Từ một câu ca dao, nhớ về nền giáo dục VNCH một thời rực rỡ
GS Nguyễn Kiến Thiết
29 tháng 11, 2022
Giáo chức VNCH (file photo)
Bàn về ca dao, có nhiều điều thú vị để nói. Đại đa số đều đồng ý cho rằng ca dao là thơ, là nhạc, là họa, nhưng chủ yếu là tình. Chắc hẳn mỗi người trong chúng ta đều thuộc nằm lòng những vần ca dao ngọt ngào, trầm ấm từ thuở nằm nôi cho tới lúc trưởng thành. Riêng tôi, câu ca dao về tình nghĩa thầy trò đã thấm vào lòng tôi từ thuở ấu thơ: “Muốn sang thì bắc cầu kiều; Muốn con hay chữ, phải yêu lấy thầy”. Cho đến lúc lớn lên, lại nghe câu ca dao:
Dưa leo chấm với cá kèo
Chuột chạy cùng sào mới học Nọt-man.
Từ câu ca dao có phần mỉa mai nghề giáo, người viết muốn nói lên những suy nghĩ vụn của mình về Nghề Thầy trước năm 1975.
*Giải thích câu ca dao:
Trước hết, thiết tưởng nên thử cắt nghĩa câu ca trên để hiểu rõ hơn về nội dung, ý nghĩa của nó.
–Cá kèo: tên một loại cá sống tập trung ở môi trường sình lầy và nước lợ (tức nước mằn mặn) ở Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá. Người ta còn gọi nó là cá bống kèo để phân biệt với cá bống cát hoặc cá bống dừa (tức loại cá bống sống ở trong rảnh bập dừa nước) ở sông rạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Người ta có thể bắt cá bống kèo quanh năm suốt hai mùa mưa nắng. Vào mùa nắng, nước ròng sát chỉ cần đi rảo trên các bãi cạn để tìm “mà” (tức chỗ miệng hang có đất đùn lên) để bắt cá kèo.
Thường thì mỗi “mà” chỉ có một con cá bống kèo nên đi cả buổi mới bắt đủ cá kèo để ăn trong ngày. Nhưng vào những trận mưa đầu mùa, cá kèo chạc hà (nhiều vô số kể). Chúng kéo về “cả đàn cả lũ, hàng ngàn con, hàng vạn con, đặc sệch (1) cả một khúc sông hay kinh rạch, không biết bao nhiêu mà kể. Chúng trôi theo dòng nước, không đủ chỗ để bơi nghiêng phải bơi đứng, nên chỉ thấy những đầu là đầu, dày đặc” (Theo Nguyễn Văn Ba- tức Kỹ sư Nông học Thái Minh Kiệt, Giảng viên Đại học Cần Thơ. Tạp chí Đi Tới năm 1998).
Dân miền biển Bạc Liêu, Cà Mau gọi đó là ngày Hội cá kèo. Cá kèo kho tiêu hoặc kho nước dừa ăn rất ngon, rất được dân ta ưa chuộng. Người ta còn chế biến món nấu mẵn (còn gọi là kho mẵn), đại để là luộc/kho lạt, để lửa riu riu, rồi nêm nếm với tiêu, nước màu, nước mắm, cuối cùng với hành lá xắt dầy trước khi ăn)
“Ví dầu cá bống nấu canh / Bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm”. Một số nhà hàng còn chế biến món lẩu cá kèo nhằm thu hút dân nhậu sành điệu muốn thay đổi khẩu vị. Vào mùa Hội cá kèo, người ta còn làm khô cá kèo để ăn quanh năm. Đi coi hát cải lương ở miền Nam còn có hạng vé cá kèo. Đây là hạng vé rẻ tiền, khán giả phải đứng xa sân khấu, chen chúc, xô đẩy nhau để coi xuất hát mình thích. Dầu sao họ cũng bỏ tiền mua vé còn hơn là coi cọp.
–Chuột chạy cùng sào (Sào: cây dài, thẳng bằng tre, nứa dùng để chống, đẩy, cắm ghe thuyền hoặc để phơi quần áo. Ca dao Lục tỉnh có câu: “Ghe lui khỏi bến nhổ sào / Thấy em có chốn muốn nhào xuống sông”):
Dân chài ở miền biển khi đánh cá về thường phơi lưới trên những cây sào dài bằng tre. Lũ chuột thường kéo tới chỗ phơi lưới để kiếm chác tôm cá thúi rơi vãi. Chúng chạy loanh quanh từ dưới đất rồi trèo lên những cây sào phơi lưới. Khi có động, chúng chạy bán sống bán chết trên sào để thoát thân. Khi “chạy cùng sào”, chúng rơi tòm xuống đất hoặc xuống nước nên “ướt như chuột lột”. Có người còn giải thích sào là hang ổ, nơi ẩn trốn, nơi sống của một con vật nào đó, e không đúng.
