NẾU TRUMP TÁI ĐẮC CỬ - PHẦN 1
Câu chuyện ông Trump ra tái tranh cử quá quan trọng mà lại hấp dẫn nữa, nên Diễn Đàn Trái Chiều tuần này tiếp tục bàn dza, bàn dzô.
Ông Trump có hy vọng thành công không? Thành công ở đây mang ý nghĩa ông Trump chẳng những chiến thắng trong nội bộ đảng CH, mà còn thừa thắng xông lên, thắng luôn trong cuộc bầu chung kết, hạ đối thủ DC, có thể là cụ Biden, cũng có thể là một ứng cử viên khác, để đắc cử tổng thống lại.
Nếu thành công, ông Trump sẽ làm gì?
Một chính quyền Trump hồi sinh, về lại Tòa Bạch Ốc sẽ làm gì, sẽ có những ưu tiên nào và chính trị Mỹ, cũng như xã hội Mỹ sẽ thay đổi ra sao? Đó là câu chuyện ta cần bàn, trước tiên là để hiểu rõ mọi chuyện trước khi lấy quyết định tiếp tục ủng hộ ông Trump ra tái tranh cử hay không. Xin thưa ngay với quý độc giả, đây là một đề tài hết sức bao quát và quan trọng, nên phải chia làm hai phần, sẽ được trình bày trong 2 tuần, tuần này và tuần tới.
Trước hết, ta coi qua cuộc nội chiến không đổ máu giữa hai chính đảng Mỹ. Rồi sẽ xem qua việc nội bộ CH đánh đấm nhau. Rồi tới cuộc chiến của cá nhân ông Trump với phe DC. Để có một khái niệm rõ hơn về hy vọng của ông Trump. Và cuối cùng thử đoán xem một TT Trump khi đó sẽ làm gì.
A. NỘI CHIẾN CH - DC
Cuộc chiến giữa hai chính đảng lớn nhất Mỹ đã có từ ngày lập quốc, không có gì mới lạ, tuy không nhất thiết dưới hình thức đảng CH và đảng DC đánh nhau, mà dưới hình thức vài đảng khác, với tên khác. Thông thường, vẫn là cuộc chiến giữa hai ý thức hệ cấp tiến và bảo thủ, dưới nhiều hình thức khác nhau. Thời lập quốc, giản dị hơn, phần lớn giới hạn trong việc tranh cãi quyền hạn liên bang so với quyền hạn tự trị của tiểu bang, với khối cấp tiến muốn quyền liên bang bao quát nhất trong khi khối bảo thủ lo bảo vệ quyền tự trị của tiểu bang. Bây giờ phức tạp gấp bội với cả vạn chuyện để tranh cãi. Từ những chuyện lớn như tôn trọng Hiến Pháp, đến những chuyện lắt nhắt vớ vẩn nhất như quyền đi cầu tiêu chung.
Trong lịch sử bầu tổng thống, nước Mỹ chưa bao giờ có cuộc chiến với nhiều ý nghĩa quan trọng như ta đang thấy hiện nay. Ở đây, không còn chuyện hai đảng tranh nhau cái ghế trong Tòa Bạch Ốc nữa, mà phải nói đây đúng là một cuộc chiến ý thức hệ mà hậu quả sẽ rất lớn và lâu dài, cuộc chiến giữa phe bảo thủ muốn bảo vệ những giá trị truyền thống của Mỹ, và phe cấp tiến muốn áp đặt những quan điểm mới gọi là 'thức tỉnh' đổi đời.
Trong lịch sử cận đại Mỹ, có thể nói đã có hai cuộc bầu cử tổng thống mang nhiều hệ quả quan trọng.
