Picasso: Cái giá của một thiên tài
Pablo Picasso và người vợ thứ 2 – Jacqueline. Sergei Alpha
Ngày 8-4-1973, họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ XX Pablo Picasso qua đời ở tuổi 92, để lại một gia tài khổng lồ các tác phẩm nghệ thuật và tài sản vật chất. Khi chôn cất họa sĩ, một bức tượng Marie Thérèse – có lẽ là tình yêu lớn nhất của Picasso – được đặt trên mộ ông. 4 năm sau, bà Marie Thérèse đã treo cổ tự vẫn vì bà không thể sống nổi khi Picasso không còn nữa. Picasso là một nhân vật gây nhiều tranh cãi do tính tình lập dị, chỉ biết một mình mê mải sáng tác mà không quan tâm đến ai. Nước Pháp không chê gia tài bằng tranh và tượng của Picasso, được đánh giá vào khoảng 10,4 tỷ euro trong các bảo tàng chỉ riêng ở Pháp.
Phải mất 5 năm người ta mới kiểm kê xong số tác phẩm của ông, gồm khoảng 37.000 bức, trong đó có 1.885 tranh sơn dầu, 7.089 ký họa, 20.000 tranh khắc…, tất cả đều là đối tượng săn mua của các tay sưu tầm tranh. Rất khó có thể tính thành tiền bộ tranh của Picasso, vì giá trị của chúng tùy thuộc kết quả bán đấu giá. Vấn đề ai sẽ được thừa kế gia tài đó từng làm dư luận thế giới bàn bạc ầm ĩ, vì Picasso có khá nhiều con cháu. Cuối cùng cô cháu nội của ông là Marina Picasso cùng với mấy người con chính thức của Picasso được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ này. Nói là nghĩa vụ, vì việc quản lý và bảo vệ tài sản nghệ thuật của Picasso rất khó khăn, phức tạp.
Trong quá khứ, hồ sơ của an ninh quốc gia Pháp về danh họa Pablo Picasso bị Đức cướp đi khi chiếm đóng Paris năm 1940. Sau Thế chiến II, Liên Xô tiếp quản và gần đây Nga mới trả cho Pháp nhiều tài liệu lưu trữ cho biết: Năm 1901, Sở cảnh sát Pré-St.Gervais (Seine St.Denis) đã lập một hồ sơ theo dõi người nước ngoài mang số hiệu 74664. Năm chữ số là mã code để tiện phân loại. Mã số thông báo: giới tính nam, hành nghề họa sĩ. Người trong hồ sơ an ninh sinh ngày 25/10/1881 tại Malaga, hành nghề vẽ tranh có tên khai sinh là Pablo Ruiz Picasso, chính là danh họa Picasso. Trong hồ sơ có ghi: Tay này nói thứ tiếng Pháp chật vật, không ai hiểu hắn muốn nói gì. Hắn thường tiếp xúc, móc nối với những kẻ lạ mặt.
Thậm chí, Picasso còn bị liệt vào loại tiềm tàng khủng bố ở mức độ cao nhất với ‘Fiché S’. Với ký hiệu ‘S’ phân loại, kẻ đó thuộc loại tối nguy hiểm với an ninh quốc gia. Những cá nhân bị cho vào danh sách này được an ninh Pháp giám sát 24/7. Kết quả theo dõi Picasso viết: thời gian lưu trú ở Paris, kẻ này ngụ tại nhà một phần tử vô chính phủ là Pierre Manach và hắn đương nhiên cùng ý tưởng với tên này. Người ngoại quốc này xuất hiện như một đe dọa đối với an ninh. Y liên lạc với nhóm người Catalonia tại khu Montmartre. Bọn Catalonia là những kẻ cực đoan, vô chính phủ, phải giám sát gắt gao. Cả chục năm sau, giọng văn trong hồ sơ vẫn không thay đổi: Khoảng 30 tuổi. Năm 1914, không phục vụ gì cho lợi ích của đất nước chúng ta trong thời gian chiến tranh. Là kẻ có tư tưởng cực đoan, gần với xu hướng cộng sản, công khai chỉ trích nền tảng nhà nước pháp quyền của chúng ta, ca tụng nhà nước Nga Xô Viết.
