BIDEN TUNG TIỀN LẦN THỨ NHẤT
Tối Thứ Sáu tuần rồi, sau cả mấy tháng tranh cãi, vận động, thuyết phục, mua chuộc, dụ dỗ, đổi chác, áp lực, đe dọa,… cuối cùng thì hạ viện cũng thông qua được gói tiền gọi là để ‘trùng tu hạ tầng cơ sở’.
Ngay sau khi hạ viện biểu quyết thông qua, cụ Biden sáng sớm hôm sau đã vội vã lên TV đấm ngực khoe công ngay lập tức.
Có thật là tin tốt đáng khoe không?
Trước hết, nói về bối cảnh.
Phải nói ngay, không thể trách cụ Biden đấm ngực được. Sau khi chìm nghỉm trong tin xấu từ sau ngày ký gói quà 1.900 tỷ yểm trợ nạn nhân COVID hồi tháng Ba, trong đó mỗi người nhận được 1.400 đô, đây là lần đầu tiên từ hơn nửa năm, cụ Biden có tin… KHÔNG xấu để khoe, làm sao bỏ qua cơ hội được?
Đây là tiền trên nguyên tắc để trùng tu hạ tầng cơ sở, nghĩa là tu bổ sửa sang đường xá, đặc biệt là các xa lộ liên tiểu bang, cầu cống, luôn cả hệ thống phi trường, hải cảng, nhà máy điện, nhà máy nước, đập nước, …, tất cả hệ thống hạ tầng trực thuộc chính quyền liên bang. Nghĩa là gói quà này không được sử dụng cho hạ tầng cơ sở của các tiểu bang.
Việc này không gây tranh cãi phe đảng quá lớn vì cả hai đảng đều nhìn nhận nhu cầu vĩ đại này.
TT Bush con đã nói qua về nhu cầu này nhưng vụ 9/11 và hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq đã hoàn toàn chi phối hai nhiệm kỳ của ông. TT Obama thì mới đầu lo về Obamacare, sau đó đảng CH chiếm đa số tại cả hai viện, khóa tay ông luôn. TT Trump ngay khi tranh cử tổng thống năm 2016-17 cũng đã hứa rồi. TT Trump khi đó đưa ra con số sơ khởi là 1.000 tỷ. Phe DC có vẻ đồng ý tuy không muốn tặng cho ông Trump món quà này, trong khi nhiều dân biểu và nghị sĩ CH không hồ hởi gì lắm tuy chưa dám công khai lên tiếng chống tổng thống mới đắc cử của phe nhà.
Phe bảo thủ CH luôn luôn là phe rất dị ứng việc Nhà Nước xài tiền thuế của dân. Khi đó, dân biểu CH Paul Ryan, chủ tịch hạ viện, và cả TNS Mitch McConnell, lãnh tụ khối đa số CH trong thượng viện, cố ý câu giờ để TT Trump có thời giờ thuyết phục các dân biểu và nghị sĩ gà nhà, để tránh chuyện thất bại, không đủ phiếu. Nhất là trong thời gian đầu, ưu tiên số một của TT Trump là cắt thuế. Ai cũng hiểu TT Trump khó có thể ‘rao bán’ cùng lúc hai kế hoạch, một là giảm thuế và hai là chi cả ngàn tỷ, là hai kế hoạch hết sức tréo cẳng ngỗng, mà việc thực hành chắc chắn sẽ đưa đến thâm thủng ngân sách rất lớn.
Do đó, TT Trump đã chọn ưu tiên là giảm thuế, kế hoạch trùng tu hạ tầng cơ sở có thể chờ tới một hai năm chót của nhiệm kỳ đầu, hay chờ qua nhiệm kỳ thứ nhì cũng được, tùy theo tình hình kinh tế.
Nhưng cái không may cho ông Trump là vi khuẩn Vũ Hán đã ào ào bay vào Mỹ đầu năm 2020, chẳng những đóng cửa kinh doanh cả nước, mà còn quét vào nhà kho tất cả những kế hoạch lớn của Nhà Nước. Để rồi sau đó giúp đẩy ông Trump ta khỏi Tòa Bạch Ốc luôn.
