NHỮNG NGƯỜI THAY TIM, THAY ĐỔI SAU KHI CẤY GHÉP NỘI TẠNG
Nhiều người nghĩ rằng cái chết giống như một ngọn đèn vụt tắt, và trái tim chỉ là một cơ quan cung cấp máu lưu thông trong cơ thể con người. Vậy có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi đọc những trường hợp sau đây phải không?
Nếu bạn nghe tin vũ công chuyên nghiệp đã “thay tim”, bạn có nghĩ rằng cảm xúc của cô ấy sẽ thay đổi trước không? Không, nhưng trái tim của cô ấy thực sự đã thay đổi, sau khi cấy ghép, cô ấy đã trải qua một sự thay đổi mà bản thân thậm chí không thể tưởng tượng được. Sau đó, cô ấy đã viết trải nghiệm này thành một cuốn sách, và nó đã trở thành một cuốn sách bán chạy nhất.
Không riêng gì cô, ngày càng có nhiều trường hợp chứng minh tim người và các bộ phận nội tạng khác đều có ký ức. Hơn nữa, loại ký ức này thậm chí có thể tồn tại độc lập với não, điều này làm thay đổi nhận thức rằng chỉ não mới có khả năng ghi nhớ. Do đó, các nhà nghiên cứu đã đưa ra lý thuyết về “ký ức tế bào”, cho rằng một phần suy nghĩ, ký ức và sở thích của con người chúng ta có thể được lưu trữ trong các tế bào của cơ thể, đặc biệt là trái tim.
Vũ công chuyên nghiệp ‘thay tim’
Trường hợp nổi tiếng nhất là vũ công chuyên nghiệp người Mỹ Claire Sylvia. Năm 1988, cô 47 tuổi, do căn bệnh tăng áp động mạch phổi nguyên phát, sức khỏe của cô ngày càng giảm sút. Vì vậy, cô ấy đã trải qua một cuộc ghép tim và phổi. Ca phẫu thuật thành công, và cô đã lấy lại được sức sống cho vũ đạo của mình.
Nhưng một điều kỳ lạ đã xảy ra, ngay sau khi phẫu thuật, cô ấy muốn uống bia và thèm những món ăn nhiều calo như sôcôla, gà rán KFC, ớt xanh. Là một vũ công chuyên nghiệp, cô không bao giờ động đến những món ăn nhiều calo này.
Điều kỳ lạ hơn nữa là 5 tháng sau khi phẫu thuật, một thiếu niên tóc đỏ cao và gầy xuất hiện trong giấc mơ của cô. Cậu thiếu niên khiến cô cảm thấy gần gũi, thậm chí tên của cậu bé cũng xuất hiện mờ nhạt, được gọi là Tim · L. Trong lòng cô tự nhủ rằng người này đã từng là chủ nhân của trái tim mà cô được cấy ghép.
Sylvia không thể không bắt đầu tìm người hiến tạng, khi ở trong bệnh viện, cô nhớ rằng một y tá từng nói rằng trái tim của cô đến từ một chàng trai trẻ 18 tuổi, người không may qua đời vì tai nạn xe hơi (khi đó cậu đang chạy xe máy).
Nhà của thiếu niên ở Maine, một tiểu bang trong vùng New England của Hoa Kỳ. Cô Sylvia đã tìm kiếm gần 2 năm, cho đến năm 1990, cô lật lại cáo phó trên tờ báo ở Maine và nhìn thấy một cậu bé đã chết trong một vụ tai nạn xe hơi năm đó, rất phù hợp với mô tả của y tá, nhìn tên thì hóa ra là Timothy Lamirande. Chẳng phải là viết tắt của tên Tim L trong giấc mơ của cô sao?
Sau đó cô Sylvia đến thăm gia đình Lamirande, họ xác nhận với cô rằng Tim (gọi tắt của Timothy) là một người tràn đầy năng lượng, thích uống bia, ăn gà rán, ớt xanh, và tất nhiên là cả sôcôla. Cuối cùng, mẹ của Tim vừa buồn vừa vui đã mang ra một chiếc bánh sôcôla mời cô Sylvia, nói rằng sôcôla là món yêu thích trong suốt những năm còn sống của con trai mình…
Kể từ đó, cô Sylvia đã giữ liên lạc với mẹ của Tim. Cô sống thêm 21 năm sau ca phẫu thuật, cho đến khi qua đời vào năm 2009. Vào năm thứ 9 sau khi phẫu thuật, Sylvia hợp tác với một người viết tiểu sử để xuất bản cuốn hồi ký bán chạy nhất có tiêu đề “A Change of Heart” (Sự thay đổi của trái tim).
Trải nghiệm của cô cũng được dựng thành bộ phim Hollywood “Heart of a Stranger” (Trái tim của người lạ).
