Hoàng cung và nỗi cô đơn
Cao Thanh Tâm
Vào một buổi trưa thứ bảy mùa hè cách đây hơn bốn mươi năm, trên đường đi học về, lúc đạp xe ngang rạp ciné Lido trên đường Chi Lăng, tôi thấy rạp đang chiếu phim Ấn Độ mang tên “Thâm cung sầu hận”. Bên ngoài rạp người ta đang nối đuôi nhau chờ mua vé làm lòng tôi náo nức. Tôi chợt nghĩ đến bà chị ruột của ông ngoại tôi ở bờ sông Bạch Đằng, cô của me tôi, là thứ phi của vua Khải Định ngày trước. Sau khi Triều Nguyễn sụp đổ, vua Bảo Đại thoái vị và lưu vong qua Pháp thì tất cả cung phi được xuất cung, người thì đi tu người lập gia đình và cũng có người ở vậy để thờ phụng tiên đế. Bà chị ruột của ông ngoại tôi cũng ở vào trường hợp này.
Hồi đó bà cô tôi khoảng ngoài năm mươi, dáng người thanh nhã quí phái, khuôn mặt trái xoan làn da trắng mịn đôi mắt đẹp to đen thoáng nét lạnh lùng. Có lẽ do nếp sống cô quạnh trong nội cung lâu năm đã khiến bà có nét cô đơn, kín đáo, cách biệt với cuộc đời chung quanh. Bà cô từ ngày ở Hoàng cung về, cuộc đời còn lại của bà là lo chăm sóc người mẹ già đã ngoài tám mươi-tôi gọi là cố- đôi mắt gần lòa và lo cúng giỗ cùng đi chùa lễ bái. Mỗi năm nhằm hạ là mùa an cư hay vô hạ ở chùa Hồng Ân, ngôi chùa sư nữ độc nhất hồi đó ở Huế, bà cô tôi giao bà cố cho người nhà chăm sóc còn bà lên ở trên chùa một thời gian. Bà chưa xuất gia nhưng luôn dành nhiều thì giờ cho kinh kệ và lễ Phật. Bà cô còn một người bạn thân thiết là sư bà Từ Hòa trước kia cũng là một thứ phi của vua Khải Định, sau khi ra khỏi cung bà xuất gia đầu Phật.
Sư bà Từ Hòa trước kia được gọi là bà Tiếp khi còn ở trong cung. Cùng hoàn cảnh như nhau nên hai người thân nhau như chị em ruột, vì thế tất cả cậu dì và ba me tôi đều gọi bà Tiếp bằng bà cô Từ Hòa. Bà là người điềm đạm, có một vẻ đẹp quý phái sang cả nhưng tính tình đằm thắm và thân mật với mọi người. Đôi mắt đẹp của bà có nét hiền hậu trong sáng. Vốn có căn tu nên từ ngày vào chùa bà ở một phòng nhỏ ở hậu liêu. Bà được tất cả đồng đạo thương mến. Lúc còn nhỏ, mỗi lần theo bà ngoại hay bà cô lên chùa tôi tìm vào hậu liêu thăm bà, tôi thường được bà cho ăn trái cây, xôi chè, bánh in cúng Phật và tôi còn được đọc cả sách báo Phật Giáo.
Bà cô của tôi được mọi người gọi là bà Tân, tên thật của bà là Bạch Liên, một đóa sen trắng tinh khiết muôn đời. Tính bà dịu dàng tuy có nét lạnh lùng xa cách nhưng bà rất gần gũi thân mật với chúng tôi. Các em tôi hồi đó còn nhỏ nên ít gần bà hơn tôi. Những ngày nghỉ học tôi thường xuyên ở lại nhà bà. Tôi say mê tủ sách có nhiều truyện Tàu của bà cũng như những câu chuyện hấp dẫn trong cung và nhất là đám bạn bè chung quanh khu vực bờ sông Bạch Đằng.
Trên tấm sập gụ bóng loáng chân quì có dát những vỏ ốc xà cừ lấp lánh, tôi thường chăm chú nhìn bà tỉ mỉ từng mũi kim, bà tự may cho mình những chiếc áo dài lụa tơ tằm nhẹ như bông với những màu dịu dàng như màu xanh ngọc, vàng nhạt, màu lam mà bà gọi một cách văn vẻ là màu hổ hoàng, màu nguyệt bạch, màu hồng phấn… có khi bà bàn luận hàng giờ với tôi về các chuyện tàu như Nhị Độ Mai, Thuỷ Hử, Tố Tâm, Câu chuyện dòng sông… Tôi học được ở bà rất nhiều về cách đi đứng, nói năng tranh luận, tài khéo léo vá may, làm mứt bánh ngày tết.
