TRUMP RA TRANH CỬ LẠI (2): VIỄN TƯỢNG THÀNH CÔNG
Thời gian qua, chính trường Mỹ đã trải qua hai cơn biến động long trời. Thứ nhất là việc đảng CH đã chiếm lại được hạ viện, là chuyện diễn đàn này đã bàn nhiều rồi. Thứ nhì là tin ông Trump ra tranh cử lại, là chuyện ta đã bàn qua tuần rồi, nhưng bây giờ xin bàn tiếp.
Câu hỏi cần nêu ra là khi ra tranh cử lại, ông Trump có lợi thế nào và gặp những trở ngại nào? Có hy vọng thành công không?
Ta xem lại câu chuyện.
Cuộc bầu tổng thống tới còn quá xa, đâu hai năm nữa, mà trong chính trị Mỹ, hai năm ví như hai thế kỷ. Không ai biết từ đây đến đó có bao nhiêu triệu chuyện có thể xẩy ra thay đổi hoàn toàn bàn cờ, thế cờ và cả người chơi cờ. Nghĩa là chẳng ai biết năm 2024, ai là hai người sẽ đại diện cho hai chính đảng CH và DC ra tranh cử tổng thống. Bây giờ thì ai cũng nghĩ sẽ là hiệp 2 của Biden chống Trump, nhưng ai biết được?
Vì còn quá xa, mọi nhận định về cuộc bầu chung kết này chỉ là chuyện bàn cho vui thôi. Bây giờ, ta chỉ cần nhìn vào việc ông Trump đã chính thức tuyên bố ra tranh cử. Vì ông Trump là người đầu tiên chính thức công bố ý định ra tranh cử nên ta sẽ chỉ bàn về ông ta. Khi nào có ứng cử viên nào khác, ta sẽ bàn về họ sau nếu cần thiết.
Ở đây, ta sẽ bàn về những lợi điểm của ông và những cái rào cản lớn nhất trước mặt ông.
A. LỢI THẾ CỦA ÔNG TRUMP
1) Hậu thuẫn nhờ thành quả cụ thể
Phải nói ngay chuyện ai cũng biết: ông Trump đã có một hậu thuẫn chẳng những cực mạnh mà còn rất trung kiên, sẵn sàng sống chết với ông. Là chuyện không phải chính trị gia nào cũng có được. Ngay cả các 'thần tượng' như Reagan của CH hay Kennedy của DC nằm mơ cũng không thấy được loại hậu thuẫn đó.
Cái hậu thuẫn đó đến từ 3 nguồn.
Thứ nhất, đó là việc đã đưa ông đến thành công, hạ bà Hillary để vào Tòa Bạch Ốc. Ông Trump khi đó đã biết khai thác đúng cái bất mãn của quần chúng, của đại đa số dân Mỹ, bực mình với chính sách nói chung 'lãnh đạo từ phiá sau' của Obama, đưa đến những thảm họa kiểu như dân Mỹ phải đóng thuế quá cao để cõng nợ cho cả thế giới, làm cảnh sát giữ an ninh cho cả thế giới, lao động Mỹ mất job vì cả thế giới khai thác, lấn át Mỹ qua những chính sách mậu dịch thuế quan không cân bằng,... Khi được hỏi về giải pháp tạo công ăn việc làm cho thợ thuyền Mỹ mất job trước những cạnh tranh của Tầu cộng trong các ngành kỹ nghệ tiên tiến, thì TT Obama khuyến cáo dân lao động Mỹ nên đi học nghề khác. Đó không phải là câu trả lời dân Mỹ muốn nghe. Họ muốn nghe Trump nói sẽ chặn hàng nước ngoài để giúp xây dựng lại kỹ nghệ Mỹ, giúp dân lao động có việc làm lại. Họ cũng thích nghe Trump hãnh diện đứng ra đấm ngực "Nước Mỹ trên hết", không đứng sau lưng ai hết. Báo Mỹ khi đó nhìn nhận Trump đã nói chuyện được với những người Mỹ bị lãng quên -the forgotten voices.
