ĐẠI HỌC NÀO MIỄN PHÍ
Mục đích chung là tiếp nối bài viết của tác giả Dan Nguyen trong vấn đề chuẩn bị cho các em vào ngưỡng cửa ĐH cũng như đề cập đến những học phí và các khoản chi phí của SV. Bài viết này mang tính cách chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, và tôi không đại diện cho các đơn vị tuyển quân hay trực thuộc bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.
Ngày nay học phí ĐH công cũng như tư đã lên quá cao mà phẩm chất của các ĐH công không còn như xưa nữa. Hơn thế nữa các giáo sư và giáo trình dạy học cũng thay đổi nhiều gây nên những tình trạng xung đột giữa các ý thức hệ, tạo ra một khoảng cách lớn hơn nữa giữa giới SV-trí thức và người dân lao động trung lưu Mỹ. Hố ngăn cách này còn bị đào sâu hơn nữa trong gia đình giữa cha mẹ và các con của khối người di dân và tị nạn chính trị VN. Các em bị tẩy não khá nhiều từ tiểu học đến trung học trong lối nhìn về một xã hội văn minh mới được xây trên tháp ngà, mọi người đều bình đẳng như nhau. Chính phủ phải chu cấp cho mỗi người đầy đủ vì công dân chỉ nên làm theo khả năng nhưng hưởng theo nhu cầu. Người da trắng bóc lột dân lao động nhất là với người da đen, họ không ngóc đầu lên được từ mấy trăm năm nay.
Ngoài ra, tuy không nói ra nhưng các bậc phụ huynh và học sinh VN đều hiểu rõ về một thực tại thiếu công bằng mới xảy ra trong việc tuyển chọn SV vào các ĐH tư và công danh tiếng cũng như việc cấp phát học bổng. Nói trắng ra là SV Á châu sẽ bị kỳ thị nặng cho dù có học giỏi hơn các sắc dân khác. Ngoại trừ các em xuất chúng được đếm trên đầu ngón tay có hân hạnh được trúng tuyển dễ dàng, người Việt chúng ta đại đa số nằm trong mức trung lưu thấp nên chuyện được học bổng toàn phần ít có thể đến với các SV trên trung bình và khá. Chúng ta thật sự bị thiệt thòi nhiều nhưng chúng ta không thối lui vì dù sao được sống tại Hoa Kỳ đã là một diễm phúc rồi.
Bài viết này nhắm vào thành phần trung lưu có các cháu học lực khá và trung bình, giúp quý phụ huynh tìm hiểu thêm về một lãnh vực không mới nhưng hơi xa lạ với chúng ta. Quan niệm học hết trung học là phải lên ĐH thấm sâu vào suy nghĩ của cả phụ huynh lẫn học sinh VN từ thời lập quốc đến nay. Điều này đúng với các em xuất sắc, hoặc xuất thân từ gia đình có cha mẹ ép các con phải học. Lỡ chúng nó không thích đi học, không đủ khả năng học cao hơn, hoặc chưa trưởng thành thích đi chơi nhiều hơn đi học, hay gia cảnh chưa đủ nghèo để nhận các khoản tiền trợ cấp của chính phủ thì phải làm sao?
Theo thống kê mới nhất 40% các SV sẽ bỏ ngang chương trình ĐH bốn năm và trong số này thì 30% các em sẽ nghỉ học ngay sau năm thứ nhất. Chỉ có 5% các SV ở ĐH cộng đồng hoàn tất chương trình học trong 2 năm. Con số 37.5% học sinh trung học hoàn tất bằng AA trong 6 năm cho người da trắng, 10% bỏ ngang chương trinh 4 năm và 30% cho bằng AA của người gốc Á cho ta thấy việc ép buộc các cháu lên ĐH gây trở ngại tài chánh và mất thì giờ vô ích.
Là phụ huynh chẳng lẽ không hối thúc mặc dù biết rằng 1/3 các cháu sẽ nghỉ ngang. Vậy chúng ta nên làm gì?
Tôi nghĩ giải pháp quân sự sẽ giúp ích và trang bị cho các em trước ngưỡng cửa ĐH. Xin đừng hiểu lầm quân sự đây là cho ăn roi như thời VNCH. Tại hầu hết các trường trung học Mỹ đều có chương trình Thiếu Sinh Quân JROTC cho các học sinh. Quý bạn nên khuyến khích các em tham gia như là hình thức extra curriculum đã được tất cả các ĐH và sở làm đề cao trong công việc tuyển chọn đơn xin đi học hoặc đi làm và nhất là khi gia nhập quân đội. Chương trình này sẽ khai phóng để các em tìm hiểu thêm về đường binh nghiệp hoặc ít nhất cũng tạo cơ hội để các em ép mình vào kỷ luật, tập trung học tập trên ĐH và rèn luyện thân thể. Đến đây thì quý độc giả đã hiểu được phần kế tiếp tôi muốn nói gì rồi.