Yêu cùng một người
Sonny Graham đến từ Georgia, bị bệnh cơ tim giãn do nhiễm virus, và đã thực hiện thành công ca ghép tim vào năm 1995. Vào năm thứ hai, ông rất vui khi liên hệ với cơ quan hiến tạng để cảm ơn gia đình người hiến tạng. Và ông có địa chỉ của cô Cheryl Sweat 28 tuổi; chồng cô là Terry Cottle, đã dùng súng tự sát vào 2 năm trước, khi đó anh ấy mới 33 tuổi. Và trái tim của anh ấy đã được hiến tặng cho Sony.
Sonny không chỉ viết thư cảm ơn cô Cheryl mà còn đến thăm cô vào tháng 1 năm 1997.
Sonny cho biết khi vừa nhìn thấy cô Cheryl, ông cảm thấy dường như đã quen biết nhiều năm và yêu cô ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Sau đó, ông bắt đầu theo đuổi cô Cheryl và kết hôn với cô vào năm 2004.
Tuy nhiên, 7 năm sau, Sony 69 tuổi cũng chọn cách tự kết liễu đời mình bằng súng, hệt như cách mà Terry Cottle, chủ nhân trái tim của ông đã từng làm vậy. Hơn nữa, sau khi Sonny cấy ghép trái tim của Terry, cũng trở nên thích uống bia và ăn xúc xích như Terry.
Trái tim không chỉ có ký ức về cảm xúc và tính cách, nó còn có chức năng của các cơ quan giác quan, chẳng hạn như “mắt”.
Trái tim với giác quan
Vài tuần sau ca phẫu thuật cấy ghép tim, giáo sư đại học Ben, 56 tuổi, bắt đầu lặp lại một giấc mơ: Trong giấc mơ, ông luôn thấy một tia sét đánh thẳng vào mặt mình, sau đó mặt ông nóng bừng và đau đớn như thể bị bỏng. Và trước khi tia chớp xuất hiện, ông luôn nhìn thấy khuôn mặt lạnh nhạt của một người đàn ông có bộ râu dài và tóc dài vụt qua.
Ben không nói với bác sĩ mà chỉ kể cho vợ mình là Casey về giấc mơ kỳ lạ. Sau đó, ông và vợ liên lạc với góa phụ của sĩ quan cảnh sát hiến tạng Karl, và Casey tình cờ đề cập đến giấc mơ kỳ lạ mà chồng cô thường thấy sau ca phẫu thuật khi trò chuyện với góa phụ.
Người góa phụ đã bị sốc, bà nói với Casey rằng Karl đã bị một viên đạn bắn vào mặt khi đang truy đuổi một tên buôn ma túy và đã chết. Mặc dù lúc đó kẻ sát nhân đã bỏ chạy, nhưng theo lệnh truy nã của cảnh sát, kẻ sát nhân trông giống một người đàn ông để tóc dài, râu quai nón với hốc mắt trũng sâu và khuôn mặt vô cảm.
Có lẽ cảnh tượng mà Ben nhìn thấy trong giấc mơ là cảnh đau đớn cuối cùng mà cảnh sát Karl trải qua. Dù Karl đã chết nhưng trái tim anh vẫn ghi nhớ tất cả những điều này. Tuy kẻ sát nhân đã trốn thoát trong vụ án này, nhưng hắn lại bị tóm gọn trong một vụ án khác. Sau khi một bé gái 7 tuổi ở Mỹ được ghép tim từ một bé gái 10 tuổi, cô bé thường xuyên gặp ác mộng. Cô bé mơ thấy mình bị sát hại.
Mẹ cô đã đưa cô bé tới gặp vị bác sĩ từng làm ca phẫu thuật cấy ghép tim cho cô. Nhưng bác sĩ cho biết chắc chắn tim của cô bé không có vấn đề gì. Và ông khuyên mẹ cô bé đưa cô đến gặp bác sĩ tâm lý.
Khi bác sĩ tâm lý nghe cô bé kể về những cơn ác mộng, ông cảm thấy có điều gì đó bất thường ở đây. Bởi vì cô bé luôn có cùng một giấc mơ. Hơn nữa mỗi tuần cô đều mơ giấc mơ đó vài lần. Sau đó bác sĩ này nhận định, có thể cô bé có mang theo một ký ức.
Vậy ký ức này đến từ đâu?
Giấc mơ của cô bé luôn bắt đầu với cảnh đêm, trong một khu rừng nhỏ, cô chạy rất nhanh, rất nhanh, bởi vì ai đó đang đuổi theo cô. Cô cứ cắm đầu chạy và rồi đột nhiên bị vấp ngã. Người đàn ông đuổi theo cô bé đã bắt được cô, và sau đó tấn công cô đến chết.