Thứ nhì, sau khi đắc cử, TT Trump đã giữ những lời hứa khi tranh cử: phục hồi kinh tế mà không lạm phát, giảm thuế cho cả nước, tạo công ăn việc làm, chặn đứng 'văn hóa thức tỉnh' bắt đầu nhen nhúm thời Obama. Đối ngoại, sửa đổi hàng rào thuế quan để chặn bớt hàng nhái, hàng giả rẻ tiền của Tầu cộng đang giết tiểu công nghệ Mỹ, nói chuyện với BH để giảm thiểu đe dọa chiến tranh nguyên tử, và nhất là ép được các đồng minh NATO, Nhật và cả Nam Hàn phải nhận thêm trách nhiệm tài chánh trong việc phòng thủ của chính họ thay vì ỷ y quá đáng vào cái dù Mỹ.
Thứ ba, có lẽ quan trọng hơn cả, là việc ông Trump là người dám nói, dám làm, không giống các chính khách bình thường, toàn là kiểu 'dĩ hòa vi quý', lo vuốt và hứa trăng hứa cuội, để rồi chẳng làm nên trò trống gì ngoài việc hưởng thụ cá nhân. Dân Mỹ nói chung, thẳng tính, không thích những rào đón, màu mè giả dối và hứa cuội tiêu biểu của tất cả các chính khách khác.
2) MAGA chưa chết
Ngay sau bầu cử, chỉ vì CH thắng không lớn như dự đoán, truyền thông loa phường la hoảng MAGA đã chết. Một con vẹt tị nạn hô theo: "Kết quả bầu cử nói lên sự phẫn nộ của dân Mỹ đối với MAGA!" Tiêu biểu cho đám vẹt: chỉ biết dịch, nói vuốt rồi thêm chút mắm muối, nổ cho lớn thôi. Sự thật khác xa:
- Theo Washington Post, trong số 222 dân biểu CH đắc cử, đã có tới 159 người (72%) thuộc loại MAGA được Trump ủng hộ. Theo NBC, con số MAGA thành công còn lớn hơn nhiều: 195 người (88%), trong khi chỉ có 30 người thất bại; các cơ quan ngôn luận đều có cách xếp loại của riêng họ, chẳng biết con số nào đúng, chỉ biết số người MAGA mà Trump ủng hộ thành công ít nhất cũng là đâu 3/4 dân biểu CH, theo tin của đám truyền thông loa phường đấy.
- Hai dân biểu MAGA nổi đình nổi đám nhất là Lauren Boebert và Marjorie Taylor Greene đều tái đắc cử;
- Trong số 10 dân biểu CH biểu quyết đàn hặc Trump, trong hạ viện năm tới chỉ còn 2, trong khi 8 tiêu tùng, trong đó có hai dân biểu CH cuồng chống Trump mạnh nhất là bà Liz Cheney và ông Adam Kinzinger, cả hai đều là thành viên của Ủy Ban J-6, cuối tháng chạp này sẽ về nhà đuổi gà.
Thế mà có thể nói là cử tri Mỹ "phẫn nộ đối với MAGA" được sao? Con vẹt nói câu này có biết mình đang nói gì không? Quý độc giả có để ý thấy các con vẹt thường có cái mỏ to tướng, lớn ít nhất bằng 3-4 lần cái phần chứa óc không?
3) Thất bại quá khứ của Biden
Chủ đề đầu tiên của cuộc vận động tranh cử của ông Trump tất nhiên sẽ là đấm ngực khoe những thành quả có thật của mình như vừa nêu trên, nhưng chủ đề quan trọng không kém sẽ là những thất bại, hay nói nặng hơn, những tai hại của các chính sách của Biden trong mấy năm qua, bất kể Biden có ra tranh cử hay không.
Ở đây, ta không có nhu cầu vào chi tiết để 'hạch tội' Biden vì đã nói quá nhiều rồi, chỉ xin tóm lược rất ngắn gọn qua một thăm dò của trang mạng thiên tả Politico để xem dân Mỹ nghĩ gì về thành quả của Biden: không có một vấn đề nào tỷ lệ ủng hộ cao hơn chống đối.
Bây giờ còn hai năm nữa mới hết nhiệm kỳ của Biden, nhưng không ai cần chờ thêm hai năm nữa mới thấy những cái thất bại và cái hại vô ngần của chính quyền Biden.
4) Thất bại trong hai năm tới của Biden
Với việc CH chiếm đa số trong hạ viện, chính trường Mỹ trong hai năm tới coi như bị tê liệt hoàn toàn. Cụ Biden sẽ chẳng làm nên trò xiếc thiên tả nào. Ông Trump trong mùa tranh cử, sẽ có dịp chỉ trích cái tình trạng bại liệt, vô tài này của chính quyền Biden.
