Đọc Truyện Phạm Tín An Ninh
Bảo Anh Trần Tường Vi
January 29, 2023
Một người giữ tròn trách nhiệm và đôn hậu, đó là Phạm Tín An Ninh
Sinh tại Vạn Giã, tỉnh Khánh Hòa. Mồ côi mẹ sớm, lúc mới 3 tuổi. Ông chỉ có một người em gái tên là An Bình.
Thuở nhỏ ông học ở trường làng, tới trường huyện, rồi chuyển vào thành phố Nha Trang học Trung học. Sau khi đỗ Tú Tài, ông nhập ngũ vào Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.
Tháng 3 năm 1965, ra trường, về một Sư Đoàn Bộ Binh, được cử giữ chức vụ Trung Đội Trường Tác Chiến của một Tiểu Đoàn Lưu Động trong khu Chiến Thuật.
I_Phạm Tín An Ninh viết nhiều truyện ngắn.
Nhưng thật ra đó lại là một truyện dài, nếu ta nhìn vào từng nhân vật.
Một trường hợp tiêu biểu được kể lại, là có một bé gái và một bé trai cùng sống trong một cô nhi viện. Lớn lên cậu trai nhập ngũ, sau một thời gian trở thành một Trung Sĩ. Hai người yêu nhau. Những bà soeur của cô nhỉ viện, biết họ từ nhỏ, thương cả hai người, đứng ra tổ chức lễ đính hôn. Chàng tên là Nguyễn Phú Hùng Em. Nàng tên là Thụy Khanh, Một trời hạnh phúc đang mở ra. Sau đó chàng Trung Sĩ lại đi hành quân, rồi tử trận.
Bẵng đi rất lâu, Phạm Tín An Ninh không có tin tức gì nữa về vị hôn thê của người Trung Sĩ đã hy sinh vì tổ quốc. Tháng 10/1972, tác giả đi theo người bạn đến thăm một cô nhi viện.
…“chúng tôi được một bà sœur ra tiếp và mời vào văn phòng uống trà. Anh bạn tôi thì đã là người quen biết từ lâu, trong cách giao tiếp, anh được các sœur xem như một ân nhân bảo trợ, chỉ có tôi là người lạ. Nhưng khi chào tôi, sœur bảo thấy tôi giống một người thân quen nào đó. Còn tôi, thì cũng mơ hồ như đã từng gặp người nữ tu này ở đâu rồi.
“Được giới thiệu là sœur Anna, tôi biết đây chỉ là tên thánh của bà. Khi tôi vừa ngồi xuống phía đối diện, sœur nhìn chăm chú vào cái bảng tên của tôi trên nắp tùi áo, bỗng mắt sœur như sáng lên:
– Có phải lúc trước Đại Úy ở Tiểu Đoàn 3/44?
Tôi khựng lại, ngạc nhiên:
– Dạ, đúng là trước kia có mấy năm tôi ở tiểu đoàn này. Nhưng cách nay đã 6, 7 năm rồi!
– Đại úy còn nhớ trận Quảng Nhiêu. Hình như Đại Úy suýt chết trong trận ấy?
Tôi càng ngạc nhiên hơn, không hiểu tại sao người nữ tu này biết rõ mình như thế. Tôi vừa trả lời vừa nghĩ ngợi, thăm dò:
– Dạ đúng, nhưng sao sœur biết. Chuyện đã xảy ra lâu lắm rồi mà. Sœur Anna không trả lời mà hỏi lại tôi: – Đại Úy thoát chết, nhưng người nằm hố bên cạnh thì bị nguyên một quả đạn súng cối 60 hay 80 gì đó, phải không?
“Tôi giật mình, từ ký ức hiện ra rất nhanh hình ảnh hãi hùng này, và ngay lúc ấy, trước mắt tôi sœur Anna cũng phảng phất bóng dáng của một người con gái khác.
“Sau những cuộc hành quân dài hạn trong rừng, mỗi lần đơn vị được về phố ít ngày hoặc đóng quân trong các làng mặc nằm khu ngoại ô, chúng tôi lại thấy người con gái xinh đẹp Thuỵ Khanh đến thăm và ở lại với người yêu.
“Đó là một đôi tình nhân gắn bó, đẹp và lãng mạn nhất mà bọn tôi chứng kiến, và có lẽ ai cũng thèm thuồng có được một hạnh phúc như thế.
“Một hôm, khoảng hai giờ sáng, khi tôi đang ngủ chập chờn, bỗng một tiếng nổ chát chúa ngay bên cạnh, mảnh đạn và bụi phủ đầy người, tôi bật dậy chụp vội cây súng chạy ra hàng rào phòng thủ, nơi vọng gác có đặt khẩu đại liên. Rờ nắn vội qua khắp người xem có thương tích gì không, tôi thở phào vì không thấy dấu hiệu đau đớn nào, nhưng khi các trái sáng bắn lên, nhìn bụi đỏ phủ đầy người tôi giật mình cứ ngỡ là máu. Địch quân đã pháo kích chúng tôi hơn 10 quả bằng hai khẩu súng cối 61 ly từ hai địa điểm khác nhau. Pháo Binh đã phản pháo chính xác làm bọn chúng câm họng. Khi tình hình ổn định, trở về hố, tôi bàng hoàng nghe anh lính ô”đô báo là Trung sĩ Hùng Em đã chết. Anh đã lãnh nguyên một quả đạn 61 ly, rớt ngay sát bên cạnh, ruột đổ ra ngoài và thân thể nhuộm đầy máu. Điều kỳ lạ, là anh lính ô”đô của tôi nằm ngay một bên mà không hề hấn gì, chỉ có áo quần dính đầy máu và thịt của người đồng đội xấu số.
* * *
“Cuối cùng, miền Nam cũng mất. Tôi và cả cha tôi đều bị tù đày khốn khổ. Cha tôi, tuổi già sức yếu, không đủ sức để chịu đựng bao đòn thù tra tấn, hành hạ, nên đã chết trong trại tù Đá Bàn vào tháng 6 năm 1976, còn tôi bị đày ải qua nhiều trại tù, từ Nam ra Bắc. Sau gần tám năm tôi được thả về để chứng kiến một quê hương nghèo khổ điêu tàn, vợ con nheo nhóc. Tôi quyết định vượt biên, dù có phải chấp nhận bao hệ lụy khôn lường. Tôi rủ vài người bạn tù cùng tổ chức vượt biển, trong số này có một anh bạn nguyên là sĩ quan Hải quân có nhiều kinh nghiệm hải hành. Nơi bọn tôi hẹn gặp gỡ là một cái quán nhỏ của gia đình người bạn tù khác nằm gần khu Hòn Chồng.
Một hôm, sau khi bàn công việc và ăn uống xong, tôi bỗng nghĩ tới anh Trung Sĩ Hùng Em, khi nhớ ngôi mộ của anh cũng nằm gần nơi này. Tôi nhờ anh bạn chở tôi đến đó. Vì nghĩa trang nhỏ, nên tôi dễ dàng tìm ra ngôi mộ của anh Hùng Em. Điều làm tôi sửng sờ là ngôi mộ nằm bên cạnh có tấm bia ghi đậm tên người quá cố: Sœur Anna Phan Thụy Khanh, được Chúa gọi về ngày 15.3.1975. Tôi không biết vì sao cô chết, chỉ còn nhớ thời gian này đã từng xảy ra cuộc di tản kinh hoàng trên Tỉnh Lộ 7B.”
Rõ ràng đây là một truyện dài, hết cả một đời người.Thụy Khanh lớn lên từ cô nhi viện. Khi trưởng thành, đính hôn với một người vốn ở cùng một cô nhi viện. Chàng tử trận. Nàng trở thành một bà soeur, nuôi nấng những trẻ mồ côi thuộc hệ sau, cũng là nạn nhân của Cộng Sản, trong một cô nhi viện khác ở Pleiku. Và qua đời!
II_Phạm Tín An Ninh kể chuyện, thường nhắc tới những hình ảnh của quê ông, hay những nơi đã đi qua.
Trong nửa đầu của thế kỷ 20, trẻ con đi học đều thường thích lời của nhà văn Thanh Tịnh:
“ Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được……….
Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp……."
Phạm Tín An Ninh cũng có cái xúc cảm man mác như của Thanh Tịnh.
Ông viết:
“Không biết ngày ấy ông Thanh Tịnh ở tận nơi đâu, mà sao cái cảnh ngày đầu tiên ông đi học giống tôi như đúc. Tôi cũng được mẹ nắm tay dẫn đi trên con đường làng Phú Hội, cũng vào một buổi sáng có (một chút) sương thu và gió lạnh.
Một năm sau mẹ tôi qua đời, bỏ lại tôi một mình đi trên con đường dài và hẹp đó với bóng dáng yêu dấu của bà”.
