Quốc gia nào là nơi lánh nạn tốt nhất khi thảm họa “ngày tận thế” xảy ra?
04/09/2021 Tri thức
Nếu một ngày nào đó, thế giới phát sinh thảm họa “ngày tận thế”, khiến toàn cầu rơi vào tê liệt và bạn có thể chọn tị nạn ở một quốc gia nào đó, bạn sẽ chọn nơi nào?
Quốc gia nào là nơi lánh nạn tốt nhất khi thảm họa “ngày tận thế” xảy ra? (Ảnh: Slides Player)
Với sự xuất hiện thường xuyên của các thảm họa tự nhiên và nhân tạo, các nhà nghiên cứu trên thế giới đang dày công tìm kiếm những khu vực ẩn náu tốt nhất cho kịch bản “ngày tận thế”.
Theo một nghiên cứu của Anh được công bố trên tạp chí Sustainability, nếu không may “ngày tận thế” này thực sự xuất hiện, trên thế giới có 5 quốc gia có khả năng giúp nhân loại sống sót sau thảm họa, mà xếp hạng thứ nhất là New Zealand, quốc gia nằm ở Nam bán cầu.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu từ Viện Bền vững Toàn cầu (Global Sustainability Institute) tại Đại học Anglia Ruskin của nước Anh đã sử dụng dữ liệu từ Đại học Notre Dame ở Hoa Kỳ để so sánh, nhằm tìm ra 5 quốc gia (khu vực) phù hợp nhất với mọi người để trú ẩn trong thảm họa “ngày tận thế”.
Tiêu chí đánh giá của nghiên cứu là:
(1) Sức chứa: Để đảm bảo được cuộc sống, quốc gia này có bao nhiêu đất được sử dụng làm nông nghiệp? Tất nhiên là càng nhiều đất canh tác được chia bình quân đầu người càng tốt.
(2) Khoảng cách: Quốc gia này gần hay xa các khu vực đông dân cư khác? Tiêu chí đánh giá chính là càng xa càng tốt, nó có thể ngăn chặn sự xâm nhập của một số lượng lớn người nhập cư không mong muốn.
(3) Mức độ tự cung tự cấp: Quốc gia này có thể tự mình sản xuất năng lượng tái tạo và có năng lực sản xuất không? Đương nhiên là càng mạnh càng tốt.
Theo kết quả đánh giá, khi toàn thế giới đối mặt với thảm họa, 5 quốc gia thích hợp nhất để con người có thể sinh tồn là:
1. New Zealand
Xếp hạng thứ nhất trong danh sách các quốc gia nên lánh nạn là New Zealand, quốc gia nằm ở Nam bán cầu. (Ảnh: Apure Guria)
New Zealand cách đường xích đạo khoảng 4.506km, nơi này có khí hậu mát mẻ hơn nhiều so với các nơi trên thế giới, dù nhiệt độ tăng cao cũng không ảnh hưởng quá nhiều.
Theo dữ liệu chính thức của New Zealand, gần 40% nguồn cung cấp năng lượng chính của quốc gia này đến từ các nguồn năng lượng tái tạo. Sản lượng năng lượng của quốc gia này đủ để đáp ứng 75% nhu cầu năng lượng mà không sợ bị cạn kiệt.
Theo báo cáo, trong 10 năm qua, các ông chủ lớn ở Thung lũng Silicon đã tới mua nhà ở New Zealand để chuẩn bị cho ngày tận thế. Tỷ phú Peter Thiel cũng đã mua một số bất động sản trong khu vực.
2. Iceland
Iceland luôn giữ vị trí hàng đầu trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ hòa bình trên thế giới. (Ảnh: The Sun)
Iceland là quốc gia đứng thứ hai trong danh sách, rất giàu nguồn năng lượng tự nhiên và tái tạo, bao gồm các nhà máy địa nhiệt và thủy điện.
Theo Hiệp hội Thương mại Xanh Hoa Kỳ (US Green Chamber of Commerce), mặc dù đất đai ở Iceland bị đóng băng và dường như không thích hợp để sinh sống, nhưng hơn một nửa sản phẩm nông nghiệp của quốc gia này được sản xuất bằng năng lượng tái tạo. Nhiều nông dân đã sử dụng nhà kính và hơi nước địa nhiệt tự nhiên để tích cực thúc đẩy quá trình quang hợp của cây trồng.