Với một trái đu đủ xanh và ít phẩm màu và con dao nhỏ bà có thể làm ra một thẩu mứt mỹ thuật với những đóa hoa thược dược vàng đỏ tím bằng cách tỉa trái đu đủ xanh rồi nhuộm màu và rim với đường. Đó là cách làm tỉ mỉ đầy nghệ thuật mà bà học được trong cung. Ngoài ra bà còn đọc nhiều sách kinh lễ, đạo thần tử, phận vua tôi vì trong cung rất buồn và cô đơn. Bên cạnh bà lúc nào cũng có hai cung nữ hầu cận và một người thân trong nhà mà ông cố tôi cho đi theo săn sóc bà từ ngày vô nội.
Vào cung là tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài cho nên người ta thường có câu “đem con vô nội” ý nói là không có ngày ra hoặc là vào cung từ ngày còn thơ dại và khi ra khỏi cung thì đã vào tuổi hoàng hôn của đời người!
Hôm tôi rủ bà cùng đi xem phim “Thâm Cung Sầu Hận” bà vui vẻ đi ngay. Hôm đó chúng tôi đi xuất bốn đến sáu giờ chiều. Khi ra khỏi rạp thì trời đã nhạt nắng, hai bà cháu tản bộ về nhà gần đó. Phim có cái tên hay mà nội dung thì dở quá. Trên đường về bà bảo tôi rằng: “Bà cô tưởng rằng phim này nói lên được tâm trạng của những người trong cung như thân phận của bà cô, ai ngờ chỉ đánh đá lung tung vì tranh quyền cố vị. Con biết không, trong văn chương người ta hay đề cập tới Vua và Hoàng Hậu cùng những tranh đua, những thủ đoạn đôi lúc tàn ác của các cung phi mỹ nữ tranh đấu với nhau để được hưởng ơn mưa móc -ý nói được gần nhà vua- những vinh quang, hạnh phúc hay bất hạnh của họ mà các phi tần thường gặp phải!
Tuy nhiên, gia đình nào có con cái tiến cử vào cung làm phi thì được xem như là một diễm phúc cho cả dòng họ, nhưng có mấy ai nghĩ đến nỗi lạnh lùng cô đơn và cay đắng của những con người như bị giam lỏng suốt đời. Họ không có quyền biết tới hạnh phúc riêng tư, chỉ biết đạo quân thần, đi đứng ăn nói phải theo khuôn phép lễ nghi, phải học nếp sống cung đình, tránh tên húy của các bậc tiên đế, không được viếng thăm cha mẹ tự do. Thỉnh thoảng người thân của họ mới được phép vào cung viếng thăm trong thời gian hạn chế.”
Sân trước điện Phụng Tiên, 1930. Ảnh tư liệu của Phan Thuận An.
Tôi ái ngại nhìn bà:
-Con nghe me con nói bà cô vào cung lúc còn nhỏ lắm phải không? Ở trong cung buồn vậy thì bà vô làm chi?
Bà mỉm cười thương hại cho sự ngây thơ của tôi:
-Con tưởng ai muốn vào cung thì vào không thì thôi mà được sao! Hồi đó bà mới có mười sáu tuổi thì ông cố của me con được lệnh chỉ định đưa cháu nội vô cung. Ông cố tốn cả một gia tài sắm sửa cho bà cô vô cung chứ không phải đơn giản đâu. Từ cái khay chạm bạc cho đến tất cả các tư trang của bà cô. Hồi đó ông cố của con là một đại thần của Nam Triều mới được đề cử mang cháu nội vào cung như là một vinh dự cho gia tộc và còn chứng tỏ lòng trung thành với vua. Vì thế hầu hết các quan đại thần đều muốn tiến dẫn con cháu mình vào cung cho nhà vua yên tâm về sự trung thành của họ.
Tôi tò mò hỏi bà:
-Vậy ông cố có hỏi ý kiến của bà cô không?
-Không bao giờ. Ông cố chỉ ra lệnh cho gia đình chuẩn bị mọi thứ chu đáo cho đến ngày trong cung cho người ra đón mà thôi.
