Casablanca - nhớ về Mạ
Mẹ Con, tranh Nguyễn Đức Tuấn Đạt
Ravi, người bạn đồng nghiệp thúc nhắc tôi, phải đi với anh ta, làm việc vài ngày ở Morocco. Ravi bảo:
-Mình sẽ thăm khách hàng ở Casablanca. Sau đó, Philipp đón mình đi thăm khách hàng khác ở Rabat.
Có lẽ từ khi xem cuốn phim Casablanca, một cuốn phim khá xưa, tôi có ý thích đi Morocco. Phim kể về một chuyện tình trong bối cảnh đệ nhị thế chiến. Humphrey Bogart và Ingrid Bergman thủ vai chính. Lúc đó, nhiều nơi trên đất Pháp đã bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Rất nhiều người chạy trốn Hitler bằng những con đường gian truân. Đi từ Paris, đến Marseilles, đến Lisbon, thoát qua Morocco. Để từ quốc gia ở bắc Phi lo giấy tờ trốn qua Hoa Kỳ. Hình ảnh Ingrid Bergman trong vai Ilsa cúi xuống nói với người nhạc công: “Sam, play it once, play “As Time Goes By”, đã đọng lại thật lâu trong trí nhớ tôi. Vì những lý do ngẫu nhiên, mà chuyến công tác sang Morocco cứ bị dời mãi. Hoạch định từ đầu năm, mãi đến tháng Sáu mới lên lịch được. Tôi nói với thượng cấp của tôi, sẽ lấy một tuần nghỉ phép sau khi đi làm ở Morocco. Lúc đó con tôi cũng được nghỉ lễ hai tuần, rất tiện. Chúng tôi sẽ về nhà Ba Mạ tôi.
Trước khi đi Casablanca, tôi về thăm gia đình cuối tuần. Mạ mới phải vào bệnh viện vì sưng phổi. Tôi và vợ chồng đứa em út vào thăm Mạ. Ba chị em ngồi kể chuyện cho Mạ nghe. Mạ không nói tiếng nào. Tôi ngồi bên giường Mạ, cầm tay Mạ:
-Con đi làm bên Ma-Rốc vài ngày. Tuần sau, con về đây ở với Ba Mạ một tuần. Mạ thích không? Con đã hỏi cô y tá. Cô bảo, Mạ hết bệnh sưng phổi. Nhưng tốt hơn, ở lại trong bệnh viện để người ta chăm sóc và theo dõi đến cuối tuần. Vậy cũng tiện, Mạ ra khỏi bệnh viện, tuần sau, có con ở nhà chơi với Mạ, nghe Mạ.
Mạ nhìn tôi, ánh mắt mệt mỏi, không tỏ lộ tình cảm rõ rệt. Trước đây vài năm, tôi bắt đầu có những chuyến đi làm xa vượt đại dương. Nhiều người gọi đùa là du lịch mà khỏi phải tự mình trả tiền máy bay và khách sạn. Riêng Mạ băn khoăn, mỗi khi tôi kể cho Mạ nghe, tôi sắp sửa đi làm xa:
-Con đi xa dữ rứa? Đi chừng mô mới tới? Có đông người làm cùng chỗ đi theo không? Tới chỗ lạ, đi đứng, ăn ở ra răng? Có ai phụ việc cho con không?
Mạ chẳng thể tưởng tượng công việc của tôi như thế nào. Chỉ nghe con kể, nhìn thấy con vẫn mãi nhỏ bé, yếu ớt như thuở ấu thơ, nên Mạ lo con cực. Tôi trấn an Mạ:
-Con lên máy bay, ngủ một giấc là tới nơi. Bên đó, hãng sắp xếp có người đón đưa thuận tiện, ăn ở khách sạn tươm tất lắm. Mạ yên tâm.
Lúc nào trong mắt Mạ, bầy con cũng luôn nhỏ dại. Năm ngoái, từ Ả Rập về, tôi mua những tấm khăn choàng Cashmere làm quà. Trời tháng Sáu, ở Đức vẫn chưa có hơi hướm mùa hè. Mạ ngồi nơi ghế dựa, gần cửa sổ, đắp cái mền mỏng trên chân. Tôi hỏi:
-Mạ thích màu nào nhất?
