Tại sao giới ‘tinh hoa’ Trung Quốc chuyển tài sản ra nước ngoài?
Đi cùng với sự phức tạp của việc điều hành đất nước hơn 1,4 tỷ dân là sự phức tạp của bộ máy chính quyền Trung Quốc. Nước này đã thường xuyên phanh phui những vụ tham nhũng tai tiếng của các quan chức cấp cao nhất trong mọi lĩnh vực, trong đó nhiều trường hợp liên quan đến việc chuyển những khối tài sản kếch xù ra nước ngoài.
Hành vi tham nhũng, biển thủ ngày càng phổ biến đã trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định của chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Để đảm bảo an toàn cho khối tài sản to lớn của mình, hàng nghìn quan chức và gia đình của họ, cũng như các “Thái tử Đảng”, có xu hướng gửi chúng đến các nước khác.
Trong khi đó, các chỉ số bất bình đẳng cho thấy đại đa số người dân Trung Quốc không được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế. Ngoài ra, các dịch vụ giáo dục cũng khan hiếm và thiếu hụt đến nỗi đa số chính quyền địa phương phải tài trợ, còn chính quyền trung ương có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh thì chỉ đóng góp 1%.
New Zealand như một thiên đường
New Zealand đã tự định vị mình như một thiên đường, nơi các ông trùm của thế giới đang thâu tóm những vùng đất rộng lớn. Tương tự như vậy, đối với các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ mà nói, đây là điểm dừng chân hấp dẫn cho người thân và các khoản đầu tư của họ.
Năm 2020, tỷ phú gốc Hoa Quách Văn Quý (Guo Wengui hay Miles Guo), một cư dân New York, Mỹ, đã kể lại vụ việc một trong những nhà lãnh đạo ĐCSTQ nhập cư New Zealand là Phòng Phong Huy, cựu Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Ông Phòng sau đó đã bị kết án tù chung thân vì tội tham nhũng, bao gồm đưa và nhận hối lộ, nhận những khoản tiền khổng lồ không rõ nguồn gốc. Ông Phòng cũng bị cáo buộc đã chuyển đến New Zealand để “che giấu những đứa con ngoài giá thú của mình”.
Có hơn một nghìn người giống như ông Phòng, “những Đảng viên tham nhũng của ĐCSTQ từ lâu đã chọn New Zealand làm Đảo giấu vàng để che giấu của cải mà họ đã ăn cướp từ người dân Trung Quốc, không chỉ cho bản thân họ, mà còn cho tình nhân và vô số đứa con hoang của họ”, ông Quách nói.
Một ông trùm khác của ĐCSTQ đổ các khoản đầu tư vào New Zealand là Tôn Lập Quân, cựu thứ trưởng Bộ Công an, người được cho là sở hữu hàng tá dinh thự và một vài tòa nhà chung cư, cũng như vàng thỏi và tác phẩm nghệ thuật bị cáo buộc là được nhận bất hợp pháp.
Tiếp đó là sự xuất hiện của nhiều cá nhân giàu có người Hoa, bao gồm Mã Minh Triết, cựu chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Bảo hiểm Bình An, một tập đoàn kinh doanh chuyên về lĩnh vực bảo hiểm và dịch vụ tài chính; Vương Kiện, cựu giám đốc điều hành và Trần Phong, chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn hàng không HNA; và tỷ phú Mã Vân (Jack Ma), người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba.
Năm 2016, Jack Ma đã bày tỏ với Thủ tướng New Zealand, John Key, rằng ông muốn mua hàng hóa ở New Zealand, một quốc gia được nhiều người Trung Quốc giống như ông yêu mến: “Ít nhất 20 đồng nghiệp của tôi đã nghỉ hưu từ Alibaba. Tất cả bọn họ đều còn rất trẻ, ở độ tuổi 40, họ đều đến New Zealand”.
Một trong những lợi thế của New Zealand khi so sánh với Vương quốc Anh là nó chỉ có 5 triệu dân trong khi Vương quốc Anh có tới 67 triệu dân.
Một lợi thế khác là khoảng cách rất lớn ngăn cách đất nước này với các thành phố lớn trên thế giới – những nơi luôn phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ bởi một cuộc dội bom – điều này có nghĩa là New Zealand có thể bảo đảm an ninh cho cư dân và của cải của họ. Ví dụ, nước này cách Vương quốc Anh tới 18.762 km và cách Hoa Kỳ 12.542 km, ngay cả nước láng giềng gần nhất, đảo quốc Fiji, cũng cách gần 2.600 km.
