Monday, September 13, 2021

HÀNH TRÌNH VƯỢT BIỂN ĐÔNG (Kim Oanh)

Năm 1976 vừa xong bậc trung học tôi rời Vĩnh Long, lần đầu tiên ba anh em chúng tôi vượt biên cùng với mười bảy người bạn chí thân. Vừa xuống tàu lớn chúng tôi đã bị bắt và đưa về nhà lao Rạch Giá trong nỗi lo âu sợ hãi.

Trong nhà giam, mọi vấn đề về vệ sinh đối với phụ nữ đỡ hơn nam giới. Buổi chiều, phụ nữ được thả ra sân chơi, nhìn qua bên phía nhà của nam giới, tôi nhận diện được anh và em tôi qua ô cửa sổ nhỏ. Chúng tôi trao đổi bằng cách ra dấu và biểu hiện bằng ánh mắt.

Đêm đêm tôi cầu nguyện Đất Trời, Ông Bà đã qua đời, phù hộ cho anh em tôi được thoát tai nạn này.

Một buổi trưa đang mơ màng ngủ trong cơn nửa mê nửa tỉnh, những người cùng phòng đánh bài, trò chuyện lao xao, tôi cố giương đôi mắt nhưng không thể được. Bỗng một hình ảnh lung linh ở khung cửa sổ, trên nóc phòng giam. Hình bóng người thanh niên, vận áo dài khăn đóng, gương mặt thanh tú và hiền từ. Tôi cố vùng dậy thì thoáng nghe tiếng nói: “Tên tôi là….. (xin cho tôi được giấu tên) tôi chết vì tội vượt biên ở Kiên Lương, Rạch Giá, tôi sẽ phù hộ cô suốt cuộc đời ” và bóng hình ấy biến mất. Khi choàng tỉnh, tôi rất lo âu, sợ sệt. Nơi đây tôi quen chị Ánh, Chị rất thương tôi vì chị thấy tôi thường hay khóc một mình. Tôi đem giấc mơ kể chị nghe, chị cho biết, cách nay vài tháng có một chuyến tàu của sinh viên, giả dạng là một đoàn văn công đi trình diễn văn nghệ, bị bại lộ. Cả đoàn cùng nhau đốt tàu và tự thiêu ngoài khơi, chị ức đoán cách ăn mặc của người trong giấc mơ là người trong chuyến hải hành này. Chị khuyên tôi, đừng lo sợ, mỗi khi ăn cơm hãy gọi tên người ấy và lập lại lời người nói, mời người về dùng cơm và cầu nguyện những gì tôi ước muốn.

Thế là từ đó tôi luôn cầu, khấn nguyện cho anh em tôi được ra khỏi phòng tối. Một tuần lễ sau anh và em tôi được ra ở hội trường. Tôi vô cùng mừng rỡ. Lại tiếp tục khấn cầu. Tuy là hy vọng rất mong manh nhưng tôi vẫn khấn nguyện cho chúng tôi được sớm thả ra. Ồ điều ấy khó lắm! Vì chúng tôi đang trong lứa tuổi lao động nên trước khi được tha, bắt buộc phải đi lao động ở U Minh ít nhất một năm. Sau 2 tháng 10 ngày bị giam, nhóm tôi được gọi tên tập họp. Lòng nghĩ thầm đi U Minh thôi! Nhưng một phép nhiệm mầu, mười bảy người trong nhóm được “khoan hồng”. Thật tôi không ngờ là điều này có thể xảy ra.

Sau đó, gia đình tôi vẫn lần lượt ra đi. Tôi lại tiếp tục cầu nguyện cho anh chi em tôi ra đi thành công tôi sẽ ở lại với Ba Má, được thế tôi mãn nguyện lắm rồi. Thế là mỗi chuyến anh, chị, em của tôi đều đến nơi bình an. Duy chỉ có tôi thất bại, lầm lũi trở về. Rồi chờ đêm thật khuya mới dám vào nhà. Má tôi bảo: mỗi lần nghe tiếng gõ cửa trong đêm, lòng Má đau như cắt vì biết rằng con đi không thành. Ba Má đã đổ không biết bao công lao, khó nhọc, vơ vét những gì có thể bán đổi lấy vàng để lo cho tôi, thất bại là mất tiền. Với năm lần thất bại. Ba Má phải vay mượn, nhất quyết cho tôi ra đi.

Một hôm Má tôi hỏi:

– Con đã cầu nguyện như thế nào? nói cho Má nghe?

– Con cầu cho tất cả anh chị em ra đi được bình an con ở lại với Ba Má.

Má tôi không nói lời nào, Má nấu một mâm cơm chay và khấn Người đã phù hộ cho tôi xin lỗi người khuất mặt mà tôi đã gặp trong giấc mơ. Má xin được lấy lại lời tôi khấn. Mong Người giúp tôi ra đi được bình an, nếu có thương tôi người hãy giúp cho con tôi được hạnh phúc về sau. Và Má tôi bảo:

– Từ nay con đừng cầu xin người ấy nữa, hãy để cho Người ra đi thanh thản.

Vào tháng 5 năm 1979, trời chưa kịp sáng tôi một lần nữa rời gia đình. Có người hướng dẫn tôi đến bến đò Rạch Sỏi. Một chiếc đò nhỏ, tất cả mười ba người. Tôi cảm thấy lo với con số 13. Thật vậy, đò vừa ra khỏi vùng khám xét, bỗng nhiên tắt máy và trôi theo con nước, tất cả lo âu, hồi hộp. Chúng tôi bắt buộc phải nằm dài xuống lòng đò, một tấm bạt được phủ lên che kín. Hai người trong nhóm thay phiên nhau sửa máy. Tôi cầu nguyện Trời Phật Ông Bà che chở cho chúng tôi.

Tiếng máy nổ, có lẽ không lớn bằng mười ba tiếng thở phào nhẹ nhỏm. Đò tiếp tục chạy, từ từ thấy biển khơi. Một chiếc tàu thật dài khoảng mười mét hiện ra trước mắt. Chúng tôi lên tàu cả gia đình chủ tàu, tài công đều là anh em ruột. Trong nhóm người đi đa số là họ hàng gần trừ ra hai gia đình còn lại, và tôi không có họ hàng với chủ ghe. Như vậy trong tàu này tôi là người đơn độc. Hoà, cậu thanh niên đưa chúng tôi đến ghe lớn, vội vàng bỏ chiếc đò nhỏ xin chủ ghe đi theo. Tổng cộng bốn mươi hai người.

