Wednesday, March 16, 2022

ĐỨA CON LAI DA ĐEN

Truyện của Phương Lan

Không biết từ lúc nào, tôi nhận ra được sự khác biệt giữa tôi và những đứa em của tôi: Xuân, Dũng, Hạ và bé An đều có nước da trắng mát, mái tóc mềm mại óng ả giống như mẹ tôi và đôi mắt một mí, môi hơi mỏng, giống in hệt cha tôi... Còn tôi, da tôi đen đúa, tóc tôi quăn quíu, mắt tôi to thao láo, lòng trắng nhiều hơn lòng đen nên trông trắng dã, miệng tôi rộng và môi tôi dầy, chẳng giống tí nào với những người trong gia đình của tôi cả. Có lẽ vì tôi xấu xí nên tụi trẻ con và đôi khi ngay cả các em của tôi nữa đều không ưa tôi, chúng tẩy chay không cho tôi chơi chung và gọi tôi là “con đen”, mặc dù tôi có một cái tên rất đẹp “Thiên Lý". Chỉ trừ những người trong gia đình, cái tên đẹp đẽ đó chẳng mấy ai dùng để gọi tôi cả, thảng hoặc có đứa tinh nghịch gọi trại đi là “Thiên Lỳ". Tôi không ưa cả hai cái tên đó nên làm ngơ, nhất định không chịu lên tiếng nếu có ai đó gọi tôi bằng những biệt danh kỳ cục đó, vì thế nên chúng nó ghét, chúng nó chu mỏ ra chế diễu:

- Ê cái đồ lộn giống, thứ đồ con hoang mà làm bộ dữ!

Tôi nổi xung lên, xông vào đấm đá. Tôi to khỏe, lại đang hung hăng vì giận dữ, nên chúng nó sợ, bỏ chạy tán loạn, nhưng lại tụ tập ở đàng xa rú lên cười ầm ỹ:

- Lêu lêu mắc cở! Cái con bồ hóng, cái con nhọ nồi..

Tức lắm nhưng không làm gì được, tôi oà lên khóc và chạy vào nhà mách mẹ. Tôi hỏi:

- Mẹ, con có phải là con của mẹ không?

- Hỏi dở hơi, không phải con mẹ thì là con ai?

- Thế sao tụi nó bảo con là con hoang?

Mẹ giật mình cau mặt nói:

- Mấy đứa mất dạy nói bậy nói bạ, con đừng tin.

- Nhưng sao con lại khác mọi người trong nhà? Sao da con lại đen?

- Tại vì con giống cha con.

- Nhưng cha đâu có đen?

- Ờ nhỉ mẹ quên…

Mẹ lúng túng nói, thế rồi dể che dấu bối rối, bà xua tay đuổi tôi đi:

- Mẹ đang bận, đi chỗ khác chơi cho mẹ làm việc, hỏi vớ vẩn mãi.

Nhưng tôi vẫn đứng im, nước mắt chảy quanh. Bà ngoại thấy vậy vội ôm tôi vào lòng, vuốt ve mái tóc khô như rơm của tôi, dỗ dành:

- Cháu ngoan của bà nín đi nào! Đừng khóc nữa, để bà cắt nghĩa…

Bà ngẫm nghĩ một lúc, rồi mới chậm rãi nói:

- Dạo đó nhà mình còn ở dưới quê sống bằng nghề nông, chân lấm tay bùn. Khi mang thai cháu, mẹ cháu vẫn phải ra đồng làm ruộng, dầm mưa dãi nắng nên nước da đen xạm. Cháu rất giống mẹ cháu lúc đó, da cháu đậm màu, nhưng cháu đâu có xấu xí, thiếu gì người da đậm mà vẫn đẹp…

- Lớn lên da cháu có hết đen không ngoại?

- Ừm, cái đó thì bà không biết, phải đợi tới lớn xem sao. Nhưng bây giờ cháu đừng dang nắng nữa, thì da mới bớt đen, và nhất là đừng gây gổ đánh nhau nữa nhé? Con gái phải dịu dàng người ta mới thương.

Tôi gật đầu hứa với bà rằng tôi sẽ ngoan. Cả nhà chỉ có bà ngoại thương tôi nhất, nên tôi luôn luôn nghe lời bà, và quả nhiên là có kết quả, da tôi bớt đen đi một chút và tóc tôi mềm hơn, không còn khét mùi nắng. Vì tôi biết thân và cố gắng nhẫn nhịn, nên thỉnh thoảng lũ trẻ hàng xóm cũng cho tôi chơi chung những trò chơi mà bao giờ tôi cũng giữ phần thiệt, như đi lượm banh, quay dây cho chúng nó nhảy, làm ngựa cho chúng nó cưỡi, hoặc chơi trò đóng kịch, thì tôi thủ vai tên quân hầu để chúng sai bảo, la mắng và cười ầm ỹ. Tôi cũng cười phụ họa, vì tôi nghĩ đây chỉ là trò chơi thôi mà, tôi càng ra sức đóng thật hay vai trò tên đầy tớ ngớ ngẩn. Chẳng bao giờ chúng nó cho đổi vai, tôi cũng không dám phàn nàn, được tụi nó cho chơi chung là may rồi, tôi đâu dám đòi hỏi sự công bằng? Tôi diễn xuất thần vai kịch của mình, tới nỗi cả bọn coi đây là sự thật, và đương nhiên coi tôi là một “con mọi cái” để đem ra chế diễu và làm trò cười. Tôi không giận nữa, vì đã quen rồi, hình như trời sinh ra tôi chỉ để làm một người hèn hạ, có phải?

