Chúng tôi vẫn sống
Tôi là một bác sĩ, sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn nhưng sau này tôi đi du học và đã định cư tại nước ngoài từ lâu. Nhân tháng 4 năm nay, tôi muốn viết một thông điệp cho gia đình, bạn bè tôi, cùng tất cả những người từng là công dân Việt Nam Cộng Hòa, con cháu của họ, nhất là những đứa trẻ cùng thế hệ 8X như tôi....
Cha tôi là một sĩ quan quân lực VNCH, cấp bậc Trung úy. Ông có may mắn hơn nhiều bạn bè, khi chỉ phải đi tù cải tạo một thời gian ngắn. Năm 1979 cha tôi ra tù và về sống ở Sài Gòn (xin lỗi vì tôi không thể viết tên của kẻ tội đồ dân tộc mình), một năm sau tôi sinh ra.
Từ khi tôi biết nhận thức thế giới xung quanh cho tới năm 18 tuổi, cha và mẹ KHÔNG BAO GIỜ nói với tôi bất cứ điều gì có liên quan đến chính trị hay nói xấu chế độ mới, cha tôi sống hiền lành, nhẫn nhục nuôi con cái, hòa đồng với tổ dân phố. Cha ghét chiến tranh và không bao giờ nhắc đến thời chiến đấu xa xưa của mình, đến mức không cho tôi chơi những món đồ chơi như súng, máy bay. Mẹ tôi thì cấm tôi nghe nhạc vàng hay những bài ca về lính, dù vậy sau này tôi vẫn lén nghe. Họ để cho tôi tự do lựa chọn con đường mình đi, ngay cả tôn giáo. Vì thế những gì tôi viết cho các bạn xem đưới đây là do CHÍNH BẢN THÂN tôi nhận thức được từ cuộc sống xung quanh mình.
Với tính cách giang hồ lãng tử của cha tôi, trước 30-4 ông vốn đã không coi trọng tiền bạc, không nhà cửa, tiền vàng, chỉ có 2 bàn tay, chiếc xe máy cùng người vợ hiền nên sau 30-4 ông không mất gì cả về vật chất. Tuy nhiên, nỗi mất mát về tinh thần ám ảnh ông suốt đời như một vết thương không bao giờ lành được.
Nhà tôi rất nghèo, lại phải chịu bất công từ mọi phía, mẹ tôi bị ép phải nghỉ sớm do lý lịch của cha, bà phải đi buôn thuốc men, thực phẩm để nuôi tôi lớn.... Lúc tôi 3-4 tuổi cha tôi đi làm vắng nhà cả ngày, ông làm đủ thứ nghề, buôn bán hàng phế liệu, đạp xích lô, đến tối mịt mới về nhà. Ngày nghỉ ông chở tôi lang thang trên các con đường ở Sài Gòn bằng chiếc xe đạp. Đường phố Sài Gòn thập niên 80 còn hoang vắng, tôi để ý một điều là ông luôn gọi những con đường bằng tên cũ, chỉ cho tôi những tòa nhà và tên gọi của chúng, nhiều khi tôi thấy ông dừng rất lâu ở một nơi nào đó và khóc.
Lớn lên một chút, ông luôn tìm cách hướng tôi về những điều chân thiện mỹ, thay vì phó mặc cho sự nhồi sọ của trường lớp, đội nhóm. Tôi còn nhớ ông mua sách báo cũ thời VNCH cho tôi đọc, nhất là Thiếu Nhi tuần báo. Ngày tôi được kết nạp đội, cha tôi ôm tôi vào lòng và ông rất buồn, nhưng ông dắt tôi đi xem phim Batman và đêm đó trước khi ngủ kể cho tôi nghe ông đã phải đi bộ hơn 5 cây số để mua sữa cho tôi uống như thế nào.
Tôi nhìn ra rất sớm sự giả dối, bất công, ngay trong trường lớp của mình, những bài văn mẫu, những người thầy ép học sinh học thêm tại nhà, những bài học lịch sử dối trá.
Tôi muốn nói một điều với các bạn cùng lứa tuổi, rằng thế hệ sinh ra năm 78-80 tại Sài Gòn như chúng tôi PHẢI nhận thức rõ một điều rằng: Dù thể chế Việt Nam Cộng Hòa đã chết vào ngày 30/4/1975, nhưng nó vẫn tiếp tục cưu mang, nuôi dưỡng những đứa trẻ như tôi bằng tất cả máu thịt từ còn sót lại. Bọn cộng sản KHÔNG góp một chút công ơn nào hết trong việc nuôi dưỡng, che chở và giáo dục chúng tôi, thậm chí ngược lại là khác, chính bọn chúng là nguyên nhân gây ra mọi đau khổ, bất công, rủi ro cho số phận những đứa trẻ sinh ra giai đoạn này.
Tôi ra đời trong một nhà bảo sinh của VNCH, khi tôi đau ốm, các bác sĩ và nữ hộ sinh được đào tạo từ ngành y tế VNCH đã chăm sóc cho tôi, dù họ là những người bị ngược đãi, phải sống cực khổ ăn không đủ no vì chính sách nô dịch của cộng sản, nhưng vẫn giữ trọn y đức và trách nhiệm. Từ khi cắp sách đến trường tôi may mắn hơn những đứa trẻ miền Bắc, vì được che chở dưới những lớp học, mái trường do cha anh chúng tôi, công dân của VNCH xây nên, chúng tôi may mắn được xem phim trong những rạp ciné hiếm hoi còn sót lại ở Sài gòn của VNCH.