Tôi nhớ, ngày xưa khi Mạ bằng tuổi tôi, Mạ buôn bán giỏi giang. Với tiệm sách, tiệm cà phê Mạ cho bầy con của Mạ ăn ngon, mặc đẹp. Mạ mặc những chiếc áo dài thật sang trọng, quý phái. Mạ mân mê tấm khăn:
-Mạ thích màu ni. Mạ chỉ cái khăn màu cà phê sữa. Chà, vải chi mà mịn màng quá hè. Khăn ni bao nhiêu tiền một cái đây con?
Nghe Mạ hỏi như vậy tôi mừng lắm. Chứng tỏ Mạ vẫn còn quan tâm đến đời sống con cái. Mạ sợ con tốn tiền. Lúc nào cũng vậy, Mạ tiện tặn cho Mạ, nhưng rộng rãi cho con cái.
Cũng mới năm ngoái đây, mỗi khi tôi về thăm Ba Mạ, vừa về tới Mạ đã nhắc:
-Ráng ở chơi lâu lâu với Mạ nghe con.
Hễ báo tin sẽ về, là trước đó Mạ hay gọi điện thoại hỏi đi, hỏi lại, như sợ con bận rộn hay quên khuấy lời hứa về thăm nhà. Chuẩn bị đi, Mạ cũng bịn rịn:
-Con ở chơi thêm chút nữa đi.
Vậy mà bây giờ, Mạ như không nhận biết rằng, con gái Mạ sắp đi làm ở tận châu Phi, một nơi xa lạ, để lo lắng hỏi han. Mạ cũng không cảm nhận được lời hứa hẹn của con sẽ về, ở với Mạ vài ngày, để Mạ vui mừng, náo nức. Tôi lấy khăn lau mặt Mạ, lau tay Mạ. Lấy miếng bông gòn thấm chút trà cúc rà miệng cho Mạ. Mạ nắm chặt tay tôi, tỏ vẻ không đồng ý. Tôi vuốt nhẹ tay Mạ, nói:
-Thôi, Mạ không thích thì thôi.
Tôi ngồi phụ Mạ làm vài động tác thể dục. Khi bóp chân cho Mạ, tôi chặc lưỡi:
-Mạ ốm quá, da bọc xương thôi.
Khi chuẩn bị về, tôi cúi xuống hôn trán Mạ, hôn má Mạ, nhắc lại những lời mình đã kể với Mạ khi mới đến:
-Chừ con phải về, mai con đi Ma-Rốc. Tuần sau con xin nghỉ một tuần về chơi với Mạ, Mạ thích không?
Mạ nằm, mắt nhắm hờ như đang ngủ. Hơi thở có vẻ mệt nhọc. Tôi vuốt vuốt tay Mạ, cúi hôn Mạ lần nữa rồi chạy vội. Nhưng không hề có ý nghĩ đó là lần sau cùng được nhìn thấy Mạ.
Từ khi Mạ bị bệnh, đi tới đâu, buổi tối tôi cũng gọi về thăm hỏi. Càng về sau, Mạ càng ít nói. Tôi bảo các em đưa điện thoại cho Mạ nói chuyện với tôi, nhiều lần Mạ lặng yên rất lâu. Các em thúc dục:
-Mạ nói đi, chị chờ hoài cho đến khi Mạ nói, chị mới yên lòng. Mà chị gọi từ xa lắm, tốn tiền lắm.
Chúng tôi vẫn hy vọng đánh trúng tâm lý sợ con tốn tiền của Mạ. Có khi Mạ ừ, có khi Mạ nói không. Đôi lần hiếm hoi, Mạ nói: “Bữa ni sao mệt quá.” Tôi vẫn tin và luôn hy vọng rằng tình trạng sức khoẻ của Mạ chỉ tệ trong thời gian ngắn. Rồi Mạ sẽ bình phục.
