Hương Cúc
Tác giả : Tôn Thất Tuệ Nguồn: Tiếng Thông Reo
Dạo ấy tôi khoảng 17 tuổi. Chán ngấy những bài học thi lên lớp cuối năm, một hôm vào sáng còn sớm tôi cầm cây cuốc nhỏ dẫy làn cỏ mép bờ rào chè tàu xanh cắt gọn. Cỏ chưa un thành đống để vất vào mé sông Bến Ngự nhỏ đằng trước, một bà Bắc Kỳ di cư ở đâu lối xóm bước qua nhặt hộ. Ngạc nhiên nhưng tôi vẫn im lặng nhìn thầm cử chỉ cộng tác ấy. Con đường trong vườn nầy có hàng rào xanh kia là nhà người bạn tôi đến học chung cho vui, nhất là vào đêm ngồi ở cột đèn điện trong cái thành phố Huế trầm lặng ấy.
Tôi thấy bà ấy để riêng một loại cỏ. Sau khi giúp tôi dọn xong đống cỏ vừa đánh ngã, bà ta ôm đống ấy về. Thấy tôi ngạc nhiên, bà tự ý nói:
- Cảm ơn cậu, tôi đem về làm bánh. Từ ngày vào đây tôi bây giờ mới tìm ra. Làm bánh xong tôi sẽ biếu cậu dùng qua cho biết món ăn bắc nầy.
Sau đó tôi chẳng quan tâm gì. Chiều đến tôi định về nhà ăn cơm rồi trở lại đây cho qua mùa học thi. Tay cầm cuốn sách, tôi đứng ở ngõ nhìn ra sông, cái con sông nhỏ bằng bàn tay mà nước xanh ngắt chả kém gì cô chị là sông Hương ở đàng kia góc cầu Giả Viên băng qua một cồn cát mịn đưa đoàn xe hỏa đi Quảng Trị. Cát trắng nơi lòng sông cạn phản chiếu ánh sáng chiều. Vài chiếc đò nhỏ lặng thinh, vài chiếc ghe độc mộc lướt êm như đi trong hồ; không ai bảo ai, cứ thế mà đi trên dòng sông xanh. Tôi đứng nhìn sự chuyển dịch nhẹ êm bên bờ ý tưởng của một cậu học trò trong muôn ngàn học trò xứ Huế khác.
Một cô bé không quen, chừng 14 tuổi, bước lại trao cho tôi hai nắm xôi gói trong miếng lá chuối xanh. Tôi đưa tay ra nhận như cái máy tuy cô bé chưa nói gì; một phần đã thấy đói, một phần vì tâm trạng nằm đâu đâu.
Cô nói:
- Mẹ em biếu cậu cái bánh cúc mẹ em hứa sáng nay, cậu dùng cho biết.
Quái nhỉ, tôi tự bảo xôi chứ gì. Với cái tinh nghịch tuổi học trò tôi hỏi:
- Thế cô tên Cúc à?
- Vâng ạ, em tên Cúc, tên ở nhà, còn đi học tên khác.
Chiều hôm ấy cứ thế mà mất dần ánh sáng nơi Bến Ngự lặng thinh gần như lạnh. Tôi ăn món bắc ấy lần đầu tiên. Dưới lớp xôi mỏng là cái bánh gì deo dẻo, nhân đậu xanh, thơm nực mùi hành. Cái hương vị lạ lùng. Ăn bắc mặc kinh là thế. Tôi không về nhà ăn cơm phần vì no, phần vì muốn giữ hương vị đặc biệt nầy; mãi đến tối tôi vẫn không uống nước.
Ở lại nhà người bạn học thi như thuờng lệ, tôi thức dậy từ bốn giờ sáng, đọc các bài luận mẫu vì ít hôm nữa thi Pháp Văn, môn có hệ số cao nhất sau Việt văn. Tay vẫn cầm cuốn sách, tôi ra phía sông của bao giờ, con sông thu hút cái mệt mỏi xuất phát từ bài học. Tôi trở vào, vừa đi vừa đọc theo bờ rào chè tàu xanh. Bất giác mùi bánh cúc, hương vị miền Bắc mới đưa vào Nam làm sống dậy trong tôi cảm giác lạ lùng khó tả. Tôi có cảm tưởng những gì vừa học từ tảng sáng đã đổ xuống đất như nước đổ trên tượng. Tôi nhìn xuống đất xem thử có còn giọt nước nào vừa chảy qua tượng đá người tôi chẳng?. Chẳng có gì. Hôm qua tôi không để ý cây cúc nó ra làm sao. Giờ đây thì không tìm được, đã mất rồi. Bờ cỏ bên bờ dậu đã sạch nhẵn để lại đất mịn còn chút sương mai. Không có một tí cỏ, huống hồ là cỏ cúc. Hôm qua mẹ Cúc đã nhặt hết, còn cây nào sót lại thì đã lẫn vào cỏ khác nằm ngoài bờ sông sau một ngày khá nắng và nóng.
