Tình Yêu Muôn Thuở
07/01/2022
Khánh Vân
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
-- TCS
Những ngày cuối năm nhiều kỷ niệm quá khứ vui buồn hiện về. Tuy sức khỏe yếu kém tôi muốn viết để cảm tạ những người đã đi cùng tôi và Anh Phạm Cao Dương trong một đoạn đường đời, những người đã có ảnh hưởng sâu đậm trong cuộc đời chúng tôi.
Cảm tạ Anh Lâm Thanh Liêm, Nguyễn Khắc Ngữ, Nguyễn Đôn Phong, Phạm Đình Tiếu bạn học cùng lớp với Nhà Tôi tại Đại Học Sư Phạm Saigon. Anh Liêm, Anh Ngữ, Anh Tiếu, ba Nhà Giáo có công rất lớn với hai môn Sử Địa của Miền Nam Việt Nam đều đã ra đi vào miền viên miễn. Anh Ngữ và Anh Tiếu hai người bạn thuở sinh thời luôn luôn che chở chăm sóc chúng tôi như anh em trong nhà. Viết những dòng này tôi không dằn được nước mắt nghĩ tới hai Anh Tiếu và Anh Ngữ, hai người bạn thân thương của chúng tôi. Định mệnh khắc nghiệt đã khiến hai Anh bỏ chúng tôi ra đi rất sớm, ba thập niên rồi, năm 1992, Anh Tiếu ra đi bên Paris, Pháp, mấy tháng sau Anh Ngữ ra đi ở Montréal, Canada.
Tôi xin cảm tạ những người đã ngồi chung với Nhà Tôi trong các lớp học, trong các giảng đường của Trường Võ Trường Toản, Trường Đại Học Sư Phạm, Trường Đại Học Văn Khoa, Trường Đại Học Vạn Hạnh Saigon cũng như tại Viện Đại Học Đà Lạt, Đại Học Huế.
Các bạn của Anh Dương rất thương Anh nên cũng rất thân với tôi. Tôi nhớ những buổi chiều ba mươi Tết, chúng tôi thường tụ họp ở toà báo Trình Bày nơi mà Anh Ngữ, Sử Gia Nguyễn Khắc Ngữ, người đưa Nhà Tôi vào con đường viết lách, thường hay lui tới.
Trước Biến Cố 30/4/ 1975 hai môn Sử Địa được phát triển mạnh ở Miền Nam Việt Nam do đó Nhà Tôi hằng tháng bay ra thỉnh giảng ở Đại Học Huế. Thường các giáo sư ra Huế thỉnh giảng thường ở lại ít nhất một ngày trước khi bay về lại Saigon nhưng Nhà Tôi thường bay về ngay có lẽ cũng chính vì vậy mà Anh không bị kẹt ở Huế trong Tết Mậu Thân 1968. Sau này khi ra Huế dạy lại, Anh kể là chỉ có Anh và Cha Hoàng Quốc Trương ở trong khách sạn rộng lớn Morin, mỗi người một dẫy. Theo thời biểu Cha Trương dạy xong về trước, riêng Nhà Tôi còn lại một mình trong khách sạn cảm thấy rất lạnh lẽo, ghê rợn với mấy ngôi mộ mới ngoài sân.
Những đau khổ, oan khiên trong cuộc chiến Ba Mươi Năm 1945-1975 trên đất nước tôi, bao máu và bao nước mắt đã đổ, tiếp theo là cuộc di cư tị nạn đầy chết chóc đau thương sau biến cố 30 Tháng Tư 1975 với hơn nửa triệu bộ nhân, thuyền nhân vùi thây trong rừng rậm, trong biển cả. Cũng như những cô giáo tị nạn khác tôi bị bứng ra khỏi cuộc đời công chức êm đềm tại miền Nam, bận rộn suốt năm tháng phải tự lập làm lại cuộc đời trên quê hương thứ hai mà cũng sẽ là nơi cuối cùng trước khi vĩnh viễn rời cõi tạm này. Được may mắn trở lại với phấn trắng bảng đen, mấy năm đầu thập niên 80, mỗi thứ Bảy tôi lại xin bà hiệu trưởng cho mượn một phòng học để dạy tiếng Việt cho các em vì nhớ trước khi rời bỏ Học Khu Thống Nhất Oakland USD dọn xuống miền Nam California tôi từ giã một người supervisor, bà có ngậm ngùi nhắn nhủ tôi là tôi còn có thể may mắn trở về quê xưa vì còn nói được tiếng Việt, chứ bà ấy là người xa lạ nếu về nơi gốc xuất xứ vì không còn nói không hiểu được tiếng gốc của mình nữa!. Các con tôi lúc ấy còn rất nhỏ, nhưng Bố Mẹ thì ngoài thì giờ kiếm sống lại làm những việc gọi nôm na là “vác ngà voi” vì trong lòng, trong tâm tư chỉ nghĩ là tị nạn là tạm cư... Bây giờ nhìn lại nhớ lại tình yêu thương được Ông Bà Cha Mẹ cho đôi khi tôi thấy mình thật là khiếm khuyết.
