Saturday, July 29, 2023

Khi xa Sài-gòn

Thơ Kim Tuấn
------------------
Sài-gòn bây giờ trời mưa hay nắng
Sài-gòn bây giờ ai khóc thương ai
Sài-gòn giới nghiêm che kín đêm dài
Sài-gòn khói bay, Sài-gòn nắng đổ
Sài-gòn đã buồn như trời sớm mai

Sài-gòn bây giờ trời mưa hay nắng
Sài-gòn bây giờ ai khóc thương ai
Sài-gòn giới nghiêm che kín đêm dài
Sài-gòn khói bay, Sài-gòn nắng đổ
Sài-gòn có còn bước chiều bơ vơ

Sài-gòn còn ai khóc kẻ lên đường
Sài-gòn xe chiều rạt rời vó ngựa
Sài-gòn âm thầm, đèn đỏ đèn xanh
Sài-gòn mưa bay, thôi thế cũng đành
Giấc ngủ miền xa, ôm trời núi rừng
Bên rừng nhớ nắng Trung Nguyên

Sài-gòn bây giờ trời mưa hay nắng
Sài-gòn bây giờ cúi mặt xa nhau
Sài-gòn bước ai gõ xuống đêm sầu
Sài-gòn bóng nghiêng, Sài-gòn đứng đợi
Sài-gòn bây giờ cúi mặt xa nhau

Nhà thơ Kim Tuấn (1938- 2003) tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Khuê, sinh tại Huế nhưng nguyên quán tại Hà Tĩnh, là hậu duệ 5 đời Tùng Thiện Vương Miên Thẩm.

Là con trai duy nhất của gia đình. Thuở nhỏ sống cùng gia đình ở Phan Thiết. Lớn lên vào Sài Gòn học.

Kim Tuấn làm thơ từ năm 13 tuổi. Bắt đầu có thơ đăng trên các tạp chí đầu thập niên 1960. Thơ ông thường hướng những cảm xúc về đề tài Thiên nhiên - Chiến tranh - Tình yêu. Tập thơ đầu tiên xuất bản là tập Hoa Mười Phương in chung với mười ba tác giả khác. Ông từng có một thời gian nhập ngũ và làm thông dịch viên tiếng Anh cho Quân đoàn II thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Pleiku. Thời gian này ông còn là phóng viên chiến trường với ký danh Vĩnh Khuê.

Vào thập niên 1960, có thời gian Kim Tuấn sinh sống tại Pleiku, tại đây ông đã sáng tác nhiều bài thơ về miền đất cao nguyên thơ mộng này trong đó có bài “Khi xa Sài Gòn” và được nhạc sĩ Lê Uyên Phương phổ nhạc khi còn ở Đà Lạt trước năm 1975. Sau này ca khúc “Khi xa Sài Gòn” trở thành một ca khúc mang tính hoài niệm cho những Việt khi phải sống lưu vong ở nước ngoài!

Sau biến cố 30/4/1975, ông ở lại Việt Nam và đến năm 1977, ông về Sài Gòn làm hiệu trưởng Trường Anh văn và dạy nghề Thăng Long - một ngôi trường do người Anh tài trợ dành cho trẻ em lang thang và dạy học ở đó cho đến cuối đời.

Kim Tuấn được xem là một tên tuổi quen thuộc trong làng âm nhạc trước 1975, vì thơ của ông đã được phổ thành những bài nhạc nổi tiếng là Anh Cho Em Mùa Xuân, Những Bước Chân Âm Thầm, Khi Xa Sài Gòn, Khi Tôi Về…

No comments:

Blog Archive