Nhưng tôi vẫn không ngớt hy vọng, bà ngoại đã nói khi xưa da mẹ cũng đen như tôi là gì? Bây giờ thì bà đã trắng ra, có lẽ rồi tôi cũng sẽ thế, hãy chờ xem sao. Phải biết kiên nhẫn, thời gian sẽ đem lại những sự thay đổi kỳ diệu. Tôi đã từng thấy những đứa em của tôi lúc mới sinh ra, da đỏ hỏn, nhăn nheo xấu xí, thế mà chỉ một thời gian sau, chúng trở nên trắng trẻo bụ bẫm, dễ thương vô cùng. Tôi đã trông thấy cây đào trồng ở sau vườn, lúc mới dọn đến trông khô cằn xấu xí, thế mà chỉ mấy mùa xuân qua, nó lớn lên mơn mởn xinh đẹp và cho bao nhiêu là hoa… Thời gian quả là có phép nhiệm mầu, và tôi chờ đợi cái phép mầu ấy xảy ra cho tôi.

Nhưng cái phép mầu ấy mãi vẫn không đến vì thời gian qua đi, qua đi lâu lắm, mà da tôi vẫn không đổi màu. Cha tôi thường nhìn tôi bằng cặp mắt khó chịu và không muốn cho tôi lại gần, làm như màu da của tôi sẽ làm ông lây bẩn. Có những buổi trưa nắng, cha đi làm về mồ hôi nhễ nhại, tôi chạy tới dỡ lấy cái mũ của ông toan cất đi dùm, nhưng ông hất tay tôi ra và bảo:

- Không cần! Đi chỗ khác chơi, để mặc tao.

Nói xong ông cúi xuống vuốt ve hôn hít các em của tôi, và phát cho mỗi đứa một cái bánh, đến lượt tôi thì hết. Thấy tôi đứng ngẩn ngơ, bà ngoại đang bồng bé An đứng gần đó, vội chạy tới nắm tay tôi dắt xuống bếp và nói:

- Cháu lớn rồi, phải nhường em.

Thế rồi nghĩ sao, bà móc túi lấy ra một đồng, và dúi vào tay tôi:

- Cầm lấy, lát nữa ra tiệm thím Xẩm mua quà ăn.

Nhưng tôi từ chối, vì tôi biết bà ngoại không có nhiều tiền. Gia đình tôi nghèo, mình cha tôi đi làm vất vả để nuôi cả nhà, bảy miệng ăn chỉ trông vào một đồng lương, nên phải dè xẻn lắm mới đủ, tiêu xài cái gì cũng phải tiện tặn. Mẹ sanh hai năm một lần, nên lúc nào cũng bận rộn với em bé, bà ngoại làm công việc của một người giúp việc, và thỉnh thoảng mới được cha tôi phát cho ít tiền để tiêu vặt. Nhà nghèo, nên tôi thường phải nhịn phần quà bánh để nhường cho các em. Tôi không lấy thế làm buồn, nhưng tôi nhận thấy thái độ của cha tôi, những hành động và lời nói của ông tỏ ra rõ ràng là ông không yêu thương tôi như yêu thương các em của tôi. Tôi đem nhận xét này ra nói với bà ngoại thì bà nhẹ nhàng khuyên:

- Cháu đừng nói vậy cha cháu nghe được lại rầy. Nếu không thương cháu, thì ông đâu có nuôi cháu cho tới ngày hôm nay?

Tôi cãi:

- Cha cháu sanh cháu ra thì phải nuôi cháu chứ? Nhưng ổng không có thương cháu.

- Ông không có bổn phận gì hết, bởi vì ông đâu phải là…

Bà chợt ngưng bặt, như biết mình vừa lỡ lời, bà vội vàng dánh trống lảng:

- Ồ bà lại quên vặn nhỏ lửa nồi cơm rồi, không khéo lại khét mất thôi.

Bà đứng dậy đi xuống bếp, khi trở lại, bà nói:

- Ở đời chẳng có ai hoàn hảo cả cháu ạ, làm cha mẹ cũng thế, rất khó mà san sẻ tình thương cho đồng đều. Tình trạng con yêu, con ghét là tình trạng thường xảy ra trong nhiều gia đình nghèo mà đông con. Cha cháu phải làm việc vất vả nên hay cau có gắt gỏng vô lý, cháu đừng lấy thế làm buồn. Thôi đừng thắc mắc nữa, cháu có tình thương của mẹ, của bà, không đủ hay sao?

