Kê “đơn thuốc”
1. Hỏi: Học Phật rồi ứng dụng vào đời sống, Bác sỉ có thể rút ra công thức, kê “đơn thuốc” cho người trung bình không học, được không?
Đáp (BS Đỗ Hồng Ngọc): Phật là Y vương mà, Ngài dạy và “cho đơn” hết rồi. Chữa tham sân si bằng “thuốc”:
* 5 Giới (tránh sát sinh, trộm cắp, nói dối, tà dâm, nghiện ngập),
* Định (thiền an lạc, thân tâm sáng suốt) và
* Tuệ (hiểu biết, hết vô minh).
Y khoa chỉ chữa cái đau, còn đạo Phật chữa được cả cái khổ, và nguyên nhân gây khỗ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có công thức SAFE: cần tránh hai thứ là S (Smoking) – không hút thuốc, và A (Alcohol) - chừa rượu; và làm đúng hai thứ F (Food) – ăn đúng và E (Exercise – tập thể dục.
2. Hỏi: Thực tế, người bệnh chỉ được thầy thuốc “dòm vài phút”- gọi là khám, rồi kê đơn. Vậy, nên nhìn nhận hiện tượng đó thế nào?
- Đáp: Chính chuyện “Tham vấn” là rất cần cho y khoa. Bác sĩ khám vài phút làm sao tìm hiểu, nên không thể rõ nguồn cơn.
Tâm ảnh hưởng đến thân. Tham vấn là lắng nghe, thấu hiểu để phát hiện nguyên nhân từ nơi tâm ảnh hưởng tới thân bệnh thế nào.
Tôi từng biết nhiều trường hợp bà mẹ đang cho con bú tự nhiên mất sữa, chữa chạy khắp nơi không khỏi. Tìm hiểu mới biết là do chồng đi bồ bịch mặc kệ vợ mới sinh, bà mẹ tức giận, hormone trong não (tạo tiết sửa) nay bị tắt, cắt đứt.
Trường hợp nữa: con gái 7, 8 tuổi bỗng dưng… đái dầm. Cha mẹ đánh đập sỉ vã, em càng nặng thêm. Lý do chính là mẹ mới sinh em trai, mừng quá, cả nhà xúm vào phục vụ, bỏ bê con chị. Nó sốc. Đái dầm là phản ứng muốn gây sự chú ý của ba mẹ.
3. Hỏi: Với thiền, ông kể về những bài tập hay kinh nghiệm riêng. Ông từng trải qua bệnh nặng phải mổ não, đến hôm nay trông ông vẫn… khá. Hằng ngày, ông giữ sức khỏe thế nào?
- Đáp (Cười): Đang có bệnh gì không, tôi cũng…không biết nữa. Mỗi ngày, tôi đều uống một liều thấp ngừa huyết áp, thiền 30 phút và thể dục 30 phút với động tác…'tự chế' cho phù hợp với mình. Xương sống như cây tre, có vai trò quyết định, nên các động tác tập trung vào xương, khớp. Không ăn chay nhưng tôi ăn rau trái, cá và ít thịt gà. Ăn uống nhẹ nhàng, sáng cà phê, yaourt, trưa ăn cơm đơn giản, chiều ăn nhẹ.
Học thiền thấy mấy lợi ích sau: an lạc, có sức bền bỉ, ăn ngủ, trí nhớ đều tốt hơn.
4. Hỏi: Vì sao ông chọn học Phật?
- Đáp: Ngoài yếu tố quan trọng là đạo Phật áp dụng tốt cho cuộc sống, tôi có một số lý do cá nhân.
Sinh ra ở Phan Thiết, nhà tôi ở dưới chân núi Tà Cú, gần chùa Linh Sơn Trường Thọ Tự, nơi có ông thầy giỏi chữa khỏi bệnh mắt cho mẹ vua Tự Đức. Tôi hay lên chùa chơi, ngắm cảnh đẹp. Lớn lên vô Sài Gòn học y khoa, tôi đọc sách nhiều nhưng chỉ để hiểu biết, chứ chưa chiêm nghiệm.
Năm 1997, sau một lần bệnh nặng, tôi hiểu ra: nếu mình “tu” sớm, sống không quá căng thẳng chắc là không bị bệnh. Học Phật giúp tôi biết 1 phương cách khác để an trú trong cuộc đời, bớt phiền não, giãm bệnh tật. Hiểu ra: cuộc đời tự nó hiểm nguy, bất an, bất tuyệt, nhưng nó cũng là hân hoan cực lạc, cho ta cái tự do khám phá, sáng tạo. Hiểu 1 cách khoa học, đó là "chuyển hóa tâm"…
5. Hỏi: Ông hay tự gọi vui vui là “ông 3 điều 4 chuyện” làm diễn giả chuyển tải những câu chuyện theo cách dễ hiểu, dễ nhớ cho các bạn trẻ. Cụ thể là gì ạ?
- Đáp: Đó là những điều cần nhớ sau đây:
* Phật không là “thần linh ban phát” để ta lạy lục xin xỏ, Ngài không là triết gia làm phức tạp hóa các chuyện đơn giản.
* Phật là đạo sư chỉ đường đến giác ngộ, giúp cho tinh thần con người mạnh lên.
* Phật khuyến khích đừng tìm đâu xa, hãy dựa vào Chính Mình, mọi năng lực đều bình đẳng. (Ta là Phật đã thành. Chúng sinh là Phật sẽ thành).
* Học Phật cần hiểu các thuật ngữ và ẩn dụ, ẩn nghĩa để tránh mê tín dị đoan.
** Và quan trọng nhất: HOC PHẬT là phải THỰC HÀNH.
Một điều dễ nhớ là: THỞ là Gốc tu luyện, là Thiền.
Cùng sống trong vũ trụ, nhưng con người thở khác nhau. "Luyện thở" hoàn toàn khoa học. Và ăn gì, như thế nào để có đủ năng lượng mà không bệnh tật.
Vì thế, tôi viết dưới dạng khoa học dễ hiểu, có trải nghiệm để ngẫm ngợi khi cần.
BS Đỗ Hồng Ngọc, thật tuyệt vời quá
No comments:
Post a Comment