Thursday, June 3, 2021

 Tuốt gươm

Tác giả Ký ThiệtNguồnThế giới mớiNgày đăng: 2021-06-02
Tháng Tư Đen” năm nay đã qua rồi, mục của Ký Thiệt mới viết về chuyện ngày 30 tháng 4 năm 1975 ở Việt Nam mà không sợ mất thời gian tính hay “lỗi thời”, vì 46 “Tháng Tư Đen” đã trôi qua vẫn có người, nhất là người Mỹ, viết sách về cuộc chiến tại Việt Nam đã chấm dứt từ gần nửa thế kỷ trước.
Người Mỹ ấy là George J. Veith, và cuốn sách có cái nhan đề có vẻ truyện kiếm hiệp: “Drawn Swords in a Distant Land” (Tuốt Gươm vào một Miền Đất Xa).



Cuốn sách này vừa mới được NXB Encouter ấn hành và là cuốn sách thứ tư viết về Chiến tranh Việt Nam của George J. Veith, một người mà khi cuộc chiến ấy chấm dứt vào năm 1975 thì vừa mới tốt nghiệp Trung học. Ông cũng chưa bao giờ tới Việt Nam và không viết hay nói được tiếng Việt, không liên hệ xa gần gì tới Việt Nam.
Nhưng, xin tạm xếp qua một bên chuyện “duyên nợ” của tác giả với Việt Nam để nói về cuốn sách mới nhất của ông.
Với hơn 600 trang, bìa cứng, “Drawn Swords in a Distant Land”, là một cuốn sách viết về lịch sử, chính trị và cuộc chiến đấu tự vệ của Việt Nam Cộng Hòa với sự “tuốt kiếm” hào hiệp lâm chiến trợ giúp của đồng minh Hoa Kỳ.
Cuốn sách mở đầu với những biến động xảy ra tại Việt Nam sau khi Thế Chiến II chấm dứt vào năm 1945, Nhật đầu hàng, thực dân Pháp trở lại với ý định tái lập thuộc địa cũ khiến Hồ Chí Minh lợi dụng thời cơ cướp chính quyền, thành lập chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, một chế độ cộng sản trá hình, mở đầu cho cuộc Chiến Tranh VN lần thứ nhất kéo dài trong 9 năm cho đến năm 1954 với Hội nghị Genève chia đôi Việt Nam.
Việt Nam Cộng Hòa được thành lập với Tổng thống Ngô Đình Diệm, rồi ông Diệm bị lật đổ năm 1963, và những năm xáo trộn với những cuộc đảo chính quân sự. Cuối cùng nền Đệ Nhị Cộng Hòa được thành lập năm 1967 với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vào những năm cuối cùng thì hầu như người Việt Nam nào cũng đã biết, cùng với những diễn biến đã đưa đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 nước mất, nhà tan, buồn đau, uất hận…
Nhưng, với một lương tâm trong sáng hiếm có và khả năng truy cứu phi thường, tác giả đã đưa được những sự kiện mới tìm thấy vào cuốn sách, bác bỏ những sai lầm, vô tình hay cố ý, đầy rẫy trong những cuốn sách đã được những “đại ký giả” hay những “chuyên gia”, học giả hàng đầu về Việt Nam viết ra trong hơn 40 năm qua để đề cao kẻ thù và phỉ báng “đồng minh” Việt Nam mà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu dường như là người bị lăng mạ nhiều nhất.
Ngay ở trang đầu cuốn sách, trong bài “Introduction”, tác giả đã viết:

“Sáng sớm ngày 2 tháng 11, 1963, Đại tá Nguyễn Văn Thiệu điên cuồng nhảy ra khỏi chiếc xe jeep và hấp tấp chạy tới chiếc thiết vận xa đậu bên ngoài Tổng Hành Dinh Quân Đội VNCH tại sân bay Tân Sơn Nhất. Trong 18 tiếng đồng hồ vừa qua, ông ta đã chỉ huy những đơn vị quân sự nội thành Sài-Gòn lật đổ chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Bên trong chiếc xe là xác chết bầm dập của ông Diệm và người em của tổng thống, Ngô Đình Nhu. Trước đó, Thiệu đã chỉ tham gia cuộc đảo chánh sau khi được cam kết là ông Diệm và gia đình ông sẽ không bị ám hại. Bây giờ ông ta cần kiểm chứng nguồn tin kinh động, và tự xác nhận rằng những lời hứa hẹn được đưa ra với ông và đồng đội của ông đã không được thực hành.
Đại tá Thiệu ra lệnh cho người tài xế mở cửa sau chiếc xe. Nhiều năm sau, ông kể lại rằng trông thấy thi thể của hai anh em ông Diệm nằm trong vũng máu làm ông buồn nôn. Ông chào kính họ, rồi gỡ chiếc mũ sắt ra khỏi đầu, và cúi rạp mình sâu xuống về hướng hai xác chết. Thời khắc kinh khủng này, trong khi chỉ là giọt nước tí hon trong con sông rộng của lịch sử Việt Nam hiện đại, đã đánh dấu sự chuyển quyền tượng trưng từ Đệ nhất Cộng Hòa của ông Diệm tới Đệ nhị Cộng Hòa và Tổng thống Thiệu 4 năm sau. Trong khoảnh khắc buồn đau ấy, lịch sử chính trị của Nam Việt Nam đã thay đổi vĩnh viễn.
Câu chuyện về làm cách nào những người Việt Nam không cộng sản đã nỗ lực xây dựng một quốc gia có chủ quyền gọi là Việt Nam Cộng Hòa, được biết nhiều hơn là Nam Việt Nam, có thể được xem như một vở kịch dài bốn màn: Việt Nam Quốc Gia của Bảo Đại, Đệ Nhất Cộng Hòa của Diệm, tiếp sau đó là bốn năm không ổn định, và, cuối cùng, Đệ Nhị Cộng Hòa của Thiệu.
. . . . .
Trong khi tôi tin là có một sự khác biệt to lớn hiện hữu giữa viễn tượng của Tổng thống Ngô Đình Diệm và Tổng thống Thiệu về sự hiện đại hóa nền cộng hòa, cũng là điều quan trọng để nhìn nhận rằng Thiệu đã hành sự trong một môi trường chính trị và kỷ nguyên rộng lớn hơn Diệm. Trong bốn năm sau cuộc đảo chính, Nam Việt Nam đã trải qua những thay đổi đột ngột về quân sự, chính trị, xã hội, và kinh tế ghi dấu bởi sự gia tăng cường độ của cuộc chiến và gia tăng can thiệp của Hoa Kỳ. Mặc dù những hỗn loạn ấy, phần lớn nhờ vào sự hợp tác của Kỳ và Thiệu, Nam Việt Nam đã tạo được một bản Hiến Pháp và thành lập nền Đệ Nhị Cộng Hòa.
Rồi những biến cố lớn đã xảy ra như cuộc đột kích Tết 1968, chương trình cải cách ruộng đất (người cày có ruộng), và sự võ trang cho dân địa phương để cải thiện an ninh đã lôi cuốn những người trước đây trung lập hay dân quê chống đối về phía ông ta. Tuy nhiên, cuộc tấn công của Hà-nội năm 1972 đã gây thiệt hại nhiều về kinh tế và sự phát triển của chính quyền địa phương mà Thiệu đã thành đạt. Thỏa Hiệp Paris về Hòa Bình và hậu quả của việc Hoa Kỳ rút quân đã bỏ lại một Nam Việt Nam bị thương, một đất nước trở thành mồi ngon cho cuộc tấn công cuối cùng của miền Bắc VN năm 1975. (ngưng trích)
Thế đó, với hơn 600 trang sách tiếp theo sau, tác giả George J. Veith đã viết lại lịch sử chính trị Nam Việt Nam một cách trung thực tới mức có thể được trong 24 chương với những tiểu đề rất “ấn tượng” cho mỗi chương. Và, trong mỗi chương sách, người đọc bị lôi cuốn vào những sự việc được diễn tả một cách sống động cho đến Chương 24, chương cuối cùng của cuốn “Drawn Swords in a Distant Land”, với tiểu đề “I WILL DRAW OUT MY SWORD” và phụ đề “Diplomacy’s Final Dance”.
“Đã tuốt gươm” rồi sao lại “sẽ tuốt gươm”? Còn “Màn khiêu vũ cuối cùng của ngoại giao”?
Chương chót này được mở đầu với cuộc tấn công bất ngờ của CS Bắc Việt vào Ban-Mê-Thuột ngày 10 tháng 3, 1975 và kết thúc vào ngày 30 tháng 4, 1975 khi bộ đội cộng sản miền Bắc lái xe tăng Liên-Sô tiến vào Sài-Gòn.
Trong chương này có nhiều chuyện mới được viết lần đầu, hay được viết lại với nhiều chi tiết xác thực, như vụ tên Nguyễn Thành Trung ném bom Dinh Độc Lập (trang 546…):