Hai mươi bảy năm trước tôi tình nguyện gia nhập quân đội Mỹ, chọn quân chủng Hải quân cho khởi đầu đời sống sau trung học. Tôi vừa sang Mỹ được đúng hai năm, học lực tồi, tiếng Anh chưa đủ để gọi order drive through ở tiệm McDonald. Vì thiếu tự tin và không có người hướng dẫn tôi không dám vay tiền để đi học lên cao hơn, tôi chọn Hải quân trước là có miếng ăn, được giao tiếp với người Mỹ chính gốc để học nói và sau nữa là được đi cruise miễn phí.
Cái nghề không quan trọng đối với tôi lúc đó. Đến khi sống và làm việc với các quân nhân khác tôi mới vỡ lẽ ra là tôi đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội học hỏi và tiến thân. Cho nên dù dốt tôi cũng ráng học được một nghề vớ vẩn và chịu khó đọc sách vở. Tôi luôn dùng kinh nghiệm thất bại đầu đời để hướng dẫn các em tránh khỏi những quyết định sai lầm như tôi. Kinh nghiệm bản thân tôi chỉ quanh quẩn trong phạm vi Hải quân và TQLC Hoa Kỳ. Các quân chủng bạn tôi không biết nhiều.
Cho những em ham học:
JROTC sẽ giúp các em tìm hiểu thêm về các ngành nghề mà quân đội cần cũng như các học bổng toàn phần do Bộ QP phát cho các trường ĐH hòng tuyển quân nhân cũng như các hướng dẫn và xin tiến cử vào các trường Võ bị.
Các SV có thể xin học bổng toàn phần qua các chương trình ROTC hoặc Thiếu Sinh Quân trên ĐH. Bù lại các SV sẽ phục vụ trong quân đội với cấp bậc Thiếu uý sau khi có bằng 4 năm ĐH. Để khuyến khích các BS, NS và LS tham gia quân đội, Bộ QP cấp học bổng và trả lương cho các SV Y Nha Luật mang lon Thiếu uý trong 4 năm học cuối. Vừa ra trường lên Trung Uý. Hoàn tất các khoá nội trú và lấy bằng hành nghề đeo lon Đại Uý cộng tiền lương phụ trội thêm cho bằng với bên dân sự. Đại uý BS, LS lương có khi cao hơn hạm trưởng. Đổi lại các BS, LS phải phục vụ lại 10 năm và phải chịu gửi đi những nơi cần. Vì thế có nhiều người ráng thêm 10 năm nữa để được hưởng quy chế hưu bổng dành cho quân nhân phục vụ trên 20 năm. Trước khi ngân sách VA bị cắt giảm thì quân nhân phục vụ từ 20 năm được hưởng lương hưu và bảo hiểm Y Nha đầy đủ, nhưng nay thì tiêu chuẩn lương được hoán đổi sang hình thức 401k bên dân sự. Như vậy tuy không được retired hẳn nhưng vẫn có tiền và có lợi cho các quân nhân bỏ ngang dưới 20 năm. Khi tôi còn phục vụ thì không có chương trình này mà chỉ nhận được tiền học GI Bill là $18,500. Nghe nói bây giờ tiền GI Bill lên đến $50,000 cho các cựu quân nhân để đóng học phí.
Nhân đây tôi cũng xin mở ngoặc giải thích về cấp bậc trong quân đội Hoa Kỳ. Sĩ quan được gọi là O, từ O1 đến O10. O10 chỉ được dùng đúng một lần trong Đệ nhị thế chiến.
Mỹ không có Thống tướng, Thống chế hay Thủy sư Đô đốc như các quân đội nước khác. Chỉ cần hội đủ một số điều kiện và bằng Cử nhân bình thường là có thể trở thành sĩ quan một ngoại trừ các SQ hoa tiêu và cơ khí xuất thân từ Annapolis.
SQ được chia ra hai nhánh là Line Officer (chỉ huy) và Restricted Staff Officer (tham mưu).
SQ tham mưu là các SQ có bằng chuyên môn như BS, NS, LS, Kế toán… Trong thời gian phục vụ tôi biết rất nhiều SQ Đại Đội Trưởng, TĐ Trưởng và phi công TQLC chỉ có bằng rất khiêm nhường là cử nhân Psychology, Sociology, Leadership, English Lit thậm chí cả bằng cử tạ (BS in Physical Ed). Các SQ phải phục vụ trong 10 năm, Thiếu uý lên Trung uý 2 năm, 3-5 lên Đại uý. Sau đó các SQ kể cả SQ Võ bị phải quyết định làm đơn xin giải ngũ hay tiếp tục phục vụ.
