Tuesday, April 13, 2010

Đi Chợ Lớn ăn món "Phật nhảy tường"


Món Phật nhảy tường có những loại sơn hào hải vị danh giá như vi cá, bào ngư, hải sâm, nhân sâm, gân nai... Ảnh: Phúc Minh

(TBKTSG Online) - "Phật nhảy tường" là món ngon danh tiếng trong ẩm thực của người Phúc Kiến (Trung Quốc), được chế biến cầu kỳ, đòi hỏi nhiều nguyên liệu và gia vị tạo ra hương vị thơm nồng. Chỉ riêng cái tên gọi bắt nguồn từ một truyền thuyết xa xưa cũng đã gây sự hiếu kỳ của thực khách.

Chuyện kể rằng hơn 1.300 trước, vào thời nhà Đường, có một vị cao tăng không rõ lai lịch đến vùng đất Phúc Kiến truyền giảng Phật pháp. Bên cạnh ngôi chùa vị cao tăng trú ngụ có một quán ăn, thường phảng phất một mùi thơm rất lạ, làm cho vị cao tăng dậy lên nỗi nhớ phàm trần. Đến một ngày kia, vị cao tăng nọ thật sự không chịu nổi sự cám dỗ bèn nhảy qua bức tường để thưởng thức món ăn và đã vi phạm giới luật. Từ đó, người ta gọi tên món ăn này là Phật nhảy tường.

Câu chuyện không được ghi chép trong sách sử chính thống nào cả nhưng được truyền khẩu rộng rãi trong dân gian. Và dù đó chỉ là câu chuyện bịa đặt chăng nữa cũng cho thấy sự đề cao của dân gian về sự hấp dẫn của món ăn này trong ẩm thực của người Phúc Kiến từ xa xưa.

Cách nấu món ăn này khá cầu kỳ, cần tối thiểu hai ngày mới xong. Món Phật nhảy tường phải có ít nhất 7 loại nguyên liệu chính thuộc vào hàng sơn hào hải vị danh giá như vi cá, bào ngư, sò điệp, gân nai, bong bóng cá, hải sâm, nhân sâm. Nguyên liệu phụ có thêm trên 20 thứ khác nữa như nấm đông cô, măng... Ngoài ra, một phụ liệu không thể thiếu chính là rượu Thiệu Hưng, một loại rượu gạo của Trung Quốc, được dùng để ướp nguyên liệu cho dậy hương.

Tuy là món ăn có hương vị đặc trưng của Phúc Kiến nhưng món Phật nhảy tường cũng hấp dẫn nhiều người trong giới sành sõi ẩm thức nhiều nơi trên thế giới. Theo từ điển bách khoa baike.baidu.com của Trung Quốc, món Phật nhảy tường nổi tiếng thế giới với tên gọi tiếng Anh là “Buddha jumps over the wall”. Gõ cụm từ này trên công cụ tìm kiếm của Google, có hơn 300.000 kết quả về món ăn này cho thấy nó xuất hiện gần như khắp nơi trên trái đất.

Trong hơn nửa triệu người Việt gốc Hoa hiện đang sinh sống tại TPHCM, dân Phúc Kiến không nhiều, có lẽ vì thế nên số tiệm ăn, nhà hàng bán các món ăn Phúc Kiến cũng hiếm. Tình cờ trong một hội chợ diễn ra tại TPHCM trước tết Canh Dần, chúng tôi gặp một gian hàng giới thiệu món ăn Phúc Kiến; trong đó có món ăn có cái tên rất ấn tượng là "Phật nhảy tường". Đó là gian hàng của quán Gia Phú, nằm trong một con hẻm gần góc đường Gia Phú (quận 6) và đại lộ Đông Tây. Một chén, giống như chén súp, được bán với giá 65.000 đồng.

Do quán ăn Phúc Kiến không nhiều nên người viết không so sánh được hương vị của món ăn tại quán ăn này với quán ăn khác. Người viết cũng chưa có dịp sang tận Phúc Kiến (Trung Quốc), nơi xuất xứ của món ăn, để thưởng thức và so sánh mùi vị. Nhưng sau khi dùng món Phật nhảy tường ở quan Gia Phú một lần rồi mới thấy câu chuyện người xưa kể ra nghe có phần cường điệu nhưng cũng không phải là không có lý.

Về Sa Đéc ăn hủ tiếu khô


Hủ tiếu khô là đặc sản của vùng Sa Đéc (Đồng Tháp). Ảnh: Tường Vi

TBKTSG Online) – Nếu có dịp về Sa Đéc (Đồng Tháp) đừng quên thưởng thức hai món đặc sản xứ này: bánh phồng tôm Sa Giang và hủ tiếu khô.

Bánh phồng tôm Sa Giang dễ dàng được tìm thấy ở các siêu thị trong thành phố nhưng với món hủ tiếu khô thì bạn không nên bỏ qua khi đến vùng Sa Đéc này.

Vào quán gọi một phần hủ tiếu khô, người ta sẽ hỏi bạn ăn hủ tiếu tương (chay) hay mặn. Cách làm không khác nhau là mấy, nếu như mặn thì dùng với thịt thăn heo còn nếu chay thì dùng tàu hủ ky.

Phần hủ tiếu được dọn ra gồm một đĩa hủ tiếu trộn với nước sốt cà chua sền sệt, rau sống, giá trụng, cần tây, hẹ, thịt nạc, gan heo xắt lát để lên trên. Nước sốt cà chua được làm từ nước cốt cà chín cho vào chảo phi thơm hành tỏi nêm với muối, đường, bột ngọt.. Bên cạnh đó là một chén súp là nước lèo hầm từ sườn heo với củ cải trắng và hành lá xắt nhuyễn.

Hủ tiếu ở đây vừa dai vừa trắng hòa quyện các gia vị ngòn ngọt, mằn mặn làm nên món hủ tiếu khô đặc trưng vùng Sa Đéc. Theo nhiều người bán hàng thì món hủ tiếu khô có nguồn gốc từ Trung Quốc bởi vùng Sa Đéc trước đây có rất nhiều người Hoa sinh sống, có thể họ đã mang món ăn này từ quê nhà sang Việt Nam.


Hủ tiếu khô tương (chay). Ảnh: Tường Vi

Món hủ tiếu khô được bán rất nhiều ở các hàng quán bên đường hay ở chợ Sa Đéc và hầu như muốn ăn lúc nào cũng được. Nhưng theo nhiều người dân thì thông thường ăn ở các quán sẽ ngon hơn ăn ở trong chợ. Các quán chỉ phục vụ ăn sáng và ăn chiều mà thôi. Còn nếu muốn ăn trưa thì vào chợ lúc nào cũng có.

No comments:

Blog Archive