Bị Tai Biến “Stroke”
Chẳng biết tại sao mà từ khi qua Mỹ cho tới nay tôi bị lời nguyền gì mà mỗi năm đều bị bệnh mất mấy ngày, nhẹ thì cảm, sổ mũi nóng sốt, nặng thì bỏ ăn một hai bữa. Còn không thì chạy xe bị người ta vượt đèn đỏ hít đít hoặc húc hông, có lẽ thấy tôi mỗi ngày mỗi hên nên vận bám vào người càng nặng.
Năm ngoái trước đám cưới con trai là thằng Dũng thì Covid tới thăm và ở nhà chơi chung với tôi 50 ngày. Năm vừa rồi đám cưới thằng Duy sức khỏe chưa lấy lại được thì bị giời leo đau đến nỗi tôi không bước nổi. Vì cứ bị con bệnh đeo bám như vậy nên thằng Duy là con trai lớn đã thương mà trả hết nợ nhà cho để tôi yên tâm ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe.
Ở nhà riết nghĩ quẩn lại sinh bệnh, nên tôi muốn đi làm cho dù các con đều không muốn mẹ thức sớm về trễ. Cản không được nên tụi nó nói mẹ kiếm công việc gì vừa với khả năng và sức khỏe thôi chứ đừng làm 70 tiếng/tuần không nghỉ như trước nữa. Hình như có tí tuổi rồi tính tình cũng thay đổi, nghe các con nói như vậy nên vâng lời tụi nó chỉ làm có 50 tiếng thôi, nhưng ở đời có những chuyện bất ngờ xảy ra mà mình không lường trước được.
Như bài viết gần đây, tôi khoe mới kiếm được job thơm ở công ty SpaceX, đi làm được hai ngày thì sanh chuyện.
Sáng ngày thứ ba rời giường ngồi dậy thì tự nhiên thấy trước mặt tối sầm, cả người quay mòng mòng nên tôi không dám đứng lên liền, ngồi định thần và hít thở từ từ thì thấy đỡ, đi ra bếp pha ly trà nóng và lấy viên thuốc uống, nhưng vừa uống thuốc vào thì ói ra hết, theo thói quen lấy dầu nóng thoa vào lòng bàn chân, dùng đồng tiền cạo thì thấy bớt nên quyết định lái xe đi làm bình thường. Công việc mới này rất nhẹ nhàng chẳng có gì áp lực, tôi nghĩ trong đầu quyết tâm giữ công việc này cho tới khi về hưu.
Sáng thứ Năm thức dậy thì bị giống hệt như hôm trước, tôi lại thoa dầu và cẩn thận tự cạo gió hai bên phía sau cổ và pha ly trà gừng uống. Khi đứng lên cảm thấy tay trái hơi tê, nên tôi dùng hai lòng bàn tay chà vào nhau cho tới khi thấy ấm trước khi ra xe. Nhưng vừa bước tới bếp thì thấy lạnh toát mồ hôi và muốn ói, còn trần nhà sao lại bị nghiêng xuống đất, tôi vội đứng dựa vào sink rửa chén, chỉ một lát là người trở lại bình thường nên mới ra nổ máy xe để đi làm.
Bình thường từ nhà tới chỗ làm mất 40 phút lái xe, nhưng hai ngày nay tôi chạy xe toàn bị cán lane và cảm thấy xe bị nghiêng về phía tay trái, cứ phải gồng mình bẻ lái về bên phải nên không dám chạy nhanh. Mất cả tiếng đồng hồ gồng mình thì cũng tới được hãng, vừa xuống xe là bụng tôi quặn đau và nước ở đâu trong bụng nó trào ra khỏi miệng, làm tôi tối mắt, đứng dựa vào xe một lúc thì bớt, vội bước vào hãng chuẩn bị sẵn sàng cho việc training công việc mới. Ngồi chưa nóng chỗ tôi lại ói thêm ba lần nữa, trong người cứ nôn nao cảm thấy không khỏe, dù vậy vẫn cố ngồi làm vì nghĩ rằng mình mới đi làm, mà đã giở chứng kiểu đi trễ về sớm thì hãng sẽ tiễn vong ngay tuần lễ đầu chứ chả chơi.
Câu mà cửa miệng mọi người hay nói là ”mưu sự tại mình mà thành sự bởi Trời ” rất đúng cho trường hợp này của tôi. Ngồi trên ghế mà tôi có cảm giác như mình ngồi trên võng, cứ thấy kìm kéo trước mặt lúc xa lúc gần, lưng mướt mồ hôi và bàn tay trái tê như khi ngủ tay mình bị đè lên. Coi mòi không ổn nên tôi xin phép đi về, lấy giỏ xách đựng đồ cá nhân, vừa ngồi xuống định bỏ đồ vào thì bị té và bất tỉnh luôn.