Vừa nói bà vừa nhìn tôi bằng đôi mắt vô cùng hiền từ, vô cùng trìu mến. Tôi ôm chặt lấy bà khóc thút thít. Nhưng dần dà rồi tôi cũng hiểu được sự thực khi tôi lớn khôn hơn một chút. Khi tôi sắp sửa thi tiểu học thì phải nộp giấy khai sanh, tôi chợt để ý là trong khai sanh, tôi mang họ Nguyễn là họ của mẹ chứ không mang họ Đỗ là họ của cha như các em tôi. Đó là bằng cớ hiển nhiên tôi chỉ là con riêng của mẹ, chứ không phải là con của người đàn ông mà tôi vẫn gọi bằng cha từ thuở nào đến giờ. Tôi hỏi mẹ:

- Vậy thì cha thật của con là ai?

Biết không thể dấu diếm được mãi, mẹ tôi bắt đầu kể:

- Quê ngoại con ở Sóc Trăng, một vùng làng mạc hẻo lánh, dân chúng đa số sống bằng nghề trồng trọt hoặc làm ruộng, làm rẫy. Ông bà ngoại có một vườn cây ăn trái, hoa lợi vừa đủ ăn, ông bà còn thêm nghề chăn nuôi gia súc, nên cuộc sống tuy đầy đủ, nhưng khá vất vả cực nhọc. Thế rồi thời cuộc biến đổi, chiến tranh lan tràn, Mỹ đổ quân vào Việt Nam đông lắm, ở đô thị mọc lên như nấm đủ mọi thứ nghề sống dựa vào người Mỹ, những nghề không phải lao động vất vả, mà vẫn kiếm được nhiều tiền, cực thịnh nhất là nghề bán bar, nghề làm gái nhảy ở trong các vũ trường và nghề làm sở Mỹ... Ở làng mình đã có nhiều cô gái bỏ quê lên tỉnh, để đi tìm bả vinh hoa, mẹ cũng là một trong số những người đó. Lúc bấy giờ mẹ mới mười bảy tuổi, cái tuổi mộng mơ chưa chín chắn, mẹ nổi tiếng xinh đẹp nhất làng. Thế rồi năm mẹ 18 tuổi, mẹ bị người ta dụ dỗ di Sài Gòn để làm sở Mỹ. Ông bà ngoại ngăn cản nhưng mẹ nhất quyết không nghe, nghĩ đến tương lai phải lấy một người chồng nhà quê chân lấm tay bùn, tiếp tục sống cuộc đời lam lũ nơi đồng ruộng, mẹ chán lắm. Mẹ muốn đổi đời, mẹ mơ được ở nhà lầu, mẹ mơ một cuộc sống sang giàu có kẻ hầu người hạ, mẹ muốn được mặc quần áo đẹp, đeo nữ trang lấp lánh kim cương. Mẹ ao ước được ngồi trong những chiếc xe bóng lộn có máy lạnh và đủ thứ tiện nghi… toàn là những thứ mà cuộc sống ở dưới quê không sao có được. Mẹ nhìn những cô gái cùng làng đi xa trở về thăm nhà, người nào cũng đẹp lộng lẫy với môi son má phấn, phục sức sang trọng, vàng đeo đỏ tay, với cặp mắt thèm thuồng. Thế rồi một hôm mẹ lén bỏ nhà trốn theo một người đàn bà dắt mối. Lên đến Sài Gòn, mẹ được đưa đi uốn tóc, làm móng tay, mẹ được mặc những quần áo đúng mốt thời trang, mẹ được dạy cách trang điểm, cách ăn nói, đi đứng, được học khiêu vũ v..v.. Chỉ trong có vài tháng mẹ đã hoàn toàn lột xác, trở thành một con người mới, con người thanh lịch của thành thị, và mẹ được đưa vào làm ở trong một vũ trường. Tới đây, mẹ mới bắt đầu sáng mắt, cuộc sống không dễ dàng như mẹ vẫn tưởng. Cùng với các cô gái khác, mẹ bị bọn chủ chứa bóc lột tàn nhẫn, mẹ bị bắt buộc phải đi khách, bởi vì nghề vũ nữ cũng như nghề bán bar đều là những nghề phải dùng sắc đẹp để mồi chài, quyến rũ và moi tiền của bọn đàn ông hiếu sắc. Khi biết được sự thật thì đã quá muộn, không tài nào rút chân ra được, bọn chủ chứa dùng mọi thủ đoạn và bạo lực để ngăn cản con mồi của họ trốn thoát. Thôi thì đã lỡ bước sa chân, mẹ phải tiếp tục đi nốt con đường lầm lỡ, mẹ sống bằng nghề vũ nữ, cho tới ngày gặp cha con, một người lính da đen trong quân đội của Hoa Kỳ. Ông ta tội nghiệp hoàn cảnh của mẹ và thương mẹ lắm, ông muốn cứu vớt mẹ, nên đã bỏ ra một số tiền lớn để chuộc mẹ từ trong tay bọn chủ chứa. Mẹ không yêu ông ta, nhưng được thoát khỏi phải đi khách là mẹ mừng. Mẹ làm vợ ông ta được hai năm thì có thai con, vừa lúc đó cha con phải đi công tác, hay đi hành quân ở nơi nào đó, ông không nói rõ vì phải bảo mật. Ông hẹn với mẹ vài tháng sẽ trở lại, nhưng rồi ông đi luôn không bao giờ về nữa, ông biệt tích từ dạo đó, không liên lạc, không thư từ và cũng không để lại địa chỉ. Khỏi phải nói lúc đó mẹ đã điêu đứng khổ sở thế nào với đứa con còn bế trên tay, nhưng mẹ nhất quyết không trở lại nghề cũ. Mẹ về quê, lạy ông bà ngoại xin tha thứ, và gởi con để đi làm, mẹ làm đủ mọi nghề vất vả nhưng lương thiện để kiếm tiền nuôi con. Vất vả như vậy nhưng mẹ vẫn đẹp, một cái đẹp quyến rũ của người đàn bà một con, mẹ bỏ ngoài tai những lời ong bướm, mẹ quyết tâm làm lại cuộc đời, mẹ không ham những đồng tiền bẩn thỉu, mẹ chỉ muốn làm một người đàn bà nghèo nhưng lương thiện. Thế rồi mẹ gặp một người thợ sửa xe hơi goá vợ, yêu mẹ thật lòng, bằng lòng lấy mẹ, chấp nhận dĩ vãng của mẹ, cũng như bằng lòng cưu mang con, đó là cha nuôi của con bây giờ…

