhìn đồng hồ. Khi lên máy bay, ông nói với mình là "nhờ máy bay delay mà tao đọc hết cuốn sách này, thật thú vị". Oh my god!
Mình tuôn 1 tràng về chuyện cái hãng chó chết (dead dog), gọi xách mé là delay airlines cho hả hê. Mình dùng hết mọi từ vựng trong giáo trình thobiology (thô bỉ học) để trút giận. Ông Thuỵ Điển nói, mày tức giận chi vậy, mày có chửi hơn nữa thì máy bay cũng không thể bay sớm. Trễ thì mình xoay sở kiểu trễ. Ví dụ gọi lại xin cái lịch làm việc mới với đối tác. Nếu đối tác không thông cảm thì đối tác đó cũng không xứng đáng để làm cùng, tương lai sẽ tìm đối tác khác tốt hơn, biết thông cảm hơn. Cùng 4h đồng hồ đó, tao vui vẻ, mày tức giận. Trong cuộc đời tao và cuộc đời mày, sẽ có hàng ngàn khoảnh khắc "4h delay" như vậy, phản ứng của mình sẽ thể hiện CHẤT LƯỢNG cuộc sống. Mày nói tẩy chay hãng này là nóng giận tức thời thôi, chứ vài tháng nữa, nó rẻ hơn hãng khác 100,000đ thì mày cũng thức đêm ngồi canh vé đi à. Mình thề là không thèm, free cũng không đi (2 tuần sau, mình lại book tiếp hãng này vì nó rẻ hơn hãng khác 50,000 đồng, lên sân bay vẫn chụp hình cười khí thế, não cá vàng mà).
Trên máy bay, khi tiếp viên phục vụ không niềm nở, bực. Thức uống không free mà bán, vào toilet thì người trước quên xả nước rất hôi, bực. Khi xuống máy bay, đi taxi về công ty, kẹt xe, bực. Trên phố, mỗi người 1 chiếc xe máy đâm chéo qua chéo lại, leo lên lề, còi xe bóp inh ỏi...vì quá nhiều xe trên đường, ai cũng muốn đi nhanh hơn, bực. Mình ngán ngẩm, buộc miệng chê mấy câu về đường sá, nói tại không chịu mở rộng, tại quy hoạch bất cập, tại dân chạy ẩu, người nhập cư gì mà nhiều, ...
Ông Thuỵ Điển nói mày suy nghĩ tiêu cực quá. Chính mày, cha ông mày, ba mẹ mày cũng nhập cư đến Tp này, đường sá thì có mở rộng mãi được đâu. Chính mày đã mua 2 chiếc xe máy và 1 chiếc ô tô, cái nhà cũ đã chia tách thành 3 căn, mặt tiền nào cũng biến thành hàng quán cửa hàng....thì chính mình đã xây dựng nơi mình sống như thế. Đất hoang, tao thấy rất nhiều cây cỏ trên đó, tự dưng đi lấp rồi phân lô bán, ai mua được lô đất thì cười hỉ hả, xong đi nói người khác về việc mất rừng và bảo vệ môi trường. Có nhà đẻ 3-4 đứa con, nhân 3 -4 lên vậy thì tài nguyên phải bị mất dần chứ, vài năm nữa thì 4 đứa con đó lái xe ra đường, rồi nó lập gia đình với 4 người từ nơi khác tới nữa, thì chính mày tăng đến 8 người ra đường. Ham ăn, ham đẻ, ham đất đai nhà cửa, ham xe cộ vật chất....thì phải chấp nhận cảnh giành giật nhau từng m2 đường giao thông, giành nhau chỗ học, chỗ ăn, chỗ ngủ. Mọi thứ do mình cả thôi.
Mình ngẫm nghĩ rất lâu, biết là mình lớn lên từ văn hoá Việt, xuất thân nghèo khổ nên nhìn thấy tiêu cực nhiều hơn mặt tích cực. Khi thấy trái ý là tức giận, ăn nói thô tục, không văn minh, tự thấy thật hổ thẹn. Nhớ lại các chuyến đi du lịch với đoàn khách Việt Nam, chưa có chuyến đi nào vui vẻ. Khách phàn nàn liên tục vì nghĩ đã bỏ tiền ra, phải được hầu hạ như thượng đế, và tưởng tượng lung linh quá, trong hình người ta photoshop chứ thực tế đâu có cảnh nào đẹp cỡ vậy. Từ lịch trình đến hướng dẫn đến đồ ăn đến điểm đến, cứ có khách Việt là có sự phàn nàn, tiếc tiền, các bạn đi du lịch đoàn hay làm hướng dẫn viên sẽ hiểu rõ cái này. Cứ mua hàng là chê mắc, vì làm ra ít tiền quá nên không có sự hào sảng phóng khoáng và sang trọng. Lo tranh đấu với công ty du lịch về mấy cái con con tiểu tiết nên không có tâm trí thưởng thức cảnh đẹp và văn hoá địa phương. Lúc đó toàn tức tối "tao phải làm cho nó dẹp tiệm", đăng đàn bắt bạn bè chia sẻ khắp cho nó biết mặt, mất uy tín cho nó sợ, với danh nghĩa là "không để người khác tốn tiền như mình". Phải mất chục năm sau, khi đầu óc trưởng thành, mình mới tiếc nuối là đã từng ngốc nghếch và vớ vẩn. Chính mình đã phá hỏng những "khoảnh khắc 4h" của cuộc đời mình. Gửi bạn bè xem hình đi du lịch, cái nào mặt mũi cũng xấu xí, nhăn nhó.