Kế hoạch trùng tu hạ tầng biến mất. Cho đến khi cụ Biden đắc cử mới được mang ra lại, lau chùi, sửa chữa theo ý phe DC rồi đưa ra trình làng.
Phải nói ngay, cụ Biden nhậm chức khi COVID đang hoành hành, khi kinh tế cả nước đóng cửa, khi cả chục triệu người bị thất nghiệp hay tự ý nằm nhà ăn tiền thất nghiệp và tiền cứu trợ. Tình hình hết sức bi đát, do đó, bắt buộc ‘phải làm một cái gì’, và cái gì đó có thể làm được mà không bị phe CH chống quá mạnh, đó chính là kế hoạch trùng tu hạ tầng cơ sở.
Đó chính là nguyên nhân đã đẻ ra gói quà đầu tiên này.
Tuy cả hai chính đảng đều đồng ý nhu cầu trùng tu hạ tầng, nhưng khi đi vào chi tiết thì đồng thuận đó biến mất. Đừng nói chi tới đồng thuận giữa hai đảng, ngay cả trong nội bộ đảng DC cũng đã đấu đá nhau như mổ bò.
Ngày 10/8/2021, thượng viện phê chuẩn gói trùng tu hạ tầng trị giá 1.000 tỷ, đúng như TT Trump đã có ý định trước đây. Thông qua với hậu thuẫn của 19 thượng nghị sĩ CH. Chuyển qua hạ viện để phê chuẩn trước khi cụ Biden ký. Nhưng qua hạ viện thì kẹt cứng.
Khối dân biểu cực tả trong hạ viện, cầm đầu bởi cô dân biểu nhí Ocasio-Cortez cực lực chống. Không phải chống dự luật đó, mà chống vì đòi hỏi dự luật đó phải đi kèm cùng lúc với một gói quà thứ nhì mà khối cực tả muốn cụ Biden tặng cho dân. Việc cụ Biden bị một cô dân biểu nhí, cựu bán bar mới làm dân biểu 2-3 năm, bắt chẹt chứng tỏ khả năng và kinh nghiệm ‘ghê gớm’ của cụ, là người đã lăn lộn trong chính trường gần nửa thế kỷ, đáng là chuyện nên đặt câu hỏi lớn.
Món quà thứ nhì đó là gói 3.500 tỷ đô, con đẻ của thượng nghị sĩ xã nghĩa Bernie Sanders, cũng được gọi là ‘trung tu hạ tầng cơ sở’, nhưng ở đây hạ tầng là hạ tầng nhân sự, không còn là đường xá, cầu cống nữa, nôm na ra là tung tiền ra để ‘cải thiện đời sống của dân nghèo’, mà sau này, cụ Biden gọi là ‘gói chi tiêu xã hội’ -social spending package-, trong sách lược cụ gọi là ‘Xây Dựng Lại Tốt Hơn -Build Back Better-, gồm đủ loại trợ cấp, quà cáp cho đủ tầng lớp dân, ngoại trừ khối gọi là ‘nhà giàu’, là khối trái lại, sẽ bị tăng thuế để lấy tiền chi trả cho gói quà này.
Vấn đề rắc rối là cái gói quà thứ nhì này, không có cách nào có thể được thượng viện phê chuẩn, nên không thể nào đính kèm vào gói quà thứ nhất như cô Ocasio-Cortez đòi hỏi.
Vì số tiền quá cao cũng như vì phải tăng thuế để chi trả, gói quà thứ nhì bị toàn khối CH trong thượng viện chống đối, 100% không trừ một người nào, kể cả những nghị sĩ CH đã từng chống Trump mạnh nhất, nên không có cách nào có đủ 60 phiếu để thông qua.