B. TRỞ NGẠI CỦA ÔNG TRUMP
1) Cá tính
Công bằng mà nói, ông Trump không phải là thiên sứ hoàn hảo, có đủ đức tính...'công dung ngôn hạnh' của một cô dâu lên xe hoa về nhà chồng! Ông chỉ là người phàm, không có phép lạ nào, mà trái lại, có không ít thói hư tật xấu, đã phạm không ít sai lầm, và chắc chắn sẽ còn phạm nhiều sai lầm nữa.
Ngay từ năm 2016 khi ông Trump mới ra tranh cử tổng thống lần đầu, Vũ Linh này đã viết trong một bài đăng trên Việt Báo:
"Điều hành một công ty kinh doanh do một mình mình sở hữu, phục vụ cho quyền lợi của mình, khác xa quản trị cả nước của tất cả thiên hạ, với hàng hà sa số quyền lợi khác biệt. Ông Trump sẽ không có khả năng cân nhắc, đáp ứng hay dung hòa những quyền lợi trái ngược này của các khối quần chúng. Ông Trump không hiểu gì về dân chủ, chưa hề được bầu vào một chức vụ nào, mà chỉ làm tổng giám đốc những công ty do ông sở hữu, với quyền sinh sát tuyệt đối, không quen với hình thức lãnh đạo dân chủ tập thể, chung quanh toàn là đám con cái và người làm mà ông toàn quyền sa thải bất cứ lúc nào vì bất cứ lý do nào; sẽ không thể nào làm việc với đối lập và quốc hội; và sẽ chỉ là một nhà độc tài tuyệt đối. Việc ông bất chấp dư luận là dấu hiệu rõ ràng cho tính tự tin độc tài của ông".
Đó là những nhận định từ năm 2016, trước khi ông Trump đắc cử. Bây giờ vẫn còn giá trị.
Ở đây, phải nói ngay cái độc tài của ông Trump không phải là độc tài bắt nhốt hay bịt miệng đối lập mà là độc tài ở chỗ không nghe lời người khác mà luôn có tư tưởng chỉ có ta là đúng. Thật ra, đó chỉ phản ảnh cung cách suy tư và làm việc của một CEO trong kinh doanh. Tất cả những người đã tham khảo qua về quản trị kinh doanh đều biết các CEO kinh doanh là những người độc tài nhất, vì tự tin nhất và muốn đạt được thành công lớn nhất theo đúng ý mình muốn. Cứ nhìn ông Elon Musk đang làm gì thì hiểu rõ. Steven Jobs của Apple là CEO thành công nhất nhưng cũng độc tài hơn ai hết. Chính ông Trump cũng đã thành công mang gia tài một hai trăm triệu biến thành cả tỷ đô. Sai lầm của Trump là đã lẫn lộn chính trị với kinh doanh.
Kết quả là tốt hay xấu? Phải thưa ngay: tốt, rất tốt cho nước Mỹ, nhưng xấu, rất xấu cho cá nhân ông Trump.
Rất tốt cho nước Mỹ qua những thành tích vừa nêu ở phần trên (A-1). Nhưng rất xấu cho cá nhân ông Trump vì qua cung cách làm việc, ông đã tạo ra không biết bao nhiêu kẻ thù và người chống đối, ngay từ trong hàng ngũ những người ban đầu có thiện cảm với ông, hợp tác với ông, để rồi sau đó bực mình, chống lại vì tính độc tài của ông.
2) Nội bộ CH
Cá tính quá tự tin và khuynh hướng bất chấp thiên hạ của ông cũng đã khiến một số không nhỏ đồng minh cũ, cựu phụ tá, phải bực mình, không muốn hợp tác hay thậm chí cũng không ủng hộ ông nữa. Đã vậy, ông Trump còn cái bệnh 'to mồm', nghĩa là ăn to nói lớn, nhiều khi quá đà, chẳng nể nang ai, chỉ dễ tạo kẻ thù và đẩy xa đồng minh.
Việc này, ta đã bàn tuần rồi. Cũng như tình trạng phân hóa lớn trong nội bộ đảng CH.
Đây không phải là những trở ngại nhỏ. Trái lại, rất lớn, sẽ khiến ông Trump gặp nhiều khó khăn trong hai năm tới trong mùa vận động bầu cử.