Ngoài ra còn có nguồn tài nguyên thủy sản phong phú trên đường ven biển của Iceland, có thể nói thực phẩm luôn sẵn có.
3. Vương quốc Anh
Nước Anh có khí hậu ôn hòa và lượng mưa dồi dào, khiến nơi đây trở thành một khu vực tuyệt vời để xây dựng lại xã hội. (Ảnh: Citymagazine)
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nước Anh có một lượng lớn đất nông nghiệp sẵn có, khí hậu ôn hòa và lượng mưa dồi dào, khiến nơi đây trở thành một khu vực tuyệt vời để xây dựng lại xã hội.
Tuy nhiên, một trong những khiếm khuyết của Anh là quỹ đất khá hạn chế và dân số ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng năng lượng rất lớn, một khi viễn cảnh ngày tận thế xảy ra thì điều này sẽ trở thành một vấn đề nan giải.
Gần một nửa năng lượng của Anh đến từ nhiên liệu hóa thạch và năng lượng điện hạt nhân, rất khó để thích ứng với chuỗi cung ứng luôn thay đổi trong các trường hợp khẩn cấp.
Khoảng 42% sản lượng điện của cả nước đến từ các nguồn năng lượng tái tạo. Hiện nay quốc gia này đang tăng cường phát triển các nguồn năng lượng gió, như vậy con số này có thể sẽ tiếp tục tăng lên.
4. Đảo Tasmania của Úc
Vị trí địa lý và đất đai rộng lớn của Úc khiến quốc gia này trở thành một nơi tuyệt vời để vượt qua ngày tận thế. (Ảnh: Akspic)
Vị trí địa lý và đất đai rộng lớn của Úc khiến quốc gia này trở thành một nơi tuyệt vời để vượt qua ngày tận thế. Ở đây, mỗi khu vực lại có khí hậu khác nhau, do đó làm tăng tính đa dạng sinh học của nông nghiệp và động vật.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu sẽ tác động lớn đến Úc, bao gồm hạn hán và ngập úng. Bởi điều kiện khô nóng, cây cối ngày càng khô héo dẫn đến các vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra.
Tasmania, quốc đảo duy nhất ở Úc ít phải đối mặt với các tác động của biến đổi khí hậu hơn, nơi này cũng đã đưa vào sử dụng một số lượng lớn các trạm thủy điện và điện gió. Một phần tư diện tích đất của hòn đảo được sử dụng cho nông nghiệp, và nếu thiên tai xảy ra, diện tích đất nông nghiệp có thể tăng lên.
Do đó, nếu các điều kiện ở lục địa Úc không thích hợp để sinh sống thì Tasmania có thể trở thành “tàu cứu hộ” của Úc.
5. Ireland
Khí hậu của Ireland tương tự như của Vương quốc Anh, với lượng mưa nhiều và đất đai màu mỡ. (Ảnh: Thestreet)
Toàn bộ đảo Ireland xếp ở vị trí thứ 5, nó là sự kết hợp của Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Anh). Khí hậu của Ireland tương tự như của Vương quốc Anh, với lượng mưa nhiều và đất đai màu mỡ. Dân số tương đối nhỏ của Ireland đồng nghĩa với việc nơi này có nhu cầu năng lượng ít hơn.
Năm 2018, khoảng 1/3 năng lượng của Ireland đến từ các nguồn năng lượng tái tạo, khu vực này tiếp tục mở rộng chương trình năng lượng sạch thông qua các nhà máy điện gió và thủy điện. Nhu cầu năng lượng thấp và năng lượng tái tạo ngày càng tăng khiến Ireland trở thành một trong những lựa chọn tốt nhất để ẩn náu trong ngày tận thế.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, 5 quốc gia (khu vực) nói trên đều có các khu vực đô thị lớn, có nghĩa là họ có khả năng hỗ trợ hàng triệu người.
Tuệ Tâm (Theo Vision Times)
No comments:
Post a Comment