Thành ngữ “Chuột chạy cùng sào” phải chăng ra đời trong hoàn cảnh ấy và có nghĩa là tình thế khó khăn đến bước đường cùng, không lối thoát.
–Nọt-man: phiên âm chữ normale (École normale) có nghĩa là Trường Sư phạm – tức trường đào tạo giáo chức. Ở đây có thể hiểu là Trường Sư phạm Sài Gòn, mà tiền thân của nó là trường Quốc Gia Sư Phạm, được thành lập năm 1955 tuyển sinh từ Bến Hải tới Cà Mau.
Cặp ca dao lục bát trên đây được cấu tứ theo thể hứng kết hợp với tỉ, tức vừa liên tưởng, vừa so sánh. Từ những món ăn dân dã “cây nhà lá vườn” như “dưa leo, cá kèo” mà con nhà nông ưa chuộng, tác giả dân gian liên tưởng tới hoàn cảnh các em học sinh con nhà nghèo hoặc lâm vào bước đường cùng, nên phải thi vào Sư phạm để làm thầy, giống như “Chuột chạy cùng sào”.
Thật ra, câu ca dao nầy còn có nhiều dị bản, như: “Dưa leo chấm với cá kèo; Bởi con nhà nghèo, đi học Nọt-man / Mấy đứa nhà nghèo, mới học Nọt-man / Cha mẹ anh nghèo, anh học Nọt-man / Chuột chạy cùng sào, mới vào Sư phạm”.
Chúng ta còn nghe câu: “Nhứt Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa, qua loa Sư Phạm”, v.v…
Tất cả câu ca dao dẫn trên đều ám chỉ đến nguyên nhân không mấy tốt đẹp khi chọn nghề thầy. Phải chăng các em chọn vào Sư phạm bởi con nhà nghèo, ra trường được tuyển dụng ngay nên không sợ “thất nghiệp”? Phải chăng các em đến với ngành Sư phạm như sự bấu víu, vớt vát? Phải chăng các em chọn nghề giáo vì “bước đường cùng” chớ không phải là tất cả đam mê và tâm huyết?
*Nghĩ về nghề thầy:
Những ai đã từng hành nghề gõ đầu trẻ thời Việt Nam Cộng Hòa chắc hẳn đã tự hỏi vì sao có câu ca dao nhằm đánh giá thấp nghề thầy kể trên. Các bạn cũng như tôi, chắc không khỏi đau lòng, thậm chí bị tổn thương vì mục đích chọn nghề thầy của mình đã mất đi ý nghĩa cao quý của nó. Trong một bài báo trước kia, chúng tôi đã đề cập đến truyền thống hiếu học và tinh thần “tôn sư trọng đạo” của người Việt. Chính với truyền thống tốt đẹp nầy, người thầy và nghề dạy học luôn được tôn vinh.
Thật ra, muốn trở thành nhà giáo phải thi vào các trường Sư phạm (Sư: thầy; phạm: cái khuôn) để học cái khuôn mẫu dạy dỗ; nói nôm na là học cái phương pháp, cách thức dạy học. Giáo sư Phạm Cao Dương qua bài “Nhìn lại thời vàng son của Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa” đã mô tả khá tỉ mỉ phương pháp, cách thức dạy học như sau: “Từ phong thái đến cách giảng dạy, từ cách vào lớp, cho phép học trò ngồi, tới cách viết bảng và xóa bảng, cách chấm bài hay phê bài, các vị này đã toát ra một sự chừng mực và vô cùng thận trọng của những nhà sư phạm lành nghề và yêu nghề”.
Từ những năm đầu thành lập (1955-1961), trường Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn tuyển sinh có bằng Trung học Đệ I Cấp, chia làm hai phân hệ:
.Hệ 1: học một năm, ngạch Giáo viên Tiểu học;
.Hệ 2: học ba năm, ngạch Giáo học bổ túc, dạy các lớp Tiểu học, hoặc các lớp Trung học Đệ Nhứt Cấp (từ Đệ Thất tới Đệ Tứ).
Giai đoạn 1961-1975, trường được đổi tên thành trường Sư Phạm Sài Gòn, tuyển sinh có bằng Tú tài 1 (hoặc Tú tài 2), học hai năm, ngạch Giáo học bổ túc, dạy các lớp Tiểu học và Trung học Đệ Nhứt Cấp (với điều kiện phải dự một khóa Tu nghiệp hoặc đã đậu hai chứng chỉ Đại học và được cải ngạch).
