Cuộc đảo chính gây ra xung đột Ukraine
Tác giả : Augusto Zimmermann
Biên dịch : Huyền Anh Nguồn: NTD VN
Các quân nhân của Lực lượng Quân sự Ukraine tham dự một cuộc diễn tập quân sự với các bệ phóng tên lửa phòng không hạng nhẹ Thế hệ mới (NLAW) Thụy Điển-Anh tại bãi bắn của Trung tâm Gìn giữ Hòa bình và An ninh Quốc tế, gần thành phố Lviv, miền Tây Ukraine vào ngày 28/1/2022. (AFP qua Getty Images)
Theo cách tường thuật phổ biến của truyền thông hiện nay, việc Nga xâm lược Ukraine hoàn toàn là lỗi của Tổng thống Vladimir Putin. Nó cho rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là một "cuộc xâm lược vô cớ" chống lại một quốc gia dân chủ và ông Putin là một "kẻ độc tài giết người", với mong muốn hồi sinh đế chế Liên Xô đã tan rã và thậm chí có thể tìm cách khuất phục các nước châu Âu khác để đạt được mục tiêu này.
Để đưa ra một ví dụ, tờ The Sun của Anh thậm chí còn so sánh ông Putin với Hitler. Theo bài xã luận, "điều tối quan trọng, như vào năm 1939, các dân tộc tự do của phương Tây cần phải đánh bại cái ác mới xấu xa này, tên Hitler trong thời đại của chúng ta".
Tuy nhiên, nếu xem xét cẩn thận cuộc khủng hoảng Ukraine, quý vị sẽ thấy câu chuyện này còn tiềm ẩn nhiều góc khuất mà chỉ một trong số đó là đang được kể.
Ông John J. Mearsheimer là Giáo sư Khoa học Chính trị của R. Wendell Harrison tại Đại học Chicago. Trong nhiều năm, ông đã tuyên bố rằng cách tiếp cận của Nga đối với Ukraine chủ yếu là do “sự can thiệp của phương Tây”.
Ông Mearsheimer lập luận rằng Hoa Kỳ, trong việc thúc đẩy mở rộng NATO về phía đông, "đã làm tăng khả năng xảy ra chiến tranh giữa các cường quốc vũ trang hạt nhân và tạo cơ sở" cho lập trường hung hăng của Nga đối với Ukraine.
Liên quan đến Ukraine, ông nhận xét rằng cho đến năm 2014, không ai hình dung việc mở rộng NATO và EU là các chính sách nhằm kiềm chế Nga và không ai nghiêm túc nghĩ rằng Nga là một mối đe dọa trước ngày 22/2/2014.
Ông Mearsheimer tiếp tục, nói rằng “Thực tế là cuộc khủng hoảng lớn này nổ ra, và chúng ta phải đổ lỗi, tất nhiên chúng ta sẽ không bao giờ đổ lỗi cho bản thân. Chúng ta sẽ đổ lỗi cho người Nga. Vì vậy, chúng ta đã bịa ra câu chuyện này rằng Nga đang muốn gây hấn ở Đông Âu. Ông Putin quan tâm đến việc tạo ra một nước Nga vĩ đại hơn, hoặc thậm chí có thể tái tạo Liên bang Xô Viết ”.
Do đó, ta cần phải xác định chắc chắn những gì đã xảy ra với Ukraine vào năm 2014 - một cuộc đảo chính được hậu thuẫn bởi chính phủ Mỹ, cụ thể hơn là bởi chính quyền Obama lúc bấy giờ.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama bắt tay Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trong Phòng Bầu dục tại Nhà Trắng ở Washington, vào ngày 18/9/2014. (Ảnh Getty Images)
Với chiến thắng của ứng cử viên thân Nga, Victor Yanukovych, trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraine năm 2010, quốc hội nước này cùng năm đó đã bỏ phiếu từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO (pdf).
Tuy nhiên, Tổng thống Yanukovych, một nhà lãnh đạo được bầu một cách dân chủ, đã bị cách chức một cách tùy tiện và vi hiến vào tháng 2/2014.
Trước cuộc đảo chính đó, vào tháng 12/2013, cố Thượng nghị sĩ John McCain, khi đó là người có tiếng nói hàng đầu của Đảng Cộng hòa về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, đã nói với các nhà lãnh đạo phe đối lập Ukraine đóng quân trên quảng trường chính của Kyiv rằng, “Ukraine sẽ làm cho châu Âu tốt hơn và châu Âu cũng sẽ làm cho Ukraine tốt hơn. Và định mệnh mà quý vị đang kiếm tìm nằm ở Châu Âu”.
Để hiểu tại sao việc phế truất Tổng thống Yanukovych là vi hiến, cần phải xem xét một số sự kiện về Hiến pháp Ukraine.
