Wednesday, June 22, 2022

Hương Mùa Hạ

Hoa Kim Ngân (Honeysuckle)

Bước vào rừng, khách thơ sẽ thấy thân nhiệt hạ xuống ngay lập tức. Cái nóng rát bỏng trên da không còn nữa. Và mùi hương rừng thoang thoảng vây quanh. Rừng có hương thơm sao? Có chứ! Bạn chẳng từng nghe nhà văn Sơn Nam với tập truyện nổi tiếng “Hương Rừng Cà Mau” đó sao. A! Có thể mùi cây tràm cây đước chỉ là mùi hương tượng trưng, nghiêng về tinh thần hơn là vật chất, nhưng ở đây, New Jersey, hương rừng có thể được nhận thức bằng khứu giác.

Người Nhật với khái niệm tắm rừng, shinrin-yoku, có nói đến phytoncide, một chất hóa học, dễ bốc hơi, do cây toát ra để tự bảo vệ chống mối mọt và bị các loài khác tấn công. Chất hóa học này do khoa học gia Nga, Boris P. Tokin tìm ra. Phytoncide không màu sắc không mùi vị. Nhưng nếu có mùi, chắc phải giống mùi hoa kim ngân.

Kim ngân, tiếng Anh là honeysuckle. Hoa trắng, khi sắp tàn biến thành màu vàng. Hoa thường mọc từng đôi giống như cặp ghế người Mỹ hay để trong sân trước, sân sau, hoặc là dọc theo mé nước, bờ hồ, để trang trí hay mời mọc khách đi ngang ngồi xuống nghỉ chân. Nhụy hoa giống như sợi chỉ được thắt gút ở đầu, cong cong, mềm mại, ẻo lả, thật duyên dáng.

Tháng Sáu là mùa hoa kim ngân. Đây là loại dây leo, mọc ở nơi vừa có nắng vừa có bóng râm. Khi leo trên cây, hoa có thể phủ trùm các nhánh cây, biến cây thành đủ thứ hình dạng. Từ xa, bụi kim ngân trông giống như một lẵng hoa. Cây bị kim ngân trùm kín có thể giống như cây dù, hay một mái nhà hoa, hay những bậc thang khổng lồ kết bằng hoa dành cho các vị tiên bước lên thiên đàng.

Kim ngân rất thơm. Tôi biết mùi hương kim ngân trước khi nhìn thấy hoa qua một loại kem dưỡng da của Victoria Secret. Tuy vậy, mùi hương nhân tạo nồng gắt kém mùi tự nhiên của hoa rất xa. Kim ngân có mùi hương ngọt, đậm hơn dạ lý hương, gần giống như mùi hoa nhài. Nói vậy, thật ra khó có thể so sánh mùi hương, (ai đem phân chất được mùi hương?) ngoại trừ khi người ta có cái mũi thính như những người chuyên môn thử nước hoa. Tôi từng gặp một cặp vợ chồng người Trung quốc hái kim ngân đem về ướp trà. Hoa mọc hoang dã, mùi hương như bay theo từng bước chân người. Trong rừng khoáng đãng hoa thơm dễ chịu nhưng nếu hái nhiều để trong nhà chắc sẽ gây khó chịu.

Năm nào cũng vậy, cứ mùa hạ là tôi nghĩ đến vở kịch thơ của Shakespeare “The Midsummer Night’s Dream / Giấc mơ đêm hạ chí.” Năm nay, 2022, ngày hạ chí là ngày 21 tháng Sáu. Chỗ tôi ở rất gần với Central Park của thành phố New York. Nơi đây hằng năm vào mùa hè người ta tổ chức trình diễn kịch Shakespeare trong công viên (Shakespeare in the Park). Đây là một tiết mục văn hóa rất được yêu chuộng, trước là để mang kịch Shakespeare đến gần với công chúng, sau đó là để giới trí thức, văn nghệ, có dịp gặp nhau. Kịch Shakespeare cũng giống như nhạc giao hưởng không được phổ biến lắm trong công chúng nhưng không vì thế mà không đắt hàng. Vé chỉ tặng chứ không bán, nhưng phải ghi danh online, hoặc sắp hàng chờ được tặng. Người ta phải sắp hàng từ sáng sớm để được có vé. Nếu tặng vào quỹ ủng hộ chương trình độ năm trăm đồng US, người tặng tiền sẽ được tặng hai vé đi xem kịch ngoài trời. Rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của Hoa Kỳ đã từng trình diễn trong chương trình “Shakespeare in the Park” và họ rất hân hạnh được tham dự buổi diễn. Một vài tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng trong đó có Natalie Portman, Meryl Streep, và Al Pacino. Dĩ nhiên danh sách còn dài, nhiều người nữa. “Giấc mơ trong đêm hạ chí” là một vở kịch rất ăn khách của chương trình.