Thứ nhất là cuộc bầu giữa PTT Nixon với thượng nghị sĩ Jack Kennedy, là cuộc bầu đánh dấu một thay đổi thế hệ lãnh đạo, từ một 'bô lão' CH là TT Eisenhower, qua thế hệ trẻ của một Kennedy đáng tuổi con của Eisenhower. TT Eisenhower dĩ nhiên đã không ra tranh cử nữa được, nhưng ông phó Nixon chỉ là Eisenhower nối tiếp. Cái khác biệt giữa Eisenhower và Kennedy là một chuyển tiếp thay đổi thế hệ lãnh đạo, đưa một người trẻ, năng động hơn, có thể có nhiều sáng kiến mới lạ và hành động bạo tay hơn, để nước Mỹ hùng mạnh hơn. Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, những người trẻ được nhìn nhận có đầy đủ khả năng lãnh đạo quốc gia, không phải trên 50-60 tuổi mới được. Nhưng nền tảng chính trị, xã hội, văn hóa Mỹ vẫn không thay đổi bao nhiêu.
Thứ nhì là cuộc bầu giữa đương kim TT Carter và ông Reagan. Đây đúng là chuyển tiếp từ chính sách cấp tiến qua chính sách bảo thủ trong sách lược an bang tế thế của Mỹ. Dưới cái nhìn chung, như vậy thì cũng tương tự như cuộc chiến giữa Biden và Trump, nhưng trên thực tế, không thể nào gay gắt bằng cuộc chiến Biden-Trump được. Khác biệt ý thức hệ giữa ông Carter và ông Reagan đúng là giữa một ông cấp tiến với một ông bảo thủ, nhưng ông Carter cấp tiến thua xa Biden, trong khi ông Reagan bảo thủ cũng không bằng ông Trump.
Cho đến khi có thay đổi nhân sự nào đó, thì ta có thể coi như cuộc bầu năm 2024 sẽ là một lựa chọn giữa hai lão đồng chí cùng thế hệ, Biden và Trump. Như vừa nói, đây là dịp cho dân Mỹ lựa chọn, cấp tiến nặng hay bảo thủ nặng. Cả hai đều đã làm tổng thống, do đó, cả hai đều đã có những thành tích dựa theo đó, ta có thể mường tượng chuyện gì sẽ xẩy ra khi ông nào tái đắc cử. Cả hai ông đểu đã cho dân cả nước nhìn thấy rất rõ hai chính sách, chúng ta khỏi cần để ý tới những chửi bới nhau, hay đấm ngực hứa hẹn lung tung, mà chỉ cần nhìn vào thời kỳ hai ông đã ngồi trong Tòa Bạch Ốc, để rồi có thể dự phóng họ sẽ tiếp tục làm gì nếu đắc cử tổng thống lại.
DĐTC đã có dịp viết ông Trump đang cố thực hiện một cuộc 'cách mạng' đổi đời, nhưng cách mạng của ông Trump là cách mạng thay đổi sức mạnh nội tại của nước Mỹ qua việc tát cạn đầm lầy đầy sâu mọt và củng cố thế lực và vị trí của Mỹ trên thế giới. Cụ Biden thật ra không có đường hướng gì rõ rệt, nhưng vì lờ mờ nên đang bị áp lực nặng của khối thiên tả trong đảng DC, ép phải làm một cuộc cách mạng đổi đời, nhưng cách mạng của cánh tả là cách mạng về văn hóa, quan niệm sống, con người Mỹ, suy tư Mỹ để áp đặt những giá trị xã nghĩa mới.
Hai ông ra tranh cử sẽ cho ta thấy 2 lựa chọn khác biệt rất rõ ràng giữa cấp tiến và bảo thủ.
B. NỘI CHIẾN TRONG ĐẢNG CH
Cho đến khi bài này được viết, chỉ mới có ông Trump loan báo tin ông ra tái tranh cử, chưa có một ai khác trong đảng CH cho biết ý định ra chạy đua cùng ông Trump. Tuy nhiên, có nhiều, rất nhiều triển vọng sẽ có khá nhiều ngôi sao CH sẽ ló dạng trong ít tháng nữa.