Văn tả cảnh của Phạm Tín An Ninh, nhẹ nhàng khéo léo. Ông nhắc tới những vật hay những thứ thường gặp, hoặc thường dùng hàng ngày. Thế nhưng, khi xem tới, người đọc bỗng cảm thấy nao nao, vì những hình ảnh ấy, cũng thấp thoáng đâu đó trong tuổi thơ của chính mình. Một quả bưởi rụng. Cái nón lá. Con dế mèn.Tiếng hát ve sầu. Cảnh hai người đèo nhau trên xe đạp…
Ta hãy xem vài đoạn trích tiêu biểu:
“Tuổi thơ ở nhà quê khá nhọc nhằn, nhưng lại có biết bao kỷ niệm êm đềm của những ngày câu cá, tắm sông, những trận bóng sôi nổi trước nhiều khán giả là đám con gái cùng trường, mà trái banh chỉ là những trái bưởi rụng nhặt được phía sau hè.” (Ba Dòng Nước Mắt)
“Dù sao, tôi cũng xin cám ơn Cái Nón Lá, đã cho thế hệ chúng tôi thật nhiều kỷ niệm, để mỗi lần hồi tưởng về một quá khứ xa xăm, lại thấy trong lòng lâng lâng nỗi nhớ. Không chỉ nhớ Cái Nón Lá có quai hồng, quai tím... hay mấy mối tình học trò vụng dại, mà nhớ một thời mà cả...đất trời và ai nấy cũng dễ thương.” (Chuyện Cái Nón Lá)
“Tiếng gáy của Dế và tiếng hát của Ve Sầu nó gắn liền với suốt một thời cắp sách tới trường, mà dư âm của nó vẫn theo đuổi mọi người cho tới giờ xuôi tay nhắm mắt.”
“Lớn lên một chút, chắc các bạn cũng đã từng nghe hay thuộc lòng bài hát “ Thằng Cuội” của Lê Thương: “Có con dế mèn suốt trong đêm khuya hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ...".
“Dế đã có mặt khắp nơi, tham dự vào những tuổi thơ diễm phúc cũng như tủi cực. Hơn thế nữa, Dế còn có mặt trong văn chương, không những nói về tuổi thơ, mà còn biểu tượng cho quê hương, cho bè bạn và cho cả những niềm đau, nỗi nhớ” (Con Dế)
Ông đã đi qua Đà Lạt
“Tôi đến Đà Lạt đúng vào một ngày mưa. Mưa tầm tã. Ngồi trong nhà Thủy Tạ, nhìn những hạt mưa bay giăng kín rừng thông, phủ mờ khu phố Hoà Bình, và rơi lả tả xuống mặt hồ Xuân Hương, tôi mơ hồ như những giọt nước mắt của người góa phụ đã từng một thời nhan sắc” (Đà Lạt Trời Mưa)
Ông vẫn thương nhớ Pleiku:
“Thật lòng, tôi không có nhiều gắn bó với Pleiku. Và dường như cái phố núi buồn hiu ấy đã cho tôi nhiều nỗi buồn hơn là niềm vui. Vậy mà khi đã xa “ thực sự vĩnh viễn xa “ Pleiku rồi, tôi lại thấy da diết nhớ, trăn trở với cái cảm giác mình có tội với Pleiku, và mãi mãi sẽ còn nợ phố núi này một lời xin lỗi”.
“Tôi chưa (và có thể không) có dịp về thăm lại Pleiku, nên cái xa cách ấy lại càng thấy mịt mùng. Cái phố núi vốn đã bé nhỏ, như một ông nhà thơ đã ví von “đi dăm phút trở về chốn cũ” ấy, giờ với tôi dường như chỉ còn là chút sương khói trong lòng. Điều kỳ lạ là chút khói sương mờ ảo ấy cứ luôn lãng đãng trong ký ức và trái tim già cỗi của tôi, như những mảng mù sương từng bao phủ, giăng mắc trên phố núi Pleiku ngày trước.”
Phạm Tín An Ninh học trường Trung học Võ Tánh Nha Trang.
“Hình dung đến thành phố Nha Trang xưa, nơi mà nếu không có biển sẽ không còn lãng mạn để người ta nhắc nhớ, đắm say, cũng có thể làm nhẹ đi ít nhiều tiếc nuối của nhưng người Nha trang xa xứ. Bờ biển cát từng chôn giấu những hang động tuổi thơ và ôm ấp dấu tích của bao cuộc tình thơ mộng, nước biển đã cuốn trôi đi, nhưng không thể xóa mất trong ký ức của nhiều cặp tình nhân mà bây giờ tóc ai cũng bạc. Âm thanh những ngọn sóng rì rào đã dệt nên những bài thơ, những bản tình ca từng làm khuấy động bao trái tim người, mà dư âm dường như vẫn còn vang vọng mãi.” (Chim Bay Về Biển)
“Ngày xưa, khi còn là cậu bé học trò, tôi từng nghĩ trên thế gian này có lẽ không nơi nào thơ mộng, hiền hòa và dễ thương bằng Nha Trang của tôi. Với tôi, nơi ấy còn là xứ thần tiên nữa. Bởi khi buồn, chỉ cần đạp xe dọc theo con đường Duy Tân lộng gió, nhìn biển trời mênh mông, nghe tiếng sóng rì rào, là cảm thấy lòng mình như vừa được vuốt ve, âu yếm. Ngôi trường Võ Tánh trên đường Bá Đa Lộc cũng nằm gần biển, nên cả một thời đi học, nhờ mỗi ngày được vỗ về bằng âm thanh rạt rào của biển và tình mến yêu của thầy, của bạn, mà tôi đã quên đi nỗi buồn tuổi thơ bất hạnh, ngước mặt hăm hở nhìn bầu trời xanh bao la với bao khát khao, ước vọng.” (Nha Trang _Chuyện Cũ)
“Đầu tháng 4/75 Nha Trang đổi chủ sau cơn hồng thủy. Gia đình tan tác. Cha tôi và tôi vào tù. Chỉ một năm sau cha tôi chết, còn tôi thì bị lưu đày hơn tám năm từ nam ra bắc. Ngày trở về, Nha Trang nghèo nàn xơ xác và buồn thảm như còn phủ màu tang” (Nha Trang_ Chuyện Cũ)
“Nha Trang cũng chỉ còn trong tôi như cổ tích, một nơi chốn thần tiên cho tôi cùng đám bạn bè thơ dại, những thằng học trò của một thời quá đỗi dễ thương mà giờ đây phần đông đã chết trong chiến tranh, tù ngục, vài thằng sống sót thì cũng tản mác khắp muôn phương.”(Nha Trang _Chuyện Cũ)
“Anh bạn dẫn tôi về thăm quê. Từ Nha Trang chúng tôi đi xe đò Khánh Hoà. Một trong những chiếc xe Renault sơn mầu nửa xanh nửa trắng, quen thuộc một thời với đám học trò từ Vạn Giã, Ninh Hoà vào Nha Trang đi học. Qua khỏi đèo Rọ Tượng một lúc, xuống xe, anh bạn đèo tôi trên xe đạp về làng. Đi dọc theo con đường đất, hai bên bát ngát những ruộng đồng, hun hút phía xa xa, nằm ẩn hiện sau ngôi đình với bao tàn cây cổ thụ, là làng Tam Ích. Cái làng quê đẹp như bức tranh vẽ và thần tiên như trong cổ tích. Ngay cả cái tên của bạn tôi cũng mộc mạc dễ thương như cánh đồng tôi vừa mới đi qua.”
“Làng Tam Ích hiền hoà, êm đềm với tiếng gió đồng nội hoà cùng tiếng sóng rì rào tạo thành khúc nhạc huyền dịu của đất trời, và hun đúc cái hiền lành thánh thiện trong tâm hồn người bạn thời niên thiếu của tôi... Vậy mà chiến tranh cũng đã một thời cướp đi cái yên bình đầm ấm của ngôi làng.”(Người bạn làng Tam Ích)
“Đọc đến đây, hẳn ai cũng nhớ đến bản nhạc Làng Tôi của Chung Quân với câu mở đầu “ Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh…rồi chuyển tới khúc Nhưng than ôi, có một chiều thu, lá thu rơi…”
Những tan tác, thê lương mà cái gọi là Cách mạng mùa thu của đám Hồ Chí Minh gây ra, không chỉ giới hạn tại làng của Chung Quân, hay tại làng Tam Ích, mà trùm lên khắp mọi nơi.
Những câu chuyện của Phạm Tín An Ninh kể lại cho ta thấy rõ những cảnh tang thương này.
Sau khi vượt biển thoát và sống ở Na Uy được mười năm, Ông về tìm ngôi mộ thân phụ bị chết trong trại cải tạo Đá Bàn, chôn trong núi, và thăm bà Cô suốt cả một đời bảo bọc ông.
