Saturday, June 4, 2022

THẢM TRẠNG SÚNG ĐẠN

Một đám người vô tội chết. Hậu quả của một hành động khùng của một tên điên. Cả nước bị sốc. Các chính trị gia tranh đạp nhau để nhẩy lên sân khấu chính trị hò hét, cơ hội ngàn vàng, nhất là trong năm có bầu cử! CH và DC xỉa tay đổ thừa lẫn nhau. Tổng thống ra trước TV mếu máo lau nước mắt khi máy quay phim bắt đầu chạy, chia buồn, cầu nguyện, hứa nhăng hứa cuội. Báo chí có đề tài bàn loạn. TV quay đi quay lại vài cảnh, nói đi nói lại vài lời bàn câu giờ vô nghĩa, dưới tiêu đề ‘Breaking News’, nhưng news này break cả ngày trời. Tất cả ầm ĩ hô hào cấm bán súng, cấm sở hữu súng, hay ít nhất phải ra luật mới hay sửa luật cũ cho thật gắt. Vài tuần sau, sóng yên biển lặng, mặt trời vẫn mọc phía đông, chẳng còn gì mới lạ. Tin thời sự bắn giết biến vào lãng quên như chưa có chuyện gì xẩy ra. Cho đến khi thảm kịch tái diễn đâu đó. Để rồi toàn bộ tuồng hát tái diễn.

Đó chính là thực tế câu chuyện súng đạn ở Mỹ.

Những điều vừa viết trên, xin thưa ngay đã xẩy ra ở cái xứ Mỹ này không biết bao nhiêu lần từ cả nửa thế kỷ nay, từ thời ông Eisenhower cho tới nay, qua 13 đời tổng thống, thuộc cả hai đảng. Cụ Biden chỉ là một trong những nhà lãnh đạo bị nạn, mà lại là nhà lãnh đạo bất tài vô tướng nhất. Thế thì làm sao mong đợi một giải pháp được?

VẤN NẠN SỞ HỮU SÚNG: NGUYÊN NHÂN XA
Câu hỏi hiển nhiên: tại sao không thể chấm dứt được thảm trạng bắn giết loạn đả chết người oan như vậy được? Câu trả lời không khó gì khi ta nhìn vào lịch sử nước Mỹ để hiểu nước Mỹ hơn.

Có hai nguyên do chính: thứ nhất, lịch sử và văn hóa Mỹ chấp nhận người dân có quyền có súng, chẳng ai cản được; thứ nhì, trong một xứ tự do gần như tuyệt đối với hơn ba trăm triệu dân, việc có vài tên khùng chẳng thể nào tránh được.

Trước hết, nói về lịch sử và văn hóa. Nước Mỹ ra đời khi người dân nổi loạn vác súng đánh đuổi lính Anh đang cai trị thuộc địa, là đất Mỹ. Không có súng, tất nhiên không đánh đuổi được lính Anh, không có độc lập. Rồi sau đó, dân Mỹ đi khai phá đất nước, tây tiến từ biển đông qua biển tây, đánh nhau với thổ dân da đỏ, với thú rừng, sống bằng nghề săn thú, rồi lại còn phải tranh sống, bắn nhanh thì sống, bắn chậm thì chết, một mình một ngựa với cây súng. Trong cái môi trường đó, cây súng chính là mạng sống của họ.

Hiến Pháp, trong Tu Chánh Án 2, nghĩa là tu chánh án quan trọng thứ nhì của Hiến Pháp, nhìn nhận quyền của người dân sở hữu súng và mang súng kè kè bên hông. Quan trọng chỉ sau Tu Chánh Án 1 bảo đảm quyền tự do ngôn luận. Đây là hai tu chánh án quan trọng nhất của bộ luật Bill of Rights, Quyền của Công Dân gồm 10 tu chánh án, ra đời năm 1791. Chỉ vì quyền mang súng chẳng những cần thiết để bảo vệ mạng sống của họ, mà còn để có phương tiện chống lại Nhà Nước nếu Nhà Nước trở thành độc tài, kềm kẹp họ như lính Anh thời xa xưa, hay chống lại quân xâm lăng của một nước khác.

Đây là nguyên lý nền tảng, căn bản cần phải hiểu cho thấu đáo trước khi theo xu thế hô hào sảng, đòi tịch thu súng. Chính vì cái nguyên lý căn bản đó mà từ cả trăm năm nay, tất cả mọi nỗ lực của bất cứ đám thiểu số nào muốn cản việc mua và sở hữu súng đều thất bại. Người Mỹ không có súng không phải là người Mỹ! Tất cả mọi lý luận khác đều là bá láp.

