Ra Biển Gọi Thầm
Tôi lại trở về cùng biển. Tôi lại trở về để nghe lời gọi mời của chân trời xa, của sóng, và mặt trời. Tôi lại về bên này để nhớ về bên kia. Cũng vẫn một bầu trời xanh, cũng vẫn những đám mây trắng nõn như đàn cừu trên triền đồi xanh cỏ, cũng muôn lời ru trên mênh mông âm thanh của sóng và gió. Một chỗ đứng ở đây, ghềnh đá dựng, bãi cát mềm, lũ còng bé nhỏ, nước lên rồi lại nước rút.
Mười tám năm, hay là mới hôm qua. Một chỗ ngồi ở đây hay một chỗ ngồi từ cõi nào, ngày nào. Thuyền ơi thuyền ơi, thuyền trôi biền biệt. Mấy mươi năm chẳng biết mô tìm. Tôi nói hoài. Tôi cứ gọi hoài. Con thuyền ở đâu giữa biển cả mịt mùng. Sao nó chẳng hiện lên, chấm đen cuối trời, để tôi còn thấy nàng.
Gió trở lạnh, hay người tôi không được khỏe, hay tại vì khí hậu của vùng Ðại tây Dương. Tôi mang lại chiếc áo ấm xưa. Mấy mươi năm chẳng biết mô tìm. Áo này em đã thức bao đêm để gởi lên đường len thương nhớ. Tên này em quyện cả hơi thở, ràn rụa nụ hôn. Còn nữa. Còn con sông chảy về Kiên Lương, nhánh chia về Kinh Một, nhánh chảy về Hà Tiên, trước khi ra cửa biển. Con sông bên nhà em, để tôi yêu vô cùng câu thơ cổ:
Quân tại tương giang đầu
Thiếp tại tương giang vĩ…
Em yêu dấu vô cùng, và bao dung vô cùng. Con người là một loài lau sậy, nhưng là loài lau sậy biết nương nhờ. Chúng biết suy nghĩ, dĩ nhiên, nhưng chúng biết suy nghĩ để làm gì khi xã hội này không cho chúng suy nghĩ. Chúng chỉ muốn quên, như giòng chữ bằng than người tù binh đã viết vội vàng trên tường:
Ước gì mắt ta được mù tai ta được điếc…
Cái kiêu hãnh của một sinh vật đứng bằng hai chân phải bị nhường lại trước cái kiêu hãnh của sa tăng. May mà chúng biết nương tựa lẫn nhau, dìu dắt cho nhaụ như trăm ngàn bóng ma ở trong rừng tràm Kinh Một, Tám Ngàn. Như em và tôi. Em và tôi. Nhớ gì con thuyền nhỏ xuất hiện trên giòng kinh vào mùa nước lũ. Nhớ gì màu nước đục ngầu, nước chảy xiết, mang trên giòng những đoàn quân lục bình, tràm củi.
Nhớ gì về một bầu trời xám xì, và những khu rừng lau trắng bạt ngàn rợp mình dưới hững trận gió hung bạọ. Nhớ gì về một tấm thân cha mẹ ưng niu không may sinh lầm thế kỷ, để biết con người còn thua con vật.
Con người kỳ lạ. Nó biết kéo cái ách bằng ách nào hay nhất. Nó sáng tạo những dao những búa thay vì người ta bắt nó dùng hai bàn tay không. Nó lại biết dùng vải bao cát để che thân, dùng rơm cỏ để làm nệm, dùng dây điện thoại để làm dây đàn, để hát lại những bài tình ca.
Nó cũng thâm độc hơn bất cứ một sinh vật nào. Nó đái lên những con cá lóc cá trê nó câu được trước khi nạp phần cho cán bộ quản giáo. Nó thầm lén phạt đứt cọng mạ non thay vì làm cỏ. Nó chửi thề khi hắn ngồi nghe chính trị viên lên lớp. Nhưng nó lại chịu thua trước thiên nhiên. Bởi nước thi quá sâu, và chảy quá mạnh.
