Lễ hội ẩm thực Hàn Quốc
30 nhà hàng Paris tham gia Lễ hội ẩm thực Hàn Quốc
Ảnh minh họa: Một bữa ăn tối truyền thống Hàn Quốc với món chính là bibimbap kèm theo kim chi và các loại dưa... Ảnh chụp tại Seoul (Hàn Quốc). AP - Amir Bibawy
Sau đợt trỗi dậy của các phong trào nhạc Hàn K-Pop, điện ảnh Hàn ''Han Cinema'' còn được gọi là K-Movie, nay đến lượt ngành ẩm thực của Hàn Quốc đem chuông đi đánh xứ người. Kể từ hôm nay 09/09 cho tới ngày 26/09/2021, Hội chợ ẩm thực Hàn Quốc ''K-Food Fair'' sẽ diễn ra tại thủ đô Paris với sự tham gia của 30 quán ăn.
Gọi là hội chợ, nhưng chương trình sinh hoạt không tập trung về một nơi mà là chia đều ra nhiều hàng quán ở khắp thủ đô Paris. Trong số 30 quán ăn tham gia lần này, có các quán ăn chuyên về món Hàn như Joji hay Shin Jung, bên cạnh đó còn có các nhà hàng chuyên về ẩm thực kết hợp (fusion cuisine) như các quán Shiso Burger, Blue Monkey hay Riv'K, các tiệm ăn chuyên về ẩm thực thế giới (world cuisine) như Nomad's, Terra hay Zango. Về phía các khách hàng yêu chuộng làng ẩm thực cao cấp, năm nay có nhà hàng Solstice (một sao Michelin) của đầu bếp Éric Trochon tham gia vào chương trình sinh hoạt này, thay thế cho đầu bếp người Pháp gốc Hàn Pierre Sang từng xuất hiện trong kỳ Hội chợ ẩm thực Hàn quốc vào mùa thu năm ngoái.
Giới thiệu món ăn Hàn truyền thống hay biến tấu
Một cách cụ thể, trong vòng hai tuần lễ tháng 9/2021, các nhà hàng tại Paris giới thiệu với thực khách tại Pháp một số món ăn gợi hứng từ Xứ bình minh yên tĩnh : các quán ăn fusion hay ẩm thực thế giới chế biến các món có sử dụng các thành phần hay nguyên liệu đến từ bán đảo Triều Tiên như kim chi, dữu tử (yuzu), dầu mè, quả mộc lan (omija), tương ớt (gochujang) cũng như các gia vị khác thường được dùng để chế biến các món ăn Triều Tiên. Còn các quán ăn Hàn Quốc sẽ giới thiệu các món tiêu biểu của xứ này chẳng hạn như món cơm trộn ngũ sắc hay thập cẩm bibimbap, món thịt nướng vỉ bulgogi mà người Âu Mỹ gọi nôm na là ''korean barbecue''.
Một món ăn Hàn khoái khẩu khác đối với thực khách Tây là món sủi cảo chiên (gun mandu) dùng như món ăn khai vị, rất gần giống với món gyoza của Nhật và bánh chẻo jiaozi mà người Pháp gọi là ''raviolis pékinois'' trong khi đây là món ăn của tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Đổi lại, thực khách Pháp có vẻ không thích thú gì cho lắm món sủi cảo nước của Hàn Quốc (jin mandu) ít ra không nhiều bằng món gyoza nấu súp miso hay mì ramen của Nhật Bản và đơn giản hơn nữa là tô mì hoành thánh của Hồng Kông hay Quảng Đông.
Riêng về món ăn quốc hồn quốc túy của xứ Hàn là món Kim chi, có thể nói là loại dưa cải chua ngâm muối ớt này vẫn chưa hẳn là một trong những món ăn yêu chuộng của người Pháp, cho dù một số quán ăn đã tìm cách thích nghi món này với khẩu vị của thực khách phương Tây. Về điểm này, có thể nói là dân Hàn ăn cay không thua gì người dân Thái Lan, khác hay chăng là trong cách chế biến món ăn : người Thái thường dùng nhiều ớt hiểm thật tươi, trong khi dân Hàn dùng rất nhiều ớt khô và ớt bột, ngay cả khi họ trộn với mắm tôm, cua bể hay mắm cá của xứ họ.
Paris có nhiều quán ăn Hàn dù cộng đồng Hàn quốc không đông
Cách đây đúng một thập niên, sau khi điện ảnh và âm nhạc Hàn Quốc bắt đầu chinh phục thị trường quốc tế, Seoul đã phát động chiến dịch quảng bá văn hóa ẩm thực xứ Hàn trên khắp thế giới kể từ năm 2011. Đúng hai năm sau, cơ quan chính phủ ''aTcenter'' trực thuộc Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc ra đời tại vùng ngoại ô Paris. Cơ quan này chuyên tổ chức các liên hoan văn hóa và ẩm thực trong khối Liên hiệp châu Âu hầu thúc đẩy việc nhập khẩu sản phẩm của Hàn Quốc, kể cả rượu mùi dữu tử (yuzu), tảo biển và hồng sâm, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhắm vào thị trường thực phẩm tại các nước Âu Mỹ.