“Quê nội tôi, cái làng Phú Hội một thời trù phú như cái tên gọi, bây giờ sao mà cằn cỗi, điêu tàn. Khi bước vào cổng nhà nội, tôi xa lạ đến thẩn thờ. Ngôi nhà ngày xưa rộng lớn, hồi còn nhỏ tôi đi còn sợ lạc, sao bây giờ nhỏ nhoi, tiêu điều và hiu quạnh quá. Tôi đứng giữa cái sân gạch mà ngày nào trời lụt, anh em tôi tha hồ bơi lội như trong một dòng sông, bây giờ chỉ còn lại cái nền loang lổ, phủ đầy những lá của cây xoài già héo úa, một thời xum xuê làm "bóng mát thiên đường" để Cô cháu tôi ngồi đọc truyện cho bà nội tôi nghe trong những buổi trưa hè. Cái hồ sen tỏa hương thơm ngát ngày xưa, bây giờ là một cái ao cạn đầy cỏ dại. Chỉ còn lại tiếng dế than rên rỉ. Không nghe con chó sủa. Nó là con vật trung thành, không giống như một số người sau tháng tư năm nào, phản suy phù thịnh. Có lẽ nó cũng buồn mà chết rồi sau cuộc đổi đời của chủ.” (Những Điều Mơ Ước)
“Bà Huyện Thanh Quan, sau chỉ vài năm, tại cố đô, mục kích “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương”, mà thở dài ngao ngán. Một cảnh buồn rầu đứt ruột”.
Phạm Tín An Ninh sau hàng chục năm, về nhà cũ, nhìn thấy sân gạch nền loang lổ tiêu điều, ao cạn đầy cỏ dại hiu quạnh, ắt nát tim tuyệt vọng. Một mối thê lương nghẹn thở.
III “Tại Miền Nam, Người dân của nước Việt Nam Cộng Hòa vốn được sống trong thanh bình an lạc.
Ai ai cũng yêu quý nơi mình sống, dù đó là ở đồng bằng hay cao nguyên, trên núi cao hay ngay giữa Sài Gòn, Chợ Lớn. Vì thế, khi Việt cộng tấn công, muốn xâm lăng miền Nam, các thanh niên đã rất hăng hái nhập ngũ để tru diệt kẻ thù. Kể cả những thanh niên người Thượng hay người Việt gốc Hoa.
1_ Một hình ảnh tiêu biểu của người Thượng.
“Y” Broc Niê, là một thanh niên Thượng. Giỏi tiếng Pháp. Hay làm thơ bằng tiếng Việt. Anh gia nhập Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, giữ chức Trung Sĩ, Tiểu Đội Trưởng tác chiến, trong trung đội do Phạm Tín An Ninh chỉ huy. Rất can trường khi đánh giặc, lập nhiều chiến công. Sau được cử đi học khóa Sĩ Quan Thủ Đức. Ra trường, được chuyển sang Không Quân, về một Phi Đoàn trực thăng.”
Khi nước mất, Y”Broc bị tù. Sau khi được thả, vượt biển thoát, rồi được định cư ở Na Uy, trước Phạm Tín An Ninh 5 tháng.
Hai người vẫn thường liên lạc với nhau.
Ba năm sau, Y”Broc lấy vợ là một cô giáo Na”Uy. Một năm sau đó, cô giáo sinh được một đứa con gái. Khi sắp đến lễ sinh nhật 3 tuổi của bé gái này, Phạm Tín An Ninh điện thoại đến nhà Y”Broc để xin phép đến thăm. Lần nào cũng không được gặp, chỉ có người vợ trả lời.
“Lần cuối cùng cô sụt sùi cho biết là Y”Broc đã biến mất. Người em của anh cho biết là anh đã cùng vài người bạn cùng buôn bản lúc xưa, định cư ở North Carolina bên Mỹ, tìm đường trở về biên giới Việt nam, tổ chức cho những người Thượng nổi dậy chống chính quyền Cộng Sản và cứu một số bạn bè chiến hữu người Thượng bị truy bắt, phải vượt qua biên giới còn đang ẩn trốn ở đâu đó. Cho mãi đến bây giờ vẫn không ai biêt tin tức của Y”Broc. Chắc chắn là anh đã chết.”(Nhà Thơ Đi Lính)
2_Một trường hợp điển hình về người Việt gốc Hoa
Ngồi cạnh Phạm Tín An Ninh trong cùng một lớp ở trung học là Lâm Ni, bố là người Hoa, mẹ người Việt. Gia đình giầu có. Bố là chủ một công ty xuất nhập cảng. Cậu ruột Lâm Ni là Chỉ Huy Phó Quân Trường Đồng Đế. Sau khi đỗ Tú Tài I, lên đệ nhất, Phạm Tín An Ninh không thấy Lâm Ni đâu.
“Tôi nghĩ chắc chàng ta rớt Tú Tài 1, nên sang trường khác học lại.
“Tôi thoáng một chút bùi ngùi, khi nghĩ là chẳng bao giờ còn gặp lại anh ta.
“Ba năm sau tôi vào quân trường Thủ Đức. Ra trường được chuyển ra một đơn vị tác chiến lưu động ở Ban Mê Thuột, (mà lính tụi tôi thường gọi là xứ Buồn Muôn Thuở, hay là Bụi Mù Trời) làm Trung Đội Trưởng.
“Trong một cuộc hành quân phối hợp, tiếp viện cho một chi đoàn thiết quân vận bị phục kích tại Quãng Nhiêu, sau khi giải tỏa tình hình, tiểu đoàn tôi rút về, trung đội tôi được lệnh ở lại tăng phái cho một đại đội Biệt Động Quân. Thấy tôi có vẻ lo âu khi trung đội phải ở lại một mình giữa chiến trường khói lửa chưa tan, ông Tiểu Đoàn Trưởng bảo:
“ Chú mày yên chí, Đại đội Biệt Động Quân này khá lắm, thằng Đại Đội Trưởng này đánh đấm có tiếng trong binh chủng mũ nâu đó.
Khi dắt trung đội hơn hai chục thằng lính, nửa kinh nửa thượng, đến trình diện đại đội Biệt Động quân, tôi sửng sốt khi nhận ra ông Đại Đội Trưởng chính là Lâm Ni. Tôi đứng nghiêm đưa tay chào:
“ Tôi đem trung đội tới trình diện Trung Úy.
Lâm Ni nhận ra tôi ngay. Anh ta hét lên:
“ Có phải mày là thằng Ninh không.? Đ.m. Trung Úy cái con khỉ tao là Lâm Ni đây, mày không nhận ra sao? Rồi anh ta ôm tôi quay mấy vòng.
“Giải tỏa tình hình xong, trung đội của tôi tiếp tục được đặt dưới quyền của Lâm Ni, nhận lệnh ở lại tìm kiếm một số chiến binh thất lạc và giữ an ninh cho quân cụ lên kéo mấy chiếc M113 bị bắn cháy và hư hại về Ban Mê Thuột. Tối hôm ấy Lâm Ni giữ trung đội tôi đóng quân chung với ban chỉ huy đại đội của anh. Một điều chưa từng xảy ra cho một đơn vị tăng phái. Hai đứa uống hết bi đông rượu đế, nhắc lại bao nhiêu kỷ niệm vui buồn thời còn đi học. Anh nhớ từng tên thầy cô giáo và bạn bè lúc trước. Anh ân hận đã phá phách nghịch ngợm làm buồn lòng thầy, bạn. Anh bảo tôi, ngay sau khi rời Võ Tánh là anh đi lính ngay. Anh thích đời quân ngũ và hy vọng nó sẽ làm thay đổi cuộc sống của một thằng nhà giàu vô tích sự như anh. Khi biết anh chọn BĐQ, cha mẹ anh giận và buồn lắm, nhờ ông cậu, bấy giờ làm lớn trong Bộ Tổng Tham Mưu, rút anh về, nhưng anh nhất quyết chối từ.
“Hai hôm sau chúng tôi có lệnh di chuyển vị trí, và phải bung rộng ra phòng thủ. Lâm Ni cho trung đội tôi xuống đóng trong một cái đồn bên chân cây cầu sắt (của một đơn vị địa phương quân bỏ lại) để giữ cây cầu khỏi bị phá hoại trước khi quân cụ lên kéo hết mấy chiếc thiết giáp bị hư. Cây cầu cách ngọn đồi, nơi đặt ban chỉ huy của Lâm Ni khoảng hai cây số.