Nhiều người ra vẻ thông thái, nhận định nguyên nhân bắn giết loạn đả là việc nước Mỹ có quá nhiều súng. Việc có quá nhiều súng không phải là nguyên nhân mà là một hiện tượng. Hô hoán chuyện này không phải là tung tin phịa mà là nói đúng sự thật, nhưng chỉ là hành động vô bổ, vô ích và vô nghĩa. Ai chẳng biết vậy. Vấn đề là làm sao giảm việc sở hữu súng, làm sao giải quyết vấn nạn giết người loạn đả, chứ không phải ngồi đếm xem có bao nhiêu súng?

Có người còn ra vẻ hiểu biết, so sánh các thống kê về súng và về bắn giết bằng súng giữa Mỹ và vài nước khác. Cũng là làm chuyện ruồi bu vô bổ, không hiểu được những khác biệt lịch sử và văn hoá giữa các quốc gia trên thế giới. Chỉ là nói cho có, viết cho có.

Ở đây, có chuyện nên nhớ lại. Nước Nhật thuở xưa, không có một anh đàn ông nào không có kiếm đeo lủng lẳng bên người. Văn hóa võ sĩ đạo truyền thống. Thế kỷ 18, một sứ quân -shogun- lần đầu tiên thống nhất cả nước sau khi diệt được cả chục sứ quân khác, mau mắn ra lệnh cấm sở hữu kiếm trên cả nước, ngoại trừ lính của ông ta, nhân danh nhu cầu tái lập hòa bình và an ninh trật tự cho nước Nhật, nhưng dĩ nhiên là để củng cố quyền hành độc đoán của mình. Ông sứ quân mau mắn bị ám sát chết và không ai dám cấm các ông Nhật sở hữu kiếm nữa. Cho đến thế kỷ 19-20, khi súng đạn ra đời, vô hiệu hóa tất cả những kiếm khách vô địch nhất, giết chết hàng loạt võ sĩ đạo mang kiếm, thì kiếm mới trở nên vô dụng và thất thế, biến mất.

Văn hóa võ sĩ đạo với thanh kiếm và văn hóa cao bồi với cây súng, hai văn hóa tương tự nhau. Thanh kiếm biến đi vì súng đạn hữu hiệu hơn. Cây súng chưa biến đi vì chưa có gì hữu hiệu hơn thay thế.

Trở lại chuyện nước Mỹ. Thời buổi này, dĩ nhiên viện dẫn lý do người dân cần có súng để chống lại độc tài của Nhà Nước (hay chống xâm lăn) nghe có vẻ hão huyền và gượng ép, khó bào chữa cho việc người dân có quyền mang súng. Thể chế dân chủ đã ăn quá sâu vào đời sống chính trị Mỹ, không ai nghĩ sẽ có chuyện có một chính thể độc tài đến độ người dân phải cầm súng nổi loạn, chống lại. Đảng DC và đồng minh truyền thông cấp tiến hô hoán ầm ĩ về vụ ‘bạo động đẫm máu’ của cuộc biểu tình bao vây quốc hội ngày 6/1/2021. Sự thật là trong cả trăm ngàn người biểu tình đó, đã chẳng có tới một người nào mang súng theo, đã chẳng có một người nào bắn hay đánh ai, mà chỉ có đúng một phụ nữ biểu tình bị cảnh sát quốc hội bắn chết thôi.

Nhưng bù lại, bây giờ lại có một lý do chính đáng gấp vạn lần, biện minh cho việc người dân cần phải có súng. Đó là tình trạng an ninh trật tự chung, đặc biệt là dưới chính quyền Biden hiện nay, khi mà bên cạnh các băng đảng từ Mafia Ý tới cao bồi ma tuý Nam Mỹ xuất hiện các đám thảo khấu Bờ Lờ Mờ và Antifa lộng hành hơn bao giờ hết, công khai cướp phá, bắn người vô tội vạ, thậm chí chiếm đóng cả khu phố trong những thành phố lớn, mà ngay cả cảnh sát còn phải run sợ không dám đụng tới vì … sợ bị bắt đi tù. Công lý thời đại này là công lý ‘ăn cướp được phong thánh, cảnh sát đi tù’.

