Saturday, June 26, 2021

"Trạm Thu Thuế" 
Những năm 1980. Ai từng xuôi ngược trên con đường trước đó mang tên Quốc lộ số 4 nối liền miền Tây - Sài Gòn thì chắc vẫn còn nhớ rõ những cái "Trạm Thu Thuế" được lập ra để bắt giữ, tịch thu "Hàng lậu". Hàng lậu lúc đó là vài ký thịt heo, dăm ba ký gạo, mấy chục trứng vịt, trứng gà..

Sau khi chiếm miền Nam, Cộng Sản thi hành chính sách ngăn sông cấm chợ triệt để nghiêm ngặt. Sản vật có xuất xứ ở đâu thì chỉ được tiêu thụ tại chỗ, không ai được phép mang bất cứ thứ gì đi nơi khác nếu không có giấy phép do chính quyền địa phương xác nhận.

Mỗi ký gạo ở vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long nếu đưa được lên tới Sài Gòn thì lời gấp 3 lần, thịt heo, trứng và các loại nông sản khác cũng thế.

Thời điểm đó bắt đầu hình thành một tầng lớp dân buôn phụ nữ mà người ta gọi là bạn hàng chuyên đưa "Hàng lậu" theo những chiếc xe đò lên "Thành phố", sáng đi chiều về.

Miền Tây có ba đội xe đò đông đảo và nổi tiếng hơn cả là Cửu Long, Hậu Giang và Minh Hải, mỗi đội có hàng trăm chiếc chạy khứ hồi sáng sớm lên Sài Gòn rồi chiều về, có khi một hai hôm sau mới về.

Khi những chuyến xe chở đầy người và hàng hóa đến cái ngã ba chỗ rẽ vào Bắc Mỹ Thuận phía bờ Nam thuộc địa phận Tỉnh Cửu Long cũ thì giới tài xế, lơ xe và bạn hàng bắt đầu bước vào một trận chiến cam go với các Cán bộ Thuế vụ.

Trạm Mỹ Thuận lúc đó có hơn 10 Cán bộ luân phiên túc trực 24/24 mặc dù đến 22g đêm thì Bắc ngừng chạy đến 5g sáng. Trưởng Trạm là Dũng biệt danh Dũng "Síp rin" do anh ta có chiếc Vespa Sprint mà từng con ốc đều là hàng origin vẫn còn lớp sơn gốc màu xám bóng loáng.

Trước khi xe đò chạy vô phía trong để xếp hàng chờ xuống Bắc qua sông thì phải ngừng lại trước Trạm để kiểm soát. Phụ xế cầm một xấp giấy là chứng từ hóa đơn giấy xác nhận của tất cả hàng hóa trên mui và trong xe vô Trạm trình báo. Một Cán bộ sẽ đi ra, cùng với Phụ xế leo lên xe lật cái bội gà này, ngó cái giỏ thịt heo kia rồi liếc vô xấp giấy cầm trên tay.

Tất cả quy trình đó chỉ làm cho có để qua mắt bàng dân thiên hạ, thật sự thì không có cách nào đối chiếu được từng món hàng có trùng khớp trọng lượng, số lượng, chủng loại với giấy phép hay không.

Sau khi "Kiểm tra", Cán bộ nhảy xuống xe tay cầm xấp giấy đi vô Trạm, Phụ xế đi theo và đây chính là lúc ngã giá, phân bua, nâng lên hạ xuống số tiền phải cống nộp khi xe từ Sài Gòn trở về. Nếu thỏa thuận suôn sẻ, Cán bộ hài lòng thì Phụ xế sẽ trở về xe thông báo mức đóng góp của mỗi bạn hàng tùy theo số lượng và giá trị hàng hóa của từng người.

Hôm nào Cán bộ không vui thì sẽ hành chiếc xe đó đậu ngoài nắng chơi vài tiếng để giải sầu, ra quán ngồi rung đùi uống cà phê mặc cho mấy anh Phụ xế và lơ xe ngồi chồm hổm chung quanh ca bài con cá...