Năm 1940, Picasso gửi nguyện vọng được nhập quốc tịch Pháp, song bị từ chối. Bộ máy hành chính Pháp vặn vẹo Picasso, đòi hỏi chứng thực thu nhập cá nhân, khai thuế, chứng minh ông không phải là người Do Thái. Không bắt bẻ được gì, nhưng hồ sơ nhập quốc tịch của Picasso không được an ninh Pháp cho điểm son nên bị đánh trượt. Cứ hai năm một lần, Picasso phải gia hạn giấy định cư. Do không bán tranh cho những nhà sưu tập tranh người Pháp có tiếng tăm, mà chỉ bán cho những người buôn tranh Do Thái nên ông làm phật ý ai đó, và chịu nhiều phiền phức.
Sau sự kiện bức chân dung nổi tiếng ‘Mona Lisa’ (La Joconde của danh họa Léonard de Vinci (1452-1519) bị đánh cắp tại Bảo tàng Louvre ngày 2/8/1911, Picasso cùng bị bắt và thẩm vấn với bạn là nhà thơ Guillaume Apollinaire (1880-1918, họ Kostrowitcki, người gốc Ba Lan). Người Việt được biết Apollinaire qua bài thơ Cầu Mirabeau, trường ca ‘Zone’. Cảnh sát trưởng Quận 18 Paris André Rouquier không ngần ngại lấy tranh của Picasso vẽ những cô gái ngực trần để minh họa cho đánh giá rằng Picasso là kẻ vô đạo đức. Viên cảnh sát này nói: Picasso nhồi nhét tư tưởng vô chính phủ cho bạn hắn là Manach, kẻ cho hắn trú ngụ.
Tháng 10 năm 1944, Picasso ra nhập Đảng Cộng sản Pháp (PCF). Picasso giải thích trên tờ l’Humanité của đảng này với bài viết ‘Tại sao tôi gia nhập đảng cộng sản.’ như sau:
Tôi không phải là một nhà văn, không dễ dàng gửi tác phẩm của tôi để mọi người hiểu. Tôi tự hào nói rằng, tôi chưa bao giờ coi hội họa là một nghệ thuật giải trí đơn giản. Tôi đã ước, bằng cách vẽ và bằng màu sắc, vì đó là vũ khí của tôi, có thể vươn xa hơn nữa sự hiểu biết về thế giới và về con người, để sự hiểu biết này có thể mang lại cho chúng ta sự giải phóng mỗi ngày. Tôi đã cố gắng theo cách riêng của tôi, điều mà tôi cho là chân thật nhất, chính xác nhất, hay nhất, và điều này đương nhiên luôn là đẹp nhất, như những nghệ sĩ vĩ đại nhất đều biết rõ.
Vâng, tôi ý thức được rằng mình đã luôn đấu tranh bằng hội họa của mình, như một nhà cách mạng chân chính. Nhưng tôi đã hiểu ra, bây giờ, chỉ điều đó thôi là chưa đủ. Những năm tháng bị áp bức khủng khiếp này đã cho tôi thấy rằng tôi phải chiến đấu không chỉ bằng nghệ thuật của mình, mà bằng tất cả bản thân mình. Và vì vậy, tôi đã đến với Đảng Cộng sản mà không chút do dự, vì thực tế là tôi đã đồng hành cùng nó.