Vừa vui lại vừa khóc! Lần này là vĩnh viễn xa… xa tất cả những người thương, xa quê hương và biết đến bao giờ mới có ngày trở lại? Sau đó nỗi lo ngại lại xâm chiếm lòng. Rồi đây chúng tôi sẽ đi đâu và về đâu?

Nhưng tôi đã từng suy nghĩ ra đi là tìm cái sống trong cái chết, vì vậy sẵn sàng chấp nhận một bị bắt hoặc tệ hại hơn là bỏ mình ngoài biển khơi. Nghĩ như thế mới mong có đủ can đảm và cương quyết ra đi.

Chiếc tàu tôi vừa lên, đã đi đánh cá lâu ngày trên biển nên trên tàu có sẵn rất nhiều thực phẩm. Mấy hầm tôm, cá, mực tươi. Mực khô, tép khô, gạo nước đều đầy ấp. Chủ tàu họ lo cơm nước rất chu đáo cho những người trong chuyến đi này. Riêng tôi không ăn được vì bị say sóng.

Ngày đầu ra khơi, lo lắng, bồn chồn lẫn háo hức, không ai ngủ được, khi đêm đến tất cả lên boong tàu trò chuyện và tôi được dịp làm quen những người đồng hành. Gia đình anh Hai, anh Ba, gia đình anh Tư, anh Năm, vợ chồng anh tài công (anh Mài và chị Ánh), gia đình chú Tuấn, vợ chồng anh Phở, vợ chồng Dũng Thắm, còn lại tất cả còn độc thân là chú Tuấn, Anh Cường, Thường, Diếng, Giỏi, Hòa, Hùng, Liêm, bốn đứa con gái, Hà, Nguyên, Hồng và tôi.

Lúc biển yên gió lặng, cùng nhau phân công, ai biết nói tiếng Anh để có thể giúp mọi người khi đến nơi. Trong nhóm có anh Dũng nhận trách nhiệm này, anh Ba, anh Cường là người Hoa có thể nói tiếng Quang Thoại, tiếng Quảng Đông. Anh Ba rất vui tính, anh trò chuyện để trấn an mọi người, anh kể sự tích chiếc tàu, rất linh thiêng, con gái của bà chủ tàu trước đó đã chết ngay cột tàu. Khi gia đình anh mua về họ luôn luôn khấn cô gái ấy. Trên tàu có một tượng Phật Bà thật cao, được thờ trước đầu tàu để độ hộ cho gia đình anh mỗi chuyến ra khơi. Ngoài ra anh còn một lọ nước làm phép. Anh bảo khi gặp nguy cơ chỉ cần thoa lên tóc thì nói đối phương sẽ nghe. Cho nên anh rất có niềm tin. Đêm đó nhìn dáng của mọi người cùng hướng mắt ra vùng biển bao la, lòng tôi như chỉ rối, lắc đầu xua đi khối nặng đang đè trong não tôi cố gắng dỗ giấc ngủ, ngủ bình yên sau một ngày hoang mang sợ hãi.

Ngày sau, tàu vẫn êm đềm lướt sóng, hai bên hong tàu có hai đàn cá đi theo…xa khơi bắt đầu thấy những mảnh ván đồ đạc nổi trôi. Một nỗi lo sợ bao trùm. Có lẽ một chiếc tàu nào đã đắm gần đây. Khoảng xế chiều, tàu đi cũng khá xa hướng về Malaysia. Thình lình anh tài công bỏ ống nhìn, thông báo có hai chiếc tàu thật lớn từ xa tiến đến với tốc độ rất nhanh, anh sợ với tốc độ này đụng phải, tàu sẽ bị vỡ tan.

Tất cả anh em chủ tàu chuẩn bị chống trả vì họ có mang theo rất nhiều súng đạn. Theo kinh nghiệm đi biển họ biết đó là hải tặc. Nhưng các bà vợ của họ khóc xin năn nỉ chồng đừng chống trả. E rằng hải tặc có súng lớn hơn bắn lại, sẽ chết hết. Các bà khóc quá nên các ông buông tay.

Tôi thật nhanh, nhảy vội xuống hầm tàu lấy dầu nhớt bôi vào mặt mình cho xấu xí đi vì hai chị tôi đi trước viết thư về căn dặn khi gặp hải tặc một là làm đàn bà có con nhỏ, hai là làm một đứa con nít, thấy ai có con thì bế đại như thế mới mong thoát thân.

Trời ơi! Khi hai chiếc tàu cập vào chúng tôi như người đã chết rồi. Tất cả đứng im như pho tượng. Bọn chúng chỉ có cái khố che thân, mặt mày dữ dằn, tay cấm búa, dao, mã tấu, thật kinh khiếp vô cùng. Tôi thấy chị Tư có hai đứa con nhỏ, tôi vội vàng bế đứa nhỏ nhất của chị, vừa lúc ấy chúng đã tràn ngập lên tàu. Chúng chia chúng tôi ra làm ba nhóm: đàn bà con nít, đàn ông con trai và con gái.

Tôi bế đứa nhỏ, nên chúng đẩy tôi vào nhóm đàn bà. Chúng thay nhau lục soát khắp tàu, khắp nơi trên cơ thể của từng người, chúng vơ vét vàng bạc, nhưng có lẽ điều chúng mừng nhất là những khẩu súng đạn và thực phẩm tươi dưới hầm. Bọn họ quên chúng tôi trong giây phút, chỉ lo vơ vét hết thực phẩm tươi về tàu. Thời gian sợ hải và kinh hoàng kéo dài rất lâu.