Nếu cảm thấy bực trong lòng, anh Cán bộ sẽ phán một câu mà ai cũng sợ: "Sạt xe" ! Sạt xe có nghĩa là dỡ tất cả hàng hóa trên xe đem hết vô Trạm, giỏ hàng nào có giấy phép thì cho lấy ra, còn bao nhiêu thì tịch thu hết và thông thường thì hơn 90% số hàng trên xe bị mất trắng.

Tôi chứng kiến và nhớ rất rõ vào một buổi sáng năm 1982, một chị bạn hàng đoán chừng là gốc nông thôn khoảng 30 tuổi có gương mặt đẹp và trắng trẻo mặc áo bà ba bông tím với cái quần vải đen đi trên chiếc xe Hậu Giang đem 15 ký thịt heo thì bị Dũng Síp rin bắt, xách giỏ hàng đem vô Trạm.

Chị quỳ gối, hai tay nắm hai ống quần tên Trưởng Trạm vừa khóc vừa năn nỉ: "Anh Dũng ơi, hai đứa con của em bị bệnh đang nằm ở nhà không có ai chăm sóc hết. Anh cho em xin lại giỏ hàng này để em lên thành phố bán kiếm chút tiền lời mua thuốc cho con em rồi sẽ nghỉ, không đi buôn nữa. Thịt này em mua chịu, nếu về mà không có tiền trả cho người ta thì người ta cào nhà em. Em xin hứa từ nay về sau nếu anh còn gặp em một lần nữa thì em không xin anh gì nữa đâu. Nếu anh không tha cho em thì bữa nay em sẽ tự vận chết cho rồi chứ sống làm chi mà khổ quá..."

Mặc những lời than khóc áo não của người đàn bà trẻ, Dũng Síp rin ngồi trơ trơ hút thuốc, mặt nhìn ra chỗ khác. Năn nỉ khóc than tới trưa mà không có kết quả, đầu chị cúi gằm lếch thếch đi xuống bến Bắc.

Gần nửa tiếng sau, một người chạy xe lôi đạp chở khách từ dưới bến Bắc lên ngã ba nói rằng có một người phụ nữ vừa nhảy xuống sông tự vận khi chiếc Bắc vừa ra giữa dòng, không ai kịp nhảy theo để cứu vì quá bất ngờ và nước ròng đang chảy mạnh, nếu mấy ngày sau cái xác mà nổi lên thì phải cách đây vài cây số.

Hai ngày sau người ta vớt được thi thể người bạc mệnh. Do đã chứng kiến sự việc buổi sáng hôm đó, lắng nghe và thương cảm với hoàn cảnh của chị bạn hàng có 15 ký thịt heo nên tôi không bất ngờ khi cùng mấy đứa bạn đến xem cái xác mà người ta chở bằng ghe máy đem vô bờ là một người đàn bà mặc cái áo bông tím với cái quần vải đen...

Ai đã sống ở vùng Mỹ Thuận vào giai đoạn đó thì sẽ nhớ câu chuyện trên đây.

Nghe nói sau khi Trạm Mỹ Thuận bị giải thể, Dũng Síp rin xuống miệt Rạch Giá mua chiếc tàu đánh cá giả dạng Ngư dân để cùng hàng chục đàn em đồng bọn dùng súng cướp những tàu chở hàng lậu từ bên Miên qua Hà Tiên - Rạch Giá gồm thuốc lá, vải vóc, rượu ngoại...

Sau đó hắn bị bắt và bị xử bắn vì đã từng giết người, cướp hàng. Có người lại nói bị lính miên rình bắt được bắn chết.

Chỉ biết chính xác là tên hung thần Dũng Síp rin đã bị bắn chết, còn thật sự ai bắn thì không rõ.

Nhân quả đời người.

Quoc Gia Nguyen.
Nguon internet

No comments:

Blog Archive