Thế thì còn gì chính đáng hơn là chính người dân phải tự lo lấy thân mình, nghĩa là phải tự võ trang để tự bảo vệ chính mình và gia đình mình. Không ai bắt họ phải nghĩ và làm như vậy. Đó chỉ là bản năng tự vệ của con người thôi. Và cái bản năng đó, chẳng ai có thể cấm cản được, cho dù với 3 trăm hay 3 triệu luật lệ.

Ai cũng có súng, nước Mỹ hiện nay có khoảng trên 300-400 triệu cây súng đủ loại (hay hơn nữa, chẳng ai biết chính xác) trong tay dân Mỹ, vậy làm sao cản được việc trong hơn 330 triệu dân, có một vài thằng khùng mang súng đi bắn loạn đả? Cho dù cấm bán súng kể từ ngày mai, thì vẫn còn mấy trăm triệu cây súng ngoài đường phố. Trong cả chục triệu người sở hữu cả trăm triệu cây súng đó, ai biết được có bao nhiêu tay khùng trong hiện tại hay trong tương lai?

BIỆN PHÁP
Không biết bao nhiêu biện pháp đã được đưa ra, ta thử xem qua.

Thu mua lại súng
Thu mua lại súng như Úc Châu đã thử làm? Kết quả, chiến dịch thu mua súng của chính quyền Úc đại thành công, mua lại được cả trăm ngàn cây súng của dân thật. Nhưng các công ty bán súng đại phát, bán súng không kịp thở. Chỉ vì trên thực tế, người dân đã bán súng cũ lại cho Nhà Nước để lấy tiền mua súng mới. Chính phủ Úc mau mắn chấm dứt chương trình mua súng lại.

Ra luật kiểm soát gắt gao
Ra luật kiểm tra gắt gao hơn lý lịch người mua súng? Vấn đề là hiện nay, đã có không biết bao nhiêu luật kiểm tra lý lịch rồi, mà vẫn vô hiệu. Vì trong những vụ bắn giết tập thể, kể cả vụ bắn tại trường tiểu học Uvalde mới đây, tất cả những cây súng ‘thủ phạm’ đều đã được mua hợp pháp, tất cả những người mua súng đều chẳng có vấn đề tâm thần hay quá trình phạm pháp nào, cho đến khi chúng ra tay.

Hô hào giới hạn hay cấm súng nghe mát tai và có vẻ hợp lý, nhưng thực tế chẳng nghĩa lý gì hết. Chỉ là một ‘giải pháp’ quá dễ nhưng hoàn toàn vô hiệu mà chỉ có những chính trị gia miệng to óc nhỏ, vùi đầu dưới cát không thấy được thực tế mới hô hào được thôi.

Giới hạn hay cấm bán súng, nói dễ làm khó, rất khó. Một ví dụ của tính rắc rối này: cụ xã nghĩa Bernie Sanders, thiên tả cực đoan, trên nguyên tắc phải chống chuyện sở hữu súng đạn, nhưng ông đã từng biểu quyết trong thượng viện, bác bỏ mọi biện pháp kiểm soát súng, vì tại tiểu bang Vermont của ông, đi săn là một thứ ‘kỹ nghệ’ lớn mang lại lợi tức rất lớn cho tiểu bang, hầu hết các vị tu mi nam tử đều có ‘thú tiêu khiển’ này, và mọi chính khách Vermont tìm cách giới hạn sở hữu súng sẽ chết yểu tại phòng phiếu ngay. Ai cũng hiểu, với các chính khách, cái ghế họ ngồi là ưu tiên số một, tất cả mọi chuyện khác đều là võ miệng để giữ ghế.

Mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng điều chi, có cả ngàn dân Mỹ chết vì súng đạn, vì băng đảng bắn nhau, vì trộm cướp lộng hành, vì đủ thứ lý do, mà tuyệt đại đa số những vụ bắn giết đó đều được thực hiện với những cây súng lậu, chẳng khai báo, chẳng kiểm tra gì hết. Các băng đảng ma tuý xài súng bắn giết nhau, chẳng có cái nào là mua hợp pháp có khai báo lý lịch người mua hết. Do đó, nếu có giới hạn, kiểm tra kỹ hơn thì chỉ những người dân lương thiện mới bị kiểm tra kỹ hơn thôi. Vồ sai thủ phạm, không hơn không kém. Cả trăm triệu cây súng do băng đảng đang dùng bắn nhau từ New Mexico tới New York, từ Los Angeles tới Chicago, ngồi đó mà đòi kiểm tra lý lịch chúng!