Ngay cả sau khi ông đã thắng trong vòng nội bộ, cũng chẳng có gì bảo đảm tất cả các cánh CH sẽ đoàn kết lại để giúp ông Trump chiến thắng ứng cử viên của đảng DC. Sau khi chiến thắng trong nội bộ -giả dụ như vậy-, thì ông Trump dĩ nhiên sẽ được hậu thuẫn tuyệt đối của khối MAGA, có thể sẽ được hậu thuẫn của khối CH truyền thống cũng như của khối các phụ tá và đồng minh cũ, nhưng các nhóm RINO, #NeverTrump sẽ chống ông đến cùng, bất chấp việc đó có thể giúp phe DC thắng.
3) Truyền thông loa phường
Truyền thông Mỹ nói chung thuộc cánh cấp tiến nặng, ngủ chung giường với đảng DC từ lâu nay, nên tất nhiên sẽ cùng 'chiến tuyến' với đảng này, từ trước tới giờ và trong tương lai, lo đánh Trump tới chết.
Trong thời gian vận động tranh cử tới, ông Trump sẽ bị đám truyền thông loa phường của đảng DC đánh một cách tàn bạo nhất, bôi bác, sỉ vả, thậm chí tung fake news đủ loại không ngừng để chặn Trump.
Cái hại cho Trump nói riêng và cho toàn thể khối bảo thủ nói chung là dù muốn hay không thì quần chúng Mỹ cũng khó thoát ra khỏi cái loa phường tuyên truyền, xuyên tạc một chiều của truyền thông Mỹ khi cái loa này kiểm soát trọn vẹn ngành thông tin Mỹ, từ New York, Washington DC, tới những tỉnh nhỏ vẫn lệ thuộc vào các đài truyền hình ABC, CBS, NBC. Chẳng khác gì dân Hà Nội suốt ngày không thoát khỏi mấy cái loa đầu phố.
4) Rắc rối với luật pháp
Ông Trump không phải là một chính trị gia bình thường chỉ muốn ra tranh cử để có tiếng là được làm tổng thống, để rồi sau khi đắc cử, tà tà ngồi chèo con thuyền đi trong sóng yên biển lặng cho hết nhiệm kỳ. Trái lại, ông Trump muốn làm tổng thống để thực hiện một cuộc 'cách mạng', phá hủy cái nước Mỹ hiện tại mà ông cho là thối nát, đầy sâu bọ trong cái đầm lầy hôi hám. Phe cấp tiến đã khai thác chuyện này và xuyên tạc thành việc ông Trump muốn phá nát thể chế dân chủ Mỹ.
Đã vậy, ông Trump lại quá tự tin và quá nóng nẩy muốn làm cho ra chuyện nên chẳng những đã cư xử thiếu tế nhị tạo nên đủ loại kẻ thù, mà đi xa hơn nữa, ông cũng đã rất coi thường luật pháp luôn. Cái luật pháp đó, trong con mắt của Trump, là sản phẩm của đám sâu bọ đầm lầy, đã đẻ ra cái môi trường thuận lợi để nuôi sống sâu bọ mà ông muốn tát ra khỏi đầm lầy. Cái luật pháp đó đã là rào cản khiến ông khó thực hiện được cuộc 'cách mạng' tát đầm lầy, cải tổ xã hội Mỹ. Việc thách đố luật pháp này đã và đang bị phe đối lập khai thác triệt để, tìm cách diệt trừ Trump như ta đã và đang thấy.
Thật ra, ông Trump chưa phạm tội gì, chưa hề bị truy tố tội gì, nhưng không ai chối cãi được việc ông đã đi sát biên tế của luật pháp cho phép, kiểu như thử nghiệm xem luật pháp cho phép ông đi xa tới đâu.
Thử thách này có thể nói là mẫu số chung của tất cả những người muốn làm 'cách mạng' vì hiển nhiên, chẳng thể nào làm 'cách mạng' thay đổi được gì trong khuôn khổ hoàn toàn hợp pháp, chân chỉ hạt bột tuân thủ đúng luật hiện hành. Dân Pháp nổi loạn trong cuộc cách mạng 1789, dân Mỹ nổi loạn dành độc lập, dân Tầu lật đổ nhà Thanh trong cuộc Cách Mạng Tân Hợi đưa Tôn Trung Sơn lên, tất cả, họ có tôn trọng luật pháp hiện hành thời đó không? Cuộc cách mạng của Trump cũng không khác, chỉ khác là trường hợp cuộc cách mạng của Trump không đổ máu, mà chỉ tốn nước bọt và giấy mực trên truyền thông.