Tôi cũng nghĩ đến “Giấc mơ đêm hạ chí” khi đi trong rừng giữa mùi hương của hoa kim ngân. Shakespeare gọi hoa kim ngân là woodbine. Ông đã nhắc đến tên loại hoa này trong vở kịch nói trên. Vở kịch rất dài với nhiều chi tiết tròng tréo với nhau. Hoa kim ngân xuất hiện trong Act II, Scene 1, chỉ vài câu. Tôi xin tóm tắt hầu độc giả đoạn kịch dẫn đến sự xuất hiện của hoa kim ngân.

Oberon là vua của các vị tiên. Titania là hoàng hậu của Oberon. Titania muốn ở lại thành Athens (Hy Lạp) để dự lễ cưới của Công tước Theseus với nữ hoàng Amazon Hippolyta ở Athens (Hy Lạp) nhưng Oberon không bằng lòng vì vị vương tiên đang giận bà vợ của ông. Số là, Titania có một người hầu cận. Oberon muốn thu nạp người hầu của vợ để phục vụ cho ông nhưng Titania từ chối; viện cớ người hầu này là con của đệ tử của bà. Để trừng phạt vợ, Oberon ra lệnh cho Puck, một vị tiên nổi tiếng phá phách và nghịch ngợm, tìm cho Oberon một thứ nước trích từ hoa “love-in-idleness.” Đây là một loại hoa, ban đầu có màu trắng nhưng khi bị trúng mũi tên của thần ái tình Cupid thì hoa sẽ biến thành màu tím. Khi lấy nước này thoa lên mắt của một người đang ngủ, người này khi thức giấc sẽ yêu bất cứ sinh vật nào họ gặp đầu tiên. Oberon chơi khăm vợ, ra lệnh cho thoa nước “bùa yêu” này lên mắt của Titania, và giàn xếp cho bà vợ gặp một con lừa ngay sau khi thức giấc. Ông muốn hạ nhục vợ để bà thần phục ông rồi dâng nạp người hầu.

Sau đây là đoạn Oberon hỏi Puck về loài hoa có thể ép lấy nước làm bùa yêu.

Oberon hỏi Puck: Ngươi đã tìm thấy hoa ấy chưa? Xin chào đón kẻ lang thang.

Puck: Thưa có, nó đây ạ!

Oberon:
Ngươi hãy đưa nó cho ta.
Ta biết một bờ suối có cỏ xạ hương lung lay trong gió,
Hoa oxlip và violet mọc đầy
Và hoa kim ngân mọc bên trên như một mái che
Hương ngọt ngào giống như hoa hồng dại và eglantine:
Titania thỉnh thoảng ngủ ở đây
Được ru giấc nồng bởi những vũ điệu của các loại hoa;
Có con rắn trải làn da của nó
Thật rộng, đến độ có thể ôm trọn cả một nàng tiên.[1]

Love-in-Idleness người ta nói đó là hoa Viola ba màu. Đây là giống hoa cuối mùa là tàn, năm sau phải trồng lại. Tôi có lần gặp loại hoa này có mùi thơm, nhưng phần nhiều, hoa không thơm. Có lẽ phải vào giữa đêm hạ chí thì nước cốt của hoa mới có tác dụng làm bùa yêu.