Vậy là, mọi người đã mời một họa sĩ, và theo lời mô tả của cô bé, người họa sĩ đã phác họa ra chân dung của tên sát nhân. Dựa trên bức vẽ này, cảnh sát đã bắt được nghi phạm. Cuối cùng nghi phạm đã nhận tội. Hắn đã giết một bé gái 10 tuổi. Và trái tim của cô bé bị sát hại chính là trái tim được cấy ghép cho bé gái 7 tuổi này.
Kỹ năng đáng kinh ngạc
Có vẻ như nội tạng của một số người chết với ký ức khủng khiếp sẽ mang lại một số trải nghiệm và bi kịch khủng khiếp cho người nhận tạng, nhưng cũng có một số người đã có được những kỹ năng bất ngờ sau khi cấy ghép nội tạng của họ. Dường như ‘nội tạng’ còn có thể nhớ cả nghệ thuật và kỹ năng.
Một thợ đúc 47 tuổi người Mỹ bị hẹp van động mạch chủ và đang chờ ghép tim. Ở phía bên kia, một cậu bé 17 tuổi người gốc Phi đã thiệt mạng trong một vụ xả súng trên đường đến lớp học đàn vĩ cầm. Khi còn sống, cậu yêu thích âm nhạc cổ điển và được các thầy cô công nhận tài năng của mình, cậu dự định một ngày nào đó sẽ biểu diễn trong phòng nghệ thuật trang nhã của Carnegie Hall. Khi bị ngã trên đường, trong tay cậu vẫn đang cầm chiếc hộp của cây đàn vi-ô-lông.
Trái tim của cậu bé đã được cấy ghép cho người thợ đúc.
Kể từ khi cấy ghép trái tim của một thiếu niên người Mỹ gốc Phi, người thợ đúc đặc biệt thích ở cùng các đồng nghiệp người Mỹ gốc Phi của mình trong nhà máy và mời họ đến chơi nhà.
Đó là chưa kể, anh ấy đột nhiên trở thành một người yêu nhạc cổ điển cuồng nhiệt. Trước đó, anh ấy không biết gì về nhạc cổ điển. Theo lời của vợ anh ấy: “Anh ấy thậm chí không thể gọi tên một bản nhạc cổ điển”.
Và bây giờ, vợ anh cười và nói: “Anh ấy có thể ngồi vài tiếng đồng hồ nghe nhạc cổ điển một cách say mê, thậm chí còn du dương theo giai điệu của bản nhạc. Tôi không biết làm thế nào mà anh ấy có thể như vậy”.
Còn đây là một trường hợp người nhận tạng được hưởng cả ‘tế bào nghệ thuật văn học’
Người đàn ông được cấy ghép nội tạng là một tài xế xe tải 40 tuổi người Mỹ tên là Jim Clark, anh ấy là một người quê mùa, đã bỏ học ở tuổi 15. Có thể hình dung những gì như văn học nghệ thuật là điều quá xa vời với anh ấy, có lẽ anh ấy chỉ có thể nói với vợ mình một câu: “Vợ ơi, anh yêu em”.
Tuy nhiên, sau khi được ghép tim, trong các tác phẩm của Shakespeare, anh lại trở thành một anh chàng đa cảm về văn học và nghệ thuật, anh thường ‘múa bút thành văn’ và viết hết bài thơ trữ tình này đến bài thơ trữ tình khác tặng vợ.
Chính anh cũng ngạc nhiên và thốt lên: “Hình như có ai đó đang mượn tay mình viết thì phải”. Hóa ra chủ nhân của trái tim được cấy ghép cho anh sinh ra trong một gia đình yêu thích văn chương, dòng họ đều là nhà thơ.
Một trái tim nhẹ nhõm
Một hôm trời mưa như trút nước, cặp vợ chồng đang lái xe trên đường cao tốc. Họ trò chuyện và rồi bắt đầu to tiếng cãi nhau. Sau cuộc cãi vã thì biến thành chiến tranh lạnh. Suốt chặng đường bao trùm là một sự im lặng, chỉ nghe thấy tiếng của cần gạt nước ô tô.
Thật không may, một lúc sau họ gặp phải tai nạn xe. Người chồng bị thương nặng, chết não và ra đi. Người vợ thì may mắn thoát chết nhưng nhiều chỗ trên thân thể bị gãy xương. Lúc đó, tại bệnh viện, nhân viên xã hội đã hỏi ý kiến liệu cô có muốn hiến tặng tim của chồng mình không. Cô đã không do dự và đồng ý.
Nửa năm sau, cô đã bình phục hoàn toàn sau vụ tai nạn. Nhưng trong lòng vẫn luôn nhớ thương người chồng, vẫn hối tiếc vì chưa nói được lời từ biệt với chồng trước khi anh ra đi. Cô ấy liên lạc với người nhân viên xã hội của bệnh viện và nhờ giúp đỡ để hy vọng tìm được người nhận cấy ghép tim của chồng cô. Nhân viên xã hội cảm thấy rất khó xử, bởi vì ở Mỹ hay các nước khác cũng vậy, người ta không được phép công bố thông tin của người hiến tạng và cả người nhận tạng hiến tặng.