Bỗng nhiên chúng ra dấu mang nhóm con gái sang tàu chúng. Khiếp đảm và vô cùng tuyệt vọng! …Lúc này tôi chỉ biết cầu nguyện mà thôi và tôi quên đi những gì Má tôi dặn dò, tôi cầu xin linh hồn Người đã phù hộ cho tôi dạo trước. Xin người thứ lỗi cho tôi, ra đi mà không dám nói, giờ nếu thương tôi xin giúp tất cả mọi người thoát nạn và những người con gái kia không bị làm ô nhục, tôi rất cám ơn. Và từ xa xuất hiện thêm chiếc tàu thứ ba, đang tiến dần đến. Tôi biết là khó sống hôm nay. Tôi khấn nguyện xin Đức Mẹ, Ông Bà, Người phù hộ, nếu chết thì cho tôi được chết trên bờ, để Ba Má tôi còn biết con mình bỏ xác nơi đâu, cầu cho những người con gái kia được thả về tàu của mình, đừng bắt họ đi và được bình an. Tôi nguyện thề sau này tôi sẽ vào đạo. Thế rồi tôi ngất đi không còn biết gì nữa.

Khi tỉnh lại, tôi cảm nhận có mùi dầu Nhị Thiên Đường ở mũi. Cạnh tôi là một người đàn ông trung niên ăn mặc bình thường. Ông nhanh tay dúi vào tay tôi một cuộn giấy tròn nhỏ, linh cảm đây là người tốt, tôi vội giấu vào trong búi tóc tôi. Ông ta hỏi tôi có biết tiếng Anh không, tôi gật đầu, ông ta vội nói: “Tôi là một thương buôn ở Singapore có hai con. Sau này cần gì tôi giúp.”

Người thương buôn đưa cho tôi một thau cháo, tôi không dám ăn, tôi sợ có thuốc mê, không còn nói được chỉ biết lắc đầu kinh hãi. Nhìn chung quanh các bạn gái đã về lại tàu, Tất cả đều bình an. Bọn hải tặc chỉ còn lảng vảng vài tên, lo vơ vét đồ đạc còn sót.

Ông cho người đem sữa đặc, dầu Nhị Thiên Đường, cá mòi hộp cho chúng tôi. Nói bằng tiếng Quảng Đông, chỉ đường đi đến Kuala Lumpur.

Sau khi hai chiếc tàu hải tặc đi xa rồi, tàu ông mới rời chúng tôi. Ông chỉ xin tượng hình Phật Bà nơi đầu tàu. Chúng tôi cùng ôm nhau khóc vì nỗi kinh hoàng đã qua đi. Kể từ giây phút đó tất cả đã thành một đại gia đình, đùm bọc chở che cho nhau.

Định thần lại, tôi xem cuộn giấy nhỏ của người thương buôn đưa, chính là địa chỉ của ông ở Singapore. Chiếc tàu thứ ba chính là chiếc tàu ân nhân của chúng tôi. Xin cám ơn một tấm lòng nhân đạo, xin ơn trên che chở cho gia đình người ân nhân này luôn an lành, hạnh phúc. Đúng là một phép nhiệm mầu mà ơn trên đã ban cho chúng tôi thoát nạn hôm nay.

Đêm thứ nhì, để tránh gặp nguy một lần nữa, đèn tàu tắt hết đêm nay không một ai dám ngủ mặc dù đã mệt lả người. Thình lình một tia sáng loé lên từ xa, tàu hướng theo tia sáng ấy mà chạy. Chúng tôi reo mừng, một dãy nhà đèn sáng choang, và một bến cảng trải dài. Tàu cập vào cảng Hải Quân ở Terengganu. Hôm nay là ngày 12- 5- 1979.

Nhưng chưa kịp vui, một người lính Hải Quân nhảy thẳng xuống boong tàu, bắn một phát súng chỉ thiên. Than ơi! Đại họa đã giáng lần thứ hai sao? Chúng tôi khiếp cả hồn vía, con nít khóc vang, tất cả dồn vào góc tàu, nép sát bên nhau run rẩy, người lính kia thì quát tháo om sòm. Tôi chợt nghe loáng thoáng tiếng Anh thì phải? Tôi vội trấn tỉnh để lắng nghe. Thôi đúng rồi! Tôi nhìn anh Dũng, anh ngồi bất động và đang cố gắng che chở cho Thắm vợ anh.

– Ai có thể nói được tiếng Anh?

Hắn lập đi lập lại nhiều lần. Hồn vía đâu trả lời. Một nỗi kinh hoàng trước họng súng hướng về chúng tôi.

– Không ai trả lời tôi sẽ bắn.

Tôi chỉ nghe có thế chân tay rời rã. Nhưng nghĩ đến “chết” làm tôi nhớ Má tôi, bà thường đem chuyện đời xưa kể cho con cháu nghe về kinh nghiệm sống trong chiến tranh. Thời chạy loạn giặc Tây, Má tôi nhờ có chút vốn liếng tiếng Pháp, Má cũng từng giúp được cho bản thân mình và những người phụ nữ cùng làng thoát cảnh bị Tây hãm hiếp. Tôi như cái lò xo bật dậy, với vốn liếng Anh ngữ ít ỏi, tôi trả lời:

– Tôi biết nói tiếng Anh chút ít.

Và lạ thay người lính đó nhỏ giọng xuống, tôi cảm thấy tinh thần mình bớt căng thẳng, tôi cố gắng tập trung nhiều hơn.

– Có bao nhiêu người trên tàu? Hắn hỏi

– Có bốn mươi hai người trên tàu. Tôi trả lời

– Tôi đếm không đúng bốn mươi hai người thì tôi bắn. Hắn chĩa súng vào ngay tôi.

Tôi không còn tinh thần nữa, tôi khóc và quỳ xuống van lạy. Cả tàu thấy tôi quỳ lạy tất cả đều làm theo. Ngay khi ấy hơn chục người lính khác kéo đến. Họ mặc đồng phục Hải Quân. Họ ra lệnh tôi là người rời tàu trước tiên, đứng sang một bên, không bị khám xét và tất cả lần lượt rời tàu, những người còn lại bị khám xét toàn thân nhưng không sàm sỡ như bọn hải tặc dã man. Cũng nhờ tôi không bị xét nên lúc đi ngang tôi, Nguyên vội nhét vào tay tôi một sợi dây chuyền, tôi vội giấu vào trong búi tóc.

Màn đêm buông xuống rất nhanh tôi đoán gần 12giờ đêm. Những người lính Hải Quân cho chúng tôi ăn tạm bánh mì ngọt vài trái bôm. Chúng tôi đã từ từ bình tỉnh lại.