“Sáng sớm ngày 8 tháng 4, 1975, Trung úy Không Quân Nguyễn Thành Trung đưa chiếc chiến đấu cơ F5E của anh ta ra phi đạo Căn cứ Không Quân Biên Hòa. Chở theo hai quả bom, sứ mạng của Trung sáng hôm đó là yểm trợ cho một đơn vị Không Quân VN. Tuy nhiên, Trung đã có một kế hoạch khác. Sau khi ra hiệu cho phi công phụ biết anh ta có vấn đề về điện, phải quay trở lại đổi phi cơ khác, và khi cất cánh, thay vì bay đi hướng tây, anh ta lại quay về phía đông, trực chỉ Dinh Độc Lập. Trung đã bí mật theo VC từ năm 13 tuổi và đã gia nhập Không Lực VNCH mà không bị phát hiện. Hôm ấy, anh ta tự quyết định giết Tổng thống Thiệu.
Trung đã tới dinh tổng thống trong chớp nhoáng. Anh ta hạ thấp, thả quả bom thứ nhất. Quả bom hụt bãi đáp trực thăng trên sân thượng và đâm thủng mái, lọt xuống nền lầu 4 nhưng đã không nổ. Trung bay vòng trở lại và thả quả bom thứ hai, rơi xuống đất bên ngoài dinh và nổ tung, làm vỡ nhiều kính cửa sổ…
Theo lệ mỗi sáng, ông Thiệu ăn điểm tâm trên lầu bốn. Mỗi sáng, Thiếu tá Nguyễn Xuân Tâm, phụ tá quân sự, có hai báo cáo trình tổng thống để ông Thiệu đọc trong bữa ăn. Khi ông ăn xong và đọc xong hai tờ báo cáo, ông đi xuống văn phòng ở lầu hai. Sáng hôm ấy, TT Tâm chỉ có một báo cáo, ông Thiệu ăn hết tô phở và đi xuống thang lầu. Vài giây sau khi ông rời bàn ăn, trái bom thứ nhất của Trung rơi trúng mái lầu 4. Trái bom vỡ làm đôi, một mảnh rơi cách cái bàn ông thiệu vừa rời đi khoảng 10 mét. Mảnh kia lăn xuống cầu thang và làm mấy cái màn bắt lửa cháy.
Ông Tâm vội đưa ông Thiệu xuống cầu thang tới cái hầm kiên cố dưới basement. Trong khi đó, Đại tá Trần Thanh Điền, chỉ huy trưởng đơn vị an ninh tại Dinh Độc Lập, đang ở bên ngoài dinh kiểm soát các trạm canh khi quả bom thứ nhất rơi xuống, ông ta đã nhảy xuống một cái hầm mới đào gần đó. Khi Trung bay đi, Điền chạy vội tới dinh. Gặp ông Thiệu và ông Tâm tại cầu thang. Ông Điền kể lại khi ấy ông Thiệu đã cười lớn và hỏi ông ta: “Anh từ đâu tới đây?”
Ông Thiệu bảo Tâm đi tìm gia đình của ông ta. Ông Tâm lên cầu thang tới phòng ngủ, nhưng cửa phòng khóa. Ông ta phá cửa vào trong và thấy bà Thiệu và cô con gái lớn núp trong một góc phòng, sợ run người. Ông Thiệu ra lệnh cho ông Tâm đưa vợ con ông về Cần Thơ bằng máy bay. Rồi ông Thiệu hỏi ông Tâm: “Sao Minh có thể thả một quả bom xuống đây?” Minh đây là Thiếu tướng Trần Văn Minh, tư lệnh Không Quân VNCH. Tâm bèn gọi điện thoại cho Minh bảo tới dinh trình diện. Khi Minh tới, một phụ tá quân sự khác, Đại úy Đoàn Hữu Định, đi hộ tống Tướng Minh tới trình diện TT Thịêu. Nhận ra Định, Tướng Minh đổ mồ hôi hột trong khi buông rơi sợi dây lưng đeo khẩu súng lục xuống sàn và tuyên bố lớn: “Tôi không dính líu gì tới vụ này!” Sự nghi ngờ tức thì chuyển sang Tướng Nguyễn Cao Kỳ, và ông này cũng quyết liệt bác bỏ bất cứ có liên hệ nào.
Mặc dầu quả bom đã hụt giết TT Thiệu trong vài giây, và cũng không có ai bị thương ngoại trừ một sĩ quan bị những mảnh kính vỡ làm rách da và gãy tay. Nếu ông Thiệu còn ngồi tại bàn ăn khi quả bom thứ nhất ném xuống, có thể ông đã tử thương. Ông Thiệu đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Trong khi đây chỉ là một biến cố cá biệt, vụ ném bom này đã gieo một ấn tượng mạnh là Không quân VNCH đang tan vỡ. Quan trọng hơn nữa, âm mưu thất bại của Trung đã khởi đầu sự đếm ngược cho việc loại trừ ông Thiệu.”
Việc “loại trừ ông Thiệu” vào những ngày cuối cùng của thảm kịch Việt Nam” đã phơi bày tất cả bộ mặt đê tiện, dơ bẩn của các nhà ngoại giao đại diện cho những nước có quyền lợi tại Việt Nam, khi ấy không khác gì những con kên kên ngửi thấy mùi xác chết, bu tới giành giựt, xâu xé…nhân danh “Hòa Bình”, mà ông Veith gọi là “màn khiêu vũ cuối cùng”!
Và, đây là kết luận của “Drawn Swords in a Distant Land”:

“Lịch sử của Nam Việt Nam khác hơn chỉ là một cuộc chiến tranh chua cay, những mưu đồ của các đại cường lèo lái trong bóng tối của ngoại giao, hay một nỗ lực để bành trướng chủ nghĩa thực dân. Nó tương đồng với cuộc chiến đấu của những người theo chủ thuyết Quốc gia để xây dựng một đất nước có thể tồn tại trong khi chưa từng một lần hiện hữu trước đây. Nỗ lực lớn lao ấy đã bị làm ngơ, hay, tệ hại hơn, đã bị đối xử với sự khinh thị. Cuốn sách này đã tìm cách sửa sai thái độ ấy bằng cách trình bày con đường khổ đau của những người Quốc Gia gần giống với đất nước hiện đại, để nói câu chuyện, nhiều tới mức có thể, từ góc nhìn của họ.
Nền Đệ Nhị Cộng Hòa đã cho người dân Nam Việt Nam một cơ hội để tạo ra những định chế có thể tồn tại và xây dựng đất nước họ. Vậy mà những thành tựu của Thiệu có tính cách cấu trúc như cải cách ruộng đất và địa phương tự quản, gần như bị gạt bỏ, những lãnh tụ chính trị của Sài-Gòn gắn bó với bản hiến pháp. Nó đưa tới sự hợp pháp về chính trị, giữ vai trò nền móng luật pháp của quốc gia, và định nghĩa sự hiện hữu của Quốc Hội, tòa án, và nhu cầu phổ thông đầu phiếu. Xa hơn nữa, bản hiến pháp đã giúp ta nhận ra sự khác nhau giữa chế độ một người của Diệm, độc tài độc đảng của Cộng sản, và sự xuất hiện nguyên l‎ý pháp luật trong nền Đệ Nhị Cộng Hòa.
Sài-Gòn đã cố thành tựu song song hai mục tiêu: đánh bại Cộng sản và xây dựng một quốc gia hiện đại. Không mục tiêu nào đạt được vì sự thất bại của mục tiêu thứ nhất đã ngăn trở đạt được mục tiêu thứ hai.
Nam Việt Nam có thể đạt được mục tiêu thứ nhất hay không thì còn chưa rõ, đặc biệt là trong lúc không tạo được một quốc gia đoàn kết hơn. Quan trọng không kém, trong khi những cuộc tấn công của quân thù vào năm 1965, 1968, và 1972 đã không giáng được những đòn chí mạng lên Nam Việt Nam, mỗi cuộc tấn công ấy đã gây thương tích cho đất nước này. Sự khác biệt là sau hai cuộc tấn công trước, Hoa Kỳ đã cung cấp những viện trợ tài chính để tái thiết và một bức tường an ninh để canh giữ sự xây dựng lại.