Hiến pháp Ukraine liệt kê bốn trường hợp mà một tổng thống được bầu có thể ngừng thực thi quyền lực trước khi kết thúc nhiệm kỳ của họ: nghỉ hưu; không có khả năng thực hiện quyền hạn của mình vì lý do sức khỏe; cách chức bằng thủ tục luận tội; và cái chết.
Quy trình luận tội được quy định tại Điều 111, trong đó yêu cầu Quốc hội Ukraine thành lập một ủy ban điều tra tạm thời đặc biệt để đưa ra các cáo buộc chống lại tổng thống, tìm kiếm bằng chứng để biện minh cho các cáo buộc và đưa ra kết luận về tội của tổng thống.
Trước khi có cuộc bỏ phiếu luận tội cuối cùng, quy trình này cũng yêu cầu Tòa án Hiến pháp của quốc gia xem xét lại vụ việc và xác nhận rằng, mọi thủ tục đã được tuân thủ đúng đắn và Tòa án tối cao Ukraine xác nhận rằng, những hành vi mà tổng thống bị buộc tội là đáng bị luận tội.
Cuối cùng, việc loại bỏ một tổng thống được bầu ra khỏi chiếc ghế quyền lực phải được ít nhất 3/4 số thành viên Nghị viện thông qua.
Vào ngày 22/2/2014, quá trình luận tội này hoàn toàn không được tuân theo. Không có ủy ban điều tra nào được thành lập và không có tòa án nào tham gia vào việc phế truất tổng thống. Thay vào đó, một dự luật đã được Quốc hội gấp rút thông qua nhằm phế truất Tổng thống Yanukovych khỏi văn phòng của ông, mặc dù điều này thậm chí không được 3/4 thành viên Quốc hội ủng hộ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện với Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych trong một buổi lễ ký kết tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga, vào ngày 17/12/2013. (Ảnh Getty Images)
Nhân cơ hội đó, Tổng thống Nga Putin đã lập luận rằng đây là một cuộc lật đổ vi hiến đối với một tổng thống được bầu cử dân chủ. Ông gán cho đây là một "cuộc đảo chính" và đặt câu hỏi về tính hợp pháp của quá trình này trong cuộc họp báo của ông vào ngày 4/3/2014.
“[Luận tội] phải có sự tham gia của Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao và Rada (quốc hội đơn viện của Ukraine). Đây là một thủ tục phức tạp và kéo dài. Nhưng nó đã không được thực hiện. Do đó, dưới góc độ pháp lý thì đây là một thực tế không thể bàn cãi”, ông Putin nói.
Khi cuộc “đảo chính” đó của Quốc hội Ukraine thành công trong việc trục xuất tổng thống đắc cử của đất nước, Tổng thống Mỹ lúc đó là Barrack Obama đã đánh lừa cộng đồng quốc tế bằng cách che giấu việc áp đặt một chính phủ thân phương Tây đối với “nước láng giềng chính trị và thần kinh nhất của Nga”.
Ngay sau khi một chính phủ mới được thành lập, họ tuyên bố không thể kiểm soát được phản ứng của dân chúng đối với cuộc đảo chính đó ở miền đông đất nước. Chính phủ Mỹ sau đó cáo buộc Nga gây bất ổn cho Ukraine, do đó nhằm mục đích biến Nga thành một “quốc gia pariah” - tức là một quốc gia được coi là một kẻ bị ruồng bỏ bởi cộng đồng quốc tế.
Kể từ đó, Ukraine chưa bao giờ có một chính phủ theo đúng chức năng.
Nga gần như ngay lập tức trả đũa bằng cách sáp nhập khu vực Crimea, vào tháng 3/2014, nhưng chỉ sau một cuộc trưng cầu dân ý không được Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây công nhận.
Người dân Crimea, phần lớn nói tiếng Nga, đã bỏ phiếu áp đảo để gia nhập Liên bang Nga.
Viết cho đảng Bảo thủ Hoa Kỳ, chuyên gia chính sách đối ngoại Dominick Sansone giải thích :
“Việc tiến vào Crimea là một phản ứng nhằm đảm bảo các lợi ích hải quân quan trọng của Nga tại cảng nước ấm ở Sevastopol. Các cuộc nổi dậy trùng hợp ở Donbas cũng là một phản ứng đối với tình hình ở Kyiv.
Quan điểm chính thức của Điện Kremlin sau đó là, không nên buộc những công dân Nga thuộc sắc tộc này phải sống dưới sự cai trị của một nhóm phiến quân bất hợp pháp lên nắm quyền bất hợp pháp và đã lật đổ chính phủ được bầu cử hợp lệ”.