Họ hỏi chúng tôi từ đâu tới, đi có bị hải tặc không? Họ cho biết chúng tôi sẽ phải rời nơi này trong vài hôm. Họ sẽ cấp xăng, thực phẩm và tiếp tục ra đi. Những ngày kế tiếp anh Ba anh Cường có thể nói tiếng Quảng với họ, anh Dũng và tôi cùng họp tác trả lời bằng tiếng Anh. Ba đêm liền chúng tôi ngủ ngoài trời trên nền xi măng cảng nóng bức. Mỗi đêm thao thức vì có những người muốn giở trò tồi bại với con gái, các anh họ của Nguyên, Hồng luôn nằm cạnh hai cô che chở còn tôi không có người thân nên được nằm giữa Nguyên và Hồng. Rất cảm ơn hai cô bạn đã cho tôi một nơi nương tựa, một tình tương thân tương ái.

Đêm thứ tư chúng tôi được vào một căn nhà bằng gỗ hai tầng ở tạm. Khi vào nơi ấy chúng tôi nhận được những dòng chữ để lại từ những người đến trước, trên tảng đá để làm bếp nấu nướng và vết tích để lại là những nhúm tro tàn. ” Nơi đây không an toàn có thể bị kéo ra khơi. ” Dòng nhắn tin này làm chúng tôi rất lo sợ, thì ra tai họa vẫn luôn chực chờ bất cứ lúc nào, nhưng lời nhắn đó là những chân tình quý báu đối với chúng tôi.

Lo lắng chưa biết phải đối phó như thế nào thì một đêm có chiếc tàu cập vào cảng để lấy nước và xăng dầu. Một người đàn ông bảo rằng tàu còn tốt sẽ bị ra khơi trở lại. Đến nửa khuya ông khách lạ trở lại cùng các anh trong tàu đục thủng cho tàu chìm. Người ân nhân đó một lần nữa đã đến với chúng tôi trong việc làm vô cùng thánh thiện, người ấy không ai khác hơn chính là người Singapore đã giúp chúng tôi khi hải tặc cướp tàu. Xin muôn vạn lời cám ơn, tấm lòng nhân hậu, một lần nữa xin gửi đến ân nhân lòng biết ơn và lời nguyện cầu mọi điều may lành đến với ông và gia đình.

Thế là thoát nạn! Sáng hôm sau tàu chìm, bắt đầu có cảnh sát đến canh giữ chúng tôi. Cứ mỗi hai tiếng đồng hồ họ thay ca trực, mỗi ca là hai người cảnh sát, nhờ có canh gác và có nhiều phòng, từng gia đình ngủ riêng, tôi cùng ba chị em của Nguyên chung phòng, con trai ngủ dọc theo hành lang để bảo vệ cho con gái.

Chiều đến, có tàu của lính commando cặp vào cảng lấy nhiên liệu. Họ vào trò chuyện với anh Ba và anh Cường. Nhưng đêm đến đang yên giấc, vài lính commando thực hiện những hành động xấu xa. Trải qua bao lo âu mệt mỏi, mấy anh ngủ say không hay lính đã vào phòng chúng tôi. Hốt hoảng vì họ pha đèn vào mặt, tôi bật ngồi dậy và la to: “Chú Tuấn ơi, cứu tụi con.”

Tất cả con trai chạy sang. Chú Tuấn đã bị họ đánh báng súng vào đầu. Chúng chưa kịp giở trò, thì vội chạy nhanh vì một chiếc xe cảnh sát khác đến thay ca trực. Thì ra hai người cảnh sát trước đã toa rập với họ thực hiện điều xấu xa. Cám ơn Phật Trời đã che chở những đứa con gái này thoát nạn đêm nay. Anh Dũng đã thuật lại cho hai người cảnh sát vừa đến thay ca trực, họ lập biên bản và kể từ sau hôm ấy chúng tôi mới được yên thân. Từ đó, đêm đến các anh trong tàu đem chúng tôi giấu dưới lườn một chiếc xe hư lánh nạn.

Hai tuần lễ trôi qua, họ đưa chúng tôi rời Cảng bằng xe cam nhông nhưng không biết đi đâu và đến nơi nào. Xe được che kín mít, cố vén tấm bạt xem. Ôi! Toàn là rừng rậm lại một phen lo âu hoảng hốt. Sau một đoạn đường dài ngoằn nghèo và nhấp nhô, bất chợt xe dừng lại. Xuống xe, nhìn thấy phía bên trong hàng rào dây kẽm gai toàn là người.

Mừng quá! Mừng quá người Việt Nam. Những người đồng hương chào hỏi, tiếp đón ân cần, được đưa vào trại tỵ nạn. Chúng tôi, người về từ cõi chết!

Sau khi tạm ổn định, mới vỡ lẽ đây là một trại tập trung tổng cộng hơn ba ngàn người Việt tỵ nạn. Người ta gọi nơi đây là Rừng Dương vì chung quanh toàn là cây Dương. Không có Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cũng không có Hồng Thập Tự đến, hầu như phải tự túc. Không biết bao giờ được vào trại chính thức. Gần hơn năm nay chưa ai được ra khỏi nơi này. chỉ biết đợi chờ… Những gia đình ở khá lâu họ trồng trọt, những vườn rau xanh biếc, chăn nuôi gà để sinh sống. Họ cho biết trước đó nhiều tàu được gọi ra đi nhưng không rõ được vào trại hay đã bị đưa ra khơi, hoàn toàn bặt tin.

Nơi Rừng Dương, ai có tiền muốn gì cũng có, người bản xứ họ mang lương thực nước uống bán lấy vàng hay tiền đô Mỹ, chúng tôi nhờ vào gạo, cá khô còn sót lại, cùng chia nhau ăn. Gạo đã vơi đi dần, chúng tôi phải nấu cháo. Khi hết hẳn lương thực, mạnh ai nấy lo thân. Tôi đã cùng ba chị em Nguyên thành một gia đình, các anh cùng tàu trốn trại vào rừng đốn lá và lợp cho một mái nhà để trú mưa. Thức ăn dần dần hết, người ta lẻn vào rừng tìm rau cỏ ăn, tôi là thân con gái không dám đi, lính Mã Lai bắt được trốn trại họ đánh nhừ tử. Tôi chờ cho mọi người ăn hết đọt rau cỏ non, bỏ phần già, tôi nhặt lại ăn cho qua ngày. Một hôm giặt đồ tôi phát giác ra một sợi dây chuyền còn sót lại, Má tôi đã cẩn thận may vào cạp quần, mừng quá, nhờ người đổi ra tiền Mã.