Qua ngày hôm sau ở Casablanca, kết thúc hai buổi họp dài, chúng tôi đi thăm các cơ sở thương mại của khách hàng. Khi xong việc, xem như rảnh rỗi cho chương trình của mình, trời đã chập choạng tối. Hơn bảy giờ ở Morocco, tức đã chín giờ đêm bên Đức. Sợ khuya, nên tôi không gọi nữa. Định bụng ngày mai, hoặc trước khi đi làm, hoặc giữa giờ nghỉ trưa, sẽ gọi về thăm Mạ. Văn phòng hãng tại Casablanca phái một nhân viên người bản xứ đến đưa chúng tôi đi chơi lòng vòng và mua sắm lặt vặt. Vào trong khu chợ, đầy dẫy những sạp, những tiệm bán đồ da. Không hấp dẫn tôi bằng những xe bán dạo, có lò than trên là thau ốc, sò luộc và những xe bán nước cam vắt. Tôi thích dừng chân bên những chiếc xe thô sơ này hơn. Tôi nhìn quanh quất, như tìm xem có còn chút gì của những cảnh trong phim Casablanca, chẳng hạn như Rick's Café Américain. Ravi hỏi tôi, nếu muốn mua áo khoác và túi xách da, anh tài xế sẽ tìm và trả giá cho. Các mặt hàng đồ da rất đa dạng và giá cả phải chăng. Tôi không chủ tâm mua sắm gì, chỉ thích nhìn ngắm khung cảnh chung quanh trong con mắt của du khách tò mò. Sau cùng, tôi mua dăm ba món quà lưu niệm lẳn tẳn cho con trai và đám cháu. Ravi bảo:
-Ngày mai nếu có thì giờ, mình đi thám hiểm chợ khác.
Tôi về đến khách sạn đã gần nửa đêm. Mệt nhoài. Tôi đi nằm ngay, chuẩn bị cho ngày làm việc dài đằng đẵng hôm sau. Nghe điện thoại reo trong giấc ngủ say, tôi tưởng tiếng đồng hồ báo thức. Nghĩ, mình vừa đặt lưng một chút, sao đã tới giờ dậy đi làm. Nhìn đồng hồ điện, mới 4 giờ sáng. Nhưng như phản xạ tự nhiên, tôi chồm người với lấy điện thoại, đưa lên tai: “Thúy đây, Thuy’s speaking.” Tiếng chị lớn của tôi:
-Thúy ơi, Mạ mất rồi.
Trong giây phút đó, tôi lặng người, tai như ù đi. Tôi không nhớ mình đã những câu hỏi dồn dập, tại sao, lúc nào… Tôi cầm chặt điện thoại, oà khóc. Không, đó chỉ là cơn mộng dữ mà thôi. Có tiếng báo điện thoại nhận được tin nhắn. Tôi bật đèn. Nước mắt ràn rụa. Mang mắt kính vào. Người gởi: KemHandy. “Chị Thúy ơi, Mạ qua đời lúc 9 giờ tối 07.06. Em Kem.” Tôi khóc ngất. Đọc đi đọc lại lời nhắn của đứa em út, xem có thể nào là sự nhầm lẫn chăng: Chi Thuy oi, Ma qua doi luc 9 gio toi 07.06. Em Kem. Tôi run rẩy bấm số gọi lại cho chị tôi, tiếng chị như văng vẳng lúc xa lúc gần:
-Mạ ra đi thanh thản lắm. Bây giờ Mạ đang nằm trên giường như đang ngủ. Có Ba đây, nhưng Ba đang xúc động quá, không nói chuyện được.
-Chị Tâm ơi, thiệt hả. Mạ không còn đó nữa sao? Mạ bỏ mình thiệt rồi sao? Tôi khóc oà.
-Thúy ơi, bình tĩnh lại đi. Có ai giúp em sắp xếp chuyến bay…
Chị Tâm đang cố gắng trấn tĩnh tôi. Tôi vẫn áp điện thoại bên tai. Không còn nghe rõ những lời bên kia đường dây. Tôi đã khóc không biết bao lâu, cả người như tê nhức. Tôi đang ở Phi Châu, một lục địa khác. Bao nhiêu ngàn cây số cách xa nước Đức, nơi Mạ đã nhắm mắt vĩnh viễn. Tôi chập choạng đi lại bàn, tìm số điện thoại phòng du lịch của công ty.
