Thursday, March 24, 2022

Tiếc thương Cô Dạ Lan 2 (Hồng Phương Lan) Xướng Ngôn Viên của Đài Phát Thanh Quân Đội VNCH, vừa mới qua đời.

Xin được nhắc lại "Huyền thoại về Dạ Lan – Tiếng nói của những em gái hậu phương."

Đầu thập niên 1960, ở miền Nam Việt Nam chưa có vô tuyến truyền hình, phải đến năm 1966 mới thành lập đài truyền hình ở Saigon. Thời điểm này người ta chủ yếu đón chờ thông tin từ 2 đài phát thanh, đó là Đài Tiếng Nói Việt Nam và Đài Phát Thanh Quân Đội. Thường là sau bữa cơm chiều, người ta mở Radio để nghe Dạ Lan – “Em gái hậu phương” giới thiệu những bài nhạc mới.


Dạ Lan là chương trình của Đài Phát Thanh Quân Đội thời kỳ 1964 – 1975, nhằm an ủi và nâng cao tinh thần binh sĩ, trong đó lấy âm nhạc làm phương tiện chính. Chương trình bắt đầu được phát sóng năm 1964 và xướng ngôn viên là cô gái xưng tên là Dạ Lan. Chương trình phát thanh này được phát mỗi đêm trên làn sóng dành riêng cho quân đội trong hệ thống phát thanh quốc gia, qua đài tiếp vận Quán Tre, có công suất rất mạnh có thể nghe đến Bến Hải, nghĩa là khắp dải đất miền Nam.

Ðài Phát Thanh Quân Ðội ngày ấy liên tiếp quy tụ nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi như Dương Ngọc Hoán, Anh Ngọc, Nhật Bằng, Xuân Tiên, Xuân Lôi, Canh Thân, Nguyễn Ðức, Văn Ðô, Trần Thiện Thanh, Nguyễn Triệu Nam, Lưu Nghi, Nguyễn Ngọc Quan,Trần Trịnh, Ðào Duy, Mai Trung Tĩnh, Nguyễn Quốc Hùng, Dương Phục, Châu Trị, Lâm Tường Dũ, Nguyễn Xuân Thiệp…

Người sáng lập của chương trình là đại tá Trần Ngọc Huyến, và người quản đốc đài cuối cùng ở thời điểm 1975 là trung tá Nguyễn Quang Tuyến, tức nhà văn Văn Quang.

Trong hồi ký của mình, nhà văn Văn Quang kể về quá trình hình thành chương trình Dạ Lan như sau:

“Vào khoảng đầu thập niên 1960, Đại tá Trần Ngọc Huyến là người có sáng kiến làm ra Chương trình Dạ Lan trên Đài Phát Thanh Quân Đội. Ngay sau khi ra mắt, chương trình này được hầu hết quân nhân yêu thích. Trước đó, ông đã họp Bộ Tham Mưu của Cục Tâm Lý Chĭến (TLC) để thảo luận về chương trình này. Ông cũng nói đây là một mô hình theo chương trình địch vận và đồng minh vận của Nhật Bản trong thế chĭến, cũng như dựa theo chương trình binh vận của Đài Loan. Những nữ xướng ngôn viên của quân đội Nhật và Đài Loan đã rất thành công với giọng nói thánh thót, êm đềm và những bản nhạc quốc tế rất hay.

Hồi đó trong cuộc họp tham mưu của Cục TLC thường mỗi tuần 1 lần, có các trưởng khối và trưởng phòng tham dự. Lúc đó, tôi còn là Trưởng phòng Báo Chí nên thường xuyên tham dự các cuộc họp này. Tất cả đều nhận thấy chương trình đó rất hay và sau đó giao cho Thiếu Tá Nguyễn Văn Nam tìm xướng ngôn viên. Trong số một vài xướng ngôn viên được đưa ra thử giọng qua máy ghi âm, một nữ xướng ngôn viên của Đài Phát thanh Đông Hà được chọn và được điều chuyển về Sài Gòn. Chương trình Dạ Lan từ đó bắt đầu.

Hai tiếng Dạ Lan có thể hiểu đó là một loại hương thơm quyến rũ về đêm (chương trình này được phát vào buổi tối vào lúc 19 giờ). Cũng có một sự trùng hợp, tên nữ xướng ngôn viên đó cũng là Lan, tên là Hoàng Thị Xuân Lan nên có thể hiểu là một tên chung và cũng là tên riêng.

