Nỗi lòng "Việt Kẹt"
Gần hai năm qua, trong thành phần những cư dân hỗn tạp đang hiên diện trên đất Mỹ, đã xuất hiện thêm một thành phần mới mà có người đặt cho cái tên thật gợi cảm, gợi hình: "Việt kẹt". Do dịch bệnh tràn lan, hàng vài chục ngàn người đã bất đắc dĩ kẹt lại Mỹ sau khi kết thúc việc du học, sau một thời gian vài tháng ở thăm thân nhân, cùng nhiều lý do a, b, c, d khác. Tất nhiên mỗi người có một hoàn cảnh riêng, song dù với hoàn cảnh nào, họ cũng xứng danh với cái tên … Việt kẹt.
Về phần mình, với số Việt kẹt đông như quân Nguyên này, cơ quan di trú nước sở tại cũng bó tay. Họ thu phí và nhận đơn xin gia hạn visa mà cũng không thể xử lý được gì hơn ngoài việc cung cấp cho đương đơn một “receipt number” (số biên nhận), rồi … thôi.
May mà Mỹ là xứ sở của lòng nhân đạo, của cách hành xử nhân văn, không biết lợi dụng thế kẹt của người xứ khác để làm khó dễ hay thu lấy những đồng tiền bất chính.
Bù lại, từ hai năm qua, giới Việt kẹt được thừa hưởng nhiều “đặc ân” mà các cơ quan trong và ngoài nước đã thông cảm dành cho họ, đó là những “chuyến bay nhân đạo” hay những “chuyến bay giải cứu” với giá trọn gói từ 80-90 triệu đến 150 triệu đồng, hay hơn nữa.
Tất nhiên, “đặc ân” lớn lao quá, hầu hết Việt kẹt không tài nào nhận nổi. Và cũng từ đó, người ta bắt đầu đề cập đến một ngành kinh doanh mới mẻ thuộc sáng kiến độc quyền của người Việt Nam, không nước nào dám thực hiện, đó là ngành “kinh doanh nỗi nhớ”, thu lợi nhuận từ nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ người thân trĩu nặng trong lòng mỗi người Việt xa quê.
Gần đây, thông tin về sự khai mở những “chuyến bay thương mại quốc tế” mang lại một luồng gió mới, lòng người Việt kẹt nghe tươi mát với hình dung những đường bay của các hãng hàng không quốc tế tới lui tấp nập trên các sân bay Việt Nam, nhả ra những con người mệt mỏi kinh niên sau những ngày tháng khắc khoải trên xứ người.
Nhưng nỗi phấn khởi cũng sớm lụi tàn, như chiếc bong bóng xì hơi, khi mọi người được biết rằng, ít nhất trong thời gian sắp tới, các “chuyến bay thương mại quốc tế” ấy là sự độc quyền của ngành hàng không Việt Nam, với giá vé một chiều thấp nhất là 45 triệu đồng!
Cái khó ló cái liều, nhiều Việt kẹt đã liều chọn giải pháp đi theo con đường vòng về Việt Nam qua ngả Campuchia, với giá vé Mỹ-Campuchia khoảng 13 triệu đồng, tức chưa đến 600 USD! Tất nhiên,với con đường vòng đó, họ còn phải vất vả với thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh Campuchia, tìm phương tiện trở về cửa khẩu Việt Nam. Đổi lại, gần như trọn “chuyến đi bão táp” vòng vo ấy, họ chỉ phải tốn chưa đến 20 triệu đồng, bằng dưới 50% giá tối thiểu của hàng không Việt Nam!
Sự lựa chọn của họ nghe tựa như cách vùng vẫy của con thú bị thương, mặt khác cũng là nỗi xấu hổ của những ai mượn danh nghĩa “giải cứu” để bắt chẹt đồng bào của mình, thu lợi trên chính nỗi nhớ quê hương trĩu nặng trong lòng họ!
Chúng ta biết rằng trong thời gian qua, ngành hàng không quốc tế và quốc nội của Việt Nam là một trong những ngành thương mại bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh và nghe đâu, chính phủ đã phải trợ cấp hàng chục ngàn tỉ đồng. Song đó không phải là lý do chính đáng để gỡ lại phần nào những thiệt hại lớn lao ấy bằng lề lối “kinh doanh nỗi nhớ” của chính đồng bào mình đang gánh chịu hậu quả do dịch bệnh gây ra.
Chính quyền Campuchia đã tỏ ra khôn ngoan trong chính sách hàng không của họ. Họ để cho sự cạnh tranh của các hãng hàng không quốc tế tạo ra những giá vé thuận lợi cho hành khách vào nước họ, họ thu lợi ít tính trên từng cá nhân, nhưng vẫn được nhiều nhờ vào số đông. Mặt khác, cách cư xử của họ có thể gọi là văn minh và nhân đạo, mặc dù dịch bệnh đang hoành hành, vẫn mở rộng cửa sân bay đón những người không phải là đồng bào của họ, và còn dành cho người Việt mình những thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh dễ dàng để về nước.
Cớ sao người Việt ta lại không thể đối xử với chính đồng bào của mình bằng những việc làm tối thiểu như họ?
Đó là những suy nghĩ thật lòng của một người ly hương bất đắc dĩ, luôn mỉm cười với nghịch cảnh, và rất sẵn sàng chờ đón thêm một cái tết tha hương.
Lê Nguyễn
01.12.2021
No comments:
Post a Comment