Đón Giáng Sinh này tôi nhớ Giáng Sinh xưa
Vào những năm trước 1975, khi những tấm thiệp Giáng Sinh xuất hiện trên những sạp hàng lề đường Lê Lợi và nhiều nhà có đạo treo những lồng đèn ngôi sao trước cửa là người Saigon lại cảm thấy nôn nao sắp được đón mừng một ngày hội lớn.
Không biết từ bao giờ người dân Việt, dù không là tín đồ của Thiên Chúa, cũng đã đón ngày Chúa ra đời 25 tháng 12 mỗi năm thật tưng bừng.
Với các bạn trẻ ngày nay ở hải ngoại, Giáng Sinh là dịp để “shopping” vì hầu hết các nơi bán hàng đều có những chương trình “sale” đặc biệt.
Dù không có nhu cầu gì nhưng cũng rủ nhau rảo bước đến các khu như Fashion Island, South Coast Plaza, Westminster Mall… để rồi máu mua sắm lúc nào cũng sẵn dâng lên đẩy cho những bàn tay chọn lựa rồi “cà” thẻ vô tội vạ để trở thành một “công dân Hoa Kỳ tốt” khi chịu khó trả bills đều đặn và đúng hẹn.
Với các bạn trẻ Việt Nam trước thời gian 1975 thì không có được diễm phúc như thế. Bởi cứ vào các dịp Giáng Sinh, Tết “tây”, Tết ta hàng hóa thứ gì cũng lên giá. Cho nên khi đi “shopping vào lúc bấy giờ thường là dạo chơi ngắm cảnh, ngắm người nhiều hơn, nhưng cũng là góp chung niềm vui đang rộn rã trong lòng với mọi người.
Niềm vui ấy thường khởi phát từ những cuộc vui hứa hẹn sắp tới, kéo dài từ 20 tháng 12 cho đến hết Tết tây là đầu năm Dương Lịch rồi lại bắt qua Tết ta chẳng mấy chốc.
Ðó là những Bal de Famille. Nào là Bal của trường Dược đã như một truyền thống của các sinh viên dược khoa hàng năm. Nào là Bal của Tổng Hội Sinh Viên Saigon sau những ngày “Trâu Ðánh” lu bù hết chống chính quyền lại đến chống nhau.
Nay nhân mùa Giáng Sinh đã tạm gác những khác biệt mà cùng nhau hòa đồng vào một niềm vui của Mùa Ðông Ấm Áp. Trong số những Bal de Famille ấy, đông nhất vẫn là Bal của trường nữ trung học Marie-Curie.
Bởi vì trường này thường có nhiều “con ông cháu cha” theo học nên sự tổ chức vừa sang trọng lịch sự lại vừa là cơ hội cho các chàng trai “tứ chiếng” (nghĩa là theo học các trường khác) đến làm quen biết đâu chẳng vớ được một tiểu thư khuê các mà thay đổi được cuộc đời sắp phải “anh đi quân dịch là thương nòi giống”.
Nhưng vui nhất là đêm Chúa Ra Ðời 24 tháng 12. Ngay từ 6 giờ chiều là khắp các ngả trong thành phố đều hực lên tiếng máy nổ của các loại xe gắn máy Honda, Suzuki, Vespa, Lambretta. Thanh niên nam nữ từng cặp, từng cặp ôm cứng lấy nhau trên yên những chiếc xe này để chạy quanh thành phố.
Chưa có phong trào đua xe gắn máy như sau này, nhưng họ cũng giăng hàng ngang năm bẩy chiếc xe mà cười đùa vui nhộn chạy ngang nhiên không có mục đích gì ngoài việc thể hiện niềm vui đang rộn rã trong lòng. Phố phường lúc này là của họ, cảnh sát giao thông cũng phải chịu thua, có lẽ vì niềm vui chung không ai muốn phá vỡ.
Cả thành phố 4 triệu dân trong đó có hơn 1 triệu có xe gắn máy, thì đều đổ ra đường có đến 90%. Không hòa vào dòng sống với tuổi trẻ thì các gia đình cũng đèo vợ con lên chiếc xe gắn máy mà dạo quanh phố phường, chứ nếu ở nhà thì cũng không chịu được với cái cảnh xôn xao đang diễn ra khắp hang cùng ngõ hẻm.
