Thâm nhập Hollywood: Trung Quốc quảng bá văn hóa Đảng Cộng sản
Người dân xếp hàng mua vé tại rạp chiếu phim AMC ở New York, Mỹ.
Điện ảnh đã trở thành một phương tiện mạnh mẽ giúp Trung Quốc tiếp cận người xem trên toàn thế giới, từ đó khiến họ chấp nhận các giá trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và tầm nhìn về một trật tự thế giới mới với Trung Quốc là trung tâm. Trung Quốc không chỉ sử dụng quyền kiểm soát đối với phim nước ngoài khi các bộ phim này muốn tiếp cận thị trường nội địa Trung Quốc, mà còn đầu tư và đồng sản xuất các bộ phim Hollywood, cũng như mua lại các xưởng sản xuất và nhà phân phối phim của Mỹ.
Năm 2009, nhà báo Melik Kaylan chuyên viết về đề tài chính trị và văn hóa thế giới cho tờ Wall Street Journal, Newsweek, và Forbes đã tham gia một phái đoàn thương mại của Hoa Kỳ đến thăm Trung Quốc và có nhận xét như sau: Trung Quốc đã tăng trưởng chóng mặt ở nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, quân sự, khoa học, y học, đến thể thao, ẩm thực, v.v. Nhưng đất nước này vẫn chưa thể cạnh tranh với phương Tây ở phim ảnh và âm nhạc đại chúng. Nếu không thể khiến văn hóa Trung Quốc được tầng lớp phổ thông trên toàn thế giới biết đến thì Trung Quốc không thể quảng bá hình ảnh của mình ra thế giới, và cũng khó có thể hòa nhập với các nền văn hóa khác mà không bị coi là một thực thể ngoại lai.
Phim ảnh khiến những câu chuyện được kể trở nên thuyết phục, tác động trực tiếp đến niềm tin của khán giả. Trung Quốc có thể giảm thiểu các tin tức tiêu cực, cải thiện hình ảnh ở nước ngoài, đồng thời nâng cao quyền lực mềm thông qua các bộ phim.
ĐCSTQ cũng nhận thức ra điều này. Do vậy, từ năm 2012, thao túng điện ảnh đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược "chiến tranh truyền thông" của Bắc Kinh. Cũng vào năm đó, Trung Quốc bắt đầu tìm cách thâm nhập thị trường điện ảnh Mỹ bằng cách mua lại hoặc sở hữu một phần các nhà sản xuất phim Hollywood và hệ thống phân phối phim của Mỹ. Hiện nay, Chủ tịch Tập Cận Bình quyết tâm sử dụng phim ảnh để quảng bá Trung Quốc như là “một quốc gia xây dựng hòa bình thế giới, đóng góp cho sự phát triển toàn cầu, và duy trì trật tự quốc tế”.
Trung Quốc đã lợi dụng hệ thống quản lý lỏng lẻo của Mỹ để thâu tóm các doanh nghiệp liên quan đến điện ảnh Mỹ.
Dalian Wanda, tập đoàn bất động sản và giải trí thuộc sở hữu của ông Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin) - một thành viên gạo cội của ĐCSTQ - đã chi gần 10 tỷ USD để mua lại các doanh nghiệp Mỹ, bao gồm 2 chuỗi rạp chiếu phim là AMC vào năm 2012 và Carmike vào năm 2016, cùng hãng phim Legendary Entertainment cũng vào năm 2016.
Tổ hợp AMC-Carmike của Wanda là chuỗi rạp lớn nhất ở Mỹ, trong khi việc mua Legendary giúp Wanda trở thành một trong những công ty sản xuất phim lớn nhất thế giới.
Wanda đã trở thành ví dụ điển hình về cách mà một công ty Trung Quốc thực thi các mục tiêu địa chính trị của một chính quyền độc tài. Ông Vương tin rằng cách duy nhất để thu phục cả trái tim và khối óc của người dân là thông qua văn hóa. Ông ấy muốn có nhiều bộ phim Trung Quốc hơn được trình chiếu ở Mỹ, từ đó tạo dựng quyền lực mềm của Trung Quốc trên toàn thế giới.