Sau khi có tiền việc đầu tiên tôi nhờ mấy người trốn trại mua giùm vật dụng cần thiết nhất, thế là đã mất đi hơn hai phần ba số tiền. Phần còn lại tôi mua đường để đủ sức chịu đựng khi đói, mì gói bốn đứa chia nhau làm canh ăn đỡ dạ. Sợi dây chuyền tôi giấu được cho Nguyên cũng dành để chi vào những nhu yếu phẩm cần thiết nhất cho ba chi em cô. Rất vất vã và thiếu thốn mọi phương tiện, chúng tôi cũng gặp những người muốn giúp đỡ, che chở. Nhưng ở đời có ai học được chữ ngờ. Nghĩ vậy nên ba đứa con gái chúng tôi không dám nhận. Tôi luôn tự nhủ lòng “Trời sanh voi sanh cỏ”. Thôi thì “Hết cơn bỉ cực đến hồi thới lai”. Ráng cố gắng chịu đựng một thời gian xem sao!

Sinh hoạt ở đây, chiều khoảng 3 giờ đến 8 giờ tối, những người kiểm soát trại, mở hàng rào kẽm gai, gọi số tàu xuống biển tắm theo nhóm. Thời gian trôi qua cũng được hơn hai tháng. Một chiều xuống biển tắm, loa phóng thanh gọi số tàu tập họp. Trong đó có tàu của chúng tôi ” VNKG 0249”. Vội vã chạy về lều, được biết hôm nay có tất cả bốn chiếc tàu được ra khỏi trại Rừng Dương. Đây là diễm phúc hay điều bất hạnh?

Tất cả mọi người đều hoang mang không hiểu tai sao chúng tôi đến sau lại được đi trước? Khi chiếc xe cam nhông đến, người lớn tuổi bàn với nhau, chuyến xe đầu nếu đến được trại chính thức thì đánh lên thành xe dấu thập, còn nếu bị ra khơi thì đánh dấu trừ, để cho những người sau biết đường mà lo liệu. Nhóm chúng tôi đi sau cùng. Khi xe đầu trở về đón tiếp, tất cả hò reo mừng rỡ, vì chữ thập đã được ghi lại thành xe. Bắt tay từ giã những người bạn thân quen, tuy ở ngắn ngủi nhưng chúng tôi rất bùi ngùi xúc động vì cùng chung cảnh ngộ. Hy vọng một ngày gần tất cả sẽ được thoát khỏi nơi này. Các chú bác còn ở lại căn dặn khi gặp Cao Ủy Tỵ Nạn nhớ cho họ biết, còn rất nhiều người tỵ nạn bị lãng quên nơi Rừng Dương.

Đến trại vào buổi chiều. Nơi đây có phái đòan Mã Lai, trưởng trại, thông dịch viên tiếp đón, được biết đây là Trại Tỵ Nạn Cherating. Tất cả sẽ được cấp lều cho tạm trú, thực phẩm khô do Hội Hồng Thập Tự tiếp tế, mỗi tháng được thêm một phần thịt, rau tươi. Sẽ có các Phái đoàn từ các quốc gia trên thế giới đến mở hồ sơ, phỏng vấn và cho định cư ở nước thứ ba. Tôi như người đi trên mây, chỉ biết khóc… khóc vì sung sướng, khóc vì biết mình đã được TỰ DO.

Trại Cherating là một xã hội mới. Một xã hội thu nhỏ trong cộng đồng người Việt ly hương. Cũng bon chen cũng cạm bẫy, cám dỗ. Tuy nhiên bên cạnh những người xấu, cũng có những người với tấm lòng nhân hậu vị tha. Chợ nhóm buổi sáng, ban đêm có quán café ca nhạc, có trường học dạy sinh ngữ.

Trường học được lập ra cho mọi người. Ai muốn có chút vốn liếng ngoại ngữ để định cư ở nước thứ ba. Học cũng để quên đi thời gian, quên đi nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương.

Công lao này do các anh sinh viên học sinh xuất thân từ trường Pétrus Ký, Taberd, Phú Thọ. Họ xin Cao Ủy Tỵ Nạn các dụng cụ học đường như sách, tập viết, phấn và bảng đen. Các anh dựng lớp, đóng bàn học và thay phiên nhau dạy các lớp buổi sáng, các lớp buổi tối, miễn phí. Việc làm thiện nguyện của các anh thật cao quý.

Lều chúng tôi được dựng trên một nơi trước kia là bãi rác, nằm cạnh bìa rừng, chung quanh trại rào dây kẽm gai. Có những đêm đang ngủ, tiếng la thất thanh “Có rắn!” bọn tôi nằm bất động, rắn bò ngang mình từng đứa, toát mồ hôi hột, thế là thức trắng đêm vì sợ. Có lần bị rết kẹp nhức nhối, may có các cụ người Hoa tốt bụng dùng tỏi vắt đắp cho tôi qua cơn đau. Đêm nào mưa thì như đêm ấy ngủ ngồi, nước ngập từ bãi rác xông lên nồng nặc mùi hôi thối. Dần dần có thêm điều kiện các anh trong tàu đóng sạp cao để tránh rắn rết.

Trải qua những ngày dài buồn khổ vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ còn kẹt lại ỏ Việt Nam. Không sao nhắn được tin tức cho gia đình là tôi đã bình yên. Khi có người ra đi định cư nước thứ ba, tôi cũng như bao người vội vã viết vài lời nhắn gửi cho thân nhân. Nhưng rồi cũng vô vọng. Nguyên, Hồng, Liêm ba chị em được phái đoàn Canada nhanh chóng chấp nhận, vì Ba Nguyên làm hãng viết chì Pacific ở Biên Hòa. Ba chị em từ giã tôi đi Canada rất nhanh. Còn lại một mình tôi đã cố gắng sống, sống trong buồn bã đơn độc. Cuộc sống khó khăn, sống thật bơ vơ, tôi phải chống chỏi với đời bằng đôi tay nhỏ bé và yếu đuối của mình. Tuy khổ nhưng lúc nào tôi cũng cố giữ lòng trong sáng, tôi tự nhắc nhở với chính mình. Khổ đã quá nhiều, tại sao chỉ còn gang tấc mà không vượt qua được hay sao?