Khi vào Đảng Cộng sản Pháp, được hưởng rất nhiều ưu đãi trong đảng khiến nhiều đảng viên bất mãn. Đảng giao cho ông nhiệm vụ vẽ chân dung Stalin, ông đều tìm mọi cách từ chối. Khi Stalin từ trần, đảng cần một bức tranh lãnh tụ, ông không có cớ từ chối nữa, nhưng lại vẽ một bức chân dung Stalin bị nhiều người cho là bôi bác, phỉ báng lãnh tụ. Song chẳng ai dám kỷ luật ông vì Picasso quá nổi tiếng, vả lại đã nhiều lần ông dùng tiền bán tranh để gây quỹ cho đảng. Bức họa Chim bồ câu của Picasso vẽ làm biểu tượng cho Đại hội hòa bình thế giới năm 1949 nhận được giải thưởng quốc tế vì Hòa bình năm 1955.
Suốt đời ông chưa bao giờ xa rời đàn bà, nhưng không phải với một người. Ông có quan hệ rất phức tạp và khó hiểu đối với phái đẹp, coi vợ hoặc nhân tình như công cụ phục vụ việc sáng tác. Xung quanh mối quan hệ này có nhiều chuyện rắc rối. Picasso đã mang lại những giây phút hạnh phúc tuyệt đỉnh cho những người phụ nữ yêu ông, nhưng ông cũng là người mang lại đau khổ cho họ.
Sau khi học trường nghệ thuật ở Madrid, năm 1900, ở tuổi 19 ông rời Tây Ban Nha tới Paris cùng 2 họa sĩ đồng hương. Một trong số đó là Carlos Casagemas. Anh có người yêu tên là Germaine, nhưng do bất lực nên anh không thể giữ được tình yêu của mình. Picasso đã thế vào vị trí của bạn, ngủ với Germaine và việc đó đã khiến người bạn đau khổ của ông tự vẫn. Bi kịch đó đã đưa Picasso vào Thời kỳ xanh (1901-1904) khi ông đã trút nỗi đau mất bạn vào một serie tranh thể hiện sự đau buồn.
Năm 1904, ông định cư ở Paris, mở một studio trong một tòa nhà nằm trên bờ sông Seine. Ở đây, ông đã gặp Fernande Olivier, người mẫu của nhiều nghệ sĩ, người có mái tóc đỏ, đôi mắt hình trái hạnh đào và dáng người khêu gợi. Picasso đã bị người phụ nữ đẹp và tự do đó mê hoặc. Trước đó, ông chỉ gặp những quý bà Tây Ban Nha ngoan đạo hoặc gái điếm. Còn Fernande lại hút hồn ông. Bà đã chuyển tới sống với Picasso trong studio nhỏ, bẩn thỉu của ông. Đây cũng là lúc Picasso chấm dứt Thời kỳ xanh và bắt đầu Thời kỳ hồng (1905-1907) khi ông vẽ nhiều bức tranh đầy cuốn hút về người tình. Nhưng bà Fernande là người hết sức lười biếng, nên Picasso buộc phải làm việc nhà. Điều này trái ngược hẳn với những mối quan hệ trước của họa sĩ, khi những người phụ nữ phải “hầu hạ”, chăm sóc ông. Tuy vậy, Picasso vẫn cảm thấy rất mãn nguyện khi sống với bà Fernande. Nhiều năm sau, ông chỉ vào tòa nhà xám xịt với tuyên bố: Đó là nơi duy nhất tôi cảm thấy hạnh phúc.
Năm 1909, Picasso rời studio nhỏ bé đó để tới một nơi tươm tất hơn. Lúc đó, ông đã có những người bảo trợ – các nhà sưu tầm nghệ thuật Mỹ giàu có Gertrude và Leo Stein – và tác phẩm của ông đã được đem triển lãm. Nhưng Fernande thì không chịu nổi tính tình của ông và năm 1912, bà rời bỏ ông để đến với một họa sĩ Italia. Picasso trả đũa bằng cách quan hệ với một người bạn của bà – Marcelle Humbert, một phụ nữ trẻ, yếu đuối, người mà ông gọi là Eva. Cuộc tình của họ rất mãnh liệt, nhưng điều đó cũng không ngăn cản được Picasso đến với những người phụ nữ khác. Năm 1915, khi Eva bị bệnh lao, Picasso chăm sóc bà rất tận tình, nhưng trong những lần tới thăm bà, thì ông lại bí mật ngủ với một phụ nữ trẻ tên là Gaby. Sau khi Eva qua đời vào năm 1916, Picasso đã cố gắng tự an ủi mình bằng việc quan hệ với nhiều người tình, nhưng nỗi đau buồn khiến ông không thể sống chung với người phụ nữ nào.