-Tôi đang ở Casablanca, tôi muốn về lại Frankfurt bằng chuyến bay sớm nhất. Rất cấp bách.
Lát sau, cô nhân viên phòng du lịch gọi lại cho tôi:
-Vé của cô đã xong. Cô ra phi trường, chỉ cần trình tấm Card Flying Blue.
Dù là chuyến sớm nhất, mà theo lịch trình, mãi 7 giờ tối tôi mới đến Frankfurt, vì phải đổi máy bay ở Paris. Tôi nằm vật ra. Sao lại như vậy. Tôi mới thăm Mạ hôm chiều thứ Hai đây mà. Lễ Pfingsten, thứ Hai lễ lá, cuối tuần dài ra. Khi lên lịch những chuyến đi xa, tôi thường xin phép thượng cấp cho tôi quá cảnh ở Frankfurt. Rồi tôi sắp xếp đủ thì giờ, để chạy vội về Bad-Nauheim, thăm Ba Mạ trước khi chuyển máy bay đi tiếp.
Mùa hè năm nọ, Ba Mạ cùng gia đình tôi và gia đình em tôi đi nghỉ hè bên Ý. Mạ rất thích bơi. Nhưng băn khoăn vì thấy chân yếu. Đi bộ từ nhà ra bãi biển, Mạ cứ phải nghỉ nhiều lần. Vậy mà, suốt thời gian đó, Mạ vẫn vui trọn vẹn với chồng, con, cháu. Về lại Munich, cũng là lúc gia đình nhỏ của tôi dọn qua nhà mới. Tôi nhìn tấm hình Mạ chụp đứng nơi ban công, ánh mắt Mạ rạng vui, mừng cho con có được mái nhà riêng. Những ngày tháng sau đó, Mạ vẫn luôn săn giòn, năng động. Mạ vẫn làm những hũ thịt chà bông, kho những nồi cá rau răm cho bầy con, cháu. Vào mùa xuân, Mạ cùng Ba đi hái lá rau Brennessel, làm bánh gai. Mạ vẫn thỉnh thoảng chân yếu không đứng được lâu. Sau nhiều lần đi bác sĩ, cuối cùng, em gái kế tôi, báo tin: “Bác sĩ chẩn đoán Mạ mắc bệnh Parkinson.” Lúc đó, trong hiểu biết của tôi bệnh Parkinson là bị run chân tay. Tôi đọc bài viết trong báo Focus, cũng chỉ hiểu lờ mờ. Người ta lập hội thân nhân những bệnh nhân Parkinson. Tôi ghi chép số điện thoại, định bụng, sẽ thử liên lạc trao đổi thông tin. Nhưng rồi vẫn chưa thực hiện được ý định này. Khi Mạ vào bệnh viện Parkinson lần đầu, chúng tôi có gặp một chị người Đức, vào thăm thân nhân của chị. Chị nói, tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân Parkinson thay đổi thất thường trong những năm đầu. Sau đó, tình trạng sức khoẻ sẽ suy sụp rất nhanh. Chị khuyên chúng tôi nên chuẩn bị tinh thần để đối đầu với sự thật đó. Nhưng chúng tôi vẫn hy vọng tình trạng của Mạ sẽ là ngoại lệ. Với thuốc thang và các phương pháp thể dục trị liệu, rồi Mạ sẽ khoẻ lại.
Những lần về nhà, mấy chị em gái hay rủ nhau đi phố. Một hôm, mọi người đã ra xe, tôi còn xàng xê, đi sau cùng. Mạ đi với tôi ra cửa, cầm tay tôi, tần ngần, như muốn nói điều chi. Tôi hỏi Mạ:
-Hay con ở nhà với Mạ hỉ?
Mạ vui mừng:
-Ừ, ở nhà chơi với Mạ nghe.
Mạ kể:
-Mạ không đứng lâu được. Đi lui, đi tới không hề chi. Mà đứng xào nấu, dọn dẹp một chút là bắp chân mỏi ê, không chịu được.