Thật ra, phải nói cho rõ là hiện nay đã có không biết bao nhiêu luật rất gắt về việc kiểm tra lý lịch người mua trước khi họ được mua súng, hầu hết là luật tiểu bang. Và cái mỉa mai lớn nhất là tiểu bang có luật kiểm soát súng đạn gắt nhất là Illinois, cũng là tiểu bang có nhiều vụ bắn giết nhất nước. Về phần luật liên bang cũng có, nhưng mỗi lần muốn củng cố cho chặt chẽ hơn là một lần đụng phải hàng rào phe đảng cản. Đại khái, phe CH ra luật thì phe DC chống, phe DC ra luật thì phe CH cản, không cần biết luật viết gì.

Giới hạn tuổi
Phe DC mới đưa ra dự luật kiểm soát súng, chỉ cho phép mua súng nếu 21 tuổi trở lên. Hiển nhiên, đây là phản ứng dễ dãi không nhiều trí tưởng tượng lắm của các chính khách sau khi biết thủ phạm vụ bắn tại Uvalde mới có 18 tuổi.

Biện pháp này có thể được mô tả là biện pháp… muỗi đốt gỗ.

Theo các thống kê chính thức, từ năm 1998, đã có 88 vụ bắn giết tập thể lớn, trong đó chỉ có đúng 4 vụ với thủ phạm dưới 21 tuổi. Mà trong 4 vụ đó, chỉ có 2 thủ phạm đi mua súng, còn 2 thủ phạm kia lấy súng của người khác đi bắn. Nôm na ra, với dự luật giới hạn tuổi của DC, may ra trong 30 năm tới, số vụ bắn giết tập thể sẽ giảm được 2-3 vụ.

Cấm vài loại súng
Có người đặt câu hỏi “ô-kê, có súng để tự vệ cũng được, nhưng sao lại cần súng tác chiến kiểu AK-47, AR-15,…?” Giải pháp phải chăng là chỉ cho bán súng lục nhỏ hay súng săn tiêu khiển, trong khi cấm các loại súng tự động kiểu tác chiến?

Câu trả lời không khó: đứng trước một tên khùng hay một tên ăn cướp, một tay cầm AK, một tay cầm AR, tôi chỉ được cầm súng lục nhỏ hay súng bắn chim sẻ thôi sao? Thế thì có ích lợi gì? Thà tay không, không có súng may ra còn được tha mạng, thoát nạn.

Dĩ nhiên, đây là chuyện nhỏ. Chuyện lớn hơn là Hiến Pháp quy định cho dân có súng, nhưng không ghi gì về việc súng nào được sở hữu, súng nào không, do đó, việc cấm một hay nhiều loại súng đương nhiên vi phạm Hiến Pháp, trừ phi tu chính lại Hiến Pháp, là chuyện không thể làm được trong tình trạng phân hóa chính trị hiện nay.

Một bình loạn gia của đài tivi MSNBC, là đài nổi tiếng thiên tả, ủng hộ đảng DC chết bỏ, đã có nhận định độc đáo.

Theo anh Dean Obeidallah, Hiến Pháp không hề cho phép dân Mỹ sỡ hữu súng, mà đó chỉ là cách diễn giải sai lầm của Tối Cao Pháp Viện qua một án lệ sai lầm. Theo anh này, Tu Chánh Án 2 ghi rõ quyền của dân Mỹ ‘được võ trang’ (“bear arm”), chứ không hề có chuyện ‘được sở hữu súng’ -own guns-, và theo anh này, “bear arm” có nghĩa là “mang súng khi gia nhập một tổ chức dân quân võ trang chống Nhà Nước”, chứ không phải mỗi người dân có quyền sở hữu súng trong tư cách cá nhân, riêng tư. Theo anh này, TCPV đã hoàn toàn hiểu lầm ý nghĩa thực của Tu Chánh Án 2, do đó, để tránh hiểu lầm, TCPV hay quốc hội cần thu hồi Tu Chánh An 2 lại.

Washington Post cũng có lập luận y chang.

Nghe cũng vui tai, cho đến khi biết được anh bình loạn gia Obeidallah thật ra có nghề chính là … ‘danh hài’ -comedian. Khi danh hài chê các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện hiểu sai Hiến Pháp từ cả trăm năm qua thì nước Mỹ quả là có vấn nạn lớn.