Có ít nhất hai lý do sẽ đưa đến tình trạng chạy đua ào ạt trong đảng CH. Thứ nhất, cụ Biden quá lờ mờ, bị ngay cả khối cử tri DC bất mãn, trong khi trong nội bộ đảng DC, chưa thấy một ngôi sao nào khác sáng tới chói mắt thiên hạ. Thứ nhì, ngay trong nội bộ CH, ông Trump dù đang được hậu thuẫn tương đối mạnh nhất, cũng chẳng có gì bảo đảm sẽ dễ dàng thâu tóm cả đảng CH trong các cuộc bầu sơ bộ tới. Trước viễn tưởng chẳng có 'mặt trời' nào trong cả hai đảng, mà chỉ toàn là những ngôi sao đua nhau lấp lánh, thì sẽ có rất nhiều chính trị gia tham vọng lớn muốn thử lửa cho chính mình. Chẳng hạn như có thể có các ông Pence (cựu PTT của TT Trump), ông DeSantis (TĐ Florida), ông Mike Pompeo (cựu ngoại trưởng), ông Greg Abbott (TĐ Texas), ông Tim Scott (TNS South Carolina), ông Glenn Youngkin (TĐ Virginia), bà Nicky Halley (cựu đại sứ tại Liên Hiệp Quốc),...
Ngay bây giờ, phải nói cho rõ, Diễn Đàn Trái Chiều không làm thầy bói mù đoán mò xem ai trong đảng CH sẽ ra chạy đua với ông Trump, cũng chẳng ủng hộ hay chống ai hết, mà chỉ cố phân tích thực trạng chính trị ngày hôm nay thôi -ngày mai hay tuần tới, có thể khác rồi-.
Trước khi có cuộc bầu quốc hội mới đây, tất cả các thăm dò cho thấy ông Trump thống trị đảng CH một cách tuyệt đối, đè bẹp dúm tất cả các 'ngôi sao' khác của đảng CH, cỡ như một mình ông chiếm đâu hai phần ba hậu thuẫn, còn một phần ba chia cho hơn nửa tá nhân vật khác của CH. Thế nhưng ngay sau bầu cử, một ngôi sao sáng chói mới đã nổi bật hẳn, là thống đốc Florida Ron DeSantis, sau khi ông đại thắng, mang cơn đại hồng thủy 'red wave' vào Florida.
Sau bầu cử, hàng loạt thăm dò mới đã được tung ra. Cho thấy bên CH, ngôi sao DeSantis đang nổi bật, có thể qua mặt Trump khá dễ dàng nếu ông DeSantis ra tranh cử.
Những con số này sẽ là những áp lực thật lớn ép ông DeSantis phải ra tranh cử cho dù ông không muốn.
Tuy nhiên, ta cần phải hiểu cho rõ các con số trên trước khi bàn xa hơn. Đó có phải là những điềm báo ông Trump đang ... đi vào quá khứ và như vài người bi quan đã hô hoán, ta cần... 'move on', quên ông Trump đi không? Không hẳn đâu.
Đây là những thăm dò về hậu thuẫn giữa hai người, ông Trump so với ông DeSantis, và từ đó, có thể ông DeSantis được hậu thuẫn nhiều hơn. Nhưng trên thực tế, sẽ có khá nhiều ứng cử viên CH, không phải tất cả những người bác bỏ ông Trump sẽ hoàn toàn nhất trí đứng sau lưng ông DeSantis hết. Do đó, những ứng cử viên CH khác có nhiều triển vọng sẽ chia bớt hậu thuẫn của ông DeSantis trong khi khối cử tri của ông Trump vẫn trung thành tuyệt đối với ông. Lấy ví dụ cụ thể cho dễ hiểu: ngoài ông Trump, sẽ có 5 ứng cử viên CH ra tranh cử chẳng hạn, khi đó, dựa trên thăm dò của Đại Học Marquette, tỷ lệ hậu thuẫn của Trump có thể mất phần nào, còn 40%, còn lại 60% chia cho 5 ông còn lại, thì ông Trump bảo đảm vẫn đại thắng. Nghĩa là càng nhiều ứng cử viên CH thì ông Trump càng có lợi thế, không khác mấy tình trạng của năm 2016 khi đảng CH có tới mười mấy ứng cử viên, để rồi cuối cùng ông Trump thắng mắc dù lúc ban đầu, ông Trump chỉ có đâu dưới 5% hậu thuẫn. Bây giờ, ông khởi đi với 40%-45%, có dễ thắng ông không?
