Sự đạo đức giả lố bịch của các hội nghị khí hậu vẫn tiếp diễn
Tôi đã thấy tấm hình Joe Biden ngủ gật tại hội nghị khí hậu Glasgow (COP26) được lan truyền khắp nơi trên internet và trên truyền hình cáp, và lần đầu tiên kể từ khi ông ấy đắc cử, tôi cảm thấy có chút đồng cảm với tổng thống của chúng ta.
Đó không phải là một hình ảnh đẹp cho người được gọi là nhà lãnh đạo của thế giới tự do, nhưng một số năm về trước (2009), tôi đã tham dự phiên bản Copenhagen của hội nghị này (COP15) để lấy tin tức cho PJ Media, và đã phải rất cố gắng giữ tỉnh táo giữa các bài diễn văn vô cùng tẻ nhạt.
Tôi đã gặp khó khăn không kém để giữ ấm, đặc biệt là khi ở bên ngoài, bởi vì hội nghị về “sự ấm lên toàn cầu” đó diễn ra giữa một trận bão tuyết kỷ lục, loại bão tuyết mà tôi chưa bao giờ gặp, mặc dù tôi đã tốt nghiệp Đại học Dartmouth và đã trải qua bốn năm với những mùa tuyết ở New Hampshire.
Tất nhiên, ban tổ chức đã lập tức thông báo với chúng tôi một điều nghe rất ngạc nhiên, rằng thời tiết như vậy chỉ là một bằng chứng nữa về sự thay đổi khí hậu sắp xảy ra. Thời tiết băng giá có nghĩa là thay đổi khí hậu. Thời tiết oi bức có nghĩa là thay đổi khí hậu. Và thời tiết hoàn hảo trong nhiều tháng liên tục, không có một đám mây nào trên bầu trời, nghĩa là có sự thay đổi khí hậu nghiêm trọng nhất.
Hay đại loại như vậy.
Những người biểu tình của nhóm Extinction Rebellion bên ngoài JP Morgan ở Glasgow, Vương Quốc Anh, hôm 02/11/2021.
Có lần trong hội nghị này, khi đang mòn mỏi chờ đợi một trong những cuộc thảo luận bàn tròn bắt đầu, và đang tự hỏi cuộc thảo luận này là về vấn đề gì và mình đang làm gì ở đó, tôi đã bắt chuyện với một người ngồi bên cạnh cho đỡ nhàm chán.
Thì ra anh ta là đại diện đến từ Maldives.
Tôi đã gặp đúng người! Maldives là trung tâm của cuộc tranh luận khi đó, vì mực nước biển dâng cao do khí hậu ấm lên được cho là sắp nhấn chìm vĩnh viễn các hòn đảo ở Thái Bình Dương của họ.
Cố gắng tỏ ra thông cảm, tôi nói với anh ta rằng tôi đã nghe về hoàn cảnh của họ, nhưng phản ứng của anh ta là bắt đầu cười lớn.
Trong khi tôi đang thắc mắc, anh ta đã giải thích rằng không có mối đe dọa nào đối với hòn đảo của anh ấy. Họ vẫn luôn có những đợt triều cường định kỳ, nhưng một vài bao cát hoàn toàn có thể giải quyết được chúng.
Vậy tại sao anh lại ở đây? Lần này anh ấy nhìn tôi một cách kỳ lạ. Làm sao tôi có thể không biết được?
Vì tiền, anh ấy nói.
Diogenes đã tìm thấy một người trung thực.
Điều này không hẳn đúng cho các vị lãnh đạo thế giới, hoàng gia, và các giám đốc điều hành, đến bằng phi cơ riêng tràn ngập sân bay Glasgow – theo Daily Mail là khoảng 400 người, kể cả Jeff Bezos trên chiếc Gulfstream trị giá 65 triệu USD – trong khi các vị dân thường bị buộc phải ngủ trên sàn đất của nhà ga Euston ở London mà không thể đến Scotland (hội nghị COP này cũng có bão).
Tất cả những điều này cho các cuộc đàm phán về “khí hậu” mà rõ ràng có thể được thực hiện dễ dàng qua Zoom hoặc một ứng dụng tương tự, với những kết quả không đáng kể.
Lần này, cả Trung cộng và Nga đều không có mặt, một thiếu sót không nhỏ khi nói đến lượng khí thải carbon toàn cầu (xin lỗi, bây giờ là khí methane), cho dù quý vị tin hay sợ chúng đến mức độ nào.
Nhưng chúng ta đã quen với điều này rồi. Sự đạo đức giả ở nhiều mức độ vẫn đang xảy ra tại các lễ hội thường niên nhằm ra vẻ đức độ này.
Nhiều năm trước, Al Gore đã dẫn đầu và kiếm được hàng triệu – hoặc có thể là hàng tỷ – USD bằng các chương trình trao đổi carbon, mà đã được nhanh chóng dọn dẹp trước khi thế giới nhận ra đó là trò lừa đảo.