Cụ Biden mới đây cũng phán "quyền mang súng không phải là vô giới hạn". Vậy sao? Vậy thì giới hạn là loại súng nào, ghi ở điều nào của Hiến Pháp? Thật ra Hiện Pháp không có một chữ nào về giới hạn hết, dân Mỹ trên nguyên tắc, muốn mua đại bác cũng mua được (thật ra, cụ Biden có nói "Hiến Pháp không cho phép mua đại bác", ngay sau đó, bị một giáo sư Hiến Pháp bắt bẻ ngay).

Cho dân mang súng nhiều hơn
Một số người trái lại, đề nghị một giải pháp lạ khác: để bảo vệ các học sinh khỏi chết oan, cho phép hay bắt các thầy cô mang súng theo vào lớp học, để lỡ có tay khùng nào xuất hiện, thầy cô sẽ có súng tự vệ và bảo vệ học trò.

Một giải pháp quái lạ, không để ý tới việc bắn loạn đả trong lớp học sẽ có hậu quả như thế nào trên đám trẻ con học trò.

Giải tán NRA
Truyền thông dòng chính ra rả chụp mũ thủ phạm lên đầu NRA, tức là tổ chức National Rifle Association, là tổ chức của những người sở hữu súng, bị truyền thông tố là đã quá lớn, quá mạnh, quá nhiều tiền, có thể cản được mọi biện pháp cấm cản súng. Do đó, cần phải chấm dứt ảnh hưởng thống trị của NRA.

Ở đây, có hai vấn đề mà truyền thông không nhắc tới hay không để ý tới:

- Thứ nhất, tại sao NRA lại quá mạnh, quá nhiều tiền? Chính vì đó cũng là tổ chức có nhiều thành viên nhất và được ủng hộ nhiều tiền nhất. Vì tổ chức này được hậu thuẫn nhiều nhất và mạnh nhất của dân Mỹ. NRA hiện có khoảng hơn 5 triệu hội viên, tuyệt đại đa số là dân trung lưu Mỹ mà tiếng nói trong các cuộc bầu cử không nhỏ chút nào. Dẹp một tổ chức được dân Mỹ hậu thuẫn mạnh nhất là biện pháp đúng làm được sao?

- Thứ nhì, NRA thành công chặn được mọi nỗ lực của quốc hội để ra biện pháp chống sở hữu súng, vì NRA đã thừa tiền đấm mõm hầu hết các nhà lập pháp Mỹ, của cả hai đảng DC và CH. Dĩ nhiên NRA không đấm mõm tất cả mọi người, tất cả 100 thượng nghị sĩ, nhưng số được đấm mõm cũng đủ để không bao giờ thượng viện có đủ thế đa số để thông qua bất cứ luật cấm bán súng nào.

Nhìn vào hai vấn đề trên thì ai cũng hiểu NRA quả là bất khả … rớ tới.

Chấp nhận vì đó là cái giá phải trả
Có người cho rằng những ‘tai nạn’ như Uvalde khó tránh, và đó là cái giá phải trả để dân Mỹ sống như… Mỹ. Nhưng nói vậy đúng là huề vốn, hay chính xác hơn, đúng là vô trách nhiệm.

Xả súng bắn người vô tội hàng loạt, nhất là trẻ con vô tội, không phải là chuyện bình thường, có thể chấp nhận như ‘cái giá phải trả’ cho bất cứ lối sống nào. Nhà Nước và cảnh sát là những cơ quan hiện diện trong xã hội có lý do và trách nhiệm, chứ không phải để làm cảnh hay để giảm nạn thất nghiệp. Nghĩa là Nhà Nước và cảnh sát, ngoài những công vụ và trách nhiệm khác, cũng có trách nhiệm cản những vụ bắn giết chứ chuyện bắn giết không phải là chuyện phải nhìn nhận và chấp nhận. Nếu bắn giết không cản được thì có nghĩa là Nhà Nước và cảnh sát đã không chu toàn trách nhiệm, mà chẳng thể đổ thừa này nọ vớ vẩn.

THỰC TRẠNG CỦA VẤN ĐỀ
Thật ra, giải quyết nạn bắn loạn đả bằng cách cấm súng hay thêm súng, tất cả đều sẽ không giải quyết được vấn nạn chỉ vì đó là giải pháp sai vì một lần nữa phải nhắc lại: súng KHÔNG phải là vấn đề, KHÔNG phải là thủ phạm. Nhìn vào súng để giải quyết thảm trạng là sai, do đó giải pháp tất nhiên cũng phải sai. Bệnh trong đầu mà chữa bằng băng bó tay chân thì làm sao hết bệnh?