Bà ngừng lại chậm rãi và mắt thẫn thờ nhìn bóng nắng nhạt dần trên hè phố như muốn sống lại cả một thời dĩ vãng xa xôi…
…Me tôi thường kể cho tôi nghe rằng hồi mới lớn lên bà cô rất đẹp và đã được một gia đình quý phái ngắm nghé cho con trai của họ, ông ta là một người thông minh hoạt bát, có chí hơn người và cũng rất yêu thương Bạch Liên. Dù sống trong khuôn khổ lễ nghi nhưng chưa bao giờ được gặp mặt riêng nàng, nếu không tiến cung thì có lẽ Bạch Liên đã yên bề gia thất vui hạnh phúc với chàng thanh niên rất xứng đáng với nàng về mọi mặt. Thế nhưng tất cả đều bó tay trước quyền lực của triều đình.
Ngày triều đình đón Bạch Liên vào cung là một ngày mùa đông mưa phùn lạnh lẽo, chàng thanh niên bất hạnh kia đã ngậm đắng nuốt cay âm thầm dầm mưa ở chân cầu Gia Hội chờ đợi chiếc kiệu hoa đi ngang để được nhìn người mình yêu một lần cuối qua chiếc màn the. Chàng đã nhìn theo chiếc kiệu hoa và khóc cùng với những giọt mưa lạnh buốt mùa đông với con tim tan nát sầu hận xót xa mối tình tan vỡ thầm tiễn chân người mình yêu trên đường tiến cung cho trọn đạo quân thần!
Vốn là một người hoạt bát thông minh và đầy nghị lực, không bao lâu chàng đành quên đi mối tình dở dang kia mà đứng vững trở lại và tạo dựng cho mình một cơ ngơi đáng kể. Càng buồn càng lao vào thương trường và chẳng bao lâu danh chàng đã trở nên sáng chói, rồi chàng lập gia đình với một cô gái thuần hậu nề nếp xinh đẹp và vui sống với gia đình tuy lòng luôn canh cánh mối tình dang dở ngày xưa.
Sau ngày vua Bảo Đạo thoái vị và sống lưu vong thì các cung phi mỹ nữ được về nhà. Riêng Đức Từ Cung, Đoan Huy Hoàng Thái Hậu, mẹ vua Bảo Đại phải di giá về cung An Định và sống lặng lẽ ở đây cho đến cuối đời.
Bà cô của tôi sau khi về nhà phụng dưỡng mẹ, thỉnh thoảng lại sang cung An Định chầu Đức Từ. Bà vẫn giữ lễ nghi triều đình một lòng thờ phụng Tiên Đế Khải Định và Đức Từ Cung. Lúc còn nhỏ tôi cũng đã nhiều lần được theo bà cô sang cung An Định. Tôi còn nhớ Đức Từ Cung là một bà lớn tuổi người không cao lắm, dáng uy nghi, tóc quấn khăn vàng trong những ngày lễ.
Bình thường bà búi tóc và mái tóc bạc nhiều. Bà thường cho tôi bánh in được gói trong giấy điều có chạy chỉ vàng như hình chiếc gối vuông có in chữ Thọ và thỉnh thoảng đức bà có gởi cho các em tôi nữa. Loại bánh in đó, dù đã mấy mươi năm tôi vẫn còn nhớ hình như được gọi là bánh phục linh, bột rất mịn bỏ vào miệng là tan ngay và lưu lại một vị ngọt dịu thơm ngon.
Sau khi bà cô tôi được về nhà một thời gian thì ông cố mất chỉ còn lại bà cố. Bà cố tôi rất hạnh phúc vì có con gái chăm sóc, bà đâu có ngờ đưa con thân yêu vô nội ngày xưa mà nay còn có ngày về!
Chàng thanh niên hồi xưa thương yêu bà cô, nay đã là một nhân vật nổi danh trong xã hội với một đại gia đình danh giá con cháu thành công ở tỉnh Ban Mê Thuột. Thỉnh thoảng về Huế ghé thăm bà cô và đôi bên vẫn giữ tình bè bạn, vừa là phận thần tử thân thiết. Những lần ông về thăm bà cô bao giờ cũng giữ gìn ý tứ, chỉ ban ngày ở lại ăn uống với con cháu trong nhà, ban đêm ông thường thuê đò lớn, đốt trầm và thuê đàn tranh cùng các danh ca cổ nhạc để nghe ca Huế và thả thuyền bềnh bồng trên sóng nước Hương giang hóng mát.
