Thân này “làm mọi” cho em!
Tại vùng hẻo lánh Đông Bắc Hy Lạp, một tập quán kỳ lạ đã ra đời từ nhiều năm nay: mỗi năm một lần, các đấng mày râu bỗng biến thành người nội trợ cơm dâng nước rót cho bà xã mình. Họ làm đủ loại công việc thường nhật hệt như các bà nội trợ và nếu bất tuân họ sẽ bị các bà… đánh thẳng tay – như được kể trong phóng sự của tờ Marie Claire. Do đâu mà sinh ra hiện tượng gió đổi chiều này?
Ông Nikos Mitrelis tẩn mẩn xem tờ giấy ghi lịch làm việc của mình: quét cầu thang, phơi đồ, chà cọ nhà tắm, mua hàng, nấu súp. Ông cụ làm nghề đánh cá 63 tuổi này lặng lẽ thở dài và lắc đầu. Bà vợ Dina của ông đang thư thả ngồi trên ghế bành, hai chân đặt lên chiếc gối thêu hoa hòe hoa sói. Khoác lên người bộ đồ màu tím và chiếc tạp dề in đầy bông, cụ ông Nikos bưng cho vợ tách càphê sữa. Dina nhấm nháp và lướt mắt qua tờ nhật trình buổi sáng. “Có nóng không em?” – cụ ông Nikos hỏi. “Mmmm” – Dina trả lời. Vén màn, cụ Nikos nhìn ra ngoài cửa sổ. Thật hên làm sao, chẳng ai chứng kiến cảnh “làm mọi” của cụ.
Có điều gì đã xảy ra nghiêm trọng ở vùng Kassini này chăng? Một cuộc cách mạng nữ quyền đã thành công rực rỡ? Nikos là thế hệ thuộc những gã đàn ông nhạy cảm thời mới ở một đất nước mà hình ảnh kiêu hùng của đàn ông đã lụi tàn? Tất cả nghi vấn đó đều sai. Nikos chỉ “làm mọi” hôm nay thôi và phần còn lại trong 365 ngày sẽ lại được phục hồi nguyên trạng. Bởi vì hôm nay là ngày Gynaikratia (Ngày phụ nữ tiếm quyền), xảy ra hàng năm vào ngày 8-1 (chứ không phải 8-3) tại một số ngôi làng hẻo lánh ở Bắc Hy Lạp giáp ranh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Người ta cho rằng phong tục này bắt nguồn từ những người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ sang, từ thập niên 1920. Phong tục kỳ cục này nghiêm nhặt đến độ không ông nào dám hé miệng phản kháng. Thậm chí, khách du lịch đến đây đúng vào dịp này cũng buộc phải tuân thủ.
Tháng Giêng ở đây là tháng của những ngày hội sinh sản và Gynaikratia thường chỉ dành cho cặp vợ chồng trung niên. Ngày Gynaikratia là ngày cuối cùng của một chuỗi lễ hội. Theo truyền thuyết, ngày Gynaikratia xuất hiện ngay sau kỳ Giáng sinh vì phụ nữ quá mệt mỏi sau 12 tháng phục vụ gia đình. Trong ngày tuyệt vời này, khi các ông đang khòm lưng cọ nhà tắm thì các bà tụ tập tán gẫu, đánh bài hay kéo nhau vào các kafenia (quán càphê).
Sáng sớm ngày Gynaikratia, có ba người ôm trống đi khắp làng đánh inh ỏi để báo hiệu thời khắc cay đắng và đầy tủi nhục đối với các ông đã bắt đầu, ở ngôi làng có khoảng 31,000 dân và sống chủ yếu bằng nghề trồng thuốc lá này. Ở con đường cái, nhiều khu trại gypsy nằm dài cho đến một ngôi làng nhỏ hơn với 1,500 dân sống bằng nghề trồng bông và bắp.
Trong ngày Gynaikratia, các ông tuyệt đối bị cấm ra khỏi nhà. Thật quá sức đau lòng! Nếu bị phát hiện phạm luật, đấng tu mi đáng thương đó sẽ được các bà chăm sóc cẩn thận bằng những trận đòn tơi tả không còn manh giáp, đúng nghĩa của cụm từ này (ông sẽ bị xé toạc quần áo rồi còn bị tắm bằng nước nóng!). Các ông chỉ còn có thể nhắn nhủ, an ủi nhau cho qua ngày dài lầm than: “Còn gì nữa đâu mà khóc với sầu”…
Sau khi nhấm nháp tách càphê sữa, cụ bà Dina thơ thẩn đến một kafeneio để cùng các chị em khác “gây” sòng. “Người Hy Lạp thường nói rằng kafeneio là một nghị viện nhỏ” – cô Xanthi 36 tuổi nói – “Ðó là nơi mà mọi vấn đề rắc rối của thế giới đều được giải quyết”. Vào những ngày khác, kafeneio là địa điểm của các ông tụ tập bàn chuyện chính sự. Vài người còn quơ quào chân tay như thể vị tướng đang hoạch định chiến lược tấn công ngoài mặt trận. Tuy nhiên, vào ngày Gynaikratia, quán có mặt toàn phụ nữ và họ chỉ ồn ào khi chơi bài. Không khí toàn khói thuốc của các ông được thay bằng mùi nước hoa và những tiếng cười khúc khích hoặc ha hả của các bà.