Làm 'cách mạng', nói như Mỹ, tất nhiên là phải đập vỡ vỏ trứng trước, sẽ có phản ứng mạnh, ủng hộ mạnh nhưng chống đối có thể còn mạnh hơn nữa.
Công bằng mà nói, tất cả các tổng thống đều muốn lấn tới, thử thách luật pháp, tiêu biểu lớn nhất là các TT Nixon và Clinton. Biden cũng không khác, đã ký sắc lệnh bừa bãi, bị các tòa và cả Tối Cao Pháp Viện thu hồi không ít, từ những sắc lệnh di dân, mở cửa biên giới tới sắc lệnh mới nhất, xóa nợ sinh viên. Ông Trump cũng vậy thôi. Vấn đề của ông là hiện nay, ông đối thủ Biden đang nắm quyền và nắm bộ Tư Pháp để có dịp rượt ông. Nhưng vì ông Trump vẫn tôn trọng luật pháp quốc gia trong việc ban bố và thi hành các chính sách của ông nên Biden và phe DC chỉ loay hoay, tìm cách rượt bắt Trump trong những chuyện lắt nhắt có tính cá nhân như điều tra về thuế, điều tra về việc vay tiền ngân hàng,.. chẳng liên quan gì đến chính trị hết. Bây giờ mới mò ra tội 'ăn cắp tài liệu mật', bổ nhiệm công tố đặc biệt phe đảng để vồ Trump.
C. NƯỚC MỸ CÓ CẦN ÔNG TRUMP KHÔNG?
Thực tế trong chính trị Mỹ là chẳng ai cần ai, nghĩa là chẳng ai cần ông Trump hết. Có hay không có ông Trump thì cuộc sống vẫn tiếp tục. Nói theo kiểu Mỹ là 'life goes on'. Nước Mỹ đã có trước khi ông Trump ra đời cả mấy trăm năm và sẽ tồn tại cả mấy triệu năm sau khi ông Trump qua đời.
Nhưng dù vậy, vẫn phải nói có ông Trump thì cuộc sống đã khác và sẽ khác. Khác vì ông Trump đã và hy vọng sẽ tiếp tục làm được những chuyện mà ít người khác có thể làm được. Bằng chứng cụ thể nhất là khi dân Mỹ chọn một người không phải ông Trump ra lãnh đạo, nghĩa là chọn cụ Biden, thì cuộc sống của chúng ta đã thay đổi mạnh. Những gì ta nhìn thấy trong hai năm qua đã là bằng chứng không thể nào hùng hồn hơn là không có ông Trump thì ta đã thấy toàn là đại họa: kinh tế sa sút, lạm phát phi mã, giá xăng trên trời, trộm cướp hoành hành, văn hóa sa đọa, 'thức tỉnh' khùng điên, giáo dục sa sút, chính trị phân hóa, di dân lậu tràn ngập, chiến tranh Ukraine, Bắc Hàn thử hỏa tiễn nguyên tử, Trung Cộng nắn gân Đài Loan,...
Nói trắng ra, càng nhìn vào những chuyện đã xẩy ra trong hai năm vừa qua dưới cụ Biden, càng thấy nước Mỹ cần Trump, cần làm cách mạng càng sâu càng rộng càng tốt thì mới có thể cứu nước Mỹ.
D. THÀNH CÔNG THÌ SAO? THẤT BẠI THÌ SAO?
Thành công ở đây mang ý nghĩa ông Trump đắc cử tới hai lần: lần đầu trong nội bộ đảng CH, và sau đó, trong cuộc bầu chung kết chống ứng cử viên của đảng DC và làm tổng thống lại. Ông Trump ra tranh cử tất nhiên là đã tính sẽ thắng cả hai. Ta sẽ bàn chuyện ông Trump thắng tuần tới. Nhưng tính đường thắng thì cũng phải tính đường thua.
Ông có thể ra rồi thất cử được không? Tất nhiên là có thể thất cử. Trong chính trị Mỹ, chẳng có thầy bói nào đoán được gì hết. Cứ nhìn vào bà cáo già Hillary hai lần bỏ túi Tòa Bạch Ốc, hai lần thua, mà lại thua hai tay mơ chính trị là Obama và Trump.
Ông Trump có khá nhiều yếu tố thật sự rất bất lợi cho ông.
