Ông Đạo Dừa
Ông tên Nguyễn Thành Nam, sanh 1910, con một ông chánh tổng giàu có tiếng ở Bến Tre. Năm 18 tuổi, đi du học bảy năm bên Pháp, ông có bằng kỹ sư Canh Nông. Không ra làm việc vì ông chống Pháp, ông lấy vợ sanh con rồi đi tu, tự chế ra đạo để tu: không nói chuyện và chỉ uống nước dừa.
Bị Pháp bắt, ông viết giấy nói Pháp vi phạm nhân quyền, lời lẽ khúc triết, nên nhà cầm quyền thực dân Pháp phải thả. Họ sợ ông hay sợ mang tiếng đàn áp nhân quyền, có trời biết.
Lúc đầu, ông làm cái sàn nhỏ trên đọt dừa, rồi lên đó ngồi bất động. Nhiều người tới coi và tin ông, nhà cầm quyền thực dân Pháp lại sợ ông làm loạn, cho lính tới kêu ông xuống nhưng không được, bèn đốn cây dừa cho ông rớt xuống.
Ông không chết, lại leo lên cây khác mà ngồi. Ông tu bất bạo động, không giảng đạo gì, không chửi rủa câu nào hết. Riết rồi Pháp cũng ngại, cứ để mặc và không phá rối ông nữa.
Ông viết ra giấy để giảng đạo, không nói năng gì, nhưng đệ tử đông số ngàn, họ che chở ông vòng trong vòng ngoài. Đoạn lịch sử này của ông, nhà cầm quyền cs hiện nay hòan toàn che đậy. Tôi viết theo lời kể của những vị cao niên gặp ở cồn Phụng và một vài nơi khác ở Bến Tre.
Năm 1945, vùng Bến Tre quân Việt cộng làm loạn quá, ông bỏ lên núi Cấm ở An Giang tu 3 năm. Đến khi vua Bảo Đại lập Quốc Gia Việt Nam với tướng Xuân làm thủ tướng, ông trở về cồn Phụng và lập ra chùa Nam Quốc Phật để tu hành công khai, nhận đệ tử và truyền đạo- gọi là Hòa Đồng Tôn Giáo, nhưng dân gian quen kêu là Đạo Dừa.
Đạo ông hòa trộn Công giáo, Phật giáo Thiền tông, thờ cả Chúa lẫn Phật. Tín đồ khi làm lễ thì làm dấu Thánh giá lẫn chắp tay quỳ lạy. Bản thân sống như vị thiền sư; nếu ngày nào ông không làm được việc gì thì ngày đó nhịn đói không ăn không uống, theo kiểu "nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực" của Tổ Bá Trượng Hoài Hải.
Ông có quãng thời gian dài êm ả phát triển đạo từ 1948 đến 1975, số tín đồ lên đến hàng trăm ngàn người; riêng số tu sĩ sống tại cồn Phụng đã hơn ba ngàn vị, có cả người phương Tây. Ông từng vận động tranh cử tổng thống thời Đệ nhị Cộng Hòa, nhưng không thành công.
Ông không để tín đồ phục dịch bất cứ chuyện gì. Kể cả chuyện ăn uống hàng ngày. Ông cũng tự lo lấy: nhúm bắp luộc bữa trưa và nước dừa tươi uống trừ cơm. Từ một thanh niên cao to, thân hình ông co rút lại nhỏ xíu như đứa trẻ còi xương.
Sau 1975, ông bị nhà cầm quyền bắt giam ở Cần Thơ. Họ không giết, nhưng nhốt ông trong cái conex sắt, kín mít không ánh sáng, gió cũng không lọt vào được. Mọi ăn uống vệ sinh đều ở trong đó. Đệ tử đem dừa trái tới thăm nuôi, nhưng quản giáo Việt cộng không cho nhận, chỉ phát thức ăn như tù nhân khác.
Ông không ăn, chỉ đòi uống nước dừa và phản kháng bằng cách dùng cái ca inox gõ lanh canh vào cái cửa của conex. Gõ lanh canh đều đặn, từ tối tới sáng, sáng tới tối, cán bộ VC chửi bới cỡ nào, ông cứ đáp lại lời bình dị: "Tui thương chú lắm, cán bộ ơi!".
Biệt giam ông khá lâu mà chẳng khuất phục nổi ông, Việt cộng còn dùng nhiều cách như: xịt nước vòi rồng cực mạnh cho ông té lăn dưới đất, giam trong chuồng chó bằng kẽm gai cho ông phơi nắng phơi mưa, mặc xác ông tuyệt thực... Nhưng hễ té xuống, ông lại lồm cồm bò dậy, ngồi xếp bằng. Chửi rủa thì ông lại dùng lời yêu thương mà đáp, dai dẳng bền bỉ, không sân hận, oán than.
Lâu ngày, thân ông co rút lại chỉ như bộ xương. Không muốn để ông chết trong tù "cải tạo", VC mới đánh tiếng cho đệ tử đem tiền bạc chuộc ông ra, với danh nghĩa là "cách mạng khoan hồng". Theo lời người chứng kiến, khi đó ông chỉ còn 27 ký! Vậy mà, ông đã hồi phục một cách thần kỳ.
Ông lại tiếp tục giảng đạo và tín đồ quay trở lại trong thầm lén, có lúc cả trăm người âm thầm ở xung quanh nhà ông. Cho tới năm 1990, 81 tuổi, những đệ tử không còn sợ sệt nữa, quy tụ mỗi lúc một đông.
Nhà cầm quyền dẹp nhiều lần, nhưng không được.
Đỉnh điểm là dịp kỷ niệm 15 năm "giải phóng", họ cho lực lượng bố ráp; một mặt, cho truyền thông ra rả tuyên truyền những điều rất nhảm nhí về Đạo Dừa. Nhiều đệ tử thân cận nhất đã nghĩ đến việc tự thiêu để phản đối. Đến ngày 12 tháng 5, 1990, lực lượng ca hùng hỗ đến tại chỗ để tiến hành cưỡng chế. Trong lúc giằng co, bị xô từ trên lầu xuống đất, ông chấn thương sọ não, qua đời vào hôm sau. Rất nhiều đệ tử của ông đã bị bắt nhốt trong hàng chục năm.
Đạo Dừa mất người lãnh đạo tinh thần, giải tán trên bề mặt, nhưng hàng năm vào ngày giỗ (âm lịch) của ông, hàng ngàn người đủ mọi lứa tuổi đều trở về viếng, tổ chức tưởng niệm.
Ông có câu nói mà những người ngày xưa chung trại cải tạo với ông ở Cần Thơ, đều nhớ nằm lòng:
- "Tui thương mấy chú lắm, mấy chú Việt cộng ơi! Mấy chú ngu dại lắm, không biết bạo phát thì bạo tàn! Chỉ có nhơn nghĩa là trường tồn thôi.
FB Hai le
No comments:
Post a Comment