Tôi nghe mẹ kể mà bàng hoàng như người từ trên cung trăng rơi xuống. Biết được sự thật, tôi không còn oán trách cha nuôi của tôi đã không công bằng, trái lại, tôi còn biết ơn ông tuy không có công sinh thành, nhưng cũng có công dưỡng dục, không giống như người cha ruột thịt của tôi và bao nhiêu những người đàn ông vô trách nhiệm khác, sanh con bừa bãi rồi bỏ rơi, bỏ mặc những đứa trẻ vô tội sống tăm tối trong một xã hội đầy những thành kiến. Tôi đã từng trông thấy những đứa bé lai như tôi đi ăn xin trên hè phố, sống lây lất như những con thú hoang, trong khi cha ruột của chúng phè phỡn vợ nọ con kia, sống cuộc sống sang giàu. Có bao giờ họ nghĩ đến hòn máu rơi tội nghiệp của họ bây giờ thế nào, sống chết ra sao? Họ chẳng cần biết, lương tâm của họ ngủ yên, hay họ không có lương tâm?

Mẹ nhìn tôi, đôi mắt buồn vời vợi:

- Mẹ đặt tên con là Thiên Lý, vì cha con ở ngàn dặm xa …

Ôi người mẹ tội nghiệp! Tình mẹ thật bao la, trong lòng con, mẹ là người mẹ cao cả nhất, đáng tôn vinh nhất, vì mẹ đã chịu bao nhiêu đắng cay khổ nhục để con được ra đời, mẹ không quản gian lao vất vả nuôi con khôn lớn. Tôi ôm mẹ thật chặt và hai mẹ con cùng khóc.

* * *
Từ khi biết mình chỉ là một đứa con nuôi, tôi thủ phận lắm, không còn ghen hờn với các em tôi nữa. Đi học về, tôi cố gắng phụ với bà ngoại làm công việc nhà, ẵm em để cho mẹ được rảnh rang đôi chút, tôi ngoan ngoãn làm tất cả mọi việc cha tôi sai bảo, cố để đổi lấy một chút tình thương. Nhưng cha tôi vẫn nhìn tôi bằng những cái nhìn hằn học, hình như sự hiện diện của tôi gợi lại cái dĩ vãng không đẹp của mẹ tôi, nên làm ông bực mình. Ở trường học cũng không hơn gì, tất cả mọi người, từ bạn bè cho đến các thầy giáo, cô giáo đều biết tôi chỉ là một đứa con hoang, hơn nữa lại là một tạp chủng da đen, nên tuy không nói ra, nhưng họ vẫn nhìn tôi với những ánh mắt khinh miệt. Tôi học giỏi, nên càng tạo thêm ganh ghét. Có lần lũ bạn ác ý xì xào với nhau rồi nói rõ to lên, cốt để cho tôi nghe thấy:

- Cái ngữ ấy học giỏi để mà làm gì, rồi mai mốt lớn lên cũng ra đứng đường thôi!

Câu nói mới ác độc làm sao, làm tim tôi đau thắt. Tôi rơi nước mắt tủi cho phận mình, dù nghèo nhưng tôi vẫn giữ phẩm giá, tôi chưa bao giờ làm điều gì xấu xa cả, thế mà tại sao tôi lại phải hứng chịu những sự khinh miệt? có phải chỉ vì tôi da đen? có phải chỉ vì tôi là một đứa con lai, mang hai giòng máu? Xin mọi người hãy dẹp bỏ thành kiến, không phải những đứa con hoang nào cũng là những cặn bã của xã hội cả đâu. Tôi đã cố gắng vươn lên, xin hãy cho tôi hy vọng, xin hãy mở rộng vòng tay, cho tôi có quyền bình đẳng làm người. Dù da tôi màu gì, tôi cũng vẫn là một người lương thiện, và tôi mang trong người một nửa dòng máu da vàng, sao họ không nhìn thấy khía cạnh này, và cho tôi hòa nhập vào với cộng đồng của họ? Quê hương tôi là đây, tôi sanh ra ở đây, tôi nói tiếng Việt Nam, tôi mang một cái tên Việt Nam, tôi theo phong tục của người Việt Nam... Nhưng màu da của tôi vẫn khác người Việt Nam, có lẽ vì vậy nên không ai công nhận tôi là đồng bào của họ. Tôi sống cô đơn giữa những người không cùng một màu da, những đứa trẻ lai da trắng thì còn đỡ, vì chúng xinh đẹp dễ coi, còn tôi, màu da đen đúa của tôi làm cho tôi tủi nhục. Tôi thường khóc thầm trong đêm khuya, cầu nguyện một phép mầu cho cuộc đời của tôi thay đổi.