Bởi bó tràm thì quá ngỗ nghịch, cứng đầu. Nó ngoi ngóp. Nó vùng vẫy . Hai chân vừa đạp, hai tay vừa kéo. Mưa lạnh làm châu thân nó run như lên cơn sốt rét. Hàm răng nó đánh cầm cập. Nó lại đóị Cái đói ghê gớm. Cái đói tàn bạo quật ngã nó khiến nó cứ thở dốc, thở rống từng hồi từ lồng ngực ngỡ khô cạn. Nó lảo đảo. Nó đang ở bên trời. Nó hay là tôi. Và tôi hay là nó. Tôi cũng chẳng cần biết nữa.
Chỉ biết có con thuyền nhỏ người con gái hôm nào đã dừng lạị. Chiếc áo bà ba vải trắng. Chiếc khăn sọc rằn quấn cả gương mặt như che bớt cái cam khổ mưa nắng rừng tràm. Em hỏi tôi. Anh à, hay anh cột bè tràm này vào đò, để em chống về trại dùm.
Tôi nhìn em, lòng như bật khóc. Em như bà tiên, bà thánh nữ, mẹ Maria, Phật Bà Quan Âm. Em từ đâu hiện đến cứu vớt tay Tôn hành Giả ở tận đường cùng. Tôi nói cô không sợ sao. Em trả lời thách thức có gì mà em lại sợ. Giúp người đâu phải là cái tội, phải không anh?
Tôi thú thật với nàng tôi quá đói. Em trao tôi gói cơm nếp, mấy con cá rô kho mặn trái dưa leo. Hai tay tôi run. Tôi nhận ơn cứu độ. Phía xa ở cuối bờ là ngọn đồi Sọ, có cây Thập Tự giá mờ nhạt in trên nền trời xám. Tôi nghĩ Ðất Trời Vô Lượng đang cúi đầu nhìn xuống tôi. Như đôi mắt dịu dàng đang nhìn tôi, lúc này. Sau đó, tôi cột bè tràm vào sau chiếc đò tam bản.
Người con gái chống sào vượt giòng nước ngược. Thân hình em mảnh mai và đôi bàn tay mềm mại cầm chiếc sào. Gương mặt trắng và đẹp có vẻ thị thành để tôi biết em là cánh chim đến từ đất lạ. Tôi cũng vậy, cũng đến từ đất lạ. Chúng ta cả miền Nam bây giờ cũng đến từ đất lạ. Bởi vì người ta đã đoạt quyền làm chủ.
Tôi bước theo trên bờ kinh. Mong thời gian ngừng laị. Mong người con gái sẽ đứng đấy ngàn năm. Phía cuối chân trời là núi Sọ. Tượng Thập Tự giá vẫn trơ trọi dưới màn mây cuối ngày sắp khóc. Chợt em nói: Anh ơi, đêm nay là đêm Giáng Sinh. Tôi bàng hoàng: ồ thế sao. Tôi không hề biết. Cổ tôi lại khô. Tôi nuốt nước miếng.
Núi Sọ Ngài lên Thập Tự Giá. Núi Sọ đánh dấu cái tàn bạo của con ngườị. Nhưng Núi Sọ vẫn nẩy nở những nụ hoa bất diệt như người con gái ở Kinh Nhà Chung này. Ðến gốc xoài cách trại tù khoảng 500 thước, tôi kêu nàng dừng lạị ” Cô ơi, đến đây được rồị Tôi có thể bè một mình…” Nhưng em vẫn còn muốn giúp kéo thêm một đoạn. Em nói:
” Còn xa lắm. Ðể em chống thêm một lát không sao đâu anh” .
Tôi khẩn khoản: ” Cô hiểu dùm tôi. Người ta biết được chắc tối nay tôi phải nằm ngoài chuồng kẽm gai, muỗi hút tôi không còn giọt máu” .
