Việt Nam đã từng có tượng Nữ Thần Tự Do
Trên thế giới có 4 bức tượng Nữ Thần Tự Do giống hệt nhau, chỉ khác về kích thước
- Ở cửa biển New York, Mỹ. Bức tượng này lớn nhất và là tượng chính do Pháp tặng Mỹ. Năm 1995 tôi đã đến thăm và leo cầu thang chui vào bên trong bức tượng rỗng
- Ở trên một cù lao giữa sông Seine, Paris, Pháp
- Ở cạnh vịnh Tokyo, Nhật Bản
- Ở Hà Nội, nay không còn
Từng có một "Nữ thần Tự do" giữa Hà Nội
Tượng Thần Tự Do được người Mỹ nói chung và người dân New York nói riêng coi là biểu tượng đáng tự hào của họ. Đó là pho tượng rỗng, bằng đồng, cốt thép lớn vào loại nhất thế giới. Tượng cao 46m, nặng 204 tấn được đặt đứng trên một bệ cao 45,7m tại một cù lao nhỏ nhìn ra cảng New York.
Ít ai biết, tượng Thần Tự Do là tác phẩm của các nhà kiến trúc, điêu khắc Pháp thế kỷ 19. Năm 1875, chính phủ Pháp đã đặt hàng kiến trúc sư Bartholdi một bức tượng để tặng cho chính phủ Mỹ nhân kỷ niệm 100 năm ngày quốc khánh Mỹ.
Bartholdi bắt tay vào công việc này từ năm 1875, một năm trước lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Độc lập 4/7/1776 của nước Mỹ. Nhưng ông không thể hoàn thành ngay công việc của mình. Ông đã phải sang Mỹ vài lần để chọn chỗ đặt bức tượng. Chỗ đặt được chọn là cảng New York. Bức tượng có cánh tay phải cầm cây đuốc rực sáng coi như ngọn đèn pha của cảng. Như vậy pho tượng phải có độ cao như một ngọn đèn pha trên bệ. Riêng cánh tay giơ bó đuốc đã dài tới 12m, ngón trỏ dài 2,4m, cái đầu tính từ cằm tới vuơng miện cao 5m, riêng cái miệng rộng 1m.
Phải mất gần 10 năm, Bartholdi mới hoàn thành công trình tượng thần tự do khổng lồ với khối lượng 204 tấn này. Ngày 4/7/1884, tại Paris đã diễn ra lễ trao tặng bức tượng cho nước Mỹ. Gần một năm sau, tháng 5/1885, bức tượng được tháo rời, xếp vào 214 công-ten-nơ, đưa lên tàu chiến Pháp để sang Mỹ. Tháng 4/1886 bệ tượng ở New York được dựng xong và công việc ghép tượng bắt đầu.
Tháng 10/1886, trước sự chứng kiến của các quan chức cao cấp Pháp và Mỹ, tấm khăn phủ tượng Thần Tự Do được long trọng kéo xuống. Một trăm năm sau, năm 1986, người Mỹ cùng với tổng thống R.Reagan đã kỷ niệm trọng thể 100 năm tượng Thần Tự Do.
Bức ảnh Nữ thần Tự do phiên bản nhỏ từng được đặt trên nóc Tháp Rùa, Hà Nội (những năm 1890-1896)
Bên cạnh tượng Thần Tự Do khổng lồ được trao tặng cho nước Mỹ, người Pháp có giữ lại cho mình một phiên bản nhỏ (cao 11 mét) cũng bằng đồng, đặt cạnh chiếc cầu bắc qua sông Seine. Đồng thời, cũng có một phiên bản khác nhỏ hơn nữa, (chiếm tỷ lệ 1/16 của pho tượng chính, tức khoảng 2,85m). Phiên bản này đưa sang triển lãm tại Hội chợ Đấu xảo Hà Nội (nay là Cung văn hóa Hữu Nghị Việt – Xô) năm 1887.