Trong khi đó, bọn cộng sản Bắc Việt đã làm gì cho chúng tôi? Từ tuổi sơ sinh, toàn bộ trẻ em như tôi phải chịu cảnh suy dinh dưỡng, ăn không đủ no, không có sữa để uống. Cha mẹ chúng tôi phải chạy ăn từng bữa, hy sinh những gì tốt nhất cho chúng tôi trong khi họ phải ăn độn bobo, khoai mì. Khi đau ốm bệnh tật không có đủ thuốc men chữa trị, phải đi vay mượn, đi mua kháng sinh ngoài chợ đen. Chúng tôi lớn lên, đứa thì lùn đứa thì còi xương, tội lỗi đó là do ai gây ra? Khi đi học chúng tôi bị nhồi sọ bằng những chuyện dối trá nhảm nhí, bị những cô giáo xã hội chủ nghĩa đánh đập không thương tiếc, phải đi nhặt lon, nhặt rác, dùng những cuốn sách giáo khoa cũ nát, đen thui, đêm về phải học bài dưới ánh đèn dầu tù mù, chịu nóng, muỗi đốt để mà kiếm cho được tấm giấy khen vô nghĩa. Lớn lên một chút, chúng tôi lại bị những thầy cô giáo bóc lột đến tận cùng bằng những chiêu trò dạy thêm tại nhà, ai không đến nhà thầy học thêm thì bị đì, bị đối xử bất công trên lớp. Lúc trưởng thành ra đời thì tương lai u tối vì 2 chữ lý lịch gia đình, phải hối lộ đút lót khắp mọi nơi mới kiếm được miếng ăn.
Tôi lại muốn nói điều này cho bọn cộng sản và con cháu của chúng: Việt Nam Cộng Hòa vẫn sống, và chưa bao giờ chịu khuất phục bởi bạo lực và sự đàn áp của cộng sản. Những người con của thế hệ VNCH vẫn sống, dù nhẫn nhục, nhưng không cúi đầu, không bao giờ chấp nhận đi chung đường với điều ác và dối trá...
Bọn cộng sản không bao giờ khuất phục được ý chí và tinh thần của những công dân VNCH, chúng không bao giờ hiểu được tại sao cha mẹ chúng tôi đặt tên cho con cái mình là Nguyễn Đình Bảo, Nguyễn Khoa Nam hay Phan Nhật Nam (cha tôi đặt tên cho tôi là Huỳnh Kỳ Anh Tú, và tôi tự hào vì điều đó!). Tại sao mấy chục năm nay người ta vẫn thích nghe nhạc của Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Trúc Phương và dòng nhạc này đang hồi sinh.
Bọn cộng sản muốn trả thù hèn hạ con cháu của VNCH bằng cách xét lý lịch, thì chúng tôi, những công dân VNCH cũng dùng lý lịch, căn cước của cha anh mình như một dấu hiệu nhận diện nhau, đùm bọc nhau. Cuộc đời tôi đã trải nghiệm không biết bao nhiêu sự ưu đãi, giúp đỡ từ bạn bè của cha tôi, hay thậm chí những người xa lạ, mỗi khi họ tình cờ biết cha tôi từng là sĩ quan quân lực VNCH, một người thầy nổi danh đã nhận tôi vào lớp luyện thi đại học và miễn học phí (hơn 2 triệu đồng) vì tôi là con của lính VNCH, nhiều bác sĩ đã chữa bệnh cho tôi hồi nhỏ không nhận thù lao khi biết cha tôi từng đi lính, một linh mục tại nhà thờ Dòng chúa cứu thế dạy kèm tiếng anh và tiếng Pháp cho tôi suốt 3 năm mà không lấy tiền.
Bọn cộng sản cũng không bao giờ hiểu được tại sao bên cạnh chúng không bao giờ có mặt những người trí thức, nhân tài hậu duệ của VNCH, vì những cá nhân này không bao giờ chấp nhận vào đoàn thanh niên cộng sản, không bao giờ đi làm cho nhà nước, và một khi ra nước ngoài du học không bao giờ quay trở lại để phục vụ cho chúng, chúng có kêu gào 1000 năm nữa và dụ dỗ bằng tiền tài hay danh lợi, những người này cũng sẽ không bao giờ trở về cộng tác với chúng. Chúng chỉ tìm thấy những kẻ cơ hội, bợ đỡ, bất tài và ngu ngốc chấp nhận làm nô lệ cho chúng mà thôi.
Đối với một số người, ngày 30-4 có thể là ngày đau buồn, họ cho đó là quốc hận, một số những kẻ ăn trên ngồi trước thì hoan hỉ ăn mừng, mừng cho việc họ đã giết, cướp chính anh, chị em một nhà của mình, nhưng tôi nhận rõ một điều là Việt Nam Cộng Hòa vẫn chưa chết, Sài gòn có thể bị chiếm đóng, chúng ta có thể bị đô hộ, nhưng công dân và hậu duệ của VNCH vẫn sống, vẫn vươn lên, vẫn đang giúp đỡ nhau, chúng tôi miễn dịch với mọi sự dối trá và độc ác của cộng sản, nhiều người vẫn đang đi tìm tự do, và sẽ có ngày chân lý sẽ chiến thắng./.
Huỳnh Kỳ Anh Tú
No comments:
Post a Comment