Sau khi ba chị em Nguyên ra đi, tôi xin các anh đóng cái sạp riêng cho tôi vì hai cô bạn đi rồi không còn ai nằm hai bên che chở cho tôi. Thế là tôi có một giang san riêng, bề ngang nửa mét, bề dài một mét rưỡi. Mỗi buổi sáng tôi thức thật sớm xuống gần bờ biển tập thể dục. Các bác người Hoa dạy tập Tài Chi, trưa thì cùng các tổ đi làm vệ sinh phòng tắm nữ, thời gian bạn bè bên nhau trong trại Cherating, hàng ngày được nghe, và nhắc nhở đến những kỷ niệm nơi quê nhà dấu yêu. Tất cả những kỷ niệm ấy lúc nào cũng đẹp. Những câu chuyện hay những kỷ niệm đẹp đều bắt đầu bằng hai chữ “Ngày xưa” đã được nhắc đến một cách thiết tha và u hòai không ai có thể quên. Vì những nhớ nhung ấy những người đến trước đặt tên trong trại ty nạn Cherating, những khu vực là Sài Gòn, Chợ Lớn, và tên những con đường Tự Do, Nguyễn Huệ, Lê Lợi …

Chương trình dạy anh văn được rút ngắn. Mỗi tối tan học về, cùng các bạn nghe ké Radio, tin tức đài BBC hay đài VOA. Tôi thường ngồi khóc một mình, khi nghe được tiếng hát Khánh ly, Lệ Thu, Elvis Phương… những bài hát nghe nhớ nhà “đứt ruột”. Đó là hai chữ mà ngày xưa tôi thường nghe Ba Má tôi nói. Tôi không hiểu thế nào, nhưng giờ đây tôi đã hiểu thấu thế nào là “đứt ruột”.

Một sáng tinh sương, khí trời dịu mát, sau khi đi tập thể dục xong, tôi lang thang đến văn phòng thông tin, cũng như bao người có mặt nơi đây dò xem danh sách những người có thân nhân đi tìm. Tôi không tin vào mắt mình tên tôi rõ ràng từng nét ngày sanh, số tàu “có thư bảo đảm”. Tôi như người điên la thật to và nhảy tung tăng mừng rỡ khi bình tĩnh lại, chung quanh mọi người đều cười về sự vui mừng trông thật ngây ngô của tôi. Họ đã đồng cảm chia sẻ với niềm vui mà tôi đang có.

Đó là lần đầu tiên, nhận thư từ Úc của hai chi tôi gửi sang kèm cái cheque một trăm đô. Tạm thời chưa sử dụng được vì không có nơi đề đổi tiền. Nhưng điều quan trọng vào lúc này, lá thư của hai chị. Nó có ý nghĩa như lá bùa hộ mạng, để chứng minh khi tôi gặp phái đoàn Úc sau này.

Thời gian chờ đợi chậm chạp trôi qua. Tôi được phái đoàn Mỹ và phái đoàn Pháp phỏng vấn nhưng tôi không khai có anh ở Mỹ và có cô ở Pháp. Tôi muốn đi Úc vì đa số anh chị đều ở Úc. Theo qui định của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc dạo ấy. Ai muốn chờ quốc gia mình muốn đến” bốc đi” (định cư) thì ít nhất phải có hai quốc gia khác đóng “dấu bác”( khước từ) vào hồ sơ, tôi đã có đủ điều kiện vì phái đòan Mỹ và phái đoàn Pháp đóng dấu khước từ.

Hai tuần sau phái đoàn Úc đến trại phỏng vấn. Tôi không có tên trong danh sách phỏng vấn vì thứ tự hồ sơ chưa đến. Phái đòan sẽ làm việc bốn ngày, và ba tháng sau họ mới trở lại trại lần nữa. Những người có kinh nghiệm cho biết, nếu phỏng vấn nhanh, đôi khi họ bổ túc thêm danh sách. Với ý chí cương quyết và tinh thần nhẫn nại tôi không đầu hàng số phận Tự nghĩ mình phải làm sao và như thế nào để được vào phỏng vấn? Thế là mỗi buổi sáng, tôi đều đứng chờ ngoài văn phòng phỏng vấn. Trưa đến giờ nghỉ, tôi vội chạy về lều ăn qua loa, rồi đến văn phòng tiếp tục chờ. Trên tay tôi luôn có “lá bùa hộ mệnh”. Hồi hộp và chờ đợi…Nhưng nghĩ lại. Tôi chờ ai đây, và chờ điều gì? Trong khi tên tôi chưa được niêm yết. Tôi chỉ biết cầu Phật Trời và Ông Bà, ban một phép nhiệm mầu cho tôi.

Ba ngày trôi qua, hết giờ làm việc tôi buồn thiu, lặng lẽ ra về …mấy đứa cùng chuyến tàu cứ chọc “Đừng lo nữa chị ơi, chờ đi theo diện “hốt rác” với tụi em cho vui…”

Đến ngày thứ tư, tôi cảm thấy tuyệt vọng, danh sách ngồi chờ phỏng vấn vẫn còn. Tuy nhiên lòng tôi vẫn cương quyết không bỏ cuộc. Tôi khấn nguyện ơn trên giúp tôi có niềm tin và hy vọng…cho đến giây phút cuối cùng cuộc phỏng vấn kỳ này.