Em nghe lời. Em trả lại bè tràm. Tôi cám ơn em, và nhủ lòng trong suốt quãng đời còn lại, tôi sẽ không bao giờ quên được một người con gái. Và em từ giã. Chiếc xuồng tam bản mỗi lúc mỗi mờ nhạt, và thân hình mảnh mai của em càng lúc càng mất hút giữa một rừng lau trắng bạt. Ðó là đêm Noel đầu tiên để tôi biết được thế nào là sự bao dung của Thượng đế.
Hình như tôi nhớ đến một đoạn nào trong Thánh Kinh. Hãy nhìn những con chim sẻ ngoài đồng nội, Ta còn cho chúng chiếc áọ.. Nếu quả vậy thì Thượng Ðế đã rủ lòng thương của Ngài xuống khắp trần gian. Tôi là một kẻ không đạo, nhưng tôi tin có đôi mắt Ngàị. Ðôi mắt từ núi Sọ, dù đêm ở đây đen tối quá chừng. Ai đã kể lại lịch sử của kinh Nhà Chung.
Ngày xưa, vua Minh Mạng bài đạo, sát đạo cùng khắp. Có nhóm người trốn ra hòn đảo nhỏ sau đó quay lại đất liền, phá rừng tràm lập lại nhà thờ và dựng nên một thập tự giá trên ngọn đồi thấp, tức Núi Sọ bây giờ. Ai lại nói về những đêm xưa. Những đêm những xuồng ghe từ mọi nơi đổ về hành hương dưới chân Núi Sọ. Bây giờ cảnh cũ không còn nữa. Tất cả là đất lạ, ngay trên nơi chôn nhau cắt rún của mình.
Ðêm ấy, những người tù mừng Giáng sinh bằng ấm nước nhãn lồng và hát cho nhau nghe những bài Giáng sinh. Hải lấy cây đàn mà anh tự chế với ván thùng đạn và sợi dây điện truyền tin. Anh dạo lại bài Ave Maria, khiến con tim chúng tôi muốn nghẹt thở.
Chúng tôi ngồi xít lại nhau vừa nghe vừa chuyền điếu thuốc lào trong khi đêm ngoài lán đen và dày xôn xao lời dạ trùng và lời ru của gió. Riêng tôi, cảm động quá chừng. Không có giáo đường và máng cỏ. Không có cây thông và tiệc nửa đêm. Không còn người con gái dịu dàng bước qua cửa thánh.
Những điều đó có ý nghĩa gì khi cả miền Nam rưng rưng nước mắt. Dù vết cứa cứ hành người trong cuộc nhưng đôi khi ta phải thương hại kẻ đã cứa ta. Ðầu óc chỉ biết đến bùn, đến máu. Họ thức trong khi ta mệt ta ngủ. Họ canh trong khi ta mơ. Họ rình rập trong khi ta ung dung. Có phải vậy không, hay là tôi đã tạo ra một triết lý để an ủị. Không, tôi không an ủi. Chúng tôi không an ủi bằng nỗi bất lực.
Hải vẫn đàn từ bản này qua bản khác. Hùng vẫn ngâm những bài thơ hay dạo nàọ. Tự vẫn tha thiết bài hát. Lửa vẫn ấm từ những anh chàng chuẩn úy, thiếu úy, trung úy, những tú tài cử nhân cao học tiến sĩ bác sĩ kỹ sư từ Kinh Một về Nhà Chung về Tám Ngàn. Ðể rồi họ phải ào vào, lên cò đạn, rọi đèn pin khắp lán. ” Các anh giờ này còn tụ tập để hát nhạc phản động ấy hả ?” Tội nghiệp cho họ. Họ chưa biết đời là gì. Họ sống như thể một con trâu ngoài đồng nội, bị xỏ mỏ bởi những tay phù thủỵ. Họ đã không còn làm chủ lấy chính con người của họ nữa.