Việc tuyển sinh vào trường Sư Phạm Sài Gòn, hoặc bất cứ trường Cao đẳng hay Đại học nào thời Việt Nam Cộng Hòa đều công bằng, vô tư, nghiêm ngặt, dựa trên khả năng của thí sinh; nghĩa là không phân biệt giàu nghèo, giai cấp xã hội, cũng không phân biệt tôn giáo, địa phương hay chủng tộc. Xin dẫn một câu chuyện vui xảy ra tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn: Kỳ thi cuối năm chứng chỉ Văn chương và Văn minh Pháp, có một ông Tướng sau khi đậu kỳ thi viết nhưng bị đánh rớt phần vấn đáp. Giám khảo là người Việt còn trẻ, ở tuổi quân dịch! Ngay cả việc chọn nhiệm sở cũng dựa vào thứ hạng cao thấp trong kỳ thi tốt nghiệp của mỗi giáo sinh.
Tất cả giáo sinh, sinh viên Sư phạm thời bấy giờ đều được hưởng học bổng tùy theo phân hệ. Chẳng hạn hệ ba năm, học bổng chừng 800$/tháng (một tô phở tại tiệm Phở 79 đường Võ Tánh Sài Gòn thời ấy là 5 đồng). Còn sinh viên Đại học Sư phạm được hưởng học bổng 1500$/tháng. Khoản học bổng đáng khích lệ nầy nhằm giúp giáo sinh yên tâm dồn hết mọi nỗ lực cho việc học tập. Người thầy ngoài kiến thức chuyên môn sâu rộng vì không ngừng học hỏi, còn phải biết cách dạy hiệu quả. Theo lẽ thường muốn làm thầy dạy giỏi, trước hết phải là học trò giỏi.
Nghề thầy là một “nghề đặc biệt”. Công việc của người thầy là “công việc đặc biệt”, bởi lẽ ngoài việc “dĩ ngôn vi giáo”, tức dùng lời nói để truyền đạt kiến thức cho học trò, người thầy còn phải “dĩ thân vi giáo”, tức lấy chính thân mình, lấy chính nhân cách, đạo đức, phong cách sống của mình làm khuôn mẫu, làm tấm gương sáng cho học trò noi theo. Mất cái khuôn mẫu nầy, nghề thầy sẽ bị đào thải. Anh
Nghề thầy còn là một nghề cao quý bởi thầy cô là những người dìu dắt thế hệ trẻ của đất nước. Nói khác đi “sản phẩm” của nghề giáo là “con người”, là thanh niên, rường cột của quốc gia (Học sinh là người Tổ quốc mong cho mai sau…). Và công việc của nhà giáo là công việc “trồng người” (2).
Immanuel Kant (1724-1804) có nói: “Con người chỉ có thể trở thành người là nhờ giáo dục”. Đi xa hơn nữa, một nhà tư tưởng phương Tây đã khẳng định: “Nhà giáo nắm trong tay tương lai thế giới”. Người ta thường ví: “Tâm hồn trẻ như tờ giấy trắng”. Nếu người lớn (thầy cô, cha mẹ) khéo dạy bảo (khéo vẽ) thì sẽ có những bức tranh đẹp, sắc màu tươi sáng… Những ai đã chọn nghề giáo không chỉ có “duyên nợ” với nghiệp nhà giáo, mà còn phải yêu trẻ, yêu nghề. Có yêu nghề, yêu trẻ người thầy mới đem hết tâm hồn và nhiệt huyết ra dạy trẻ với tất cả đam mê. Đó cũng là thiên chức của nghề giáo.
Nghề thầy là một nghề chân chánh nhờ chánh sách đãi ngộ của chánh phủ qua mức lương thu nhập cũng như tạo cơ hội đồng đều cho thầy cô giáo thăng tiến nghề nghiệp. Từ đó họ sẽ toàn tâm toàn ý phục vụ cho sự nghiệp giáo dục và không làm bất cứ điều gì gây tổn hại đến thanh danh nhà giáo.
Chẳng hạn lương giáo viên Tiểu học trước năm 1975 có chỉ số 250; Giáo học bổ túc 320; Giáo sư Đệ I Cấp 400; Giáo sư Đệ II Cấp 470, Giáo sư Đại học 640 trở lên.
Xin dẫn một thí dụ. Lương của một Giáo sư Đệ II Cấp mới ra trường, còn độc thân năm 1964-1965: (Chỉ số lương 470 x 11.50) + (phụ cấp Sư phạm 800$ + phụ cấp đắt đỏ 1200$) = 7405$/tháng. Nếu có gia đình cộng thêm phụ cấp vợ = 1000$; con = 800$ trở lên. Nên nhớ, trước năm 1969, so với đồng đôla Mỹ, hối suất chánh thức là: 1$US = 35$VN.