Với một chuỗi tình cờ may mắn, mùa hè cả đại gia đình về Việt Nam để làm đám cưới cho cho đứa em út. Mạ vẫn thỉnh thoảng có những cơn mệt kiệt sức, mà chúng tôi không hiểu rõ nguyên do. Hôm cuối ở Sài Gòn, mọi người đang ở nhà người anh họ, chuẩn bị đi ra ăn tiệc chia tay với bà con họ hàng. Mạ nói Mạ hơi mệt, Mạ nằm nghỉ ở nhà. Khi Mạ đứng ở cầu thang, Mạ khụy chân, té ngồi xuống. Em tôi vội chạy lại đỡ, bồng Mạ lại nằm ở ghế xa- lông. Người nhà kêu ông thầy thuốc nam đến nắn. Không sưng nhưng Mạ nói cảm thấy đau. Theo chương trình, chúng tôi phải đưa Ba Mạ đi vòng qua ngõ Thái Lan. Ba Mạ, tôi và con trai qua Bangkok trước, ở lại hai đêm. Sau đó, sẽ gặp các gia đình khác ở phi trường, rồi bay về Đức. Tôi đặt xe khách sạn đến đón. Thấy Mạ mệt mỏi, có vẻ đau. Nhưng tôi không hề nghĩ đến thương tích gì trầm trọng. Tôi hỏi mướn ghế xe lăn của khách sạn, tôi muốn đưa Mạ đi chùa. Người ta không cho mướn, tôi rất bất bình. Cuối cùng, tôi nhờ con trai ở nhà trông chừng bà Ngoại, tôi đưa Ba đến chùa Phật Nằm. Hai cha con lâm râm cầu nguyện cho Mạ mau lành bệnh. Tội nghiệp Mạ, sợ chồng con lo, suốt hành trình dài, Mạ chẳng nói cho con biết, rằng Mạ rất đau, rất mệt. Về đến Đức, qua ngày thứ hai, Mạ vẫn đau và mệt. Chúng tôi đưa Mạ ra bệnh viện. Bác sĩ chụp quang tuyến, chẩn đoán và cho biết kết quả. Chúng tôi không ngờ, cơn ngã nhẹ ở Việt Nam đã làm xương chậu của Mạ bị nứt. Bác sĩ cho biết sẽ phải giải phẫu. Chúng tôi bàn bạc nên trình bày tình trạng như thế nào để Mạ và Ba không quá hoảng sợ. Sau khi giải phẫu, ráp xương, bệnh viện chuyển Mạ về tĩnh dưỡng ở dưỡng đường trên núi gần nhà. Thời gian đó tôi nghỉ hãng cũ, chưa đi làm hãng mới, có mấy tháng quanh quẩn ở Bad-Nauheim. Nghĩ lại, đó là cái duyên tốt cho tôi, có cơ hội chăm sóc, gần gũi Mạ. Sáng, khi tôi lên đến nơi, Mạ đã xong điểm tâm, ăn bánh mì chấm sữa nóng. Còn lại đồ ăn, Mạ để dành cho tôi. Mạ làm sẵn bánh mì với xúc xích, phô mai để trên bàn, Mạ nhắc tôi ăn. Sau đó, tôi đi với Mạ đến các phòng thể dục trị liệu. Những khi không phải sinh hoạt chung với các bệnh nhân khác, hai Mạ con ngồi nói chuyện với nhau. Buổi trưa, khi Mạ ngủ, tôi trải áo khoác lên sàn nhà, ngủ lơ mơ. Chiều chiều, tôi đưa Mạ xuống sân hóng nắng và phụ Mạ tập đi. Tôi đẩy xe theo Mạ, thúc nhắc Mạ ráng tập cho mau bình phục. Lúc đó Mạ đã cố gắng rất nhiều. Có hôm Mạ mệt nhọc đưa nạng cho tôi:
-Mạ chán quá, sao không thấy khá gì hết. Chỉ thấy ngày càng tệ hơn.
Những bệnh nhân khác, hoặc thân nhân của họ, khi ngồi hong nắng cũng quan sát hai mẹ con. Thấy Mạ đi được một đoạn dài, họ vỗ tay khích lệ. Tôi liền kể ngay với Mạ:
-Họ khen Mạ đi giỏi. Có tiến bộ nhiều đó.