DINH ĐỘC LẬP TRƯỚC 1975
Người Mỹ đã không làm gì cả sau cuộc tấn công năm 1972. Vào năm 1973, Hoa Kỳ đã ra đi, Sài-Gòn không có nhiều bạn hữu quốc tế, và Nam Việt Nam đã không thể phục hồi từ những tàn phá nặng nề do cuộc tấn công thứ ba mùa hè năm 1972. Mặc dù chính quyền Việt Nam đã cố phục hồi một cách dũng cảm, vừa chiến đấu chống quân thù vừa bị đè nặng bởi một nền kinh tế đang bị sa lầy, quốc gia đã ở trên con đường cụt…
Về phía Mỹ, đã khó có thể chọn một chiến trường nào khó khăn hơn mà đã phải đầu tư vào quá nặng nề. Người Mỹ nghĩ rằng cuộc chiến ấy là một cuộc tương tranh không thể thắng, nơi mà quân thù chiến đấu không có những làn ranh cố định trong một rừng sâu tàn bạo đã đánh bại ngay cả những viên tướng và kỹ thuật thượng đẳng.”
. . . . .
Tóm lại, tác giả “Drawn Swords in a Distant Land” cho rằng bị cắt viện trợ sâu rộng và bất lợi nặng nề về địa lý đã khiến Việt Nam Cộng Hòa không thể chặn đứng được cuộc tấn công cuối cùng của Cộng sản Bắc Việt năm 1975.
Về vấn đề “địa lý bất lợi”, trong một cuộc “chuyện trò” giữa George J. Veith với Tom Glenn, tác giả cuốn “Last of The Annamese”, có đoạn dưới đây (do Trịnh Bình An dịch):
Tom Glenn: Một số người tin rằng nỗ lực chống cộng ở Việt Nam đã bất khả thi ngay từ đầu. Chiến thắng của Bắc Việt (có phải) là đương nhiên không?
Jay Veith: Không đúng. Nếu chúng ta quyết định cắt đường mòn Hồ Chí Minh bằng quân đội Hoa Kỳ, tôi tin rằng chúng ta đã có thể thắng cuộc chiến. Sau khi Hải quân cắt đứt nguồn tiếp tế trên biển, và nếu chúng ta phong tỏa cảng Sihanoukville (Cambodia), thì “cách mạng” tại Nam Việt Nam không còn nguồn cung cấp, do đó, về căn bản, sẽ thoái hóa thành một cuộc chiến tranh du kích lẻ tẻ mà người miền Nam có thể cáng đáng được.
Tom Glenn: Vậy thì với những điều bây giờ chúng ta đã biết, liệu Hoa Kỳ khi đó có nên nhúng tay vào Việt Nam không? Một câu hỏi cực kỳ tế nhị cho anh trả lời đấy.
Jay Veith: Tôi sẽ phải tránh né câu hỏi này bằng cách yêu cầu ông suy nghĩ như sau. Một trăm năm nữa, khi các học giả viết lịch sử nước Mỹ và thế giới trong thế kỷ 20, chẳng biết họ sẽ định nghĩa cuộc sống của nước Mỹ vào thời kỳ này như thế nào? Họ sẽ nhập chung thời kỳ hậu Đệ Nhị Thế Chiến với một khoảng thời gian dài hơn sau đó, và mô tả thời kỳ đó là một cuộc chiến dài chống lại chủ nghĩa Cộng Sản chăng? Nếu vậy, ai đã thắng cuộc chiến đó? Nếu nhìn từ góc độ lịch sử lâu dài hơn, tôi nghĩ mọi người cuối cùng sẽ đánh giá Việt Nam một cách không thiên vị hơn.”
George J. Veith là con người lạc quan hiếm có trên nước Mỹ hiện nay.
Ký Thiệt
----------

No comments:

Blog Archive