Monday, May 30, 2022

VIỆT KIỀU

Nhờ người thân đứng tên giùm, Việt kiều dễ mất nhà...

Buông phone xuống là anh Tư Chuột đi kiểm tra lại ngân quỹ đen của mình, được 300 đủ để gởi về Việt Nam cho má, trong quỹ đen của anh bao giờ cũng có cỡ này là bên Việt Nam lại có lý do để xin tiền.

Má anh vừa gọi sang, trước là vài câu thăm hỏi, sau là để xin ít tiền đặng má đi bác sĩ coi tim mạch má ra sao, lúc này má hay làm mệt quá con ơi, má ăn không ngon, ngủ không yên.

Dù bất cứ lý do gì anh cũng không bao giờ từ chối má, huống gì vì lý do sức khoẻ của má. Bởi vậy anh thật là có lý kể từ khi nghĩ ra cái quỹ đen này, lâu lâu tom tóp được ít tiền để giải quyết đột xuất những nhu cầu của thân nhân ở Việt Nam.

Anh chỉ còn có hai người thân yêu nhất là mẹ và cô em gái, mỗi năm anh gởi hai lần tiền về cho mẹ và em, gọi là nuôi mẹ, phụ em chút đỉnh trong cuộc sống cho xứng danh là một người anh đang sống ở nước Mỹ giàu có văn minh. Tiêu chuẩn như thế nhưng má anh không chịu hiểu cho, thỉnh thoảng bà lại xin đột xuất, nay lý do này mai lý do khác, toàn là những lý do chỉ có tiền mới giải quyết nổi, mỗi lần thế, vợ anh mặt sưng mày xỉa một đống:

- Ai nhận được thư bên Việt nam thì mừng chứ tôi rầu thấy bà, nhà này đâu phải nhà băng đâu mà giải quyết được mọi thứ.

Anh Tư Chuột nín khe, không biết đường nào mà binh mà đỡ, gia cảnh nhà anh, anh biết quá, hai vợ chồng anh làm lương công nhân, lấy nhau 3 năm trời mà chưa dám có baby, ráng đi làm dành dụm khi nào down được cái nhà mới mang bầu.

Từ khi có quỹ đen, vợ anh không có lý do gì để sưng xỉa nữa. Quỹ đen của anh thì cũng từ trong nhà mà ra chứ có khoản nào khác đâu, anh bớt tiền bia rượu thuốc lá và “ăn gian” vợ, tăng lên vài đồng mỗi lần đổ xăng vào xe, bội thu lớn nhất của anh là khi sửa xe, cho nên xe hư, một mặt anh lo sợ thật sự, một mặt anh mừng rơn, anh mang xe tới shop của người Việt Nam, giá cả rẻ hơn shop Mỹ, anh nói chủ shop viết biên nhận tăng lên cả trăm đồng so với giá thực tế anh phải trả, thế là anh có thêm một khoản tiền dư cho vào quỹ đen.

Anh còn phục tài thông minh của anh biết sáng tác ra cái đề tài đi Birthday người này người nọ, toàn là bạn cùng hãng, người Mễ, người Mỹ nên vợ anh chẳng biết tên, biết mặt họ là ai, vợ chi cho anh ít tiền để mua quà, anh biến khỏi nhà đi đâu đó vài tiếng và coi như đã dự xong một bữa tiệc.
Từ khi có quỹ đen, mỗi lần má gọi sang xin tiền là anh OK liền, một cách vui vẻ, chắc má anh đã tưởng tượng vài trăm đô chỉ là món tiền lẻ anh luôn có sẵn trong túi móc ra lúc nào cũng được.

Anh có một buổi sáng rộng rãi ở nhà, vợ anh làm khác hãng, khác ca, nên những cú phone của má anh đều biết đều xuất hiện vào buổi sáng. Anh chỉ việc lái xe ra khu chợ Việt Nam, đến dịch vụ gởi tiền, viết cái rụp vài dòng nhắn tin miễn phí và điền phiếu gởi tiền thế là xong, vài ngày sau tiền từ túi anh sẽ bay về Việt Nam vào túi má.

Mấy dịch vụ gởi tiền này cũng tâm lý hết mình, trong phiếu gởi tiền có ghi rõ muốn nhận hồi báo bằng thư gởi đến nhà hay đến tiệm lấy, chắc họ tiếp nhiều khách hàng chuyên đi gởi tiền lén lút về Việt Nam như anh, kẻ giấu vợ, người giấu chồng, người giấu con, giấu cháu... ôi thôi, mỗi người mỗi cảnh, mỗi cây mỗi hoa, cuộc đời muôn mặt.