“Gần hai giờ sáng, trung đội tôi bất ngờ bị tấn công. Địch áp dụng chiến thuật cổ điển tiền pháo hậu xung. Sau mấy loạt 82 ly, chúng ào ạt tấn công. Trung đội tôi có vài người bị thương sau đợt pháo kích đầu tiên, nhưng tất cả đều chống trả mãnh liệt. Tôi chỉ kịp cầm ống liên hợp máy PRC 25 báo cáo với Lâm Ni là đơn vị tôi bị tấn công mạnh, cần ngay pháo binh và một lực lượng tiếp ứng, đánh từ phía sau lưng địch. Lâm Ni bảo tôi cứ bình tĩnh yên tâm chiến đấu, anh ta sẽ gọi pháo binh và gởi ngay một bộ phận tiếp ứng. Không ngờ lực lượng địch khá đông. Chúng tôi bắn ngã tên này thì tên khác lại xông lên. Chúng đã dùng bêta phá mấy lớp rào bên ngoài rồi hô xung phong. Pháo binh ta cũng bắt đầu rót xuống bên ngoài. Lúc này tôi chiến đấu hoàn toàn như một khinh binh. Quả lựu đạn cuối cùng tôi vừa mới ném ra, cũng là lúc một vài tên địch đã xâm nhập vào phía bên trong hàng rào phòng thủ. Khi đạn đã cạn, chúng tôi chuẩn bị đánh cận chiến, thì nghe được tiếng súng bạn khắp nơi bên ngoài và tiếng hò hét: Biệt Động sát! Địch vội vàng tháo chạy, hai tên đặc công vào bên trong bị chúng tôi bắt sống. Tạm thời kiểm tra đơn vị: 3 chết, 7 bị thương. Chưa kịp gọi máy báo cáo, thì toán biệt động quân đầu tiên vào bên trong, võng theo một thương binh. Nghe một sĩ quan BĐQ gọi máy xin trực thăng tản thương khẩn cấp vì "Đại Bàng bị thương nặng", tôi giật mình chạy đến chiếc võng: Lâm Ni mặt đầy máu và thở rất nhẹ. Tôi lay anh ta:
“Lâm Ni ơi, có làm sao không? Ninh đây.
“Dưới ánh đèn pin yếu ớt, gương mặt anh ta xanh xao, mở hé mắt nhìn tôi. Đôi môi rung động như muốn nói với tôi điều gì. Tôi đưa tay sờ lên môi anh, như là tôi đã hiểu những gì anh muốn nói.
“Vị Thiếu Úy Biệt Đông Quân vỗ vai tôi:
“Đúng ra đâu có phải nhiệm vụ của Trung Úy, tôi bảo ông nên ở lại, vì chúng tôi chỉ đi có một trung đội và toán thám báo, nhưng ông đã lệnh cho ông Đại Đội Phó ở lại và ông trực tiếp dẫn đầu toán thám báo chạy bay tới đây, xông ngay vào sau lưng địch mà đánh. Tội nghiệp chỉ có ông bị thương.
“Trực thăng tản thương tới, tôi bế Lâm Ni lên, nắm chặt tay anh trước khi máy bay cất cánh. Tôi bùi ngùi lo lắng khi biết là anh đã vì tôi mà bị thương, cầu nguyện cho anh qua khỏi hiểm nghèo.
“Lần ấy anh còn sống, nhưng phải nằm điều trị ở Quân Y Viện hết 4 tháng, còn để lại mấy vết sẹo trên cổ, và vì bị thương ở thanh quản, nên giọng nói của anh bị khàn đi. Sau đó đơn vị của anh có lệnh chuyển lên Pleime, Pleiku. Tôi có liên lạc thăm anh vài lần trên hệ thống vô tuyến.
“Bẵng đi một thời gian, đầu mùa hè 72, đơn vị tôi đang hành quân ở An Khê, thì có lệnh di chuyển về phi trường Pleiku để được không vận toàn bộ lên Kontum. Chiến trường đang tới hồi quyết liệt. Trong một lần chuyển quân hoán đổi vị trí phía bắc Kontum tôi bất ngờ gặp lại Lâm Ni. Lúc này anh đã mang lon Thiếu tá và nắm một tiểu đoàn BĐQ. Hai thằng chỉ kịp ôm nhau chửi thề vài câu. Chưa kịp nói lời chia tay, thì mỗi thằng đã mỗi ngả.
“Đầu năm 1973, khi hiệp định Paris vừa ký xong, địch quân chưa trở cờ. Hai bên tạm thời hưu chiến kiểu da beo. Các đơn vị tham chiến được chuyển về các vị trí dưỡng quân. Tiểu Đoàn của Lâm Ni được về Hàm Rồng. Đơn vị tôi thì về Đồi Đức Mẹ, Pleiku.
“Đêm tiểu đoàn Lâm Ni làm lễ tái xuất quân tại Hàm Rồng được tổ chức rất hùng tráng. Lâm Ni có mời tôi đến dự. Buổi tiệc ra quân kết thúc bằng một chương trình văn nghệ khá đặc sắc, do Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương từ Sài Gòn ra, phối hợp với các toán văn nghệ tâm lý chiến Quân Đoàn II đảm trách. Tôi ngồi hàng ghế đầu với Lâm Ni. Khi có một nữ ca sĩ từ Pleiku lên hát bài Chiều Trên Phá Tam Giang, Lâm Ni rất cảm động. Cô tên Giáng Tiên, có khuôn mặt khá xinh, phảng phất buồn, và giọng hát trầm ấm thiết tha. Bài hát vừa chấm dứt, Lâm Ni bước lên nắm tay cô cám ơn và bất ngờ cởi tặng cô chiếc đồng hồ Longine mới toanh mà anh vừa mới mua từ Sài Gòn, khi được bảy ngày phép về thăm cha mẹ anh.
“Đêm đó tôi ở lại với Lâm Ni. Anh kể là cha mẹ anh cứ năn nỉ anh đổi về Sài Gòn. Ông bà sẽ lo cho anh về Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát hoặc bất cứ nơi nào ở Sài Gòn, anh muốn. Ông bà cũng đưa anh đến thăm gia đình một người Tàu, có cô con gái làm chủ một nhà hàng, mà ông bà định hỏi cưới cho Anh. Ông bà nôn nóng có đứa cháu đích tôn nối dõi. Nhưng anh chỉ im lặng. Rồi khi bị hỏi quá, anh hứa cho Anh ba năm nữa. Anh bảo tôi, đời lính sống nay chết mai, vợ con làm gì cho vướng chân vướng cẳng.
“Mùa hè năm 73, vết thương cũ tái phát, tôi phải nằm điều trị hơn một tháng ở Quân Y Viện Pleiku.. Lâm Ni có ghé lại thăm tôi một lần vội vã, khi có dịp về Pleiku họp hành quân. Khi chia tay, anh rút từ túi quần sau ra một xấp tiền đưa cho tôi:
“Tiền ba tháng lương của tao, mày cầm lấy mà gởi cho vợ con mày. Mày đông con. Tao độc thân, suốt cả năm sống ở trong rừng, lỡ có chết, tiền không ai xài uổng lắm.
“Tôi từ chối, nhưng Anh nhét xấp tiền vào dưới chiếc gối tôi nằm.
“Sau đó tôi được theo học một khóa tham mưu tại Long Bình. Mãn khóa, được điều về Phòng hành Quân QĐ II. Lâm Ni thì vẫn nay đây mai đó, nhưng chúng tôi vẫn thường liên lạc hỏi thăm tin tức nhau trên hệ thống vô tuyến. Một lần khi bay bao vùng, biết anh vừa lên trung tá, tôi đáp xuống thăm, và mang mừng anh ta chai Hennessy, loại rượu anh thích nhất. Anh bảo, Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân dự định đưa anh ra nắm một Liên Đoàn ngoài vùng 1 thay cho anh Liên Đoàn Trưởng vừa tử trận, nhưng tình hình ở đây đang nguy ngập, nên anh chưa rời đơn vị được.
“Tháng 3/75, ngay sau khi Ban Mê Thuột mất, tôi may mắn đuợc theo Bộ Tư Lệnh Tiền Phương. Nói là Tiền Phương nhưng lại đóng ở Nha Trang và một đôi khi ở Khánh Dương.
“Có lệnh bỏ Kontum và Pleiku. Tiểu Đoàn Biệt Động Quân của Lâm Ni là một trong những đơn vị được chỉ định đi đầu, mở đường cho đoàn quân di tản từ Pleiku xuống Tuy Hòa theo tỉnh Lộ 7. Một kế hoạch triệt thoái tồi tệ nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, kéo theo sự sụp đổ cả miền Nam.
“Tôi được chỉ định làm trưởng toán, dùng một hợp đoàn trực thăng bay đi liên lạc và hướng dẫn những toán quân thất lạc trong rừng. Ngày N+3, trong lúc chiến trường ác liệt và tồi tệ nhất, tôi may mắn liên lạc được Lâm Ni trên tần số không lục. Tôi tìm mấy bãi đáp tương đối an toàn, giục Lâm Ni đến đó để tôi bốc. Nhưng anh ta từ chối, bảo là mặc dù tiểu đoàn của anh bị tan tác, quân số chỉ còn gần một trung đội, nhưng anh không thể bỏ anh em vào lúc này.
“Không ngờ đó cũng là lần cuối cùng tôi nghe giọng nói của Lâm Ni. Năm 1977, trong một trại cải tù ở Sơn La, tôi gặp lại một sĩ quan của Lâm Ni lúc trước. Anh ta là sĩ quan duy nhất trong đơn vị còn sống sót. Anh cho biết là khi bị địch vây và kêu buông súng đầu hàng, Lâm Ni đã bắn tới viên đạn cuối cùng. Anh tự sát bằng một quả lựu đạn loại tấn công, và đã chết chung với một đám địch quân định vây bắt anh.”(Chuyện Một Người Bạn Học)
Câu chuyện thật cảm động. Liều mình cứu bạn. Anh hùng vô cùng. Giữ tròn Trách nhiệm. Bảo toàn Danh dự. Hy sinh cho Tổ quốc.