Picasso đã rời nước Pháp bị tàn phá do chiến tranh để tới thành Roma, nơi đoàn Ballets Russes đang lưu diễn. Picasso nhanh chóng đem lòng yêu một nữ nghệ sĩ ballet, một cô gái Nga tên là Olga Koklova. Mê mẩn thân hình mềm mại, uyển chuyển của người phụ nữ này nhưng lại tức bực với thái độ lạnh lùng xa lánh của cô, cuối cùng Picasso đã quyết định sở hữu cô bằng được. Năm 1918, ông kết hôn sống tại Paris – thủ đô nước Pháp. Hai người có với nhau một con trai tên là Paulo. Ban đầu cuộc hôn nhân này rất hạnh phúc, mặc cho có những khác biệt giữa 2 người. Sự ra đời của cậu con trai tạo cho ông cảm hứng vẽ một serie tranh mang tên Maternité. Nhưng niềm hạnh phúc đó không kéo dài. Lúc đó, Picasso đã có khả năng kinh tế và thuê được người giúp việc, còn bà Koklova thì chẳng có việc gì để làm. Buồn chán và cay đắng khi mất cả sự nghiệp rồi đến khi phát hiện ra một loạt vụ ngoại tình của chồng, bà đã gần như phát điên. Thời gian này, tranh của Picasso bắt đầu mô tả những người phụ nữ trông kỳ cục, méo mó và ông tìm mọi cách để thoát khỏi Koklova.
Năm 1927 Marie-Thérèse Walter cô gái tóc vàng chiếm hết tầm nhìn của Picasso, che lấp cuộc sống hôn nhân của họ. Lúc đó, Picasso đã 46 tuổi, còn Thérèse Walter mới 17 tuổi. Thérèse Walter là mối tình lâu dài nhất trong cuộc đời ông và có lẽ là người phụ nữ duy nhất khiến ông thực sự hạnh phúc. Thông minh nhưng không có học thức, Thérèse Walter là người dễ bảo và dễ tha thứ. Năm 1928, Picasso đưa gia đình đi nghỉ ở khu resort Dinard và sắp xếp để Marie-Thérèse tham gia trại hè gần đó. Sáng nào ông cũng bỏ mặc vợ và con trai để đi “vui vẻ” với người tình trẻ trong một túp lều gần đó. Olga Khokhlova biết về mối quan hệ của chồng mình. Bà quyết định chuyển đến miền nam nước Pháp với đứa con trai chung và đệ đơn ly hôn. Vì lý do phải chia nhiều tài sản, Picasso từ chối ly dị, mặc dù không còn chung sống trong nhiều thập kỷ, họ vẫn chính thức là vợ chồng cho đến khi Olga chết vì ung thư năm 1955.
Năm 1935, Picasso có con gái với Marie-Thérèse và đặt tên con là Maya. Ông vui sướng tột độ, nhưng hạnh phúc đó không ngăn được ông đi tìm mối quan hệ khác. Lần này là Dora Maar, một nhiếp ảnh gia 29 tuổi có tài và xinh đẹp và lúc đó chỉ bằng gần nửa tuổi ông. Ban đầu, Picasso cố gắng không để 2 người tình của mình gặp nhau. Nhưng một ngày, họ tình cờ “đụng” nhau trong studio của ông. Và họa sĩ đã mô tả thời khắc đó trong bức tranh Birds In A Cage, trong đó mô tả một con chim bồ câu đen (Dora) chiến đấu với chim bồ câu trắng (Marie-Thérèse). Và chim bồ câu đen thắng. Dora chuyển tới sống với Picasso, còn Marie-Thérèse và con gái họ sống trong một căn nhà gần đó.