Anh Tư Chuột thay đồ, không quên bỏ 300 đồng vào túi rồi lái xe đến dịch vụ gởi tiền, hôm nay trời đẹp thật, nắng và gió phơi phới như lòng anh. Này nhé, có tiền gởi cho má, làm vừa lòng má, mà vợ không biết, không phải nghe cằn nhằn, không phải năn nỉ ỉ ôi vợ thì ai mà không vui!

Anh hiên ngang đẩy cửa tiệm bước vào, tuy hiên ngang phơi phới thế, nhưng anh vẫn cảnh giác quét ánh mắt nhìn tứ phía xem có ai quen không, tai vách mạch rừng mà, người quen mà biết thì trước sau gì vợ anh cũng biết, ánh mắt của anh đụng phải một ánh mắt cũng đang quẹt ngang quẹt dọc như anh, đó là một anh bạn cũ, làm cùng hãng trước kia, anh ta cũng đi gởi tiền một mình, cũng mắt láo liên, vậy là có vấn đề mờ ám...

Chắc anh kia cũng nghĩ thế, nên sau cái mỉm cười đầy vẻ cảm thông, nhận ra nhau rồi thôi, việc ai nấy làm, để còn rút lui cho lẹ.

Ba ngày sau là ngày ra dịch vụ gởi tiền nhận giấy hồi báo, trước khi đi, anh gọi phone về Việt Nam, 9 giờ sáng bên Mỹ là 9 giờ tối bên Việt Nam, nhưng má anh không có nhà, cô em gái bốc phone, cô nói má nhận được 300 đô rồi, anh hỏi thăm bệnh tình tim mạch má thế nào, đi bác sĩ chưa thì cô em chưng hửng má có bệnh tim bệnh phổi gì đâu, má vẫn ăn ngon vẫn ngủ tốt chỉ trừ đêm nào đánh bài tới khuya. Ngày nào má cũng đi sang lối xóm đánh bài hết anh ơi, má mê cờ bạc từ lâu rồi, em không dám kể sợ anh buồn, sợ má la, nay thấy anh gởi tiền về cho má, lo lắng cho má, em thấy tội anh quá nên phải nói ra sự thật.

Anh Tư Chuột gọi xong cú phone về Việt Nam lòng anh cụt hứng, buồn tênh, bao nhiêu sự hy sinh, góp nhặt của anh gởi về cho má để rồi như bèo dạt mây trôi, chứ có lợi ích thiết thực gì đâu!

Xưa, má anh nghèo, ăn nói rất khiêm tốn dè dặt, giờ đây có đồng tiền của anh gởi về đã biến bà thành một con người khác. Cách đây vài năm, khi anh còn độc thân, mỗi lần nói chuyện phone với má, bà đều rủ rỉ con muốn lấy vợ chưa má nhắm con gái bà chủ tiệm vàng ở đầu chợ, má nói một tiếng là xong. Anh đã ngạc nhiên gì mà dễ vậy má, người ta là con nhà giàu mà. Má anh cười đắc ý con khờ quá vậy, hồi xưa thì con nghèo thật, má phải làm thuê, làm mướn, bây giờ con có thua kém gì ai, Việt kiều chứ bộ, lấy ai mà chẳng được. Dưới mắt má anh, chỉ hai từ “Việt kiều” là đủ sang, đủ giàu để về Việt Nam muốn gì được nấy rồi.

Anh Tư Chuột nhớ hồi xưa, cái tiệm vàng ngay đầu chợ, lộng lẫy và sang trọng lắm, mấy thuở anh có dịp bước chân vào đó để mà mua bán vàng, dù chỉ là vài phân, nói chi tới chuyện cưới con gái người ta.

Má anh đã khẳng định mỗi lần con gởi tiền đô về má đều tới đó đổi ra tiền Việt hay mua vàng, bà chủ đều vui vẻ hỏi thăm con đó, chắc là bà muốn chấm con cho cô con gái rồi. Anh thấy má anh chủ quan quá, chỉ vâng dạ cho xong, vì lúc đó anh đang có người yêu ở Mỹ, là vợ anh bây giờ.