Muốn lên Thiếu tá các Đ/U phải học các lớp tham mưu cao cấp, ghi danh và tốt nghiệp War college hoặc có bằng Cao học. Khi lên đến Trung tá thì thời gian công vụ khoảng 16-18 năm, các SQ này sẽ lo cho việc nghỉ hưu sau 20 năm. Trường hợp hoạn lộ lên Trung tá sớm hơn thì họ tính chuyện làm “mặt trời”, sắp đặt để được xin phục vụ những chức vụ Đại tá quan trọng như Hạm trưởng HKMH, chỉ huy trưởng không đoàn HKMH, tư lệnh Sư đoàn hoặc Commodore các battle group nhỏ…
Đối với các BS sau 10 năm họ có thể là Thiếu tá, có quyền xin giải ngũ về mở phòng mạch tư làm nhiều tiền hơn. Có thể họ chọn binh nghiệp và đi hết 10 năm nữa. Khi lên đến Trung tá thì họ ít được khám và chăm sóc bệnh nhân, thay vào đó họ sẽ là chỉ huy trưởng một đơn vị hoặc clinic nhỏ hoặc giảng dạy, tuỳ theo yêu nghề hay yêu quyền mà họ giải ngũ ở mức 10-12 năm.
Đối với HSQ và binh sĩ thì cấp bậc là E1-E9. E4-6 là HSQ và cũng có thể giải ngũ ăn lương hưu ở mức E6 nghĩa là bò lên được E6 cũng khá lâu. E7 tương đương với Thượng sĩ được ở thêm 2-3 năm nữa. E8-9 là các cấp bậc cao nhất của HSQ, thường là cố vấn cho các Chỉ huy trưởng, Hạm trưởng hoặc Tư lệnh các lực lượng lớn.
Tôi dài dòng về vấn đề cấp bậc để quý độc giả hiểu thêm rằng tuy chọn binh nghiệp nhưng các SQ không bị gò bó, có thể giải ngũ bất cứ lúc nào sau 10 năm commission được huấn luyện, có bằng ĐH không mất tiền và nhất là có được kỹ năng lãnh đạo không một trường ĐH dân sự nào có thể sánh bằng. Họ sẽ rất thành công và được tiếp nhận khi nộp đơn và làm việc trong xã hội tư nhân. Nếu thể lực các em cho phép các em có thể trở thành hoa tiêu vận tải hoặc trực thăng. Phần lớn các phi công dân sự được đào tạo từ quân đội ra.
Đối với các em chưa quyết tâm học ĐH:
Các em có thể ghi danh đi lính sau khi có bằng trung học. Trước khi được tuyển, các em cần thi ASVAB (Armed Service Vocational Amplitude). Đây là bài thi quan trọng nhất của đời binh nghiệp vì nó được hình thành để kiểm tra và đánh giá trình độ hiểu biết hòng có thể được gửi vào các ngành nghề phù hợp với khả năng có sẵn. Trước đây bài thi không được phổ biến nhiều, thí sinh không có điều kiện ôn thi trước. Ngày nay, sách ôn thi được bán ở các tiệm sách hoặc Amazon. Sau đó các thí sinh được gửi đi ký giao kèo, chọn ngành, lấy vân tay, điều tra lý lịch… Điểm thi cao được chọn các ngành nhàn, hoặc dễ chuyển tiếp sang dân sự. Nên chọn các ngành có thời gian huấn luyện lâu sau khi rời quân trường. Lý do là càng được huấn luyện lâu thì nghề càng được trọng dụng và có khả năng chuyển sang thế giới dân sự sau này.
Các nghề dễ chuyển tiếp sang dân sự gồm: các technician trong lãnh vực Y-Nha như respiratory, lab, X-ray, operating room technician, Emergency Medical Technician, hoặc nha tá, điện lạnh, cơ khí, hàn, computer technician, thợ sửa các động cơ máy điện và máy nổ…
Không nên chọn các ngành chỉ có thể làm việc trong Hải quân, hỏa đầu quân hoặc undesignated seamanship. Undesignated là không chọn ngành nào cả, để cho HQ chọn dùm. Dĩ nhiên là các việc không ai muốn làm thì họ sẽ đưa cho mình làm. Vì thế ở phần đầu tôi nói nên tham gia chương trình JROTC trong trung học để hiểu ngành nghề và sự hữu dụng của nó. Hơn nữa nếu tham gia JROTC 3 năm liền thì khi tốt nghiệp quân trường các tân binh này sẽ được thăng thưởng một hai cấp. Lên lon nghĩa là lên lương và có thâm niên công vụ.