Viết miên man về tình yêu, tình yêu muôn thuở nhưng có lẽ tình yêu quan trọng nhất trong đời người là Tình Cha, Tình Mẹ. Tôi vẫn nhớ mãi tấm thiệp được đọc “Thanks for The Gift of LIFE” mang bao ý nghĩa của ngày Mother’s Day – Ngày Của Mẹ...Ngày mà khi điện thoại viễn liên còn phải trả tiền là ngày các công ty điện thoại kiếm được nhiều tiền nhất trong năm vì ai mà không có MẸ!. Tưởng nhớ lại những lời yêu thương khi nằm trên giường bệnh, Mẹ tôi còn thiết tha thều thào nói với tôi, con gái nhỏ yếu đầu lòng mà Mẹ rất nuông chiều từ thuở mới sinh; “Vân ơi, Mẹ mong chết sớm để con khỏi khổ...”, viết đến đây tôi lại khóc, khóc vì nghĩ đã không làm tròn bổn phận săn sóc Mẹ.
Ngày 31 tháng 12 năm 2021 Quý Anh Cựu Hội Trưởng Trần Bình Chánh và cũng là Cựu sinh viên Đại Học Vạn Hạnh đại diện Trường Trung Học Võ Trường Toản Saigon đến tặng cho Thày Giáo Già Phạm Cao Dương tấm plaque thật nhiều ý nghĩa, 60 năm 1961-2021.
Võ Trường Toản là nhiệm sở toàn thời gian đầu tiên của Ông Dương và Đại Học Sư Phạm Saigon là nhiệm sở toàn thời gian cuối cùng trước Biến Cố 30/4/1975. Sáu thập niên đã qua nhưng tôi biết trong tâm tư của Nhà Tôi lúc nào cũng hết lòng trân quý các kỷ niệm ở Trường Võ Trường Toản "Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy"... bao kỷ niệm khi tóc còn xanh, nghị lực còn tràn đầy... viết đến đây tôi thật xúc động không cầm được nước mắt. Ân tình này chúng tôi xin mãi mãi ghi sâu trong tâm.
Nhìn mái tóc bạc phơ của Nhà Tôi, tôi thương cảm người bạn đời, tuổi chỉ gần thập niên cách biệt nhưng với Anh, Nhà Tôi luôn coi tôi như cô em nhỏ vì có lẽ Anh không có em gái. Khi trẻ Anh hay huýt sáo, hay đọc thơ kim cổ cho tôi nghe vì Anh rất thuộc thơ, có lẽ còn thuộc hơn nhiều người dạy Việt Văn nữa. Anh thường trầm ngâm kể cho tôi nghe về dĩ vãng về tuổi thơ tuổi trẻ cực nhọc, luôn luôn phải sống còn, phải ngoi lên. Anh kể về thời tản cư, bốn năm thất học, về lần cuối cùng Anh được gặp “Thày” khi đó Anh chưa tới tuổi lên mười. “Thày” Anh, vốn là một nhà giáo, một Đại Biểu Quốc Hội 1946 đã bị Việt Minh bắt và bị thủ tiêu không biết ngày nào và ở đâu. Anh không bao giờ có một ngày giỗ cha!
Những ngày mới gặp nhau Anh thường cho tôi đi uống nước dừa tươi bán trên các xe lưu động trên Đại Lộ Thống Nhất, 60 năm đã qua nhưng vị ngọt mát của nước dừa vẫn sống động như mới được uống. Tôi nâng niu các bông hoa pensée mà Anh đi Đà Lạt du khảo với các sinh viên tặng cho tôi, cũng như những lá thư tình viết bằng mực tím vì người yêu của Anh rất yêu màu tím. Biết tôi rất thích đọc nên Anh thường viết những lá thư rất dài cho vợ dù rằng đã hơn nửa thế kỷ trôi nổi cùng nhau.