Nhưng cái hương vị vẫn còn nhẹ nhàng êm ả kéo dài chứ không ồ ạt như lúc nãy. Tôi hối hận đã không xem cây cúc ra làm sao. Mùa mưa đến hạt cúc có nẩy mầm không? Mà cây cúc có hạt hay không? Có thể trồng cúc thành luống như cải không? Được chứ khi bánh cúc trở thành món ăn nhiều người ưu thích. Có thể trồng cúc như trồng lúa trồng hành.
Tuy thế tôi vẫn áy náy lo gại, cây cúc có hạt hay không? Rồi đây khi mưa đến, có còn sót một chút gì của cúc để nẩy sinh cây cúc? Rồi từ đó nẩy sinh tất cả; nẩy sinh cái anh học trò lẩm cẩm thắc mắc bên bờ sông, nẩy sinh một cô bé tên Cúc gọi ở nhà mà đi học tên khác; nẩy sinh hương vị nhẹ nhàng, cái bánh cúc dưới làn xôi dẻo, thơm thơm và vương vấn mùi hành; nẩy sinh một buổi chiều, nẩy sinh một buổi mai ngớ ngẩn.
Tôi bóp chặt cuốn sách với tất cả sức lực. Lớp giấy cong lên như kinh giật. Chữ nghĩa đã rơi rụng tất cả như hạt cúc mầm hoa rơi rụng vào đất mà tôi hy vọng nẩy sinh tất cả như vừa nói trên. Bài Việt ngữ đã thi xong tuần qua. Tôi thầm nghĩ nếu giáo sư Pháp văn cho một đề tài liên quan đến hoa cúc, có lẽ tôi sẽ đứng đầu về ý tưởng trong bài luận tuy vốn liếng sinh ngữ không là bao.
Sáng hôm ấy tôi ngồi dưới cây ngọc lan tươi mát và vòng tay làm bài luận về cây cúc mà giám khảo không ai ngoài cô tên Cúc cho tôi cái bánh cúc thơm thơm ngày qua. Bài luận dưới gốc cây ngọc lan:
Khởi đầu tôi nhắc lại các thắc mắc nêu trên rồi tả tình tả cảnh đôi chút như thầy đã dạy cách làm luận. Sau đó tôi đặt câu hỏi: Cúc dại là gì? Lẩm cẩm viết lách trong vòng tay học trò như thế nầy.
Tế Hanh, nhà thơ Quảng Ngãi trong một bài thơ về quê hương, có câu: Dọc đường hoa dại ngát hương lây. Hoa dại ai cũng biết là hoa mọc lên nhờ mưa nắng của trời đất chứ không ai vun trồng tưới tắm. Nó tự nhiên kết tụ hơi sương và nhạc gió, e ấp thẹn thùng bên bước chân người đi, uốn mình như thục nữ chịu thua mà thắng trận. Nó sợ chậu sành hay khung kiểng như một bức bách kiềm hãm. Cho dù có tàn phai nó cũng nằm đấy, nơi đã sinh lên chứ không bị người chơi hoa quẳng vào xó khi đã về chiều. Chỉ ôm lấy hư vô tìm về vĩnh cửu.
Ở lớp dưới năm trước một giáo sư trích một đoạn trong Trà Thư mà Khái Hưng dịch từ một tác phẩm Nhật. Tôi đem bài ấy vào bài luận hôm nay nhất là đoạn:
Hoa ơi nếu ta ngắt hoa thì tay ta làm hoa ô uế. Ta chỉ muốn trong hoa ngoài nội cỏ để dâng lên Đức Phật quá khứ, hiện tại và tương lai. Mà Phật ở đâu? Hiện tại là đâu? Tương lai là đâu? Đâu cũng là Phật, đâu cũng là Trời. Trái tim ta là Phật; lòng ta là Trời. Vương Dương Minh nhà triết học Trung Hoa đã ngồi hằng giờ trầm trồ với cúc dại quên cả thời gian kim cổ; và quên cả chính mình đang ngắm cây cúc kia; cũng như Trang Chu hóa bướm, bướm thành Trang Chu.
