Tuesday, April 13, 2010

Cây trái mùa xưa


Khoảng 50 năm trước, những khi gió chướng bắt đầu lao rao từ ngoài biển thổi về cũng là lúc đồng bằng sông Cửu Long khởi đầu cho một mùa trái cây nở rộ. Đầu tiên là xoài. Những cành xoài cao vượt mái nhà trổ đầy những chùm bông màu vàng sậm, chẳng bao lâu, trong ngọn gió kỳ diệu ấy, chúng đã trở thành những chùm trái xanh khoe mình trong nắng sớm sương chiều.

Nắng, gió, sương và đất đai thuần hậu ngày càng nuôi chúng lớn lên nhanh với những trái xoài sống lớn cỡ ba ngón tay treo tòn ten, đong đưa trong gió gợi thèm. Vậy là với một cục đất nhỏ, người ta ném mạnh vào mấy trái xoài làm cho nó rụng xuống đất, lượm rồi đập vào thân cây, tách từng miếng xoài chấm muối ớt sẽ được thưởng thức cách “ẩm thực thời khẩn hoang” một cách thú vị.

Cũng ăn theo cách “hương đồng cỏ nội” này, nhưng cao cấp hơn, người ta dùng xoài sống chấm với nước mắm đường giằm thêm miếng ớt. Cả hai cách ăn này được dùng bất cứ lúc nào trong ngày cũng đều mang đến cho người thưởng thức miếng ngon dân dã. Ăn chơi đã thích, trở thành mồi nhậu xoài sống cũng giữ vai trò khá quan trọng, giúp bữa nhậu có bài bản hơn, có tính cách nhà hàng hơn là món gỏi xoài với khô cá bổi, tôm khô, nếu thêm mấy ngọn sầu đâu càng thêm tuyệt.

Xoài sống ăn như vậy đã sướng cái thần khẩu, nhưng người dân đồng bằng sông Cửu Long còn dùng xoài sống bằm nhuyễn trộn với nước cá lóc kho giằm ớt thành một món ăn chua chua, ngọt ngọt, cay cay, mằn mặn, giòn giòn rất tốn cơm.

Và cái món xoài bằm thả vào tô canh cá cháy của người dân miệt Cần Thơ, Trà Ôn (Vĩnh Long), Cầu Kè (Trà Vinh), Đại Ngãi (Sóc Trăng) cách đây khoảng nửa thế kỷ là một món ăn tuyệt thú.


Xoài. Ảnh: Phương Kiều

Những khứa cá cháy trắng ngà, những đùm trứng cá cháy vàng hượm đã không còn béo đến ngậy trong tô canh nữa. Trái lại vị ngọt của khứa cá, vị béo của trứng cá hầu như hòa lẫn trong vị chua dịu của xoài sống làm thành một món ăn hài hòa, tuyệt ngon. Bây giờ cái món “sơn hào thủy vị” ấy đã trở thành miếng ngon nhớ đời cho những ai ở lứa tuổi 60 đã “lỡ” một lần được nếm thử.

Cũng trở thành một món ăn trong mâm cơm hàng ngày, quan trọng không kém, đối với người Bắc định cư lâu năm ở đây, xoài sống cũng được nấu làm canh. Những trái xoài gọt bỏ vỏ tách từng miếng không rời khỏi hột được thả vào nồi nước, khi nấu sôi cho thịt nạc băm vào, nêm nếm vừa ăn nhắc xuống, múc ra tô, cho hành lá xắt nhuyễn rải lên mặt, chút ngò rí cho thơm cùng một ít tiêu xay. Món ăn này nhắc nhở, giúp người ta có được một thứ canh sấu mà đã lâu ngày không thể nếm được. Tô canh xoài vừa giúp giải nhiệt trong những ngày oi bức vừa giúp người ta đỡ nhớ món ngon giản dị của quê nhà xa lắc.