Ở nhà chuẩn bị đón tiếp Mạ từ bệnh viện về. Bầy cháu vẽ chữ trang hoàng nhà cửa. Chồng em gái tôi và các em trai lắp ráp những thiết bị dụng cụ trong nhà thích hợp cho Mạ.
Khi tôi qua hãng mới, cô xếp rất thông cảm hoàn cảnh của tôi. Những ngày nghỉ bắt cầu, cô luôn nhường cho tôi lấy phép, để có cuối tuần dài về thăm Ba Mạ. Mạ vẫn hay bị những cơn mệt đến ngất người. Bác sĩ gia đình không tìm thấy rõ nguyên nhân khác ngoài bệnh Parkinson. Chúng tôi thuyết phục Mạ vào bệnh viện thành phố để khám tổng quát. Lần đó, bác sĩ đề nghị chuyển qua bệnh viện chuyên khoa Parkinson. Vào bệnh viện này, tôi gặp nhiều trường hợp khác nhau. Nơi Mạ, một đôi khi chúng tôi thấy có dấu hiệu tốt hơn. Nhưng chung chung tình trạng càng ngày càng đi xuống. Mạ không muốn ăn, hay sợ hãi, hay có ảo giác, thấy thú dữ, lụt lội.
Anh tôi đề nghị thử đưa Mạ đến người bạn là bác sĩ châm cứu. Chúng tôi chở Ba Mạ đến bác sĩ người Việt. Những lần châm cứu đầu, cả Ba lẫn Mạ đều thấy kết quả tốt. Có lẽ yếu tố tâm lý thuận tiện. Bác sĩ rất sốt sắng, đối xử với Ba Mạ thật thân tình. Mạ kể bệnh trạng cho bác sĩ nghe, bác sĩ cắt nghĩa tường tận. Được nói và nghe tiếng Việt đã giúp Mạ lạc quan hơn. Anh tôi nghiên cứu cách chữa trị bằng nhân điện. Tôi nhớ, có cuối tuần, trời đẹp, tụi tôi đưa Mạ ra nằm chơi ngoài sân. Ba dùng ngải cứu để khai huyệt, anh tôi cầm tay Mạ, tập trung tinh thần, như truyền sức sống thêm cho Mạ. Mạ hay cảm thấy ớn lạnh, nhất là lạnh ở bắp chân. Các chị tôi tìm mua nhiều loại áo thật ấm, nhưng mỏng để Mạ mặc cho dễ chịu, hoặc đan cho Mạ những đôi vớ ống mang kéo lên đầu gối. Mấy đứa em trai thay phiên nhau xoa bóp bắp chân cho Mạ.
Chúng tôi bàn bạc nhau, muốn thay đổi không khí xem thử có thể làm Mạ khỏe hơn không. Anh kế của tôi đón Mạ về nhà, để anh chăm sóc một thời gian. Ba ở trên lầu với con anh, anh ở với Mạ trong phòng khách tầng trệt. Vợ anh ngủ dưới hầm. Chân Mạ ngày càng yếu. Chúng tôi để Mạ ngồi trên xe lăn, đưa Mạ dạo loanh quanh trong xóm. Một hôm, anh chị và tôi đang ăn cơm trong bếp, Mạ đứng dậy ngoài phòng khách, tính dọn dẹp chi đó, chúng tôi nghe tiếng Mạ té. Chúng tôi vội chạy ra, anh bồng Mạ lại ghế, hỏi Mạ có đau đâu không. Mạ lắc đầu. Khi anh lau mặt cho Mạ, anh thấy trên đầu Mạ bị sướt một chút, có rướm máu. Ngày hôm sau, chúng tôi đưa Mạ vào bệnh viện. Tôi kể cho bác sĩ nghe và yêu cầu chụp hình xem có thương tích gì không. Sau đó, Mạ ở lại bệnh viện, không phải do bị ngã, mà vì bị sưng phổi. Cu Bờm, con anh tôi, dẫn tôi đạp xe đến bệnh viện thăm Mạ. Có hôm ngồi nói chuyện xưa, cu Bờm nghe hóng chuyện, rồi hỏi:
-Hồi đó bà Nội có giả đò làm rớt cái khăn, để cho ông Nội lượm, rồi làm quen không?