Mẹ tôi vất vả nên chẳng có thì giờ hỏi han hoặc an ủi tôi, bà lại sợ cha tôi, nên thường làm ngơ mỗi khi tôi bị cha đánh mắng dù hết sức vô lý, bà chẳng bao giờ dám bênh vực tôi, vì như vậy có khác gì đổ dầu vô lửa, chọc cho ông giận thêm. Những khi đau khổ, tôi chỉ tìm an ủi nơi bà ngoại, nhưng từ khi bà ngoại mất đi, thì tôi hoàn toàn cô đơn. Tôi vùi đầu vào việc học, vì tôi biết chỉ có học vấn mới có thể giúp tôi vươn lên khỏi cuộc sống tối tăm. Mộng ước của tôi là trở thành một bác sĩ, tôi sẽ đem sự hiểu biết, và tài năng ra để chữa khỏi các bệnh tật, xoa dịu những đau khổ của con người. Nhưng đó chỉ là mộng, ở đời mấy khi mộng sẽ biến thành thật, nhất là đối với những kẻ kém may mắn như tôi. Tôi mộng quá cao và thực tế thì khác xa với mộng.

Năm tôi mười bảy tuổi, sắp sửa thi Tú tài, thì cha tôi bắt tôi phải nghỉ học để đi làm kiếm sống. Tôi không phản đối, vì nghĩ cũng phải, tôi không thể làm gánh nặng lâu dài của một người cha hờ, không cùng huyết thống, được ông cưu mang cho tới giờ này tôi biết ơn ông lắm, thiếu gì những đứa trẻ lai như tôi phải sống lang thang nơi đầu đường xó chợ. Những đứa bé này, không may mồ côi mẹ, cha còn sống nhưng ở tận phương trời xa không thèm ngó ngàng, chúng biết trông cậy vào ai? Hoàn cảnh xã hội đẩy chúng ra lề đường kiếm sống một mình khi còn nhỏ dại, chúng không có tuổi thơ, không có tương lai. Ôi những người cha vô tình, những người đã tạo ra chúng bây giờ đang ở đâu? Có đau lòng không khi nhìn thấy những cảnh này? Hay họ chỉ coi những cuộc tình qua đường như một trò chơi, xong rồi thì phủi tay, không cần biết đến hậu quả.

Tôi làm công nhân trong một hãng dệt, an phận sống cuộc đời của một tiểu tư chức, sáng đi tối về. Lúc này tôi đã trở thành một thiếu nữ nhan sắc mặn mòi, không còn xấu xí như khi còn bé, da tôi mởn ra, vẫn còn đen nhưng không xỉn, pha trộn với màu da của mẹ, da tôi có màu bánh mật đậm đà. Tóc tôi quăn tự nhiên, và vì tôi biết cách chăm sóc nên không còn khô như rơm, mà trở nên óng ả mịn màng, cặp mắt tôi to tròn đen láy với hai hàng mi cong. Ngoài ra tôi còn có một thân hình rất đẹp, khỏe mạnh và nẩy nở toàn diện. Tóm lại, tôi đang trổ mã và đang ở vào cái thời điểm đẹp nhất của đời người con gái, tuổi dậy thì. Nhan sắc của tôi lọt vào mắt xanh của Phong, con trai của một người thợ dệt làm cùng hãng. Phong hai mươi bốn tuổi, là sinh viên sư phạm tiểu học năm chót, dáng người chàng cao ráo đẹp trai, nhưng tính tình thì nhút nhát. Phong đưa đón cha đi làm hàng ngày, nên đã nhiều lần gặp tôi. Dần dà, dù không đưa đón cha, chàng vẫn tìm cách lén lút gặp tôi ngoài giờ làm việc. Tình yêu nảy nở, chàng thề non hẹn biển sẽ cùng tôi nên vợ nên chồng, tôi cũng yêu Phong với tất cả say đắm của mối tình đầu. Trong một phút yếu lòng, tôi đã trao cho chàng cái trinh tiết quí báu nhất của đời người con gái. Phong hứa hẹn sẽ cưới tôi sau khi ra trường, chàng vẽ ra một tương lai đầy hứa hẹn:

- Chúng ta sẽ về một tỉnh nhỏ, ở đó anh sẽ đi dạy học, còn em ở nhà trông con, chúng ta sẽ sống một cuộc đời giản dị nhưng hạnh phúc. Đồng ý không em?