- Ai cũng thấy ông có một khối cử tri hiển nhiên sống chết với ông, nhưng bù lại, khối chính khách và cử tri chống ông tới chết cũng không ít, bên DC và ngay cả trong đảng phe ta CH.
- Dân Mỹ có vẻ chán ngán cảnh gió tanh mưa máu liên tục trong chính trường, muốn thấy cảnh hai chính đảng bớt đấm đá, ôn hòa hợp tác để làm những gì cần thiết cho đất nước này. Ông Trump muốn làm 'cách mạng', không phải là người đủ ôn hòa để hợp tác với đối lập DC và DC cũng thù ghét Trump đến độ không thể hợp tác với Trump được. Dân Mỹ sợ cuộc 'nội chiến' sẽ kéo dài vô tận nếu Trump đắc cử nữa.
- Chính quyền Biden qua bộ Tư Pháp, đang tìm cách tận diệt Trump qua không biết bao nhiêu vụ truy tố Trump. Không phải ngẫu nhiên mà lần thứ nhì sau công tố Mueller, một công tố đặc biệt nữa lại được bổ nhiệm để đi mò tội Trump. Không ai biết những vụ truy tố này sẽ đi tới đâu, sẽ hại ông Trump tới mức nào. Không ai có thể loại bỏ trường hợp ông Trump có thể bị truy tố và ngay cả bắt nhốt trước khi có bầu cử. Trên nguyên tắc, ông vẫn có thể tranh cử trong khi ngồi bóc lịch, nhưng thực tế mà nói, ai muốn bầu cho một người đang ở tù làm tổng thống?
- Quan trọng nhất, DC đã chứng tỏ là bậc thầy về gian lận, đặc biệt là qua bầu bằng thư và kỹ thuật 'gặt phiếu'. Ông Trump đã không ngừng tố cáo đảng DC gian lận khiến ông thua. Bây giờ, những người chủ trì gian lận đó tại những tiểu bang then chốt vẫn còn đó, làm sao ông Trump cản không cho họ gian lận nữa để ông có thể thắng vào năm 2024? Nếu không cản được, tất nhiên sẽ thua vì gian lận nữa, vậy tại sao ông Trump lại ra? Đã có cách cản rồi sao? Không chặn được nạn gian lận qua phiếu bầu bằng thư thì dù là ông Trump hay ông DeSantis hay ông bà nào khác, CH cũng sẽ vẫn thua.
- Nội bộ đảng CH chia rẽ hơn bao giờ hết, tranh cãi 100 chuyện, đồng ý ... may ra 2-3 chuyện.
- Yếu tố mới, quan trọng không kém: ngay trong nội bộ đảng CH, ông Trump có thể thắng một ngôi sao mới của đảng CH như TĐ Ron DeSantis không? Hay ông Abbott? Hay ông Youngkin? Hay một ngôi sao mới nào khác không? Ở đây, ta nên bình tĩnh nhận định, không nhắm mắt sống chết vì Trump mà cũng không mau mắn 'quên' ông ta đi để... move on!
Những yếu tố trên xác nhận ông Trump sẽ phải trực diện nhiều khó khăn lớn, lớn hơn xa những lần tranh cử năm 2016-2020, bắt đầu từ ngay trong nội bộ đảng CH, chẳng có gì bảo đảm thắng dễ dàng.
Nếu ông Trump ra và thua nữa, thì hậu quả như thế nào là vấn đề các chuyên gia tranh cãi.
Người thì cho rằng tương lai chính trị của ông Trump sẽ bị triệt tiêu vĩnh viễn, ngay cả chủ thuyết trumpism cũng bị đe dọa vứt vào thùng rác lịch sử. Tai hại hơn nữa, phe DC sẽ thừa cơ tiến tới, qua bộ Tư Pháp và các công tố tiểu bang, tung ra cả chục cuộc điều tra khác, cốt truy tố và bắt nhốt ông ta cho bằng được, và khi đó thì ông Trump khó chống đỡ vì không còn đủ hậu thuẫn quần chúng.