New Zealand thường cung cấp những căn hộ sang trọng bao gồm sân tennis, hồ bơi, phòng giải trí, cầu tàu cá nhân – nơi một gia đình có thể neo đậu thuyền của họ, và thậm chí cả sân bay trực thăng tư nhân, tốt hơn nữa là đường băng riêng. Chúng là những căn hộ đáng mơ ước đối với giới tinh hoa.
Về vấn đề này, chủ tịch Viện Tư duy Kinh tế Mới Robert Johnson đã nói với những người tham gia tại Diễn đàn Kinh tế Davos 2015 rằng: “Các nhà quản lý quỹ phòng hộ từ khắp nơi trên thế giới đang mua các tài sản có đường băng và trang trại ở những nơi như New Zealand”.
Tác giả Jim Dobson đã xuất bản trên Forbes một bản đồ chỉ ra New Zealand là quốc gia duy nhất trên thế giới rõ ràng sẽ tăng trưởng về dân số, đưa nó trở thành một trong những khu vực an toàn nhất trên trái đất.
Các thiên đường thuế nước ngoài
Vào năm 2014, một báo cáo của Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã tiết lộ về sự giàu có của một số cá nhân quyền lực nhất Trung Quốc, bao gồm cả những người được gọi là “Thái tử Đảng” – tầng lớp con cháu của các quan chức cao cấp nổi bật và có ảnh hưởng ở Trung Quốc.
ICIJ đã tiết lộ các doanh nhân thuộc giới tinh hoa được cho là đã nhận được sự giúp đỡ từ các ngân hàng phương Tây để che giấu sự giàu có trong các thiên đường thuế. Thân nhân của các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nằm trong số gần 22.000 khách hàng có địa chỉ ở Trung Quốc và Hồng Kông có các khoản đầu tư ra nước ngoài, bao gồm công ty bất động sản của anh rể của chủ tịch đương nhiệm Tập Cận Bình và con trai, con rể của cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Đặc biệt, báo cáo của ICIJ trích dẫn các công ty kế toán quốc tế như KPMG, Ernst & Young, PwC, Deloitte & Touche và Arthur Andersen đều góp phần chắp cánh cho chuyến bay đưa tài sản Trung Quốc ra nước ngoài. Báo cáo chỉ rõ rằng PwC đã giúp lập hơn 400 tài khoản nước ngoài thông qua TrustNet cho một số khách hàng ở Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Đài Loan. Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ cũng đã giúp hơn 1.000 tổ chức nước ngoài qua TrustNet.
ICIJ lưu ý: “Theo một số ước tính, có khoảng từ 1.000 – 4.000 tỷ USD tài sản chưa rõ nguồn gốc đã rời khỏi đất nước kể từ năm 2000”. Các quan chức Trung Quốc có thể lợi dụng luật pháp vì theo luật họ không có nghĩa vụ phải công khai tất cả tài sản của mình và việc sở hữu tài khoản nước ngoài và sở hữu tài sản không hẳn là trái pháp luật.
Tuy nhiên, tác giả Michelle Flor Cruz đã viết vào năm 2014 rằng “những khoản tiền đó rất dễ liên quan đến tham nhũng, đặc biệt là hành vi lạm dụng quyền lực và trốn thuế”.
VOA dẫn lời bà Michelle: “Khi đất nước chuyển từ hệ thống cộng sản độc tài sang hệ thống lai giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, Trung Quốc đã trở thành thị trường hàng đầu cho các thiên đường thuế nước ngoài mua bán bí mật, trốn thuế và sắp xếp hợp lý các thỏa thuận quốc tế”.
ICIJ đã cập nhật vào năm 2017 rằng sự giàu có đang gia tăng ở các thiên đường thuế có trụ sở tại Hồng Kông, ước tính rằng tài sản ở thành phố này đã tăng gấp 6 lần từ năm 2007 đến năm 2015, chỉ sau Thụy Sĩ – đất nước vốn được cho là thiên đường thuế số 1.
Hiện nay, cư dân Trung Quốc mua bất động sản ở nước ngoài hầu hết thông qua các ngân hàng ngầm, tức là phạm tội kinh doanh ngoại hối bất hợp pháp hoặc lén lút kinh doanh ngoại hối.
Tham nhũng nhà nước
Nói về tham nhũng liên quan đến các quan chức cấp cao, vụ việc các tướng lĩnh giữ cấp bậc quân hàm cao đã bị điều tra có thể được lấy làm tư liệu tham khảo. Kể từ khi Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng vào năm 2013, theo Tiến sĩ Vương Hữu Quần, cựu giám sát viên của Ủy ban Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ, có hơn 160 tướng lĩnh đã bị điều tra. Con số này vượt quá tổng số tướng lĩnh đã ngã xuống trong nội chiến, ngoại chiến và Cách mạng Văn hóa của ĐCSTQ trong suốt một thế kỷ.