Đời sống quân ngũ cũng khá nhàn, nếu ở trên bờ (shore duty) thì theo thời khoá biểu như nhân viên hành chánh, nhưng ít khi nào phải làm việc trên 40 tiếng/tuần. Chiều thứ sáu luôn về sớm, thỉnh thoảng chỉ huy trưởng cho nghỉ 72 giờ phép hoặc 96 giờ phép tức là một hoặc hai ngày cộng chung với thứ bảy và Chúa nhựt. Sau giờ làm việc chỉ có ăn tối và nhậu ở barrack.
Những anh em nào chịu khó thì lấy lớp ĐH cộng đồng học thêm buổi tối, chính phủ trả 2/3 học phí. Tôi nhớ thời ấy học phí ĐH cộng đồng là $13/credit, chính phủ trả 2/3 tiền coi như một cua học bằng giá với một thùng bia 24 lon. Có một số ĐH ký hợp đồng với căn cứ cho GS dân sự vào dạy hai ngày cuối tuần trong chương trình accelerate to bachelor degree. Tôi biết có nhiều bạn rất hiếu học nhưng không có điều kiện khi còn là dân sự đã nhận được bằng Cử nhân trong 30 tháng trong lúc phục vụ tại đơn vị. Tôi nghĩ ngày nay với sự tiến bộ của Internet và trào lưu học online, lính sẽ có nhiều điều kiện học ĐH khi tại chức hơn những năm tôi còn tại ngũ.
Tôi khuyên các bạn trẻ tránh xin vào các đơn vị tác chiến của TQLC và Lục Quân. Không phải tôi nói các bạn tránh chỗ chết nhưng nghĩ đến mục tiêu của mình đó là tận dụng thời gian tại ngũ để được đi học. Các chiến binh infantry không có thời gian rảnh rỗi như lính văn phòng. Không thể nào tập trung và có giờ riêng để học được. Nếu như các bạn thích mạo hiểm sống trên hòn tên mũi đạn thì khác. Tôi hoan nghênh và ngưỡng mộ các chiến sĩ bộ binh đem mạng sống mình hy sinh cho lý tưởng và sự an lành cho Tổ Quốc. Có một thời tôi cũng đã vác ba lô nón sắt lội bộ mang túi cứu thương theo các chiến sĩ thuộc tiểu đoàn 1, sư đoàn I TQLC tại trại Pendleton Nam Cali và theo đoàn quân viễn chinh sang UAE trong một chuyến hải hành dài 6 tháng.
Khi hoán chuyển ra sea duty tức là ở trên tàu thì chuyện học hơi khó khăn nhưng không có nghĩa là không có. Trên tàu có những SQ và HSQ có bằng Cao học, họ được Bộ GD cho phép giảng dạy trên tàu. Sáu tháng lênh đênh giữa đại dương không có việc gì làm thì học để giết thì giờ. Bản thân tôi và nhiều đồng đội khác cũng lấy được 2 lớp English 101 và 102 để rút ngắn thời gian sau này.
Ngoài ra quý phụ huynh có thể sẽ ngạc nhiên khi thấy cậu con trai mình ở nhà thì bê bối và lười dọn dẹp nhưng sau một thời gian ngắn khi về thăm nhà quý vị sẽ nhìn thấy nhiều thay đổi tích cực. Tôi có nhiều bạn chọn binh nghiệp là nghề, ngày nay đã nghỉ hưu lương đủ sống và mua nhà cách 20 phút lái xe xuống trung tâm San Diego. Có bạn hiện mang chức vụ Command Master Chief (E-9) đang cố vấn cho các vị SQ chỉ huy. Có bạn giờ đây là thầy giáo dạy toán ở tiểu học, người khác đang là PA. Tất cả đều được đi học lại sau khi giải ngũ. Cựu quân nhân rất thành công trong nhiều lãnh vực trong xã hội Mỹ. Biết đâu sẽ có nhiều bạn trẻ chọn binh nghiệp trong tương lai.
Như lời nhận xét của tác giả Dan Nguyen, sự cạnh tranh trong xã hội không ngừng sau khi tốt nghiệp mà còn chặng đường thử thách khi xin việc làm. Nếu các bạn trẻ không có được may mắn nổi bật giữa rừng đơn xin việc làm bằng tên của trường học thì cái endorsement là cựu quân nhân từng vừa học vừa làm trong khi tại chức hay là SQ nắm sổ lương của một tiểu đoàn, một hoa tiêu của chiến hạm sẽ là bước nhảy quan trọng không kém.
Freedom Fighter
No comments:
Post a Comment