TNS Chuck Schumer, lãnh tụ khối đa số DC trong thượng viện, tính chuyện mánh mung, dự tính cho thông qua cái gói 3.500 tỷ ‘bằng cửa sau’, như một điều chỉnh ngân sách -budget reconciliation- nên chỉ cần 51 phiếu là thông qua được. Phe DC chỉ có 50 phiếu, nếu tất cả các thượng nghị sĩ DC đồng ý, thì số phiếu sẽ ngang với số phiếu CH, và bà Kamala Harris, với tư cách ‘chủ tịch ‘ thượng viện sẽ có lá phiếu quyết định, cho khối DC 51 phiếu để thông qua. Y chang kiểu Obamacare đã được thông qua trước đây, qua một kẽ hở của thủ tục đầu phiếu tại thượng viện.
Lại một rắc rối khác nổi lên. Đó là việc ngay cả trong nội bộ đảng DC, cũng không kiếm ra đủ 50 phiếu, khi 2 thượng nghị sĩ DC cũng mạnh mẽ chống lại gói quà thứ hai. Đó là TNS Joe Manchin của West Virginia và Kyrsten Sinema của Arizona. Hai vị này cực lực chống gói quà 3.500 tỷ vì đồng ý với phe CH là gói quà này quá lớn và đòi hỏi phải tăng thuế, là những chuyện không thể làm trong tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay.
Không có gói quà thứ hai, phe cực tả trong hạ viện sẽ không phê chuẩn gói quà thứ nhất. Đó chính là lý do tại sao gói quà thứ nhất đã kẹt tại hạ viện cả ba tháng nay. Nôm na ra, khối thiên tả cực đoan trong hạ viện muốn dùng gói trùng tu hạ tầng mà phần lớn đồng ý, để làm con tin đổi chác, ép buộc phải có luôn cả gói ‘chi tiêu xã hội’ 3.500 tỷ mà chỉ có nhóm cực tả đòi hỏi.
Dĩ nhiên, trong ba tháng đó, đã có cả vạn cuộc thương thảo, điều đình trong hậu trường nội bộ đảng DC, để thuyết phục, áp lực, hay đổi chác gì đó để gói trùng tu hạ tầng được thông qua.
Tại thượng viện, cụ Biden gặp hai TNS Manchin và Sinema mấy lần để cố thuyết phục họ ủng hộ gói thứ nhì, nhưng cho đến nay, vẫn thất bại.
Tại hạ viện, chỉ cần đa số 50% + 1 phiếu là xong. Thế nhưng khối thiên tả cực đoan của cô Ocasio-Cortez sẽ không thông qua được mà sẽ cần hậu thuẫn của ít nhất 4 dân biểu CH, là chuyện không dễ vì phe CH chống.
Chung quy, chỉ là vấn đề thuyết phục 2 thượng nghị sĩ, hay đâu 3-4 dân biểu thôi. Thế mà cả ba tháng trời vẫn không xong. Chính trị Mỹ phức tạp như thế đấy.
Cuối cùng thì tối Thứ Sáu tuần rồi, gói quà thứ nhất được thông qua. Ở đây, ta thấy chính trị Mỹ vận hành rất vui.
Khối 6 dân biểu DC cực tả của bà Ocasio-Cortez biểu quyết chống. Nhưng bên CH, bà Pelosi lại đổi chác gì đó, đã ‘thuyết phục’ được 13 dân biểu CH ủng hộ. Tất cả những dân biểu CH này đều ở trong các tiểu bang xanh lè do đảng DC kiểm soát, nên rất có thể đã được bà Pelosi bảo đảm phần nào việc họ sẽ không bị phe DC chống quá mạnh để họ có thể tái đắc cử.
Câu hỏi dĩ nhiên là tại sao TT Trump và đại đa số phe CH cũng muốn có tiền trùng tu hạ tầng cơ sở, mà sao bây giờ lại nhất loạt chống? Vì phe đảng? Thưa không phải vậy, mà chỉ vì cái mà phe DC gọi là ‘trùng tu hạ tầng cơ sở’ chỉ là mạo danh, không hơn không kém.