Tham nhũng lan rộng trong quân đội Trung Quốc một phần là do bàn tay của cựu Chủ tịch Quân ủy Trung ương – cựu Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, Giang Trạch Dân, người được cho là đã áp dụng chiến lược “cai trị quân đội bằng tham nhũng” để lấy lòng người.
Chủ tịch nước đương nhiệm Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng tham nhũng đe dọa đến sự tồn vong của Đảng chấp chính. Theo Reuters đưa tin, ông đã phát động chiến dịch chống tham nhũng để củng cố quyền lực đang lung lay vì nghi ngờ rằng các quan chức đã phung phí những khoản đóng góp hoặc sử dụng chức vụ của họ để trục lợi.
Sau khi các nhà chức trách xác định và điều tra hơn 3.200 người được gọi là quan chức “trần trụi” ở Trung Quốc (quan chức từ cấp quận trở lên, có con cái hoặc vợ/chồng di cư ra nước ngoài), Tân Hoa Xã đưa tin rằng những người này đã sử dụng gia đình mình “như một ống dẫn chuyển tài sản bất minh của họ ra nước ngoài và chuẩn bị cho chuyến bay của riêng họ”.
Tờ báo bổ sung: “Các bộ phận hành chính nhân sự trên toàn quốc đã tổ chức các cuộc nói chuyện với ‘các quan chức trần trụi’ và yêu cầu họ lựa chọn giữa việc chấp nhận các vị trí ít nhạy cảm hơn hay là đưa gia đình trở lại Trung Quốc”. Tuy nhiên, ít nhất 1.000 người trong số họ đã từ chối cả hai lựa chọn này và từ chối về nước, đồng nghĩa với việc chấp nhận bị cách chức.
Mặt khác, một số chủ trương làm nền tảng cho chính sách của ĐCSTQ có liên quan đến các lý thuyết của Lênin, lãnh tụ Cách mạng Nga năm 1917, từ đó ĐCSTQ tự mệnh danh là những người theo chủ nghĩa tân Lênin.
Giáo sư Bùi Mẫn Hân, chuyên gia về vấn đề cai trị tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, hiện công tác tại Đại học Claremont McKenna, California, Hoa Kỳ, đã nhận xét vào năm 2009: “Nhà nước theo chủ nghĩa tân Lênin thực hiện chủ nghĩa tinh hoa, thu hút sự ủng hộ từ các nhà kỹ trị, quân đội và cảnh sát và kết nạp giới tinh hoa xã hội mới (các chuyên gia và doanh nhân tư nhân) và tư bản nước ngoài – tất cả đều bị phỉ báng dưới chủ nghĩa Mao”.
Đề cập đến khả năng chuyển đổi thành một hệ thống chính phủ dân chủ của chính quyền Trung Quốc, ông cho biết thêm: “Thật ra, nếu các xu hướng hiện tại tiếp tục, hệ thống chính trị của Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ bị suy đồi hơn là tiến đến dân chủ”.
Giới tinh hoa ĐCSTQ đã ngang nhiên làm giàu bất chính trong nhiều thập niên và theo dữ liệu hiện có thì sự miễn phạt cũng gia tăng, như Foreign Policy đánh giá trong bài báo năm 2009 khi quan sát dữ liệu trong khoảng thời gian 14 năm:
“Ngày nay, các quan chức gian lận ít phải đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt nghiêm khắc. Trong những năm 1990, bình quân mỗi năm có khoảng 140.000 quan chức và Đảng viên của Đảng vướng vào các vụ bê bối tham nhũng và 5,6% trong số này đã bị truy tố hình sự. Năm 2004, 170.850 cán bộ và Đảng viên của Đảng bị liên đới, nhưng chỉ có 4.915 người (tương đương 2,9%) bị truy tố hình sự. Văn hóa miễn phạt chính thức đang phát triển mạnh ở Trung Quốc”.
Ngoài ra, Foreign Policy cũng nhận định rằng tham nhũng phổ biến ở tất cả các cấp chính quyền do ĐCSTQ điều hành và lưu ý, “Dữ liệu khu vực cho thấy các vụ tham nhũng quy mô lớn chiếm từ 30 đến 60% trong tổng số các trường hợp mà chính quyền đã phát hiện”.
Các vụ tham nhũng này cũng liên quan đến các đơn vị hành chính của chính quyền cấp tỉnh, quận và huyện, liên quan đến các nhóm quan chức cấp cao địa phương, bao gồm cả các lãnh đạo đảng và chính quyền, những người đã trả tiền thuê tội phạm là“các băng nhóm có tổ chức liên quan đến giết người, tống tiền, cờ bạc và mại dâm”.