Mạ bật cười thành tiếng. Lâu lắm mới thấy lại nụ cười, nghe lại tiếng cười của Mạ. Chúng tôi thật vui. Nhớ lại, mới năm nào đây, tiếng Mạ cười giòn giã, khi tụi tôi đùa giỡn với câu ăn hột mít... lên trên độn... Lần cuối Mạ bật tiếng cười, có lẽ là vào giáng sinh năm nọ. Khi một đứa cháu ngoại đem món quà giáng sinh ra thử, đôi vớ sặc sỡ, mang khít vào từng ngón chân. Mạ bật cười có vẻ thích thú. Càng ngày Mạ càng ít nói. Chúng tôi tìm đủ mọi cách để khơi chuyện với Mạ. Đôi khi chúng tôi giả đò đưa ra những câu nói vô lý để Mạ “bực” quá, phải cắt nghĩa cho chúng tôi hiểu. Ngày trước, Mạ rất thích coi ca nhạc. Nhưng dần dà, Mạ không còn quan tâm nữa. Những lời cảnh báo của những người có thân nhân bị bệnh Parkinson như càng ngày càng rõ. Nhưng trong thâm tâm chúng tôi, chúng tôi không muốn tin. Đôi khi bắt gặp Mạ ngồi bất động nhìn vào khoảng không, tôi thương Mạ đến não lòng. Tôi hay về thăm Ba Mạ. Nhưng chỉ là cuối tuần hoặc ngày lễ. Em gái út của tôi, bên Mạ hàng ngày, và những lần đưa Mạ vào cấp cứu, trong lòng chắc biết bao niềm đau nhức nhối.
Chúng tôi thuyết phục đưa Mạ đi chơi tết Nguyên Đán của trường Việt Ngữ Frankfurt. Thấy anh tôi chăm sóc cho Mạ, mấy người bạn trầm trồ, Ba Mạ thật có phúc, có con trai lo lắng cho Mạ chu đáo không khác gì con gái. Đó là năm cuối cùng, các con, cháu của Mạ nhận được lì xì đầu năm, Mạ trao bằng đôi tay run run. Đến phiên Bòn Bon, đứa con út em gái tôi, Mạ như muốn cho Bòn Bon 2 phần, có lẽ do Bòn Bon là đứa cháu gần gũi nhất với Mạ.
* * *
Ngày xưa, nghe đến Casablanca, tôi liên tưởng đến hình ảnh cô tài tử Ingrid Bergmann trong vai Ilsa cúi xuống yêu cầu người nhạc công trình bày lại bản nhạc As Time Goes By. Nhưng bây giờ, tôi không nghĩ đến cuốn phim cổ điển nữa.
Bây giờ, mỗi khi nghe đến địa danh này, tôi không cầm được nước mắt, nhớ đến một đêm tháng Sáu, khi tôi đang đâu đó trong thành phố này ở Phi Châu, xa thăm thẳm nơi Mạ đang ở, thì Mạ đã vĩnh viễn ra đi. Tôi thành mồ côi Mẹ. Trong tôi còn vang vọng lời hát ... Lỡ mai này Mẹ hiền có mất đi, như đóa hoa không mặt trời, như trẻ thơ không nụ cười, như đời mình không lớn khôn thêm... Tôi không có được diễm phúc bên Mạ trong những giờ phút cuối của đời Mạ, không được bên cạnh thân xác Mạ đang lạnh dần. Tuần lễ tôi sắp xếp, đã kể cho Mạ nghe, tôi không dùng để chăm sóc Mạ như dự định, mà để đưa Mạ tới nơi yên nghỉ cuối cùng. Để cùng anh, chị, em, con, cháu trong gia đình chít vành khăn tang, cùng đớn đau khóc cho mất mát lớn nhất đời người: niềm đau mất Mẹ.
Hoàng Quân
No comments:
Post a Comment