Lúc tỉnh dậy thì thấy lính cứu hoả, nhân viên cứu thương, an ninh team, safety team đứng đầy ở phòng. Nhân viên cứu hỏa và cứu thương xúm lại cầm hai cổ tay tìm mạch để nghe ngóng, nhưng tôi nghe họ nói với nhau là không nghe được nên họ lại cầm hai cổ chân để bắt mạch tiếp. Một người đặt tay vào cổ rồi nói là mạch của tôi rất chậm và yếu lắm. Họ đỡ tôi ngồi dậy dựa lưng vào tường, đưa máy vào gắn dây nhợ đầy người của tôi và đo huyết áp rồi nói 180/105. Họ cho tôi uống liền một viên thuốc màu xanh lợt nhỏ cỡ nữa đầu đũa và hỏi tôi thường đi cấp cứu ở nhà thương nào? Tôi trả lời là ở Swedish Seattle hoặc Highline Burien, nhưng họ cho biết nếu đưa tới đó thì thời gian phải tốn tới 30 phút, nên sẽ đưa tôi tới nhà thương gần nhất cách chỗ làm 5 phút thôi và cho biết thêm: Hiện tại tình trạng sức khoẻ của tôi rất nguy hiểm.
Nghe nói vậy tôi cười thầm trong bụng và nghĩ họ lại muốn mình nằm nhà thương để tính tiền cho nhiều chứ gì? Đừng rung cây dọa khỉ nha, chị chỉ bị trúng gió thôi các em ơi. Cho đến khi nghe họ hỏi là thân nhân của tôi tới chưa và nghe supervisor nói là đã liên lạc được với con trai thì tôi nghĩ là chắc phải có vấn đề lớn rồi. Họ mang băng ca vào để đưa tôi ra xe cứu thương. Khi hai nhân viên y tế mỗi người một bên đỡ tôi đứng lên thì tôi nói là không cần đỡ đâu. Nghe vậy thì họ cười và để tôi tự đứng, nhưng trời ạ "Yếu mà bày đặt sĩ diện", tôi không đứng lên được, hai người vội đỡ tôi đứng lên dựa vào tường để tự mình bước thử, nhưng chân trái của tôi không nhấc lên được nữa. Một nhân viên y tế bế tôi lên nhẹ bỗng như 1 con gà đặt vào băng ca đưa ra xe cứu thương.
Tới bệnh viện, đoàn nhân viên bác sĩ, y tá đã chờ sẵn ở cửa phòng cấp cứu. Kẻ giao, người nhận bệnh nhân xong, tôi được họ gắn thêm dây nhợ và một miếng keo dán màu xanh lợt dài và to cỡ 3 ngón tay ngay giữa ngực chạy dài xuống bụng. Họ hỏi tên, tuổi và có biết tại sao mà phải vào đây không? Tôi kể cho họ nghe tình trạng hôm qua và sáng nay và khi tỉnh dậy thì thấy nhân viên y tế kêu đưa tôi vào nhà thương này.
Sau đó họ còn nói nhiều thứ nữa mà tôi không hiểu rõ nên yêu cầu có thông dịch. Khi thông dịch trên phone nói cho tôi biết họ sẽ cho tôi uống một loại thuốc đặc biệt, nhưng xác suất tử vong 1/1000 sẽ xảy ra, nếu đồng ý uống thì ký vào tờ giấy ngay trước mặt và sau khi uống xong họ sẽ chuyển tôi qua phòng ICU để được chăm sóc đặc biệt.
Ui trời! Cùi rồi sợ gì lở nữa, vậy là tôi ký tên vào giấy (sanh tử) liền. Sau khi hỏi chiều cao và cân số ký của tôi xong y tá đưa đến một viên thuốc bự hơn hột đường cát vàng một chút và kêu tôi hả miệng để họ đổ thuốc vào, kêu nuốt đi rồi nói sẽ chuyển tôi về bệnh viện Swedish ở Seattle. Họ cho biết hai đứa con trai tôi đang chờ ở ngoài nhưng chưa được phép vào gặp.
Tới Swedish ở Seattle. Vào trong phòng ICU, lại phải trả lời các câu hỏi của các y tá, tên gì, có biết tại sao phải vào nằm trong phòng này không? Sau màn chào hỏi là lại thêm mớ dây nhợ và ống thở cùng nước biển rồi các dụng cụ y tế bám vào thân thể nhiều xương ít thịt của tôi. Bác sĩ đến giới thiệu tên và lại hỏi có biết tại sao phải vào đây không và bắt tôi nhấc tay chân cho họ coi.