Với Picasso, một “hậu cung” không bao giờ là đủ. Năm 1943, lúc đó Paris đang bị Đức chiếm đóng, ông nhìn thấy 2 cô gái trẻ xinh xắn trong một quán cà phê. Ông mời họ tới studio của mình. 1 trong 2 người là cô gái Françoise Gilot 21 tuổi. Cô là sinh viên luật đồng thời là một họa sĩ đầy triển vọng. Picasso tán tỉnh cô trong nhiều tháng và cuối cùng cô đã chấp nhận trao đời con gái của mình cho ông. Khi Dora biết được mối quan hệ này, bà bị choáng. Bất chấp nỗi đau khổ của bà, Picasso đã nhốt bà trong một căn hộ gần đó. Năm 1945, Dora bị suy sụp thần kinh hoàn toàn. Picasso đưa bà vào một nhà dưỡng lão, còn Françoise tới ở cùng ông.
Thời gian này, Picasso dành toàn bộ tình cảm cho người tình trẻ Françoise. Họ dành nhiều thời gian bên nhau ở khu nghỉ Antibes, thuộc Địa Trung Hải, nhưng hạnh phúc của họ không được trọn vẹn do sự xuất hiện thường xuyên của người vợ bị bỏ rơi – Koklova, lúc đó đang sống gần đấy. Với tình trạng thần kinh không ổn định và không thể chấp nhận được thói ngoại tình của chồng, bà xộc vào nhà ông, tấn công và cào cấu Françoise. Françoise sinh cho Picasso 2 con, là con trai Claude và con gái Paloma. Ông hạnh phúc lắm, nhưng Françoise nhanh chóng cảm thấy bực bội với công việc nội trợ và cuộc sống với 2 đứa con. Bà ghét tính mê gái của Picasso và chìm trong sầu muộn. Françoise Gilot đã mô tả trong sách Sống với Picasso phát hành năm 2006 rằng: ông ta coi là chỉ có hai kiểu phụ nữ: hoặc là nữ thần, hoặc là thảm chùi chân. Bà tố cáo nặng nề Picasso phạm tội ấu dâm và bạo hành tình dục.
Thói trăng hoa lại đưa Picasso đến với một người phụ nữ trẻ khác. Geneviève Laporte, nhà thơ mà ông gặp lần đầu tiên khi bà còn là một nữ sinh trong thời chiến ở Paris, trước khi trở thành người tình của ông vào năm 1951. Lúc đó, Picasso đã 70, còn Laporte mới 24. Picasso đã là một họa sĩ nổi tiếng quốc tế, nên ông phải giữ kín mối quan hệ này nhằm tránh scandal. Nhưng năm 1953, Laporte đã rời bỏ ông do vài chuyện hiểu lầm nhỏ. Buồn chán, Picasso lang thang khắp các câu lạc bộ đêm ở Cote d’Azur với hy vọng tìm thấy người yêu. Cùng năm đó, Françoise cũng đã bỏ ông để đi theo một người đàn ông Hy Lạp.
