Bún nước lèo
"... Từ lâu, Sóc Trăng được ví như là “thủ phủ” của bún nước lèo. Sở dĩ người ta gọi tên là bún nước lèo là vì đây là món ăn của sự đoàn kết; là sự kết hợp của nền ẩm thực trong văn hóa của người Kinh – Hoa – Khmer. Mỗi thứ một ít tạo nên một món đặc sản tuyệt vời...
Để làm nên một tô bún nước lèo Sóc Trăng ngon nhất định không thể thiếu những sợi bún trắng ngà vừa mềm mát nhưng vẫn đủ độ dai. Ngon nhất chính là loại bún của người Sóc Trăng được làm từ loại gạo dẻo. Người ta dùng gạo mùa đã được ngâm nước qua đêm rồi mới đem xay trong cối đá dạng bột nước để tạo thành những sợi bún trong, dẻo thơm.
Ngoài ra, trong tô bún nước lèo của người Sóc Trăng còn có những lát thịt trắng nâu của những con cá lóc đánh bắt từ môi trường thiên nhiên. Lại càng ngon hơn khi khách vừa ăn vừa hít hà vì vị cay, chua của ớt, giấm (hoặc chanh). Món ăn này thích hợp nhất cho các buổi sáng sớm, vào buổi chiều tối hoặc những ngày mưa lạnh. Cái nóng ấm của tô bún mang lại cho ta một cảm giác ấm áp vô cùng.
Bún nước lèo có được hương vị đặc trưng khó quên chính là nhờ có mắm bò hóc. Đây là một loại mắm đặc trưng của người Khmer; làm bằng các loại cá lóc, cá trê đồng, tôm, tép tươi. Sau khi đánh bắt hoặc mua về; người ta đem ủ các loại thủy hải sản này trong muối từ 6 tháng trở lên cho đến khi thành mắm. Để nấu nước lèo, người ta phải rã mắm trong nước sôi rồi chờ thịt mắm tan ra hết, sau đó mới tiến hành lọc bỏ xương mắm lấy nước riêng.
Theo người dân nơi đây, để nước lèo được ngon đậm đà và không nặng mùi; người ta thường dùng mắm cá sặc xứ Ngã Năm và Trần Đề (cũng thuộc tỉnh Sóc Trăng), nấu bằng nước dừa xiêm, xương heo. Bên cạnh đó là củ ngải bún và sả nguyên cọng đập dập. Đây là điểm khác biệt của bún nước lèo Sóc Trăng so với các địa phương khác và khác xa bún mắm. Nước lèo phải trong và có màu cánh gián nhạt..." (nucuoimekong.com)
Hình FB "Quê Em Miền Tây (Đặng Phước Chi)".
No comments:
Post a Comment