Thôi rồi Lượm ơi, chân trái không nhấc lên được nữa. Bây giờ tôi mới bắt đầu hoảng, vì đã trải qua hai lần bị liệt nên tôi rất sợ. Chết không sợ mà sợ không đi được mới ghê, đo huyết áp thì còn 87/75 nên bác sĩ gọi thông dịch online để họ dịch lại những điều bác sĩ hỏi tôi, vì không có đứa con nào được vào theo phòng ICU này.
Chẳng biết những người khác khi gặp trường hợp như thế này thì sao, còn riêng tôi khi bác sĩ hỏi là nếu trong trường hợp khẩn cấp tôi có cần họ dùng mọi biện pháp để cứu mạng sống của tôi lại không? Tôi nằm đó với dây nhợ đầy người nhưng rất bình tĩnh trả lời là không. Tôi sống được tới bây giờ là đủ lắm rồi, nếu sống mà nằm đó không đi đứng, không làm gì được thì hãy để cho tôi được ra đi bình yên, chứ không muốn dùng bất cứ phương tiện gì để giữ mạng sống của tôi lại.
Khi đo huyết áp thấy không ổn định, vừa cao 180 tới 195 lúc thấp 85 hoặc 90 nên họ dự định cho tôi đi chụp Citi nhưng không thấy trong đầu có vấn đề gì, nên cho đi chụp MRI. Nằm trong phòng với dây nhợ đầy người, hai tay hai chai nước biển, chân trái không nhấc lên được, trở mình khó khăn mà không dám kêu hai người y tá ngồi trực đo huyết áp mỗi giờ giúp trở mình, nếu mà phải nằm như vậy mãi thì sống làm gì để khổ cho mình và mọi người.
Tuy chân trái không nhấc lên được, nhưng vì không muốn nằm trong phòng ICU lâu nên tôi dùng chân phải đỡ chân trái để nhấc lên từ từ. Đúng là có chí thì nên, qua một ngày một đêm thì chân trái của tôi đã nhấc lên cao chút chút, tới trưa thì tôi ngồi lên được và nhờ y tá cho đi toilet chứ không phải nằm mà dùng bô nữa. Vì muốn chắc ăn nên y tá dùng một sợi dây dài khoảng 2 thước và bản bự cỡ 3 ngón tay buộc ngang người của tôi để dìu tôi vào toilet, nếu lỡ tôi có té thì họ ghì giữ lại được.
Nhìn các y tá làm những công việc đổ những bô nước tiểu và phân của mình, tôi ái ngại nói xin lỗi nhưng họ vui vẻ nói không sao cả. Họ còn nói là tôi mà không nhờ họ làm công việc này họ mới lo lắng, trên môi họ luôn nở nụ cười.
Mấy năm trước Ngoại tôi nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy Việt Nam, vào thăm bà nhìn thấy gương mặt thiếu hẳn nét thân thiện của những y tá và bác sĩ ở đó tôi còn thấy sợ thì nói chi tới bệnh nhân.
Ngồi dậy và đi vào toilet được rồi nên tôi xin về. Đã hai ngày một đêm nằm trong ICU, chẳng biết tin tức gì ở nhà, các con chẳng biết mẹ nằm trong bệnh viện ra sao, nhưng bác sĩ khuyên ở lại thêm một đêm để họ theo dõi.
Ở đây mỗi khi bác sĩ và y tá thay ca trực, tôi đều phải trả lời những câu hỏi và làm những động tác như nhau: Tên gì, biết đang ở đâu không? Rồi trợn mắt, lè lưỡi, đưa tay nhấc chân... tôi đều làm theo răm rắp nên họ khen VÉ RY GÚT. Lợi dụng được khen nên tôi lại xin về thì bác sĩ nói sẽ đưa tôi đi chụp MRI một lần nữa, rồi mới quyết định được.
Nằm trên giường tôi thầm thì cầu xin ơn trên và cha Trương Bửu Diệp cho con được về nhà, thì y tá trực vào nói là tôi có phone ở ngoài gọi vào. Cứ tưởng mấy đứa con gọi hỏi thăm, nhưng nhầm, một giọng nói ngọt ngào của một phụ nữ giới thiệu là nhân viên bên financial help, gọi tới để thông báo cho biết là hôm tôi vào bệnh viện, họ không biết tôi có bảo hiểm sức khỏe nào, bây giờ gọi lại lấy thông tin để họ thanh toán viện phí...