Bất bình đẳng và nghèo đói
Việc tham ô tiền thuế của người dân ngày càng gia tăng dường như được thúc đẩy bởi sự thiếu tin tưởng vào ĐCSTQ: “Trong lời thú nhận, các quan chức tham nhũng thường đổ lỗi hành vi sai trái của mình là do mất niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản. Có một giai thoại rằng các quan chức cấp cao của Đảng thường đi xem bói về sự nghiệp chính trị của mình. Có vẻ như tầng lớp thống trị ở Trung Quốc đang trôi dạt vô định”, Foreign Policy cho biết.
Bất bình đẳng thu nhập tại Trung Quốc từng được tiết lộ: “Một nghiên cứu gần đây [2009] báo cáo rằng dưới 1% hộ gia đình Trung Quốc kiểm soát hơn 60% của cải của đất nước (ở Hoa Kỳ, 5% hộ gia đình sở hữu 60% của cải)”.
Có thể dẫn lời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khi đề cập đến thu nhập của người dân nước mình: “Thu nhập hàng tháng của họ hầu như không đến 1.000 nhân dân tệ [tương đương khoảng 3,6 triệu đồng hay 157 đô-la Mỹ]. Thậm chí không đủ để thuê một căn phòng ở một thành phố trung bình của Trung Quốc”. Mức thu nhập thấp này là tình trạng chung của khoảng 600 triệu người Trung Quốc.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, dữ liệu này tương phản rõ rệt với GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc trong năm 2020 là hơn 10.400USD/người.
Trong bối cảnh này, sự bất bình đẳng thu nhập sẽ còn bị đẩy xa hơn nữa khi mà con cháu của các nhà lãnh đạo – những người thừa kế quyền lực ở Trung Quốc đã chuyển sang các hoạt động sinh lời cao trong thời gian ngắn: “Thế hệ trước, con cháu của giới tinh hoa cầm quyền đã nắm giữ các vị trí trong chính phủ hoặc quân đội; ngày nay, họ tiến vào lĩnh vực kinh doanh”, Foreign Policy bình luận.
Khả năng sinh lời rất cao mà họ đạt được có thể thấy thông qua ví dụ sau: trong khi nông dân chỉ thu được lợi nhuận dưới 5% giá trị mảnh đất của họ, thì các nhà phát triển bất động sản kiếm được tới 60% và phần còn lại nộp vào kho bạc của chính quyền địa phương.
Ngoài ra, đến năm 2009: “60% doanh nghiệp nhà nước tư nhân hóa đã được bán lại cho người quản lý. Kết quả là, 30% trong số chủ sở hữu công ty tư nhân hiện là Đảng viên”.
Trong khi đó, đầu tư vào các dịch vụ xã hội như giáo dục và y tế ngày càng giảm và thậm chí còn bất bình đẳng hơn ở những người có thu nhập thấp. Cho đến thời điểm đó, “Theo Bộ Y tế Trung Quốc, 2/3 dân số không có bất kỳ loại bảo hiểm y tế nào và khoảng một nửa số người bệnh không tìm kiếm sự điều trị y tế chuyên nghiệp nào”.
Đứng ở bối cảnh hiện tại mà xét, có lẽ những khó khăn của người dân Trung Quốc là không cách nào vượt qua nổi, nhưng nền văn hóa cổ đại hàm chứa trí huệ sâu sắc mà từ đó thắp lên cho họ một tia hy vọng.
Nhà hiền triết Mạnh Tử (372 TCN – 289 TCN), người được mệnh danh là “Á Thánh” của Nho gia đã từng dạy rằng: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (Tạm dịch: Giàu sang không phóng đãng, nghèo hèn không đổi lòng, vũ lực không khuất phục).
Ông cũng nói, “Cùng tắc độc thiện kỳ thân, đạt tắc kiêm tế thiên hạ” (Tạm dịch: Bần cùng giữ được mình, thành đạt thì tạo phúc cho thiên hạ). Thời khắc khó khăn này của lịch sử Trung Quốc có lẽ là cơ hội để các đấng trượng phu tự hoàn thiện mình trước khi có thể đảm đương sứ mệnh đưa đất nước thoát khỏi suy đồi, như lời dự đoán của giáo sư Bùi Mẫn Hân về chủ nghĩa tinh hoa ở Trung Quốc: “nếu các xu hướng hiện tại tiếp tục, hệ thống chính trị của Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ bị suy đồi hơn là tiến đến dân chủ”.
Tác giả: Jose Hermosa – The BL
Thanh Tâm biên dịch
No comments:
Post a Comment