Dưới đây là những chi tiêu quan trong nhất trong gói trùng tu:
- 110 tỷ cho đường xá, cầu cống;
- 66 tỷ cho đường xe lửa;
- 65 tỷ cho các nhà máy điện;
- 65 tỷ cho hệ thống internet cho các vùng thôn quê;
- 55 tỷ cho hệ thống cung cấp nước như tu bổ các ống nước, các máy lọc nước;
- 47 tỷ cho an toàn mạng;
- 39 tỷ cho hệ thống chuyên chở công cộng;
- 25 tỷ cho các phi trường;
- 21 tỷ cho môi trường;
- 17 tỷ cho các hải cảng;
Ngoài ra còn nhiều dự án nhỏ linh tinh khác, và tiền tu bổ và bảo trì thường lệ hệ thống hạ tầng, đã có từ lâu. Vị chi, có khoảng hơn 600 tỷ dành cho trùng tu hạ tầng cơ sở thật. Trong khi hạ viện mới thông qua gói trị giá 1.200 tỷ, tức là gấp đôi số tiền dành cho trùng tu hạ tầng thật sự. Khác biệt đó chính là lý do tại sao phe CH chống. Khác biệt đó là những số tiền lớn phe DC dành cho rất nhiều kế hoạch linh tinh chẳng liên quan gì tới hạ tầng cơ sở, chẳng hạn như tiền cho các biện pháp chống hâm nóng địa cầu là chuyện các khoa học gia còn đang tranh cãi, tiền giúp đỡ các khu dân da đỏ vì bà bộ trưởng Nội Vụ là dân da đỏ, tiền nghiên cứu rừng núi, tiền nghiên cứu đủ thứ, tiền giấy tờ hành chánh, tiền cho các dự án địa phương để mua phiếu của các dân biểu và nghị sĩ (trong đó bảo đảm đã có vài món quà đặc biệt để mua phiếu của 13 dân biểu CH), v.v…
Toàn bộ dự luật dài tới hơn 2.700 trang, bảo đảm chẳng có tới một nghị sĩ hay dân biểu nào đọc hết. Quý độc giả nào rảnh hơi, muốn đọc, xin vào những links dưới đây:
Tóm lại, gói quà thứ nhất đã được thông qua sau khi tranh cãi loạn đả trong ba tháng. Bây giờ đến cái nhức đầu lớn hơn là gói quà thứ nhì gọi là Build Back Better Act.
Đầu tiên, số tiền do cụ xã nghĩa Bernie Sanders đưa ra là 3.500 tỷ đô, gọi là “tối thiểu” không thể ít hơn. Nhưng bị chống đối bởi tất cả 50 thượng nghị sĩ CH và 2 thượng nghị sĩ DC nên vô vọng được thông qua. Sau ba tháng điều đình, thương lượng, áp lực, đổi chác,… trong nội bộ đảng DC, con số được tung ra hiện nay 1.750 tỷ, đúng một nửa con số đầu tiên được đưa ra. Đây chỉ mới là tin do cụ Biden đề nghị, chưa có gì chắc chắn, và cho đến nay, vẫn chưa ai biết con số cuối cùng phe DC đồng ý là bao nhiêu, và có chắc chắn được thông qua hay không.
Cụ Biden và các lãnh tụ DC đã chơi trò ú tim, nay xì ra cắt giảm này, mai xì ra cắt giảm khác. Tất cả chẳng có gì chắc chắn vì đều chỉ là loại thả bong bóng để thăm dò phản ứng của dư luận, và tất cả vẫn còn đang trong vòng điều đình.
Tại thượng viện, ông Manchin tố cáo gói quà 3.500 tỷ là ‘vô trách nhiệm’ trên phương diện tài chánh, rồi cho biết có thể chấp nhận du di cho tối đa là 1.700 tỷ, nhưng trong đó lại có vài điều kiện khá gắt gao, đặc biệt là liên quan đến việc tài trợ gói quà này, kiểu như giới hạn số công nợ, và giới hạn mức tăng thuế.