Trời ơi tin nổi không? Tôi nằm có mấy tiếng ở Emergency trên Redmond mà số tiền lên tới 17 ngàn đồng, và hai ngày một đêm ở ICU mà tới 46 ngàn đồng. Sau khi nghe họ nói số tiền, tôi nói muốn chết liền, rồi cười. Vậy mà họ tưởng tôi nói thật, vội vàng nói đừng lo lắng về số tiền này, ráng nghỉ ngơi cho khỏe, họ sẽ giúp xin Financial help giùm cho.
Nằm có hai ngày một đêm mà số tiền đã trên 60 ngàn dola, nếu nằm thêm nữa thì chịu gì nổi, nên tôi lại xin về nữa, y tá và bác sĩ đều nói nếu tôi đứng lên đi lại được thì tới tối sẽ cho về.
Vậy là tôi cứ dùng chân phải nâng chân trái lên và từ từ không cần tới chân phải nữa, tới chiều tôi có thể một mình đứng lên đi vào toilet dưới cặp mắt canh chừng của y tá. Tới 6 giờ chiều tôi xin về và bác sĩ đồng ý cho về với điều kiện thứ Hai phải trở lại tái khám. Tôi nhắn tin cho mấy đứa con tới đón và kêu tất cả con gái, trai và dâu tới luôn, để căn dặn vì chẳng biết trước được điều gì có thể xảy ra. Không biết vì nhận được quá ít của hồi môn, hay nghĩ là không biết lúc nào phải mồ côi mẹ nên đứa nào cũng rướm nước mắt.
Ở nhà thêm hai ngày nghỉ cuối tuần, thứ Hai 2/7 tôi gọi vào hãng để xin đi làm lại, nhưng Supervisor nói tôi cứ nghỉ cho khỏe, đừng sợ mất công việc này. Ở nhà thêm một tuần, thứ Hai 2/14 tôi đi làm lại, không biết hãng bị xui hay tôi hên khi được nhận vào làm trong hãng này, vừa kéo ghế ngồi thì Supervisor tới dặn hai người làm chung là đừng để tôi làm gì nhiều, tôi cần giúp gì cứ việc lên tiếng. Vậy là tôi xin cho làm vào 9 giờ sáng, vì nếu làm 5 giờ sáng thì tôi phải ra khỏi nhà lúc 4 giờ sáng mới kịp giờ.
Có lẽ là hãng lớn nên nhân viên cũng được trọng dụng, cho dù nhân viên đó dở ẹc như tôi. Supervisor đồng ý liền và nói tôi có thể vào làm giờ nào cũng được, cho tới khi nào tôi xong training thì tôi sẽ trở về ca chiều để làm. Tuy Supervisor nói như thế nhưng làm người ai lại làm thế, huống chi tôi lại là nhân viên mới mà eo sách và đòi hỏi đủ thứ thì chuyện cho về đuổi gà dễ xảy ra lắm chứ chả chơi. Lúc đó gà cũng không có để mà đuổi nữa, nói chi việc khác.
Có 1 điều may mắn tôi muốn khoe luôn: Ấy là SpaceX chưa có bán cổ phần trên Thị trường Chứng khoán.
Bây giờ thì ai cũng biết công ty này có ông chủ là Elon Musk, thế mà tôi ngu ngơ chẳng hề nghe đến tên ông này. Hôm tôi mới vô làm thì họ tặng cho nhân viên mới 15 cổ phần, bị bệnh mấy tuần tôi không vào hãng nên không biết rằng hiện nay 1 share đã split ra làm 10. Thế là tôi có 150 cổ phần. Ha ha, quá đã.
Tôi đã đi làm lại được một tuần và hôm nay thứ Hai 2/21 được nghỉ, nên tường trình lại minor stroke của riêng tôi cho mọi người, nếu gặp trường hợp giống như vậy thì biết mà ngừa trước. Và dưới đây là một vài triệu chứng:
Khi ăn cơm, uống nước mà cứ bị đổ hoặc rớt ra ngoài, thỉnh thoảng đau một vai bên trái còn ngón tay bị tê thì nên đi bác sĩ ngay, khám và đo huyết áp thường xuyên, vì đó là ẺM đã đến thăm cơ thể mình một cách thầm lặng đó.