Trên đây là một trường hợp điển hình về cách đối xử giữa các quân nhân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Có người sẽ hỏi: Quân Lực này đối với dân như thế nào.
Xin thưa: rất thân thiện, và chăm sóc họ.
Có lần Phạm Tín An Ninh dẫn đại đội vào một làng tiếp giáp với mật khu Lê Hồng Phong của Việt cộng. Ban Chỉ Huy Đại đội đóng quân trong một khu vườn của một ngôi nhà ngói cổ.Trong nhà có cậu bé 7,8 tuổi, sống với mẹ và bà nội…Lính đối xử tốt, thằng bé rất thích mấy anh lính.
Mấy hôm sau, ông cho một trung đội đi phục kích.
“Đúng như dự đoán, khi trời sắp tối, nghe tiếng mìn claymore và nhiều tiếng súng nổ trong làng, tôi được anh Trung Đội Trưởng báo cáo đã giết sạch đám du kich, từ bên kia rừng lội suối trở về làng…
“Sáng hôm sau, một số cán bộ chính quyền đến nơi để xác nhận và giải quyết các tử thi. Anh cảnh sát cho tôi biết, trong số người chết, có tên trưởng mũi công tác là con trai của bà chủ nhà tôi đóng quân hôm trước.”
Hơn 7 năm sau, chiến tranh gia tăng khốc liệt. Phạm Tín An Ninh bấy giờ ở trong Bộ Chỉ Huy của Chiến Đoàn đã giữ vững được Kontum trong mùa hè đỏ lửa 1972. Trong Đại đội Trinh sát của Chiến Đoàn có một anh lính rất trẻ đã lập nhiều chiến công:
“Thành tích xuất sắc nhất là khi anh tình nguyện một mình ôm lựu đạn bò vào tiêu diệt cái chốt của địch gồm nhiều ổ súng phòng không, nằm trong một hốc đá kiên cố trên đỉnh núi Chu Pao. Chính cái chốt quỷ quái này đã gây cho các đơn vị ta nhiều thiệt hại và đe dọa không nhỏ đối với các phi cơ đổ quân và chiến đấu hoạt động trong vùng.
“Anh đã gục ngã ngay trên nắp hầm địch cùng lúc tiêu diệt toàn bộ tổ đại liên của địch. Vì không có phương tiện đưa thi hài anh về nguyên quán, hơn nữa anh chết không toàn thây, không muốn cho thân nhân quá đau đớn khi nhìn thấy, nên đơn vị đã làm lễ truy thăng và chôn cất anh tại nghĩa địa Kontum.
“Tôi hỏi kỹ vị trí ngôi mộ và dặn lòng sẽ đến thăm nơi an nghỉ của người lính trẻ can trường đáng mến này.
“Khi về lại đơn vị, tôi xin ban tài chánh ứng trước nửa tháng lương. Trích ra một phần, bỏ vào bì thơ, tôi tìm đến Đại đội Trinh sát gặp và biếu cho bà mẹ của người lính trẻ vừa mới lẫm liệt hy sinh.
“Bà thoáng một chút xúc động ngạc nhiên nhìn tôi nói lời cám ơn. Tôi nghĩ là bà không nhận ra tôi, người đã chỉ huy cuộc hành quân năm xưa, và từng đóng quân ngay trong vườn của nhà bà.”(Chuyện Người Lính Trinh Sát)
Môt câu hỏi được nêu lên: Bố là Việt Cộng, bị phục kích chết. Tại sao đứa con trai lại làm khai sanh tăng thêm 3 tuổi, để được nhập ngũ. Hơn nữa lại xin vào Đại đội Trinh sát, và luôn luôn luôn xông pha vào chỗ nguy hiểm nhất để tru diệt Việt Cộng?
Xin thưa: Chỉ có một câu trả lời, là chắc chắn lúc 8 tuổi cậu đã hàng ngày phải mục kích những tội ác dã man mà Việt cộng, (trong đó có bố của cậu ta), đã gây ra cho dân chúng tại làng hay quanh vùng cậu ở.
Và những ngày có Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tới, sự thanh bình của đời sống mọi người ra sao. Cậu đã thấy rõ thiện với ác, sự khác nhau giữa chính với tà, và quyết định hành động như vậy. Theo lương tâm của mình.
IV_Tạo hoá sinh ra muôn loài, ấn định cho mỗi sinh vật một khoảng thời gian sống. Loài rùa có thể sống 1000 năm. Chó 25 năm. Loài người được 100 năm.
Miền Nam dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, là một nơi rất đáng sống. Bởi thế cho nên những quân nhân luôn luôn tìm cách bảo vệ, duy trì vùng đất gồm những người cư xử với nhau với phong thái đạo đức của 4000 năm Văn Hiến, và với bản chất hồn nhiên, chân thật, dễ tính, thương và giúp đỡ người của người dân quân Miền Nam.
Cho nên mỗi quân nhân tùy theo hoàn cảnh của chiến trường, đã gom cả trăm năm mà tạo hóa dành cho, đem ra sử dụng để giữ gìn tự do cho quê hương này. Họ có thể dùng hết trong một hay vài trận đánh (như trường hợp người lính trinh sát kể trên). Cũng có khi dùng một lần đã cạn, lại gắng thêm dùng cho đến hết luôn (như câu chuyện Thiếu Úy Quang dưới đây).
“Thiếu úy Quang bị địch bắt tại trận Ngô Trang, phía Bắc Kontum, nhưng vì anh bị thương khá nặng, nên địch quân bỏ anh lại trên đường áp giải tù binh ra Quảng Bình, họ nghĩ là anh sẽ chết, nhưng anh đã may mắn được trực thăng bên ta phát hiện cứu sống. Sau khi được điều trị lành vết thương, anh xin trở lại đơn vị cũ tiếp tục chiến đấu.
“Thiếu úy Quang ra đi, để lại cho người vợ trẻ bốn đứa con thơ. Cháu lớn nhất chín tuổi và đứa út chưa tròn một tuổi.
“Bà Nguyễn Xuân Quang không còn cách nào khác, rời bỏ ngôi nhà nhỏ bên khu trại gia binh Sông Mao, dắt bốn đứa con thơ về tá túc nhà cha mẹ ở Phan Thiết. Khổ nỗi, bà còn có người anh là một sĩ quan cấp tá tốt nghiệp (Khóa 16) Trường Võ Bị Đà Lạt và hai cậu em đều là sĩ quan Thủ Đức, nên cha mẹ bà cũng bị đuổi ra khỏi nhà. Bây giờ ông bà già phải cưu mang cả cô con gái và bốn đứa cháu ngoại tuổi còn thơ dại. Ông bà, con cháu cùng dắt díu nhau, bỏ thành phố Phan Thiết thân yêu, chạy về vùng quê Chợ Lầu, dựng tạm căn nhà lá bên bờ sông Lũy, kiếm sống qua ngày bằng khoai sắn tự trồng và cá lưới dưới dòng sông.
Vậy mà cuộc sống lang bạt ấy vẫn chưa một ngày yên ả. Những hành xử và lời nói khắc nghiệt của những người bên thắng cuộc đã làm cho bà Quang không còn con đường sống. Bà đã uống mấy chai thuốc rầy để chết đau đớn trước mặt cha mẹ mình và bốn đứa con thơ. Bà xin lỗi vì đã để lại cho cha mẹ già một gánh nặng, và xin lỗi các con đã phải đành lòng bỏ con lại bơ vơ, bà không thể bắt các con phải chết theo mình.
Sau đó vài năm, đứa con trai lớn cũng đã uống thuốc rầy theo mẹ. Đứa con trai thứ nhì, Nguyễn Thế Vinh, năm 1975 mới lên năm, bây giờ trở thành người phụ giúp đắc lực cho ông ngoại trong cuộc mưu sinh đầy khốn khó. Nhưng đau đớn thay, “họa vô đơn chí”, năm chín tuổi, khi chăn hai con bò của Hợp tác xã, lấy mấy ký lúa phụ ông ngoại, Vinh bị té xuống đất từ trên lưng bò. Cánh tay phải bị gãy. Do không có thuốc thang và băng bó không đúng cách, cánh tay bị nhiễm trùng, hoại tử phải bị cắt bỏ đến gần bả vai.
“Dù khốn khó, bữa no bữa đói, nhưng Vinh không chịu bỏ học hành.
“Bị tật nguyền, nhưng câu bé lên muời vẫn thừa hưởng ý chí sắt đá của người cha để lại, Vinh vượt qua tất cả khó khăn, làm đủ thứ nghề để học hành thành đạt, mặc dù với cái lý lịch rất “đen”, Vinh không chút hy vọng gì mình có thể ngoi lên trong một xã hội đang còn đầy dẫy những đố kỵ, hận thù.”(Những nén hương thắp muộn trên đỉnh Tiền đồn 5)
Phạm Tín An Ninh đã tìm mọi cách liên lạc với những người còn sống, để tìm ra nơi Thiếu uý Quang hy sinh trên Tiền Đồn 5 và nói cho Vinh biết.