Nhìn lại thống kê về bắn loạn đả, tinh ý sẽ nhận ra được hai yếu tố:

- Thứ nhất, phần lớn những thủ phạm thuộc giới trung lưu thấp, có nhiều vấn đề trong gia đình, hầu hết do khó khăn tài chánh gây ra. Nôm na ra, nghèo khó đã là một nguyên nhân lớn. Nước Mỹ có nhiều người giàu nhất thế giới, nhưng đồng thời cũng là nước có cái hố giàu nghèo lớn nhất thế giới. Ngay trong tiểu bang Cali, hàng xóm của đại tỷ phú Jeff Bezos có thể là một anh ‘màn trời chiếu’ đất sống dưới gầm cầu. Cái anh sống gầm cầu này chưa bắn Bezos mới là chuyện lạ. Cách biệt giàu nghèo khủng khiếp vậy, ngày nào chưa giải quyết được thì những ấm ức, dồn nén đưa đến các hành động khùng điên cũng sẽ vẫn còn, bất kể mấy vạn luật lệ.

- Thứ nhì, những vụ bắn giết gia tăng đáng kể, liên tục, từ đời này tới đời khác. Gần như song song với đà tiến hoá của văn minh điên khùng ngày càng khùng điên. Kẻ này nghĩ không phải là chuyện tình cờ khi số người bị giết bằng súng đạn đã gia tăng hơn 30% trong năm đầu của cụ ‘cấp tiến thức tỉnh’ Biden so với năm đầu của ông ‘bảo thủ’ Trump.

Như Diễn Đàn Trái Chiều đã viết tuần rồi, “Cái mâu thuẫn khổng lồ mà phe DC chủ trương cấm bán súng không nhìn thấy hay không muốn nghĩ tới, là quá chú tâm vào việc bán và sở hữu súng mà quên mất cây súng chẳng là gì nếu không có người cầm nó và bắn. Căn gốc của vấn đề không phải cây súng mà là đầu óc con người. Khi những giá trị căn bản về tôn giáo, văn hóa, gia đình, đạo đức và nhân cách cá nhân, nền tảng cho nhân loại có thể sống chung với nhau từ mấy ngàn năm nay, bị lật bốn vó lên trời, trật tự xã hội rối loạn, con người mất phương hướng, trai gái lẫn lộn, ma túy tự do, con rơi con rớt phá thai thả giàn, giáo dục tẩy não một chiều, thầy cô quản giáo cướp quyền bố mẹ, cướp cạn được phong thánh, cảnh sát là ác quỷ, thượng tôn da này da kia, bầu cử gian lận đưa những người bất tài bất xứng lên lãnh đạo, thì những thảm trạng Uvalde khó tránh, bất kể cấm súng hay không”.

Nạn bắn loạn đả là một hậu quả của biến chứng, suy thoái của cả xã hội, do đó, giải pháp hiển nhiên nhất là phải lọc rửa cả xã hội, thay máu cả xã hội, tái tạo lại những giá trị nhân bản, chứ không phải là đi tìm những giải pháp vừa vớ vẩn vừa chẳng hữu hiệu, vừa không thi hành được, như cấm bán súng, hay cấm sở hữu súng, hay ra hết luật này tới lệ nọ. Không có súng, mấy tên khùng đi giết người bằng dao, bằng thuốc độc hóa học, bằng tông xe hơi vào đám đông,… thiếu gì cách.

Nôm na ra, cách giảm những vụ bắn loạn đả là tìm cách giảm hố cách biệt giàu nghèo gây ấm ức, bất mãn, và giảm số người khùng, mà cách giảm số người khùng hiển nhiên nhất là đừng để xã hội trở thành một xã hội điên, tôn vinh những chuyện điên nhất. Cái giải pháp phải là chỉnh sửa cái đầu óc của con người, chỉnh sửa cái xã hội cho bớt đảo điên.

Bắt đầu từ ngay lớp người trong thượng tầng đang lãnh đạo đất nước, chấm dứt việc ban bố những chính sách khùng điên, dở hơi trong ‘văn hóa thức tỉnh’. Rồi đến bước thứ nhì, quan trọng hơn và khó khăn hơn nhiều, đó là cải tổ giáo dục, chấm dứt nạn tẩy não, cuồng điên cải tạo tư tưởng trẻ con từ mẫu giáo tới đại học. Hiển nhiên đó là giải pháp rất dài hạn, ngoài ra không có giải pháp ngắn hạn nào hết.

Vũ Linh

No comments:

Blog Archive