Tết cũng là mùa dưa hấu rộ. Những đống dưa chất cao trong các buổi chợ từ nông thôn đến thành thị như thúc giục, nhắc nhở con người rằng tết đang cận kề. Thuở xa xưa ấy, dưa hấu có vị ngọt ngon hơn hẳn bây giờ. Đó là thứ dưa chẻ hai không rỉ nước, mặt dưa đỏ như son, khô rang. Xẻ dưa làm nhiều miếng, cầm một miếng cho lên miệng cắn, ái chà sao như nghe có tiếng vỡ của những hạt cát trong răng mình. Ngay lập tức, nghe vị ngọt thanh của dưa, nước dưa hòa chan khắp mặt lưỡi, vòm họng, chạy tuốt xuống dạ dầy. Người ta nói đó là loại dưa được trồng bằng phân tôm, phân dơi.


Dưa hấu Gò Công bán ở chợ Đầm, Nha Trang, tết Canh Dần. Ảnh: TMB

Thuở ấy, dưa hấu đã làm nên “danh phận” cho Cái Keo, Sóc Xoài (Kiên Giang), Cầu Đúc (Hậu Giang), Ba Động (Trà Vinh). Nhưng đặc biệt hơn hết, ở Sóc Trăng vào những năm 1960, xuất hiện một thứ dưa “kỳ lạ”, đó là dưa hấu vàng. Trái dưa cũng ngộ nghĩnh, dài và bự như trái bí bung làm mứt tết. Nhìn mặt dưa có màu vàng không hấp dẫn như mặt dưa màu đỏ xác pháo, nhưng hương vị của dưa thì không chê vào đâu được. Loại dưa này chiếm cứ một vùng lãnh địa Ba Thắc thời xa xưa.


Vú sữa tím. Ảnh: Phương Kiều

Cũng như xoài, gió chướng về, những cây vú sữa khát khao ra trái dài cả năm bắt đầu đơm những chùm bông nhỏ li ti. Khi gió chướng sòng, chúng lớn lên thành những trái tròn trĩnh, ưa nhìn. Vú sữa có hai loại là vú sữa tím và vú sữa trắng. Vú sữa tím trái bự, được trồng nhiều ở khắp nơi trên đồng đất phù sa sông Hậu sông Tiền. Riêng vú sữa trắng khó trồng, nên diện tích canh tác chẳng là bao, trở thành loại trái cây đặc sản lúc bấy giờ.


Vú sữa trắng. Ảnh: Phương Kiều

Để thưởng thức thứ trái cây này, thuở ấy cũng khá công phu. Cầm dao xẻ vú sữa làm đôi, chất mủ trắng đục ứa đầy mép vỏ. Chẻ một nửa trái vú sữa làm tư trước khi cầm từng miếng đưa lên miệng ăn. Vị ngọt của vú sữa tan hòa miệng lưỡi, thật thích thú.
Vú sữa, có người nói vì trái tròn giống nhũ hoa phụ nữ, người khác lại bảo khi cắt đôi trái tiết ra mủ trắng như sữa mà có tên gọi như vậy. Nhưng dù là gì thì khi ăn vú sữa người ta cũng bị dính mủ đầy dao, đầy tay và quanh mép. Để làm sạch thứ mủ khó chịu này, khi đang ăn người ta chùi tay trên tóc, vọc tay vào hũ gạo, hoặc dùng giấy “nhựt trình” (giấy báo) để lau. Tuy nhiên, dù bằng cách nào thì khi ăn xong cũng phải dùng dầu lửa chùi trước khi rửa lại bằng xà bông và nước mới không còn mủ rích tay, miệng.

Ngày nay, vú sữa đã không còn tiết mủ khó chịu nữa. Và, cũng giống như xoài, dưa hấu, cùng một số loại trái cây khác, tất cả đều đã “mất mùa” vì khoa học kỹ thuật phát triển “bắt” chúng có mặt quanh năm, lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ thực khách miệt vườn. Chính vì vậy mà sự háo hức chờ đợi mùa trái cây tết đã tắt lịm niềm vui trong lòng người, nhất là lứa tuổi trung niên chỉ còn lại những hoài niệm về cây trái mùa xưa.

No comments:

Blog Archive