Buồn thì buồn anh cũng lái xe đến dịch vụ để nhận tờ giấy hồi báo cho xong thủ tục, kẻo họ gởi về nhà thì nguy.

Khi anh đẩy cửa kính bước vào, anh buồn đến nỗi chẳng thèm cảnh giác ngó ngang ngó dọc gì hết, chỉ nhìn thẳng mà anh bỗng kinh hồn khiếp vía khi thấy một bóng dáng quen thuộc đến nỗi chỉ nhìn sau lưng anh cũng biết chắc đó là vợ anh, đang lúi húi đứng bên quầy gởi tiền.

Anh phản ứng rất lẹ, quay ra, nhưng chân anh mới nhúc nhích thì bà chủ tiệm từ phía trong quầy còn phản ứng lẹ hơn, bà nhìn thấy anh, bèn cười, nụ cười xã giao của những người làm thương mại ban phát rộng rãi cho tất cả mọi khách hàng:

- Anh Tư Chuột đợi đấy, có giấy hồi báo nhận tiền bên Việt Nam rồi nè.

Chưa bao giờ anh thấy có một người nào vô duyên và đáng ghét như bà chủ tiệm lúc này, anh nhìn bà ta bằng ánh mắt đau khổ lẫn hận thù, nhưng vẫn phải nhếch môi cười và đứng chôn chân tại chỗ. Lúc đó vợ anh quay đầu lại, bốn mắt nhìn nhau.

Ngày xưa, hồi mới quen, bốn mắt nhìn nhau đầy hoa mộng, còn giờ phút này đầy ác mộng!

Bà chủ vẫn phơi phới cười nói tưởng rằng ta đây là một người làm business tuyệt vời, luôn làm vui lòng khách đến vừa lòng khách đi:

- Ðấy nhé, chúng tôi làm ăn đầy tín nhiệm nhé, những lần trước anh gởi chỉ 3 ngày về đến Việt Nam, lần này cũng thế, trước sau như một.

Trời ơi, nếu mà anh có thể xông lên bịt mồm bà chủ được, thì anh đã làm rồi.

Vợ anh mặt lạnh bước ra khỏi tiệm, đi qua mặt anh không nói một câu gì. Bà chủ tiệm trao anh tờ giấy hồi báo và tiếp tục nụ cười thương mại:

- Lần sau anh Tư Chuột nhớ đến tiệm chúng tôi nhé!

Anh rủa thầm trong lòng: “Vĩnh biệt bà! Ðây là lần cuối cùng.”

Anh Tư Chuột lái xe về nhà, không hiểu vợ anh giờ này đang ở đâu? Anh nằm dài ra ghế sofa để chờ vợ, sẵn sàng đón nhận một cơn bão tố.

Nằm ngẩm nghĩ, anh chợt tự hỏi sao sáng nay vợ không đi làm? Cô ấy đi gởi tiền cho ai? Hay cô ấy cũng đang chơi trò gởi tiền về Việt Nam “lén lút” qua mặt anh? Anh bỗng cảm thấy đỡ lo, trong vụ này vợ vừa là đối thủ vừa là đồng minh của anh.

Rồi vợ anh cũng về tới, chắc phải nhịn nói ở chỗ gởi tiền nên bây giờ vợ anh tuôn ra xối xả:

- Sao, anh từng lén tôi đi gởi tiền về Việt Nam bao nhiêu lần rồi? mà gởi cho ai? hả? hả? Xời ơi, thì ra bấy lâu anh ăn bớt, ăn gian, anh dối gạt tôi để tích cóp tiền phải không?

Anh bắn trả lại đối phương một viên đạn như nó vừa bắn anh:
- Còn cô, đi gởi tiền cho ai? Bao nhiêu lần rồi làm sao tôi biết được? tiền nào cũng là tiền trong cái nhà này thôi, bây giờ tôi mới hiểu vì sao cô cho tôi ăn cơm với thịt gà triền miên, thịt gà rẻ hơn thịt heo thịt bò, rẻ hơn tôm cá mà. Phim chuyện dài nhiều tập nào cũng có đoạn kết, chuyện ăn cơm thịt gà ở nhà mình thì không. Bằng cớ là hôm qua và hôm nay cũng vẫn ăn cơm với thịt gà, có khi lại là gà “on sale” rẻ như bèo nữa đấy.