Trong bối cảnh đó, Hội chợ ẩm thực Hàn Quốc K-Food Fair đầu tiên tại Pháp đã diễn ra tại Paris vào mùa thu năm 2018 và phiên bản này đã được tổ chức trong ba ngày. Vài năm sau, mặc dù có dịch Covid-19, hội chợ này vẫn được duy trì cho dù phải dời thời điểm tổ chức vào mùa hè, sau đợt phong tỏa. Điều đáng ngạc nhiên là hội chợ ẩm thực ngày càng thu hút đông đảo khách tham dự. Một phần có lẽ cũng vì, hội chợ diễn ra song song với liên hoan ẩm thực ''Taste of Paris'' được tổ chức năm nay một cách hoành tráng tại Cung triển lãm Phù du của Điện Grand Palais, nằm gần đại lộ Champs Élysées.
Cũng cần biết rằng cộng đồng người Hàn tuy không đông đảo ở thủ đô Paris, nhưng lại có khá nhiều hàng quán khai thác hay kinh doanh các món ăn từ Hàn Quốc. Theo khảo sát gần đây của mạng thông tin Linternaute, Paris hiện có khoảng 12.000 kiều dân Hàn Quốc sống và làm việc tại thủ đô, nhưng có tới hơn 150 nhà hàng bán các món ăn Triều Tiên, trong đó có gần một nửa là tiệm ăn Hàn, phần còn lại là các quán fusion kết hợp món ăn Hàn với ẩm thực châu Á. Điều đó cho thấy nhiều nhà đầu tư bỏ vốn kinh doanh quán ăn Hàn vì biết rằng có một đối tượng khách hàng ở Pháp thích thử các món ăn này, chủ yếu qua ảnh hưởng của ca nhạc hay điện ảnh …..
Đào tạo đầu bếp để nâng cao việc quảng bá ẩm thực
Theo lời đầu bếp Edward Kwon, chính sách quảng bá nghệ thuật ẩm thực của Seoul không chỉ nhắm vào việc xuất khẩu nông thực phẩm Hàn Quốc, mà còn dựa vào việc đào tạo một thế hệ mới của các đầu bếp Hàn ở nước ngoài. Từ Singapore đến Dubai, từ Paris đến New York, các đầu bếp này sẽ là những cánh chim đầu đàn giúp quảng bá ẩm thực Hàn Quốc trong mắt giới truyền thông nước ngoài.
Các đầu bếp Hàn Quốc không những giỏi nấu ăn mà còn thạo ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung …. ) cũng như nắm bắt rất nhanh các xu hướng thịnh hành trên các mạng xã hội. Việc đào tạo một đầu bếp có tay nghề đòi hỏi một thời gian nhất định, nhưng tạo tiếng vang nhanh hay không là còn phụ thuộc khá nhiều về cách sử dụng công nghệ thông tin hiện đại.
Về điểm này, thế hệ trẻ học rất nhanh chóng. Chỉ trong vòng 4 hoặc 5 năm, một đầu bếp có thể củng cố uy tín của mình trong ngành kinh doanh nhà hàng, đó là trường hợp của đầu bếp người Pháp gốc Việt Nathalie Nguyễn với chuỗi cửa hàng Pitaya khai thác các món ăn street food của Việt Nam hay Thái Lan, cũng như đầu bếp gốc Hàn Pierre Sang, thành công cùng lúc với ba quán ăn Oberkampf, Gamey và Signature. Cả hai gương mặt này từng xuất hiện trong các cuộc thi nấu ăn thông qua các chương trình truyền hình như Master Chef hay Top Chef, phiên bản tiếng Pháp.
Hội chợ ẩm thực Hàn Quốc K-Food Fair phiên bản 2021 tại Paris hẳn chắc cần thêm thời gian để phổ biến rộng rãi hơn nữa các món ăn xứ Triều Tiên đối với thực khách Pháp nói riêng, dân châu Âu nói chung.
Riêng tại Paris, các món ăn Hàn có thể chưa thịnh hành bằng các món ăn Việt như phở, chả giò (nem rán) hay bò bún (Nam bộ) nhưng trên mạng Instagram, trong thời gian gần đây hình ảnh của món cơm trộn Hàn Quốc thường giành lấy vị trí nhất nhì kể từ khi giới ghiền ẩm thực Hàn Quốc (K-Food Fan) thi đua nhau đăng ảnh chụp về các món ăn Hàn, trong đó có món ''dolsot bibimbap'' tức là móm cơm trộn thập cẩm trình bày một cách đẹp mắt trong một cái niêu bằng đá hoa cương.
No comments:
Post a Comment