Gã khổng lồ công nghệ Tencent của Trung Quốc cũng đầu tư vào xưởng phim STX Entertainment, trong khi Alibaba có cổ phần trong Amblin Partners của Steven Spielberg, Bona đã đầu tư vào một loạt phim của 20th
Biểu tượng Hollywood trên đỉnh núi Lee chụp vào ngày 5/12/2005 tại Hollywood, California.
Thông qua các bộ phim Hollywood được hợp tác sản xuất bởi Trung Quốc, Bắc Kinh dễ dàng truyền tải thông điệp chính trị của mình. Bộ phim Transformers: Age of Extinction của Paramount đã miêu tả người Mỹ có phần ‘kém hấp dẫn’ hơn, đồng thời thể hiện lòng vị tha của các nhân vật Trung Quốc. Một nhà phê bình đã gọi đây là "một bộ phim yêu nước tuyệt vời, nếu bạn là người Trung Quốc”. Abominable, một bộ phim của DreamWorks, đã ‘cố ý’ đưa vào tấm bản đồ có “đường chín đoạn”, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, mà Trung Quốc vẽ ra để đơn phương tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Việt Nam đã cấm chiếu bộ phim hoạt hình này (tên tiếng Việt của Abominable là Everest: Người Tuyết bé nhỏ).
Các bước đi của Trung Quốc cũng giúp nước này tiếp cận với kho kiến thức về xây dựng cốt truyện, phát triển nhân vật, nhạc phim, và hiệu ứng hình ảnh. Các chuyên gia sản xuất phim lành nghề của Mỹ đã ‘di cư’ vào ngành công nghiệp điện ảnh nội địa Trung Quốc. Ông Vương Kiện Lâm từng nói: "Mục tiêu của tôi là mua các công ty Hollywood, rồi đưa công nghệ và năng lực của họ đến Trung Quốc".
Bên cạnh đó, để được tiếp cận với thị trường phóng vé khổng lồ của Trung Quốc, các hãng phim Hollywood sẵn sàng tuân theo sự kiểm duyệt ngày càng khắt khe của Ban Tuyên truyền thuộc ĐCSTQ - cơ quan giám sát việc phân phối phim nước ngoài ở Trung Quốc. Các nhà kiểm duyệt Trung Quốc loại bỏ bất cứ điều gì khiến ĐCSTQ bị vạch trần, đồng thời khuyến khích cái nhìn tích cực về con người và chính quyền Trung Quốc.
Các nhà sản xuất Hollywood đã ngoan ngoãn thay đổi cốt truyện, bối cảnh, nhân vật, và dàn diễn viên để làm vui lòng Bắc Kinh. Một cảnh ở Thượng Hải với đồ giặt sấy phơi ngoài trời đã bị xóa khỏi Mission: Impossible - Fallout bởi cảnh quay này khiến Trung Quốc có vẻ lạc hậu. Red Dawn đã được chỉnh sửa kỹ thuật số để biến các nhân vật phản diện là người Triều Tiên chứ không phải người Trung Quốc. Sony đã cắt bớt một số cảnh, bao gồm cảnh người ngoài hành tinh hạ gục Vạn Lý Trường Thành.
Có thể thấy, Chủ tịch Tập Cận Bình đã sử dụng chiến tranh điện ảnh, cũng giống như cách mà ông sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường, các Viện Khổng Tử, cùng các thông tin sai lệch trên Internet, để đẩy nhanh kế hoạch thay thế Mỹ trở thành siêu cường thế giới.
Trên thực tế, Trung Quốc không phải là chế độ cộng sản đầu tiên hiểu được tầm quan trọng địa chính trị của phim ảnh. Hơn nửa thế kỷ trước, nhà độc tài Liên Xô Josef Stalin đã nói: "Nếu tôi có thể kiểm soát điện ảnh Mỹ, tôi sẽ không cần bất kỳ điều gì khác để chuyển đổi toàn bộ thế giới này sang chủ nghĩa cộng sản”.
No comments:
Post a Comment