Nhưng hơn một năm sau, vì lý do riêng, nữ xướng ngôn viên Xuân Lan nghỉ việc. Đài Phát thanh Quân Đội chọn một nữ xướng ngôn viên khác có giọng nói y hệt Xuân Lan khiến thính giả không thể phân biệt được đâu là người mới đâu là người cũ. Người tiếp tục chương trình Dạ Lan, cũng do một sự tình cờ, lại vẫn có tên thật là Lan, Hồng Phương Lan, tức Mỹ Linh.

Chị Mỹ Linh làm việc tại Đài phát thanh Quân Đội cho đến phút của Sài Gòn năm 1975. Như thế, thời gian chị Mỹ Linh làm xướng ngôn viên Chương trình Dạ Lan khoảng 6-7 năm. Năm 1969, khi tôi về làm Quản Đốc Đài phát thanh Quân Đội thì chị Mỹ Linh đã làm ở đây rồi. Chị Mỹ Linh hiện đang sống tại Mỹ và thường làm xướng ngôn viên cho các chương trình ca nhạc”.


Chương trình Dạ Lan được phát thanh từ 7 giờ đến 9 giờ tối mỗi ngày, bắt đầu bằng lời giới thiệu:

Đây là chương trình Dạ Lan, tiếng nói của những người em gái hậu phương, gửi những anh trai tiền tuyến”

Xướng ngôn viên của chương trình là một cô gái người Bắc, giọng nói ngọt ngào. Ngoài những thông tin thời sự, phần hấp dẫn nhất của chương trình là phần nhạc và phần thư tín, với những bức thư được soạn thảo bởi một ban bệ chuyên môn, và cô xướng ngôn viên của chương trình chỉ là người đọc lại các thông tin đã được soạn ra trước.


Trong giai đoạn mới thành lập chương trình Dạ Lan, phần câu chuyện hằng ngày do Lưu Nghi phụ trách, điểm báo do Nguyễn Triệu Nam, phần nhạc do nhạc sĩ Ðan Thọ, Ngọc Bích chọn và lời dẫn nhạc (chapeau) do Huy Phương viết. Phần tin tức do ban tin tức của Ðài phụ trách và thư tín do cô Ngọc Xuân và một số người khác đặc trách việc chọn lựa thư tín để sau đó Dạ Lan trả lời trên làn sóng phát thanh.


Nhưng đối với những “anh trai tiền tuyến”, họ nghe được giọng Dạ Lan hàng đêm, nên cô xướng ngôn viên nghiễm nhiên là “linh hồn” của chương trình, là đại diện của những người em gái hậu phương hàng đêm nhỏ to tâm tình cùng các anh lính.


Chương trình thành công vượt bậc và thư từ các chĭến sĩ, nhất là từ các vùng đất xa xôi, tiền đồn heo hút gửi về cho Dạ Lan tới tấp, đến nỗi đài Quân Ðội phải mướn bốn nữ nhân viên dân chính, công việc mỗi ngày chỉ để ngồi viết thư trả lời cho các anh chĭến sĩ. Bốn cô đặc trách 4 Vùng, và lẽ cố nhiên dưới mỗi lá thư đều ký tên Dạ Lan. Với một người lính xa nhà, ở một nơi tiền đồn heo hút, xa ánh đèn thành phố, không sách báo, mỗi đêm chỉ có một cái radio chạy pin để nghe giọng em gái Dạ Lan tỉ tê, tâm sự, khi nhận được một lá thư hồi âm của em gái Dạ Lan từ KBC 3168, thì tác động tâm lý là vô cùng lớn.

Để đáp ứng “nhu cầu chĭến sĩ”, cô Hoàng Xuân Lan được cho phép đi chụp ảnh in thành carte-postale để gửi tặng anh em chĭến sĩ. Bức ảnh được in trên bìa báo Xuân Chĭến Sĩ Cộng Hòa năm 1965, do nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Nguyễn Kỳ ở Saigon vào thập niên 60, chụp. Bức ảnh đã được làm mờ các chi tiết, sở trường trong các bức chân dung của Nguyễn Kỳ.

