MỘT MÌNH
-- Sư Giác Nguyên giảng-...
Tôi không có thần thông, tôi không phải là chơn tu đạo cao đức trọng, huệ căn sâu dầy gì hết. Tôi chỉ dựa vào kinh sách và đặc biệt dựa vào kinh nghiệm của tuổi đời 50, tôi thấy cái này:
... Ngoài đời, một học sinh, sinh viên hiếu học thì đã không có thì giờ để xáp vô đám bạn. Nói chỉ là người biết đạo, hiểu giáo pháp giải thoát, làm sao có khả năng tâm lý để mình theo đuổi, rồi dây dưa, la cà với thiên hạ được?!
Khi nào bản thân không tự làm điểm tựa cho chính mình, không có khả năng tự đem lại an lạc, thì mình mới hướng ngoại, tìm đến kẻ khác để mà lấy sức sống, niềm vui. Chứ khi tu tập, các vị sẽ thấy rằng thời gian để suy tư, thiền tập còn không có, làm gì dư để mà dây dưa, rề rà với thiên hạ?
Tin tôi đi. Thiên hạ, chỉ 5-10 người xáp vô là sẽ có phiền não thôi, trừ phi các vị hoặc đám đông đó toàn là thánh. Có hai loại đám đông: ngoài đời và online... Công việc tu tập: đi biết đi, ngồi biết ngồi, đứng biết đứng, vui biết vui, buồn biết buồn, thở ra vào: biết rõ, thiện ác buồn vui: biết rõ. Chỉ riêng chừng đó, đã không đủ thời gian, làm gì mà có thời gian dành cho đám đông?
Nên nhớ, chúng ta vốn dĩ cô đơn từ vô thủy luân hồi. Mỗi người có hạnh nghiệp riêng. Dầu có là cha mẹ, là chồng vợ, là con cháu, là anh chị em trong đời này, chắc gì đời sau gặp lại? Thứ hai, cơ hội mang thân trời người (cõi nhân thiên) rất là khó.
Chẳng qua vì ảo giác, một chiều mưa ngồi một mình cô độc quá, chúng ta thèm một bàn tay, mái tóc, một ánh mắt, tia nhìn để sưởi ấm lòng mình cho bớt cô quạnh, và tưởng đó là tri âm tri kỷ. Không đâu. Nó chỉ góp phần chen lấn vô thôi, chứ niềm cô đơn vẫn muôn đời nằm đó, không ai chia xẻ được.
Đừng có nói với tôi là chư Phật, chư thánh ngày xưa đi hoằng pháp rần rần thì sao? Xin nhớ, các vị có là Phật chưa? Đừng so Ngài với mình. Ngài đi hoằng pháp chớ không phải xáp vô đám đông. Còn mình, nhân danh từ thiện, thiền viện, nhân danh xã hội, trách nhiệm, bổn phận...đủ thứ. Đứng dưới bảng hiệu, núp dưới những mỹ từ cả đời. "Mạnh nhất là người có khả năng sống một mình", Phật đã kêu gọi tinh thần độc cư.
Bắt mình cứ nghĩ về bất tịnh, niệm chết, đã vậy lại bắt sống một mình! Cái đạo gì mà buồn dữ vậy trời?! Không phải. Đây là cái đạo dành cho người trưởng thành, cho mấy người dám nhìn vào sự thật. Vì hôm nay thấy được sự thật thì mai này, đối diện với nó, anh mới có thể tiếp tục ngon lành. Còn bình thường vô sự mà anh không có bản lãnh để thấy ra sự thật, mai này nó ập vô mặt, làm sao anh chịu nổi?
Không có khả năng sống một mình bây giờ, mai này anh vào bệnh viện, anh nằm với ai? Trên giường chết, anh hấp hối với ai? Anh tắt thở rồi, đi về phương trời miên viễn nào đó, với ai? Một mình. Đừng nói là có vợ, có chồng, có con có cái, có bạn có bè, có tri kỷ, tri âm. Anh mãi hoài trước sau, đã luân hồi vô số kiếp, một mình. Anh có nghiệp thiện, nghiệp ác, anh đi vào các cõi, một mình.
Chẵng qua, trong cõi nào đó, anh thấy chung quanh có những người gần gũi về quan điểm, về không gian, về địa dư, anh cho đó là bầy đàn, đoàn thể, cộng đồng, là xã hội, đất nước, quê hương, là cố quận của anh; chớ thật ra, anh chỉ là một chiếc lá giữa rừng, chỉ là một giọt trong dòng nước. Mai này, có ai đó lấy giọt nước đem lên bờ mới thấy nó lẻ loi biết chừng nào! Khi một giọt nước rời khỏi dòng nước, những giọt nước còn lại sẽ nghỉ: 'duyên đến đẩy anh đi là phần của anh, chúng tôi tiếp tục ở lại'. Chuyện đời bạc vậy đó.
Tôi nói không biết bao lần, thương yêu nhau cho lắm, đám tang khóc nhiều lắm, một thất, hai thất, bảy cái thất -49 ngày là "finish", là "fertig", là "finire", không còn gì hết. Nhiều lắm mỗi năm đến ngày giỗ nhắc lại một lần.
Hòa thượng Hộ Giác, đương thời từ 1958 cho tới 1975 thuyết pháp là kẹt xe, từng đòan, từng đoàn. Rồi về già, mấy năm cuối đời sống quạnh hiu, có ai biết đến ngài? Khoảng chừng tuần lễ, nửa tháng sắp tịch có mấy đệ tử ở tiểu bang xa bay về thăm vài ba bữa, rồi cũng biến mất. Ai cũng bận việc, phải về lo chuyện của họ chứ. Tôi nói chuyện đó để quí vị thấy rằng:
"Còn duyên ăn nhãn, ăn hồng
Hết duyên bán mít cho chồng con xơi",
"Còn duyên kẻ đón, người đưa.
Hết duyên đi sớm về trưa, một mình".
Không có gì lạ hết. Hoa hậu, diễn viên, ca sĩ...chỉ nức tiếng lúc đương thời thôi. Các vị vào Chùa Nghệ sĩ ở Saigon mà coi những nghệ sĩ xế chiều, nghiệp duyên diễn đã hết, bây giờ sống lây lất ra sao?
Sống không thể thiếu đám đông, nhưng cần nhớ: đám đông là nước đẩy thuyền đi, nhưng khi thuyền chìm rồi, thì xong. Đừng đòi hỏi:
"Ngày xưa anh nâng tôi, đưa tôi đến bao nhiêu bến bờ viễn xứ, bây giờ tôi chìm xuống, sao anh không có động thái nào để kéo tôi lên, đưa tôi trở về vàng son quá khứ vậy?".
Nước sẽ trả lời: "Không, ngày nào anh vẫn đi bằng mái chèo của anh, tôi chỉ trợ lực thôi. Anh không thể trông cậy, nương đổ vào tôi 100%."
Đám đông cũng vậy, anh còn gượng được, chúng tôi hỗ trợ; anh đã sụm bà chè thì anh chết; thiên hạ phù thịnh bất phù suy.
Đức Phật nói rằng, một vị tỳ kheo mà còn chìm đắm trong đám đông, còn tin cậy, nương đổ vào đám đông, thì đạo nghiệp là zero.
No comments:
Post a Comment