Trở về lại câu chuyện ông DeSantis, việc ông muốn ra tranh cử hay không cũng là câu hỏi lớn. Trong khi tranh cử chức thống đốc Florida, ông DeSantis tất nhiên liên tục phủ nhận việc ông có tham vọng ra tranh cử tổng thống năm 2024 chống ông Trump. Nhưng trong chính trị Mỹ, thời cơ thường chỉ tới có một lần, không nhanh tay chộp thì sẽ mất và có thể mất vĩnh viễn. Như năm 2008, Obama nổi lên như cồn qua một bài diễn văn đọc trong Đại Hội đảng DC, đã mau mắn chộp cơ hội ra tranh cử tổng thống chống bà Hillary và thành công vào luôn tới Tòa Bạch Ốc. Dù muốn dù không, ông DeSantis không thể không để ý tới hay coi thường hậu thuẫn ông đang có sau cuộc bầu vừa qua, đồng thời cũng phải liếc nhìn xem còn ai khác nữa, bao nhiêu người?
Hậu thuẫn mạnh và cơ hội hiếm có, đó chính là những áp lực sẽ đè lên ông DeSantis, ép ông phải cân nhắc kỹ việc ra tranh cử tổng thống năm 2024. Ông mà ra tranh cử thì có thể hy vọng có hậu thuẫn của hầu hết các phe nhóm trong đảng CH, ngoại trừ cánh MAGA, mà điều phiền toái cho ông là cánh MAGA này chính là cánh mạnh nhất, có tiếng nói lớn nhất trong đảng CH. Không có MAGA, CH vô vọng thắng trong thế ngang ngửa giữa hai đảng CH và DC hiện nay. Một bài toán thật đau đầu cho ông DeSantis.
Ở đây, chắc chắn ông De Santis cũng không ngây thơ đến độ không nhận ra ngay phe cấp tiến, là phe của hầu hết các đại học, (chẳng hạn The Hill là trang mạng thiên tả!) đưa ra những thăm dò chẳng ai biết thật hay phịa. Ai biết được họ đang cố thổi phồng ngôi sao DeSantis có phải để dùng ông này làm vũ khí đánh Trump không? Hay một lần nữa giống như năm 2016, họ cố hậu thuẫn ông Trump để hy vọng ông này sẽ đại thắng bên CH, để rồi sẽ làm mồi ngon nhất, dễ nhất cho Biden? Biết đâu ông DeSantis sẽ kiên nhẫn và tính đường xa, có thể sẽ tránh, không muốn đụng độ với ông Trump để khỏi mất khối cử tri MAGA, sẽ không ra tranh cử cho năm 2024, mà sẽ chờ tới năm 2028, khi ông mới có 50 tuổi. Còn trẻ chán.
Trong khoảng thời gian 2025-2028, nếu ông Trump thành công, đắc cử, ông DeSantis có thể lấy đó làm bàn đạp tiến tới như người thừa kế ông Trump; nếu ông Trump thua và Biden tiếp tục ngồi trong Tòa Bạch Ốc thì tới năm 2028, các cử tri CH cũng như MAGA cũng không còn lựa chọn nào khác hơn ông DeSantis. Có thể khi đó ông DeSantis sẽ phải chạy đua cùng bà Kamala, nhưng không ai nghĩ bà này có một chút hy vọng nào. Cái cười của bà này sẽ chẳng lôi cuốn được một cử tri nào, trái lại sẽ đẩy họ ra thật xa hết.
Ông DeSantis có ít ra là một năm nữa để tính toán và cân nhắc.
Ngoài ông DeSantis ra, cho tới nay, chưa ai thấy một nhân vật CH nào khác có thể ra chạy đua với ông Trump được, mặc dù nhiều tên tuổi đã được báo chí đề cập tới. Tên các ông/bà Mike Pence, Pompeo, Halley,... đã được nhắc đến khá nhiều, dù chưa ai tỏ ý định gì.
C. ĐÁNH NHAU VỚI BIDEN
Bỏ qua việc ông DeSantis ra hay không ra, để tiện việc thảo luận, cứ giả dụ ông Trump sẽ thắng trong nội bộ CH, ra tranh cử tổng thống chống đại diện của đảng DC, tạm cho là đương kim TT Biden đi.