Bà Sinema thì chỉ nói trống không là không chấp nhận quá nhiều tiền và tăng thuế quá cao, mà không đưa ra con số nào nên chẳng ai hiểu thật sự bà sẽ chấp nhận cái gì.
Cụ Sanders thì vẫn mặt đỏ gay, hùng hổ bác việc cắt giảm, cho dù chỉ cắt một đô cụ cũng không chấp nhận. Như đã bàn, cái rắc rối lớn là tất cả các thượng nghị sĩ CH đều tuyệt đối chống cái số tiền 3.500 tỷ đô, nhưng về số tiền nhỏ hơn, 1.750 tỷ thì chẳng ai biết ai sẽ ủng hộ và ai sẽ chống.
Tại hạ viện, khối cực đoan của bà Ocasio-Cortez đồng thuyền với cụ Sanders, nhất định đòi đủ 3.500 tỷ, không du di. Khối CH nhẩy rào mới đây lại có vẻ chỉ chấp nhận con số 1.750 tỷ thôi.
Về chi tiết, đây thực sự là ‘quà’ tặng cho thiên hạ, trong đó có đủ thứ trợ cấp, đủ loại miễn phí, nhiều người đọc thèm nhỏ dãi, nuốt nước miếng ừng ực. Tuy nhiên, vì phải cắt tới một nửa là ít, nên chưa ai biết cuối cùng quà nào mất quà nào còn. Tất cả các nhóm áp lực -lobby groups- đang làm việc 24/24 để dành thắng lợi cho phe mình. Cho đến nay, chúng ta chưa thể bàn được. Khi nào có ‘sản phẩm’ cuối cùng, diễn đàn này sẽ bàn tiếp.
Nghĩa là tất cả vẫn còn lửng lơ trong vòng điều đình, đổi chác, để đạt được đồng thuận về con số. Để rồi vẫn còn vấn đề đầu tiên tức là tiền đâu?
Như đã bàn, không có tam thập lục chước, mà thực tế chỉ có hai cách: đi vay mượn các Chú Ba và các vua dầu hỏa; hay tăng thuế thôi. Hay cả hai cách đều được sử dụng cùng lúc. Cụ Biden đã hùng hổ phán kế hoạch Build Back Better của cụ chẳng tốn một xu nào, chẳng cần đi vay mượn, cũng chẳng cần tăng thuế. Cả thế giới, kể cả những thằng nhóc đánh giầy ở Manhattan, cũng đều biết việc ông Già Noel tặng quà cho trẻ con chỉ là chuyện hão huyền, bố mẹ tưởng tượng ra để con trẻ nó vui thôi.
Đi vay mượn thì không dễ vì công nợ bây giờ đã lảng vảng gần 30.000 tỷ rồi, đi vay thêm sẽ khó trả nợ, và sẽ phải trả thêm cả tỷ tiền lãi mỗi năm.
Tất cả khối CH và hai nghị sĩ ‘ôn hoà’ DC, ông Manchin và bà Sinema đều chống việc cụ Biden dự tính tăng thuế lợi nhuận công ty và tăng mức thuế tối đa đánh trên lợi tức cá nhân. Vì lý do giản dị diễn đàn này đã bàn quá nhiều lần: lúc này là lúc kinh tế đang trì trệ, bị lạm phát đe dọa, nếu tăng thuế công ty sẽ giết việc phục hồi của các công ty sau cơn dịch COVID đã đóng cửa kinh doanh, tức là đại họa cho kinh tế, tức là tất cả dân nói chung chứ chẳng riêng gì ‘nhà giàu’ mới mệt.
Chính quyền Biden đang nghiên cứu và thả bong bóng thăm dò dư luận về hai biện pháp thuế mới để kiếm tiền,
thứ nhất, đặt ra một loại thuế mới gọi là ‘thuế trên tài sản’, -wealth tax, và
thứ nhì đặt ra một loại thuế mới nữa đánh vào ‘lợi tức chưa thu được’ -unearned income tax, mà ta sẽ bàn thêm dưới đây.