Ông là một người tài giỏi và hào hoa nên trên bước đường xuôi ngược kinh doanh cũng đôi phen dừng chân và có thêm người vợ nhỏ. Tuy nhiên ông vẫn lo lắng cho gia đình chu đáo. Đôi khi người vợ chính buồn rầu than thở tâm sự với bà cô thì bà nghiêm nghị khuyên ông trở về bổn phận với gia đình. Ông thường lắng nghe lời khuyên can và gia đình lại êm ấm trở lại, vì thế tất cả con cháu của ông đều thương yêu kính trọng bà.
Lúc tôi mới lớn lên thường băn khoăn hỏi bà cô rằng bà có chút tình cảm riêng tư nào với ông không. Bà cười xa vắng:
-Trong đời bà không dám thương ai cả ngoại trừ đức tiên đế, bà sợ nếu mình thương ai, khi họ chết đi thì mình khổ.
Tôi cãi lại:
-Con thấy ai ở đời cũng có thương có khổ chứ nói như bà cô thì lòng dạ quá sắt đá!
Bà chỉ cười, chắc cuộc đời và hoàn cảnh của bà đã tạo ra tâm hồn bà như vậy. Bà có muốn lạnh lẽo một mình đâu nhưng muốn cũng không được thì thà không có tình cảm, dễ chịu hơn.
Tôi hỏi tới:
-Bà cô có thương Đức Khải Định không? Con nghe nói ngài có quá nhiều cung phi mỹ nữ, vậy bà cô có buồn tủi lẻ loi trong cung lạnh không?
Bà cô nhìn tôi ái ngại lắc đầu:
-“Run nhu run thần tử thấy long nhan.”
Con đọc chuyện nhiều chắc hẳn con phải biết điều đó! Suốt mấy chục năm vào cung bà đã nhiều lần chầu vua cùng các phi tần khác mà có bao giờ dám ngước lên nhìn ngài đâu. Có một lần, trong lúc trống ngực đánh rầm rầm vì run sợ phạm thượng, bà đánh liều ngước vội lên nhìn ngài thấy ngài rất đẹp, vẻ đẹp hiền lành yếu đuối mảnh khảnh. Hôm đó ngài chỉ hỏi bà cô một câu:
-Hôm nay bà có khoẻ không? Bà cô ngập ngừng cúi đầu tạ ơn ngài rồi lui bước.
Tôi sửng sốt:
-Mấy chục năm hầu ngài mà chỉ có một lần nhìn ngài thôi hay sao. Thế còn các bà khác thì sao?
Bà trầm ngâm:
– Rất nhiều phi tần chung số phận như bà, tất cả các bà được tiến cung đều xinh đẹp, xuất thân quý phái nhưng thân phận của họ đều như nhau.
Hồi đó vua Khải Định yếu đuối đâu có gần đàn bà được vì thế ngài chỉ có một mình vua Bảo Đại và may mắn cho Đức Từ, nhờ đó mà được chức Đoan Huy Hoàng thái Hậu, còn tất cả đều âm thầm trong cung lạnh kể cả Chánh Phi của vua cũng vì không có con và vì uất hận nên sau nầy đã bị điên. Bà thường đi lang thang từ nhà thờ phủ Cam qua chùa Sư Nữ, nơi em gái bà tu. Riêng Hoàng Hậu Nam Phương thì theo Đạo Thiên Chúa… Chuyện trong cung dài lắm kể hoài không hết con ơi.
Tôi ái ngại cầm tay bà:
-Con xin lỗi, mời bà cô đi xem phim Ấn Độ này không ngờ dở quá. Tuần sau bà cô với con đi xem phim “Mirage de la vie”- Ảo ảnh cuộc đời- chắc chắn hay hơn, con thích Sandra Dee đóng vai chính. Quên chuyện trong cung đi bà cô ơi! Nếu ngày xưa con được tiến cung như bà cô thì con không chịu đâu. Ở nhà đi học đi chơi với bạn bè vui hơn phải không bà cô?
Bà ngậm ngùi nhìn xa vắng:
-Con nói phải, có ai muốn đưa con vô nội đâu con!
Cao Thanh Tâm – Mùa xuân 2015
No comments:
Post a Comment