Tôi gật đầu liền, tôi thực tế lắm rồi, đâu dám mơ ước cao sang, làm vợ một giáo viên tiểu học, cái mộng ấy đơn sơ lắm, khiêm tốn lắm, đâu có gì là quá đáng, và tôi yên lòng chờ đợi.

Thế nhưng khi Phong ngỏ lời muốn cưới tôi, cha mẹ chàng cực lực phản đối với những lý lẽ:

- Cái giống con hoang, cái đồ lai căng đó, quí báu gì mà rước về làm vợ?

Cha chàng cũng nói:

- Trời ơi, sao mà mày ngốc đến thế? Cái ngữ ấy chơi qua đường thì được, rước về làm vợ, tao sẽ nhục nhã với họ hàng.

Và họ nói thẳng vào mặt tôi:

- Xin cô hãy buông tha cho con tôi, đừng làm hỏng tương lai của nó. Gia đình tôi tuy nghèo, nhưng giấy rách vẫn giữ lấy lề, Phong là con trai duy nhất của chúng tôi, nó phải lấy vợ đàng hoàng tử tế, con nhà nền nếp. Cô là một đứa con hoang, giọt máu rơi của một tên da đen mọi rợ, mẹ cô lại có một dĩ vãng không ra gì. Không bao giờ chúng tôi chấp nhận cô về làm dâu con trong gia đình chúng tôi đâu.

Sửng sốt bất ngờ như vừa bị tạt nước lạnh vào mặt, tôi lùi lại, nhìn thẳng vào mặt họ, tôi nói giọng căm phẫn:

- Tôi không may bị cha bỏ rơi, đó không phải là cái tội của tôi. Màu da của tôi cũng thế, tôi đâu có quyền chọn lựa? Tôi là một người lương thiện, không làm điều gì trái với lương tâm, không hề đánh mất nhân phẩm. Ông bà đừng tưởng rằng những đứa con lai chúng tôi đều là những đống giẻ rách cả đâu. Có thiếu gì người bề ngoài ra vẻ đạo đức, mà trong bụng thì bất nhân, không có tình người. Những người như vậy thì quí hóa gì mà tôi phải lạy lục để xin làm dâu con của họ?

Hai người hơi bất ngờ, vì không dè tôi dám ăn nói như vậy, mặt họ trở nên tím ngắt. Sau phút bàng hoàng, bà ta lồng lên xỉa xói:

- Cái con da đen mất dạy kia, cút ngay ra khỏi nhà bà!

- Bà khỏi mời, tôi cũng muốn rời khỏi cái căn nhà hắc ám này ngay tức khắc. Đừng có mà làm phách, bà tưởng tôi sẽ phải quì lạy để ăn mày tình thương của bà chăng? Bà lầm rồi.

Từ đầu tới cuối, Phong chỉ cúi đầu đứng im không nói một câu, thái độ chịu đựng, nhút nhát đến hèn hạ. Sau lần đó, Phong và tôi cắt đứt liên lạc, chàng trách:

- Sao em ăn nói hỗn hào, ngang bướng như thế? Em không hiểu rằng trong xã hội mình, cha mẹ vẫn có toàn quyền đối với con cái? Lẽ ra cứ để từ từ, anh sẽ tìm cách giải quyết, em làm như vậy sao còn có thể cứu vãn được nữa?

Tôi cười cay đắng:

- Sao anh không tự hỏi em đã làm gì để phải chịu sự xỉ nhục quá đáng như thế? Sao anh không dám đứng lên bênh vực cho em? Anh bảo cứ từ từ, để rồi anh sẽ làm gì? Anh tưởng rằng anh có thể phá vỡ cái thành kiến đã truyền từ bao nhiêu đời của cha mẹ anh? Em không tin thế, trừ khi anh có can đảm vượt quyền cha mẹ để tự do kết hôn, anh có dám công khai cưới em không?

Phong không trả lời, bản chất là một con người yếu đuối nhu nhược, chàng không làm được việc đó. Chúng tôi đồng ý chia tay, tôi đau đớn lắm, mất Phong là mất tất cả, mất tình yêu đầu đời, mất sự trong trắng của người con gái đã đành, tôi còn mất cả niềm tin và sự vui sống nữa. Nhưng thà là như vậy mà còn hơn, chứ yêu nhau mà không đi đến hôn nhân thì yêu nhau làm gì? Tuy đau khổ nhưng tôi nhất định không tìm cái chết, chết như vậy thật là uổng phí, tôi nhất dịnh phải sống, sống cho tới cùng.

Lúc bấy giờ phong trào con lai được đi Mỹ đang rầm rộ, vì yêu Phong nên tôi không màng để ý. Tôi chỉ muốn ở lại Việt Nam, lấy một người chồng Việt Nam, sống như bao nhiêu người Việt Nam khác trên mảnh đất của quê mẹ. Mảnh đất này tuy có dung chứa chúng tôi, nhưng trong suốt quãng đời từ khi thơ ấu cho đến khi trưởng thành, cuộc đời của đa số những đứa con lai chúng tôi thường thì nước mắt nhiều hơn tiếng cười. Cái quá khứ tối tăm ấy bây giờ sắp được đền bù bằng một tương lai sáng sủa: chúng tôi sắp được tới miền đất hứa, chúng tôi sắp được trở về quê cha. Chao ôi là cảm động, một cuộc đổi đời lớn lao! Bọn con lai chúng tôi trước đây bị khinh miệt bao nhiêu thì bây giờ được nịnh bợ bấy nhiêu.