Nhưng người phụ nữ vẫn khẩn thiết nài nỉ người nhân viên xã hội. Cuối cùng anh đành liên lạc với người nhận tim và thật bất ngờ, bên kia đồng ý không chút do dự.
Người được ghép tim là một cậu học sinh trung học. Khi người vợ và cậu học sinh này lần đầu tiên gặp nhau, cả hai đã có một cảm giác thân thiết khó tả. Họ trò chuyện rất vui vẻ như người trong gia đình. Người vợ hỏi cậu thanh niên liệu cô có thể chạm vào tim cậu không, để cô có thể trực tiếp nói lời từ biệt với chồng. Cậu học sinh đó đã đồng ý.
Người vợ đặt tay lên ngực cậu học sinh và nói: “Anh yêu, em xin lỗi! Hôm đó em đã không tạm biệt anh”.
Kết quả là, hành động này của người vợ đã khiến cậu học sinh lúc đó cảm thấy hạnh phúc khôn xiết. Bởi vì, trong nửa năm qua, sau khi được cấy ghép tim, cậu luôn cảm thấy nơi lồng ngực dường như có một áp lực vô hình nặng trĩu. Ngay cả khi cậu đến bệnh viện để khám, tất cả chỉ số kiểm tra cho thấy tim của cậu vẫn hoạt động bình thường. Nhưng cậu luôn cảm thấy buồn bực trong lồng ngực. Tuy nhiên, hành động của người phụ nữ hôm đó đã ngay lập tức khiến cậu hồi phục hoàn toàn. Trái tim cậu trở nên nhẹ nhõm.
Khi hai người chuẩn bị chia tay, cậu học sinh kể với người phụ nữ rằng kể từ khi cấy ghép trái tim này, cậu luôn có thể nghe thấy âm thanh “xoẹt xoẹt” của cần gạt nước ô tô. Người phụ nữ nghe xong, xúc động, không kìm được những giọt nước mắt.
Điều này quả là kỳ diệu! Dù trái tim không còn trên thân thể người đã khuất và đã được cấy ghép cho người khác nhưng nó vẫn lưu giữ những ký ức của người đã khuất. Và như câu chuyện trên, chẳng phải trái tim của người chồng vẫn còn giữ ký ức về hiện trường vụ tai nạn đó sao?
Kết quả nghiên cứu khoa học
Ba học giả, bao gồm Paul Peasall, giáo sư lâm sàng tại Khoa Điều dưỡng tại Đại học Hawaii và Gary Schwartz, giáo sư tâm lý học tại Đại học Arizona, đã công bố một nghiên cứu, trong đó ghi nhận 10 trường hợp điển hình tương tự:
“Những bệnh nhân ghép tim hoặc ghép tim phổi này không chỉ thể hiện tính cách, sở thích và đặc điểm hành vi của người hiến tạng sau ca mổ mà còn nhắc lại trải nghiệm cảm tính của người đã khuất trước khi qua đời.”
Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi thấy rằng sau khi được cấy ghép, các bệnh nhân nhận thấy khẩu vị của họ thay đổi, và tỷ lệ này cao tới 50%! Do các cơ quan trong cơ thể đã bị bệnh trước đó nên người bệnh thường chú ý đến chế độ ăn uống và dinh dưỡng lành mạnh. Tuy nhiên, sau khi cấy ghép nội tạng, một số người lại muốn ăn thức ăn nhanh mỗi khi họ đi ngang qua cửa hàng McDonald's; có người thích đồ ngọt, có người thích đồ cay; có người đột nhiên muốn uống bia với đá. Quá rõ ràng, đó chính là sở thích của người hiến tạng khi còn sống. Từ đó chúng ta có thể thấy rằng các tế bào thực sự có khả năng ghi nhớ muốn ăn những món ngon.
Đồng thời, Giáo sư Schwartz chỉ ra rằng trong ít nhất 10% trường hợp, bệnh nhân ghép tạng “thừa hưởng” tính cách của người cho. Có thể thấy từ rất nhiều nghiên cứu rằng: khả năng ghi nhớ của tế bào thực sự có thể tồn tại mà không cần não, và xác suất để nói đây chỉ là một sự trùng hợp có vẻ quá thấp.
Nhiều người nghĩ rằng cái chết giống như một ngọn đèn vụt tắt, và trái tim chỉ là một cơ quan cung cấp máu lưu thông trong cơ thể con người. Vậy có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi đọc những trường hợp này phải không?
Cao Nguyên
Theo Epochtimes
No comments:
Post a Comment