“Cuối cùng thì Vinh cũng đã đến được đỉnh Tiền Đồn 5, nơi mà xác thân Thiếu úy Quang, người cha thân yêu của Vinh đã nằm lại đó từ 45 năm trước, giờ chắc cũng đã tan cùng tro bụi.
“Cuộc chiến đã kết thúc – dù trong tột cùng bất công và tức tưởi – nhưng mãi đến 45 năm sau, hơn nửa đời người, những người con mới tìm đến được nơi cha mình đã hy sinh, xác thân vùi chôn ở đó. Nhìn hình ảnh người con trai chỉ còn một cánh tay với những nén nhang thắp muộn trên ngọn đồi hoang vắng, điêu tàn, từng xảy ra bao trận chiến đẫm máu đồng đội, lòng tôi lắng xuống.” (Những Nén Hương Thắp Muộn Trên Đỉnh Tiền đồn 5)
V_Nói về việc trước tác.
A_Trong Văn Học Sử Trung Hoa, có hai tác giả, sau khi dự định viết sách, đã bỏ nhiều thời gian ra, để hoàn tất.
1_Bồ Tùng Linh (1640”1715).
Khi ông viết Liêu Trai Chí Dị, mỗi sáng sớm ôm một vò rượu lớn, đặt ở bên đường người ta đi qua, Ai cao hứng ngưng lại uống rươu tuỳ thích. Ông chuyện trò cùng họ để sưu tập các truyện kể kỳ lạ, trải qua 20 năm nóng lạnh.
(Trích Bách Khoa Thư Văn Hóa Cổ Điển Trung Quốc “Nguyễn Tôn Nhan )
2_Tư Mã Thiên, cũng đã phải bỏ ra 16 năm, lặn lội khắp nơi, thu thập những tài liệu về lịch sử, và những chi tiết về đời sống xã hội, để viết nên bộ Sử Ký.
Tượng Tư Mã Thiên” Hán Thành
Phạm Tín An Ninh có điểm giống họ và có điểm khác họ trong việc kể chuyện.
Hai tác giả kia, khi có quyết định phải viết sách, đã bỏ ra nhiều thời gian cho việc này.
Phạm Tín An Ninh không có ý định viết truyện gì cả, mặc dầu thưở nhỏ ông cũng có những xúc cảm nhẹ nhàng, như cách nhà văn Thanh Tịnh đã mô tả.
Không có ý dùng bút mực, nhưng hoàn cảnh đưa đẩy cũng đã khiến ông trải qua 18 năm mà sau này ngẫu nhiên trở thành bối cảnh cho những chuyện ông kể lại: 10 năm đi lính, 8 năm đi tù trong những trại tập trung của Việt cộng. Ông đã đương nhiên mục kích những tàn ác của Việt Công cũng như những can trường giữ nước của quân lực VNCH cùng tình người trong nhũng lúc khốn cùng đã là cơ duyên dưa ông đến ý định cầm bút.
Bồ Tùng Linh chỉ nhàn tản gom chuyện.
Bồ Tùng Linh và Phạm Tín An Ninh đều đã viết về Dế. Và đặc biệt cho thấy sự hiền từ của hai người cha, mặc dầu phải lo sinh kế cho gia đình, vẫn để ý đến cả những ao ước hoặc sở thích thiêng liêng của con.
“Con Dế, còn để lại trong tôi một kỷ niệm xót xa, mà cứ mỗi lần nhớ tới, tôi không làm sao ngăn được dòng nước mắt. Ba tôi rất cưng tôi, một phần tôi không có mẹ.
Một buổi trưa trời nắng gay gắt, trên đường về nhà nội tôi, khi qua một khu nghĩa địa, nghe tiếng máy con Dế gáy trong mấy bụi cây bàn chải (loại cây mọc thành lùm và có đầy gai), tôi lấy tay đập sau lưng ông và bảo ông dừng xe lại bắt cho tôi mấy con Dế. Tội nghiệp ông cũng chìu thằng con ngu ngốc, xuống lục lọi trong mấy bụi bàn chải gai góc cả nửa giở, mà không thấy tăm hơi con dế nào. (Con Dế_Phạm Tín An Ninh)
Và phần trích dưới đây là của Bồ Tùng Linh:
“Cát Đệ là cậu bé tuổi 11 tuổi. Một hôm cùng cha đi bắt dế. Đi cả ngày trời, không được con nào. Hai cha con trở về tay không nhưng cậu bé rất vui, bởi vì hôm nay được cùng cha rong chơi mà nhất là cha lại thành người bạn chơi tốt của cậu.” (Dế_ Bồ Tùng Linh)
Cách nhau cả 400 năm, hai tác giả đã giống nhau khi viết về sinh vật đẹp đẽ dễ thương này.
Đúng như cách người Pháp thường nói: Les grands esprits se rencontrent. (Những tư tưởng lớn gặp nhau)
Tư mã Thiên, bị tù một cách oan uổng, rồi bị thiến. Khi được thả, mới nẩy ý lưu lại văn tự.
Phạm Tín An Ninh, cũng khổ ải trong tay kẻ thù. Lúc thoát được, bèn viết truyện.
Ông không cần gom gì cả. Đời ông đã trải qua hoặc thấy được nhiều điều. Cần được kể lại để vinh danh và trân trọng.
Hai câu chuyện nói về hoàn cảnh trớ trêu.
“Mẹ cô là cô giáo và cha là một sĩ quan cấp tá, bị mất tích tại Đà Nẵng khi Vùng 1 di tản. Vượt biên từ Rạch Giá cùng vị hôn phu. Anh là con trai lớn của một người bạn cùng khóa Võ Bị với cha cô. Chiếc thuyền nhỏ chở theo 47 người, ra khơi ba ngày thì gặp hai chiếc ghe đánh cá của Thái Lan chặn lại. Cả bọn gần 20 tên mang dao búa và cả súng nữa, xông lên thuyền uy hiếp. Anh tài công bị giết đầu tiên bằng búa đánh vào đầu, một vài thanh niên khỏe mạnh có ý chống cự, liền bị chém chết. Chúng chia nhau lục soát trên tàu và trên từng người để cướp vàng bạc, đồng hồ. Trước khi rời khỏi thuyền, chúng phá hỏng máy, và bắt theo khoảng mười cô gái. Khi hai tên trong bọn kéo Kiều đi, người vị hôn phu của Kiều xông đến định giật lại Kiều, bị chúng bắn bị thương rồi đạp xuống biển, trước tiếng la khóc thất thanh của Kiều cùng những cô gái khác.
“Vừa mới lên tàu, bọn hải tặc luân phiên hãm hiếp những cô gái bị chúng bắt theo.
“Cô Kiều bị hải tặc giam giữ ở một hoang đảo ngoài khơi Thái Lan gần một năm, trước khi được một lực lượng tuần cảnh phối hợp với hải quân Thái cứu thoát. Cô ta đang mang thai hơn năm tháng, sức khoẻ rất yếu.
“Hai mươi lăm năm sau, cô tổ chức đám cưới cho con trai của cô. Vị hôn phu của cô đã bị chính cha ruột của thằng bé giết chết thảm thương rồi vất xác xuông biển.” (Hạnh Phúc Xót Xa)
Cảnh trớ trêu thứ hai:
“Cuộc hành quân kết thúc. Kiểm điểm đơn vị, chỉ có một anh trung sĩ Kỳ bị thương vào giờ chót trong lúc lục soát các hốc đá trong rừng, do trái lựu đạn nội hóa đám địch quân hốt hoảng tung ra trước khi tháo chạy. Địch chết gần ba mươi tên và khoảng mười tên bị bắt sống. Điều đặc biệt bất ngờ là trong số ấy có một em bé khoảng chừng 2 “ 3 tuổi, được tìm thấy bên trong một hốc đá nằm ở bìa rừng sát biển. Bên ngoài có một số tử thi của địch, cả nam lẫn nữ. Thằng bé bị thương nhẹ do một số mảnh đạn M”79. Rất may là không nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều vũ khí bị tịch thu, trong đó có khẩu súng cối 60 ly và hai khẩu thượng liên Trung Cộng.”
(44 năm sau, Phạm Tín An Ninh gặp lại Kỳ, người trung đội phó của Ông, tại Đức Quốc.Chúng ta hãy xem mẩu đối thoại giữa hai người: )
_”Năm ấy, khi em bị thương trong trận đổ bộ xuống một ngôi làng ven biển Phan Rang, có một thằng bé mới 3 tuổi cũng bị thương và được Duyên Đoàn tản thương về Dân Y Viện Phan Rang với em, anh còn nhớ không?
Tôi suy nghĩ giây lát rồi trả lời:
“ À, mình nhớ ra rồi. Chắc là con của người dân nào đó, sợ quá bỏ chạy mà không kịp mang theo.