Nhưng kẻ này thì cho rằng cho dù Trump thất bại, không đắc cử thì ông cũng vẫn còn hậu thuẫn đủ lớn để cản, không cho đảng DC đi quá xa xuống hố xã nghĩa, bằng cách cổ võ giúp đảng CH chiếm quốc hội hay ít nhất một viện quốc hội như ta vừa thấy. Ngay cả khi ông thất bại trong vòng bầu trong nội bộ đảng CH thì ông cũng vẫn có đủ hậu thuẫn để có tiếng nói của khối MAGA trong cương lĩnh đảng CH cũng như trong chính sách và đường lối của bất cứ ai đại diện cho đảng CH tranh cử tổng thống. Bất cứ ai trong đảng CH ra tranh cử tổng thống đều vẫn phải nhìn nhận thực lực của khối MAGA. Trong thế ngang ngửa giữa hai đảng hiện nay, CH không thể nào thắng DC nếu không có hậu thuẫn của khối MAGA.
E. KẾT
Cuộc bầu tổng thống tới còn quá xa, đâu hai năm nữa, chẳng ai biết năm 2024, ai là hai người sẽ đại diện cho hai chính đảng CH và DC ra tranh cử tổng thống. Cho tới nay, ta chỉ biết có ông Trump đã ra tranh cử, ngoài ra không biết gì hơn. Câu hỏi hiện nay là có nên bầu cho Trump không?
Muốn có câu trả lời chính xác thì ta phải trả lời câu hỏi 'Trong tư thế một người dân, ta mong chờ gì ở một tổng thống'? Và chỉ có hai câu trả lời.
Nếu ta muốn tổng thống là một người lãnh đạo tinh thần tốt, một tấm gương sáng của chân thiện mỹ, coi tổng thống như một thánh nhân hay 'ông thần Thiện' (!), một thứ 'phụ mẫu' của dân theo quan niệm của Khổng Tử Tầu, thì hiển nhiên, ông Trump không phải là mẫu người chúng ta muốn thấy trong Tòa Bạch Ốc.
Nếu ta coi tổng thống như chỉ là một công chức ta thuê, trả lương bằng tiền thuế chúng ta đóng, để bảo đảm chúng ta có một cuộc sống an toàn, ấm no, con cháu có tương lai tốt, vững chắc, thì không có ai bằng ông Trump.
Đó là thực tế giản dị và chính xác nhất. Chọn Trump hay không, đó là quyền của mỗi người. Không có ai đúng ai sai. Do đó chẳng nên thóa mạ nhau vì khác biệt quan điểm, nhất là bằng ngô ngữ đầu đường xó chợ chỉ phơi bày trình độ và tư cách của chính mình. Ai thích xanh cứ việc thích xanh, ai thích đỏ cứ việc thích đỏ. Quan trọng là đừng bóp méo sự thật, xuyên tạc và lừa bịp nhau chỉ vì háo thắng, muốn chiếm phần thắng bằng mọi giá, kể cả nói láo bịp thiên hạ.
Trong chính trị, không có gì vô lý và vô duyên bằng chuyện thích ghét cá nhân vì thật ra, cá nhân chẳng là gì hết, kể cả Trump hay Biden. Xin lỗi, nói như Mỹ nói 'who cares' ông này ông kia? Bầu tổng thống mà dựa trên những tiêu chuẩn cá nhân như màu da, giới tính, 'ngoại hình', miệng lưỡi, thì chỉ là làm chuyện ngớ ngẩn nhất, tự hại chính mình vì không hiểu gì về trách nhiệm của tổng thống. Bầu tổng thống không phải là tuyển chọn trẻ em đẹp, kiểu như từ trước tới giờ chưa có trẻ em da đen nào được chọn là đẹp nhất, bây giờ nên chọn một đứa bé da đen. Phải hiểu cho rõ, những tiêu chuẩn bầu tổng thống phải là những chuyện công ăn việc làm, ấm no, hạnh phúc, an toàn cho gia đình, hòa bình cho thế giới,...
Ông Trump đã làm được việc trong bốn năm nắm quyền trước đây, để xem ông hứa sẽ còn làm được việc gì nữa và có hy vọng làm được việc nữa hay không. Cách ông làm, công kích người này, sa thải người kia, là chuyện của ông, ta chỉ cần nhìn vào kết quả thôi. Những chuyện như 'vua nói dối, thằng hề, dâm dục, lưu manh,...' là tuyên truyền phe đảng trẻ con vớ vẩn, không đáng cho chúng ta mất thời giờ để ý tới. Quan trọng là nhìn vào túi tiền của ta, nhìn vào an toàn của gia đình, nhìn vào giáo dục của con cái, chẳng cuồng mê cuồng chống cá nhân ông bà nào hết.
Thế thôi.
Vũ Linh
No comments:
Post a Comment