Đau khổ vì bị bỏ rơi, Picasso lao vào công việc. Lúc đó, một trong những người làm mẫu cho ông là Jacqueline Roque, cô gái 27 tuổi có vẻ đẹp kỳ lạ. Cô gọi ông là “Chúa Trời”, hôn lên đôi tay ông và tôn thờ họa sĩ. Ban đầu, Picasso rất dửng dưng, nhưng rất nhanh sau đó họ yêu nhau. Năm 1961, Picasso cưới bà Jacqueline Roque, nhưng bà này không có con. Tuy nhiên, ham muốn tình dục của ông không hề giảm và Picasso vẫn tiếp tục tìm kiếm những người tình khác. 20 năm chung sống với Roque, ông đã vẽ hơn 400 bức tranh về bà. Đây là thời kỳ sáng tác mãnh liệt, nhưng nhiều người cho rằng nó phải trả giá bằng hạnh phúc của ông. Trong những năm cuối đời, Picasso gần như sống ẩn dật và bạn bè ông đổ lỗi cho tính ích kỷ của Roque, bà đã ngăn cấm các con và cháu tới nhà ông.
Picasso là người có rất nhiều mâu thuẫn. Ông là người tốt bụng và nhạy cảm, nhưng ông cũng là người ích kỷ, bạo ngược và độc đoán. Patrick O’Brian, một nhà viết tiểu sử về Picasso, cho biết: Tình cảm của Picasso đối với phụ nữ thường thay đổi một cách cực đoan, lúc thì rất âu yếm, lúc thì lại cực kỳ ghét. Picasso từng tuyên bố: Với tôi chỉ có 2 loại phụ nữ – nữ thần và người đáng khinh. Picasso vốn thừa hưởng giòng máu phiêu lưu từ ông tổ Tomaso Picasso (1787-1851), một thủy thủ, gốc Ý. Bảo tàng ‘Fundtion Museo Casa natal’ ở Malaga còn giữ ảnh chụp bản viết tay bằng tiếng La tinh chứng chỉ rửa tội của Tomaso Picasso ở Sori, Ý. Cha ông, Don José Ruiz, một nghệ sĩ và giáo viên nghệ thuật, người vào Chủ nhật thường tới nhà thổ. Cậu bé Pablo cũng có thú ăn chơi như cha và biết đến phụ nữ từ năm 13-14 tuổi. Quan niệm phụ nữ là nguồn khoái lạc tình dục không chỉ ăn sâu vào cuộc đời ông mà còn cả quá trình sáng tạo của ông. Les Demoiselles d’Avignon, các bức tranh nổi tiếng vẽ 5 gái điếm khỏa thân, luôn được coi là minh chứng cho thái độ coi thường phụ nữ của ông. Tuy nhiên, Picasso rất ngưỡng mộ mẹ mình và cuối cùng đã lấy tên thời con gái của bà – Picasso – để làm họ chứ không dùng họ Ruiz của cha.
Như vậy Picasso chỉ có hai cháu nội là Pablito (trai) và Marina (gái), đều là con của Paulo. Picasso từ trần được ít lâu thì tai họa giáng xuống gia tộc này: Đầu tiên đứa cháu nội đích tôn Pablito uống thuốc nhuộm tóc tự vẫn. Tiếp đó con trai Paulo ốm chết. Một người tình của Picasso là bà Marie Therèse Walter treo cổ tự tử. Sau đấy bà Jacqueline Roque cũng tự vẫn nhưng không chết. Gia tộc Picasso chính thức chỉ còn lại Marina, tuy thực ra Picasso vẫn còn một lô cháu nội, cháu ngoại nhưng đều không chính thức.
Tuy con người ông vĩ đại và giàu có, nhưng cuộc đời của các cháu không vì thế mà sung sướng. Cha mẹ Marina ly dị nhau từ khi Marina còn nhỏ, hai anh em ở với mẹ. Ba mẹ con sống rất tằn tiện. Marina kể: Nói thật là tôi ít biết về ông mình, vì chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Ông tôi suốt ngày mải mê vẽ tranh, không cho ai được quấy rầy mình, kể cả vợ con và lũ cháu. Picasso chỉ giúp cháu gái khoản học phí học trung học. Khi Marina xin vào đại học y khoa thì ông không giúp nữa. Cô đành đi làm tại một trung tâm điều trị bệnh tâm lý. Đúng lúc ấy thì ông nội rồi đến anh và cha lần lượt qua đời. Marina tâm sự:
Ngày ấy tôi bỗng dưng được thừa kế gia tài khổng lồ của ông nội mình, nhưng người thân của tôi đều lần lượt qua đời. Điều đó làm tôi vô cùng đau khổ. Một thời gian khá dài tôi không dám nghĩ đến kho tác phẩm ông tôi để lại.