Người ta yêu mến vở kịch “Giấc mơ đêm hạ chí” cũng không lạ. Vở hài kịch chứa nhiều cổ tích thần thoại, và nhiều mối tình làm điên đảo cả tiên giới lẫn hạ giới. Trong kịch Shakespeare, độc giả có thể tìm thấy rất nhiều tên các loại cây cỏ và hoa lá. Nhiều đến độ người ta thành lập công viên trồng các loại cây, hoa, và gia vị được Shakespeare nhắc đến và đặt tên công viên là Shakespeare. Trong Central Park cũng có Shakespeare Garden.

Không chỉ nhắc đến hoa kim ngân trong “Giấc mơ đêm hạ chí” Shakespeare còn nhắc đến hoa này trong một vở kịch khác cũng nổi tiếng không kém, Much Ado About Nothing.

Kim ngân đã có mặt từ thời xa xưa, huyền thoại Hy Lạp đã từng nhấn mạnh mùi hương lâu tàn của nó. Huyền thoại kể rằng Daphnis (trai) và Chloe (gái) là hai đứa trẻ bị bỏ rơi. Cả hai được hai gia đình chăn cừu khác nhau nuôi dưỡng. Cả hai đều trở thành mục đồng và khi lớn lên họ yêu nhau. Cả hai đều không hiểu được sự trưởng thành của cơ thể nhưng Daphnis được học về tình dục qua sự truyền dạy của một người phụ nữ lớn tuổi tên là Lycaenion nhưng đó là bài học sai lầm. Lycaenion bảo rằng Chloe sẽ đau đớn, la hét, khóc lóc, và chảy máu cho đến chết nếu Daphnis đụng vào nàng. Mỗi lần cả hai gặp nhau đều phải có sự giám sát của Lycaenion, và chỉ được ở bên nhau khi nào hoa kim ngân còn tỏa hương. Daphnis cầu nguyện với thần linh, và được nữ thần tình yêu ban phép khiến mùi hoa lâu tàn và cả hai được ở gần nhau lâu hơn.

Không chỉ xuất hiện trong kịch Shakespeare và huyền thoại, hoa kim ngân được rất nhiều thi sĩ nổi tiếng nhắc đến. Khi không gặp cây để leo, hoa kim ngân mọc tràn lan trên mặt đất. Dọc theo đường xe lửa, hoa kim ngân mọc tràn trắng và vàng ngập cả cánh đồng.

Nhà thơ Walter Scott viết:
And honeysuckle loved to crawl
Up the low crag and ruin'd wall.
(Hoa kim ngân thích bò lên
Trên bờ đá dựng và vách tường xiêu đổ).

Elizabeth Barrett Browning, John Milton, John Keats, và Alfred Tennyson là những nhà thơ lừng danh đã viết những câu thơ miêu tả và khen ngợi hoa kim ngân.

Nếu so sánh bốn mùa của thiên nhiên với đời của một người, có lẽ mùa hạ là tuổi đẹp nhất, vui nhất, và sung mãn nhất. Tuổi của một thanh niên hay thiếu nữ trên đường đến mức trưởng thành. Nhắc đến mùa hạ, Ray Bradbury sẽ nghĩ đến ủ rượu bằng cây Bồ Công Anh (Dandelion Wine); nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng sẽ ao ước “đưa em đi khắp cả hý trường”; nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ “đứng lên gọi mưa vào hạ” để được nhìn “mưa thì thầm dưới chân ngà”; Đức Huy sẽ “muốn được cùng em về miền biển vắng, mình sẽ sống những ngày hè nhuộm nắng.”

Còn tôi, xin mời bạn vào rừng. Nhớ mang theo thuốc chống muỗi vì chúng sẽ yêu mùi hương trên da bạn lắm đó. Tìm một chỗ ngồi hưởng gió sông và thưởng thức hương mùa hạ. Bạn sẽ không cần làm gì cả ngoài làm biếng.

– Nguyễn Thị Hải Hà

[1] Shakespeare, Midsummer Night’s Dream, Act II, Scene 1. NTHH dịch.

No comments:

Blog Archive