TẠI SAO ĐÀ LẠT CÓ NHIỀU HOA VÀ RAU CỦ QUẢ?
Khi người Pháp khám phá ra Đà Lạt, nơi đây chỉ có đồng bào thiểu số sinh sống.
Những năm 1930, người Pháp sinh sống ở Đà Lạt ngày càng nhiều, rất đông lính Pháp được đưa đến Đà Lạt dưỡng thương sau những trận chiến, nhu cầu dùng rau ngày càng tăng. Trong khi đó, Đà Lạt lúc bấy giờ chưa có nghề trồng rau. Nguồn rau người Pháp dùng chủ yếu chuyển từ Hà Nội vào. Quản đạo Đà Lạt Trần Văn Lý nảy ra ý định phát triển nghề trồng rau, hoa. Là người am hiểu về nước Pháp, ông Lý cho rằng không có lý do gì không tiến hành trồng rau, hoa vì Đà Lạt không khác nhiều với Pháp, cả khí hậu lẫn đất đai. Ông nghĩ đến những làng hoa nổi tiếng phía Bắc và ông đề xuất sự giúp đỡ từ tổng đạo tỉnh Hà Đông Hoàng Trọng Phu để thực hiện ý tưởng của mình.
Nhóm người đầu tiên từ tỉnh Hà Đông vào Đà Lạt lập làng Hà Đông vào cuối những năm 1930. Họ đi trong những giọt nước mắt. Đà Lạt khi đó không nhiều người biết, chỉ đến khi tổng đạo tỉnh Hà Đông Hoàng Trọng Phu tìm người đưa đến Đà Lạt trồng rau, hoa thì nhiều người mới nghe nói về địa danh Đà Lạt. Và họ lo sợ khi biết vùng đất ấy có sương giá quanh năm, có những lúc nhiệt độ xuống dưới 5 độ C.
Ông Phu nhận lời và giao cho ông Lê Văn Định đang giữ chức thương tá canh nông tỉnh Hà Đông xây dựng kế hoạch và chuẩn bị thực hiện việc di dân.
Thương tá canh nông tỉnh Hà Đông Lê Văn Định đi tuyển người. Ông gọi tất cả thanh niên trai tráng của sáu làng hoa ra sân đình. Ông xem mặt, chân tay. Khi chọn được 35 người ưng ý, ông Định đưa họ đi tham quan những khu vực trồng hoa, trồng rau theo công nghệ châu Âu của người Pháp tại làng hoa Ngọc Hà. Chưa yên lòng, ông Định chọn một khoảnh đất xấu nhất tại Hà Nội và bắt những người đã được chọn thực hành trồng trọt dưới sự giám sát của ông. Và quá trình thực hành chỉ chấm dứt khoảng một năm sau đó khi ông Định chứng kiến thành quả nông nghiệp của những nông dân được tuyển chọn khác biệt với những vườn rau, hoa lúc bấy giờ.
Ngày 29-5-1938, 35 người gốc Hà Đông sống ở các làng Ngọc Hà, Nghi Tàm, Tây Tựu, Quảng Bá, Xuân Tảo, Vạn Phúc lên tàu hỏa vào Đà Lạt.
Trên chuyến tàu đầu tiên đến Đà Lạt có nguyên một toa giống các loại rau có nguồn gốc châu Âu do người Pháp mang đến Hà Nội như khoai tây, xúp lơ, tỏi tây, đậu Hoà Lan, dâu tây, bắp cải..., và các loại hoa như hồng, cúc, trà my, lài, sói...
Những nông dân đến từ miền Bắc sớm thích nghi với môi trường khí hậu mới, ra sức lao động và gầy dựng được làng rau hoa của Hà Đông trên cao nguyên Lang Biang.
Năm 1940, Hoàng Trọng Phu vào thăm ấp. Bà con xin được lấy tên ông đặt tên cho ấp nhưng ông đã khéo léo từ chối và đề nghị bà con nên lấy tên là ấp Hà Đông để mai sau con cháu nhớ về cội nguồn.
Jack Le Tổng Hợp + Ngọc Trác và Mai Vinh
Ảnh: Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu, ông là con trai của Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải.( lượm trên FB.TN012024)
No comments:
Post a Comment