Vợ anh cũng thông minh lắm, cô phát giác ra ngay:
- Tôi cũng đã hiểu ra rồi, tại sao nhà có hai cái xe, mua cùng lúc, cùng tuổi, cùng đời, xe của tôi thì hư ít, còn xe anh thì cứ hư dài dài, mỗi lần sửa bạc trăm ngon lành và tôi cũng không tin vào cái khoản đi Birthday bạn bè cùng hãng của anh nữa, vì các đám giỗ tiệc của bà con họ hàng anh còn lười không muốn đi mà.

- Thế còn chuyện cô thường xuyên đi shopping thì sao? Hừm! biết đâu cô mua cái váy cái áo clearance cộng thêm 75% off chừng 10 đồng bạc, về cô khoe tôi là 100 ngon lành.

Vợ anh bí không chống đỡ được gì nữa, cô vừa khóc vừa gào:
- Bởi vậy mấy năm nay có thấy dư đồng nào đâu, chừng nào mới down được nhà? chừng nào mới có con hở trời?

Rồi vợ vô phòng nằm trùm mền, Anh Tư Chuột nằm ở ghế thở dài, nghĩ đi nghĩ lại cả hai vợ chồng đều có lỗi, anh phải giải quyết cho xong để còn thanh thản mà đi làm, anh bước vô phòng, giọng ngọt ngào:
- Thôi em, mở mền ra nghe anh nói đây!

Có lẽ cô ấy cũng cùng một ý nghĩ như anh nên cô tung mền ra, vùng vằng:
- Rồi đó, nói gì thì nói đi.

Anh Tư Chuột ngồi xuống bên vợ nói như tâm sự:
- Thật tình những điều em nói rất đúng, anh đã ăn gian, ăn bớt để có tiền gởi thêm về cho má, ngoài phần mình gởi định kỳ, thỉnh thoảng má vẫn xin thêm nên anh phải làm như thế, người con nào chẳng thương mẹ, muốn làm mẹ vui lòng phải không em? mong em hiểu cho anh.

Vợ anh động lòng, xụt xịt:
- Em cũng thế, má em cũng đòi hỏi thêm, vì má chiều thằng em của em, nào mua cho nó xe mới, quần áo thời trang này nọ, nó ỷ có em bên Mỹ chi tiền về nên ăn xài xả láng. Má thương nó quá nên cái gì cũng chiều, má còn so sánh cho em biết con gái bà hàng xóm hồi ở nhà đi gánh nước mướn quanh năm suốt tháng, vậy mà qua Mỹ làm chủ tiệm nail, bây giờ gởi tiền về xây nhà lầu mấy từng. Nghe thế em cũng tự ái, con nhỏ đó chuyên môn gánh nước cho nhà em chứ có tài cán gì đâu, nó xây được nhà cửa cho cha mẹ, không lẽ em không gởi được chút tiền về lo cho thằng em út được sung sướng, được bằng người ta sao?

- Ai chẳng muốn mang lại niềm vui cho người thân của mình, nhưng phải hợp tình hợp lý theo hoàn cảnh mỗi người, mình không thể chạy theo người ta được. Phải tính lại chuyện này em ơi, để má anh má em hiểu ra hai chữ việt kiều không lộng lẫy giàu sang như họ nghĩ đâu. Anh mới được biết những đồng tiền anh gởi về là để giúp má đi đánh bài tối ngày, còn những đồng tiền của em gởi về biết đâu chỉ làm thằng em ăn chơi, hư hỏng thêm? Trong khi bên Mỹ này vợ chồng mình làm ăn vất vả để kiếm tiền, mua món gì on sale tiết kiệm được một vài đồng cũng mừng.

Vợ anh đồng tình:
- Anh nói cũng phải, đây đâu là thiên đường, đồng đô la đâu tự nhiên nhảy vô túi mình, cớ sao những người thân của mình cứ nhắm vào mình mà mơ ước, mà đòi hỏi nọ kia?

- Cũng một phần lỗi tại mình, vì thương yêu người thân, vì lòng tự kiêu, tự ái, chẳng lẽ mang tiếng sống ở Mỹ mà không giúp được cho người thân? Còn bao nhiêu trường hợp khác nữa, có người thì ba hoa, khoe khoang chuyện trên trời dưới đất làm như kiếm tiền dễ như nhặt lá vàng rơi nên bên Việt Nam mới hiểu lầm.