2. Có lần mình thử đi 1 tour ở châu Âu với khách Âu, chỉ có mình và 1 gia đình người Việt kia, thấy khác hẳn. Máy bay delay, họ lấy sách ra đọc. Tài xế đi sai đường, họ nói wow, nhờ đi sai mà tao thấy được nhiều cái hay và lạ trên đường, tao rất thích. Đồ ăn không hợp khẩu vị, họ nói để tao challenge, cả nhà cùng nhau thử thách ai ăn hết được 10 điểm, cười vui rộn ràng. Đi cơ quan công quyền ở đâu cũng quan liêu hết, thấy cô nhân viên hành chính nhăn nhó, quay qua bảo nhau "chắc hôm nay cô ấy đèn đỏ, đau bụng nên thông cảm, hỏi thăm giúp cô ấy vui vẻ lên đi". Họ luôn miệng xin lỗi, cám ơn, chúc 1 ngày vui vẻ, tôn trọng cảm xúc của nhau để giúp nhau có được "1 good day". Họ giải thích mọi thứ theo hướng tích cực, nên tự động có chất lượng cuộc sống rất tốt.
Riêng gia đình người Việt trong đoàn thì khác. Bà vợ quên cái kính mát ở khách sạn, mà hôm đó đi biển, lớn tiếng chửi chồng sao không nhắc em. Ông chồng, lúc lấy điện thoại ra chụp cảnh thì thấy hết pin do thằng con chơi game, ông liền chửi thằng con. Group viber để mọi người chia sẻ ảnh đẹp lên đó thì thấy mỗi gia đình họ là post ý kiến chê bai đủ thứ lên đó, 30 người còn lại ái ngại vô cùng, không rõ vì sao mà cái "ego" của họ lớn đến vậy, cố gắng "show off" là mình cao cấp hơn, đến độ anh hướng dẫn nói họ là "they are the king and the queen of complaints, vua và nữ hoàng phàn nàn". Món ăn nào họ cũng chê là nhạt nhẽo, ly này ngọt quá, ly kia sao lại không có đường ai uống cho vô....và bà mẹ luôn gào thét vì bắt thằng con phải thế này thế kia cho đúng ý. Mấy người Tây nhún vai nói, bà mẹ châu Á luôn là a shouting mom, tức bà mẹ hay la. Cũng chương trình du lịch y chang nhau, người xem là thiên đường để enjoy, người tự biến thành địa ngục để đày đoạ, to tiếng.
Cùng một cơn mưa, người tiêu cực sẽ bực mình vì phải đi áo mưa, người lạc quan thì nghĩ đến cây cối sẽ được xanh tươi, không khí sẽ được trong lành. Nắng nóng gay gắt là cơ hội để tiêu diệt mọi mầm vi khuẩn vi rút và nấm bệnh trong không khí, có tiền mua điều hoà sẽ thoải mái, không có thì cố làm cho có tiền để mua. Sau lũ lụt, phù sa sẽ màu mỡ hơn cho cánh đồng, sâu bọ sẽ bị quét sạch ra biển, dư lượng hóa chất trong đất đai sẽ bị rửa sạch. Lỗi lầm của người khác (do mình nghĩ vậy thôi chứ chưa chắc đó là lỗi lầm của người khác), thay vì giữ trong lòng và tức giận, thôi bỏ qua, mình sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều, vì sự thoải mái của mình trước đã.
Trong từ Hán Việt, "nguy cơ" bao gồm nguy và cơ. Với người có tư duy tích cực, nguy (problem) họ sẽ biến thành cơ (opportunity). Người tích cực sẽ có gương mặt sáng bừng, nụ cười thường trực trên môi, sống và cháy hết mình, học tập và làm việc hết mình, không để ý cái nhỏ, cái tôi hạ rất thấp, thích nghi lại rất cao nên có thành tựu rực rỡ. Mở miệng ra là thốt lời hay ý đẹp, luôn khen, nếu không nói lời tử tế được cho nhau thì họ im lặng. Còn người tiêu cực, có thể họ có tiền, nhưng họ không bao giờ có 1 cuộc sống chất lượng và có thành tựu lớn, vì cảm xúc tiêu cực đã chiếm hết quỹ thời gian trong đời họ.
Với 1 ly nước, có người nhìn thấy "nước chỉ còn 1 nửa", và uống với cảm giác chán chường. Có người sẽ thấy "ối, còn tới cả nửa ly nước" và uống với tâm trạng vui vẻ. Cũng nhiêu ml nước đó vào cơ thể, nhưng 2 tâm trạng khác nhau.
Bạn có thoát được văn hoá phàn nàn và tiêu cực để thưởng thức cuộc sống không? Hay vẫn để tiền bạc chiếm hết tâm trí và lúc nào cũng khó chịu nhăn nhó, làm mình làm mẩy, thượng đế phải được thế này thế kia. Nếu vậy thì bạn quan trọng giá cả hơn giá trị, và tự làm hỏng quỹ thời gian cuộc đời mình!
Người có chỉ số hạnh phúc cao sẽ nhìn mọi thứ ở góc độ khác nhau. Nếu ông khách Thuỵ Điển là 10 điểm ở chỉ số hạnh phúc, vậy bạn tự cho mình là bao nhiêu ?
Le VanQuy
No comments:
Post a Comment