Một số carte-postale chụp cô Xuân Lan, “em gái hậu phương Dạ Lan” cũng được ấn hành để gởi tặng đến các chĭến sĩ tiền đồn. Tuy vậy nhân vật “em gái hậu phương Dạ Lan” chưa bao giờ xuất hiện trên truyền hình, báo chí hay ngoài đời mà chỉ duy nhất qua làn sóng điện, vì ngoài đời nhan sắc cô chỉ thuộc loại trung bình. Cô cũng nhận được không ít thư từ tỏ tình với cô của các “anh tiền tuyến”. Nhiều anh tiền tuyến đi phép về Sài Gòn có tìm đến Đài phát thanh Quân đội nhưng không bao giờ gặp được Dạ Lan bằng xương bằng thịt.

Như nhà văn Văn Quang đã ghi ở bên trên, những người xướng ngôn viên của chương trình Dạ Lan, đóng vai em gái hậu phương Dạ Lan đều tên là Lan và có giọng nói khá giống nhau: Xuân Lan và Phương Lan.

Không ai ngờ rằng xướng ngôn viên mang tên Dạ Lan nói giọng Bắc lại là một người con gái Quảng Nam có một thời gian sinh sống tại Huế, tên là Xuân Lan. Trước đó cô làm việc tại Ðài Phát Thanh “Gươm Thiêng Ái Quốc”, trụ sở tại Ðông Hà, tỉnh địa đầu Quảng Trị. Ðài này do thi sĩ Nhất Tuấn làm Quản Ðốc và thi sĩ Hà Huyền Chi làm phó. Cô Xuân Lan không đẹp nhưng cô phát âm tiếng Bắc rất đúng giọng (nhờ Hà Huyền Chi huấn luyện trong thời gian ở Ðông Hà), và tất nhiên là rất ngọt ngào.

Ðêm đêm trên làn sóng điện của Ðài Phát Thanh Quân Ðội, giọng nói của người em gái hậu phương có mãnh lực thu hút cảm tình của các binh sĩ trú đóng khắp trên bốn vùng chĭến thuật. Danh từ “em gái hậu phương” và “anh trai tiền tuyến” là một danh từ khá quen thuộc phát sinh trong thời gian này được nghe và dùng nhiều trong các bài thơ hay nhạc phẩm thịnh hành.

Người em gái hậu phương Dạ Lan đã trở thành huyền thoại, nhưng cũng có không ít cặp đôi đã nhờ có phong trào nữ sinh viết thư chúc Tết chĭến sĩ của chương trình Dạ Lan mà nên vợ nên chồng sống hạnh phúc đến tận ngày nay.

Dạ Lan 1 là cô Xuân Lan làm cho đài đến năm 1966 thì chuyển về đài phát thanh Đà Lạt. Người tiếp tục Chương trình Dạ Lan, thật trùng hợp là cũng có tên thật là Lan: Hồng Phương Lan, tức Mỹ Linh. Lúc đó, cô Mỹ Linh đang làm việc cho Đài Phát thanh Quân Đội, ở Chương trình Nhạc Ngoại Quốc yêu cầu. Cô là người Bắc, vì có giọng nói giống hệt như giọng cô Xuân Lan nên cô được chọn để tiếp tục Chương trình Dạ Lan mà không ai hay biết, ai cũng tưởng chỉ có một Dạ Lan.

Thực ra Hồng Phương Lan (Dạ Lan 2) là người Huế nhưng nói giọng Bắc. Cô làm ở đài phát thanh quân đội từ những năm 1957-58, trước cả Xuân Lan. Không ai biết mặt và biết tên Dạ Lan cả, Dạ Lan có thể là bất cứ người nào. Vì vậy Dạ Lan được xem là “huyền thoại”, ai muốn tưởng tượng Dạ Lan như thế nào cũng được.

Sau 75, nhớ đến chương trình Dạ Lan, người ta lại thắc mắc về xuất thân của Dạ Lan và số phận của cô ra sao, nhờ đó các thính giả sau này mới biết được có 2 cô Lan, và người ta đã liên lạc được với cả 2 cô.

Qua sự thăm hỏi của nhiều người, cuối cùng người ta được biết, cô Hoàng Xuân Lan (Dạ Lan 1) hiện đang sống ở Saigon và cô Hồng Phương Lan (Dạ Lan 2) đang định cư tại S.Carolina, và cho đến giờ này, trong thư từ và cả email giao thiệp cả hai cô đều ký tên mình là Dạ Lan./.


Da Lan 1
Da lan 2

No comments:

Blog Archive