Trong cuộc chiến chống Biden, có hai yếu tố quan trọng mang lại lợi thế cho ông Trump, hay bất cứ ứng cử viên CH nào khác là đối thủ của cụ:
1. Cuộc bầu quốc hội vừa qua đã không đưa đến cơn hồng thủy thật, nhưng cho dù Biden dùng những mánh gian trá nhất, xuyên tạc chuyện phá thai và phịa chuyện xóa nợ sinh viên, CH cũng vẫn chiếm được hạ viện, nghĩa là dân Mỹ trao hạ viện cho đảng đối lập CH vì họ không đồng ý với chính sách cấp tiến quá thiên tả của Biden và muốn cho CH cầm giây cương kéo con ngựa DC khùng này lại.
2. Riêng đối với Biden, ông Trump có vẻ có ưu thế khi đại đa số dân Mỹ, kể cả cử tri của đảng DC, không muốn Biden ra tranh cử trở lại. Bỏ qua những thăm dò cũ trước đây, dưới đây là những thăm dò mới nhất, được thực hiện sau khi ông Trump đã tuyên bố ra tranh cử. Nghĩa là cho dù ông Trump ra lại, đa số dân Mỹ, kể cả cử tri DC, vẫn không muốn Biden ra lại.
[Ghi chú: thăm dò mới nhất của Fox News, cho thấy số cử tri 'không muốn Biden' đã vọt lên tới 64%]
Ngoài Biden ra, đảng DC chẳng còn ngôi sao nổi bật nào khác tuy các ngôi sao lấp lánh thì đầy dẫy, ít ra cũng cả nửa tá, trong đó có lẽ nổi bật nhất là thống đốc Cali, ông Gavin Newsom, tuy ông này vừa mới khẳng định không có ý định ra tranh cử tổng thống cho dù Biden không ra. Cũng nổi bật trong hàng ngũ cấp tiến là 'chị' Buttigieg, nhưng kẻ này nghĩ dân Mỹ chưa sẵn sàng bầu cho 'chị' này làm tổng thống đâu. Trên nguyên tắc, nếu Biden không ra, thì bà Kamala đương nhiên phải là người thừa kế, nhưng thực tế là trong và ngoài đảng DC, chẳng có bao nhiêu người phục bà Kamala. Bà này mà ra, bảo đảm bên DC sẽ có ngay ít nhất một tá ứng cử viên khác muốn ra để hạ bệ bà vì tin tưởng bà sẽ đại bại dưới tay bất cứ ứng cử viên CH nào. Cụ Biden quả đã biểu diễn tài 'nhìn người' ngay từ đầu khi chọn bà phó không giống ai này.
Một lần nữa, trong mục đích thảo luận, cứ cho là ông Trump sẽ hạ cụ Biden hay bất cứ ứng cử viên DC nào khác.
D. GIẢ DỤ ĐẮC THẮNG
Ông Trump trở về Tòa Bạch Ốc không có nghĩa là ông sẽ có dịp thảnh thơi tiếp tục con đường ông đi, dễ dàng tiếp tục 'tát cạn đầm lầy', tiếp tục xây dựng lại đảng CH cho mạnh theo đúng quan điểm của ông trong nhiều năm tới, để cứu nước Mỹ.
Thứ nhất, ông không có nhiều thời giờ, chỉ đúng một nhiệm kỳ bốn năm thôi, không được ra lại lần nữa, trong khi những việc cần làm là chuyện 'trường kỳ kháng chiến', không thể nói một nhiệm kỳ là xong được. Gia tài Biden để lại cho Trump là một đống rác cao hơn... núi Thái Sơn: kinh tế bết bát, trộm cướp hoành hành, thức tỉnh tràn lan, di dân lậu cả triệu, nước Mỹ phân hóa hơn bao giờ hết. Cái của đó gọi là 'của nợ' mới là chính xác. Ông Trump có khả năng giải quyết hết không? Có đủ hậu thuẫn để làm được gì không? Có đủ thời giờ không?
Nói đi cũng phải nói lại. Chỉ có một nhiệm kỳ có thể quá ngắn, nhưng bù lại, một TT Trump khi đó, sẽ không có thắc mắc gì về việc phải ra tranh cử nữa, nghĩa là không cần e lệ, giữ kẽ gì nữa, mà có quyền thẳng tay tiến tới, muốn làm gì thì làm, chẳng còn sợ hậu quả, chẳng còn sợ ra tranh cử nữa sẽ thua.