Thuế trên tài sản. Đây là thuế đánh trên trị giá tài sản thuần, tức là sau khi khấu trừ nợ. Trên căn bản, thuế của Mỹ hiện nay chỉ đánh trên lợi tức, hay là thu nhập mỗi năm, chứ không đánh trên trị giá tài sản, bây giờ cụ Biden muốn đánh thuế trên trị giá tài sản đang có.
Một thí dụ cụ thể dễ hiểu. Một anh tị nạn có tiền mua căn nhà thứ hai, cho thuê. Nhà Nước hiện nay đánh thuế trên số tiền cho thuê nhà nhưng không đánh thuế trên trị giá căn nhà cho thuê. Bây giờ, chính quyền Biden dự tính đánh thuế luôn trên trị giá hai căn nhà, căn nhà anh ta đang ở và căn nhà anh ta cho thuê. Đánh thuế trên tất cả tài sản của hai vợ chồng anh ta, kể cả hai chiếc xe hơi, và tiền tiết kiệm trong ngân hàng. Ở đây, xin nhắc lại, cụ Biden đang tính chuỵên bắt các ngân hàng khai ra tất cả giao dịch ngân hàng của quý vị, nếu tổng số giao dịch lên tới trên 10.000 đô một năm, thật ra là để muốn biết quý vị có bao nhiêu tài sản trong ngân hàng để đánh thuế trên tài sản đó.
Trên nguyên tắc, cụ Biden giải thích muốn vồ các đại gia, nhưng trên thực tế, chỉ có anh tị nạn có hai căn nhà là bị vồ thôi, còn các đại tỷ phú Bill Gates và Elon Musk sẽ có trăm phương ngàn kế tẩu tán tài sản, hoặc là sang tên cho vợ con, họ hàng, bạn bè thân tín,…, hay bán tài sản ở Mỹ để mua tài sản ở ngoài nước, bỏ tiền vào ngân hàng ngoài nước, không khai và không đóng thuế.
Cái khó khăn nữa là thí dụ như gia tài của ông Bill Gates, toàn là dựa trên trị giá cổ phiếu Microsoft. Năm nay, giá cổ phiếu Microsoft mang gia tài của ông Gates lên ví dụ tới 100 tỷ. Ông ta phải đóng thuế trên gia tài 100 tỷ. Sang năm giá cổ phiếu Microsoft rớt thê thảm, gia tài ông Gates, chỉ còn có 60 tỷ, mất 40. Đánh thuế trên 60 tỷ thôi sao? Thế số tiền ông mất toi, tính sao? Nhà Nước xù sao?
Đây là loại thuế rất hiếm vì không thực tế, khó định giá tài sản, và các đại gia có cả vạn cách lách. Trên thế giới, chỉ có 3 nước áp dụng là Na Uy, Thụy Sỹ, và Tây Ban Nha, là những quốc gia mà số tỷ phú đếm trên đầu ngón tay thôi. Bên Thụy Sỹ, bạn có một cái xe dù là xe cũ, sẽ phải đóng thuế trên trị giá cái xe dựa trên số tiền bỏ ra mua xe, sau đó, mỗi năm sẽ phải đóng thuế dựa trên trị giá của xe sau khi trừ khấu hao hàng năm do Nhà Nước ấn định. Pháp và Ý cũng có thuế trên tài sản, nhưng giới hạn trong vài loại tài sản lớn của triệu phú thôi.
Thuế trên lợi tức chưa thu. Đây là thuế đánh trên lợi tức trên giấy tờ, chưa thực sự là tiền trong túi các đại gia. Quý vị mua cổ phiếu để đầu tư lâu dài. Số tiền có thể tăng ào ào nhờ trúng mối, Dow Jones lên. Nhưng quý vị không phải đóng thuế gì cho tới khi bán cổ phiếu, có lời, thì mới phải đóng thuế trên số tiền lời.