Bỗng một trận mưa thật lớn trút xuống, mọi người chạy tán loạn. Riêng tôi vẫn đứng im chờ đợi, bị ướt cả người, vốn mảnh mai yếu đuối. Tôi đã tự hỏi “không biết điều gì đã thúc đẩy tôi có một sức chịu đựng thế này?” Có lẽ đó là niềm tin mãnh liệt trong tôi, được đức tin này là nhờ Ba Má tôi từng kể lại những tháng năm dài chạy loạn, từ thời Pháp thuộc cho đến trận Mậu Thân, và biến cố năm 1975. Ba Má tôi đã chịu đựng không biết bao gian khổ, khó khăn để cho mười đứa con được thành người, và tương lai tốt đẹp. Công ơn dưỡng dục sinh thành của Ba Má vẫn luôn là một nét son đẹp nhất trong đời. Đây là tấm gương sáng mà Người đã dành cho con cháu đời sau noi theo, hình ảnh này mãi mãi không phai nhòa. Bên cạnh đó trong tôi còn có một tinh thần của một Hướng Đạo sinh Việt Nam. Chúng tôi luôn tươi cười và hát khi gặp khó khăn hoặc hiểm nguy “Hướng Đạo Việt Nam khó khăn coi thường, Hướng Đạo Việt Nam đuốc thiêng soi đường, luôn luôn ta bền gan rèn tâm hồn trong sáng ….” Vâng, tôi sẽ và rất kiên cường vượt qua mọi thử thách đã và đang chờ. Xin biết ơn những huynh trưởng trong Hướng Đạo đã rèn luyện cho tôi một tinh thần phấn đấu và niềm hy vọng để sinh tồn.

Người được phỏng vấn đứng lên từ chiếc ghế trước mặt người tùy viên di trú Úc, anh trật tự gọi tiếp danh sách nhưng vắng mặt. Bây giờ chỉ còn phái đoàn Úc và bác thông dịch viên. Như một điều kỳ diệu, tôi không tin vào mắt mình tôi vuốt nước mưa trên mặt, người tùy viên Úc vẫy tay gọi tôi vào, tôi đứng như pho tượng, không nhấc nổi đôi chân. Bác thông dịch gọi tôi.

– Cháu vào đây…

Bừng tỉnh, mừng khôn xiết! Tôi chạy nhanh vào văn phòng. Họ mời ngồi và tự giới thiệu tên. Tôi biết được người thông dịch viên tên Đào (tôi không rõ là họ hay tên)

Thế là cuộc phỏng vấn bắt đầu.

Bác Đào bảo:

– Cháu có biết tiếng Anh không?

– Thưa bác cháu biết ít thôi, cháu sợ quá!

– Cháu biết gì cứ trả lời, vì sẽ được nhiều ưu điểm, lúc nào không biết Bác sẽ giúp cháu. Bác rất ân cần và nhiệt tình, lời nói rất nhỏ nhẹ nên làm tôi hết lo sợ. Bác Đào thông dịch:

– Tại sao cháu đứng trong mưa, tại sao ngày nào ông ta cũng thấy cháu đứng trước cửa văn phòng, chờ đợi điều gì và chờ ai? cháu muốn đi đâu?

Tôi như người từ trên trời rơi xuống, chưa được hoàn hồn. Bác Đào tiếp:

– Cháu trả lời đi.

Bác Đào đánh thức cơn mộng của tôi.

– Dạ cháu chờ đợi vì cháu không có tên trong danh sách phỏng vấn đợt này, cháu muốn đi Úc. Cháu có hai người chị ở đó đang làm bảo lảnh cho cháu.

– Hai chị làm nghề gì, ở Tiểu Bang nào, có giấy làm bảo lảnh chưa? Có bằng chứng gì không?

Tôi vội đưa lá thư hai chị tôi viết bằng anh ngữ, hai chị biết sẽ dễ dàng khi tôi gặp phái đòan Úc sang phỏng vấn. Sau khi đọc xong lá thư. Họ bắt đầu phỏng vấn rất chi tiết lý lịch cá nhân và cả gia đình. Thình lình một chiếc máy bay đang bay trên bầu trời, người tùy viên Úc chỉ lên trời hỏi tôi.

– Đó là gì?

Đồng thời ông hỏi những vật dựng trên bàn. Tôi phải tự trả lời bằng tiếng Anh. Sau vài giây hồi hộp, ông nói với Bác Đào, bác nhìn tôi mỉm cười:

– Phái đoàn Úc đã nhận cháu rồi.

Tôi lặng người và nước mắt rơi, một giấc mơ tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Tôi thật không ngờ đời mình được diễm phúc như hôm nay. Tôi vừa khóc vừa cười vì sung sướng. Tôi đứng lên cám ơn Bác Đào và phái đoàn.

Ra về, suốt con đường về lều vừa đi vừa cười như một người điên. Và cảm thấy chưa có ngày nào đẹp như hôm nay, kể từ lúc tôi dấn thân vào cuộc đời ly hương.

Chiều nay, tôi âm thầm khui mấy hộp đậu đây là thức ăn được tiếp tế, ngày nào cũng ăn nên chỉ cần ngửi mùi làm ai cũng phải sợ. Rửa sạch và nấu một nồi chè đãi các bạn, báo tin vui. Do tâm lý ai nấy đều công nhận nồi chè đậu hôm nay vừa ngon lại vừa thơm. Không ai tin phái đoàn Úc nhận tôi đi định cư là sự thật.

Hai tuần sau nhân viên văn phòng Ban đại diện gọi danh sách những người được nhận làm thủ tục khám sức khỏe, trả lều lại cho Ban nhà đất. Đúng một tháng tôi được chuyển trại để chờ chuyến bay. Trại chuyển tiếp chúng tôi đến là trại Sungei Besi. Nơi đây vừa mới xây loại nhà tiền chế, phòng bốn người ở, thức ăn được nấu sẵn, đến giờ mang dụng cụ lãnh thức ăn, giữa trại có một Tivi chiếu phim cho xem. Chúng tôi được xe bus đưa ra Kuala Lumpur để khám sức khỏe và được hướng dẫn đi ngân hàng đổi chèque.

Ai cũng bảo sung sướng quá! Nhưng càng sung sướng thì lòng tôi càng nhớ nhà, càng đau lòng nhiều hơn…Giờ đây tôi hiểu thật đầy đủ ý nghĩa lời của Ba Má tôi nói: “Ở đời các con hãy nhớ, được như hôm nay đó là do phước đức ông bà để lại. Vậy theo đó mà noi gương.” Vâng, tôi là người hưởng rất nhiều phước đức của Ông Bà Cha Mẹ. Đời đời không bao giờ quên lời dạy quý báu của Ba Má tôi.