- Hèn gì người ta nói Việt kiều về thăm quê hương khi trở lại Mỹ chỉ còn bộ quần áo dính trên người, cái món cuối cùng không thể lột ra cho được thôi.

- Chúng mình nghe hà rầm chuyện Việt kiều rồi đó, trừ những người thành công, có tiền có của, nhiều người ở bên này làm đủ các nghề lao động với đồng lương rẻ mạt, hay làm baby sit, làm bồi bàn trông mong từng đồng tiền tip, về Việt Nam õng ẹo, ra vẻ quý phái làm như chưa biết khổ cực là gì.

- Má kể con nhỏ gánh nước mướn ngày xưa ở xóm em, mỗi lần về là cả xóm vui lây, nó cho quà khắp xóm, các bác xích lô đạp lúc nào cũng túc trực ngoài cửa, đợi cô Việt kiều ra, chỉ để chở cô ra chợ ăn vặt hay mua trái cây, cứ một cuốc xe chưa đầy 10 phút, cô trả 10 đô ngon lành, nên các bác xích lô cứ bu đầy sân hy vọng mình trúng mối. Anh thấy chưa, hồi xưa nó gánh hai thùng nước đè nặng trên vai, chạy te te, mà bây giờ chỉ một đoạn đường từ nhà ra đầu chợ cũng phải lên xe xuống xe.

- Việt kiều có uy lắm em, vợ thằng bạn anh ở bên này mà làm tổng chỉ huy bên Việt Nam đó, vợ chồng nó giàu, gởi tiền về cho cha mẹ anh em khá nhiều, nên nói gì bên ấy cũng nghe theo răm rắp.

- Ôi thôi, có những Việt kiều nói ra nghe mà cảm động, phải về Việt Nam thăm ông bà cha mẹ cho tròn chữ hiếu. Nhưng gần gũi thân nhân thì ít, ăn chơi, bia ôm, hàng quán thì nhiều.

- Cái danh Việt kiều cũng làm người ta chết dở, một chuyến về Việt Nam làm người ta sạt nghiệp luôn, thôi thì họ hàng bên chồng, bên vợ, bên nội, bên ngoại, rồi bạn bè gần xa. Chỉ có một đường lối xã giao cho tất cả mọi người đó là chi tiền, chi sao cho xứng danh Việt kiều. Về tới Mỹ bắt đầu ăn đồ sale, mua đồ cũ.

- May quá, vợ chồng mình chưa về Việt Nam lần nào, nội cái vụ hai đứa gởi lén tiền về Việt Nam thôi mà cũng ngóc đầu lên nhìn đời không nổi đây.

Anh Tư Chuột tươi cười:
- Vợ chồng mình rồi sẽ về thăm Việt Nam, nhưng sẽ về theo kiểu của mình, theo khả năng của mình, anh tin là má anh, má em sẽ thông cảm. Còn bây giờ vợ chồng mình cũng thông cảm nhau rồi nhé. Bây giờ anh hỏi em, sao sáng nay em không đi làm?

Cô lườm nguýt anh một cái:
- Ðã thông cảm rồi mà còn hỏi ngớ ngẩn, hôm nay em nghỉ sick leave, định đi gởi lén tiền xong về nhà bất ngờ cho anh vui.

- Cái bất ngờ của em làm anh chết đứng ở giữa tiệm gởi tiền đó, em biết không? Cũng may là em tế nhị phớt lờ đi ra khỏi tiệm, không thì anh bể mặt giữa chốn công cộng.

Cô cười ngặt nghẽo:
- Trời ơi, ai mà tế nhị với anh, lúc đó em cũng run thấy mồ, chỉ sợ anh níu tay em lại hỏi em ra đây làm gì thì em cũng bể mặt với bà chủ tiệm luôn cho nên em phải nhanh chân mà ra khỏi tiệm trước anh.

Rồi cô hất chăn mền ra, vùng dậy ôm lấy anh:
- Cái quan trọng là từ nay vợ chồng mình đừng vì ba chuyện lẻ tẻ mà lừa dối nhau nữa nghe anh! nếu thật sự bên nhà anh hay bên em cần sự giúp đỡ thì mình sẽ giúp thôi, Việt kiều có nhiều loại lắm, chúng mình hãy là những Việt kiều bình thường và trung thực.

Chưa bao giờ anh Tư Chuột thấy vợ anh có lý và dễ thương như lúc này.

Nguyễn Thị Thanh Dương--

No comments:

Blog Archive