Chúng tôi bây giờ có giá lắm, nhiều người đã bỏ ra những số tiền lớn để được làm cha mẹ nuôi của những đứa con lai mồ côi. Nhìn các bạn bè bàn tán xôn xao, tôi cũng không khỏi hồi hộp tự hỏi không biết qua bên xứ lạ, cuộc đời của mình rồi sẽ thay đổi ra sao? Chỉ có một số ít những người may mắn được cha mong đợi, đó là những người cha có trách nhiệm, họ tìm kiếm và trông chờ dịp này từ lâu rồi, bây giờ mới là dịp cha con đoàn tụ sau mấy chục năm xa cách. Nhìn họ vui mừng mà tôi không khỏi tủi thân, tôi có được cha tôi chờ đón đâu, chẳng biết bây giờ cha tôi đang ở đâu? Cha tôi chưa hề biết đến sự hiện hữu của tôi, và tôi cũng không biết gì về ông cả, ngoài cái tên Mike Thompson, một cái tên rất phổ thông của người Mỹ. Có thể cha tôi còn sống nhưng đã có vợ con khác, và đang sống một cuộc sống ấm êm hạnh phúc, quên hẳn là đã có một đứa con rơi. Nếu vậy tôi cũng chẳng cần tìm ông làm gì, tôi không thèm ăn mày tình thương của một người cha vô trách nhiệm. Nhưng cũng có thể cha tôi đã bỏ mình trong cuộc chiến ở Việt Nam dạo đó. Đáng thương cho cha, dù chưa bao giờ được thấy mặt cha, nhưng con rất hãnh diện được làm con của một người lính chiến đã hy sinh cho tổ quốc.

Không hy vọng tìm được cha, tôi đi xa lần này là mong một cuộc đổi đời, xa rời mảnh đất có những kỷ niệm mỗi khi nhắc đến vẫn làm cho tim tôi rớm máu, quên đi mối tình đầu bị trắc trở, chỉ vì sự kỳ thị con lai. Tôi ra đi để mong tìm một sự thay đổi, hy vọng sẽ tìm được một vùng trời mới, một vùng trời tôi có thể sống bình đẳng như mọi người. Từ dạo biết được quyết định của tôi bằng lòng đi Mỹ, cha nuôi của tôi thay đổi hẳn thái độ, ông tỏ ra săn sóc, chiều chuộng tôi, và đôi khi còn xun xoe nịnh bợ nữa, cũng là sự thường thôi, con người đa số đều tầm thường, có mấy ai cao cả như thánh sống. Cha nuôi cưu mang tôi ngần ấy năm cũng đã là tốt rồi, dù sao tôi cũng biết ơn ông, và đây là dịp để cho tôi báo đáp.

Nước Mỹ đón tiếp tôi không có gì đặc biệt như tôi vẫn tưởng. Chỉ sau vài tháng, những người trên mười tám tuổi đều phải đi tìm việc làm. Vì ít học, nên tôi phải làm những nghề lao động chân tay, tôi xin được việc làm trong một viện dưỡng lão, phải vất vả lắm mới có được miếng ăn. Tôi không phàn nàn về việc đó, chỉ hơi thất vọng khi thấy cuộc sống ở đây thật sự không giống như tôi vẫn tưởng tượng khi hồi còn ở Việt Nam. Nước Mỹ không phải là thiên đàng, ở đây cũng có những người nghèo khổ, cũng có những bệnh tật mà khoa học đành phải bó tay, không phải như nhiều người trong nước còn tưởng rằng bất cứ bệnh nan y nào, qua đến bên Mỹ đều được chữa khỏi tắp lự, làm như có phép thần thông vậy, nghĩ thật buồn cười. Hàng ngày phải nhìn thấy những bệnh nhân rên xiết, chết dần chết mòn trên giưòng bệnh, tôi không khỏi thương cảm. Trong cuộc tranh sống, ở đâu cũng có những khó khăn của nó, muốn vượt qua thì phải cố gắng, nước Mỹ là nước của cơ hội, nhưng muốn vươn lên, phải trông ở chính mình.

Ngoài giờ làm việc ở viện dưỡng lão từ 4 giờ chiều, ban ngày tôi ghi danh học ngành y tá điều dưỡng. Tôi biết, muốn thoát khỏi cảnh đời tăm tối, thì phải chịu khó, vì chỉ có cái học mới có thể đem lại những thay đổi tốt đẹp cho cuộc sống.