Tháng 12 tôi có chuyến bay đi Úc. Tại phi trường Malaysia còn sớm, chúng tôi được đi xem các cửa hàng. Tôi không quên người ân nhân Singapore ngày nào đã cứu mạng, tôi mua một post card gửi đến ông, viết lời cám ơn và từ giã, tôi rời Mã Lai đi đinh cư ở Úc.

Ngày 6- 12- 1979 chuyến bay Boeing rời Mã Lai đến Melbourne vào lúc 6 giờ sáng. Chuyến xe bus đưa chúng tôi về Wiltona Migrant Hostel người ta bảo đây là mùa ấm thế mà chúng tôi lạnh run. Trời còn hơi sương và một buổi sáng thật yên tịnh, một thành phố trong lành, người Úc niềm nở hiếu khách thật dễ thương. Có thông dịch viên tiếp đón và ân cần cho biết sơ về nơi đây. Còn quá sớm nên chúng tôi được đưa về phòng ngủ, trưa sẽ trở lại văn phòng họp để nghe điều lệ và thủ tục định cư.

Hostel này ngày xưa là một trại lính gần bờ biển Williamstown. Sáu đứa con gái độc thân ở một căn, gồm ba phòng ngủ, một phòng khách, tiện nghi không thiếu, ngày ba buổi ăn trong canteen, có nhân viên quét dọn phòng, trải thay drap giường. Điều quan trọng là họ đã tổ chức lớp học anh văn, không những thế mà họ còn dạy cho chúng tôi biết thế nào là lịch sự văn minh của người tây phương, hướng dẩn từ cách ăn cách nói để hòa nhập vào phong tục và tập quán của người Úc.

Chúng tôi không có khóa học tại Hostel nên sáng xe bus đưa chúng tôi đến trung tâm sinh ngữ ở Collingwood học. Ăn sáng xong, mỗi đứa nhận một bọc thức ăn cho phần ăn trưa, đã đặt chiều qua. Đây là thời gian hiếm nhất để chúng tôi nhanh chóng hoàn tất khóa học tòan thời gian. Gia đình được ở trong Hostel một năm, riêng độc thân thì sáu tháng. Sau khi trừ tiền ăn ở trong Hostel, chúng tôi được lãnh một cái chèque 23 đô la mỗi hai tuần. Thật sự tôi chưa bao giờ ngờ rằng cuộc đời mình quá may mắn như thế, người dân Úc thật tốt, họ mang mình đến đây, lo từ vật chất đến tinh thần.

Càng nghĩ tôi càng cố gắng vươn lên cố gắng làm một người công dân tốt hầu đáp lại tấm chân tình họ đã cưu mang tôi và cả gia đình tôi.

Năm 1981 vì lời nguyện cầu cho chuyến vượt biển bình an và cho cả tàu thoát hiểm tôi đã xin được rửa tội vào đạo trong mùa Phục Sinh. Sau một năm học anh văn tôi ghi danh vào đại học RMIT (Royal Melbourne Institute of Technology and Melbourne Technical College) vì muốn có một nghề vững chắc hơn. Một mặt bảo lãnh Ba Má tôi. Nhưng vào lúc ấy Bộ Di Trú cần điều kiện phải có việc làm, vội vã đi tìm việc làm ngay, tôi đã gác việc học lại.

Ba Má được ra đi đó là điều tôi hằng ao ước, được báo đáp tình thương mà Ba Má tôi đã hy sinh cho anh chị em chúng tôi. Tôi làm ca đêm cho một hãng Kotex Mills ở vùng Brunswick dệt vớ phụ nữ, không ngại gian khó chỉ mong sao Ba Má được an hưởng tuổi già. Sau đó tôi xin làm một hãng khác ca ngày, cố làm hết sức mình cùng các anh chị lo cho gia đình, ngoài ra phải trả lại số nợ Ba Má đã vay cho tôi ra đi lần cuối cùng.

Năm 1982 tôi lập gia đình, 1983 chúng tôi được một trai và 1989 có thêm một gái.

Mùa Phục sinh năm 1984, Ba Má tôi đã được đến Úc theo diện đoàn tụ gia đình. Đó là niềm hạnh phúc nhất đời của anh chị em chúng tôi. Ước mơ của tôi đã thành sự thật. Xin tạ ơn Đất Trời đã ban Hồng Ân đến cho đời tôi. Cùng năm này may mắn được trúng tuyển trong kỳ thi do Bưu Điện Úc tổ chức, công việc đã cho gia đình tôi một cuộc sống ổn định trên bước đường lưu vong. Món quà quý nhất trong xã hội mới mẻ này.

Ba Má tôi thường bảo: “Đất nước này, người dân này tốt quá họ đã đem lòng nhân đạo để cưu mang chúng ta, Ba Má già rồi không làm được gì nữa. Bổn phận các con hãy ráng làm để trả ơn giùm Ba Má, và dạy dỗ con cái của mình trở thành người hữu dụng mai sau cho nước Úc và đẹp mặt cho người Việt Nam của mình nữa nhe con.”

Lời nhắc nhở này chúng tôi luôn ghi nhớ và cố gắng sống sao cho đáng làm người, tôi không làm được gì hơn là hết lòng dạy dỗ các con phải lấy Nhân, Lễ Nghĩa, Trí, Tín làm nền tảng cho cuộc sống. Và tôi luôn hy vọng mai sau chúng là người có đức, có tài cùng góp một bàn tay giúp xây dựng đất nước này, và mãi mãi không quên mình là người Việt Nam kiên cường bất khuất!

Kim Oanh
Mùa Phục Sinh 2004

(*) Năm 2009 anh chị Tư chủ tàu đến Melbourne thăm anh chị Mài (tài công) đã hẹn gặp Hà và tôi. Nhờ mối liên lạc này năm 2010 tôi đi Canada gặp lại Nguyên, Hồng, Liêm. Nhờ anh Biện Công Danh tìm anh Cường ở New Zealand, cơ duyên cũng ngộ. Nhà anh Cường lại ở gần nhà anh Danh. Nhưng tiếc thay anh Cường qua đời trong cơn đột qụy.

Tạ ơn Đất Trời, rất vui mừng khi tất cả còn lại đều bình an và con cái thành công nơi xứ người.

No comments:

Blog Archive