Nhưng đó là các hội nghị về biến đổi khí hậu do Liên Hiệp Quốc tổ chức, và chỗ nào có Liên Hiệp Quốc tham gia, thì thường sẽ có tham nhũng. Chương trình Cung cấp Dầu cho Lương thực của Liên Hiệp Quốc trong Chiến tranh Iraq là một trong những bê bối lớn ở những thập niên gần đây.
Tuy nhiên, các hội nghị về biến đổi khí hậu không chỉ là “về tiền bạc.” Tôi tin rằng một điều gì đó khác cũng đang ẩn nấp bên dưới bề mặt của chúng.
Tôi đã được nhắc nhở về điều này khi đọc một bài báo khác của ký giả người Đan Mạch Bjorn Lomborg. Trong nhiều năm qua, ông đã có rất nhiều điều thú vị và lý trí để nói về khí hậu.
Nói một cách đơn giản, ông Lomborg tin rằng tồn tại một số hiện tượng ấm lên toàn cầu do con người gây ra, nhưng mức độ của nó không đến mức phải hoảng loạn kiểu “trời đang bị sập” và cần đến những khoản chi phí khổng lồ được nhiều nhà lãnh đạo thế giới ủng hộ (hoặc hứa hẹn một cách mơ hồ). Trên thực tế, chính những người mà họ tuyên bố sẽ giúp đỡ là những người bị tổn thương nhiều nhất (như các nước đang phát triển, nghèo nàn về năng lượng, và phải dựa vào nhiên liệu hóa thạch để tồn tại). Điều này thường đúng trong các trường hợp tương tự.
Ông cũng chỉ ra rằng chính sự ấm lên một chút này đã làm tăng sản lượng lương thực trên thế giới, và thực sự giúp nuôi sống họ.
Đối với tôi, điều mấu chốt có thể nằm ở một từ quan trọng mà nhiều người trong chúng ta đã nghe được đâu đó trong suốt những năm tranh cãi kéo dài này – từ “do con người gây ra”.
Những người tin vào sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu tin rằng nam giới (và cả nữ giới, nhưng ít hơn) phải luôn là trung tâm của mọi thứ. Quý vị có thể nói họ lấy con người làm trung tâm một cách quá mức.
Phần lớn họ thường là những người vô thần theo cách này hay cách khác. Họ là những người vô thần đến mức không quan tâm đủ đến vị thần nguyên thủy của nhân loại – mặt trời.
Nhưng bất kỳ sự thay đổi khí hậu nào do con người tạo ra, nó đều không thể so sánh được với mặt trời. Một ngày nào đó, chúng ta có thể biết được sự thật tai hại này.
Tuy nhiên, những người tin tưởng nhất vào sự ấm lên này dường như tôn thờ Gaia, đại diện cho Trái đất, thay vì mặt trời hay Thiên Chúa của Do Thái và Cơ đốc giáo. Nhưng để khuyến khích sự thờ phượng đối với bất kỳ niềm tin nào, thường nên có một nơi nào đó để đến, để nhắc nhở các tín đồ – như Jerusalem, Mecca, Lộ Đức, v.v. Và do đó, đã có COP.
Điều đó làm cho các hội nghị về khí hậu này căn bản trở thành lễ kỷ niệm tôn giáo hàng năm cho những người vô thần, một lễ kỷ niệm cho niềm tin rằng con người có thể kiểm soát mọi thứ. (Nếu điều này nghe hơi giống chủ nghĩa cộng sản, thì nó đúng là như vậy.)
Cách đây không lâu, người ta gọi sự cố định sinh thái hiện tại của chúng ta bằng một cái tên đơn giản hơn – là bảo tồn. Khi đó tất cả chúng ta đều đồng ý với điều đó và đã tự động làm phần việc của mình. Chúng ta đã dọn dẹp rác. Bây giờ không còn như vậy nữa.
Ông Roger L. Simon là một tiểu thuyết gia từng đoạt giải thưởng, nhà biên kịch được đề cử giải Oscar, người đồng sáng lập PJMedia.
Những cuốn sách gần đây nhất của ông là tiểu thuyết viễn tưởng “The GOAT” (“Con DÊ”) và sách phi hư cấu “I Know Best: How Moral Narcissism Is Destroying Our Republic, If It Hasn’t Already” (“Tôi Biết Rõ Nhất: Sự Ích Kỷ về Đạo Đức Đang Phá Hủy Nền Cộng Hòa của Chúng Ta Như Thế Nào, Nếu Điều Đó Chưa Xảy Ra”). Quý vị có thể tìm thấy ông ấy trên Parler @rogerlsimon.
Roger L.Simon _ Joe Nguyễn
No comments:
Post a Comment