Chúng tôi có một cháu ngoại mà Nhà Tôi gọi là “cục cưng của Ông Ngoại”. Cháu rất thương Nhà Tôi vì Nhà Tôi rất thân với cháu. Ba Mẹ sinh cháu ở nhà thương đại học Yale, miền Đông nước Mỹ, không có người trông nom nên từ nhỏ mới hơn tháng tuổi cháu ở với chúng tôi cho tới khi một tuổi mới về nhà. Ông Ngoại mua cho cháu con gấu nhỏ ở chợ Nhật có một đồng đô la mà bao năm cháu vẫn luôn giữ trong ví sách của cháu. Tuần trước cháu bay về California thăm nhà sau hơn một năm không được về vì Covid. Khi về cháu mang biếu Ông Ngoại cuốn kỷ yếu của trường y khoa mà cháu là Literary Arts Chair có bài thơ cháu viết về những kỷ niệm với Ông Ngoại khi còn rất nhỏ:
Dear You (you know who you are),
This is a chance for me to thank you.
Perhaps one day, you'll open this book
and find these words addressed to you
Perhaps you'll know, perhaps you won't.
But somehow, you always know.
Here, I celebrate you.
Who you are, what you're made of,
your pride, your shame,
your regret, your laughter.
Your life just being you.
You, who taught me what life was
at the beach, with all those shells.
With seagulls and storks and fish around
you pointed to the water and I ran
laughing loud, proud, and bright.
You, who taught me what death was.
When you whispered about saying goodbye
to your friends, your youth, your heart
yet still you held me
with joy.
You, who taught me what love was
over a bowl of steaming phở.
It's an open book, a tiny door,
and a trip to the wetlands at sunset.
You, who taught me what medicine is.
It is life and death and love.
It is holding on and letting go
and
You, who I celebrate.
For your love, your touch, your mind.
For what you've done, and what you gave
and all you're giving still.
You, who rose on painted wings
and carved your path with history.
When my wings came, you opened your arms
and taught me how to fly.
With all my love,
-- Cục cưng của Ông Ngoại
Nhà cháu ở xa nhưng ngày nào cũng lái xe xuống thăm Ông Ngoại mỗi khi ra về đều khóc nức nở vì thấy Ông Ngoại già yếu mà đường đi học của cháu còn rất dài.. Hôm kia, trước khi về, cháu nói với Ông Ngoại : “ Ông Ngoại chờ baby của cháu nhé”... Cháu muốn ông Ngoại cũng sẽ bế ẵm baby của cháu như Ông Ngoại đã bế cháu!
Che giấu Nhà Tôi, nước mắt tôi bao lần đã nhạt nhòe khi nghĩ tới những lời của Dược Sĩ Bùi Khiết viết trên Diễn Đàn Thế Kỷ, bình luận tác phẩm Trước Khi Bão Lụt Tràn Tới, Bảo Đại Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam của Phạm Cao Dương: “Tác giả Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, đã mất năm 1953. Tác phẩm lịch sử của Ông ra đời từ năm 1920 mà vẫn được tồn tại và tồn tại mãi mãi. Vì tính minh bạch, khoa học, tác phẩm của Phạm Cao Dương cũng sẽ được tồn tại. Trong Thế Kỷ 21 này sẽ có nhiều sử gia Việt Nam chân chính chiêm nghiệm về công trình của Phạm Cao Dương. Đó là một may mắn quý giá. Nhìn cuốn khảo cứu quá dầy, nghĩ tới tuổi đời quá cao, đã trên 80 tưổi của tác giả. Nghĩ tới căn bệnh tim hiểm nghèo vẫn còn lơ lửng treo trên sinh mệnh của Giáo Sư Phạm Cao Dương. Nghĩ tới và nghĩ tới. Vừa cảm phục vừa thương mến một con người đã chấp nhận định mệnh trên con đường tìm sự thực lịch sử mà ông đã lựa chọn và trung thành với nó".
Bao giờ Phạm Cao Dương mới trả hết nợ ân tình!
-- Khánh Vân
(Tháng Giêng 2022)
No comments:
Post a Comment