HẠNH PHÚC và ĐAU KHỔ
-- Sư Giác Nguyên-
Thế giới này có ba cái khổ.
- Cái khổ thứ nhất là phải sống gần người mà mình ghét.
- Cái khổ thứ hai là phải xa người mà mình thích.
- Cái khổ thứ ba là bản thân sự có mặt này là khổ rồi.
Và kinh ghi rất rõ: Người hạ căn, trình độ thấp, cầu đạo giải thoát là vì họ muốn trốn cái khổ thứ nhất. Tức là sợ chịu đựng cái họ không thích. Hạng thứ hai, khi phải chia xa, mất mát cái họ thích là đủ để họ sợ rồi. Hạng thứ ba thượng thừa, chỉ đặt dấu hỏi: "Cuộc sống này sẽ dẫn về đâu? Ý nghĩa rốt ráo, tối hậu của hiện hữu này là gì?". Đó là con số không to tướng.
Nhiều người không biết giáo lý, đam mê cuộc sống vật chất; khi vào chùa nghe đến cõi Tây Phương thì họ ham. Bởi vì nghe trên đó sống hoài không chết, tu ít mà mau đắc, có sự hỗ trợ hết mình của chư Phật và chư Bồ Tát, là chỗ toàn cảnh đẹp sung sướng, không đau khổ, không máu lệ. Chứ thật sự là hành giả Tứ Niệm Xứ, nghe như vậy họ sẽ hỏi: "Tại sao lại không 'đi' ngay bây giờ, mà lại về đó để tu? Nhà ga nào, dù đẹp cấp mấy, cũng không ai muốn ở đó lâu. Ai cũng muốn về nhà hết. Ai cũng muốn bay càng sớm càng tốt. Không ai muốn "delay" hết. Khoái về Tây Phương là mấy người khoái bị hoãn chuyến bay. Một khi thấy cái thân này là gánh nặng, anh sẽ không muốn tồn tại nữa.
Hạnh phúc không đáng để mình ước mơ và đau khổ không đáng để mình sợ hãi. Mà hai đứa cộng lại chỉ để mình chán thôi. Tại sao chán?
- Thứ nhất, không có đứa nào bền hết trơn. Cái khổ không lâu, cho nên không có gì để mình sợ. Mà hạnh phúc không đáng để mình phải đam mê vì nó rất ngắn. Đó là nói về mặt thời gian.
- Về khía cạnh bản thể, bản chất thì: do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống mới có cái thích, cái ghét. Vì được cái thích thì mình mới hạnh phúc, và phải chấp nhận cái ghét nên mình mới đau khổ. Nói miết mà tôi thấy quê luôn!
Dầu cho chiều nay, bác sĩ nói mình bị ung thư không qua được, nếu nói rốt ráo theo tinh thần nhà Phật, ta đã chết từ nhiều năm nay chứ đâu đợi đến chiều nay mới biết. Và chết không phải là sự kết thúc, mà còn là bắt đầu hành trình khác. Và Ngài dạy rất rõ, có tu hành phải hiểu rằng: xài cái thân này mấy chục năm là đủ rồi, bỏ nó đi, kiếm cái mới xài tiếp, cho đến bao giờ không còn cái để xài thì gọi là 'giải thoát'. Và vì không thường trực nhận thức kỹ lưỡng về thân nên anh tưởng nó hay ho lắm, anh mới sợ mất.
Có những cuộc hôn nhân mà người ta sẵn sàng ly dị, không cần chia tài sản. Vì sao? Vì nổi khổ lớn hơn cái tài sản. Và có những người đàn bà tiếp tục chấp nhận hôn nhân đau khổ là vì một lý do nào đó lớn hơn cái nỗi khổ họ phải gánh chịu.