Thứ nhì, đừng quên là trong thể chế chính trị Mỹ, tiếng nói của quốc hội không nhỏ. Đảng đối lập DC tất nhiên sẽ không ngồi yên xem ông Trump một mình múa võ, trái lại sẽ rất đoàn kết trong sách lược chống Trump. Hơn nữa, cho dù CH sẽ chiếm được cả hạ viện lẫn thượng viện, cũng không có nghĩa tất cả các quan chức CH sẽ răm rắp làm theo lệnh của TT Trump. Ai cũng biết đảng CH chia rẽ sâu đậm như DĐTC này đã bàn qua. Nào là cánh Trump, cánh McConnell, cánh McCarthy, cánh RINO, cánh #NeverTrump, cánh Nhà Nước Ngầm, và ai biết được bao nhiêu cánh nữa, chẳng hạn như cánh DeSantis, cánh Abbott, ...
Khó khăn trước mắt của một TT Trump khi đó sẽ cao hơn núi... Thái Sơn luôn. Hai cái núi Thái Sơn, thật khó vượt qua.
Dù vậy, vẫn phải nói, trước những khó khăn quá lớn này, thì người có nhiều hy vọng và khả năng vượt qua nhất, chính lại là ông thần Trump này chứ không phải ai khác.
Ta khoan bàn tới chuyện ông sẽ có khả năng đi xa tới đâu, thành công tới mức nào,... là những chuyện không ai đoán được bây giờ. Nhưng đại để thì ta có thể đoán được những gì quan trọng nhất ông ta muốn làm và sẽ làm. Ta sẽ điểm qua những chuyện đó dưới, không nhất thiết theo thứ tự quan trọng hay thời gian tính.
Ở đây cũng phải nói ngay, trong mục đích bàn luận, ta tạm giả dụ phe CH khi đó sẽ chiếm được cả hành pháp lẫn lập pháp, là chuyện thường xẩy ra khi có tổng thống mới. Chẳng những vậy mà các phe cánh CH cũng tạm gác nội chiến để tiếp tay tân TT Trump.
Trong hoàn cảnh quá thuận tiện giả tưởng đó, TT Trump sẽ làm gì?
Những gì ông Trump đã và sẽ làm so với những gì Biden đã và sẽ làm nếu ra lại và tái đắc cử, khác tuyệt đối như mặt trời mắt trăng, trong tất cả mọi chính sách và đường lối kinh bang tế thế. Ta sẽ điểm qua những vấn đề chính.
1) America First - America Last
Ông Trump lên nắm quyền trước đây, việc đầu tiên là đã có một chính sách đối ngoại đặt nền tảng trên việc nước Mỹ KHÔNG đứng sau lưng ai hết, dựa trên một sự phục hồi sức mạnh nội tại của Mỹ qua chính sách 'Make America Great Again', và nhất là sẽ không làm máy ATM của cả thế giới bất kể trên phương diện chính trị, mậu dịch, y tế, quốc phòng hay gì gì khác.
Ở đây, có chuyện ngoài lề đáng nói. Trước đây, trong một hội nghị quốc tế bên Âu Châu, ông Trump đứng từ sau lưng, đã lấn tới xô đẩy một vài chính khách quốc tế để chen lên đứng hàng đầu. Câu chuyện bị phe cấp tiến và truyền thông loa phường khai thác tối đa, sỉ vả Trump như con người có cái tôi quá lớn, bất lịch sự, vô học,... Truyền thông vẹt nhai lại theo dĩ nhiên. Nhưng tất cả chỉ là bôi bác, lờ đi việc đây là TT Trump cố tình chen lên hàng đầu vì không thể cho thế giới thấy hình ảnh một tổng thống Mỹ đứng khép nép hàng cuối sau vài ông lãnh tụ vài xứ tiểu quốc sống nhờ cái dù quốc phòng Mỹ. Ông Trump cố tình chen lên đứng hàng đầu chính là để gửi thông điệp cho cả thế giới thấy hình ảnh biểu tượng cho America First, không sau lưng ai hết như dưới thời Obama.