Tuy tôi đã khỏi nhưng họ vẫn cho người tới nhà tập vật lý trị liệu, và lo lắng sợ tôi đi đứng không vững nên hỏi tôi có cần gậy chống không, con cái ở bao xa, nếu có chuyện gì thì khoảng bao lâu thì con mới tới được? Họ cho biết là đã bị rồi thì khả năng bị lại rất dễ, tôi phải để ý đừng để bị stress hoặc lo lắng chuyện gì.
Qua Mỹ ở được 24 năm, số lần vào nhà thương không nhớ nổi, nhưng lần nào cũng vậy, tôi thấy từ y tá cho tới bác sĩ rất yêu thương bệnh nhân, đúng với câu LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU... rồi lại lan man nghĩ tới hồi về thăm Ngoại tôi bệnh nặng nằm ở nhà thương Chợ Rẫy, ngay người lao công dọn dẹp phòng mà họ cũng có quyền hạch sách bệnh nhân, chỉ vì không có thủ tục ĐẦU TIÊN thì nói chi tới y tá hay bác sĩ.
Ở Mỹ này, hôm tôi bị té xỉu khi tỉnh dậy thì đã thấy các nhân viên y tế đứng chung quanh và làm bằng mọi cách để cứu tôi, dù không biết tôi có đủ khả năng trả viện phí hay không. Còn ở Việt Nam thì lại ngược lại vì tôi đã chứng kiến tận mắt một trường hợp. Năm 1997 trước lúc tôi được đi Mỹ, thằng Rụt bị sốt suốt huyết phải lên nhà thương ở huyện Tân Hiệp nằm, ngay tối hôm đó có một đứa bé cũng bị sốt xuất huyết nặng phải chuyển xuống bệnh viện tỉnh Rạch Giá bằng xe cứu thương. Cha mẹ đứa bé không có đủ tiền để bao chiếc xe mà đành bất lực nhìn đứa bé đi theo tử thần. Ánh mắt của cặp vợ chồng đó tôi nhớ mãi cho tới bây giờ, cho dù lúc đó tôi đã đưa hết tiền tôi có cho họ. Vì chứng kiến cảnh này nên tôi nhủ thầm trong lòng, dù nghèo tôi cũng sẽ cố gắng không phụ lòng nếu có ai nhờ cậy, yêu cầu được giúp đỡ.
Có lẽ như vậy nên bao nhiêu lần tôi gặp nạn đều có quới nhân giúp và không phải lo nghĩ gì nhiều. Điển hình như sáng hôm thứ Năm nếu tôi té xỉu ở nhà thì đâu ai hay biết gì, con cái cuối tuần mới ghé qua lúc đó thì chắc chắn đã thành cái xác không hồn rồi.
Dân gian có câu nói truyền miệng là…. Quá tam ba bận, có lẽ tử thần là người nước ngoài mà tên tôi dài ngoằng khó đọc, nên ba lần tưởng bị chầu Diêm Vương mà vẫn lọt sổ. Tôi vẫn tin sự sống hay chết là Thiên định, mình không thể cưỡng cầu. nhưng ý chí và nghị lực vượt qua khó khăn thì chắc chắn là tôi phải quyết tâm để có thể có được.
Di chứng của những lần bệnh nặng để lại trong thân thể của tôi vẫn còn. Covid đã lấy bớt đi không khí trong phổi của tôi; giời leo thì để lại trên ngực tôi những cơn đau chợt đến chợt đi và lần minor stroke này đã làm rối loạn sự bài tiết, nhất là vấn đề tiểu tiện và sự hồi hộp lo sợ khi ngồi trên xe.
Từ hôm đi làm lại tôi sợ lái xe vì mỗi lần ngồi vào xe hai chân tự nhiên run và lưng ướt mồ hôi, cho dù trời lạnh đông đá. Tôi đã bị liệt hai chân một lần vào mùa nước lụt ở miền Tây năm 78. Lần đó không biết bao lâu tôi mới tỉnh và đi lại được, và lần thứ hai là sau khi sanh thằng con trai lớn. Lần đó tôi bị liệt hai chân cùng nửa người bên phải, lúc đó con trai tôi mới được 26 ngày và sau đó tôi đã đứng lên đi lại được bình thường. Không biết là tôi cao số hay bị tử thần chê vì vậy mà vẫn còn được hít vào thở ra, để muốn ăn gì thì mua, buồn lấy sách ra đọc, stress ra vườn tâm sự với rau củ. Bực bội thế thái nhân tình bước đến nhìn cá bơi, nghe nước róc rách chảy và nhìn trời hiu quạnh, để chờ ngày được ngồi sau lư hương ngắm gà khỏa thân.
Cuộc sống như vậy còn đòi hỏi gì nữa phải không quý zị?
No comments:
Post a Comment