“ Không, là con của một tay Việt cộng, sau 75 về làm một chức gì đó khá lớn trong tỉnh Ninh Thuận.
Thằng bé bị thương ngày ấy lại là con của vợ chồng em. Con nuôi!
Chi tiết rõ thêm:
“Khi được tản thương về Dân Y Viện Phan Rang, không phải chỉ có Kỳ mà có cả thằng bé bị thương ấy nữa. Nhận được tin báo, từ Đà Lạt bố mẹ và cả vợ Kỳ tức tốc chạy xuống Phan Rang thăm và săn sóc cho Kỳ. Khi nghe kể lại chuyện thằng bé bị thương cùng trận với Kỳ mà không biết cha mẹ của nó là ai, ông bà đến thăm thằng bé. Thấy nó tội nghiệp dễ thương, ông bà xin bệnh viện cho vợ chồng Kỳ nhận làm con nuôi. Ông bác sĩ giám đốc bệnh viện mừng quá, vì đang lo lắng chưa biết phải giải quyết tình trạng thằng bé này ra sao. Sau khi chữa lành vết thương, bệnh viện làm giấy tờ giao thằng bé cho ông bà và vợ Kỳ. Khi làm giấy khai sanh, theo đề nghị của vợ Kỳ, thằng bé được đặt tên là Hà Văn Ngộ. Riêng Kỳ được chuyển tiếp ra QYV Nguyễn Huệ Nha Trang để được giải phẫu lấy vài mảnh đạn trong vùng dưới bụng. Không ngờ định mệnh đã an bài cho đứa bé ấy sau này trở thành đứa con duy nhất của vợ chồng Kỳ. Vì do ảnh hưởng vết thương lần ấy, bác sĩ giải phẫu cho biết là Kỳ không bao giờ có con mặc dù chuyện chăn gối, tình dục vẫn bình thường.
Bé Ngộ lớn lên trong vòng tay yêu thương của vợ chồng Kỳ cùng tấm lòng nhân hậu của bố mẹ Kỳ, mà nó cứ ngỡ đó chính là bố mẹ và ông bà nội của nó.”
B_Phạm Tín An Ninh nhìn thấy một số đức tính tốt ở người phụ nữ,
Ông kính phục họ. Ông viết ra một cách rất biết ơn. (Chuyện Cái Nón Lá; Người Con Gái Phú Hòa; Người Nữ Tu trong Cô Nhi Viện Pleiku; Người Bán Sách Trên Bãi Biển Nha Trang…).
Tuy nhiên, có lúc ông cũng dí dỏm múa bút:
“Thì ra các cô gái Tuy Hòa, trông dễ thương mà thương thì không dễ lắm” (Tuy Hòa_Thương ghét)
Xin mời xem:
1 “Một trường hợp hi hữu, vừa vô phúc vừa diễm phúc.
“Một thằng bạn cùng học ba năm cuối cùng ở trường Võ Tánh, to con, đẹp trai và học giỏi. Sau này cũng là bạn lính. Ở tù hơn bảy năm nên bạn bè ai cũng nghĩ là nó đã đi diện HO và đang nổi trôi nơi nào trên nước Mỹ, không ngờ còn gặp lại nó ở Nha Trang.
“Sau sáu tháng nó vào tù, cô vợ “Bắc Kỳ nho nhỏ” mang ba đứa con (mà đứa lớn nhất mới vừa năm tuổi) giao cho bà nội ở trên Thành, Diên Khánh, rồi sang sông….. về đâu đó, không bao giờ trở lại thăm con. Bà nội thì già, mấy đứa nhỏ bấu víu vào ông chú, vừa tốt nghiệp kỹ sư Nông Lâm Súc, nhưng bởi có ông anh là “ngụy đang cải tạo”, nên được chức phụ hồ cho một ông thợ nề là bác họ. Trong lúc phụ hồ xây dựng một bệnh viện, anh làm quen được một chị đầu bếp của bệnh viện, Không biết tài ăn nói thế nào mà anh làm cô đầu bếp động lòng trắc ẩn, thương cảm hoàn cảnh mấy đứa cháu dại không mẹ không cha. Cô sẵn sàng làm mẹ nuôi. Với tất cả tiền bạc và tấm lòng, cô đã cưu mang ba đứa bé còn hơn cả một người mẹ. Ba đứa nhỏ lớn lên cứ tưởng cô là mẹ. Cái tình mẫu tử này sao mà hiếm hoi và bi tráng quá. Thì ra trong cái thời nhá nhem tình nghĩa ấy vẫn còn có những tấm lòng hơn cả chữ từ bi viết trong mấy ngôi chùa.
“Bảy năm sau, thằng bạn tôi được thả về, cúi mình trước người con gái lần đầu tiên gặp mặt để xin lạy một lạy tạ ơn. Cô nắm tay ngăn lại. Đúng giây phút ấy, bốn mắt nhìn nhau và cùng rơi lệ. Họ ôm nhau và yêu nhau rồi lấy nhau… Hôm gặp chị, tôi tò mò hỏi lý do nào chị yêu và lấy thằng bạn khốn cùng của tôi trong lúc chị còn con gái. Chị cho biết vì không thể rời xa ba đứa nhỏ mà chị cứ tưởng là con ruột của chính mình. Chính cái tình thương gắn bó mấy đứa nhỏ mà chị trở thành vợ của ba nó. Còn tôi thì lại mơ màng suy ngẫm đến hai chữ duyên nợ của đất trời.
Sau này chị làm đầu bếp cho một nhà hàng ở bờ biển Nha Trang. Thằng bạn tôi và mấy đứa con vẫn sống trên Thành, vì với cái lý lịch đen, không thể xin được cái hộ khẩu về thành phố. Còn chị vợ thì tiếc cái hộ khẩu ở thành phố, mà không muốn chuyển lên Diên Khánh. Mặc dù ban ngày làm ở Nha Trang nhưng tới tối là chị chạy xe Honda về với chồng con.
Cũng chính vì cái “hộ khẩu” mỗi người một nơi ấy, mà khi thằng bạn của tôi nộp đơn xin đi theo diện HO, bị phái đoàn Mỹ từ chối, trả lại hồ sơ và sỉ vả một trận, vì nghĩ chị vợ tốt bụng này chỉ là vợ giả, trả tiền cho nó để được bỏ nước ra đi. Chuyện tình ngay mà lý gian ấy cũng đã làm vợ chồng tốn kém và khốn khổ một thời. Sau mấy lần khiếu nại, cái ân sủng cuối cùng là: chỉ có người cha và ba đứa con được ra đi vào đợt cuối HO. Còn chị vợ sẽ vĩnh viễn không bao giờ được bước chân đến Mỹ.
Bạn tôi quyết định ở lại với người vợ ân tình, mà anh coi như ông trời đã sai xuống dương trần này để gánh vác cho mấy cha con.
Bây giờ ba đứa con đã là người lớn. Thằng bạn tôi ở nhà chăm sóc ngôi từ đường, nuôi mấy con heo và nấu cơm cho con cho vợ. Chị ấy vẫn làm ở khách sạn dưới Nha Trang.
Hôm đứa con gái lớn lấy chồng, chị khuyên mãi thằng bạn tôi mới báo tin cho bà mẹ ruột bạc tình, bây giờ đang lấy một ông chồng người Thụy Sĩ. Bà ấy cũng vác bộ mặt đầy son phấn trở về. Nhưng đứa con gái chỉ cho bà đến nhà hàng dự tiệc mà từ chối sự hiện diện của bà trong hôn lễ. Con bé bảo rằng, bà chỉ là một cái máy đẻ ra tôi, nhưng mẹ tôi chính là vợ của ba tôi bây giờ.
”Tôi rót một ly rượu mừng cho cả cái vô phúc lẫn cái diễm phúc của thằng bạn cũ, nhưng rót đến hai ly để mời vợ nó. Một ly mừng và một ly để nói hộ giùm tôi lòng biết ơn và ngưỡng mộ.
”Tôi quay sang bảo thằng bạn:
“ Dường như chính phủ Mỹ vừa cho mở lại diện HO, mày thử nộp đơn lại xem sao.
Nó xua tay:
“ Tao chẳng cần đi đâu nữa, vì ở đâu có bà vợ tao đây là ở đó có thiên đường.
Tôi đùa:
“ Mày nói còn hay hơn mấy ông linh mục trong nhà thờ.
Tôi choàng tay ôm vợ chồng nó mà nước mắt trào ra. Tôi nghĩ, nó vẫn còn tác phong của một thằng lính.”
2 “Phạm Tín An Ninh rất tín nghĩa, trung hậu, nên thường gặp được may mắn..
Trong thời gian bị nhốt trong những trại tập trung, có lần ông bị bệnh kiết lỵ, thừa chết thiếu sống. Một người Việt Nam trung bình chỉ nặng từ 50”65 kí. Thiếu ăn triền miên, lại tiêu ra máu trường kỳ, ông chỉ còn khoảng 30 kí. Như vậy là căn bệnh hiểm nghèo này đã phá đi non nửa trọng lượng cơ thể của ông. Một người bạn trong tù, vốn là một phi công trực thăng, từng bị trọng thương trong trận chiến An Lộc. Anh bạn này đã tìm cách giúp ông
“Lân còn là một con người gan dạ, liều lĩnh và còn chí tình với bạn bè.