Bài luận bên gốc cây chỉ có thế, mấy dòng vớ vẩn kiểu học trò tập viết. Bẵng đi một thời gian khá dài; một phần tư thế kỷ với bao đổi thay của đời người, bao đổi thay của thời cuộc. Với điều tuy không chắc nhưng tin là có thật, với bao nẩy sinh từ cây cúc như đã nói trên; nẩy sinh một buổi chiều, một buổi sáng ngớ ngẩn... Trong những đổi thay vừa nêu, có cuộc vượt biên như thế nầy.
Tôi lên xuống Saigon Rạch Giá đúng mười lần mới đi được. Xe cộ thì vui đi buồn đứng, miên mãi biết bao giờ đến chỗ, vỏ hư, điện hết với bao thứ như một cơ thể chờ chết. Đây chuyến xe cuối cùng tôi kể anh nghe. Sau một đêm ngủ trên một chiếc chiếu thuê, giải trên nền đất bến xe nóng, tôi thức dậy thật sớm trong cái chập chờn của hơi nóng bền dai, trong cái lo âu của dự tính, trong cái mừng thỏm qua một đêm ở Cần Thơ không bị ai hỏi ai bắt. Tôi đến bến xe Rạch Giá lấy chuyến đầu tiên về điểm hẹn.
Xe hư dăm lần bảy lượt. Tôi không dám đi xe chuyền về Rạch Giá vì tiền đã cạn sau chín lần về miền Tây, mà lần nầy có chắc gì đi được, lấy đâu đi xe về. Tôi đành bám theo cái xe tắt thở ấy. Giá như nó hư ở trạm thuế thì hành khách còn ngơi nghỉ với chiếc bánh đa, ly nước ngọt hay tô bún chả giò và cả điếu thuốc lào nữa. Oái ăm nó hư cách Kênh B hơn cây số. Ai cũng đói nhòa.
Mà đây là vùng các con kênh ở Cái Sắn, với các khu trù mật cũ của người di cư 54 còn giữ các tập tục và cách sống ở Bắc, còn giữ nét cần cù kiên nhẫn. Nhờ vài người đi bộ hoặc xe lôi đến trạm thuế, các người bán hàng rong biết xe hư nên mang hàng đến bán. Ai cũng đói và cần ăn bậy cái gì cho qua cái nắng chờ đợi nầy. Đi đầu tiên từ đàng xa là một thiếu phụ mặc áo nâu, trạc tuổi mẹ Cúc ngày nào, đầu đội cái xửng bằng nhôm trắng chùi sạch. Có lẽ đi bộ quá xa, bà không còn sức rao món hàng. Đến nơi bà đặt mạnh lên đường cái gánh nặng đội trên đầu trong nắng. Hành khách đói sẵn, chạy lại mở ngay nắp xửng. "Cho tôi gói xôi" nhao nhao quanh thiếu phụ ấy. Bà đáp: "Không ạ, bánh cúc chứ không phải xôi". Mọi người lại dạt ra. Tôi chạy lại mua hai bánh cúc, vừa mua vừa giải thích cho hành khách người Nam thế nào là bánh cúc. Trong phút chốc nồi bánh cúc hết sạch.
Nhưng thật chua xót cho tôi, đau đớn vô cùng. Đâu phải là mùi hương cúc, mà là một cái gì bầy nhầy dưới lớp xôi cứng ngắc. Tôi thấy ngượng đã quá lời giới thiệu. Hy vọng cơn đói giữa ngày và giữa đồng trống làm quên đi cái nhạt nhẽo của cái gọi là bánh cúc. Tôi trách bà bán hàng và bà cũng nhận đây chỉ cải nấu nát, bắt thành bánh cho có cái phong vị bên ngoài để nhớ cái hương cúc thật sự. Tôi thông cảm sự khó khăn kinh tế và nhất là trong vùng nước mặn nầy tìm đâu ra cái cúc dại ngàn năm trong tâm cảm tôi, cái cúc dại đến với tôi một chiều yên lặng bên con nước xanh, dòng nước chảy về cô chị xanh mát tên là (sông) Hương.
Đến (trại tỵ nạn) Sikiw, khi thấy vào ban mai những thau xôi xếp dài bên đường hẹp, những gói xôi trắng gói trong những ngọn lá bàng xanh, những khi ấy lòng tôi se lại. Buồn và buồn ghê. Tôi không dám ăn xôi là vậy. Ước gì đó là những bánh cúc thơm ngọt mùi cúc, bột dẻo, dẻo dai như lòng tôi với hương cúc ngọt dịu, êm ả như nhụy đậu xanh, tỏa lên mùi hành thơm ngát. Cái hương cúc ấy làm tôi buồn ghê.
Tôn Thất Tuệ
No comments:
Post a Comment