Tây Ban Nha đoạt giải Phô mai ngon nhất thế giới 2021
Sau khi bị hủy bỏ vào năm ngoái vì đại dịch Covid-19, cuộc thi quốc tế World Cheese Awards rốt cuộc đã được tổ chức cuối tuần qua từ 03/11 đến 07/11 tại Trung tâm hội nghị Oviedo (vùng Asturias) miền Bắc Tây Ban Nha. Cuộc thi lần thứ 33 đã diễn ra trong bầu không khí hào hứng. Trên hơn 4.000 thí sinh đến từ 41 nước trên thế giới, Tây Ban Nha đoạt giải nhất với 103 điểm, Pháp về nhì với 98 điểm.
Đây là lần thứ ba, Tây Ban Nha giành lấy huy chương vàng nhân cuộc thi ''Phô mai ngon nhất thế giới''. Lần đầu tiên là vào năm 2008 với loại "Queso Arico" sản xuất tại Tenerife, lần thứ nhì là vào năm 2012 với loại ''Manchego'' đặc sản của vùng Albacete. Còn năm nay, ban giám khảo quốc tế với hơn 250 chuyên viên ẩm thực đã bỏ phiếu bình chọn ''Olavidia'', một loại phô mai mềm làm với sữa dê, đặc sản của thị trấn Jaén, ở miền Nam Tây Ban Nha cách thành phố Granada khoảng 80 cây số. Xưởng chế biến Olavidia là một công ty gia đình bà Silvia Pelaez, chỉ tuyển dụng có 6 nhân viên nhưng nhờ vào bí quyết gia truyền mà từ nhiều thế hệ qua đã làm nên một trong những loại phô mai ngon nhất.
Olavidia về đầu trên số 4.078 người dự thi
Nhờ có phong thổ thuận lợi và khí hậu ôn hòa, vùng Jaén còn nổi tiếng nhờ ngành trồng cây ô liu. Khi trái ô liu được hái xong rồi đem đi ép để lấy dầu, bả trái cây cũng như hạt được phơi khô để làm nhiên liệu. Nét đặc thù của Olavidia chính là loại phô mai này được ủ thêm với tro của hạt ô liu, để giúp cho phô mai có thêm những nét độc đáo, cả hương lẫn vị. Có lẽ cũng nhờ vào cái bí quyết gia truyền ấy cũng như lối chế biến rất thủ công mà công ty mang tên ''Quesos y Besos'' của bà Silvia Palaez đã làm xiêu lòng ban giám khảo.
Xét về khối lượng sản xuất, phô mai Olavidia chưa bằng một phần mười so với các công ty khác của Pháp, Hoà Lan, Ý hay Thụy Sĩ thường xuyên có mặt trên bảng vàng các kỳ thi ''ẩm thực'' quốc tế, nhưng Tây Ban Nha một lần nữa đã tạo ra được cú đột phá bất ngờ.
Cuộc thi quốc tế World Cheese Awards lần thứ 33 cũng khá hồi hộp, sôi nổi do năm nay đạt kỷ lục về số lượng người tham gia (4.078 thí sinh). Hàng ngàn loại phô mai được chia thành 88 bàn, dành để thưởng thức. Ban giám khảo gổm 250 thành viên và mỗi người phải nếm thử 45 loại phô mai khác nhau. 16 loại phô mai được nhiều giám khảo cùng chấm điểm cao nhất lọt vào chung kết để tranh danh hiệu ''Phô mai ngon nhất thế giới'' trong năm. Kết quả khó thể nào dự đoán trước và chỉ ngã ngũ vào giờ phút chót. Trong suốt cuộc thi, ông Christophe Prouvost, giám đốc công ty Berthaut chuyên chế biến loại phô mai ''époisses'' nổi tiếng của Pháp, đã hy vọng giành lấy ngôi vị quán quân, nhưng rốt cuộc phô mai do hãng của ông chế biến được ban giám khảo chấm hạng nhì với tổng cộng 98 điểm. Tuy nhiên, không phải vì thế mà ông cảm thấy thất vọng với chiếc huy chương bạc, trước hết bởi vì năm nay Tây Ban Nha xứng đáng với giải nhất. Kế đến nữa, việc tham gia cuộc thi quốc tế chính là là cơ hội để quảng bá hiệu phô mai Berthaut với nước ngoài.
Hiện giờ, 30% phô mai của hãng Berthaut được xuất khẩu sang nước ngoài và ông Christophe Prouvost tin tưởng rằng ông sẽ chinh phục được thêm nhiều khách hàng. Công ty Berthaut hiện tuyển dụng 80 nhân viên. Hơn 60 năm sau ngày được thành lập (xưởng chế tạo đầu tiên ra đời vào năm 1956), công ty này sản xuất loại phô mai của thị trấn Époisses, biến món ăn này thành một trong những đặc sản có uy tín nhất ở vùng Bourgogne-Franche Comté.