Thực tế là sự mở rộng về phía đông của NATO đã gây ra cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay, chủ yếu là do Washington cố gắng lôi kéo Ukraine vào quỹ đạo và cấu trúc quốc phòng của mình bằng cách xây dựng một hiệp hội rõ ràng chống Moscow và ủng hộ một chính phủ khét tiếng tham nhũng.
Các nhà chức trách Nga tin rằng, điều này tạo thành một "mối đe dọa trực tiếp" đối với an ninh quốc gia của họ và họ đã gay gắt phản đối sự can dự của NATO kể từ giữa những năm 1990. Hơn nữa, chính người Nga chứ không phải người Mỹ và các đồng minh của họ", cuối cùng sẽ quyết định đâu mới là là mối đe dọa đối với họ" (pdf).
Bất chấp bối cảnh đó, phát biểu với các phóng viên tại Adelaide, vào ngày 24/2, Thủ tướng Úc, Scott Morrison, tuyên bố: “Chúng ta cần phải thực hiện tất cả các bước có thể để đảm bảo Nga sẽ phải trả giá đắt trước cộng đồng quốc tế về các hành vi bạo lực và hung hãn chống lại Ukraine".
Khi được hỏi ông nghĩ gì về tổng thống Nga, ông Morrison trả lời: "Tôi gọi ông ta là một tên côn đồ".
Loại ngôn ngữ này là thiếu khôn ngoan và rất hiếu chiến. Với 46 triệu dân và một lãnh thổ rộng lớn giàu tài nguyên thiên nhiên, Ukraine cho đến nay là quốc gia lớn nhất và ấn tượng nhất trong số các quốc gia tách khỏi Liên bang Nga vào năm 1991.
Trên hết, thủ tướng Úc đã phủ nhận rằng hành động của ông Putin có thể được “thúc đẩy bởi những lo ngại về an ninh chính đáng”.
Theo Seumas Milne, một nhà báo người Anh và là cựu Giám đốc Điều hành Chiến lược và Truyền thông của Đảng Lao động:
“Không chính phủ Nga nào có thể chấp nhận một mối đe dọa như vậy từ lãnh thổ trung tâm của cả Nga và Liên Xô. Việc ông Putin chiếm Crimea và ủng hộ cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine rõ ràng là mang tính phòng thủ, và lằn ranh đỏ hiện đã được vạch ra: ít nhất là miền đông Ukraine sẽ không bị NATO hoặc EU nuốt chửng”.
Nhận xét về tình hình hiện tại ở Ukraine, ông Bill Roggio, một đồng nghiệp cấp cao tại Tổ chức Bảo vệ Dân chủ và là biên tập viên của Tạp chí Chiến tranh Dài hạn của tổ chức này, nói rằng:
“Tổng thống Nga Putin dường như muốn lấy lại Ukraine nguyên vẹn. Bản chất có hệ thống của cuộc tấn công của Nga trái ngược với suy đoán rằng ông Putin đã mất kiểm soát các giác quan của mình. Không ai biết chắc, nhưng hành động của ông dường như là của một kẻ thù lạnh lùng và đầy toan tính. Việc bác bỏ quyết định xâm lược Ukraine nhìn có vẻ là một hành động điên rồ, nhưng thực chất lại là một cái cớ để phớt lờ những động cơ có thể có và những hành động trong tương lai của ông Putin”.
Người Nga đã bị bẽ mặt nghiêm trọng trước quyết định của NATO trong việc mở rộng Liên minh bao gồm các quốc gia thuộc Khối Warszawa trước đây. Và bây giờ họ cảm thấy rằng, NATO đang di chuyển một cách nguy hiểm đến ngay biên giới của họ bằng cách biến một trong những quốc gia cũ đáng gờm nhất của họ thành một thành viên trên thực tế của liên minh quân sự Mỹ.
Rõ ràng, người Nga đã đạt đến giới hạn sẵn sàng chấp nhận các chính sách bành trướng của NATO.
Hậu quả của cuộc đảo chính vi hiến năm 2014 nên được quy trách nhiệm, ít nhất là một phần, cho cuộc xâm lược quân sự thảm khốc của Nga vào Ukraine.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Tác giả: Augusto Zimmermann là giáo sư và trưởng khoa luật tại Viện Giáo dục Đại học Sheridan ở Perth.
Ông cũng là chủ tịch của Hiệp hội Lý thuyết Pháp lý Tây Úc (WA) và là thành viên của ủy ban cải cách luật của WA từ năm 2012 đến năm 2017.
Ông Zimmermann là trợ giảng của Đại học Notre Dame Australia, và đã đồng tác giả một số cuốn sách bao gồm COVID-19 Hạn chế & Tiêm chủng Bắt buộc — Quan điểm về Pháp luật (Tòa án Connor).
Huyền Anh biên soạn
Theo The Epoch Times
No comments:
Post a Comment