Từ đấy tôi có một người đến với giòng lênh đênh. Mỗi lần ra chợ Tròn để đào trùn về nuôi bầy vịt của đám quản giáo, tôi lại được cơ hội gặp người con gái. Nàng cùng đứa em trai chăn bầy vịt trên bờ hồ. Người lính canh gốc miền Nam thường bỏ một mình tôi cùng với những đống rác bẩn thỉu để la cà tán tỉnh các cô hàng nước trong chợ.
Tôi mang thùng đựng trùn về bờ hồ. Mặt hồ phẳng và nước hồ xanh lợ Nàng cầm chiếc gậy tre đuổi theo đám vịt, và mái tóc nàng xõa tung bay trước gió. Nắng làm má nàng đỏ hồng. Mắt nàng sáng lên khi gặp tôị. Rồi nàng ngồi xuống bờ hồ, quẹt mồ hôi trán.
Tôi nhìn nàng, ước gì có phép lạ. Phải, tôi sẽ lau dùm những giọt đời bất hạnh gian khổ. Tôi sẽ che nắng lửa khỏi làm nám màu da trắng nuột của em. Nàng vẫn tinh nghịch như người con gái Saigon. ” Anh ơi, anh nhìn kia kìa. Ðám vịt con không dám xuống hồ cùng mẹ. Chúng sợ nước rồi. ” Nàng quả ngây thơ để lòng tôi phải nẩy nở một niềm hạnh phúc thật tinh khiết.
Tôi có lần hỏi nàng. ” Cô bé, em không sợ anh là ngụy sao? ” Nàng trả lời: ” Em thấy các anh tội nghiệp quá. Tại sao người ta lại ác với các anh như vậy ? Em nhìn các anh vác gạo, bè tràm, em lại nhớ đến người anh của em. Ảnh bị bắt ở Xuân Lộc. Bây giờ không biết bị tù ở đâu” .
Tù ở đâu. Ở đâu cũng là nhà tù. Và ai ai cũng chui vào cửa ngục. Cả em nữạ. Bởi vậy chúng ta mới ở cùng một hàng ngũ. Tôi muốn nói với nàng như thế. Nhưng tôi phải từ biệt nàng. Chiếc thùng trùn này, với những con trùn hổ, trùn đất, trùn trâu. Chúng là căn phần của cặn bã, nhưng cũng có những kẻ cần chúng, như những thùng phân mà người dân miền Bắc đã giành giựt trong bao nhiêu năm.
Rồi một ngày người con gái chợ Tròn gặp tôi, giọng thì thào như thể có điều gì nghiêm trọng. ” Anh hãy đến đầu đống rác dưới gốc cây xoài, có cái lon sữa bò.” Rồi nàng vội bỏ đi, đuổi theo bầy vịt trên bờ hồ. Tôi xách thùng giả vờ lui cui đào bới. Người cảnh vệ đã bỏ đi về phía khu nhà chợ.
Tôi mở nắp lon sữa bò, thấy tờ giấy cuộn trong lon. ” Anh Hai của em đã vượt ngục về đâỵ Mười hai giờ trưa nay có người đưa về chỗ trú. Ðêm nay tàu sẽ vượt biển. Họ cần một người biết lái tàu. Em biết anh là sĩ quan hải quân nên em đã giới thiệu. Ðừng chần chờ nữa. Anh nhớ đến bến đò… Thương yêu anh. Em. “
Bây giờ tôi đang ở tại đất người. Bao năm chờ đợi một tin người yêu cũ để rồi cuối cùng người anh của nàng một đêm gọi điện thoại về để báo tin trong tiếng nấc. Chiếc tàu mang nàng đi đã bị tàu hải tặc ủi chìm sau khi chúng thi nhau hãm hiếp từng người đàn bà con gái trên tàu. Mày có thương nàng thì lấy cái ngày tàu nó đi làm ngày giỗ, để nó còn yên ổn dưới lòng biển cả.
Trần Hoài Thư
No comments:
Post a Comment