Sau bốn năm cố gắng, sau cùng tôi đã tốt nghiệp với mảnh bằng y tá registered nurse, và xin được việc làm trong một bệnh viện. Đời sống bắt đầu dễ thở hơn trước nhiều, cả về tinh thần cũng vậy. Trước đây, hồi còn ở Việt Nam, tôi có mặc cảm da đen, nhưng qua đến bên này, mặc cảm đó không còn nữa, phần vì quan điểm thẩm mỹ thời nay có khác xưa, ở đây, người ta không ưa những nước da quá trắng nên thường tắm nắng , và thoa "sun tan lotion" cho da có màu nâu hồng khỏe mạnh. Nhưng chính yếu là vì nước Mỹ là hiệp chủng quốc đủ mọi sắc dân, đủ mọi màu da. Màu da bánh mật của tôi không có gì đặc biệt cả, không nổi bật trong đám đông, không gợi sự chú ý của mọi người chung quanh với những cái nhìn tò mò và những cái trề môi chế diễu. Người Mỹ phần lớn đều lịch sự, và rất trọng nhân cách cũng như đời tư của người khác, ít có ai nhìn chăm chăm vào một người nào đó, cho dù hình dáng có dị biệt. Tôi sống một cách thoải mái, không mặc cảm. Dần dà từng bước một, tôi hội nhập vào xã hội mới, và cảm thấy tự tin, yêu đời hơn trước. 

Cuộc sống tình cảm của tôi cũng có một thay đổi quan trọng. Trong một buổi họp mặt của hội đoàn những đứa con lai, bây giờ đã trưởng thành cả, tôi gặp Trọng là một người cũng lai như tôi. Trọng quê ngoại ở Đà Nẵng, qua Mỹ đã hơn sáu năm, Trọng đã học xong lớp computer programmer và đang làm trong một hãng điện tử. Chúng tôi thân nhau lắm, và thường tâm sự, kể cho nhau nghe về gia đình, về cái quá khứ điêu linh, về tuổi thơ rách nát, về những khó khăn trong cuộc sống hiện tại, và những dự tính trong tương lai...

Ít lâu sau, Trọng ngỏ ý yêu tôi và muốn cưới tôi. Không dấu giếm, tôi kể hết cho Trọng nghe về dĩ vãng của tôi, về mối tình đầu tan vỡ của tôi với Phong, vì những kỳ thị của gia đình hắn. Trọng chấp nhận tất cả, chàng nói:

- Dĩ vãng là dĩ vãng, hãy cho cái dĩ vãng không đẹp đó đi vào quá khứ và quên nó đi. Chúng ta còn trẻ, tương lai mới là quan trọng, anh yêu em và muốn cưới em, em bằng lòng làm vợ anh không?

Tôi ngần ngại:

- Em chưa sẵn sàng.

Trọng hỏi giọng lo lắng:

- Còn trở ngại gì nữa?

- Em chưa thực hiện được giấc mơ của em, một giấc mơ em vẫn ấp ủ trong lòng từ khi mới đến tuổi hiểu biết …

- Giấc mơ gì vậy?

- Em muốn trở thành một bác sĩ.

Trọng thở ra nhẹ nhõm:

- Vậy mà em làm anh suýt đứng tim. Tưởng gì chứ chỉ có thế, anh sẽ giúp em thực hiện giấc mộng đó, cưới nhau rồi, anh sẽ đi làm để cho em đi học.

- Không! em chỉ muốn tự lập chứ không muốn làm gánh nặng cho anh, em muốn dùng chính sự cố gắng của mình để vươn lên.

Trọng dí ngón tay vào trán tôi, mắng yêu:

- Được rồi cô bé bướng bỉnh ạ, cô muốn thế nào tôi cũng xin chiều. Nhưng cô đã suy nghĩ kỹ chưa? thì giờ đâu?

- Em chỉ đi làm vài giờ vào buổi tối thôi. Hồi mới qua, em đi làm full time mà còn có thể học ra y tá, lần này học bác sĩ sẽ khó khăn hơn, em chỉ đi làm part time thôi, thiếu gì người vừa đi làm vừa đi học?

- Sẽ vất vả lắm đấy!

- Ở đời có sự thành công nào mà không phải cố gắng? nhất là bên em sẽ có anh là người sẽ an ủi, khuyến khích, và hỗ trợ cho em lên tinh thần.

Trọng cười tươi như hoa:

- Em nói thế là em đã chấp nhận lời cầu hôn của anh? Em bằng lòng làm vợ anh rồi, phải không?

Tôi gật đầu, Trọng kéo tôi lại gần, hôn phớt lên tóc tôi, hai đứa ôm nhau thật chặt, hai trái tim cùng đập chung một nhịp. Mắt tôi ướt lệ, tôi ngả đầu vào ngực chàng, thổn thức khóc vì sung sướng. Sau cùng thì tôi đã tìm thấy hạnh phúc, hạnh phúc thật sự, lần này thì tôi tin rằng tôi đã tìm đúng đối tượng của tình yêu. Sau cùng và quan trọng hơn cả là tôi đã được quê hương mới, quê cha đón nhận và cho tôi tình người. Nơi đây tôi sẽ thực hiện những giấc mơ tôi hằng ao ước, chỉ cần có ý chí và quyết tâm cố gắng, nhất định tôi sẽ thành công. Xin cám ơn nước Mỹ đã cho tôi cơ hội có thể ngẩng cao đầu bằng với mọi người, xin cám ơn Thượng đế đã cho tôi tìm được một chân trời mới.

PHƯƠNG - LAN

No comments:

Blog Archive