Pháp đoạt giải nhất 7 lần trong vòng 3 thập niên
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1988, theo đề xuất của công ty Anh Guild of Fine Food (GFF), giải World Cheese Awards với thời gian đã trở thành một trong những giải thưởng quan trọng của ngành sản xuất phô mai, không chỉ riêng ở vương quốc Anh, mà còn có uy tín trên thị trường quốc tế. Bằng chứng là chỉ một thập niên sau ngày ra đời, World Cheese Awards từ vài chục người tham gia ban đầu, đã tăng lên tới hơn cả ngàn thí sinh. Đến đầu những năm 2010, giải ''World Cheese Awards'' mỗi năm thu hút hơn 3.000 thí sinh đến giới thiệu hàng ngàn kiểu phô mai, đặc sản của từng vùng miền.
Công ty Anh Guild of Fine Food đặt trụ sở ở Gillingham, Dorset (Anh quốc) và chủ yếu được biết đến nhờ tổ chức nhiều cuộc thi khác nhau, ngoài danh hiệu "World Cheese Awards" còn có thêm giải thưởng "Great Taste Awards" dành cho các loại thực phẩm ngon và có chất lượng. Trong hơn 3 thập niên liền, các quốc gia nổi tiếng trên thế giới nhờ có truyền thống lâu đời trong nghề làm phô mai, đã nhiều lần được xướng tên. Về điểm này, nước Anh từng đoạt 11 lần huy chương vàng nhân các kỳ thi "World Cheese Awards" tính từ năm 1988 đến nay.
Pháp, quốc gia nổi tiếng về tính phong phú đa dạng của các đặc sản, cũng đã 7 lần đoạt giải nhất. Thụy Sĩ, Tây Ban Nha hay Hoà Lan cũng giành lấy huy chương vàng ít nhất 3 lần, các quốc gia khác như Ý, Đức, Ai Len, Na Uy hay Canada cũng từng giành lấy ngôi vị quán quân thường là trên sân nhà, phần lớn cũng vì một số nhà sản xuất phô mai ''tươi'' có điều kiện tham gia thuận lợi dễ dàng hơn, một số phô mai nhất là các loại ruột mềm, loại làm với sữa tươi không có tiệt trùng khử khuẩn cũng không dễ dàng vận chuyển lưu trữ, điều đó có thể ảnh hưởng tới hương vị của phô mai.
Trường hợp của Tây Ban Nha năm nay là một ví dụ điển hình, gu phô mai sữa dê chỉ thật sự ngon khi không được cất giữ quá lâu, lối sản xuất đại trà cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm.
Trường hợp đặc biệt của phô mai Mỹ Rogue River Blue
Một trong những thành tích gây ngạc nhiên nhất là vào kỳ thi lần trước vào năm 2019, diễn ra tại thành phố Bergamo, vùng Lombardy ở miền Bắc nước Ý. Nếu như các nhà sản xuất phô mai tại Ý đã nhiệt tình hưởng ứng sự kiện với hàng trăm loại phô mai từ khắp lãnh thổ nước Ý gửi về dự thi.
Bất ngờ thay, huy chương vàng của giải "World Cheese Awards" năm 2019 lại về tay hiệu phô mai ''Rogue River Blue" một loại phô mai có men xanh làm với sữa bio (Organic Blue Cheese) đến từ miền nam bang Oregon, Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên trong hơn 30 năm tổ chức cuộc thi, một hiệu phô mai của Mỹ giành lấy ngôi vị quán quân, vượt qua mặt 3.472 thí sinh, trong đó có các đối thủ nặng ký đến từ châu Âu, kể cả Ý, Anh, Hoà Lan, Pháp hay Thụy Sĩ.
Do công ty Rogue Creamerry sản xuất, loại phô mai ''Rogue River Blue" được gói ghém kỹ lưỡng trong lá nho, tưới thêm rượu mùi trái lê, rồi được ủ trong vòng ít nhất là 10 tháng. Một kí lô ''Rogue River Blue" được bán hiện thời với giá 115 đô la, tức cao gấp 4 lần loại phô mai nổi tiếng của Ý Parmigiano Reggiano 24 tháng. Hai năm sau ngày đoạt giải nhất cuộc thi ''World Cheese Awards'', doanh thu của hiệu phô mai Mỹ đã được nhân lên gấp ba lần.
Còn tại Tây Ban Nha, bụt nhà năm nay hóa ra lại thiêng, khi Olavidia giành lấy chiếc vương miện đầu tiên.
No comments:
Post a Comment