Có nhiều gia đình đưa cả vợ con lên chiếc xe gắn máy. Phía trước là 2 em nhỏ đứng trong vòng tay lái của bố. Ôm eo phía sau là người vợ bế một đứa con thơ và sau chót là một (hoặc hai) cô hay cậu bé trạc mươi tuổi ngồi lên cái “pọt ba ga” có chêm cả cái gối cho êm đít sắp nhỏ… Lớn bé chẳng có ai cần phải “seat belt” cả.
Cho đến 8 giờ tối thì mọi ngả đường đều hướng cả về ba nơi, đông nhất là Vương Cung Thánh Ðường, kế là nhà thờ Tân Ðịnh và kế nữa là nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Ở quanh Vương Cung Thánh Ðường có thể nói có đến hàng trăm ngàn người tụ về.
Phần lớn là người không có đạo. Họ đến để dự Thánh Lễ nửa đêm cùng chia vui với tín đồ Ki Tô Giáo. Nhưng có lẽ cũng chính là chia vui với nhau. Họ ngồi trên những chiếc xe gắn máy được dựng tại bất cứ chỗ nào có thể dựng xe được. Họ ngồi ngắm nhìn mọi người và để mọi người ngắm mình.
Trong khi đó thì Vương Cung Thánh Ðường vào ngày lễ này được trang hoàng rực rỡ với đèn sao óng ánh tỏa sáng từ đỉnh nhà thờ xuống bốn chung quanh khiến cảnh sắc càng thêm tưng bừng.
Ðến đúng 12 giờ đêm thì tiếng một vị linh mục chủ lễ vang lên từ trong nhà thờ qua loa phóng thanh bắt trên các mái nhà thờ. Tiếng nói ấy như vọng từ thinh không trong phút Chúa Ra Ðời khiến cho nhiều người cùng có được cảm giác đang được nghe các thiên thần đến báo tin vui “Vinh Danh Chúa Cả trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Rồi thì từng hồi chuộng đổ hồi.
Tiếng chuông thật vui tai báo tin Chúa đã ra đời cứu cho nhân loại thoát khỏi lầm than. Từ đâu đó tiếng hát từ một chiếc radio transitor mà ai đó mang theo cũng phát ra tiếng hát “Xin Chúa đoái thương Việt Nam này đã bao nhiêu năm chinh chiến điêu linh…” như một lời cầu xin của dân tộc Việt Nam trong đêm Ðông lạnh lẽo có Chúa sinh ra đời.
Cho đến nay, nhạc Giáng Sinh vào thời gian này được nhạc sĩ đua nhau sáng tác rất phong phú.
Ðiều lạ là đa số các nhạc sĩ viết nhạc Giáng Sinh lại không là người có đạo, nên Phạm Duy mới phổ khúc “Lạy Chúa, con là người ngoại đạo, nhưng tin có Chúa ở trên cao…” Ðến nay thì nhiều năm đã qua, nhạc về Giáng Sinh ít còn được nhạc sĩ Việt Nam sáng tác nữa.
Mỗi năm cứ đến mùa Giáng Sinh, cả trong và ngoài nước đều hát ca lại những bài nhạc Giáng Sinh thời trước 1975. Ðó là khoảng thời gian từ 1960 cho đến 1974.
Một điều hết sức đáng lưu ý là bài nhạc về Giáng Sinh nào lúc ấy được sáng tác ra cũng đều rất hay và được thính giả yêu thích và đến mùa vui này các đài phát thanh quốc gia, quân đội, các đài truyền hình của chính phủ đều phát những ca khúc Giáng Sinh ấy trong các chương trình nhạc của đài.
Tất cả những khổ đau, từ cảnh chia xa của đôi lứa cho đến cảnh chia lìa của chiến loạn, từ tâm tình của người cô phụ cho đến tình yêu tan vỡ đều được phổ vào những dòng nhạc mà khi hát lên đều có âm hưởng của nhà thờ.
Những bài nhạc Giáng Sinh ấy đến nay vẫn còn tồn tại sau nửa thế kỷ dài. Các trung tâm băng nhạc cho thực hiện lại với những giọng ca mới, với những phụ soạn hòa âm mới, vui tươi hơn, dồn dập hơn với nhịp điệu thời đại Hip-Hop. Nhưng hình như không ăn khách cho lắm nên nhiều trung tâm đã sưu tầm lại những băng nhạc Giáng Sinh trước 1975 với những tiếng hát lệ Thu, Khánh Ly, Sĩ Phú, Elvis Phương… trong những nhịp điệu day dứt, buồn thê thiết của Slow Rock, của Boston hay của Bolero…
Nguyên Huy
No comments:
Post a Comment