“Một lần trải qua một trận kiết lỵ kéo dài, thuốc men không có, tôi chỉ còn khoảng ba mươi ký, kiệt sức đứng không vững. Lơi dụng lúc đi lấy “phân xanh” (loại lá cây để ủ thành phân bón), không có vệ binh canh giữ, Lân đã lén vào trại heo của Hợp Tác Xã (cách trại khoảng vài trăm mét, mà trước đó đám tù bọn tôi có đến vài lần làm chuồng cho họ) bắt một chú heo con (heo sữa) mang về giấu ngoài khu vực tăng gia (nằm sát bên hông trại), để hôm sau vùi vào hầm lửa (do tù đào và dùng các gốc cây đốt lửa sưởi ấm) cho tôi ăn dần. Nhờ đó mà tôi sớm lấy lại được sức.”(Cái Bóng Của Vị Thầy Tu)
Sau 8 năm, Phạm Tín An Ninh được thả. Khi trở về, Ông vẫn còn người Vợ.
“Và tôi còn nợ nàng, nợ Ninh Hòa. Mảnh đất hiền hòa đã cho tôi một người vợ chung tình, cùng tôi qua bao cuộc biển dâu.”(Nợ Đời Một Nửa, Còn Một Nửa Nợ Ơn Em)
3 “Nho học thường đề cập tới Văn dĩ tải đạo, đó là chủ trương dủng văn để vận chuyển đi các triết lý, các cách sống cùng các điều mọi người nên theo, để xã hội có được đạo đức, tôn ti, trật tự.
Đọc sách của Phạm Tín An Ninh, ta thấy đủ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín trong cung cách những người đã từng sổng ở Miền Nam, dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, đối xử với nhau, lúc đắc thế cũng như lúc thất thế.
Vì nước đã mất, mỗi người tan tác một phương, sống ở những nước khác nhau,với những phong tục tập quán khác đang ảnh hưởng lên, dùng Văn để tải đạo không được nữa.
Một câu hỏi được nêu lên: Như vậy Văn trở thành vô dụng ư?
Xin thưa: Không phải thế.
Phạm Tín An Ninh đã dùng Văn, theo một chủ trương khác, của Liễu Tông Nguyên (773”819), một Thi Nhân, Văn Gia Kiệt Xuất đời Đường. Đó là Văn dĩ minh đạo. Minh có nghĩa là làm sáng lên.
Và Phạm Tín An Ninh, chỉ kể chuyện thôi, những chuyện thật, liên quan đến ông, dính dáng đến ông, ông đã trải qua, hay nhìn thấy. Nhưng ông đã làm sáng lên được cái Đạo gổm các sự hy sinh, tận tâm, chí khí, tròn trách nhiệm, giữ danh dự, không vị kỷ, tận tình tận nghĩa, của những con người sống theo cung cách và phong thái của hơn 4000 Văn Hiến đã tồn tại cho đến ngày mất nước.
Một trong những điều thấy được thêm là vấn đề Chính Danh, nghĩa là nói hay gọi cho đúng sự việc.
“Tháng 5”1973. Thời gian này tôi đang đảm trách một phần hành tại Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn. Trong lần đơn vị tiếp nhận một số khá đông sĩ quan và hạ sĩ quan, tôi bất ngờ nhận ra trong số những người đang xếp hàng trình diện ông Trung Đoàn Trưởng có một người bạn học khá thân và một vị Giáo Sư thời trung học ngày xưa. Thằng bạn mang cấp bậc Đại Úy – tôi đã biết từ trước, nhưng điều đặc biệt làm tôi ngạc nhiên là ông thầy chỉ mang cấp bậc Trung Sĩ Nhất. Thoáng có một chút ngờ vực, tôi bước tới gần ông hơn để chắc chắn là trí nhớ của mình không tệ lắm.
“Hôm nay, ở một nơi chẳng một ai muốn hẹn, tôi bất ngờ gặp thầy. Thầy lại mang đến cho tôi thêm một điều khó hiểu: tại sao thầy chỉ là Trung Sĩ 1? Tôi khui hộp bánh trong khẩu phần lương khô (Ration C) và làm ba ly cà phê “dã chiến” mời thầy Huế và bạn Đỗ Bê uống mừng cuộc trùng phùng. Nghe thầy cứ gọi thưa chúng tôi bằng cấp bậc, tôi ôm vai thầy:
– Bất cứ trong hoàn cảnh nào, hai thằng chúng em cũng luôn là học trò của thầy. Xin thầy cứ gọi chúng em là em như thưở nào, chỉ ngoại trừ khi phải đứng trước hàng quân. Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng này, em rất thèm được nghe có người gọi mình là em.”(Người Bạn Học và Ông Thầy Cũ)
Có lần, đang ở trong tù, Phạm Tín An Ninh gặp lại cấp chỉ huy chót của mình.
“Lần cuối cùng tôi gặp lại anh, khoảng tháng 7 năm 1978 tại Nghĩa Lộ. Trong những người tù ốm o đang vác những bó nứa, băng qua khu ruộng khô mà đám tù chúng tôi đang "lao động", bất ngờ tôi nhận ra anh, khi anh hỏi xin bọn tôi một ngụm nước. Tôi ngỡ ngàng đứng nghiêm đưa tay lên chào:
“ Đại Tá!
Anh nhìn lên, nhận ra tôi và nở nụ cười:
“ Mi ở đây à? Chừ còn tá với tướng chi mi. Mi khỏe không?
Tôi đưa cho anh lon guigoz nước rồi nắm lấy tay anh. Anh gầy hơn xưa nhiều, chỉ có nụ cười vẫn vậy, không thay đổi. Chưa kịp hỏi anh ở trại nào và vợ con ra sao, thì tên vệ binh hét: "không được quan hệ linh tinh, khẩn trương về trại". Tôi phụ đưa bó nứa lên vai anh. Bước đi, anh nói vọng lại một câu:
“ Mi nhớ giữ gìn sức khỏe hỉ!(Để Tưởng Niệm Một Người Anh)
Cách khiêm nhường trong hai thí dụ về Chính Danh kể trên cho thấy sự khác nhau với một hiện tượng ở miền Bắc. Giặc Hồ lúc nào cũng vỗ ngực đồm độp, như một con khỉ đột (gorilla), tự xưng là bác. Nó thật ra chẳng có tư cách gì, mà chỉ là một tên phản quốc, hại dân.
4” Phạm Tín An Ninh bản tính đôn hậu, khiêm nhường.
Nhưng khi nhắc tới đơn vị của mình, ông rất hãnh diện
“Chính đơn vị tôi đã góp phần rất lớn để tạo nên một “Kontum Kiêu Hùng”. Trong hơn mười năm cùng chiến đấu trong đơn vị Bộ Binh rất đỗi tầm thường này, chúng tôi chưa hề một lần bại trận, nhưng rồi cuối cùng, trong bất ngờ tất cả đành phải buông súng, tù tội, tức tưởi, oan khiên.”
Hai chữ tất cả trong dòng chót, rồi những chữ tù tội, tức tưởi, oan khiên quả thật đã ập xuống miền Nam
Những truyện ngắn ông đã viết liên quan đến nhiều người, quân cũng như dân. Và về nhiều mặt, với mọi hoàn cảnh họ có thể đã phải chịu đựng hay trải qua. Sau 30”4”1975, chữ thích hợp nhất để chỉ phần còn lại của mỗi đời người là chữ Kiếp:
cái kiếp phải tù tội,
cái kiếp chịu oan khiên,
cái kiếp chết tức tưởi
Mỗi người có thể phải chịu một cách, hay nhiều cách. Thời gian dài ngắn khác nhau.
Có người thoát được cái chết của thân xác, nhưng những ngày còn lại vất vưởng trên thế gian, vẫn có thể bị triệu chứng của “Post traumatic stress disorder”. Hàng đêm cứ thấy những nỗi khủng khiếp trở đi trở lại, bị thức giấc một cách không cưỡng lại được. Họ hoá lo lắng triền miên, khủng hoảng tinh thần. Có người không chịu nổi, xoay ra uống rượu hoặc chích ma tuý. Kết quả, thân sống cũng như thân chết.
Ngày mất nước, Miền Nam có 17 triệu rưỡi người. Tất cả mọi người đều chịu thảm cảnh, thảm hình. Truyện về kiếp của từng ấy người, gom cả lại, chẳng đã thành một truyện dài ư?
Những chuyện Phạm Tín An Ninh kể, là những thí dụ điển hình. Nếu không muốn nhớ tiêu đề của mỗi truyện, ta có thể hiểu tất cả chỉ là những chương trong một truyện dài: “Miền Nam Trường Hận”.
Bảo Anh Trần Tường Vi
No comments:
Post a Comment