Bây giờ, cụ Biden muốn đánh thuế trên số tiền lời tích lũy, cho dù quý vị chưa bán cổ phiếu, chưa có tiền trong tay.
Cái lý luận là các đại tỷ phú như Bill Gates và Elon Musk có gia tài cả trăm tỷ tích lũy nhờ giá cổ phiếu Microsoft và Tesla gia tăng nhưng chẳng phải đóng một xu thuế nào cho đến khi họ bán cổ phiếu, thì chỉ đóng thuế trên tiền lời thôi.
Một cách cụ thể để các đại gia lách thuế: ông Musk có thể làm việc không lương, tức là không lợi tức nên đóng zero thuế lợi tức. Mỗi năm, ông chỉ cần bán cổ phiếu trị giá thí dụ khoảng một triệu đô để có tiền ăn xài ‘thoải mái’. Khi đó, ông sẽ đóng thuế lợi tức trên số tiền lời của một triệu đô thôi. Ví dụ trị giá thị trường của một cổ phần Tesla ngày hôm nay là 1.000 đô, ông bán 1.000 cổ phần, vị chi thu được 1.000.000 đô, đúng số tiền ông cần để xài; một cổ phần này ông mua với giá ví dụ 600 đô, ông bán 1.000 đô, lời 400 đô, nhân cho 1.000 cổ phần ông bán, ông lời tổng cộng 400.000 đô. Coi như lợi tức phải chịu thuế, và sẽ được đóng mức thuế thấp 28% của TT Trump (khoảng hơn 110.000 đô), trong khi mỗi năm ông thu vào bạc chục tỷ. Thu vào bạc chục tỷ mà đóng có hơn một trăm ngàn tiền thuế, đó chính là cách ông Musk và các tỷ phú chẳng ai đóng bao nhiêu thuế lợi tức, chỉ vì họ có ‘lợi tức’ rất ít. Và bây giờ cụ Biden tìm cách bắt họ đóng thuế trên cả chục tỷ tiền lời, bất kể có bán gì hay không.
Thẳng thắn mà nói, loại thuế này nghe qua có thể hợp lý, nhưng trên thực tế lại có nhiều khó khăn lớn.
Thứ nhất các đại gia sẽ vẫn có trăm phương ngàn kế để lách, khỏi đóng thuế.
Thứ nhì, tất cả tiền hưu, kiểu như tiền hưu của các công ty dành cho nhân viên, hay tiền bảo hiểm chúng ta đóng, đều đầu tư dài hạn vào nhiều công cụ tài chánh. Nếu như cứ có lời là bị đóng thuế kể cả khi chưa chi ra bằng tiền mặt, thì các quỹ hưu đó sẽ bị Nhà Nước vồ mất một số tiền rất lớn, mà nạn nhân chính là khối trung lưu đang lãnh tiền hưu hay trong tương lai sẽ lãnh tiền hưu. Các đại gia thì lách thuế, các người nghèo thì lãnh trợ cấp, chỉ có đám trung lưu là nạn nhân.
Tất cả trên thực tế còn trong vòng thảo luận, nên chưa thể bàn nhiều hơn. Chỉ cho thấy chính quyền Biden đang cố nặn ra cách moi tiền thiên hạ. Nếu có người nào nghĩ chỉ có các đại gia là bị cụ Biden vồ thôi thì người đó cần được giải … Nobel về ngớ ngẩn.
Trong khi các bến tầu và kho hàng xây cất, xi măng, gỗ sắt bị kẹt cứng vì thiếu nhân công và vì tiền xăng nhớt chuyên chở quá đắt, cụ Biden tung ra hơn một ngàn tỷ để mua những thứ này để trùng tu hạ tầng cơ sở. Đố quý vị biết những hàng đang hiếm hoi này sẽ giảm giá hay tăng giá, và hậu quả trên cả kinh tế sẽ là gia tăng hay giảm bớt lạm phát?
Vũ Linh
No comments:
Post a Comment