Từ Tháng Mười 1969, dưới thời Tổng trưởng Kinh tế Phạm Kim Ngọc, hối suất lúc bấy giờ là: 1$US = 100$VN. So với ngạch công chức và quân đội, lương Giáo viên, Giáo sư tương đối cao nên đời sống giáo chức được bảo đảm, thư thả. Theo Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm: “Với mức lương căn bản như vậy, cộng thêm phụ cấp sư phạm, nhà giáo ở các thành phố thời Đệ nhất cộng hòa có cuộc sống khá thoải mái, có thể thuê được người giúp việc trong nhà”. (Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa).
Nghề thầy luôn được tôn vinh, thầy cô được kính trọng gần như tuyệt đối. Học đường thời Việt Nam Cộng Hòa rất nghiêm túc, áp dụng ba nguyên tắc căn bản: Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng, lấy phương châm “Tiên học lễ, hậu học văn” làm gốc. Ở trường, thầy cô dùng cái “tâm” hết lòng dạy dỗ học trò. Ngoài đời, như đã phân tích trên, họ xứng đáng làm khuôn mẫu trong cách đối nhân xử thế. Học trò rất lễ phép với mọi người, hết lòng kính yêu thầy cô trong tinh thần “tôn sư trọng đạo”, “kính thầy mến bạn”. Ngày xưa, trong bậc thang giá trị Quân-Sư-Phụ, nhà giáo được xếp sau vua, trước cả cha mẹ, nhưng được kính thờ như một:
Vua-Thầy-Cha ấy ba ngôi
Kính thờ như một, con ơi ghi lòng.
Sách Luân Lý Giáo Khoa Thư do Trần Trọng Kim chủ biên, xuất bản năm 1941, có ghi rõ: “Luân lý ta lấy quân, sư, phụ làm trọng hơn cả. Người học trò tốt phải biết ơn thầy, phải tôn kính thầy, phải yêu mến thầy và phải vâng lời thầy” (tr.26). Nếu làm trái lại bị xem là “những quân vô hạnh”, “như thế là vong ân bội nghĩa rất đáng khinh bỉ” (tr.28).
Như vậy, quan hệ thầy-trò là mối quan hệ thiêng liêng cao cả. Nó gắn bó về tình và lý: Thầy ra thầy, trò ra trò. Nó ràng buộc con người phải sống cho “phải đạo”, ăn ở cho có tình có nghĩa với nhau: Đạo nghĩa thầy-trò. Có người còn ghi nhận thời kỳ 1955-1963 là “thời kỳ vàng son” của nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa.
*Kết:
Câu ca dao và các dị bản dẫn trên, một mặt thể hiện cái “mặc cảm tự tôn” của con nhà khá giả, được ăn học đến nơi đến chốn nên xem thường ngành Sư phạm; mặt khác còn thể hiện cái “mặc cảm tự ti”, lời than vãn của con nhà nghèo khi chọn vào Sư phạm. Cả hai loại mặc cảm trên – đặc biệt mặc cảm tự tôn thường bị cô lập trong tập thể, đều làm tổn thương đến nghề thầy! Có khi đám con nhà nghèo, kể cả con nhà trung lưu vì muốn nối nghiệp cha ông nên hăm hở chọn nghề dạy học làm lý tưởng cho đời mình và chỉ sống bằng nghề dạy học, vui với nghề dạy học, như câu ca dao:
Dưa leo chấm cá thòi lòi
Con em nhà nòi, mới học Nọt-man.
Cũng như đại đa số đồng nghiệp đã từng hít thở không khí học đường qua học hành, thi cử và giảng dạy trước năm 1975, tôi vô cùng nuối tiếc thời vàng son của nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa. Tôi cũng lấy làm hãnh diện vì được đứng chung hàng ngũ giáo chức của nền Cộng hòa tuy còn non trẻ nhưng có nhiều đóng góp đáng kể trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước. Mặc dầu không được hưởng nhiều ân sủng bởi vận nước, nhưng tôi luôn biết ơn nền giáo dục ấy, qua bao cuộc bể dâu, đã tạo cho tôi một chỗ đứng khiêm tốn và một quá khứ để hoài niệm – một thứ hoài niệm về dĩ vãng vàng son trôi theo năm tháng cuộc đời!
____________
Chú thích:
(1) Đặc sệch: đáng lẽ phải viết “đặc sệt”.
(2) Quản Trọng tức Quản Di Ngô (725 TCN – 645 TCN) là Tướng quốc triều vua Tề Hoàn Công thời Xuân Thu Chiến Quốc, tác giả của quốc sách “trồng người”, có viết trong sách Quản Tử: “Thập niên chi kế mạc như thụ mộc; chung thân chi kế mạc như thụ nhân” (Kế hoạch mười năm không gì hơn trồng cây; kế hoạch trọn đời [trăm năm] không gì bằng trồng người).
No comments:
Post a Comment