Sẽ có một ngày, quý vị thấy hạnh phúc và đau khổ không đáng sợ, không đáng đam mê, mà chỉ đáng chán thôi. Nếu không thấy được điều tôi nói nãy giờ thì sẽ tiếp tục mê thích nữa. Còn mê thích là còn bất mãn vì có đầu tư. Hễ có đầu tư là có đầu thai. Mà đầu thai về đâu thì... trời biết, đa phần toàn 'đi xuống' không à. Mà đã xuống dưới rồi, cơ hội trồi lên là cực hiếm.
Theo mô tả trong kinh, chỉ cần một tích tắc, một con người đi xuống làm con giun. Nhưng từ con giun trở lại làm người thì không biết bao nhiêu tỷ năm. Vì sao? Vì khi xuống tới đó rồi, đầu óc của mình không còn phân biệt được thiện ác nữa.
Và khi mình sa đọa quá sâu, thì khi trồi lên, mình phải sống khờ khạo rất nhiều kiếp. Kinh Hiền Ngu nói như vậy, không phải tôi. Khờ từ cái con li ti, rồi trồi lên từ từ, tới hồi làm người cũng vẫn còn khờ. Quý vị thấy có nhiều người họ chỉ ăn uống thôi, chứ không màng ba cái vụ triết học, chính trị, văn chương.
Có rất nhiều người Việt đi vượt biên, gặp cướp...đau khổ gần chết, qua tới đây có cơ nghiệp, họ vẫn không hiểu lý do họ vượt biên là gì. "Người ta rủ đi, thì đi". Có người đi vượt biên bởi lý do chính trị, có người vì kinh tế, có người bị xúi đi, may mắn thì tới. Nghĩa là qua bên đây, họ chỉ biết đi làm, kiếm tiền, sống sung sướng.
Tới hồi Việt Nam mở cửa thì họ về mua đất cất nhà. Họ không nhớ rằng ngày xưa vì đâu họ phải bán mạng để lên đường. Họ sống rất đơn giản.
Có nhiều cụ 60, 70 tuổi về bển qua, khen: "con gái Việt Nam lễ phép, hơn mấy chục tuổi nó cũng kêu bằng anh". Chỉ vì lý do đó mà về nước. Cái đầu họ đơn giản vô cùng, trong khi cái đó mình thấy kỳ. Rồi có người nói về nước đêm hôm nhức mỏi, búng tay một cái có dịch vụ đấm bóp tại gia. Vì sướng lắm, nên về bển để hưởng.
Nói cái này, tôi biết nhiều người nghe sẽ giận tôi, tại sao 'chọt' tới họ. Nhưng đã nói thì phải nói cho hết. Mang thân người đừng nghĩ là đều có khả năng nhận thức giống nhau. Có những người nói đến chính trị, văn học, nghệ thuật là họ mù tịt. Và có những người nói đến tâm linh, tôn giáo, tinh thần là họ mù tịt. Mà mù còn đỡ. Có những người còn thắc mắc là nhắc đến mấy cái đó để làm gì?
"Sự dốt nát không trầm trọng bằng niềm tự hào với cái dốt của mình", một thi sĩ Canada nói câu đó. Mà rất nhiều người trong chúng ta rơi vào hoàn cảnh đó, tức là đã dốt mà lại thấy mình hay- mới ghê chứ. Vô minh đáng ngại, nhưng tự hào với cái vô minh đáng ngại hơn.
Tôi chọn đề tài này bởi vì tôi muốn bà con khi bắt đầu vào công phu tuệ quán, phải nắm rõ về Hạnh phúc và Đau khổ. Vì đó là hai cái trước mắt bà con gặp trong đời sống. Và trong tu hành, chắc chắn bà con cũng phải gặp. Từ đâu? Từ cái vụ thoải mái và khó chịu. Lúc đó, bà con nghe văng vẳng: "Ồ, ngày xưa sư có nói cái này".
* Hãy luôn nhớ rằng: Trong tu tập, không có xua đuổi, cũng không trông đợi.
No comments:
Post a Comment