Trong khi một số phụ nữ thư giãn ở kafeneio, vài phụ nữ khác vẫn thi hành công vụ. Có hai phụ nữ đang tuần hành ngoài xa lộ, mặc cảnh phục. Trong bộ cảnh phục xanh và đôi guốc cao gót trắng, Teresa thổi còi điều khiển giao thông. Nàng ngoắc ngón tay hướng đến một tài xế, nói: “Hôm nay làng này đang tôn vinh phụ nữ, ông có sẵn lòng đóng góp chút tiền cho liên đoàn phụ nữ chăng?”. Vài bác tài nhăn mặt, phóng xe bỏ đi nhưng vài người khác miễn cưỡng chọc tay vào ví. Tuy nhiên, hầu hết các bác tài đều đóng góp bằng một nụ cười.
Trung bình, mỗi lần quyên góp như vậy cũng được hơn 200,000 drachma (hơn 1,000 USD). Số tiền thu được thường dành cho các chuyến nghỉ mát xa hoặc nước ngoài. Năm ngoái, do thu được khá nên liên đoàn phụ nữ đã đưa chị em nghỉ mát một tuần ở Crete (Hy Lạp, gần Ðịa Trung Hải), báo hại các ông xã phải ở nhà nai thân làm mọi đến cả tuần chứ không phải một ngày!
Ðôi khi, cũng có vài gã nóng tính tỏ ra bực mình phong tục này. Có lần, một ông gù trốn ra đường và hét toáng: “Phụ nữ không có quyền gì trong một ngày cả! Nghe chưa! Thậm chí một giờ cũng không!”. Cụ ông Nikos kể lại và giải thích thêm rằng sở dĩ ông già gù đó cáu tiết là do các bà cảnh sát ngăn không cho gã phát thư vào làng để đưa chi phiếu lĩnh tiền hưu trí. Thật ra, trong thời gian rất dài, các ông chồng ở vùng quê này đã phản đối Gynaikratia rất gay gắt. Vài người cho rằng đây là sự sỉ nhục không thể chấp nhận được. Nhưng rồi cuối cùng, những kẻ ương ngạnh và phản đối mạnh nhất cũng cúi đầu chấp nhận. Phép vua còn thua lệ làng, huống gì các ông!
Cụ ông Nikos kể thêm rằng tối hôm Gynaikratia, các ông thường không dám nằm chung giường với vợ vì “hơi thở bà ấy sặc mùi rượu”. Bà Julia, vợ ông Janios, cho biết rằng do năm ngoái ông bị các bạn chế giễu dữ quá nên năm nay ông nhất quyết không cam cảnh làm mọi nữa. Nhục thế đủ rồi! Cô con gái Niki 15 tuổi của gia đình này kể thêm cả gia đình hôm đó nhịn đói vì không ăn nổi thức ăn do ông Janios chế biến. Ấy vậy, hôm đó bà nội có ghé thăm và tỏ ra rất hài lòng với thức ăn do con trai mình làm. Gynaikratia là dịp để đám trẻ trai chứng kiến cảnh bố hoặc ông mình hoàn thành nghĩa vụ làm đàn ông và để rút ra những bài học kinh nghiệm xương máu cho cuộc đời trưởng thành sau này.
Tại nhà ông Janios, một số phụ nữ đang trang điểm cho một babo (bà vợ trung niên) – nhân vật trung tâm của ngày Gynaikratia. Năm nay, babo là bà ngoại Julia 55 tuổi. Khi thực hiện xong trang điểm, Julia được cả làng hộ tống đến hội trường làng, trên chiếc xe lừa trang trí đầy hoa. Không một ông nào được phép lò dò đến hội trường. Tại đó, các bà cụng ly với nhau bằng thứ rượu gọi là retsina. Buổi tối, cuộc hội hè càng trở nên nhộn nhịp hơn khi các bà thồn khoai tây vào quần rồi rượt đuổi nhau. Màn kế đến là khiêu vũ. Khi ban nhạc trổi lên âm điệu valse du dương, các bà chia cặp và ôm nhau nhảy. Lúc đến bài dân ca Thổ Nhĩ Kỳ, họ uốn éo và lúc lắc mông như các nghệ sĩ múa bụng của Ấn Ðộ.
Sau đó, người ta mang ra một cái nôi trong đó có con búp bê bằng sứ quấn trong cái mền, để giữa khán phòng. Các bà nhảy quanh cái nôi và trao quà tặng cho babo (thường là thỏi xà phòng hay khăn lông). Trong không khí đó, đám gái trẻ chui vào phòng tắm lén hút thuốc lá. Bên ngoài, bọn con trai tò mò lấp ló ngoài cửa sổ lén nhìn vào, khúc khích cười, cho đến khi chúng bị các bà cảnh sát phát hiện và ví chạy có cờ…
Mạnh Kim
Westminster, CA
No comments:
Post a Comment