Hình 1: Hồ sơ an ninh Pháp về Pablo Picasso, người nhập cư từ Tây Ban Nha.
Hình 2: Bài viết của Picasso vì sao vào đảng trên báo L’Humanite, tháng 10/1944
Năm 1982, Marina muốn xin một đứa con nuôi, tuy lúc ấy chưa lấy chồng mà đã có hai con, một trai 5 tuổi và một gái 3 tuổi. Mới đầu, Marina đến Thái Lan xin con nuôi, nhưng thủ tục xin con nuôi ở đây khá phiền phức nên cô sang Việt Nam tìm cơ hội. Thực ra ở Việt Nam thủ tục cũng chẳng kém rắc rối, nhưng vì người Việt Nam quá hâm mộ Picasso, hơn nữa ông lại là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, cho nên Marina Picasso gặp nhiều thuận lợi. Vì thế khi năm 1990 Marina đến TPHCM xin nhận nuôi một bé trai 4 tháng tuổi, bà nhanh chóng được toại nguyện. Sau đó bà lại xin nhận nuôi thêm hai em nữa.
Thông cảm với tình hình nơi này có nhiều trẻ mồ côi sau chiến tranh, bà thành lập “Quỹ Marina Picasso” và mở một trại trẻ mồ côi tại TPHCM. Bà đã tặng 400.000USD góp phần xây dựng Làng Tình thương ở Thủ Đức, với 25 căn nhà nhỏ, một dãy nhà tập thể, một bệnh xá nhỏ, một khu sân chơi và bể bơi. Ngôi làng đã đón nhận 350 trẻ em trong suốt 20 năm hoạt động. Tiếp đó, hàng tháng, bà Marina Picasso gửi tặng 150.000USD để giúp Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh gây quỹ để mua thêm trang thiết bị, hỗ trợ các khóa huấn luyện nghiệp vụ cho y bác sỹ, xây mới, sửa sang một số tòa nhà trong bệnh viện, tặng sữa cho trẻ nhỏ. Ngoài ra, bà còn cung cấp miễn phí sữa bò cho một số bệnh viện, trại trẻ mồ côi và giúp tiền mua thiết bị y tế cho một bệnh viện tâm thần. Bà cũng nhà tài trợ chính cho dự án hỗ trợ y tế, trường học cho Việt Nam với Bernadette Chirac, vợ cựu tổng thống Pháp và Tổ chức Bệnh viện Paris.
Hiện nay Marina sống cùng 5 con đẻ và con nuôi của mình tại biệt thự sang trọng có tên La Californie ở thành phố Cannes (Pháp), do ông nội để lại. Bà thường xuyên sang Việt Nam thăm trại trẻ mồ côi của mình. Bà nói:
Tôi đã hoàn toàn thoát khỏi bóng đen của quá khứ đau khổ. Nhìn thấy các con nuôi của mình ngày một khôn lớn, tôi rất mừng. Chúng đều là chắt của Picasso cả đấy!.
Trả lời câu hỏi của các nhà báo tại sao các nước khác cũng có nhiều trẻ mồ côi mà bà lại chỉ giúp có mỗi Việt Nam thôi, Marina nói: Khả năng của chúng tôi có hạn, không thể cùng lúc giúp nhiều nơi. Tôi có cảm tình đặc biệt với Việt Nam. Hơn nữa, riêng tôi đã có ba con nuôi là người Việt Nam kia mà!.
–
Tài liệu tham khảo:
Link:
No comments:
Post a Comment