Sau đó, pho tượng được đặt ở vườn hoa trước cửa nhà Ngân hàng Đông Dương, tức vườn hoa Chí Linh, nơi đặt tượng Lý Thái Tổ bây giờ. Dịp quốc khánh nước Pháp 14/7/1890, Chính phủ Bảo hộ muốn đặt ở đây tượng Paul Bert (Người Việt gọi là Pôn Be) là thống sứ đầu tiên của Nhà nước bảo hộ, chết năm 1886 ở Hà Nội. Người Pháp lấy chỗ của tượng Thần Tự Do để làm chỗ cho tượng Paul Bert.
Có ý kiến đề xuất là đặt ở chỗ ga xe điện Bờ Hồ trước đây, nay là đài phun nước trước nhà Thủy Tạ và đầu phố Hàng Đào. Nhưng một kỹ sư Pháp là Daurelle đề nghị đặt ngay trên nóc Tháp Rùa.
Vị trí đặt pho tượng được báo chí Pháp thảo luận rất nhiều. Cuối cùng, tượng Thần Tự Do được đặt trên nóc Tháp Rùa, mặt quay về vườn hoa Paul Bert, tức quay về tượng Lý Thái Tổ bây giờ, lưng quay về phía Nhà Thờ Lớn. Tượng Thần Tự Do đã nằm trên nóc Tháp Rùa từ năm 1890 đến năm 1896, trước khi được chuyển về vườn hoa Cửa Nam và mang tên “Bà đầm xòe”.
Sau khi Nhật đảo chính lật đổ Pháp, bác sĩ Trần Văn Lai được bổ nhiệm làm thị trưởng TP Hà Nội (sau này ông tiếp tục được cử làm phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội). Khi vừa lên làm thị trưởng, để bỏ tàn tích xâm lược của thực dân Pháp, ông Trần Văn Lai đã quyết định giật đổ tất cả các tượng mà Pháp đã dựng ở Hà Nội, gồm tượng Thống chế Foch, Jean Duquis (người mở đầu xâm lược Hà Nội),… tượng Nữ thần tự do bị giật đổ vào 9h45 ngày 1/8/1945.
Những tượng đồng bị kéo đổ này được mang cất vào trong kho phế vật của sở Lục lộ thành phố Hà Nội từ năm 1945. Vào năm 1949, chùa Thần Quang thuộc làng Ngũ Xã khởi công dự án đúc tượng phật A Di Ðà. Tài liệu cho biết trong ba năm chuẩn bị đúc tượng (1949-1952), chùa đã kêu gọi khách thập phương đóng góp nhiều đồ đồng để đúc tượng nhưng vẫn không đủ số lượng nên đã đến xin chính quyền ban cho những tượng đồng trong kho của sở Lục lộ Thành phố, và ông thị trưởng thành phố đã chấp thuận cho chùa Thần Quang tất cả số tượng đồng trong kho, trong số đó có cả tượng Nữ thần và tượng Paul Bert.
Ngày 26 tháng 10, 1952, số đồng thu thập đủ loại và từ nhiều tượng kể cả tượng Nữ thần và tượng Paul Bert được đun nóng chảy rồi đổ vào khuôn để đúc tượng A Di Đà cho chùa Thần Quang, làng Ngũ Xã.
Kết luận
Phiên bản Tượng Nữ thần "Tự Do soi sáng Thế giới" được Pháp tặng cho Việt Nam vào năm 1887, qua nhiều thăng trầm di chuyển nhiều lần, rồi nằm trong bóng tối nhà kho hơn bảy năm trời, sau cùng tượng đã bị nấu chảy để lấy đồng đúc tượng A Di Đà vào năm 1952. Như vậy tổng cộng tượng Nữ thần Tự do đã hiện diện ở Hà Nội, Việt Nam được khoảng 65 năm (1887-1952).
No comments:
Post a Comment