Cụ Biden lên thay thế, đã phục hồi lại chính sách ATM quốc tế, không chậm trễ. Chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, Biden đã mang Mỹ trở về với các tổ chức quốc tế như Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO, Tổ Chức Lao Động Thế Giới WTO, Tòa Án Quốc Tế, Thỏa Thuận Khí Hậu Paris,... hậu quả tức khắc là Mỹ sẽ tiếp tục đóng góp tổng cộng cả tỷ đô mỗi năm cho các tổ chức này. Và quý vị cùng tôi, chúng ta đã và sẽ được hân hạnh đóng góp qua tiền thuế lợi tức mỗi năm.
Tiếp tục chính sách 'lãnh đạo từ sau lưng', sau khi Nga tiến đánh Ukraine và các quốc gia Liên Âu hô hào đóng góp quân viện cũng như viện trợ nhân đạo cho xứ này, Biden đã mau mắn hậu thuẫn chính sách này ngay. Cả tỷ đô quân viện đã được gửi qua Ukraine, tuy chỉ có đâu 10% có giấy tờ sổ sách đầy đủ, còn lại bốc hơi đi đâu không ai biết, theo chính thông báo của bộ Quốc Phòng của Biden.
Với Trump, chính sách quân viện cho Ukraine chống xâm lăng của Putin sẽ tiếp tục, nhưng sẽ có quy củ, giới hạn và điều kiện rõ ràng, không còn là cái mỏ vàng không đáy, không kiểm soát nữa.
2) Vai trò của Nhà Nước
Ngay sau khi nắm quyền, TT Trump đã ban ra chính sách giảm thiểu vai trò Nhà Nước, đặc biệt chú tâm vào việc thu hồi cả ngàn luật lệ cực nhiêu khê, nhất là trong kinh doanh, chẳng những trói tay các doanh gia, đặc biệt là các tiểu thương, với mức lợi nhuận rất thấp, mà còn để nuôi dưỡng một lực lượng công chức lè phè mà năng xuất gần sát với con số không, chỉ tốn tiền của ngân sách Nhà Nước tuy giúp phiếu cho đảng DC. Trên nguyên tắc, phe cấp tiến quảng bá guồng máy thư lại nặng nề vô hiệu đó cần thiết vì mục đích bảo vệ an toàn cho nhân công, bảo vệ môi sinh, bảo vệ nghiệp đoàn,... Một lý do không nói ra, đó là cách Nhà Nước Vú Em kiểm soát dân, kiểm soát xã hội, kiểm soát kinh tế, theo mô thức xã nghĩa, không hơn không kém.
Chúng ta cần hiểu cho rõ: 'kiểm soát dân' qua một guồng máy hành chánh hay công an cực kỳ nặng nề và hữu hiệu chính là sách lược nền tảng của các chế độ xã nghĩa, chứ không phải chuyện trợ cấp hay công bằng xã hội gì đâu. Một chuyện nghe có vẻ nhỏ, nhưng mang ý nghĩa cực lớn: đó là việc một số trường học cấp tiến nhất tại Virginia đã có chính sách khuyến khích trẻ con báo cáo cho nhà trường biết khi thấy bố mẹ chúng có những hành động hay lời nói chống đối chính sách giáo dục thức tỉnh của nhà trường, hay chống lại việc nhà trường muốn lôi con cái ra khỏi vòng tay của bố mẹ. Nghe sặc mùi... Pol Pot! Hay phường trưởng VC khuyến khích trẻ con tố cáo cho công an biết bố mẹ đang lén ăn thịt gà.
Biden lên nắm quyền đã phục hồi lại một số lớn các luật lệ lắt nhắt, thủ tục rắc rối và phiền hà đó. Và lực lượng cũng như guồng máy hành chánh sẽ ngày một bành trướng, trong một ngân sách ngày một khổng lồ đưa công nợ lên mây.
Chỉ có ông Trump lên nắm quyền mới chấm dứt được việc cả nước lao xuống hố xã nghĩa, bị Nhà Nước kiểm soát, còng tay hết.
3) Hiến Pháp
Hiến Pháp là nền tảng chính trị và pháp lý cho thể chế chính trị Mỹ, đã được viết ra bởi các cha già lập quốc từ hơn 200 năm qua. Cho đến nay, tất cả các quan chức lớn, kể cả tổng thống và phó tổng thống đều phải tuyên thệ, thề bảo vệ Hiến Pháp đó.
Trên nguyên tắc là vậy, nhưng trên thực tế không dễ dàng và giản dị như vậy. Hiến Pháp là một tài liệu khá đơn giản, ngắn gọn, được dùng làm nền tảng cho một xứ cực kỳ phức tạp, nhất là trên các phương diện chính trị, quyền hạn của Nhà Nước, của liên bang, của cá nhân công dân Mỹ. Có nghĩa là cần các siêu luật gia chuyên nghiệp, tức là các thẩm phán để diễn giải cái tài liệu ngắn gọn đó, dựa trên việc thi hành Hiến Pháp qua các thảo luận, diễn giải và án lệ từ ngày lập quốc. Đó là trách nhiệm của các thẩm phán trong Tối Cao Pháp Viện.
Nhưng trong tình trạng phân hoá chính trị tận cùng hiện nay, ngay cả việc diễn giải Hiến Pháp cũng đã gây tranh cãi nẩy lửa ngay trong nội bộ TCPV, khi các thẩm phán bảo thủ diễn giải Hiến Pháp khác với các thẩm phán cấp tiến. Phe bảo thủ chủ trương Hiến Pháp có sao, cứ tuyệt đối tuân theo, có muốn sửa đổi gì, đã có thủ tục rõ ràng cứ theo đó mà làm, cái gì không thay đổi thì cứ vậy mà theo. Trong khi phe cấp tiến lại coi Hiến pháp như một tài liệu chết, được viết ra cách đây cả mấy trăm năm, không thể áp dụng được trong hiện tại, trong khi việc tu chính Hiến Pháp không phải là chuyện có thể làm cho cả vạn trường hợp khác nhau trong xã hội đa dạng hiện nay, do đó, các thẩm phán có quyền và có trách nhiệm phải du di, diễn giải theo chuyển hướng của lịch sử. Chẳng hạn Hiến Pháp không bàn về hôn nhân đồng tính, hay về phá thai, đã trở thành những hiện tượng tiêu biểu của xã hội thời nay, do đó, TCPV phải hiểu vậy và diễn giải theo chiều hướng văn minh nhân loại, coi như đó là những quyền hiến định phải được bảo đảm cho dù Hiến Pháp không bàn tới.
Trong cuộc chiến này, hiện nay, phe bảo thủ nắm thế đa số, khiến phe cấp tiến cho là bị thiệt thòi, muốn thay đổi bằng cách sửa quy chế TCPV, gia tăng thêm số thẩm phán, để giúp phe cấp tiến có thế đa số. Đây là một việc làm có tính phe đảng lộ liễu nhất nhưng phe cấp tiến bất chấp muốn thực hiện cho bằng được, mà quên mất thứ nhất, làm vậy sẽ biến TCPV thành một thứ công cụ chính trị đảng phái, và thứ nhì, mở cửa cho phe bảo thủ cũng dùng phương thức này, gia tăng thẩm phán bảo thủ khi họ nắm quyền. Để rồi tất cả đi đến đâu nếu không phải là giết TCPV, phá nát chế độ tam quyền phân lập, nền tảng của thể chế chính trị Mỹ?
Một TT Trump sẽ chặn mưu toan này, trong khi một TT Biden sẽ bị ép phải làm việc này nếu được nắm quyền.
Trong câu chuyện tôn trọng Hiến Pháp, phe ta đang khua chiêng trống hơn vỡ chợ, tố cáo Trump muốn thu hồi Hiến Pháp. Chỉ là chuyện bóp méo, xuyên tạc thô bỉ nhất, mà ta đã bàn qua trên trang Tin Tức. Thực tế là với một Biden nắm quyền, Hiến Pháp chỉ còn là tờ giấy lộn được viết ra trong thời tiền sử.
Vũ Linh
[Tuần tới, ta sẽ bàn tiếp về những gì một TT Trump có thể làm]
No comments:
Post a Comment